ĐẠO HỌC-GIÁO DỤC-TRÍ TUỆ

Tinh thần hiếu học là một mỹ đức

Tinh thần hiếu học là một mỹ đức.

Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri nghĩa (ảnh: Shutterstock).

Học tập có quan trọng không? có quan trọng! Tuy nhiên học tập là một chuyện, đạt được cái tinh thần ham học, hiếu học như người xưa, như dân tộc Do Thái lại là một chuyện khác. 

“Ngọc không mài, không thành quý

Người không học, mù nghĩa lý”.

(Tam Tự Kinh)

Một hòn ngọc thô, nếu không trải qua quá trình mài giũa tỉ mỉ thì không thể trở thành món đồ hữu dụng đẹp đẽ. Con người cũng vậy, dù có tư chất bẩm sinh rất tốt, nhưng không chịu khó học tập thì cũng không cách nào hiểu được đạo lý xử thế, làm người.

Mạnh Mẫu cắt lụa khuyên học

Học tập cần phải bền lòng, một khi đã nhận định rõ mục tiêu thì không để những thứ bên ngoài gây nhiễu.

Mạnh Kha vốn có linh tính và huệ căn thiên bẩm, nhưng cũng có thói ham chơi lười biếng như bao đứa trẻ khác. Một hôm Mạnh Kha trốn học đi chơi nửa ngày. Khi con trai trở về nhà, Mạnh Mẫu chẳng nói chẳng rằng cầm kéo xoẹt một cái cắt đứt tấm lụa đang dệt làm hai mảnh. Mạnh Kha kinh ngạc hỏi mẹ: “Sao mẹ lại cắt ngang bỏ tấm vải như thế?”

Mạnh Mẫu nói: “Con bỏ học thì giống như tấm lụa mẹ đang dệt đây. Một người quân tử học để thành danh, học vấn uyên bác, do đó họ ở thì yên vui, họ hành động thì tránh xa cái hại, cái xấu. Hôm nay con không học thì không thể rời xa họa hoạn được, từ nay về sau mãi mãi chỉ làm những việc nhỏ nhặt quẩn quanh tạm bợ mà thôi. Bỏ dở giữa chừng không làm, như người phụ nữ dệt lụa cắt lụa phá khung cửi, thì lấy gì cho chồng con ăn và mặc đây?”

Mạnh Mẫu dùng việc “Cắt lụa” để ví với “Bỏ học”, chỉ ra bỏ dở giữa chừng thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. “Cắt lụa khuyên học” đã lưu lại ấn tượng rõ ràng vừa kinh lại vừa sợ trong tâm hồn cậu bé Mạnh Kha, từ đó cậu siêng năng gắng sức, ngày đêm không mệt mỏi chuyên cần học tập.

Hiếu học như người Do Thái

Nói đến tinh thần hiếu học không thể không nhắc đến người Do Thái, họ thường nói: “Dù có tốn kém đến mấy cũng phải gả con gái cho người có học; dù có tốn kém đến mấy cũng phải lấy cho được con gái nhà có học”.

Nhà triết học Aristotes người Do Thái từ thế kỷ XII đã dạy: “Mọi người Do Thái bất kỳ già trẻ đều phải chăm học. Thậm chí người đi xin cũng phải dành thời gian để học tập”. Người Do Thái cho rằng con người ta dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào cũng cần coi trọng việc học. Ví dụ, Rabi Akiwa là một người chăn cừu nghèo khổ, đến năm 40 tuổi mới có điều kiện học tập. Vậy mà sau này ông đã trở thành một trong những học giả vĩ đại của người Do Thái.

Theo truyền thống Do Thái, giáo dục văn hóa và tôn giáo chiếm địa vị vô cùng quan trọng. Sách kinh điển “Misina” quy định trẻ từ 6 tuổi đã phải học Kinh Thánh, 10 tuổi học kinh Misina, 13 tuổi học giới luật Do Thái, 15 tuổi học kinh Gemala.

Đặc biệt, họ cho rằng nghĩa vụ số một của người Do Thái là chăm lo cho việc giáo dục con cái. Trong đó, Kinh Thánh đã xác định rõ cha mẹ phải coi việc giáo dục con cái là điều quan trọng nhất trong đời mình. Giáo dục tại gia đình là biện pháp quan trọng để duy trì truyền thống dân tộc.

Trong khi đó, rất nhiều cha mẹ hiện đại phó mặc việc học tập của con cho nhà trường, thầy cô, gia sư, mà không nhận thức rằng vai trò của cha mẹ mới là chủ đạo. Nhà trường và thầy cô có thể tạo cho con một chiếc nôi tiếp nhận tri thức nhân loại, có được tấm bằng giá trị trong tay, nhưng thật khó để dạy con tu thân dưỡng Đức, đặc biệt là tinh thần hiếu học. Khi đối diện với sự học uể oải ở trò, họ không thể như mẹ của Mạnh Kha mà viết nên câu chuyện “cắt lụa khuyên học” được. Chỉ có trí tuệ và tình mẫu tử cộng lại mới đủ sức mạnh làm lay chuyển ý chí và tâm hồn đứa trẻ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ là động lực cho con hiếu học

Thật đáng quý khi các bậc cha mẹ có thể coi trọng việc học tập của con cái giống như người xưa, như dân tộc Do Thái. Kinh Tamuhd của người Do Thái vạch rõ, nếu nói học tập là việc thiện lớn nhất, sự sáng tạo ra cơ hội để học tập sẽ là việc thiện lớn thứ hai. Thực tế, nhiều người thành công như Andersen, Lincoln, Thomas Edison…đều có một điểm chung là cha mẹ của họ hết lòng tạo điều kiện cho việc học tập của con.

Khi còn nhỏ, đại văn hào Andersen của Đan Mạch sống với bố mẹ trong một ngôi nhà xoàng xĩnh, đơn sơ chỉ có một phòng. Trong phòng kê giường, tủ đã đủ chật chội. Tuy nhiên, người cha đã cố tạo ra một điều kiện học tập tốt nhất cho con. Ông treo tranh đẹp trên tường, xếp sách vở gọn gàng trên một cái giá sách nhỏ và bày một vài đồ chơi. Hàng ngày, ông chú ý kể chuyện cho con nghe. Andersen đã sớm được nghe bố kể chuyện “1000 lẻ một đêm” và một số kịch bản của Shakespear.

Abraham Lincoln may mắn khi có cả người mẹ đẻ và mẹ kế coi trọng giáo dục và ủng hộ mạnh mẽ việc học. Đặc biệt, người mẹ kế Sarah luôn khuyến khích Lincoln đọc những cuốn sách bà mang theo hay bất cứ cuốn sách nào Lincoln có thể tìm thấy. Bà sớm nhận ra những tố chất đặc biệt của Lincoln và ủng hộ con theo đuổi kiến thức.

Thời bấy giờ, trong nhà nông chú trọng lao động chân tay còn đọc sách được coi là phù phiếm, nên Lincoln luôn bị mọi người chế giễu là lố bịch, kỳ quặc. Cha ông không ít lần thất vọng về con trai, nhưng Sarah không nghĩ vậy. Bà trân trọng những điểm người ta coi là kỳ quặc ở con riêng của chồng. Sarah thuyết phục chồng cho phép Lincoln được đọc sách ở trường và ngay cả ở nhà. Ban đầu, cha của Lincoln không ủng hộ nhưng nhờ sự cương quyết của vợ, ông đành đồng ý rồi dần chuyển sang chấp thuận lý tưởng học tập của con.

Thuở nhỏ, Thomas Edison là một cậu bé đặc biệt, thích tìm hiểu mọi thứ theo cách riêng của mình và thường đặt những câu hỏi hóc búa. Tuy nhiên, thầy giáo lại không có cảm tình với cậu, thường xuyên cho cậu đội sổ. Một lần, thầy giáo gọi cậu là kẻ đần độn, Edison mang chuyện này kể cho mẹ, bà Nancy, và mẹ cậu đã vô cùng tức giận. Bà đưa cậu đến trường để tìm kiếm một lời xin lỗi, nhưng thầy giáo vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Vì vậy, bà Nancy quyết định tự dạy con ở nhà.

Nhờ mẹ, Edison học dần các môn Lịch sử của Hy Lạp, La Mã và Sử thế giới. Ông cũng được làm quen với Thánh Kinh, với các tác phẩm của Shakespeare và của các văn sĩ, thi sĩ, sử gia danh tiếng khác. Edison thích nhất Khoa học. Cậu có thể kể lại rành mạch các phát minh, các thí nghiệm và tiểu sử của các nhà bác học như Newton, Galileo… Chỉ trong vòng 6 năm, bà Nancy đã truyền lại cho con tất cả kiến thức của mình. Bà Nancy không những dạy ông về học vấn mà còn nhắc nhở ông các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin và cần cù, cộng với lòng ái quốc và tình yêu nhân loại. Cuối đời, Edison đã nói: “Mẹ là người tạo ra tôi. Bà khiến tôi cảm thấy có động lực sống, là người khiến tôi luôn cố gắng để không gây thất vọng”.

Quả thật là “Yêu thương con không gì quan trọng bằng giáo dục”. Trên hành trình vạn dặm khó khăn, cha mẹ chính là động lực cho con giữ được tinh thần hiếu học lâu dài.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111