Những định luật còn lợi hại hơn phong thủy trăm lần
Những định luật còn lợi hại hơn phong thủy trăm lần.
Người sống trên đời ít nhiều đều bị những quy luật tự nhiên chi phối. Hiểu thấu những quy luật ấy sẽ cho bạn cái nhìn khoáng đạt và sâu sắc hơn về những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Luật nhân quả
Trên đời này không có gì là ngẫu nhiên cả, mỗi một chuyện xảy ra chắc chắn đều có nguyên nhân của nó. Đây là định luật căn bản nhất của vũ trụ, vận mệnh của con người đương nhiên cũng tuân theo định luật này. Không chỉ có Phật giáo mới công nhận luật nhân quả, mà còn có Kitô giáo và Ấn Độ giáo v..v… Triết học gia Socrates của Hy Lạp cổ đại và nhà khoa học Newton cũng cho rằng đây là định luật cơ bản nhất của vũ trụ. Tư tưởng, lời nói và hành vi của con người đều là “nhân”, đều sản sinh ra một “quả” tương ứng.
Nếu “nhân” tốt đẹp thì “quả” cũng sẽ tốt đẹp, và ngược lại. Con người chỉ cần có tư tưởng thì tất nhiên sẽ không ngừng “trồng nhân”, trồng “nhân lành” hay “nhân ác” đều là do bản thân chúng ta tự quyết định. Vì vậy những người muốn cải tạo vận mệnh, đầu tiên cần phải chú ý và hiểu rõ mỗi một suy nghĩ của mình (tức là khởi tâm động niệm) sẽ dẫn đến lời nói và hành vi như thế nào, từ những lời nói và hành vi đó sẽ dẫn đến kết quả ra sao.
Luật hấp dẫn
Tâm niệm (tư tưởng) của con người luôn có sự hấp dẫn qua lại với thực tế giống tâm niệm đó. Ví dụ, nếu một người cho rằng đường đời của mình toàn là cạm bẫy, bước ra khỏi nhà sợ bị té ngã, ngồi xe sợ bị tai nạn giao thông, kết giao bạn bè sợ bị lừa, thì hoàn cảnh thực tế của người này chính là một hiện thực với nhiều nguy cơ bao vây tứ phía, chỉ một chút bất cẩn thật sự sẽ gây ra tai họa. Còn nếu một người cho rằng trên thế giới này có rất nhiều người đều là người sống nghĩa khí và nhiệt tình, thì người này sẽ luôn gặp được những người bạn chân thành nhiệt tình.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì con người đều nhìn thế giới một cách có chọn lọc, con người chỉ nhìn thấy và chú ý những thứ mà mình tin tưởng, còn những thứ không tin tưởng thì sẽ không chú ý, thậm chí thấy mà như không thấy. Vì vậy hoàn cảnh thực tế mà con người đang sống chính là được thu hút từ tâm niệm, con người cũng bị hấp dẫn bởi thực tế giống tâm niệm của mình. Sự hấp dẫn qua lại này đang diễn ra từng giây từng phút bằng một phương thức vô ý thức mà con người rất khó phát hiện ra.
Nếu tâm niệm của một người tiêu cực hoặc xấu ác, thì hoàn cảnh mà người đó đang sống cũng là tiêu cực hoặc xấu ác. Còn tâm niệm của một người tích cực hoặc lương thiện, thì hoàn cảnh mà người đó đang sống cũng tích cực và lương thiện. Nếu con người có thể kiểm soát được tâm niệm (tư tưởng) của mình, chỉ chuyên chú vào con người, sự việc, sự vật tích cực, lương thiện và có lợi cho bản thân, vậy thì người đó sẽ hấp dẫn được con người, sự việc, sự vật có lợi, tích cực và lương thiện đến với cuộc sống của mình. Mà con người, sự việc, sự vật có lợi, tích cực và lương thiện cũng sẽ hấp dẫn người đó. Vì vậy kiểm soát tâm niệm, là tư duy cơ bản để thay đổi vận mệnh.
Luật tin tưởng
Nếu như tin tưởng mãnh liệt rằng một chuyện gì đó sẽ xảy ra, thì cho dù chuyện đó là thiện hay ác, là tốt hay xấu, chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra với người đó. Ví dụ một người tin tưởng mãnh liệt rằng chuyện tích cực sẽ xảy ra với mình, thì chuyện tích cực chắc chắn sẽ xảy ra. Hoặc có người tin chắc rằng mạng sống của mình không còn bao lâu nữa, thì người đó sẽ chết rất nhanh. Vì vậy dùng niềm tin tốt thay thế cho niềm tin không tốt, đây là nguyên tắc thay đổi vận mệnh. Vì vậy cho thấy rằng, có niềm tin tốt chính là một loại phước báo, muốn tạo phước cho bản thân thì cần phải thiết lập niềm tin tốt đẹp.
Luật thả lỏng
Con người chỉ khi ở trong tình huống tâm thái thả lỏng thì mới có thể có được thành quả tốt nhất. Bất cứ sự giải đãi (lười biếng) hoặc nóng vội nào về mặt tâm thái cũng đều đưa đến kết quả không tốt. Tâm thái như thế nào mới được xem là tâm thái tốt nhất? Tâm thái càng trong sáng không tạp niệm càng tốt. Đặt mục tiêu chính xác vào nhân cách lý tưởng, cảnh giới lý tưởng, mối quan hệ lý tưởng và cuộc sống lý tưởng mà bạn muốn, sau đó thả lỏng tâm thái, cố gắng làm thật tốt, làm những gì mà bạn nên làm, không nên lúc nào cũng suy nghĩ những thứ đó khi nào sẽ đến, thì có khi những thứ đó diễn ra sớm đến nổi khiến bạn bất ngờ. Ngược lại, nếu bạn càng nóng vội mong chờ vào kết quả, thì bạn càng không thể có được kết quả lý tưởng, thậm chí còn nhận được kết quả trái ngược.
Lấy một ví dụ: Nhà bạn bị mất điện vào một buổi tối nóng bức, bạn nằm trên giường đổ mồ hôi khắp người, cảm thấy khó chịu và không thể ngủ được. Bạn không ngừng nghĩ đến việc khi nào thì mới có điện lại, trong lúc bạn đang nóng lòng như vậy thì lại không có điện, nhưng đến cuối cùng bạn chịu đựng đủ rồi, bạn không còn nghĩ ngợi gì nữa và tự nhiên cũng mát hơn rồi, sắp ngủ được rồi thì có điện trở lại, đột nhiên đèn trong phòng bạn sáng lên, và cánh quạt chuyển động. Điều này không phải là trùng hợp cũng không phải mê tín, mà là định luật, đây là định luật thả lỏng.
Luật thực tại
Con người không thể kiểm soát quá khứ, cũng không thể kiểm soát tương lai, cái con người có thể kiểm soát chỉ có tâm niệm, lời nói và hành vi ngay trong giờ phút hiện tại. Quá khứ và tương lai đều không tồn tại, chỉ có giây phút hiện tại là chân thật. Vì vậy điểm chú tâm và điểm xuất phát để thay đổi vận mệnh chỉ có thể là “thực tại”, ngoài cái này ra thì không còn cách nào khác.
Dựa theo định luật hấp dẫn, nếu con người luôn tưởng nhớ về quá khứ, sẽ bị cảm giác tội lỗi và hối hận trói buộc trong thực tại cũ mà mình muốn thay đổi, không cách nào thoát ra được. Nếu con người luôn lo lắng về tương lai, thì sự lo lắng đó sẽ thu hút những chuyện mà chúng ta không mong muốn xảy ra vào trong hiện thực của chúng ta. Tâm thái đúng đắn là bất kể vận mệnh tốt cũng được, xấu cũng không sao, chỉ cần tích cực chú tâm vào việc điều chỉnh và thực hành tốt tư tưởng, lời nói và hành vi ngay trong thực tại, thì vận mệnh cũng sẽ tự nhiên phát triển theo hướng tốt đẹp.
Định luật 80/20
Con người chỉ có thể nhận được 20% kết quả trong 80% thời gian và sự cố gắng trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng, còn 80% kết quả sẽ nhận được trong 20% gian thời và sự cố gắng còn lại. Đây là một định luật vô cùng quan trọng, rất nhiều người khi đang theo đuổi mục tiêu, vì cố gắng rất lâu cũng không nhìn thấy được kết quả rõ ràng, cho nên mất lòng tin mà từ bỏ.
Phải biết rằng thay đổi vận mệnh là một chuyện lâu dài, cần phải có đủ kiên nhẫn. Không nên dự tính trước 80% thời gian và sự cố gắng ban đầu sẽ có được thu hoạch to lớn, chỉ cần không bỏ cuộc, trong 20% cố gắng cuối cùng sẽ có tiến bộ vượt bậc và đúng bản chất. Số lượng thay đổi mới khiến chất lượng thay đổi, tại sao số người thành công luôn rất ít? Bởi vì có rất ít người có thể kiên trì đến cùng.
Luật đáng phải có
Con người có được mọi thứ đáng phải có, chứ không phải muốn có được mọi thứ. Người sở hữu ngàn vàng đáng giá ngàn vàng, người nên chết đói chắc chắn sẽ chết đói, chính là đạo lý này. Vì vậy nếu muốn thay đổi vận mệnh, cần phải nâng cao giá trị của bản thân, khi giá trị của bản thân được nâng cao rồi thì cái đáng nhận được dù là chất hay lượng thì đều được nâng cao.
Luật gián tiếp
Muốn nâng cao giá trị bản thân (bao gồm hai phương diện vật chất và tinh thần), cần phải thực hiện gián tiếp thông qua việc nâng cao giá trị của người khác. Ví dụ, bạn muốn nâng cao lòng tự trọng của mình, cần phải thực hiện gián tiếp thông qua việc nâng cao lòng tự trọng của người khác trước. Bạn muốn có thành tựu, cần phải thực hiện gián tiếp thông qua việc giúp người khác thành tựu trước. Lấy ví dụ, có một số công ty lập mục tiêu chỉ hoàn toàn theo đuổi lợi nhuận lớn nhất, những công ty này luôn thất bại rất nhanh, trong một vài năm là biến mất. Còn những công ty luôn hết lòng đưa ra sản phẩm chất lượng và dịch vụ chất lượng cho khách hàng và xã hội thì lại luôn trường tồn vững mạnh, càng làm càng thành công.
Đây chính là tác dụng của định luật gián tiếp. Điều đáng nói là, trong định luật gián tiếp nâng cao giá trị bản thân và nâng cao giá trị người khác luôn xảy ra cùng một lúc. Khi bạn đang nâng cao giá trị của người khác, giá trị của chính bản thân bạn cũng lập tức được nâng cao.
Luật bố thí
Bố thí có nghĩa là cho đi. Định luật này muốn nói rằng, bạn cho đi bất cứ thứ gì, đến cuối cùng bạn sẽ được nhận lại gấp đôi. Ví dụ, bạn bố thí tiền bạc hoặc vật chất, bạn sẽ nhận lại được tiền bạc và vật chất gấp đôi. Bạn bố thí tâm hoan hỷ, khiến trái buồn bã của người khác trở nên vui vẻ, bạn sẽ nhận lại sự hoan hỷ gấp đôi mà người khác đáp lại cho bạn. Bạn bố thí yên bình, khiến người khác yên tâm, bạn sẽ có được sự an lạc gấp đôi. Ngược lại, nếu bạn bố thí cho người khác sự bất an, căm hận, tức giận, buồn rầu, thì bạn sẽ nhận lại gấp đôi những thứ đó.
Không mong báo đáp
Đây là phần bổ sung cho định luật bố thí. Nguyên tắc này là khi bạn bố thí thì đừng bao giờ mong muốn được báo đáp, bạn càng không mong muốn báo đáp, báo đáp mà bạn nhận được sẽ càng lớn. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, mà là chưa đến lúc”. Không biết các bạn đã gặp phải tình huống tương tự như ví dụ này chưa? Một hôm bạn đang lái xe vội đi gặp một khách hàng quan trọng, trên đường nhìn thấy xe của một đôi vợ chồng già bị nổ lốp xe. Vì bạn đang vội nên không muốn giúp, nhưng lại cảm thấy cần phải giúp, vì vậy bạn đã dừng xe lại để giúp họ thay lốp.
Bạn thay lốp xong, đôi vợ chồng già muốn trả cho bạn một ít tiền để thể hiện sự cám ơn, bạn từ chối họ và chúc họ may mắn, sau đó tiếp tục lên đường. Khi bạn đi đến điểm hẹn, mới phát hiện khách hàng còn đến muộn hơn bạn, mà khách hàng lại còn rất vui vẻ ký hợp đồng với bạn. Có phải bạn cảm thấy rất may mắn không? Nhưng đây không phải là sự may mắn, mà là định luật. Vì vậy xin ghi nhớ: Cho đi có nhiều phước báo hơn là nhận được. Bản thân việc bố thí đã là một phước báo rất lớn, mà không cần nhận lại gì từ người được bố thí. Cân trọng lượng của voi (bố thí), mọi người nói xem nếu như cho con voi thêm một chiếc khăn quàng cổ (báo đáp), cân nặng của con voi sẽ tăng thêm bao nhiêu?
Nguyên tắc khoan thứ
Nếu như ví tư tưởng tiêu cực là một cái cây, thì gốc rễ của cái cây đó sẽ là “tâm sân”, chặt bỏ gốc cây này thì cái cây sẽ không sống được bao lâu nữa. Muốn chặt đứt gốc cây này, cần phải biết làm sao để khoan thứ (khoan dung và tha thứ). Đối tượng đầu tiên cần phải được khoan thứ và thông cảm chính là cha mẹ. Bất luận là cha mẹ bạn đã từng hoặc đang làm chuyện gì không tốt với bạn, đều cần phải hoàn toàn và triệt để tha thứ hết cho họ. Đối tượng thứ hai cần phải khoan thứ là tất cả những người đã từng làm tổn thương bạn hoặc đang làm tổn thương bạn bằng bất cứ hình thức gì. Nên nhớ là bạn không cần thiết phải ôm vai bá cổ cười đùa vui vẻ với họ, bạn không cần thiết phải trở thành bạn tốt với họ, bạn chỉ cần đơn giản và hoàn toàn tha thứ cho họ là đã có thể chặt được gốc rễ của cái cây tiêu cực đó.
Và đối tượng thứ ba cần phải khoan thứ chính là bản thân bạn! Bất luận trước đây bạn đã từng làm chuyện gì không tốt, đầu tiên nên chân thành sám hối và chắc chắn rằng sẽ không tái phạm, sau đó hãy khoan thứ cho chính mình. Tội lỗi là một loại xiềng xích tinh thần nặng nề, nó sẽ không giúp ích gì cho bạn cả, ngược lại nó sẽ cản trở bạn trở thành một con người hoàn toàn mới. Mọi chuyện trước kia, ví như đã chết hôm qua, mọi chuyện sau này, ví như đang sống hôm nay.
Nguyên tắc chịu trách nhiệm
Con người cần phải chịu trách nhiệm với tất cả mọi chuyện của mình, khi con người có thái độ chịu trách nhiệm với bản thân mình thì sẽ nhìn về phía trước, nhìn xem mình có thể làm được gì. Nếu sự dựa dẫm của con người quá lớn thì sẽ nhìn về phía sau, nhìn vào những sự thật xảy ra trong quá khứ không cách nào thay đổi mà than ngắn thở dài. Trên thực tế, cũng chỉ có bạn mới có thể chịu trách nhiệm về chính mình mà thôi.
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch