Những người phụ nữ giỏi võ trong lịch sử Việt Nam: Hai Bà Trưng – Bà Triệu
Những người phụ nữ giỏi võ trong lịch sử Việt Nam: Hai Bà Trưng – Bà Triệu
Mặc dầu trên thế giới ngày nay, vai trò người phụ nữ trong đời sống xã hội đã khẳng định, nhưng ở các nước phương Đông, đặc biệt là tại Việt Nam, vốn đã mang nặng tư tưởng phong kiến Nho giáo “nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam kể là có, mười nữ kể như không) từ hàng nghìn năm, hình như vẫn tồn tại quan điểm coi nhẹ người phụ nữ trong tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội. Đáng kể nhất là trên lãnh vực võ thuật, không ít người, không ít gia đình cho rằng võ thuật là lãnh vực của nam giới, người phụ nữ không nên bén mảng vào! Nói rõ ra, theo quan điểm của những người này thì phụ nữ không nên tập võ thuật, và nếu có tập thì khó mà đạt đến đỉnh cao bởi đây không phải là thế giới dành cho phụ nữ?! Sự thật như thế nào? Phải chăng người phụ nữ không nên tập võ? Và phải chăg người phụ nữ tập võ không thể đạt đến đỉnh cao của võ thuật?
Ngược dòng lịch sử Việt Nam, suốt mấy nghìn năm trường tồn và phát triển, chúng ta thấy bóng dáng của nhiều phụ nữ đã đóng góp tích cực vào công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, đặc biệt là trong thời kỳ võ thuật đóng vai trò then chốt trong chiến tranh.
Thật vậy, ngay từ những năm đầu Công nguyên, nhân dân Việt Nam đã vô cùng tự hào vì mình đã có được một người phụ nữ tuyệt vời tên là Trần Thị Đoan, tục gọi là bà Man Thiện. Bà vốn là người huyện Ba Vì (Hà Nội ngày nay), chồng mất sớm, ở vậy nuôi con là Trưng Trắc và Trưng Nhị khôn lớn, lại dạy dỗ hai con tinh thần dân tộc, huấn luyện hai con gái mình trở thành những cô gái giỏi võ nghệ, có lòng yêu nước thiết tha và quyết tâm làm việc lớn. Sau này, khi Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa, bà Man Thiện luôn luôn có mặt ở nơi màn trướng, cùng các con bàn việc cơ mật …Tiếp nối tinh thần bất khuất của mẹ, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị – vốn là con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh (ngoại thành Hà Nội ngày nay) – đã lớn lên trong sự chăm sóc và giáo dục của mẹ, trở thành những người con gái khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, tính khí hùng dũng, gan dạ lại thích làm việc nghĩa. Chính những tính khí con nhà võ này đã khiến cho hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị phất cao cờ khởi nghĩa, tập hợp thanh niên nam nữ, luyện tập võ binh, quyết quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi … Bằng trình độ võ nghệ tuyệt luân, Trưng Trắc và Trưng Nhị đã chiêu tụ được anh hùng hào kiệt bốn phương, trong đó phần lớn là nữ giới: Ả Tắc, Ả Dị, Bát Nàn công chúa (xinh đẹp lại giỏi võ nghệ), Lê Chân (khỏe mạnh, xinh đẹp, giỏi võ), Thành Thiên công chúa (mộ quân chiến đấu, đem quân về hội với Hai Bà Trưng), Thiều Hoa công chúa (ngày đêm luyện tập võ nghệ, tập hợp trai gái trong làng, bày trò đánh phết để tăng thêm sức khỏe và sự nhanh nhẹn), Lê Thị Hoa (mộ quân rồi về hội quân với Trưng Trắc, Trưng Nhị), nàng Quốc (tập hợp thanh niên kéo về hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng) … Với sức mạnh võ thuật dưới quyền điều khiển của những nữ tướng giỏi võ mà đứng đầu là Trưng Trắc và Trưng Nhị, chắng mấy chốc mà lực lượng khởi nghĩa đã hạ được 65 thành trì của giặc vào năm 40, rồi tôn Hai Bà lên ngôi vua trị vì thiên hạ, mở kỷ nguyên độc lập đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam.
Sau Hai Bà Trưng, lịch sử Việt Nam lại có thêm người con gái đất Quan Yên (Thanh Hóa ngày nay) mang tên là Triệu Thị Trinh. Đó là một người con gái khỏe mạnh, giỏi võ nghệ lại có chí lớn qua câu nói từng được lưu truyền qua nhiều thế hệ:“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu làm tỳ thiếp cho người khác!”
Năm 248, Triệu Trinh Nương đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt dựng cao cờ khởi nghĩa, tập hợp quân nghĩa dõng để chống lại quân Ngô đang đô hộ nước ta lúc bấy giờ. Tài nghệ của Triệu Trinh Nương đã làm cho quân thù phải nể mặt, tôn gọi là Lệ Hải Bà Vương.
Đến giai đoạn hai họ Trịnh – Nguyễn cát cứ phân tranh, lịch sử Việt Nam lại có thêm những người phụ nữ của khúc ruột miền Trung chứng tỏ khả năng đóng góp của mình vào những võ công hiển hách của đất nước. Năm Tân Mùi (1571), có người phụ nữ ở Quảng Trị tên Trần Thị, vợ của Phó tướng Quận công Trương Trà. Trương Trà bị tướng họ Trịnh là Nghĩa Sơn phục kích bắn chết. Trần Thị nghe tin, nổi giận, thúc quân đánh, bắn chết Nghĩa Sơn, vừa trả thù chồng vừa chứng tỏ khả năng võ bị của phụ nữ. Trần Thị đã được Chúa Nguyễn phong làm Quận Phu Nhân.
Năm Tân Mão (1771), cơn bão lửa quật khởi của chiến tranh nông dân bùng lên dữ dội ở Tây Sơn (Bình Định ngày nay), đã xuất hiện người phụ nữ của thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn mang tên Bùi Thị Xuân. Thuở tuổi trẻ, họ Bùi đã từng học võ với Độ thống Ngô Mạnh, sau đó nổi danh với trận đả hổ cứu Trần Quang Diệu và kết hôn với nhau. Hai vợ chồng Thiếu Phó Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân đã đi suốt cuộc trường chinh dài 30 năm trời, lập nên những chiến công vô cùng hiển hách.
Ở miền đất cực Nam của tổ quốc, trong thế kỷ 18 và 19 cũng đã xuất hiện bóng dáng của mấy người phụ nữ giỏi võ nghệ. Năm Kỷ Tỵ (1739), Quan Hiệp trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ phải đối phó với quân Chân Lạp do Nặc Bôn chỉ huy tiến đánh Hà Tiên (Kiên Giang ngày nay). Ông đã được vợ là Nguyễn Thị đem quân tiếp ứng, tạo nên chiến thắng. Chúa Nguyễn đã khen tặng Mạc Thiên Tứ chức Đô Đốc và ban cho Nguyễn Thị tước Phu Nhân.
Năm 1850, triều Tự Đức, miền đất khô cằn Đông Nam Bộ đã nổi lên cuộc khởi nghĩa của một người phụ nữ có tên là Trà cùng với số nghĩa binh đa phần là nữ giới với chủ trương chống lại bọn cường hào ác bá lũng lạm, giúp đỡ dân nghèo. Bà Trà đã tạo nên một đội quân dũng mãnh làm cho bọn tham quan ô lại thất điên bát đảo qua những trận giao phong đọ sức. Về sau, khi bà qua đời, dân chúng đã gọi vùng đất kởi nghĩa của bà là vùng đất Bà Trà (nay là xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Những năm đầu thế kỷ XX, xứ Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Hà Bắc) đã xuất hiện một người phụ nữ dũng lược mang tên Đặng Thị Nhu. Bà rất giỏi võ nghệ, tục gọi là bà Ba Cẩn, trở thành bạn chiến đấu của anh hùng Hoàng Hoa Thám và là vợ thứ ba của ông này. Có thể nói bà Đặng Thị Nhu là một người giúp việc đắc lực cho ông Hoàng Hoa Thám. Hơn thế, bà còn là một người chỉ huy nhiều mưu lược của nghĩa quân Yên Thế. Chính bà đã khôn khéo hòa hoãn với Pháp để củng cố lực lượng khi nghĩa quân bị yếu thế. Bà đã từng trực tiếp cầm quân chiến đấu nhiều trận. Ngoài ra, bà cũng có công điều hành và xây dựng hoạt động cho đảng Nghĩa Hưng – một đảng phái chống Pháp đầu thế kỷ.
Và cuối cùng là cuộc kháng chiến thần kỳ vừa qua của dân tộc ta trước hai cường quốc thế giới là Pháp và Mỹ, lịch sử Việt Nam đã có biết bao người con ưu tú là nữ giới giỏi võ nghệ góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, qua những trận đánh biệt động táo bạo, bất ngờ … Chính tinh thần võ thuật đã giúp cho họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, và cũng chính võ thuật thực sự đã giúp họ bao phen thoát hiểm …
Giở lại những trang lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, rõ ràng vai trò của người phụ nữ giỏi võ nghệ đã đánh những dấu son chói lọi cho ngàn đời noi theo.
Hồ Tường