ĐẠO HỌC-GIÁO DỤC-TRÍ TUỆ

SỰ HIỂU LẦM VỀ TÂM

SỰ HIỂU LẦM VỀ TÂM
Hiểu biết về Tâm của nhân loại, bao gồm quan niệm của người bình dân, của Triết học, của Tâm lý học cổ điển hay hiện đại, kể cả hiểu biết của số đông tín đồ Phật Giáo, đều hiểu Tâm theo kiểu CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI, và cái TÂM CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI ấy có nhiều tính năng, có nhiều tác dụng khác nhau. Tâm với CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI ấy là Chủ nhân, Chủ sở hữu của các tính năng, của các tác dụng ấy. Và các tính năng, các tác dụng ấy được gọi là các Tâm Sở. Tâm như vậy, có thể di chuyển từ chỗ này đến chổ khác, thấy biết đối tượng này đến đối tượng khác, ràng buộc vào đối tượng này hay đối tượng khác. Tâm được quan niệm như vậy, với Linh Hồn chỉ khác nhau về tên gọi, còn nội dung thì y chang nhau, được quan niệm cư trú trong thân thể, lấy sáu Căn làm sáu cửa để biết về Thế Giới và khi chết, thân thể tan rã, nó lại di chuyển (đầu thai) sang một thân thể khác hoặc có thể tồn tại không cần thân xác trong một Thế giới Tâm linh nào đó. Tâm với CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI ấy vốn thanh tịnh, vốn đầy đủ trí tuệ, vốn sáng chói, nhưng đã bị ô nhiễm bởi các yếu tố ngoại lai. Vì thế mới chủ trương buộc tâm vào một đối tượng, không cho nó phóng dật, làm chủ tâm, chế ngự tâm, thanh lọc tâm cho hết mọi ô nhiễm. Lại còn chia tâm ra làm hai phần: phần Tục Đế là Tâm sinh diệt vô thường, phát sinh từ tâm Chân Đế, là tâm Bản Thể không sinh không diệt. Dù có chia Tâm ra phần Bản Thể, Tánh (Chân Đế) và phần Hiện Tượng, Tướng (Tục Đế) thì vẫn quan niệm Tâm theo CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI . Thấy và Biết về Tâm như vậy của Nhân loại, phát sinh từ quan điểm TĨNH TẠI, một loại tư tưởng TÀ KIẾN, mà thuật ngữ Phật học gọi là THƯỜNG KIẾN. Nghĩa là Tâm là một khối, sẵn có, luôn luôn có, thường hằng và thường trú trong thân thể này. Thấy Biết THƯỜNG KIẾN đó, sẽ ngăn che làm cho nhân loại không thể nào Thấy Biết được tự tánh Duyên khởi của Tâm : Do cái gì có, mà Tâm có. Do cái gì sinh, mà Tâm sinh. Do cái gì không có mà Tâm không có. Do cái gì diệt, mà Tâm diệt. Nghĩa là không thể Thấy Biết Tâm đúng theo Trung Đạo Duyên Khởi, điều mà Đức Phật đã chứng ngộ và tuyên thuyết.
Tâm phải được hiểu đúng như bản chất của nó là một Phạm Trù (theo thuật ngữ Triết học), trong hai Phạm Trù Vật Chất và Phạm Trù Tinh Thần mà cả hai Phạm Trù đều bao gồm rất nhiều sự vật và hiện tượng Vật chất và Tinh thần (hay Tâm và Vật). Theo thuật ngữ Phật học, các sự vật, hiện tượng thuộc Phạm trù Vật chất thì gọi là các SẮC PHÁP và các sự vật hiện tượng thuộc Phạm trù Tinh thần thì gọi là DANH PHÁP hay TÂM. Các Danh Pháp (Tâm) và Sắc Pháp (Vật), không ở trong trạng thái TĨNH TẠI mà nó đang SINH DIỆT theo các lộ trình, tuân theo tính chất Duyên Khởi : HAI NHÂN tiếp xúc (hay tương tác nhau) rồi cùng diệt và phát sinh CÁC QUẢ.
1- PHẠM TRÙ VẬT CHẤT: Bao gồm các Sắc pháp, đang sinh lên và diệt đi theo các lộ trình Nhân Quả nối tiếp nhau. Ví như bao thóc giống tiếp xúc thửa ruộng đã làm đất kỹ, phát sinh ruộng mạ. Tiếp đến ruộng mạ tiếp xúc môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, phân, nước…) phát sinh ruộng lúa chín vàng. Ruộng lúa chín vàng tiếp xúc máy gặt, phát sinh bao thóc. Bao thóc tiếp xúc máy xay, phát sinh bao gạo. Bao gạo tiếp xúc với nồi (nước, lửa…) phát sinh nồi cơm… và quá trình lại tiếp diễn theo nguyên lý, hai nhân tiếp xúc nhau cùng diệt và phát sinh các quả như thế mãi. Ở đây, có LỘ TRÌNH SINH DIỆT NỐI TIẾP NHAU xẩy ra: bao thóc diệt, ruộng mạ sinh, tiếp đến ruộng mạ diệt, ruộng lúa chín vàng sinh, tiếp đến ruộng lúa chín vàng diệt, bao thóc sinh, bao thóc diệt, bao gạo sinh… Nếu bao thóc tiếp xúc với đàn vịt, thì một lộ trình nhân quả khác, sinh diệt liên tiếp nhau, sẽ phát sinh. Nếu bao thóc tiếp xúc đống lữa, đường nhựa, cối xay… thì sẽ có các lộ trình nhân quả sinh diệt liên tiếp khác nhau, sẽ xẩy ra. Như vậy PHẠM TRÙ VẬT CHẤT bao gồm rất nhiều SẮC PHÁP đang sinh và diệt theo các lộ trình khác nhau, các SẮC PHÁP ấy tương tác với nhau rồi cùng diệt đi, nhưng quan hệ giữa chúng là quan hệ Nhân Quả, chúng độc lập với nhau, không có nhân nào là chính, không có nhân nào là phụ, không có Sắc pháp nào là Chủ nhân, Chủ sở hữu của Sắc pháp nào. Tất cả các Sắc Pháp đều Vô Thường, Vô Ngã (Vô chủ, Vô sở hữu). Vì vậy KHÔNG HỀ CÓ MỘT THẾ GIỚI VẬT CHẤT THEO KIỂU CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI, TĨNH TẠI BAO GỒM CÁC SẮC PHÁP ĐỒNG THỜI HIỆN HỮU VÀ LIÊN KẾT, PHỤ THUỘC CHẰNG CHỊT VỚI NHAU.
2- PHẠM TRÙ TÂM: Tâm bao gồm RẤT NHIỀU DANH PHÁP (rất nhiều thứ tâm) không sẵn có, không luôn luôn có, không thường hằng, không thường trú đâu cả mà nó chỉ phát sinh, chỉ xuất hiện khi Sáu Căn và Sáu Trần tiếp xúc (tương tác) với nhau. CÁC THỨ TÂM ẤY SINH LÊN RỒI DIỆT ĐI LIÊN TIẾP NHAU THEO LỘ TRÌNH:
XÚC – Cảm giác (Thọ) – Tưởng – Niệm – Tư Duy – Ý Thức – Thái Độ (Tham Sân Si) – Định (chú tâm) – Dục (muốn) – Tinh Tấn ( tích cực ) – Tác Ý – Hành Vi (Lời nói, Hành động) – Khổ hoặc Vui.
Trong lộ trình Nhân Quả liên tiếp này, XÚC là Căn Trần tiếp xúc nhau, là Nhân phát sinh Thọ – Tưởng. Thọ – Tưởng là Nhân phát sinh Niệm. Niệm là Nhân phát sinh Tư Duy. Tư Duy là Nhân phát sinh Ý Thức. Ý Thức là Nhân phát sinh Tham Sân Si. Tham Sân Si là Nhân phát sinh Định. Định là Nhân phát sinh Dục. Dục là Nhân phát sinh Tinh Tấn. Tinh Tấn là Nhân phát sinh Tác Ý. Tác Ý là Nhân phát sinh Hành vi (Lời nói, Hành động). Lời nói, Hành động là Nhân phát sinh Khổ hay Vui.
Đây cũng là LỘ TRÌNH CÁC THỨ TÂM SINH DIỆT LIÊN TIẾP NHAU: XÚC diệt, Thọ Tưởng sinh. Tiếp đến Thọ – Tưởng diệt, Niệm sinh. Niệm diệt, Tư Duy sinh. Tư Duy diệt, Ý Thức sinh. Ý thức diệt, Thái Độ (Tham Sân Si) sinh. Tham Sân Si diệt, Định sinh. Định diệt, Dục sinh. Dục diệt, Tinh Tấn sinh. Tinh Tấn diệt, Lời nói, Hành động sinh. Lời nói, Hành động diệt, Khổ hay Vui sinh. Lộ trình sẽ kết thúc tại đó và một lộ trình khác do Căn Trần tiếp xúc khác lại khởi lên tương tự và cũng diệt đi tương tự. Quá trình cứ tiếp diễn liên tiếp nhau cho đến khi không còn Duyên XÚC. Các thứ tâm ấy sinh lên, diệt đi TỪNG CÁI MỘT LIÊN TIẾP NHAU, chứ không ĐỒNG SINH ĐỒNG DIỆT trên một đối tượng, ngoại trừ trường hợp [Thọ – Tưởng] và [Ý thức – Tư tưởng] là hai pháp đồng sinh đồng diệt. Mỗi một thời điểm chỉ tồn tại duy nhất MỘT THỨ TÂM (ngoại trừ Thọ – Tưởng) chứ không phải một TÂM CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI với nhiều TÂM SỞ đồng sanh đồng diệt trên cùng một đối tượng. Tất cả các thứ tâm ấy đều do duyên XÚC mà phát sinh, vì thế nó Vô thường, Vô chủ, Vô sở hữu (Vô ngã), không có một thứ tâm nào sẵn có ở đâu cả.
a – Ngoại Xúc : sự tiếp xúc giữa Sáu Căn và Sáu Trần phát sinh THỌ – TƯỞNG bao gồm Sáu Cảm Giác (Cảm Thọ) và Sáu Cái Biết Trực Tiếp (gọi chung là Tưởng), có phận sự Nhận Biết Sáu Cảm Giác, bao gồm : Nhãn thức thấy Cảm giác hình ảnh, Nhĩ thức nghe Cảm giác âm thanh, Tỉ thức nhận biết Cảm giác mùi, Thiệt thức nhận biết Cảm giác vị, Thân thức nhận biết Cảm giác xúc chạm, Tưởng thức ghi nhận Cảm giác pháp trần. Cặp đôi THỌ – TƯỞNG phát sinh do XÚC tại các giác quan nên gọi là Ngoại Xúc, để phân biệt với Nội Xúc, xẩy ra bên trong các tế bào thần kinh não bộ và các tế bào chức năng trong cơ thể. Hiểu biết của nhân loại đã MẶC ĐỊNH, không thể thấy được Tâm, không thể nghe được Tâm, không thể ngửi được Tâm, không thể nếm được Tâm … vì Tâm là một cái gì khó tưởng tượng ra nổi. Nhưng không phải như vậy, đó là hiểu lầm về Tâm, mà ở đây, trong cặp THỌ – TƯỞNG thì TƯỞNG là tâm biết bao gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức. Và các Tâm Biết ấy không hình không tướng, không thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm được chúng. Nhưng những đối tượng của các tâm biết ấy là những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được cảm nhận đều là các Cảm Giác hay THỌ, đều là Tâm và các Tâm ấy đều thấy được, nghe được, ngửi được, nếm được … Vì vậy, các đối tượng được thấy (hình ảnh), được nghe (âm thanh), được cảm nhận (mùi, vị, xúc chạm, pháp trần) cũng đều là Tâm cả. Thực chất là TÂM BIẾT TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI TÂM BIẾT CẢNH như hiểu lầm của nhân loại.
b – Nội Xúc : là sự tiếp xúc giữa HAI LƯỢNG THÔNG TIN, xẩy ra trong “kho chứa thông tin” được lưu giữ trong ADN tế bào thần kinh não bộ và tế bào chức năng làm phát sinh các thứ tâm còn lại như Niệm, Tư Duy, Ý Thức, Thái Độ, Định, Dục, Tinh Tấn, Tác Ý, Hành Vi, Khổ, Vui … KHO CHỨA THÔNG TIN của mỗi người chứa các thông tin đã được mã hoá về các tri thức hiểu biết, kinh ngiệm, thói quen, tính cách … đã tích luỹ từ quá khứ, các thân hành, khẩu hành, ý hành đều được lưu giữ trong kho chứa này (gọi là Nghiệp). Những hiểu biết Vô Minh, Chấp Thủ (của Ta, là Ta) và cả những hiểu biết Minh do Văn Tuệ và Tư Tuệ được học khi nghe giảng về Phật pháp cũng được lưu giữ ở đây (Các thông tin về tâm này cũng được lưu giữ trong ADN nhưng Khoa học mới chỉ biết đến thông tin di truyền lưu giữ trong ADN). Khi các thông tin về đối tượng (Thọ) do Tưởng nhận biết từ các giác quan bên ngoài, được dẫn truyền về Kho chứa thông tin và tại đây sẽ xẩy ra sự tiếp xúc (tương tác) giữa hai lượng thông tin : Thông tin về Thọ được dẫn vào và Thông tin trong kho chứa. Do NỘI XÚC này mà sẽ phát sinh Niệm. Niệm là hành vi tìm kiếm, dò tìm, kích hoạt Thông tin tương hợp với Thông tin dẫn vào. Tiếp đến Thông tin về Thọ được dẫn vào sẽ tiếp xúc, tương tác (XÚC) với Thông tin được Niệm dò tìm, kích hoạt. Do NỘI XÚC đó mà phát sinh Tư Duy… Các thứ tâm khác cũng là do duyên NỘI XÚC giữa hai lượng thông tin mà phát sinh tương tự. Đối với Hành Vi (lời nói, hành động) đều là các Cảm giác do Thông tin phát sinh từ hành vi Tác Ý ở tế bào thần kinh não bộ, được dẫn truyền đến các tế bào chức năng tương ứng. Tại ADN của các tế bào tương ứng này sẽ xẩy ra tương tác (XÚC) giữa Thông tin tác ý với Thông tin đã được lập trình trong quá khứ do luyện tập (tập nói, tập đi…). Do NỘI XÚC này mà phát sinh các Cảm giác chuyển động tay, chân, cổ, họng, lưỡi… làm phát ra các lời nói, hành động. Thông tin Khổ, Vui cũng phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ, được truyền dẫn đến các tế bào nội tạng như tim, phổi, gan, thận, ruột… và tại đấy xẩy ra tương tác giữa lượng thông tin Khổ Vui với Thông tin trong tế bào. Do NỘI XÚC này mà phát sinh Cảm giác lâng lâng Hạnh phúc hay Cảm giác Khổ đau…
c – Hai lộ trình tâm: BÁT TÀ ĐẠO và BÁT CHÁNH ĐẠO.
XÚC – Thọ – Tưởng xẩy ra nơi các giác quan, chưa liên quan đến thông tin trong kho chứa, vì vậy không bị chi phối bởi tri thức, kinh nghiệm quá khứ, không mang tính chất Vô Minh hay là Minh, người và động vật, Phàm và Thánh đều chung quy luật, không khác nhau. Khi lượng thông tin về đối tượng Thọ, được dẫn truyền vào kho chứa thông tin, sẽ xẩy ra tiếp xúc, tương tác với một trong hai nhóm thông tin MINH hoặc VÔ MINH và lộ trình tâm có thể xẩy ra hai trường hợp:
– NỘI XÚC xẩy ra giữa thông tin đối tượng Thọ được đẫn vào, với nhóm thông tin VÔ MINH, phát sinh Tà Niệm và do Tà Niệm mà toàn bộ lộ trình tâm BÁT TÀ ĐẠO sẽ khởi lên theo tính chất Duyên khởi. Trên lộ trình tâm BÁT TÀ ĐẠO, do Nhân như vậy, Duyên như vậy mà sẽ có Vô Minh (Tà Tri Kiến), có Tham Sân Si, có Sầu Bi Khổ Ưu Não.
XÚC – Thọ – Tưởng – TÀ NIỆM – Tà Tư Duy – Tà Tri Kiến – Tham Sân Si – Tà Định – Dục – Tà Tinh Tấn – Phi như lý tác ý – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng – Sầu Bi Khổ Ưu Não.
– NỘI XÚC xẩy ra giữa thông tin đối tượng Thọ được dẫn vào, với nhóm thông tin MINH (do Văn tuệ và Tư tuệ lưu vào), phát sinh Chánh Niệm và do Chánh Niệm mà toàn bộ lộ trình tâm BÁT CHÁNH ĐẠO sẽ khởi lên theo tính chất Duyên khởi. Trên lộ trình BÁT CHÁNH ĐẠO, do Nhân như vậy, Duyên như vậy mà sẽ có TĨNH GIÁC và MINH (Chánh Tri Kiến) nên không có Vô Minh, không có Tham Sân Si, không có Sầu Bi Khổ Ưu Não, nghĩa là Bát Chánh Đạo không có Khổ hay gọi là Khổ Diệt, Niết Bàn.
XÚC – Thọ – Tưởng – CHÁNH NIỆM – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – (Tĩnh Giác) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
KẾT LUẬN: Như vậy, Tâm là một PHẠM TRÙ bao gồm rất nhiều thứ tâm (Danh pháp) phát sinh do duyên XÚC giữa Sáu Căn và Sáu Trần, và các thứ tâm ấy sinh lên rồi diệt đi theo hai lộ trình BÁT TÀ ĐẠO hoặc BÁT CHÁNH ĐẠO. Vì vậy, Tâm không phải là một CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI với các tính năng, tác dụng (Tâm Sở), đồng sanh, đồng diệt trên cùng một đối tượng.
Toàn cảnh về Phàm trù Tâm được diễn tả trong sơ đồ tại comment.
(Tỳ Kheo Nguyên Tuệ)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111