ĐẠI CƯƠNG VỀ KHOA THIÊN-NHIÊN XÃ-HỘI-HỌC XÃ-HỘI ÂM-DƯƠNG
ĐẠI CƯƠNG VỀ KHOA THIÊN-NHIÊN XÃ-HỘI-HỌC XÃ-HỘI ÂM-DƯƠNG
Khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học chào đời do nhu cầu trước tiên của các Dịch-Học-Sĩ. Sau khi đã dầy công nghiên cứu lý thuyết và biện minh chứng nghiệm Dịch Lý Việt Nam, tức là đã ít nhiều chứng đạt phần Triết Lý Đạo-Đời, các Dịch-Học-Sĩ nghĩ rằng đã làm người, thì không tránh khỏi nhân sinh hệ lụy; dù muốn hay không, cũng phải xử thế tiếp vật, xuất xử sao cho khôn khéo. Biết rằng giữa chợ đời muôn mặt, chân giả đảo điên, dù không muốn nhưng nếu Trời-Đời-Người bắt buộc, e khó thể chối từ, nên Dịch-Học-Sĩ phải chuẩn bị trước cho mình một khả năng bản lĩnh siêu tuyệt thuộc Đời-Đạo, để linh động hành sự xứng danh là một Dịch Lý Thời Nhân. Do vậy, Dịch-Học-Sĩ tự mình làm khó lấy mình, phải tìm tòi học hỏi tập rèn các nguyên lý qui luật nghệ thuật, cả phần Đạo (Dịch Lý) và phần Đời (Xã Hội), sao cho ‘THÀNH CÔNG, KHÔNG BAO GIỜ THẤT BẠI’hoặc thường thành công nhiều, thất bại ít, thất bại không đáng kể. Liệu yêu cầu này có quá sức người, có không tưởng, có cường điệu chăng??
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
Các Dịch-Học-Sĩ vẫn biết đòi hỏi ‘Thành Công, không bao giờ Thất Bại’ là khó đấy, người đời làm sao tin nổi, nhưng các Dịch-Học-Sĩ đã cố gắng vận dụng tinh hoa học thuật của Nhân-Thế và của chính mình về khoa Dịch Lý Việt Nam, để tựu thành khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học tối ưu diệu dụng. Tuy nhiên, phải nói ngay ‘Cây đàn bầu hay, nhưng không phải ai đàn cũng hay cả”. Chính ngay Dịch-Học-Sĩ nào, không nghiêm chỉnh theo đúng sít sao những qui luật đã chỉ rõ trong khoa học này, dù chỉ là sơ suất nhỏ, vẫn chuốc lấy thất bại như thường. Nhưng sự thất bại của một Dịch-Học-Sĩ, nếu có, cũng không quá bi đát tồi tệ như người khác.
Vậy, chúng tôi có lời khuyên, nếu ai chưa từng được học Dịch Lý Việt Nam, không có chí hướng tiến lên thành một Dịch-Học-Sĩ, và không là một Dịch-Học-Sĩ chính hiệu, không có khả năng chịu đựng nổi sự thật của tất cả mọi sự thật giả của Tình Đời, Tình Người, thì tốt nhất, người đó, ngay từ bây giờ và mãi mãi về sau, đừng sờ mó nếm thử Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học, e sẽ hoài công vô ích, mà có khi bị phản tác dụng, tác hại khôn lường.
Nói như vậy không có nghĩa là Khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học chỉ có các Dịch-Học-Sĩ mới được quyền biết và dùng. Nếu trong nhân thế, có người cần tới nó, thì nó vẫn có thể được dùng xài ít nhiều và cũng có hiệu quả thành công hơn người, nhưng không thể mãi mãi ‘thành công, không bao giờ thất bại’. Chúng tôi đề nghị Nhân-Thế dùng tên gọi là: “Khoa GIAO DỊCH XÃ HỘI” cho phù hợp với mình hơn, trong những sinh hoạt thường nhật.
Dù vậy, khi trình bày cho Nhân-Thế, chúng tôi vẫn dùng và nói đúng theo Khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học, chứ không thể hạ thấp giá trị của môn học. Mong quí vị thông cảm và cố gắng theo dõi.
(Yêu cầu các bạn thường xuyên ôn lại Triết Dịch mới có thể vận dụng sâu sắc tối ưu Dịch Lý vào Xã Hội Nhân Sinh).
Phàm khi chúng ta nghiên cứu tầm học một môn học nào, chúng ta cần biết ngay đối tượng, phương pháp và công dụng của môn học đó. Sự hiểu biết đại cương nầy giúp chúng ta nắm vững môn học và kiên trì học tập cho đến ngày đạt kết quả mỹ-mãn.
Vậy Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học là gì?
- ĐỐI TƯỢNG: TỔ CHỨC CƠ MẬT CỦA TRỜI ĐẤT
Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học là một khoa học nghiên cứu và luận giải về các sự sâu kín và lặng lẽ trong các tổ chức đời sống của muôn loài vạn vật, trong đó có con người.
Thiên nhiên là tất cả cái gì có Lý Động-Tĩnh, từ Uyên-Nguyên đến Vạn-Hữu, thể hiện qua Lý, Đức, Tính, Thời, Thần, Khí, Tình, Thanh, Sắc, Chất, Thể, Hình. Những thứ đó, do Trời làm, hoặc do con người hay loài vật làm, đã qua hiện tại và sắp đến. Thiên-Nhiên có đó, mãi mãi có đó, dù con người đã biết tới hay chưa biết tới, đã khám phá hay chưa khám phá, đã đề cập hay chưa đề cập.
Xã-Hội là tất cả các thứ kể trên có sự quây quầng, hội tụ lẫn với nhau, có sự va chạm, hấp dẫn cung cầu cho nhau, có tiêu-trưởng, có sinh-diệt, có động tĩnh, vây phủ trong cũng như ngoài Con Người.
Vậy, THIÊN-NHIÊN XÃ-HỘI là cái khung cảnh trong đó muôn loài vạn vật mãi mãi đi lại với nhau.
Thiên-Nhiên Xã-Hội có thể lớn đến vô cùng vũ trụ (vĩ mô), có thể nhỏ đến tế-vi nhiệm nhặt (vi mô), vượt qua mọi phương tiện đo lường hay sức tưởng nghĩ của người. Dù lớn hay nhỏ, cơ cấu tất yếu của Xã-Hội Thiên-Nhiên luôn hội đủ lý MỘT mà có HAI là Yếu lý ĐỒNG NHI DỊ (Giống mà hơi hơi khác) là ÂM DƯƠNG Lý.
Theo quan điểm Dịch Lý, xã hội là khung cảnh, là phạm vi, là cái MỘT, là ĐỒNG. Xã hội gồm có những phần tử, những yếu tố mầu nhiệm, tối thiểu phải là HAI, là DỊ, sống động đi lại trong Xã hội ấy, trong cái MỘT ấy, trong cái ĐỒNG ấy. Vậy Xã hội là MỘT mà HAI, là ĐỒNG nhi DỊ, là xã hội ÂM DƯƠNG. Muốn trở thành một xã hội, tối thiểu phải có Hai (Hai phần tử, Hai yếu tố). Hai đó ta mệnh danh Âm Dương. Vì Âm Dương là hai danh từ chỉ cái LÝ đương nhiên mà Vũ Trụ muôn loài hằng ôm ấp mới có Biến Hóa.
Âm Dương vượt cả không thời gian, nên nó là Thiên Nhiên, là hằng cữu.
Người xưa tượng trưng 1 xã hội thiên nhiên bằng hình đồ Thái Cực là một xã hội nhỏ nhất, tối thiểu phải là 1 mà 2. Bất kể thứ gì hễ có 2 là thành 1 xã hội. Còn chỉ có Một thì không thể gọi là xã hội được. Nếu vô tư, thì chính bất cứ trong cái 1 nào cũng có 2. Vậy, bất cứ đâu đâu 1 hoặc 2 cũng đều là Xã hội. Xã hội lớn gồm nhiều xã hội nhỏ (1 mà 2) chồng chất kết tụ. Thí dụ: 1 người là 1 xã hội, là Ta, gồm nhiều cơ quan; 2 người là 1 xã hội, gồm Ta và kẻ khác.
Với nghĩa lý của một Xã Hội Tiên Thiên tự nhiên như thế, ta mới thầm khen tiền nhân đã khéo léo biểu diễn bằng 1 đồ hình khá độc đáo, mà người đời quen gọi là Thái Cực Đồ hay Vô Cực Đồ:
Hình chỉ manh tính minh họa |
- Vòng tròn tượng trưng thể thống nhất là cái MỘT, cái ĐỒNG, là xã hội.
- Nội dung kết cấu bên trong Xã hội cái ĐỒNG, cái MỘT đó gồm HAI cái Giống mà hơi khác (Đồng Nhi Dị), quen gọi là HAI mặt Âm Dương đối đãi.
- Đường cong chữ S là đường biểu diễn giao dịch biến thiên của Âm Dương.
Vậy Thiên-Nhiên Xã-Hội chính là Xã-Hội Âm Dương, là Xã-Hội đầu tiên, đồng thời cũng là xã hội tiêu biểu mãi mãi cho mọi Xã Hội con người và muôn vật. Bất chấp con người và muôn vật cấu tạo sinh hoạt loại hình xã hội nào, xét ra cũng chỉ là Xã-Hội Âm Dương. Cho nên, muốn giao dịch Xã-Hội thành công, chúng ta không thể không am tường mọi nguyên lý qui luật của Xã-Hội Âm Dương.
Thí dụ 1:
Xã-Hội Âm Dương thuộc 12 Đại Phạm Vi Căn Cơ của Vũ Trụ :
LÝ là Vô Hữu – Hữu Vô Lý
ĐỨC là Manh Nha Cực – Cực Manh Nha
TÍNH là Biến Hóa Hóa Thành – Hóa Thành Biến Hóa
THẦN là Linh Hiển – Hiển Linh
THỜI là Khởi Dứt – Dứt Khởi
KHÍ là Thanh Trọc – Trọc Thanh
TÌNH là Tụ Tán – Tán Tụ
THANH là Trầm Bổng – Bổng Trầm
SẮC là Sáng Tối – Tối Sáng
CHẤT là Tinh Tạp – Tạp Tinh
THỂ là Đại Tiểu – Tiểu Đại
HÌNH là Ngay Cong – Cong Ngay
Thí dụ 2:
Xã Hội Âm Dương thuộc muôn trùng Âm Dương Trời Biển Tình Ý là Phạm Vi Cơ Cấu Dịch Biến.
Giống : Đực Cái
Độ : Hàn Nhiệt Sức : Mạnh, Yếu
|
Người : Nam, Nữ
Chiều : Cao, Thấp Khoảng : Dài, Ngắn…
|
Hoặc Xã Hội Danh Lý như: Lý với Trí, Tâm với Vật, Tinh Thần với Thể Xác, Thiên Đàng với Địa Ngục, Hạnh Phúc với Đau Khổ, Thiện với Ác, Đạo với Đời, Huyền Vi với Hiển Hiện, Thương với Ghét, Giúp với Hại, Bản Chất với Hiện Tượng, hoặc Chất với Lượng, Nội với Ngoại, Sinh với Tử, Khôn với Ngu, Nghèo với Giàu, Gốc với Ngọn, Nhân với Quả, Tinh với Noãn, Tử Cung với Bào Thai, Khí với Huyết, Thủy với Hỏa, Mạch với Chứng, Thuốc với Bệnh, Tăng với Giảm…
Muôn trùng Thiên-Nhiên Xã-Hội như thế kể sao cho xiết, chung qui cũng chỉ là Xã-hội Âm Dương, tất cả chúng đang quây quần vây phủ qua lại trong ngoài con người và muôn vật, tạo thành cục diện xã hội đa đoan phức tạp, gọi chung là Con Người Vũ Trụ Dịch.
Bởi tính đa dạng và phức tạp của bất cứ một xã hội nhỏ lớn nào; nên khi nghiệm xét một sự lý, Người học Dịch phải xác định từng phạm vi, chứ không thể cùng lúc bàn luận trên tất cả mọi phạm vi của sự lý và cũng chỉ được phép kết luận được lý, hữu lý ở phạm vi đó mà thôi, chứ không được qui nạp chắc đúng cho tất cả mọi phạm vi khác.
Người đời hay dùng chữ TƯƠNG ĐỐI để cảnh giác chủ quan, phiến diện, như trong mẫu chuyện “5 người mù sờ voi”. Muôn đời mãi mãi đa số sẽ chết ngộp trong vòng tương đối, nếu không có sở kiến về chân lý tuyệt đối là Yếu lý ĐỒNG NHI DỊ, là ÂM DƯƠNG LÝ, là Tiên Hậu Thiên Trí Tri Ý Thức, là Dịch Lý, là xã hội Gốc của mọi Xã Hội.
Tóm lại, đối tượng của khoa thiên-nhiên xã-hội-học là Xã Hội Âm Dương mẫu mực khuôn phép đúc nên mọi Xã hội Con Người Vũ Trụ Dịch Biến. Nói thẳng ra, là Tổ Chức Cơ Mật của Trời Đất, bất di bất dịch, chứ chẳng phải chuyện bày đặt, ước mơ, vọng tưởng của Loài Người.
- PHƯƠNG PHÁP: ĐỒNG-DỊ SINH KHẮC. Trích: Kinh dịch xưa và nay, Tác giả: Nam Thanh Phan Quốc Sử.
Giao-Dịch Sống-Động Biến-Hóa Tiêu-Trưởng Ẩn-Hiện.
Phương pháp của Khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học hoàn toàn dựa vào Lý-Tính đương nhiên của muôn loài vạn vật là ĐỒNG NHI DỊ tức là Giống Mà Hơi Hơi Khác Nhau hay còn gọi là Âm Dương Lý. Không bao giờ có vấn đề Hoàn Toàn Đồng, hay Hoàn Toàn Dị, mà chỉ có một Chân lý là Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng chi phối khắp nơi và mãi mãi.
Nếu có gì Hoàn Toàn Đồng hay Hoàn Toàn Dị là không có Biến Hóa. Nhưng tất cả muôn đời mãi mãi đều Biến Hóa, thì đừng ai hòng mơ tưởng ảo vọng về đến chỗ Không Biến Hóa, Bất Sinh Bất Diệt, tất cả đều phải Tạo Hóa, phải Giao Dịch Sống Động, Biến Hóa Hóa Thành, Tiêu Trưởng Ẩn Hiện, Vận Hành Sinh Khắc…nói chung là phải Dịch Biến.
Vậy, Phương pháp then chốt của Khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học là noi theo lý lẽ qui luật tự nhiên của TẠO HÓA để thành sự cho loài người và muôn vật, tức là Thuận Thiên Hành Đạo, Khai Vật Thành Vụ, tập trung vận dụng Nhất lý và Nhất Luật:
- Nhất lý là ÂM DƯƠNG Lý (Yếu lý ĐỒNG Nhi DỊ ).
- Nhất Luật là BIẾN HÓA Luật (qui luật Dịch Biến).
Nếu ai thấu đạt Nhất-lý Nhất-luật này và biết khôn khéo áp dụng thì tài năng bản lĩnh siêu tuyệt hợp cùng Tạo Hóa, chẳng đáng là bậc siêu phàm thiên biến vạn hóa, giúp ích cho đời, công đức không nhỏ sao?
Các bạn thử kiểm tra lại cuộc đời sự nghiệp của các Danh nhân, vĩ nhân xưa nay, xem có đúng vậy chăng??
- CÔNG DỤNG. Trích: Kinh dịch xưa và nay, Tác giả: Nam Thanh Phan Quốc Sử.
Vận Hành, Quân Bình Sinh Hóa, Biến Hóa-Hóa Thành
Trong xã hội loài người và xã hội loài vật đều có những vấn đề gần gũi, giúp đỡ diệt hại lẫn nhau.
Vạn vật, dù là hữu hình hay vô hình, dù là cỏ cây hay sắt đá, muông chim cầm thú hay con người quỉ thần, có hiểu biết hay không hiểu biết, khi nó chạm vào thân xác hay tâm hồn chúng ta, chúng ta nẩy sinh có ưa thích hay không có ưa thích, có bằng lòng hay không bằng lòng, có xứng ý hay không xứng ý, ở mỗi người chúng ta không ai giống ai cả. Ngàn đời cũng chỉ có thế, làm cho chúng ta có trạng thái mừng vui buồn giận, yêu ghét lẫn nhau cũng chỉ tại vấn đề Âm Dương Tiêu Trưởng Ẩn Hiện Vận Hành Sinh Khắc, chứ chẳng có gì lạ.
Hôm nay, chúng ta nghiên cứu thâm sâu Lý Âm Dương Sinh Khắc để hiểu rõ Tình Đời, Tình Người đi lại tính toán ra sao theo những nguyên tắc, định luật nào, rồi tùy thời mà tiến thoái. Hơn nữa, dựa vào những qui luật tiến thoái hóa của Vũ Trụ, con người với bộ óc phát minh và khả năng sáng tạo chế biến tùy theo nhu cầu nhân loại đòi hỏi.
Những khả năng và lợi ích của Khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học đủ sức hướng dẫn nhân loại trên đường Tiến Thoái Hóa, phác họa được phần nào về phép tổ chức cơ mật của Trời Đất muôn đời, cho nên Khoa Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học đáng là một Khoa Học Tổng Tập thực dụng và quán chúng. Bởi vì Khoa này sáng tác bởi các nhà Âm Dương Học Việt Nam, cố gắng vô tư, cố tình cố ý noi theo dấu của Trời Đất, hợp cùng Thiên-Ý, làm thành Tam Tài là Thiên-Địa-Nhân để tổ chức sự quây quầng sống động của Vũ Trụ Vô Hữu, hầu đem lại an hòa duyệt lạc cùng khắp cả muôn loài.
Khoa Xã-Hội này được đề ra dựa vào Tính Lý Thiên Nhiên của ÂM DƯƠNG, nên gọi là Thiên-Nhiên Xã-Hội-Học, tức là một Khoa Học về Tổ Chức của Xã Hội muôn đời mà muôn loài vạn vật, dù là vô hình hay hữu hình, đều rập khuôn như thế, không thể nào khác được.
Nay, chúng ta gia công nghiên cứu học tập về tổ chức xã hội thiên nhiên ấy, chẳng khác nào chúng ta có cơ hội ngàn năm một thuở về cội nguồn, tìm sống lại với bộ mặt mới, khung cảnh mới, kỷ nguyên mới, trong niềm hân hoan tin tưởng với những di tích kỳ quan từ thuở tạo thiên lập địa, hoặc của Tổ Tiên vậy.
Vì, dù muốn dù không, con người ngày nay cũng chỉ là CON NGƯỜI HẬU THIÊN so với con người đã qua, cho nên tổ chức Xã Hội của con người ngày nay có lý đâu chẳng ôm ấp rập khuôn mẫu của tổ chức Xã Hội Tiên Thiên. Hậu Thiên ôm ấp Tiên Thiên là lý đương nhiên. Hậu Thiên chỉ là bông trái của Tiên Thiên. Tổ chức Xã Hội Tiên Thiên là tổ chức cơ mật huyền diệu của Trời Đất, chúng ta phải hết sức cẩn trọng và thành tâm, thì mới hy vọng khám phá nổi lý nhiệm mầu sâu kín được. Trái lại, chúng ta sẽ phải hứng chịu những truông kiếp nặng nề không sao kể xiết.
Trích: Kinh dịch xưa và nay, Tác giả: Nam Thanh Phan Quốc Sử