HỌC THUẬT- ĐẠO GIÁO - MINH TRIẾT THẾ GIỚI

Chưa buông bỏ được sắc dục thì không thể đắc được Đạo lớn

Chưa buông bỏ được sắc dục thì không thể đắc được Đạo lớn

Trong giới tu luyện ở Trung Hoa cổ đại có rất nhiều bậc chân tu đắc Đạo, lưu lại huyền tích truyền kỳ cho hậu thế.
Thiên sư Hứa Tốn chọn đệ tử chân truyền: “Chưa buông bỏ được Sắc Dục thì không thể đắc Đạo”
Hứa Tinh Dương chân nhân chính là một giác giả như vậy.
Hứa Tinh Dương chân nhân tên thật là Hứa Tốn, tự Kính Chi, là một đạo sĩ lừng danh thời nhà Tấn.
Ông được mô tả là người có dung mạo anh tuấn, mặt vuông tai lớn, mày như lưỡi kiếm, mắt tựa hổ lang, phong thái hiên ngang, thần sắc lẫm liệt.
Ông cũng là một trong “Tứ đại thiên sư” có thật trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, đã từng tu luyện đắc Đạo thành Tiên, được người đời tôn là chân nhân, thiên sư.
Từ bỏ thú vui săn bắn, quyết chí làm người nhân đức
Tương truyền, vào niên hiệu Xích Ô triều Ngô năm thứ hai (tức năm 239), mẹ Hứa Tốn nằm mộng thấy chim phượng hoàng ngậm viên ngọc châu rơi vào bụng mình, sau đó bà có thai và sinh ra Hứa Tốn.
Hứa Tốn thời trẻ rất thích săn bắn.
Một ngày nọ cậu vào rừng, chợt thấy một con nai nhỏ bèn giương cung bắn. Nai con bị trúng tên nhưng vẫn cố sức gắng gượng. Nai mẹ thấy con bị thương bèn chạy đến, nó không sợ người, cũng không sợ cung tên, mà chỉ ân cần liếm láp vết thương cho con. Nai con nằm thoi thóp được một lúc thì buông xuôi bất động. Nai mẹ thấy thế hai mắt nhoè ướt, đau đớn xót xa, nó quằn quại mê man rồi cũng trút hơi thở cuối cùng.
Hứa Tốn thấy kỳ lạ, thầm nghĩ: “Thú vật hễ thấy cung tên là hoảng sợ bỏ chạy, sao nai mẹ không sợ? Và sao nó lại quằn quại rồi gục chết thế này?”.
Cậu bèn mang cả hai xác nai về nhà, trong lòng vẫn không nguôi cắn rứt về câu chuyện vừa xảy ra.
Hứa Tốn thử mổ bụng chúng ra xem, thấy nai con bị thương như vậy mà nội tạng vẫn nguyên vẹn, còn nai mẹ tuy bên ngoài lành lặn nhưng ruột lại đứt từng khúc.
Cậu bật khóc, ngửa mặt lên trời mà rằng: “Thì ra nai mẹ vì thương con mà sẵn sàng liều mạng sống, lại cũng vì con bị chết mà đau đớn đến mức đứt lìa khúc ruột. Cớ sao ta lại vì một miếng ngon mà giết hại thú vật thế này?”.
Hứa Tốn vừa khóc vừa bẻ gãy cung tên, từ đó cậu không bao giờ vào rừng săn bắn nữa.
Hứa Tốn sau này không chỉ là bậc trí giả trên thông thiên văn dưới tường địa lý, mà còn là một người nhân đức, sống chân thật thiện lương, không ham cầu danh lợi.
Đến niên hiệu Thái Khang năm thứ nhất (năm 280) đời nhà Tấn, Hứa Tốn thi đậu hàm Hiếu Liêm, được bổ nhiệm làm huyện lệnh huyện Tinh Dương ở đất Thục.
Ông là vị quan công minh, liêm chính, yêu dân như con, hết lòng phụng sự giang sơn xã tắc nên được dân chúng kính mến, gọi là “Hứa Tinh Dương”.
Về sau nhà Tấn loạn lạc, ông từ quan đi ngao du giang hồ, tầm sư học Đạo, chẳng bao lâu đã đắc Đạo thành Tiên.

Ảnh minh họa: sina.com

Diệt trừ Giao Long, trấn áp yêu tà
Trong Lịch đại Thần tiên Thông giám có câu chuyện kể rằng:
Năm ấy, ở vùng Nam Xương có con Giao Long tác oai tác quái, làm ngập lụt cả vùng, thiệt hại không sao kể xiết.
Khi ấy Hứa Tốn dẫn hai đệ tử là Cam Chiến và Thi Sầm đến đây.
Trên đường đi, ba thày trò gặp một trang thiếu niên tuấn tú, trang phục lịch sự, ăn nói nhã nhặn, ứng đối mẫn tiệp.
Chàng thiếu niên ấy tự xưng họ Thận, giới thiệu và trò chuyện một lát rồi rời đi.
Hứa Tốn bèn nói với các đệ tử: “Kẻ vừa rồi không phải người mà là con Giao Long hóa thân đến dò xét ta. Tuy tướng mạo nó giống người thật nhưng vẫn không giấu được mùi sát khí”.
Hứa Tốn bèn dẫn đệ tử truy đuổi Giao Long.
Đến bờ sông ở quận thành, con Giao Long hóa thành hoàng ngưu đứng trên bãi cát, Hứa Tốn bèn dùng tiên thuật hóa thành hắc ngưu đối đầu với hoàng ngưu.
Khi hai con trâu đang giao đấu, đệ tử Thi Sầm vung kiếm đâm trúng vào đùi hoàng ngưu, buộc nó phải bỏ chạy vào chiếc giếng ở thành phía Nam.
Sau nhiều lần truy bắt, cuối cùng thầy trò Hứa Tốn cũng diệt trừ được Giao Long, chấm dứt nạn thủy tai vùng Nam Xương.
Giao Long đã bị chém rồi nhưng hậu họa thì vẫn rình rập trỗi dậy.
Hứa Tốn nói: “Đây là sào huyệt của Giao Long, nếu không tìm cách trấn áp, sau này xuất họa loạn thì dân chúng không thể chế phục được”.
Ông bèn triệu tập quỷ thần ở Thành Nam, đúc sắt làm cột, bên ngoài buộc tám sợi xích khóa trụ thép để trấn áp yêu tà.
Chú ngữ trên cột viết rằng: “Thiết trụ nếu nghiêng lệch thì giao tinh sống lại, đệ tử ta sẽ đến tiêu diệt chúng. Thiết trụ ngay thẳng thì yêu quái mãi mãi bị trấn áp”.
Người đời sau đã dựng ở đây một tòa miếu, gọi là “Thiết trụ cung” để lưu lại câu chuyện và khắc ghi công ơn thiên sư Hứa Tốn.

Ảnh minh họa: zing.vn

Bậc chân tu bắt đầu từ chữ “Sắc”
Một ngày, Hứa Tốn gọi các học trò đến và nói: “Các con đều xuất gia cầu Đạo, công phu chuyên cần cũng đã lâu. Nhưng tu luyện mà chưa buông bỏ được Sắc Dục thì không thể đắc Đạo. Trong các con, có ai dám chắc mình thấy Sắc mà không ham chăng?”
Các học trò đều quả quyết: “Nói về tài, khí, tửu, thì có thể vẫn chưa trừ được hết. Nhưng về Sắc thì quả thật chúng con không ham”.
Hứa Tốn cả cười rồi phán: “Được, vậy các con mỗi người hãy kiếm một khúc gỗ than dài đặt ở trên giường, rồi ngủ bên cạnh khúc than ấy một đêm. Sáng mai hãy mang khúc than ấy đến đây, ta tự xem xét, sau đó sẽ có công phu truyền cho người xứng đáng”.
Các học trò không hiểu ý sư phụ là gì, nhưng vẫn nghiêm túc làm theo.
Đêm ấy, họ đang ngủ thì bỗng tỉnh giấc vì nhận thấy có thiếu nữ nằm bên cạnh, dáng mềm như lụa, da mướt như ngọc. Rồi như mơ như mộng, họ quàng tay ôm thiếu nữ mà rạo rực đắm say.
Sáng sớm hôm sau, khi ai nấy vẫn còn đang say sưa trên giường thì bỗng nghe tiếng giục giã bên ngoài: “Mau nộp khúc than, mau nộp khúc than!”.
Các học trò bừng tỉnh, vội vã buông khúc than trong lòng ra rồi mặc vội y phục đến bái kiến sư phụ.
Hứa Tốn gọi từng đệ tử lên, chỉ cần liếc qua khúc than ông liền nhận ra ai là người đã bị lửa dục làm cho động tình.
Thì ra thiếu nữ đêm qua chính là khúc than biến thành.
Các đệ tử biết rằng mình đã không giữ được vững, chỉ còn cách cúi đầu hổ thẹn.

Ảnh minh họa: apkdi.com

Cuối cùng, chỉ có một đệ tử mang khúc than sạch không tì vết lên nộp cho sư phụ. Hứa Tốn hỏi học trò này: “Sắc là thứ mà ai cũng ham, sao con lại chẳng ham?”
Vị đệ tử này đáp: “Bởi vì con đã luyện công phu từ chỗ Sắc này mà nên”.
Sau đó người này giải thích: “Trước kia con là người mê đắm sắc dục, từ sáng đến tối đều chìm đắm trong cơn say tình, không có là không chịu được. Nhưng lâu ngày thần khí suy nhược, đe dọa đến tính mạng, lúc ấy con mới giật mình bừng tỉnh. Do đó mà con mới quyết chí học Đạo, từ đó chỉ cần nghĩ đến việc phải bảo toàn tính mạng, con lại chẳng còn chút tham luyến nào đến nữ sắc nữa”.
Hứa Tốn nghe vậy rất hài lòng, bèn chọn người này làm đệ tử chân truyền.
Vị đệ tử ấy về sau cũng đắc Đạo thành Tiên như Hứa Tốn.
Tương truyền, vào ngày 15/8 năm Ninh Khang thứ hai (năm 374), Hứa Tốn đã bạch nhật phi thăng, đưa cả gia quyến và đệ tử bay lên trời.
Trong cuốn Hiếu đạo ngô hứa nhị chân quân truyền viết: “Ngày Hứa Tốn thăng thiên, dân chúng khắp nơi tụ hội đến xem…”.
Từ đó, câu chuyện về Hứa Tốn cưỡi mây rồng bay về Trời đã trở thành điển tích lưu truyền hậu thế.

Tâm Minh

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111