Người khí phách lớn ắt có nhiều tài lộc và phúc khí
Người khí phách lớn ắt có nhiều tài lộc và phúc khí
Khí phách lớn quyết định đại cuộc. Từ xưa đến nay, phàm những người làm nên sự nghiệp lớn đều là người có khí phách lớn.
Thế nào gọi là khí phách lớn?
Mạnh Tử nói: “Ở chỗ rộng lớn của thiên hạ, đứng vị trí ngay chính của thiên hạ, thực thi đại đạo của thiên hạ, đắc chí thì giúp dân, bất đắc chí thì tự mình thực thi theo đạo. Giàu sang không mê hoặc được, nghèo hèn không lay chuyển được, sức mạnh không khuất phục được, đó chính là đại trượng phu”.
Câu nói trên đại ý là: Hành sự cần phải thẳng thắn, bình thản, quang minh lỗi lạc.
Khi hiển đạt thì giúp ích người khắp thiên hạ, khi khốn cùng thì tự mình tu sửa hoàn thiện bản thân. Không bị mê hoặc bởi giàu sang, khi giàu sang thì không kiêu ngạo xa hoa dâm dật, khi nghèo hèn cũng không thay đổi khí tiết.
Khi bị quyền thế đe dọa áp bức, dùng lợi lộc dụ dỗ cũng không khuất phục, không thay đổi tiết tháo.
Đó chính là người có khí phách lớn chân chính.
Trời rộng lớn, bao dung biển cả sao trời mênh mông. Đất rộng lớn, nuôi dưỡng sinh linh vạn vật. Biển rộng lớn, dung nạp muôn sông ngàn suối. Người khí phách lớn thì trời, đất, sông, biển đều chứa đựng cả trong lòng.
Người có khí phách lớn đối nhân xử thế khoan dung nhân hậu
Sách Thái Căn Đàm viết: “Xử thế nhường một bước là cao, lùi bước chính là cái gốc để tiến bước. Khoan dung với người là phúc, lợi cho người chính là nền tảng lợi cho mình”.
Người có khí phách lớn thì tấm lòng rộng lớn, đối nhân xử thế rộng rãi khoáng đạt, không so đo tính toán hơn thiệt được mất; thà nhường nhịn một chút còn hơn để mất hòa khí, từ đó gây dựng được đại cuộc, tích được phúc khí và phúc báo cho bản thân, đường đời càng đi càng rộng mở.
Người khí phách lớn thì tấm lòng khoan hậu, mọi lúc mọi nơi đều biết lượng thứ cho người khác, tạo nên thế cuộc lớn, cũng tích lũy được phúc khí lớn.
Câu chuyện ‘ngõ 6 thước’ dưới đây là minh chứng sống động cho người khí phách lớn:
Vào những năm Càn Long triều Thanh, Trương Anh làm quan Thượng thư bộ Lễ, đồng thời là Đại học sỹ điện Văn hóa của triều đình, quyền thế vô cùng hiển hách.
Người nhà ở quê của Trương Anh có tranh chấp về một bức tường với hàng xóm, không bên nào chịu nhường bên nào.
Khi tranh chấp đến hồi gay gắt, người nhà Trương Anh bèn viết một bức thư gửi cho ông, hy vọng ông dùng quyền thế của mình để dẹp yên việc này.
Đọc thư xong, Trương Anh chỉ mỉm cười viết thư trả lời bằng một bài thơ:
Viết thư ngàn dặm bởi tường cao,
Nhường ba thước đất hại gì sao?
Vạn Lý Trường Thành nay còn đó,
Thủy Hoàng năm ấy giờ nơi nao?
Người nhà xem thư vô cùng xấu hổ, chủ động nhường ra 3 thước đất.
Hàng xóm biết chuyện vô cùng hổ thẹn, cũng nhường ra 3 thước đất, thế là trở thành ‘ngõ 6 thước’.
Khí phách lớn của Trương Anh khiến hai nhà biến can qua thành ngọc lụa, trở thành câu chuyện đẹp lưu truyền thiên cổ.
Ngược lại, nếu hai nhà không ai chịu ai thì tranh chấp sẽ càng ngày càng quyết liệt, cuối cùng khiến cả hai đều sứt đầu mẻ trán, kết oán thù riêng.
Người có khí phách lớn mỉm cười với gió mưa
Người có khí phách lớn thì tính cách phóng khoáng thoát tục, không bị chìm sâu vào mối danh lợi được mất, lòng không vướng bận.
Đó cũng chính là cảnh giới của Trần Mi Công trong Tiểu song u ký:
“Được sủng ái hay bị nhục mạ đều không kinh sợ, ngắm hoa rơi hoa nở trước thềm; Đi hay ở đều không để ý, ngắm mây trời lúc hợp lúc tan”.
Xưa kia, nhà thơ Tô Đông Pha từng sống một cuộc đời chìm nổi trầm luân, liên tiếp bị giáng chức, lưu đày, thậm chí từng bị giam trong ngục tù.
Nhưng dẫu rơi vào nghịch cảnh nào ông vẫn cứ phóng khoáng thoát tục, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho người có khí phách lớn chân chính.
Trong những tháng ngày bị giáng đày đến Hoàng Châu, có lần Tô Đông Pha cùng mấy người bạn đi du ngoạn.
Khi mới đi được nửa đường thì đột nhiên mưa tuôn xối xả, các bạn ông đều cuống cuồng chạy đi tìm chỗ tránh mưa, chỉ riêng Tô Đông Pha là vẫn ung dung nhàn nhã, vừa đi vừa ngâm nga:
Chớ nghe mưa gió lá rừng reo,
Vẫn cứ ngâm nga thả bước theo.
Gậy trúc giày gai hơn đi ngựa,
Áo tơi mưa gió cứ mặc đời.
Gió xuân se sắt cơn say tỉnh
Đầu núi rạng ngời bóng trăng treo.
Quay đầu nhìn lại đường hiu hắt,
Trở về hết gió hết mưa rơi.
Đời người ai cũng phải trải qua nhiều gian nan cay đắng, càng những lúc gió dập mưa vùi thì lại càng cần mở rộng tấm lòng, mỉm cười nói: “Áo tơi mưa gió cứ mặc đời”.
Chỉ những ai trong năm tháng khốn đốn vẫn có thể giữ phong thái phóng khoáng thoát tục thì mới có cuộc đời biển rộng trời cao.
Có văn nhân đã nói: “Khi vui vẻ mỉm cười thì cũng phải học mỉm cười trong gian khó”.
Người có khí phách lớn có tấm lòng rộng lớn thì sẽ chẳng bao giờ quay đầu tìm lại cánh hoa vàng hôm trước, họ sẽ vui vẻ tiến bước truy cầu vì sao lấp lánh ngày mai.
Bất kỳ việc gì cũng nên khoáng đạt mà đối diện, thản nhiên mà sống thì hạnh phúc sẽ thường trực trên môi.
Người có khí phách lớn không tranh không đoạt
Lời cuối cùng Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh là: “Đạo của Thánh nhân làm mà không tranh”.
Người khí phách lớn sống cuộc đời chân chính, lao khổ mà không oán trách, đối diện với danh lợi mà không tranh không đoạt.
Cho nên nói: “Vì không tranh nên khắp thiên hạ không có ai có thể tranh với họ”.
Người làm nên đại nghiệp, tranh trăm năm chứ không tranh một câu khẩu khí. Không tranh, đó mới là đại tranh.
Vậy nên người mưu đại nghiệp thì trước tiên phải nuôi dưỡng được khí phách lớn, có khí khái như biển rộng dung nạp trăm sông, lòng ôm cả nhật nguyệt, có khí lượng khoáng đạt bao dung, khoan hậu bình hòa, có khí độ thong dong rộng rãi phóng khoáng.
Người có khí phách lớn thì cuộc đời tự có kết cục lớn.
Muốn thành tài năng lớn, nên sự nghiệp lớn, trước hết cần nuôi dưỡng khí phách lớn.
Theo Apollo
Nam Phương biên dịch