Nguồn gốc Dịch học: Trung hay Việt
Nguồn gốc Dịch học: Trung hay Việt
Viên Như
Kể từ khi ra đời đến nay, trải qua nhiều ngàn năm, dịch học đã phát triển và ứng dụng trên hầu hết các mặt của đời sống, chính trị, văn hóa, kinh tế, có hàng ngàn trước tác, luận bàn về nó, không những phát triển tại Trung Hoa mà còn lan rộng sang các nước Nhật Bản, Cao Li; đồng thời khi không gian trái đất nhỏ lại, trước sự phát triển của khoa học kĩ thuật, dịch học lại đến với thế giới của phương Tây. Cho đến nay đã có bốn cuộc hội thảo quốc tế về dịch học được tổ chức tại Trung quốc, rõ ràng Dịch, với tư cách là một thành quả tinh thần của một nền văn minh cổ xưa của con người Á Đông, đến nay vẫn còn ẩn chứa trong nó vô vàn hấp dẫn. Riêng tại Việt Nam, dịch học phát triển một cách tự nhiên vào đời sống xã hội, vì đã từ lâu, không gian, nơi mà dịch học ra đời, cũng chính là nơi mà người Việt đã từng sinh sống hay nói khác hơn chính người Lạc Việt đã sáng tạo ra hệ thống dịch học ấy, vì vậy tất cả những gì liên quan đến dịch học lúc sơ khai, đều mang dấu ấn của một nền văn minh lúa nước; đồng thời người Việt đã đóng dấu dân tộc mình vào đó thông qua các quẻ, quái và con chữ, điều này sẽ được chứng minh qua những gì mà tôi đã trình bày trong nghiên cứu này. Tuy nhiên vì lòng tự tôn dân tộc, sự cao ngạo của kẻ thống trị, người ta đã cố xóa bỏ dấu ấn của của người Việt trong quá trình phát triển dịch học, nhằm thay đổi tư duy người đời sau rằng những gì họ tuyên truyền là chính thống, nhưng cho dù không nhắc đến tên Việt trong nguồn gốc dịch học chăng nữa, nhưng với những gì được ghi lại trong nội tại của dịch học thì khó mà phủ nhận nguồn gốc của nó, cũng chính vì vậy mà ngày nay có nhiều người đặt nghi vấn về nguồn gốc của dịch học.
I. NGUỒN GỐC DỊCH HỌC THEO TRUYỀN THUYẾT CỦA TRUNG HOA.
Phàm cái gì có mặt trong đời thì đều có nguồn gốc của nó, dịch học cũng vậy, tuy nhiên vì bắt nguồn từ xa xưa nên nguồn gốc của nó cũng chỉ được gọi là truyền thuyết, nghĩa là không chắc thật. Tương truyền vào thời thượng cổ, Phục Hy (khoảng 2852-2738 TCN có sách nói 4300 TCN, 3400 TCN) [1], thấy con long mã trôi trên sông, trên lưng có 9 đốm xoáy, từ đó ông suy nghĩ về lẽ tự nhiên vẽ ra một vạch liền tượng trưng cho khí Dương, một vạch đứt tượng trưng cho khí Âm, hai tượng này gọi là Nhị nghi, trên mỗi Nghi ông thêm một vạch liền, một vạch đứt làm thành bốn cái hai vạch, gọi là Tứ tượng, tiếp đến trên mỗi Tượng ông thêm một vạch liền, một vạch đứt xếp chồng lên nhau, thành tám cái ba vạch, gọi là Bát Quái. Về sau, vào thời vua Vũ禹nhà Hạ夏, phát triển bát quái thành 64 quẻ, gọi là dịch Liên Sơn連山, lấy quẻ Thuần Cấn làm đại diện, tiếp đến nhà Thương lại cải sửa thành dịch Quy Tàng歸藏, lấy quẻ Thuần Khôn làm đại diện, đến đời Văn Vương, ông dựa trên lý thuyết này, nhưng thay đổi phương sở của các quái, làm thành Hậu Thiên Bát Quái; đồng thời viết Thoán từ cho mỗi quẻ. Tiếp đến, sau khi Chu Vũ Vương tiêu diệt nhà Thương, em ông là Chu Công Đán viết Hào từ. Đến thời Xuân thu (khoảng 722- 481 TCN), Khổng Tử viết Thập Dực để giải thích về dịch lý, từ đó Dịch học được phát triển không ngừng.
II . SỰ BẤT CẬP VỀ NGUỒN GỐC DỊCH HỌC THEO TRUYỀN THUYẾT CỦA TRUNG HOA.
Như thế cho đến nay chỉ có ba loại Dịch, nhưng chỉ có Chu Dịch là hiện hành, còn Liên Sơn và Quy Tàng đều được biết đến qua truyền thuyết mà thôi. Tuy nhiên, theo tôi những gì sách vở Trung Hoa viết về ba loại dịch đều có chổ không phù hợp, nhất là Liên Sơn và Quy Tàng. Xin trình bày như sau.
- Dịch Liên Sơn và Quy Tàng.
Với những gì được phát hiện tại quần thể mộ Bộc Dương [2], người ta tin rằng đây là mộ của Phục Hy, tuổi mộ là trên 6400 năm. Tại ngôi mộ này người xưa đã thể hiện hai sơ đồ, cái mà Chu Dịch gọi là Hà đồ và Lạc thư. Điều này cho thấy hai sơ đồ đó đã có từ rất lâu trước khi nhà Hạ ra đời, như vậy ta thấy rằng truyền thuyết về hai loại Dịch cổ chỉ có giá trị về tên gọi mà thôi, còn về thời điểm ra đời của nó hoàn toàn không thích hợp.
Như đã nói trên, hai sơ đồ căn bản của Dịch học, Hà đồ và Lạc thư, đã có mặt từ trước khi nhà Hạ, nhà Thương ra đời, do đó ta có thể nghĩ rằng Liên Sơn và Quy Tàng là cách gọi ban đầu của hai sơ đồ này, ngay cả thông tin Liên Sơn lấy quẻ Thuần Cấn, Quy Tàng lấy quẻ Thuần Khôn để làm đại diện cũng chỉ là suy đoán mà thôi, bởi vì Cấn vi sơn艮為山- Cấn là núi, Liên Sơn là hai núi, do đó người ta cho rằng Liên Sơn là quẻ Thuần Cấn, còn Khôn dĩ tàng chi坤 以 藏 之- Khôn là chứa nhóm vạn vật, nên người ta cho rằng Quy Tàng lấy quẻ Thuần Khôn làm đại diện. Như vậy ở đây ta có hai vấn đề, một là tên gọi, hai là quẻ đại diện, cả hai liên quan đến nhau.
Theo tôi, Liên Sơn và Quy Tàng chỉ là cách gọi ban đầu của hai sơ đồ Hà đồ và Lạc thư mà thôi, vào buổi đầu, những người làm ra Dịch học muốn nhấn mạnh đến tính dân tộc thông qua QUÁI và QUẺ, có nghĩa là họ lấy quái thể hiện nguồn gốc dịch học, từ khái niệm này mà họ đã làm nên cả hệ thống dịch học theo triết lý âm dương, còn quái CẤN là để chỉ người hay dân tộc làm ra dịch học. Đây chính là chìa khóa để khẳng định chủ nhân dịch học thuộc dân tộc nào, điều này Trung Hoa không hề hay biết, nhưng người Lạc Việt lại thể hiện nó một cách cụ thể, nói như thế là tôi cho rằng người Lạc Việt chính là chủ nhân của Kinh Dịch; đồng thời ý nghĩa của quái Cấn chính là đại diện cho dân tộc Việt, hay đại diện cho triết lý mà dân tộc Việt, căn cứ vào đó mà hình thành nên Dịch học. Vậy quái Cấn là gì? Câu hỏi này tôi sẽ trả lời ở điểm 3, trước tiên tôi xin trình bày về tên gọi và quẻ đại diện cho dịch Liên Sơn và Quy Tàng.
Trước hết, nói đến nguồn gốc dịch học là nói đến hai yếu tố Âm Dương, được ký hiệu hóa bằng hai quái Càn Khôn, từ hai quái này theo con đường Tứ tượng mà thành Bát quái. Do đó nói về nguồn gốc dịch học, theo hệ thống, thì không thể thiếu hai quái này, thế mà Liên Sơn lại lấy quẻ 52.Thuần Cấn, Quy Tàng lấy quẻ 2.Thuần Khôn, làm đại diện là bất cập.
Thứ đến, dịch học là triết lý lấy căn bản từ hai yếu tố khái niệm âm dương, ở đây là Càn Khôn, do đó không có loại dịch (hay biến dịch) nào có thể hình thành từ một thành tố cả, vậy mà quẻ 52.Thuần Cấn, quẻ 2.Thuần Khôn, nội quái và ngoại quái đều cùng lý tính, có nghĩa là không có âm dương đối đãi, thì làm sao đại diện cho Dịch được vì không có biến dịch, vì vậy hai quẻ 52 và 2 làm đại diện cho nguồn gốc dịch học là vô lí.
Với những gì còn ghi lại trong nền văn hóa Dịch, tôi cho rằng quẻ 33.Thiên Sơn Độn, đại diện cho dịch Liên Sơn và Quẻ 15.Địa Sơn Khiêm, đại diện cho dịch Quy Tàng; đồng thời cả hai được hình thành và vận hành cùng lúc trong hệ thống dịch học. Tại sao tôi cho là hai quẻ này? Tại vì quẻ 33 trên Càn, dưới Cấn, quẻ 15 trên Khôn, dưới Cấn. Như vậy với hai quẻ này nó chứa đựng đầy đủ thông tin về nguồn gốc Dịch học, cụ thể về bản thể hay vũ trụ, ở đây là Càn Khôn tức Thiên Địa, còn Cấn là đại diện cho dân tộc làm ra Dịch học, cụ thể là dân Lạc Việt, như vậy là đủ Tam tài. Chính vì vậy mà tôi đã nói người Việt dùng quái và quẻ để gởi vào đó thông tin nguồn gốc dịch học của mình.
A .Liên Sơn
Như đã nói trên, truyền thuyết Trung Hoa cho rằng dịch Liên Sơn lấy quẻ 52.Thuần Cấn làm đại diện, bởi vì tượng của Cấn là núi, tức là Sơn山, hai chữ 山thành Liên Sơn. Tuy nhiên theo tôi Liên Sơn là hai ngọn núi, nhưng không phải là hai quái Cấn, mà là một ngọn núi cao, và một ngọn núi thấp, cụ thể là Càn và Cấn, tức là quẻ 33.Thiên Sơn Độn. Tại sao tôi cho như vậy?
Theo Hà đồ, Càn là hướng nam, chi Ngọ, can Đinh, Càn còn là núi. Khái niệm này sách vở Trung Hoa hầu như không còn, mặc dù họ vẫn sử dụng những con chữ chỉ khái niệm này, nhưng với người Việt nó được thể hiện một cách cụ thể. Theo dịch học, sơ đồ vũ trụ chia làm hai phần, phân định bằng trục hoành. Phía trên là Núi, dưới là Sông, đây chính là khái niệm để người xưa sáng tác ra hai chữ Sơn Hà-山河, vì vậy nó còn được gọi là Thiên thư với ý nghĩa là đất nước khi chuyển sang Lạc thư, ta thấy người xưa thể hiện khái niệm này trong bài thơ Thần:
南國山河南帝居 Nam quốc sơn hà nam đế cư.
截然分定在天書 Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Hay trong câu đối ở đền thờ Hai bà Trưng ở Hát Môn:
鴻圖肇國統從此皇丁而後越甸數千餘載定天書.
Hồng đồ triệu quốc thống, tòng thử Hoàng Đinh nhi hậu Việt Điện sổ thiên dư tải định thiên thư.
Như vậy hai chữ Sơn 山-Núi và Hà 河–Sông xuất phát từ sơ đồ vũ trụ trong Dịch học, với hiểu biết này ta có Sơn 山– Núi – Nam – Càn. Cũng với khái niệm này người Việt viết nên truyền thuyết Sơn tinh, Thủy tinh; đặc biệt là truyện Hồng Bàng Thị, một câu chuyện xác định người Nam hay Việt là người miền núi, qua câu nói của Lạc Long Quân với Âu Cơ:
“我是龍種,水族之長;你是仙種,地上之人 , 雖陰陽氣合而有子,然水火相克, 種類不同,難以久居” – Ta thuộc giống rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy âm dương tương hợp mà sinh ra con cái, nhưng thủy hỏa khắc nhau, dòng giống không đồng, khó ở lâu với nhau được,”.
Chữ Tiên 仙cũng là chữ Sơn山 [3]. Thủy – Bắc – Khôn, Hỏa – Nam – Càn. Với những cứ liệu như vậy ta khẳng định rằng Càn cũng là núi. Giải thích quẻ Độn cũng cho thấy tính phương nam của nó.
Thoái dã. Ẩn trá. Lui, ẩn khuất, tránh đời, lừa dối, trá hình, có ý trốn tránh, trốn cái mặt thấy cái lưng.Tượng con báo ẩn ở núi nam. [4]
Theo dịch học, Cấn tượng là núi, tức chữ Sơn山.
Như vậy dịch Liên Sơn lấy quẻ 33.Thiên Sơn Độn, trên Càn Dưới Cấn làm quẻ đại diện là có cơ sở. Đồng thời Liên Sơn là cái tên tiền thân của Hà đồ sau này.
B. Quy Tàng.
Như đã nói trên, dịch Quy Tàng lấy quẻ 2.Thuần Khôn làm đại diện, điều này không đáp ứng với triết lý Dịch vốn lấy hai yếu tố Càn Khôn làm căn bản, vì quẻ mà nội, ngoại quái có lý tính tương đồng không thể phản ảnh tinh thần dịch học căn bản được. Tuy nhiên ít nhất truyền thuyết của Trung Hoa cho ta biết sở dĩ có cái tên Quy Tàng là vì Khôn có khả năng chứa đựng, Khôn dĩ tàng chi坤 以 藏 之, như Đất có khả năng dung nhiếp vạn vật vậy. Điều này đúng một nữa nhưng một nữa sự thật cũng chưa phải sự thật, theo tôi sự thật là dịch Quy Tàng lấy quẻ 15.Địa Sơn Khiêm làm đại diện, Quẻ 15 có nghĩa là:
Thoái dã. Cáo thoái. Khiêm tốn, nhún nhường, khiêm từ, cáo thoái, từ giã, lui vào trong, giữ gìn, nhốt vào trong, đóng cửa.
Tại sao tôi cho rằng dịch Quy Tàng lấy quẻ 15 làm đại diện? Xin thưa là vì Quy Tàng là Lạc thư, quẻ 15 chính là vạch phân chia âm dương khi Hà đồ thành Lạc thư, đồng thời con số 15 cũng phản ảnh lý số của Lạc thư. Theo vạch phân chia âm dương này ta có trên Khôn, dưới Cấn, tức quẻ 15.Địa Sơn Khiêm như hình minh họa.
- Dịch nhà Chu.
Dịch nhà chu hay Chu dịch là hệ thống dịch hiện hành, với những gì trình bày trên và những phát hiện trong khu mộ Bộc Dương, ta có thể nói hệ thống dịch nhà Chu không khác gì dịch Liên Sơn và Quy Tàng, điều khác biệt duy nhất chính là sự ra đời của hai tên gọi Hà đồ và Lạc thư thay thế hai sơ đồ Liên Sơn và Quy Tàng; đồng thời lấy hai quẻ 11.Thiên Địa Bĩ và 12.Địa Thiên Thái làm đại diện.
Một câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao nhà Chu làm việc này?
Chắc chắn không ai biết vì sao, tuy nhiên theo thiển ý của tôi lý do là vì quái Cấn, vì trong hai quẻ đại diện cho Hà đồ và Lạc thư không có quái Cấn mà chỉ còn hai quái Càn Khôn mà thôi. Nhưng tại sao nhà Chu lại bỏ quái Cấn đi?
Theo tôi sở dĩ nhà Chu bỏ quái Cấn đi vì các lý do sau đây:
- Quái Cấn, tượng là núi hay Sơn山, chữ 山 là hình ảnh của sinh thực nam, cực Dương. Có thể đến giai đoạn này người ta muốn trình bày bộ mặt dịch học thanh cảnh hơn, vì vậy mà ngày nay ta không tìm thấy khái niệm này trong các khái niệm của Dịch học, trong khi đó ta biết chắc rằng phồn thực chính là căn nguyên của thuyết Âm Dương, chuyện này xảy ra song hành với lịch sử văn hóa nhân loại chứ chẳng riêng gì dân tộc làm nên dịch học.
- Có thể nhà Chu nghĩ rằng tạo hóa hay Càn Khôn sinh ra vạn vật chứ đâu chỉ mỗi con người (Cấn), bằng chứng là từ Càn Khôn sinh ra Tám quái, do đó họ đã bỏ quái Cấn đi, chỉ còn Càn Khôn mà thôi; đồng thời việc này khiến cho ý nghĩa của Dịch mang tính phổ quát hơn. Đây có thể là lý do mà nhà Chu đã thay tên gọi và chọn hai quẻ Bĩ và Thái cho hai sơ đồ căn bản của Dịch học.
Như đã nói trên, Liên Sơn và Quy Tàng với hai quẻ Độn và Khiêm là tiền thân của Hà đồ và Lạc thư, thông tin trong hai chữ Đồ 圖(Hà) và Thư 書(Lạc) cho ta biết điều đó, như hình minh họa.
Trong các chữ Đồ 圖(Hà) và Thư 書trên ta thấy trên là chữ Sam彡, thay thế cho quái Càn, Chỉ 止, thay thế cho quái Cấn, Cấn vi chỉ 艮為止Cấn là Chỉ, Càn – Cấn là quẻ Thiên Sơn Độn. (Trong chữ Đồ, quẻ độn nằm trên, trong chữ Thư, quẻ Độn nằm dưới).
- Ý nghĩa quái Cấn trong hai quẻ 15 và 33.
Ở trên tôi đã cho rằng hai quẻ 33.Thiên Sơn Độn và 15.Địa Sơn Khiêm thể hiện khái niệm Thiên Địa Nhân, Thiên Địa là Càn Khôn, còn Nhân là gì, tất nhiên xét trong trường hợp này nó là Cấn, Cấn ở đây, ngoài ý nghĩa là người nói chung, nó còn là dân tộc làm ra Dịch học, cụ thể là người Việt.
Tại sao người xưa gắn cho Cấn艮là người?
3.1. Trước hết, theo chữ Nho, một loại chữ Khoa đẩu, tức là chữ có kết cấu theo dịch học, chữ Nhân được hình thành từ phương pháp này, cụ thể nó được vẽ ra từ sơ đồ vũ trụ, Hà đồ – Âm và Lạc thư – Dương, đại diện cho Càn Khôn, hai chân đạp vào hai quái Cấn, một của Hà đồ, một của Lạc thư, (xem hình minh họa). Có nghĩa là con người được sinh ra bởi Trời Đất, như trong phần Hạ Kinh, tức phần Nhân, của kinh Dịch viết:
Hữu thiên địa, nhiên hậu hữu vạn vật. 有 天 地, 然 後 有 萬 物.
Hữu vạn vật, nhiên hậu hữu nam nữ. 有 萬 物, 然 後 有 男 女.
3.2. Tượng của Cấn là Sơn山, chữ 山 được vẽ ra từ hình ảnh sinh thực nam, điều này sách vở của Trung Hoa chưa từng nói đến, thế mà ở nước Việt, tiền nhân của họ đã ghi lại thông tin này bằng nhiều cách, như trong bức tranh dân gian Đông Hồ “Lão Oa giảng đọc” ghi cách thành lập của chữ 山 như sau:
“Đem gan cóc tía đối sơn hà”.
Ở buổi ban sơ, người Việt cổ dùng loài lưỡng cư để chuyển tải khái niệm âm dương hay nguồn gốc dịch học của mình, cụ thể Cóc tượng trưng cho Dương, Nhái tượng trưng cho Âm, đồng thời gởi thông điệp đó vào nền văn hóa của mình, như truyện Cóc kiện Trời, Cóc kiện Trê, hay bức tranh Thầy Đồ Cóc (Lão Oa giảng đọc) Tranh Tứ Quý với hai câu thơ diễn tả hai trục Tung Hoành của Hà đồ:
“ Trai tài ôm cóc tía. Gái sắc bế rùa xanh”.
Tuy hai câu thơ chỉ đề cập tới hai con vật, nhưng tranh có tới bốn con, cụ thể Cóc – Vịt (ngỗng) – Tung – Nam Bắc, Rùa – Gà – Hoành – Đông Tây.
Ở trên tôi đã giải thích hai chữ Sơn Hà, trong đó 山 núi, quái Càn, như vậy chữ 山, trong câu “Đem gan cóc tía đối sơn hà” Cóc tía chính là quái Càn, vậy cóc tía là con gì? Xin thưa, trước hết nó là con cóc bình thường như ta thấy hiện nay, cho nên ngày nay vẫn còn lưu lại dấu vết Cóc – Càn, đó là Cóc thần tài, vì nó là quái Càn nên chỉ có ba chân, tượng trưng cho ba hào dương, Càn thuộc hướng Nam, hành Hỏa nên cóc này là cóc tía. Cóc tía cũng chính là sinh thực nam, ngày xưa gọi là bửu bối 寶貝 hay bửu bòi, vì Bòi cũng một hình thức của sinh thực nam. Người ta còn gọi nó là con cạc, chữ của nó là 各. Thuyết văn giải tự giải thích.
各. 異辭也. 辭者意內而言外。異爲意。各爲言也. 古洛切.
Dị từ dã. Dị giả ý nội nhi ngôn ngoại. Dị vi ý. Các vi ngôn dã. Cổ lạc thiết.
Từ lạ vậy. Cái lạ ấy là ở trong ý, lời là bên ngoài. Dị là cái ý. Các là lời nói vậy. Đọc là Cạc.
Giải thích này không phải mô tả sinh thực nam với cái tên dễ thương đó là Cạc thì giải thích cái gì trong thực tế.
Từ Cóc mà có Cạc, từ Cạc mà có Càn, từ Càn mà có Cấn, vì Càn là Cha, Càn vi phụ乾 為父, Cấn là con, Cấn vị chi thiếu nam艮 謂 之 少 男. Cấn cũng là núi山, người Việt còn vẽ chữ山 là Cấn ; đồng thời là quái Càn bằng ca dao:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
Người Việt không những thể hiện quái Cán [5] với chữ山 nghĩa là sinh thực nam bằng thơ ca mà còn thể hiện nó bằng hình ảnh, cụ thể là hình ảnh sinh thực nam trên trống đồng Ngọc Lũ, như hình minh họa. Đây là hình ảnh theo Hà đồ.
Hình ảnh người con gái tay cầm Kiếm – Càn, vai đội sinh thực nam – Cấn, Càn Cấn tức quẻ 33. Thiên Sơn Độn.
Sinh thực nam này được hoán vị bằng chữ Sơn 山trên vai các người lính, phù hợp với câu “Đem gan cóc tía đối sơn hà” đối ở đây là lấy cái này so với cái kia, như câu đối. Vì vậy, cũng trong hình ảnh này, ta thấy con nhái ngay trước hình sinh thực nam, như hình minh họa.
Đồng thời, như đã nói trên, Cấn, tượng là Sơn 山; đồng thời là dân tộc làm ra dịch học, vì vậy người Việt cổ khắc 10 chữ山trên vai 10 người lính trong lễ hội, 5 người ở Bắc, 5 người ở Nam
Từ hình ảnh Hà đồ, khi chuyển sang Lạc thư ta thấy sinh thực nam nằm ngay quái Cấn, tức đầu tháng Giêng hay Tết [6]. Đây cũng là điểm phân chia âm dương, cụ thể là trục Khôn Cấn tức là quẻ 15. Địa Sơn Khiêm, cũng từ đây mà có bánh Chưn, bánh tét.
Ngày xưa, đầu xuân người ta tổ chức lễ hội rước sinh thực nam, đây không những là lễ hội mà ngày ấy nó là tín ngưỡng, hình thức tín ngưỡng phồn thực này ngày nay vẫn còn diễn ra vài nơi như Trò trám ở Phú Thọ, Ná nèm ở Lạng Sơn, Ông Đùng bà Đà ở Quan Lang, Thái Bình [7], do vậy theo tôi hình ảnh trên vòng 6 mặt trống Ngọc Lũ chính là lễ hội này. Lễ hội này còn có tên khác, đó là Phong Niên Tự – 豐年祀xuất phát từ câu “Giáp Ất tự phong niên-甲乙祀豐年” vì Giáp Ất thuộc Mộc, mùa xuân, nên cầu cho mùa màng tươi tốt, con người thì “cầu đinh” tức cầu cho con cháu đầy đàn [8]. Ở Nhật Bản cũng có lễ hội này, gọi là Hōnen Matsuri, Kanji là豊年祭-Phong niên tế, tế hay tự cũng một nghĩa mà thôi, cho nên ta thường nói tế tự. Lễ hội này diễn ra nhiều nơi và có hình thức giống nhau nhưng tên gọi khác nhau, như ở Kawasaki, mỗi năm vào Chủ nhật đầu tiên của tháng Tư (Dương lịch), tại đền Kanayama (金山神社Kanayama-jinja – Kim Sơn Thần Xã) người ta tổ chức lễ hội Kanamara Matsuri (かなまら祭り, “Lễ hội dương vật thép”. Ở đây ta thấy người Nhật xưa đã chuyển nghĩa tên của ngôi đền thành hình ảnh và vật liệu cụ thể. Tên ngôi đền là 金山 – Kanayama, Kim Sơn nghĩa là “Núi bằng vàng” hay “Núi bằng sắt thép”, nhưng người Nhật cổ đã dịch Kim金- Kana – Thép, Sơn山- Mara – Dương vật, có nghĩa là tên ngôi đền thì vẫn là đọc là Kana – 金 yama – 山 – Kim Sơn, nhưng tên lễ hội thì nói rõ chữ Sơn山là sinh thực nam, tức Mara, thêm vào đó những người khiên kiệu có biểu tượng sinh thực nam thường hóa trang như các cô gái, điều này xác định chắc chắn rằng chữ山 chính là chỉ sinh thực nam. Đồng thời qua đây, ta có thể nghĩ người Nhật có một sự liên hệ mật thiết với người Việt cổ, hay thậm chí họ chính là một nhánh người Việt, theo tôi, từ nước Ngô thời Xuân Thu di cư sang.
Trở lại vấn đề quái Cấn, chữ Cấn艮 cũng nói lên khái niệm phương nam hay người Việt, cụ thể chữ Cấn艮 trên Nhật 日 – Hướng nam – Ly, dưới Thất七 lý số hướng nam của Hà đồ, chữ Cấn 艮có dị thể là 𥃩 trên Mục目– Ly mà cũng là Càn, vì thuyết quái nói Ly vi nhật, vi mục, vi càn quái離 為日, 為目, 為 乾 卦, dưới chữ Thất 七 lý số hướng nam của Hà đồ. Rõ ràng thông tin trong kết cấu của chữ 艮cho thấy nó thuộc phương nam hay người Việt.
- Nguồn gốc dịch học qua chữ Việt越 dị thể là 𨒋 – 䟠.
Như đã nói trên, thông qua dịch Liên Sơn và Quy Tàng, người xưa đã dùng Quái và Quẻ để ghi lại thông tin về nguồn gốc dịch học, đại diện là Kinh Dịch; đồng thời ghi lại thông tin dân tộc đã sáng tạo ra dịch học, cụ thể đó là dân tộc Lạc Việt. Nhưng căn cứ vào đâu mà tôi cho rằng dân tộc Lạc Việt đã sáng tạo ra dịch học?
Với những gì đã trình bày trên, tôi đã trả lời phần lớn của câu hỏi này rồi, tuy nhiên như thế vẫn còn chưa thỏa mãn. Sau đây tôi sẽ trình bày về vấn đề này thông qua con chữ gọi dân tộc đã sáng tạo ra Dịch học, đó là Việt越. Đây là quả phạt đền cho kẻ luôn cho rằng chữ Nho đó, Dịch học, kinh Dịch đó là của mình.
Trước khi đọc thông tin trong các chữ Việt, ta cần biết một số thông tin cần thiết cho công việc này.
Theo Thuyết quái thì:
Càn vi thiên乾 為 天 Càn là trời. Có nghĩa là Trời là quái Càn.
Khôn vi địa坤 為 地 Khôn là đất. Có nghĩa là Đất là quái Khôn.
Cấn vi ch艮 止 也Cấn là chỉ vậy, có nghĩa chữ 止đại diện cho quái Cấn.
Đoài vi khẩu兌為口 Đoài là miệng, có nghĩa là chữ 口đại diện cho quái Đoài.
Phân tích chữ Việt 越 [9] dị thể là 𨒋-䟠.
- Chữ 越 . Gồm: Tẩu走và Việt戉.
Chữ走 gồm trên Thổ土- Đất – Khôn. Dưới Chỉ止- Dừng – Cấn.
Khôn – Cấn tức quẻ 15. Địa Sơn Khiêm.
Chữ Việt戉 [10] chỉ người Lạc Việt.
- Chữ 𨒋. Gồm: Sướt 辶tức 辵và Việt戉.
Chữ 辵 gồm: trên Sam 彡 thay thế quái Càn, ta thấy điều này khi 参 được viết với chữ Tam 叄tức quái Càn, việc này có nhiều trong chữ Nho. Dưới Chỉ止 – Cấn.
Càn – Cấn tức quẻ 33. Thiên Sơn Độn.
Chữ Việt chỉ 戉người Lạc Việt.
Với hai chữ Việt có lý tính của hai quẻ Thiên Sơn Độn và Địa Sơn Khiêm cùng chữ Việt戉, người Việt đã ghi lại thông tin rằng chính họ, dân tộc Lạc Việt, đã làm ra hai quẻ đó nói riêng và dịch học nói chung.
Thông tin trong chữ Việt越còn nhiều hơn nữa, nhưng tôi cho rằng chừng ấy cũng đủ để phục vụ cho mục đích của bài viết rồi. Tuy nhiên ở đây tôi đưa thêm chữ 䟠 để chứng minh rằng kinh Dịch là của người Lạc Việt một cách hệ thống.
- Chữ Việt 䟠. Gồm: Túc 足 – Chân, Việt 戉 – Người Việt.
Túc 足gồm: trên Khẩu口, thay thế quái Đoài, dưới Chỉ 止, thay thế quái Cấn.
Chữ Việt chỉ 戉người Lạc Việt.
Đoài Cấn tức quẻ 31. Trạch Sơn Hàm – Nghĩa là Cảm, yêu.
Quẻ 31, 32, 33 là ba quẻ đầu tiên của kinh Hạ, tức phần Nhân, trung tâm của Trời Đất; đồng thời là trung tâm của Kinh Dịch. Với ba quẻ này người Việt xác định tác quyền đối với Kinh Dịch, do đó kết thúc câu chuyện Hồng Bàng Thị (con Rồng, cháu Tiên) tiền nhân nước Việt viết như sau:
國初,民用未足,以木皮為衣…姜根為鹽…未有檳榔,男女嫁娶,以鹽封為先,然後殺牛羊以成禮。以糯飯入房中,相食悉,然後交通. 蓋百男,乃百越之始祀也。
Nước thuở ban đầu, dân chưa đủ đồ dùng, lấy vỏ cây làm áo… rể gừng làm muối…chưa có trầu cau, nam nữ cưới nhau, trước lấy gói muối làm bằng, sau đó mới làm thịt trâu, dê thiết đãi. Lấy cơm nếp vào phòng, cùng ăn xong, sau mới giao hợp. Trăm người con trai ấy chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy.
Trước lấy gói muối là bằng, có nghĩa là trai gái trước phải yêu nhau, tức quẻ 31. Trạch Sơn Hàm, vì chữ Hàm咸có nghĩa là Mặn. Chữ Hàm咸 còn được viết bộ Lỗ鹵 – 鹹 nghĩa là mỏ muối, rồi mới thịt trâu dê thiết đãi, trâu dê ở đây là Sửu – Mùi, tức là quẻ 32. Lôi Phong Hằng, mà nên vợ nên chồng, ở đây đọc theo trật tự của Hà đồ, nếu đọc theo Lạc thư thì Mùi – Sửu chính là quẻ 15. Địa Sơn Khiêm, cuối cùng mới giao hợp, tức quẻ 33. Thiên Sơn Độn. Không yêu nhau, cưới nhau, ăn nằm với nhau thì lấy đâu ra Nhân loại, trong đó có dân Bách Việt.
Có lẽ từ đó mới có câu:
Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
III. KẾT.
Với những gì đã trình bày, ta có thể khẳng định Dịch học, đại diện là kinh Dịch, chữ Nho, ngày nay gọi là chữ Hán, là thành quả văn hóa vĩ đại của người Lạc Việt. Đồng thời theo lịch sử, Dịch học và chữ Nho hay Khoa đẩu được hình thành tại vùng đất Hoàng Hà hay Thái Sơn và Trong Nguồn như bài ca dao chữ Hiếu đã nói, như vậy người Lạc Việt đã sống ở đây 6,7 ngàn năm trước nếu căn cứ vào niên đại của quần thể mộ Bộc Dương, nói như vậy tất nhiên Phục Hy, Nữ Oa, nhà Hạ, nhà Chu đều là người Lạc Việt cả, tuy nhiên vấn đề này xin hẹn bài sau./.
Đà lạt, Ngày nhớ Mẹ, Kỷ Hợi – 2019.
Chú thích:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_D%E1%BB%8Bch.
[2]Xem https://nghiencuulichsu.com/2019/01/14/quan-the-mo-boc-duong-la-cuon-vo-tu-chan-kinh-cua-nguoi-viet/
[3] Xem Chinese Etymology. Chữ 仙 và 山.
[4] Kinh Dịch – Đạo của người quân tử. Nguyễn Hiến Lê.
[5] Người Việt còn gọi núi là Cán như ở Nghệ An, Hà Tỉnh gọi núi là cán ôi.
[6] Muốn biến hình ảnh Hà đồ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ thành Lạc thư cần tham khảo công thức ở đây https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/giai-ma-ha-do-tien-thien-bat-quai-tren-mat-trong-dong-ngoc-lu.html
https://nghiencuulichsu.com/2019/02/13/cong-thuc-tinh-ha-do-thanh-lac-thu/
[7] Dấu tích này còn lưu lại ở chùa Nhất Trụ ở Ninh Bình, chùa Dạm ở Bắc Ninh tức Lãm Sơn Tự – 纜山寺, một cái tên có thể có từ Sùng Lãm 崇纜. Người ta cho rằng do ảnh hưởng linga của Chăm. Nhầm.
[8] Đầu năm tức là trục Khôn Cấn hay quẻ Khiêm theo Lạc thư, theo Hà đồ đây là trục Chấn Tốn, tức quẻ 32. Lôi Phong Hằng, trai gái lấy nhau, mục đích là để viết dài cuốn sách của người Lạc Việt – Lạc thư, vì vậy ta thấy đầu Tốn là hình ảnh sinh thực nam hay quẻ 33. Thiên Sơn Độn. Cho nên cái ấy mới được thờ ở miếu Đụ Đị trong lễ hội Trò Trám. Lễ hội Ông Đùng Bà Đà hay Chúa Muối là lấy ý tưởng của quẻ 31. Trạch Sơn Hàm – Cảm, yêu, vì chữ Hàm咸có nghĩa là mặn.
[9] Chữ Việt 越chỉ người Lạc Việt có nhiều dị thể nhưng người xưa đã cố định chữ Việt 越này, bởi vì nó thể hiện quẻ 15. Địa Sơn Khiêm, Lạc thư – Dương.
[10] Nguyên chữ戉cũng dùng để gọi người Lạc Việt越. Xem Chinese Etymology, chữ 戉 và 越