CƠ CẤU XÃ HỘI THIÊN NHIÊN
CƠ CẤU XÃ HỘI THIÊN NHIÊN
Khoa Dịch Lý, như ta đã biết, là một khoa học nghiên cứu, truy tầm cho vỡ lẽ cái lý do tại sao Vạn hữu biến hóa hóa thành.
Trải qua quá trình tư duy thực nghiệm dầy dặn công phu chắc lọc sáng tạo của biết bao con người trí tuệ Cổ Kim Đông Tây, đến nay Trí Tri Ý Thức chung của Nhân loại đã thẳng thắn quả quyết chấp nhận yếu lý Đồng Nhi Dị (giống mà hơi khác) tức Âm Dương Lý là nguồn gốc, là nguyên nhân đầu tiên cấu tạo hóa thành muôn loài vạn vật, bất kể vô hình hữu hình.
Muôn vật từ Lý mà ra
Muôn vật về đến Lý là cùng, là hết
Lý Đồng Nhi Dị là chân lý tuyệt đối, là Lý Biến Động, Biến Đổi, Biến Hóa, Hóa Thành mọi sống động, động tĩnh vô hữu, gọi tắt là Dịch Lý, danh chính lý nhất là Tiên Hậu Thiên Trí Tri Ý Thức, danh quen dùng Âm Dương Lý.
Khi vào phạm vi Xã Hội Thiên Nhiên là Xã Hội Âm Dương, một lần nữa ta cần thống nhất quan điểm về Âm Dương thì mới có thể bàn luận tiến sâu vào cơ cấu nhiệm nhặt hơn.
- ĐỊNH RÕ NGHĨA LÝ ÂM DƯƠNG:
Là LÝ ĐỒNG NHI DỊ – DỊ NHI ĐỒNG
Âm Dương: là danh từ dùng để chỉ chỗ Giống mà Hơi Khác: Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng có khắp nơi muôn loài vạn vật.
Đồng: là tuyệt đối, là cái Một, là tổng thể, là Tập Hợp gồm cả Âm Dương. Vậy Đồng là Âm Dương Tuyệt Đối.
Dị: là tương đối, là cái Hai, là cơ cấu, là thành phần, là có so sánh phân biệt.
Ở trong một sự lý hoặc giữa hai sự lý có:
Giống mà hơi hơi khác = Khác mà quá quá giống.
Giống mà hơi khác = Khác mà quá giống.
Giống mà khác = Khác mà giống.
Giống mà quá khác = Khác mà hơi giống.
Giống mà quá quá khác = Khác mà hơi hơi giống.
Bất kể trạng thái hiện tượng phạm vi nào cũng đều có Đồng Dị và mức độ Đồng Dị nhiều ít cũng khác nhau.
Vậy:
Dị là Âm Dương Tương Đối
Đồng Dị – Dị Đồng là Âm Dương Thiên Cực.
Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng là Âm Dương Dịch Biến.
Lý Đồng Nhi Dị ở phạm vi:
- Phân tích: là Lý Một Mà Có Hai – Hai Mà Có Một
- Ẩn hiện: là Lý Một Mà Hai – Hai Mà Một
- Lý chứng: là Lý Một Là Hai – Hai Là Một . (Vô hữu lý).
Chân lý Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng là sự thật muôn đời nên không bao giờ có vấn đề Đồng hoàn toàn hay Dị hoàn toàn, Âm hoàn toàn hay Dương hoàn toàn.
Người xưa sợ đời sau không hiểu được lý Đồng Dị cùng lúc, Âm Dương cùng lúc, nên phải nhấn mạnh phân tích thêm là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, trong Đồng có Dị, trong Dị có Đồng. Chẳng qua là muốn chỉ về lý lẽ: Âm là manh nha Dương, Dương là manh nha Âm, hoặc Âm là Dương, Dương là Âm – tức chiều hướng biến hóa luôn luôn là thiên cực từ Đồng đến Dị, từ Dị về Đồng. Chỗ nào gọi là Đồng là đã có manh nha Dị, chỗ nào Dị là đã có manh nha Đồng. Để khi Đồng đến cực độ thì manh nha Dị cũng đến cực độ mà hóa ra cả hai đều cực biến theo chiều hướng hiện – hoặc Dị cực biến theo chiều tiêu ẩn thì Đồng cực biến theo chiều trưởng hiện, hoặc ngược lại.
Vì Âm Dương Đồng Dị biến hóa vô cùng nhiệm nhặt nên không thể xác định dứt khoát đâu là Âm đâu là Dương, đâu là Đồng, đâu là Dị. Đồng là Dị, Dị là Đồng thì mới chính lý, mới hữu lý cho tất cả mọi người và muôn vật.
Tóm lại, định rõ nghĩa lý Âm Dương là Đồng Nhi Dị như trên thì lúc nào ở đâu ta cũng dễ dàng nhận thức được Âm Dương – Còn bất cứ định ý nghĩa nào khác cho Âm Dương đều là hạn hẹp, cục bộ, triết lý vùng, không xứng đáng cho danh vị chí tôn của Âm Dương là một phi thường Danh.
- PHẠM VI TÌNH LÝ ÂM DƯƠNG: PHẠM VI ÂM DƯƠNG
Con người và muôn vật lúc nào cũng đi trong lý lẽ Âm Dương vừa tuyệt đối vừa tương đối như trên, chớ không như một số học thuyết viễn vông, tưởng tượng ra cái chẳng phải Âm, chẳng phải Dương, phi Âm, phi Dương, thuần Âm, thuần Dương…
Xét cho cùng những cái Bất, Phi, Vô, Thuần Âm Dương gì đó cũng chỉ là Đồng Nhi Dị – giống mà hơi khác nhau của Ý, của Sự, của Lý Vô Hữu Động Tĩnh mà thôi, tức cũng trong vòng Âm Dương Ý, Âm Dương Sự, Âm Dương Vật, Âm Dương Lý, rồi tùy theo mỗi lúc nhìn thấy được gì người ta tưởng là mới lạ bèn hứng khởi đặt tên khác, gây nhiều sự ngộ nhận đáng tiếc.
Âm Dương Động Tĩnh Biến Hóa Đồng Dị cực kỳ nhanh chậm,tiêu trưởng ẩn hiện sinh khắc vô cùng, mờ tỏ, khiến cho trí thức nhân loại lúc sáng, tối, rối, loạn trí. Có lúc hoài nghi cả những sự thật hiển nhiên hoặc trốn chạy sự thật để đắm chìm trong mộng ảo, mơ ước cảnh giới nào đó bất sinh bất diệt, vĩnh cửu đời đời ngoài Lý Âm Dương.
Cái cực lạc, bình an, hạnh phúc mộng mị đó chỉ là liều thuốc an thần giả tạm để họ tự dối mình trong cơn mê – khi tỉnh dậy toàn thân họ càng ê ẩm đớn đau hơn – vì thực tế vẫn là thực tế. Họ đâu có biết cực lạc, bình an, hạnh phúc lúc nào cũng hiện hữu ở thực tế trần gian, ở cùng lúc chung lộn với đắng cay, bất ổn, đau buồn, chỉ có yếu lý Đồng Nhi Dị mới là bất sinh bất diệt mới là toàn năng Tạo Hóa ổn định, mới là linh thiêng mầu nhiệm, huyền diệu ban phước giáng họa muôn loài. Vậy không thể và không nên chạy trốn sự thật, tự đánh lừa đời mình mà hãy đối diện chấp nhận thực tế cuộc đời dù nó phủ phàng hay không rồi bạn sẽ thấy niềm vui, thật vui trong đó.
Để các bạn quen dần với cái học Âm Dương, bước đầu chúng tôi tập các bạn biết cách xác định phạm vi Âm Dương. Khi bạn đã thành thạo bất cứ lúc nào, ở đâu cũng xác định được phạm vi Âm Dương thì cũng là lúc bạn hiểu được tính qui ước nhất thời của Âm Dương và không còn chấp Âm là gì, Dương là gì theo hậu thiên học nữa.
+ ĐỊNH PHẠM VI ÂM DƯƠNG:
Tuy Âm Dương là lý tuyệt đối khắp cùng, nhưng khi ở mỗi sự vật việc, ta vẫn có thể xác định theo qui ước tương đối: đâu là Âm, đâu là Dương. Muốn vậy, ta áp dụng Nguyên lý Định Danh (Đặt Tên)
Trước hết phải có phạm vi (Sự lý) và xác định phạm vi sự lý đó đang được đề cập tới, chứ không phải phạm vi sự lý khác.
Phạm vi là giới hạn, ranh giới, khung cảnh, tổng thể, tập hợp, bao hàm, là cái Đồng, cái Một, là Xã Hội…
Thí dụ có sự lý là Ánh Sáng thì Ánh Sáng là Phạm Vi Tình Lý đang thời đề cập xác định, ta chỉ luận bàn trong vấn đề Ánh Sáng mà thôi không lẫn lộn qua phạm vi khác, vấn đề khác như nước, lửa, người…
* Bất cứ phạm vi nào cũng đều là phạm vi Âm Dương nên xác định phạm vi tức là xác định phạm vi Âm Dương nghĩa là phạm vi (sự lý) đó có hàm chứa Đồng Nhi Dị – giống mà hơi khác trong bản thân nó.
Thí dụ phạm vi Ánh Sáng thì có cường độ giống mà hơi khác, mà ta gọi là Sáng và Tối là Âm Dương. Nếu Đồng là Sáng thì sáng và sáng hơn là Âm Dương, nếu Đồng là Tối thì Tối và tối hơn là Âm Dương.
* Tùy theo qui ước khi so sánh phân biệt chỗ Đồng Dị nơi sự lý mà ta ấn định là Âm, là Dương – và khi chấp nhận qui ước nào thì cứ theo qui ước đó mà suy luận – khi qua phạm vi khác ta lại có qui ước mới phù hợp với tình lý mới, tức định lại Âm Dương.
Thí dụ: người ta thường qui ước cho rằng: Âm là cái gì thuộc trước, tĩnh, nhỏ, tối, mềm… Dương là cái gì thuộc sau, động, lớn, sáng, cứng… Vậy ở phạm vi Sáng Tối thì Sáng là Dương, Tối là Âm; ở phạm vi Sáng thì sáng nhiều là Dương, sáng ít là Âm, ở phạm vi Tối thì tối mờ mờ là Dương, tối mịt là Âm.
Vậy: Sáng là Dương mà cũng là Dương/Âm
Tối là Âm mà cũng là Âm/Dương.
* Một sự lý vừa có thể Âm, vừa có thể Dương mà cũng không phải là Âm, không phải là Dương – vì nó chính là Âm Dương cùng lúc, nên Âm là Dương, Dương là Âm – Ta gọi nó là Âm cũng được, gọi nó là Dương cũng được. Quan trọng là ta đã căn cứ vào lý lẽ tiêu chuẩn nào để định là Âm hay Dương.
Chứ đừng quen thói nói Nam là Dương, Nữ là Âm, mà phải hỏi tại sao, lấy lý gì cho Nam là Dương, Nữ là Âm. Có phải theo tiêu chuẩn động, tĩnh, mạnh yếu, khôn ngu… chăng? Có chắc Nữ nào cũng tĩnh, yếu, nhu hơn Nam chăng? Hay Nam không có tĩnh, yếu, ngu sao?
Vậy đúng lý Nam là Dương Âm Dương, Nữ là Âm Dương Âm – và đúng hơn nữa Nam là Âm Dương, Nữ là Âm Dương thì không ai cãi được – vì đúng quá rồi còn gì.
Đa số hiểu chết nghĩa, không biết tên là qui ước được lý, bởi có so sánh Đồng Dị ở một phạm vi Âm Dương nào đó mà thôi. Bởi thế, họ thường chấp Danh, chấp Tình, chấp Ý, chấp Lý, chấp đủ thứ là một tệ nạn lớn làm cản trở đường họ thấu đạt chân lý Đồng Dị Biến Hóa.
Tóm lại nơi nào có Đồng Dị là có Âm Dương – khắp cả đều Đồng Dị thì khắp cả là Âm Dương. Chí lý thay!
Hiểu biết này giúp Ta phá chấp, tránh được chuyện: Trông là lầm; Nghe là lạc, Hiểu là sai. Ta sẽ hiểu đúng và sâu sắc:
Âm Dương không là gì cả
Âm Dương là cái gì đó
Âm Dương là tất cả
Âm Dương cùng lúc chung cùng
Âm ẩn Dương hiện, Dương ẩn Âm hiện
Âm tiêu Dương trưởng, Dương tiêu Âm trưởng
Trong Âm có Dương, Trong Dương có Âm.
Âm là manh nha Dương, Dương là manh nha Âm
Âm là Dương, Dương là Âm
Âm đâu Dương đó, Dương đâu Âm đó
Đồng đâu Dị đó, Dị đâu Đồng đó
Đại Đồng, đại Dị; tiểu Đồng, tiểu Dị.
Đại Đồng, tiểu Dị; tiểu Đồng, đại Dị
Trong giao dịch Xã Hội, Động Tĩnh là Âm Dương, Suy Vượng là Âm Dương, Sinh Khắc là Âm Dương, Chủ Khách, Thể Dụng, Vô Hữu, Chân Giả, Họa Phước, Ngu Khôn, Ấm lạnh là Âm Dương …
Nay ta nghiên cứu làm vỡ tung mối quan hệ giao dịch giữa Đồng Dị Âm Dương là cơ cấu của mọi xã hội, bằng như ta vén khăn che mặt của Tạo Hóa, thấu rõ tổ chức cơ mật của Trời Đất, của tổ chức cơ thể, sinh thái xã hội người, vật hay bất kể thứ gì. Vậy là học một mà biết muôn trùng.
Có biết đúng thì mới mong hành đúng – Tri Hành đúng thì mới mong thành công cao độ tối ưu – Tri Hành đúng hoài hoài là thành công không bao giờ thất bại.
Muốn Tri Hành thành công thì bạn phải chịu khó học hỏi kiên trì đến khi nào bạn thấy y như lời chúng tôi nói, không sai.
Trích: Kinh dịch xưa và nay, Tác giả: Nam Thanh Phan Quốc Sử.
- LUẬT ÂM DƯƠNG CUNG CẦU THỪA THIẾU:
ÂM DƯƠNG TƯƠNG ĐỘNG, TƯƠNG GIAO,
TƯƠNG CẢM, TƯƠNG SINH THÀNH
Âm manh nha động sang Dương
Dương manh nha động sang Âm
Âm Dương cùng manh nha động nên gọi là Tương Động.
Khi hội đủ cơ duyên, chúng gặp nhau, giao tiếp nhau gọi là Tương giao.
Khi chúng giao nhau ắt có sự san xẻ tiện lợi hại lẫn cho nhau ít nhiều sao đó, gọi là Tương cảm.
Khi chúng đi lại san xẻ sự tiện lợi hại lẫn nhau ắt chúng phải hóa sinh Bộ Mặt Mới sao đó, gọi là Tương Sinh (Thành).
Tương động – Tương giao – Tương cảm – Tương sinh thành
NHẤT ÂM + NHẤT DƯƠNG CHI VỊ ĐẠO = CON ĐƯỜNG BIẾN DỊCH. Lý do tại sao Âm Dương phải giao dịch, không giao dịch được không? –Sở dĩ Âm Dương phải giao dịch với nhau là vì tự bản thân chúng có nhu cầu qua lại với nhau nên gọi là Tương cầu.
Đây là định luật để Âm Dương sinh hóa, gọi là Luật Âm Dương Cung Cầu Thừa Thiếu.
Chúng Cầu gì ở nhau?
– Âm hoặc Dương Cầu tìm tri âm nào có khả năng Cung cấp, chia xẻ sự thừa thiếu. Thí dụ: bên lở bên bồi, nước chảy về chỗ trũng. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Vật đồng loại hội tụ. Đồng bệnh tương lân – Quân với tướng, giàu với nghèo, sáng với tối, nam với nữ, đực với cái, nhà với cửa, rồng với mây, đạo với đời, chiến tranh với hòa bình, họa với phước…
- Nên nhớ: Cầu tìm cung, cung tìm cầu – cung cầu là Âm Dương. Cung cầu cũng có chân giả, ở đây ta chưa nói tới.
– Phải hiểu: Âm cầu Dương, Dương cũng cầu Âm, chứ không chỉ riêng cái này cầu mà cái kia không có cầu lại ít nhiều nên mới nói là tương cầu.
Cung cầu cũng giống mà hơi khác nhau theo lẽ Đồng Nhi Dị nên mức độ cung cầu vào mỗi thời điểm thay đổi biến hóa linh động ít nhiều. Do đó cung cầu vừa mang tính nhất thời vừa đa dạng và phức tạp.
Sở dĩ cái này cầu cái kia là do cái kia có sức cung thỏa mãn ít nhiều cho nó. Nếu không có cung thì chẳng có cầu, không có cầu thì chẳng có cung.
* Bên cung cũng phải tìm cầu, nếu không sẽ bị dư thừa ùn tắc, tức cung cũng phải cầu.
* Bên cầu muốn được cung thì cũng phải cung cái gì đáp lại, chứ ai cho không bao giờ, nên cầu cũng phải cung.
Vậy cả hai bên cung cầu đều phải lo có khả năng đáp ứng đền bù xứng đáng, là thủ tục cung cầu đầu tiên để có được cung cầu thật sự.
Có trường hợp cung giả hoặc cầu giả nghĩa là không có khả năng cung hay cầu mà lầm tưởng hay cố tình dối gạt là có khả năng đó.
Có khi chính đương sự cũng không biết mình có sức cung cầu thừa thiếu như thế hoặc hiểu rất lờ mờ về khả năng, tiềm năng, giá trị của mình, của người. Phải đợi khi cơ duyên hay tri âm khơi dậy, gợi ý mới biết. Vì không ý thức hay trị giá đúng mức khả năng cung cầu của mình hay đối tượng nên thường bị lầm lỡ cơ hội giao dịch cung cầu đúng lúc.
Bởi thế, khi giao dịch muốn thành công tốt đẹp phải năng Chiết Tính Tình Ý sâu rộng về tiềm năng Đức, Tài, Tư của ta và kẻ khác – trước khi, trong khi và sau khi hành sự. Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng là vậy.
Cái biết này không phải dễ dàng vì cung cầu thừa thiếu, động tĩnh chân giả trùng trùng điệp điệp vây phủ chồng chất lên nhau. Nếu không thận trọng, từng trải chưa chắc đã biết đúng thật. Chẳng hạn có lúc chính ta cũng không biết ta đang có gì, cần gì, muốn gì, nói gì, làm gì… chứ chưa nói là kẻ khác.
Tuy nhiên, muôn loài dù có ý thức hay không ý thức về cung cầu, có muốn hay không muốn giao dịch vẫn bắt buộc phải cung cầu, giao dịch, sống động hấp dẫn theo nhiên tính đầy ma lực linh thiêng huyền diệu mầu nhiệm, đừng hòng giải thoát trốn chạy. Ta không tìm nó thì nó vẫn tìm ta. Cấm sao được.
Đã nói là Nhiên Tính của Tạo Hóa, của Thiên Nhiên Xã Hội nên nó trở thành định luật bắt buộc phải vậy, đúng vậy. Đó là Luật Âm Dương Cung Cầu.
Âm Dương tự chúng có ái lực với nhau, hấp dẫn nhau, lôi cuốn quấn quít nhau bằng nhiều kiểu cách, có khi mãnh liệt, kỳ lạ, lắc léo, oái oăm không sao cưỡng chế nổi, không sao lường được.
Ái lực hấp dẫn cung cầu là động cơ nguyên phát, là cơ sở để có giao dịch biến hóa. Ái lực này có cùng lúc với Tạo Hóa, cùng lúc với yếu lý Đồng Nhi Dị, cùng lúc với Biến Hóa đầu tiên là Không-Hoàn Toàn Không Cực.
Âm Dương cung cầu là nguyên động lực tự có, tự phát trong bản thân của Âm Dương, chớ không phải từ bên ngoài hoặc từ đâu cả – nên nói Âm Dương có khả năng tự hóa.
Cái lực đầu tiên khiến cho Không-Hoàn Toàn Không Biết Cực là Vô Cực Đức Tánh, là uyên nguyên của mọi ái lực về sau làm cho vạn vật hấp dẫn biến dịch.
Lẽ Biến Dịch đã có lâu rồi, có trước Tôi – Con Người và muôn vật, nó cấu tạo hóa thành tất cả vũ trụ. Tôi – Con Người Hậu Thiên dù muốn dù không cũng phải chấp nhận nguồn gốc tổ tiên mình và muôn loài là Dịch Lý, vì không thể phủ nhận, thì đương nhiên cũng phải biết ơn Luật Âm Dương Cung Cầu do nó có Ái Lực Hấp dẫn Vũ Trụ Dịch Biến – Hóa Thành ra Tôi-Con Người và mọi cái Tôi khác.
BỐN NHU CẦU ÂM DƯƠNG CƠ BẢN:
- Nhu cầu hữu lý, chính lý, được lý là Âm, là Dương
Lấy gì gọi đó là Âm, đó là Dương? Nếu không có cái giống mà hơi khác nó (Đồng Nhi Dị) so sánh ban nghĩa. Một mình Âm là vô lý, một mình Dương là vô lý. Muốn được hữu lý thì phải có cả hai cùng lúc hoặc một hiện một ẩn. Vậy Âm Dương cùng có nhu cầu được hữu lý, chính lý, bởi nhau nên cả hai đều phải có cùng lúc một lượt về phương diện Danh Lý.
- Nhu cầu diễn tiến sống động: thiên cực Âm hoặc Dương.
Tất cả mọi sự vật việc đều phải chịu Lý Đồng Nhi Dị tức phải giống mà hơi khác nên phải Manh Nha – Cực – Biến Hóa – Hóa Thành mãi một cách tự động, bị động hoặc thụ động.
Khi Âm hoặc Dương Đồng Nhi Dị với chính nó trong sâu kín lặng lẽ của nó thì nó đã manh nha tức đã động, mà động trong sâu kín nhiệm nhặt nên gọi là manh nha động hoặc tĩnh. Diễn tiến sống động của chúng theo chiều hướng thiên cực:
Âm manh nha động sang Dương
Dương manh nha động sang Âm.
Tính lý manh nha thiên cực sẵn có ở tận trong sâu kín của mỗi mỗi Âm Dương nên đó cũng là đường đi dĩ nhiên của Tạo Hóa.
- Nhu cầu quân bình sinh hóa giữa Âm và Dương
Do mức độ, tỷ lệ và vị trí của mỗi Âm Dương có thừa thiếu cần quân bình sinh hóa nên phát sinh vấn đề cung cầu thừa thiếu. Xin lưu ý trong cung có cầu, trong cầu có cung. Cung mặt này cầu mặt khác. Cầu mặt này cung mặt khác. Chưa kể cung cầu chân giả đã nói ở những đoạn trên.
- Nhu cầu Đồng hóa, Dị hóa: Âm Dương thiên thắng.
Trong Thiên Nhiên Xã Hội, muôn loài vạn vật cái này tồn tại tiến bộ phải nhờ vào cái kia nuôi dưỡng đó là nhu cầu Đồng Hóa cái khác – thu nạp cái khác.
Nhưng khi đồng hóa cái khác vẫn giữ bản sắc cá tính độc lập phân biệt cái khác, đó là nhu cầu Dị Hóa – giữ gốc.
Do nhu cầu Đồng hóa Dị hóa này mà Âm Dương phải thiên thắng tranh cường – lấn áp, thu liểm, diệt hại lẫn nhau – Nhưng cuối cùng dù thế nào cũng vẫn không có kẻ thắng người bại. Thắng mặt này, bại mặt khác. Nên vẫn tồn tại cả hai mặt của vấn đề là Âm Dương muôn đời, vì muôn loài đâu có loài nào tự tung tự tác theo ý mình hoàn toàn được mà phải theo qui luật tự nhiên của tạo hóa sinh khắc cùng lúc. Có sinh hợp thì có khắc hợp, có khắc hợp thì có sinh hợp. Tất cả phải mãi mãi chung hợp, rồi trong chung hợp đó tùy thời lúc sinh khắc tiêu trưởng lẫn lộn, cũng vẫn trong vòng chung hợp sống động bằng cách này hay cách khác – không thể lìa nhau được.
Thiên hạ sự đa đoan rắc rối dở khóc, dở cười phần lớn cũng tại nhu cầu Đồng hóa Dị hóa, thu phóng, tụ tán, chiếm hữu, tách biệt này. Riêng trong phạm vi ý thôi: thiên hạ đảo điên, điên đảo chẳng phải vì đồng ý và bất đồng ý sao?!
Lúc Đồng, lúc Dị – từ Đồng phải Dị, từ Dị phải Đồng. Muốn Đồng được không, muốn Dị được không?? Chẳng phải chỉ riêng sức người muốn không mà được, chắc hẳn phải có Ý Trời tham dự mới nên vậy. (Tại Trời sui khiến nên chúng mình gặp nhau).
- NHU CẦU ÂM DƯƠNG TRONG TÌNH ĐỜI, TÌNH NGƯỜI:
DANH- LỢI- TÌNH.
Tình Đời, Tình Người mãi mãi đi trong Danh-Lợi-Tình chung riêng, thầm kín hay biểu lộ, cao thượng hay thấp hèn, tích cực hay tiêu cực.
Không ai có thể chối nhận được là mình không có những nhu cầu tâm sinh lý thực tế hoặc mơ ước đòi hỏi cần phải thỏa mãn ít nhiều. Có thể qui những nhu cầu loài người, muôn vật vào ba phạm vi lớn tiêu biểu là Danh-Lợi-Tình.
Mọi sinh hoạt giao dịch giữa con người với con người, giữa con người với muôn vật không ngoài Danh Lợi Tình theo nghĩa rộng, hẹp. Vì Danh Lợi Tình thừa thiếu, con người và muôn vật phải cung cầu thỏa mãn lẫn nhau:
Chưa có Danh thì cầu Danh.
Chưa có Lợi thì cầu Lợi.
Chưa có Tình thì cầu Tình.
Có Danh rồi thì cầu thêm Danh nữa hoặc cầu Lợi, cầu Tình
Có Lợi rồi thì cầu thêm Lợi nữa hoặc cầu Danh, cầu Tình
Có Tình rồi thì cầu thêm Tình nữa hoặc cầu Danh cầu Lợi
Có Danh Lợi Tình vừa đủ ở mức độ thấp thì cầu có ở mức độ cao nữa.
Được Danh Lợi Tình riêng thì cầu Danh Lợi Tình chung hoặc ngược lại, được cái chung thì lo nghĩ tới riêng tư hoặc chung tư lẫn lộn…
Lòng tham cầu Danh Lợi Tình không có giới hạn. Nó không hẳn là tốt hay xấu. Nó là một thực tế, một thực tại hiển nhiên, là một nhiên tánh luôn luôn có sẵn trong muôn loài vạn vật. Nó là một nhu cầu chánh đáng để Tạo Hóa, để sinh tồn, để tiến bộ. Nếu ai quá lạm dụng Danh Lợi Tình không đúng đắn thì mới bị chê trách và phải chịu hậu quả nặng nề.
Vì lòng tham cầu Danh Lợi Tình là một nhiên tánh, nên Đạo Đức của Tạo Hóa, của con người và muôn vật được xây dựng cơ bản và được đánh giá bởi Danh Lợi Tình.
Nếu không có Danh Lợi Tình làm động cơ, làm hấp dẫn lực thì lấy gì cuốn hút muôn loài vào vòng sinh hóa, ngày càng sáng tỏ Đạo Trời.
Mọi sự cố gắng chống chọi, vượt thoát, tiêu diệt Danh Lợi Tình đều uổng công vì không thể làm được, càng cựa quậy càng lún sâu, vướng mắc lưới Danh Lợi Tình khắp nơi. Như thế chẳng khác gì mình tự phản bội lấy mình, phản bội Tổ Tiên, phản bội Trời Đất đã dầy công bồi đắp Danh Lợi Tình chính đáng để tạo ra và nuôi dưỡng mình lớn lên – Ta là ai mà dám nghịch thiên, nghịch địa vô ơn bạc nghĩa, tội này ắt Trời không dung Đất không tha.
Những người đạo đức giả, trí thức giả làm sao biết được nguồn gốc danh, lợi, tình là thủy tổ của họ. Họ làm ra vẻ không màng, chán ngấy Danh Lợi Tình để gạt người, dối đời, chứ sự thật họ tính toán Danh Lợi Tình hơn ai hết, bỏ Danh Lợi Tình này để lấy Danh Lợi Tình khác. Trước sau họ cũng không bỏ được, thoát được Danh Lợi Tình. Họ càng chối nhận, chê trách Danh Lợi Tình thì càng chứng tỏ họ là hạng người kém trí thức, kém đạo đức hơn ai hết. Phật Tiên Chúa Thánh Quỷ Thần, Con Người và Muôn Vật không ai không có danh lợi tình mà lập Đạo, tạo Đời được. Chúng ta phải suy xét cẩn thận điều này, kẻo không sẽ ân hận vô cùng.
* Tóm lại: Danh Lợi Tình là một sự thật, có thật chứ không phải mơ ước vọng tưởng. Tất cả đều cần nó, dùng nó, trong từng giây phút trên mọi nẻo đường, sao lại vô ơn chối bỏ nó. Nó có tội tình gì. Tội tình chăng là con người ta hiểu sai lệch về nó, vận dụng nó tầm bậy nên nó gây ra biết bao thảm cảnh tai họa cho loài người. Đừng đổ oan, trách oán cho nó.
Người khôn ngoan không chối nhận trốn chạy sự thật Danh Lợi Tình mà dám nhìn thẳng, tiếp cận, khống chế, thuần hóa nó thành bạn tri âm đa năng đa hiệu đắc dụng trên đường Đời Đạo.
Động thái Danh Lợi Tình của ta phải thật khôn khéo. Người đời thường đến với ta bằng Danh Lợi Tình chơn giả thì ta cũng phải chơn giả Danh Lợi Tình đối đãi.
Chúng ta hãy nghiệm xét bài thơ của Sư Tổ là Dịch Lý Sĩ Xuân Phong dạy như sau:
Chúng nhân năng giả bất năng chơn (1)
Biến hóa Âm Dương quyết thiệt hơn (2)
Giả giả chơn chơn tùy thế thế (3)
Khôn chơn khéo giả đạo hành nhân. (4)
NAM THANH chú giải:
Câu 1: Đa số người đời thường giả dối nhiều hơn là chân thật vì muốn thủ đắc Danh Lợi Tình nào đó.
Câu 2: Muốn thủ đắc Danh Lợi Tình thì Loài Người đã đang sẽ làm gì? – Phải dùng mọi kiểu cách mưu trí phương tiện biến hóa đổi thay chân giả quyết liệt, tranh hơn thua thắng bại sinh tử với nhau.
Câu 3: Vậy ta ở trong cuộc nhân sinh phải làm sao? – Tùy thời thế mà chơn giả biến hóa.
Câu 4: Chơn giả phải thật khôn khéo:
Chơn thật phải đúng lúc
Giả dối phải khéo léo như thật.
Đó là cách hay nhất để làm sao vào lửa không “sợ chết cháy” vào nước không “sợ chết chìm”.
Người học Dịch phải cố công tu học để có được khả năng bản lĩnh như thế mới mong tự thân tồn tại tiến bộ, tự giác mới giáo tha, mới giúp ích được cho Đời Đạo mà không gây thêm tai họa cho mình cho Người. Đó là Đạo làm Người.
Trích: Kinh dịch xưa và nay, Tác giả: Nam Thanh Phan Quốc Sử.