PHIỀN NÃO TRÓI BUỘC
PHIỀN NÃO TRÓI BUỘC
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, phần lớn những nguyên nhân gây phiền não thường đến từ bên ngoài, nhưng mức độ tác động của những phiền não ấy đối với chúng ta nhiều hay ít, nặng hay nhẹ lại thường tùy thuộc vào thái độ tiếp nhận và ứng xử của chính ta.
Đôi khi những tác nhân mang đến phiền não lại ở nơi chính những người thân yêu, gần gũi nhất của chúng ta.
Và thật ra thì càng gần gũi nhau, chúng ta lại càng dễ gây phiền não cho nhau.
Một người không quen biết thì cho dù họ có bao nhiêu tính xấu cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ta, nhưng nếu đó là một người hàng xóm ở kế bên nhà thì nguy cơ xung đột, mâu thuẫn sẽ cao hơn.
Và nếu như người xấu tính ấy lại chính là anh, chị, em hay cha, mẹ, vợ, chồng… đang sống chung một nhà, thì sự xung đột, mâu thuẫn lại càng dễ xảy ra hơn.
Hơn thế nữa, mức độ của những xung đột với người thân thiết sẽ càng nặng nề hơn rất nhiều, bởi chúng ta phải thường xuyên gặp mặt, tiếp xúc mỗi ngày, nên sự va chạm lại càng không thể nào tránh khỏi.
Cho nên, việc giải quyết xung đột với người trong gia đình thường là khó khăn hơn nhiều so với những xung đột với người ngoài.
Nếu không có sự tu tập đúng hướng thì nhiều khi chính những xung đột ấy sẽ rất dễ tạo thành những bi kịch vô cùng đáng tiếc.
Tuy nhiên, nếu chịu suy ngẫm một chút, chúng ta sẽ thấy ra rằng những tính xấu của người khác cũng có thể chính là những bài học quý giá cho sự tu tập của bản thân ta.
Thường thì khi ta tu tập Phật pháp càng nhiều, ta càng dễ dàng hơn trong việc nhận ra những thói hư tật xấu của người khác.
Nếu ta thiếu sự cảm thông và thương yêu, thì những thói hư tật xấu của người khác sẽ trở thành nguyên nhân khiến ta bực dọc, khó chịu, thậm chí sẵn sàng phản đối, chỉ trích.
Tuy nhiên, nếu ta có tu tập đúng hướng và nuôi dưỡng lòng từ bi đối với mọi người, ta sẽ có thể cảm thông và hiểu được việc người khác còn mang nhiều thói hư tật xấu chỉ là đáng thương chứ không đáng ghét.
Tự thân mỗi người chúng ta cũng không phải là hoàn hảo, chúng ta chắc chắn vẫn còn có những điều không tốt nào đó và cũng mong muốn được người khác cảm thông thay vì chống đối.
Trong thực tế, con đường tu tập là để giúp ta từ bỏ dần những thói hư tật xấu chứ không ai có thể tức thời trở thành thánh nhân được cả.
Và nếu chúng ta tiếp cận vấn đề theo hướng tích cực thì những thói hư tật xấu của người khác có thể là bài học quý giá cho chính ta.
Vì sao vậy?
Hãy xét một ví dụ.
Nếu ta chỉ nghe mô tả về những tác hại, những mặt xấu của sân hận, ta sẽ không thực sự cảm nhận được hết.
Tuy nhiên, nếu ta được trực tiếp chứng kiến một người đang trong cơn giận dữ điên cuồng, có những lời nói và việc làm hoàn toàn không chấp nhận được, ta sẽ có thể tự mình cảm nhận một cách sâu sắc về những tác hại của sân hận, không phải qua những mô tả bằng ngôn ngữ, mà là qua một bài học sinh động từ thực tế.
Như vậy, quyết tâm tu tập chuyển hóa sân hận của ta sẽ được củng cố mạnh mẽ hơn nhiều, và nhờ đó mà sự tu tập của ta chắc chắn cũng sẽ được hiệu quả hơn.
Tương tự, khi chúng ta nghe lời khuyên của cha mẹ là không nên uống rượu vì rượu có nhiều tác hại, thì những “tác hại” đó đối với ta thường rất mơ hồ, không thể trực tiếp cảm nhận được.
Nhưng nếu ta có dịp được nhìn thấy một người say khướt trên đường phố, vừa đi vừa nôn ói, lảo đảo tưởng chừng có thể đâm sầm vào người khác bất cứ lúc nào… rồi thậm chí có thể nằm mọp xuống bên lề đường cạnh một hố rác bẩn thỉu…
Tất cả những điều kinh tởm đó sẽ là một bài học sinh động về tác hại của rượu đối với ta, và khi đã trực tiếp quan sát, cảm nhận được như thế, chắc chắn ta sẽ không còn dễ dàng sa ngã khi có bạn bè hay ai đó mời ép ta uống rượu cùng họ…
Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng từng dạy rằng, hãy xem những kẻ thù là bậc thầy dạy về nhẫn nhục cho chúng ta, trong ý nghĩa là nếu không có họ thì ta không thể phát triển được tâm nhẫn nhục của mình.
Trong kinh điển gọi thế giới này là một trong những cảnh giới “phàm thánh đồng cư”, nghĩa là người phàm tục chung sống cùng các bậc thánh nhân.
Đã là thánh nhân còn phải chung sống với người phàm, huống chi ta chưa phải thánh nhân thì việc sống chung với những người còn có một vài (hoặc nhiều) thói hư tật xấu cũng là chuyện hết sức bình thường.
Chúng ta nên xem việc nhận ra những điểm xấu của người khác là một tiến bộ của bản thân mình, để từ đó sẽ nỗ lực tự hoàn thiện bản thân, không mắc vào những thói xấu mà ta đã nhìn thấy nơi người khác.
Khi ta nhận hiểu được như vậy, thì mỗi một thói xấu được nhận ra nơi người khác, ngay cả nơi những người thân thiết trong gia đình của ta, đều sẽ trở thành một bài học quý giá giúp thêm vào trên con đường tu tập.
Một câu hỏi có thể được nêu lên ở đây là:
Như vậy phải chăng chúng ta chỉ quan tâm đến sự tu tập của riêng mình, còn đối với những người đang có thói xấu kia thì sao?
Nhất là khi đó là những người thân yêu của ta, như cha, mẹ, vợ, con… Lẽ nào ta không nghĩ gì đến việc giúp họ từ bỏ những thói xấu đó để trở nên hoàn thiện hơn?
Đúng vậy, việc tích cực giúp người khác hoàn thiện hơn là điều nên làm, nhất là khi đó là những người thân của ta.
Tuy nhiên, thông thường thì dù làm việc gì cũng phải có trình tự hợp lý mới đạt được hiệu quả. Trong trường hợp này, trình tự hợp lý là phải xuất phát từ sự hoàn thiện bản thân mình trước, sau đó mới có thể giúp người khác hoàn thiện.
Nếu ta không làm theo trình tự như thế, thì cũng giống như một người muốn nhảy xuống nước cứu người chết đuối, nhưng tự thân mình lại chưa từng học bơi.
Người như vậy dù có lòng tốt nhưng chẳng những không cứu được người mà bản thân mình cũng phải thiệt mạng.
Trong sự tu tập cũng vậy, chúng ta phải nỗ lực hoàn thiện bản thân mình trước nhất.
Khi tự thân mình không uống rượu, mới có thể khuyên người khác bỏ rượu; khi tự thân mình không nói dối, mới có thể khuyên người khác chỉ nói sự thật…
Như vậy, chẳng những lời khuyên của chúng ta mới có giá trị thuyết phục, mà chính nhân cách tốt đẹp của chúng ta cũng có giá trị cảm hóa, làm chuyển đổi những suy nghĩ không tốt nơi người khác.
Khuyên bảo người khác bằng chính những hành vi và lời nói chân chánh của bản thân mình thì sự khuyên bảo đó mới có thể mang lại hiệu quả chuyển hóa tốt đẹp.
Và một khi mỗi người đều có sự nỗ lực tu tập chuyển hóa, thì môi trường chung trong một gia đình, một cộng đồng xã hội… chắc chắn cũng sẽ được cải thiện tốt hơn.
Và một khi gia đình, xã hội đã tốt đẹp hơn, đó lại chính là môi trường tốt đẹp để sự tu tập của mỗi chúng ta sẽ càng thêm hiệu quả.
***