Nhất Dương Động vạn vật sanh
Nhất Dương Động vạn vật sanh
Viên Như
- KHỞI NGUYÊN DỊCH HỌC
Sau nhiều ngàn năm con người, cụ thể ở đây là tổ tiên người Việt, đối diện với những mất mát, nhất là cái chết, từ đó họ nêu ra câu hỏi “Vạn hữu và con người sanh ra từ đâu? Chết đi về đâu?” Đồng thời đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, kết quả là hệ thống triết học dịch ra đời.
Đây cũng là câu hỏi căn để của nhân loại, nó là tiền đề cho hai phạm trù triết học Bản thể luận 本体論 và Hiện tượng luận 現象論, tức vũ trụ quan và nhân sinh quan, từ đó mà sinh ra các trường phái triết học và tôn giáo khác nhau. Như thế bản thân của kinh dịch ban đầu là một triết thuyết.
Tuy nhiên đến thời nhà Tần, người ta đã hủy đi nguyên lý “Nhất dương động, vạn vật sanh” và Kinh hạ – Dương, chỉ để lại Kinh thượng – Âm và đặt tên là Chu dịch. Do Kinh thượng – Âm, nên chỉ dùng để xem tử vi, phong thủy.
II . “NHẤT DƯƠNG ĐỘNG” LÀ GÌ?
Trong dịch học, hiện tượng thuộc Dương – Càn, bản thể thuộc Âm – Khôn. Khi Càn tương tác với Khôn, trong Khôn sinh ra hào dương – Cấn, sau đó thành Khảm, Chấn, cả ba đều có một hào dương, bản thể sanh ra hiện tượng. Tiến trình này gọi là “Nhất dương động, vạn vật sanh”.
Từ tiến trình này hình thành hai cuốn Kinh dịch:
- Kinh thượng: Thiên Địa, Càn Khôn. Vũ trụ quan
- Kinh hạ: Nhân – Cấn. Nhân sinh quan
Do trống đồng Ngọc Lũ và truyện họ Hồng Bàng đều thể hiện nội dung tương đồng, đó là kinh dịch, vì vậy ở đây tôi dùng cả hai để minh họa và giải thích.
KINH THƯỢNG: THIÊN – ĐỊA, CÀN – KHÔN, ÂM
- Thuần Càn, chi Tỵ – Rắn, (Phục Hy, Kinh Dương Vương, xuống thủy phủ) tương tác với Thuần Khôn, chi Hợi, (Nữ Oa, Thần Long,) sinh ra Thuần Cấn, (Sùng Lãm).
- Hào dương của Thuần Cấn, (Sùng Lãm), lớn lên thành Thuần Khảm, (Lạc Long Quân).
- Thuần Khảm động, khiến cho dụng Âm của Hà đồ, tức trục Hoành: Khảm Ly, quẻ 63, thành dụng Dương của Lạc thư, tức trục Tung: Ly Khảm, quẻ 64. Hà đồ, chuyển động ngược thành Lạc thư, chuyển động xuôi, ông Táo – Ly, lên trời, chánh nam, (ta thấy hình ảnh trên trống Ngọc Lũ lúc này chuyển động xuôi), bản thể sinh ra vạn hữu, tức “Nhất dương động, vạn vật sanh.” Đây là câu trả lời cho câu hỏi: “Vạn hữu sinh ra từ đâu?”
Xem toàn bộ tiến trình này bằng hình ảnh động ở đây:
https://studio.youtube.com/video/wt2cVCYhT8Y/edit
III. KINH HẠ: NHÂN – CẤN – DƯƠNG
Như đã trình bày, trong vạn hữu có con người nói chung, người Việt nói riêng, trong truyện họ Hồng Bàng là Lạc Long Quân. Người xưa cho rằng con người là trung tâm của hiện tượng, vì con người là trời đất thu nhỏ “Nhân sinh tiểu thiên địa”, do đó con người cũng có tiến trình “Nhất dương động” như tiến trình của thiên địa.
Tuy nhiên, tiến trình “Nhất dương động” của con người, ở đây là Lạc Long Quân và Âu Cơ, thì rõ ràng hơn, cụ thể Kinh hạ: Nhân, bắt đầu bằng ba quẻ 31, 32, 33. Cụ thể như sau:
- Quẻ 31. Trạch sơn hàm – Yêu nhau. Quẻ 32. Lôi phong hằng – Lấy nhau
- Sau đó hai người dắt nhau về ở núi Đại, tức núi Thái. Tình tiết này được tổ tiên thể hiện trên trống đồng Ngọc Lũ như sau: Trong nhà Ly, hướng nam, ta thấy có hai người: Người đưa tay lên dấu hiệu một – dương – Lạc Long Quân. Người đưa tay dấu hiệu hai – âm – Âu Cơ.
- Tiếp đến, hai người ngủ với nhau, tức là quẻ 33. Thiên sơn độn, “Rồng Tiên”. Đây lý do mà người Việt cho rằng, họ là “Con Rồng, cháu Tiên” .
Xem toàn bộ tiến trình này bằng hình ảnh động ở đây:
https://studio.youtube.com/video/011gaCd3dqA/edit
IV . VỀ KHÁI NIỆM “CON RỒNG, CHÁU TIÊN”
- Nguồn gốc thành ngữ “Con Rồng, Cháu Tiên”
Thành ngữ này xuất phát từ câu chuyện “Họ Hồng Bàng”. Thông thường người ta cho rằng “Con Rồng” là con của Lạc Long Quân, “Cháu Tiên” là cháu của Âu Cơ, nhận thức này có thể đến từ lời nói của Lạc Long Quân trong truyện Họ Hồng Bàng: “我是龍種,水族之長;你是仙種,地上之人。Ta là giống rồng, đứng đầu thủy phủ, nàng là giống tiên, người ở trên cạn”.
Tuy nhiên trong câu này Lạc Long Quân chỉ nói là “giống – 種 (gene)” thôi chứ không hề nói ông và Âu Cơ là Rồng, Tiên, cho nên cách hiểu như trên là hoàn toàn không thỏa đáng, bởi vì đã là con của Lạc Long Quân, thì làm sao lại là cháu của Âu Cơ được? Mặc dù về lý thuyết, cả hai là tổ tiên người Việt.
- Vậy “Rồng, Tiên”, theo truyện Họ Hồng Bàng là gì?
Hiểu theo truyện thì Lạc Long Quân và Âu Cơ là con của Kinh Dương Vương – Càn, và là cháu của Đế nghi – Cấn.
- Nhu cầu thầm lặng của văn hóa cội nguồn
Về sinh học, “Rồng Tiên” là hai khái niệm không có thật, dĩ nhiên, ở nước Việt, ai cũng biết điều đó. Thế mà họ luôn hãnh diện, họ là “Con Rồng, cháu Tiên”. Tại sao vô lý vậy? Câu trả lời là, vì họ đặt niềm tin vào tổ tiên, nói đúng hơn, người Việt có nhu cầu thầm lặng về nguồn cội, mặc dù họ không lý giải được tại sao tổ tiên nói như vậy.
- Ý nghĩa đích thực của thành ngữ “Con Rồng, cháu Tiên”
Theo tôi sở dĩ có tình trạng đó là vì ta đã nhận định chưa chính xác về thành ngữ này, hệ quả là, hầu như không ai nghĩ rằng đó là một gợi ý liên quan đến kinh dịch.
Hiểu theo dịch Liên sơn, Rồng Tiên là cách diễn giải quẻ 33. Thiên sơn độn, đại diện cho bản thể hay tổ tiên theo Kinh hạ: Nhân – Cấn.
THIÊN 天 – CÀN tượng là RỒNG
SƠN 山 – CẤN, Cấn vi sơn 艮 為 山, tượng là TIÊN仙.
Khang Hy: 山. 音仙. Sơn. Âm tiên.
Chữ sơn 山 lục thư cũng chính là chữ tiên 仙 triện thể (Chinese Etymology dictionary -山)
Cho nên ngay từ đầu, tổ tiên đã cài đặt khái niệm này vào trong chữ dịch 易, cụ thể kết cấu của chữ 易 như sau:
Trên, Nhật 日 mặt trời Càn – Rồng
Dưới, Vật 勿 dừng lại, tương đương với Cấn, vì Cấn chỉ dã 艮 止 也 Cấn dừng lại vậy. Như vậy vật 勿 là Cấn – Tiên.
Khái niệm này được thể hiện qua hình ảnh của chữ dịch giáp cốt.
- Tại sao lại có nghịch lý đó?
Như đã nói, về mặt sinh học, chẳng ai ở nước Việt tin rằng, rồng, tiên, là có thật, tất nhiên tổ tiên Việt cũng thừa biết điều đó, tuy nhiên trong kinh dịch, cả hai đều có thật, thông qua đó, tổ tiên đã cài đặt nguồn gốc của dân tộc mình, cho nên tổ tiên chẳng còn cách nào khác ngoài việc sáng tạo ra một thành ngữ, có chức năng như một đường dẫn, gợi ý cho con cháu những khái niệm tượng trưng cho hai hình ảnh rồng, tiên trong dịch học, qua đó biết được Kinh hạ: Nhân., nơi tổ tiên đã cài đặt các khái niệm về nguồn gốc tộc Việt, có nghĩa là vào thời điểm đó tổ tiên biết rất rõ việc phương bắc đã hủy đi nguyên lý “Nhất dương động”, mục đích là xóa đi những dấu vết, qua đó, người Việt sẽ không còn nhận ra nguồn gốc của mình.
Như thế có nghĩa là vấn đề nguồn gốc của người Việt vào thời điểm đó, hết sức nhạy cảm, nếu để lộ nguồn gốc, dân tộc Việt có thể sẽ bị truy cùng, giết tận, cho nên phải nhẫn nhục, chịu đựng, hình ảnh con rồng tự cắn vào thân mình nói lên điều đó. Nhưng cứ dấu mãi, theo thời gian, rồi ra con cháu sẽ không biết nguồn gốc dân tộc mình xuất tích từ đâu, những gì đang diễn ra hiện tại cho thấy điều ấy.
Đây chính là lý do vì sao ngày ấy, tổ tiên Việt không thể nói thẳng ra rằng, dân tộc mình đã hình thành nên nền triết học Âm – Dương, Ngũ hành, đỉnh cao là Kinh dịch, thay vào đó là, gởi lại thông điệp này qua các loại hình văn hóa, như ca dao, tục ngữ, truyện ngụ ngôn, tranh dân gian, điêu khắc, quan trọng nhất là trống đồng Ngọc Lũ và truyện Họ Hồng Bàng, gắn liền với thành ngữ “Con rồng, cháu tiên”.
Như vậy thành ngữ “Con rồng, cháu tiên” là một di chúc, một mệnh lệnh, đó là các ngươi hãy đi tìm cuốn hai hay KINH HẠ: NHÂN – CẤN, và điều này tôi đã thực hiện xong, nếu không biết nguyên lý “Nhất dương động” thì không biết cuốn kinh hạ: Nhân là gì. Có thể nói toàn bộ nền văn hóa Dương Tử và Hoàng Hà được được thành lập trên cơ sở Kinh hạ: Nhân, bởi vì văn hóa là của con người – Nhân, chứ không phải trời đất – Thiên địa.
Thành ngữ “Con Rồng, cháu Tiên” gồm hai phần:
- Rồng Tiên – Tổ tiên
- Tiên Rồng – Con cháu.
Xin trình bày “Rồng Tiên – Tổ tiên” trước.
VI . RỒNG TIỀN – TỔ TIÊN
Theo tôi, người Việt hiện nay có nguồn gốc từ phương Nam lên phương Bắc, khoảng 10 ngàn năm trước, sau đó sáng tác ra kinh dịch và lập nên nhà Hạ, sau đó là nhà Chu, chỉ trở về Giao Chỉ, khoảng tiền bán thế kỷ III TCN. Điều này đã được tiền nhân minh định ngay từ đầu cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, phần Ngoại Kỷ, Kỷ Hồng Bàng, như sau:
Xét: “Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu thì Bách Việt thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy.”
Căn cứ vào thông tin này ta có thể vẽ lại theo sơ đồ theo dịch học và trên thực địa như sau:
Theo lịch sử, Nghiêu, Hy Thị, tức Phục Hy, Hạ Vũ và nhà Chu, là những người đã đúc kết các quy luật âm dương, làm nên cả nền văn hóa, từ Dương Tử tới Hoàng Hà, đỉnh cao là kinh dịch. Việc tiền nhân viết thông tin này ngay từ đầu cuốn chính sử, cho thấy rằng những con người này liên quan đến người Việt, nói khác hơn, họ là người Việt. Đồng thời các tên chỉ người và địa danh như: Nam Giao, Giao chỉ, Bách Việt, là những từ có khái niệm đến từ dịch học, tất cả đều thuộc Châu Dương, bắt đầu từ tây nam, nơi có quẻ Thiên sơn độn, tới đông bắc, chi Dần, nơi người Việt được sanh ra theo dịch học. Đây chính là vương quốc Xích Quỷ của Kinh Dương Vương, và cũng là ranh giới của nước Văn Lang của vua Hùng. Như vậy Nghiêu, Phục Hy, Hạ Vũ và nhà Chu, có nguồn gốc Nam Á, do đó ngôn ngữ của họ nhất định mang dấu ấn của Nam Á.
Tuy nhiên, từ sau khi nhà Tần chiếm lĩnh Trung Nguyên, họ ra sức tiêu diệt nhà Thục, Chu, qua chính sách “Phần thư, khanh Nho”, sách và giới tinh hoa ở đây là người nhà Chu Việt. Sau đó họ đã san định lại sách vở theo trật tự ngôn ngữ của họ, nhưng có một thứ họ không thể san định, mà có thể xóa dấu vết Chu Việt được, đó là Kinh dịch, nên họ chỉ xóa đi phần lý thuyết hình thành nên hai cuốn Kinh dịch, đó là nguyên lý “Nhất dương động” và Kinh hạ: Nhân – Dương, một cuốn kinh làm cơ sở để hình thành nên hầu hết các hình thái văn hóa của Trung Nguyên, chỉ để lại cuốn Kinh thượng: Thiên địa – Âm, và gọi đó là Chu dịch, vì rất khó tước đoạt tác quyền của cuốn kinh này.
Sau nhà Tần, nhà Hán tiếp tục thi hành chính sách đó, họ đổi tên gọi con chữ ngày ấy từ Nho thành Hán, tự nhận mình là hậu duệ của Hoa Hạ, nhưng chữ hán 漢chỉ người Hán, lại không có chữ giáp cốt, xóa bỏ thông tin về khởi nguyên Phật giáo, vốn đã được nhà Chu Chu hóa trước đó, thay bằng câu chuyện Hán Minh Đế 漢明帝nằm mộng thấy người vàng.
Tất nhiên, dù đã san định lại hầu hết sách vở, nhưng không phải mọi thứ đều mất hết, ví dụ một số từ mang trật tự chính phụ của ngôn ngữ Việt vẫn còn sót lại, như Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Khốc, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Trung Nguyên, trung tâm, Việt Lạc越駱, hay phủ việt 斧钺 (búa việt) trong hai câu: 越駱之箘是也。斧钺为礼器.
Trong đoạn sử trên, ta thấy tiền nhân đã không xem nhà Thương là người Việt, ta cũng thấy điều này trong giải thích chữ việt 戉của Thuyết văn giải tự:
司馬灋曰。夏執玄戉。殷執白戚。周左杖黃戉。又把白髦
Tư Mã Pháp nói: Hạ cầm búa đen. Ân cầm thích trắng. Chu tay trái cầm búa vàng
Với giải thích này, cho biết nhà Hạ và nhà Chu, là người Việt, còn nhà Thương thì không phải.
VII. ỨNG DỤNG CÁC PHẠM TRÙ DỊCH LÝ ĐỂ CHỈ CỘI NGUỒN
Ta thấy trên sơ đồ, quẻ 33. Thiên sơn độn nằm ở hướng tây nam, chính vì vậy các phạm trù dịch lý của hướng này được tổ tiên sử dụng để chỉ về cội nguồn, như: Quái Tốn, can Đinh, chi Mùi.
- Quái Tốn
Do nằm ở hướng tây nam, nên Tốn được sử dụng để chỉ nguồn gốc Rồng Tiên
- Tốn vi phong 巽為風 (Thuyết quái)
Thuyết văn giải tự giải thích chữ phong 風 như sau: 凡無形而致者皆曰風. Phàm vô hình nhi trí giả giai viết phong. Phàm cái gì đến từ vô hình đều gọi là phong. Từ đó mới có từ Phong tục 風俗 tức là những thói quen hay truyền thống từ tổ tiên để lại, hay gia phong 家風, môn phong 門 風
- Tốn vi cao 巽為高 (Thuyết quái).
Cao cũng chỉ cho tổ tiên, vì vậy bài vị thờ tổ tiên người ta thường viết “Cao Cao tằng tổ khảo 高高曽祖考, cao cao tằng tổ tỷ 高高曽祖妣”. Tốn vi kê 巽為鷄 (Thuyết quái), Tốn là gà nên cuối năm, cúng tổ tiên phải là con gà trống, sau đó lấy đôi chân bói xem tổ tiên nói gì, vì chân là Chấn, Chấn vi túc 震為足, cả hai là trục Chấn Tốn, tức trục phân chia âm dương của bản thể, mà cũng là hai nam nữ đầu tiên lấy nhau, quẻ 32, sau đó là quẻ 33, cha mẹ giao hòa, rồi sinh ra con cháu, Lạc thư, lúc đó trục phân chia âm dương là quẻ 15. Nhưng không được cúng gà màu trắng, vì Tốn vi bạch 巽為白.
1.3. Tốn – âm Mộc
Tốn thuộc âm Mộc, tương thích với can Ất 乙, âm Mộc. Cho nên những chữ liên quan đến cội nguồn phương Nam đều thuộc bộ Ất 乚, 乙 như:
Càn 乾, 乹, Thư (Lạc) 书, 書 (Lạc) Việt (người) 戉, Nhật 𡆠 (mặt trời), Quy (rùa) 亀, 龜, Bối 貝 – 𪚾, Dịch (kinh) 𠃓, 易 (kinh), hương (quê) 乡, 郷, Cửu 九. Thất 七.
Vì vậy ở đền Hùng, Phú Thọ, tại đền Thượng, người xưa đã đặt bài vị thờ “Ất Sơn thánh vương”
Tốn thuộc Mộc 木, Mộc cũng thể hiện tổ tiên, nên tổ tiên mới sáng tác ra truyện Man Nương, trong đó nàng vớt cây lên làm bốn tượng Phật thờ ở bốn chùa: Pháp vân, Pháp vũ, Pháp Lôi, Pháp điện. Ý chỉ tổ tiên.
- Can Đinh丁, âm Hỏa
Cội nguồn của người Việt hay người Nam, thuộc Hỏa, nhưng tổ tiên là người đã mất tức âm Hỏa, can Đinh thuộc Âm Hỏa, người Việt thuộc Thổ, Hỏa sanh Thổ. Vì vậy tiền nhân đã sử dụng can Đinh để đại diện cho cội nguồn người Việt, cụ thể khái niệm này được thể hiện ở hai câu đối ở đền thờ Hai Bà Trưng.
2.1. Đền Đồng Nhân
接洛開丁冠絻穪王三載史
驅蘓抗馬山河還我萬年芳
Tiếp Lạc khai Đinh, quan miện xưng vương tam tải sử
Khu Tô kháng Mã, sơn hà hoàn ngã vạn niên phương
Tạm dịch:
Nối Lạc, khai Đinh, áo mão làm vua ba năm trong sử sách
Vây Tô, chống Mã, nước non độc lập, tiếng thơm còn mãi đến muôn đời.
Chữ Đinh 丁 trong ngữ cảnh này có ý nghĩa như là Rồng, Tiên
2.2. Đền Hát Môn – Hà Nội
大義復夫讎猶令東漢當辰嶺南六十五城勞逺略
鴻圖肇國統從此皇丁而後越甸數千餘載定天書
Đại nghĩa phục phu thù, do linh Đông Hán đương thời, Lĩnh Nam lục thập ngũ thành lao viễn lược
Hồng đồ triệu quốc thống, tòng thử Hoàng Đinh nhi hậu, Việt Điện sổ thiên dư tải định thiên thư.
Tạm dịch:
Nghĩa lớn trả thù (cho) chồng, do đây Đông Hán ngày ấy phải nhọc sức xâm lược 65 thành Lĩnh Nam xa xôi.
Tiên Rồng mở mối nước, từ Hoàng Đinh tới giờ, cỏi Nam dựng nước quá ngàn năm.
Chữ Đinh 丁 trong ngữ cảnh này cũng có nghĩa là Rồng Tiên.
- Chi Mùi未, đại diện là con dê 羊, tháng 6, thuộc Thổ.
Do Mùi 未 là con dê – Dương 羊, vì vậy bộ dương 羊 được sử dụng để chỉ các chữ có tính cội nguồn của người Việt, như chữ Hy 羲 (Phục) chữ Nghĩa 義, hay Kinh Dương Vương, Thuần Càn, thuộc Kim, hướng đông nam, tương thích với sao Quỷ kim dương 鬼金羊. Sinh ra Lạc Long Quân貉 龍 君, nên chữ Lạc 貉 thuộc bộ trĩ豸, vì bộ trĩ 豸 có nghĩa là con dê thần 神羊.
Đông nam thuộc cung Đoài, nên thuyết quái viết: Đoài vi dương 兌 為羊.
Cho nên khi trở về Nam, tiền nhân đã dựng đền Hùng, đặt tên cho ngọn núi đó là Nghĩa Lĩnh 義嶺, vì chữ 義 được dùng như chữ Hy 羲, cả hai đều thuộc bộ dương羊, ta có thể thấy điều này trong kết cấu của chữ hy 犧 dị thể là 犠, nhưng sợ con cháu không nhận ra, nên đặt tên xã đó là Hy Cương 犧崗, thôn Cổ Tích古跡.
Quẻ 33. Thiên sơn độn – Rồng Tiên (3+3=6), nằm tháng 6, Chi Mùi 未, nơi xuất tích cội nguồn “ Rồng Tiên” của người Việt.
Vua Hùng đại diện cho Càn, lý số 6, theo Lạc thư
Chữ Hùng 雄 thuộc bộ thứ 6. (雄)鳥父也。从隹。厷聲。羽弓切。古音在六部
Các truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” Trưng bính truyện” tiền nhân thường viết đời vua Hùng thứ 6, cho nên tại đền Hùng, người xưa đã xây ngôi mộ vua Hùng thứ 6 để gợi nhớ.
Cũng chính vì vậy mà ngày xưa người Việt giỗ Tổ vào đầu Thu, tức cuối tháng 6, đầu tháng 7, đến thời Nguyễn mới đổi thành 10/3
- Chi Mùi, thuộc Thổ, chỉ con cháu, tức Tiên rồng
4.1. Trống Cửu Chân Phú Xuyên (Hà Tây cũ) có minh văn.
玖 甄, 重 六 鈞, 五 斤, 八 両, 名 曰 富, 第 未 十 一
Cửu Chân, trọng lục quân, bát lạng, ngũ cân, danh viết Phú. Đệ Mùi thập nhất
Cửu Chân (?), nặng 185 cân rưỡi , tên đặt là “Phú“, Tiên Rồng (Hồng Bàng) đời thứ 11
Theo tôi, niên hiệu và năm ở đây là tính từ khi bỏ Trung Nguyên quay về Nam, khoảng năm 280 TCN
4.2. Bình đồng Nghi Vệ, Bắc Ninh, do Olop Janes tìm thấy trong ngôi mộ ở Bắc Ninh, năm 1937, có minh văn:
累 摟 壺 容 一 石 名 曰 萬歲 第 未 十 六
Luy Lâu hồ dung nhất thạch danh viết vạn tuế đệ Mùi thập lục
Bình của Luy Lâu, chứa được một thạch, tên là “Vạn Tuế”, Tiên Rồng (Hồng Bàng) đời thứ 16
4.3. Thạp Long Vượng, Thanh Hóa, Bảo tàng Barbier-Mueller (Geneva – Thuỵ Sĩ), mang ký hiệu BMM-2505-29
龍 旺 重 六 (衡) 名 曰 果 第 未 五 十 二 容 一 廿 一 斗 七 升 半 升
Long Vượng 龍 旺 (TS. Nguyễn Việt cho rằng chữ Long Xoang龍腔), trọng lục hoành, danh viết Quả, đệ Mùi, ngũ thập nhị, dung nhất trấp nhất đấu thất thăng bán thăng.
Thạp Long Vượng, cân nặng sáu hoành, tên gọi là “Quả”, Tiên Rồng (Hồng Bàng) đời thứ 52, chứa được 21 đấu bảy thăng rưỡi.
http://www.drnguyenviet.com/?id=5&cat=1&cid=51
VIII. TẠM KẾT
Như thế, từ ngàn xưa, tổ tiên Việt đã nhận thức một cách cụ thể, về tiến trình sinh ra vạn hữu và con người, tất cả không gì ngoài sự tương tác của hai yếu tố âm dương.
Điều này có nghĩa là không có chuyện một ai đó, một mình mà sinh ra vạn hữu được; đồng thời qua đây cho thấy vấn đề Tô tem (totemisme), vật tổ, xem ra quá lạc hậu so với hiểu biết của tổ tiên.
Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sinh ra người Kinh, Việt, theo tiến trình dịch học, như thế nào, sẽ trình bày ở bài sau.
Đà Lạt, Mạnh đông, Quý Mão, 2023