CHINH PHỤ NGÂM – LÒNG CHÀNG Ý THIẾP AI SẦU HƠN AI?
CHINH PHỤ NGÂM – LÒNG CHÀNG Ý THIẾP AI SẦU HƠN AI?
******
ĐẶNG TRẦN CÔN
Ông là tác giả của Chinh Phụ Ngâm, hay còn gọi là Chinh Phụ Ngâm Khúc, một kiệt tác của văn học Việt Nam được viết bằng chữ Hán.
Cho đến nay, tiểu sử của ông vẫn còn mù mờ. Các nghiên cứu về ông cũng chỉ phỏng đoán, ông sinh khoảng đầu thế kỷ mười tám và mất vào khoảng giữa thế kỷ này.
Theo những dữ liệu nghiên cứu khác, thì Chinh Phụ Ngâm ra đời vào khoảng năm bốn mươi của thế kỷ mười tám. Lúc này, nội bộ Bắc Hà lủng củng trầm trọng, không khí chiến tranh bao trùm.
Bản Chinh Phụ Ngâm bằng tiếng Hán, ra đời giữa lúc chữ Nôm đang phát triển cực thịnh, thế nên rất nhiều người đã tham gia vào việc dịch thuật, phỏng dịch tác phẩm ra loại chữ đang được ưa chuộng ấy. Hiện nay, có cả thảy bảy bản dịch được lưu giữ, trong đó, có một bản dịch hay nhứt, được lưu hành rộng rãi, mà cho đến bây giờ, vẫn không sao đủ chứng cớ để có thể khẳng định một cách rõ ràng, bản dịch ấy là của bà Đoàn Thị Điểm hay của ông Phan Huy Ích.
Sinh ra trong một giai đoạn hết sức đặc biệt, phức tạp, với những tranh đấu quyền lực, giành đất chiếm đai liên miên của bọn vua chúa, Đặng Trần Côn cũng như hầu hết người dân nước Việt thời ấy, đã quá đỗi chán ngán và chán ghét chiến tranh.
Chinh Phụ Ngâm, là khúc ngâm của người vợ có chồng đi chinh chiến, kể về nỗi khổ, nỗi cô đơn khi phải xa chồng. Một khúc ngâm, mà, theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Xuân Hãn, từ quê đến thành thị, không mấy người không biết một vài câu.
Tác phẩm được viết theo hình thức độc thoại, lối tập cổ, nhạc phủ, trường đoản cú, nghĩa là có đủ các câu dài ngắn, có câu dài hơn mười chữ, lại có những câu chỉ ba, hoặc bốn chữ.
Tác phẩm mở đầu bằng khung cảnh của cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Đáp lời triều đình kêu gọi, những chàng trai trẻ lên đường hộ quốc. Chinh phụ chốn quê nhà, hình dung chồng trong cuộc chiến đấu, bà mơ ước chồng mình giành được hàng loạt thành trì, dâng lên vua, trở về với chiến công lớn lao, hùng dũng trong chiếc áo bào thắm đỏ cưỡi trên lưng con ngựa sắc trắng như tuyết. Ở giai đoạn đầu này, tâm trạng của người vợ còn đậm màu lý tưởng hóa cuộc chiến.
Sau cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến, chinh phụ quay trở về khuê phòng, một mình. Những xúc cảm về hình ảnh oai phong, lẫm liệt ban đầu của người ra trận đã nhanh chóng qua đi, thay vào đó là nỗi sợ lo về sinh mệnh của chồng mình giữa chiến trường khốc liệt, nơi chứa đầy oan hồn, tử khí và nỗi buồn tủi khôn nguôi khi nghĩ về nỗi cô đơn, nỗi sầu lẻ bóng của mình, từ đây.
Phần độc thoại tiếp theo là tâm trạng bất an của chinh phụ, khi thấy đã quá thời hạn hẹn ước mà chồng vẫn bặt vô âm tín, vẫn chưa thấy về. Chinh phụ bắt đầu đếm thời gian bằng những chu kỳ lặp lại của tiếng quyên hót, của đào nở, của sen tàn.
Hết quanh quẩn trước hiên thì sau rèm, hết vò võ dưới đêm khuya vắng thì đối diện với hoa, với nguyệt, chinh phụ đành tìm chồng trong mộng nhưng khi thức dậy rồi lại thấy buồn hơn. Lần giở kỷ vật của chồng mong tìm chút an ủi nhưng an ủi ấy, như ngọn đèn dầu hao, chỉ le lói chút rồi tắt. Nàng ngẫm ra, mình không bằng cả đôi chim kia đương liền cánh, đôi hoa kia đương liền cành. Ngày nối ngày, niềm hy vọng hóa thành niềm tuyệt vọng, lòng chinh phụ tràn ngập khổ đau, tràn ngập sự ám ảnh về cái chết của binh sĩ nơi trận mạc, tự trách mình ham bã vinh hoa, nên đã không cản chàng ra tiền tuyến. Nghĩ đến đây, nàng chẳng còn thiết tha gì cuộc sống, chẳng còn thiết tha gì đến gương lược, chải chuốt, dặm phấn thoa son.
Rồi nàng ngày đêm khẩn cầu, xin cho chàng được bằng an, được chiến thắng quay trở về, được triều đình ban thưởng, được tiếp tục sống cùng chồng trong tháng ngày hạnh phúc. Mâu thuẫn giữa những đau khổ có thực cùng sự ảo tưởng về cuộc sống vàng son, về tất thắng, về vinh quang, vẫn trở đi trở lại.
Chinh Phụ Ngâm ra đời trong bối cảnh các phong trào nông dân khởi nghĩa chống triều đình phong kiến nửa đầu thế kỷ mười tám đang dâng lên mạnh mẽ. Trai tráng, đàn ông đều ra trận, còn lại nhà chỉ cha mẹ già, vợ và con thơ. Cả người ra đi và người ở lại đều ngập tràn trong lòng một sự lo lắng, sợ hãi, vì không thể biết được gì về ngày mai của mình. Lý tưởng, công danh, được đặt ra, đối lập với những khát khao hạnh phúc, khát khao lứa đôi, ái ân, gần gụi, đối lập với cả những nhân quả báo ứng của nhà Phật.
Vì là thể thơ cổ, nên tác giả đã viết tác phẩm bằng bút pháp tượng trưng, ước lệ. Tác phẩm chứa đựng nhiều hình ảnh, giàu nhạc tính. Bản dịch với thể song thất lục bát cũng nhờ ưu điểm này của bản gốc mà trở nên xuất sắc, được ưa chuộng, dễ nhớ, dễ ngâm ngợi.
******
PHAN HUY ÍCH
Phan Huy Ích sinh năm một ngàn bảy trăm năm mươi và mất năm một ngàn tám trăm hai mươi hai. Mới hai mươi bốn tuổi, ông đã đỗ Tiến Sĩ. Ông là quan đại thần của ba triều liên tiếp, đồng thời là nhà ngoại giao xuất sắc của triều Tây Sơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, vào thời Tây Sơn, Người viết chính luận hay nhứt là Ngô Thì Nhậm, hay thứ nhì là ông Phan Huy Ích.
Bài tuyên cáo của vua Gia Long, đổi tên nước từ An Nam sang Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ mười chín, chính là do ông Phan Huy Ích viết.
Cũng vào đầu thế kỷ mười chín này, khi cáo quan về quê an dưỡng, ông đã dịch Chinh Phụ Ngâm sang tiếng Nôm. Tên đầy đủ của bản dịch này là Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca Tân Khúc. Ông cũng là tác giả của nhiều bài thơ thiền, đến hôm nay vẫn còn lưu lại.
Nhiều người làm công tác nghiên cứu văn học cho rằng, ông Phan Huy Ích, có điều kiện hơn hẳn bà Đoàn Thị Điểm khi phiên dịch tác phẩm Chinh Phụ Ngâm từ tiếng Hán sang tiếng Nôm, Lợi thế ở chỗ, ông sinh vào giữa thế kỷ mười tám và sống qua đến thế kỷ mười chín, là thế kỷ mà nền văn chương Nôm đã hoàn thiện, phát triển, và đã đạt được những thành tựu xuất sắc.
******
ĐOÀN THỊ ĐIỂM
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sinh năm một ngàn bảy trăm lẻ năm và mất năm một ngàn bảy trăm bốn mươi tám. Bà nổi tiếng thông minh, hay chữ, từng vào cung của chúa Trịnh để làm Giáo Thụ, dạy con của Chúa, từng vừa dạy học vừa làm nghề thầy thuốc khi từ quan về quê. Học trò khắp nơi theo học bà rất đông, và trong số các học trò của bà, có người sau này đỗ Tiến Sĩ.
Với nghi án, bà hay ông Phan Huy Ích, ai mới là tác giả đích thực của bản dịch đang lưu hành hiện nay, thì các nhà nghiên cứu cho rằng, thời kỳ ra đời và mất đi của Bà Đoàn Thị Điểm là thời kỳ mở đầu của nền văn học cổ điển Việt Nam, hẳn là bà Điểm khó lòng có điều kiện để dịch tác phẩm Chinh Phụ Ngâm thành một bản văn chữ Nôm chải chuốt và điêu luyện như vậy.
Tuy nhiên, bản diễn Nôm hiện nay, lại có tên gốc là Chinh Phụ Ngâm Khúc Diễn Ca, và cũng là tên đầu tiên mà bà Đoàn Thị Điểm đặt cho bản dịch của mình.
Tương truyền, so với bà Hồ Xuân Hương và bà huyện Thanh Quan của thế kỷ mười chín, thì bà Đoàn Thị Điểm ở thế kỷ mười tám, ngoài sự thông minh, tài văn chương thơ phú, giỏi nữ công gia chánh, bà là người nổi trội nhứt về nhan sắc.
Đạo Cao Đài xem bà Đoàn Thị Điểm là kiếp giáng trần của Tứ Nương Diêu Trì Cung.
**
Bà Đoàn Thị Điểm cũng là người có nhiều giai thoại.
Đối Sách Đối Sử:
Năm sáu tuổi, bà đã biết đáp lại câu đối. Anh bà là Đoàn Doãn Luân lấy từ Sử Ký, ra vế: Rắn trắng giữa đường / Ông Quý (Lưu Bang) tuốt gươm mà chém. Bà cũng lấy từ Sử Ký ra, đối lạ: Rồng vàng đội thuyền / Ông Vũ (Hạ Vũ) ngửa mặt mà than.
Đối Chữ Đối Cảnh:
Bữa nọ, Đoàn Doãn Luân thấy bà ngồi soi gương, bèn ra vế: Soi gương vẽ mày / Một nét (điểm) hóa thành hai nét (điểm). Bà quay lại, ngó thấy anh bà đang ngồi rửa tay bên cầu ao, bà rằng: Ra ao ngắm trăng / Một vầng (luân) chuyển thành hai vầng (luân).
******
CHINH PHỤ NGÂM
1- Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
2- Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
3- Xanh kia thăm thẳm từng trên
4- Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
5- Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
6- Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
7- Chín tầng gươm báu trao tay
8- Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
9- Nước thanh bình ba trăm năm cũ
10- Áo nhung trao quan vũ từ đây
11- Sứ trời sớm giục đường mây
12- Phép công là trọng, niềm tây sá nào
13- Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn
14- Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
15- Bóng cờ tiếng trống xa xa
16- Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng
17- Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
18- Xếp bút nghiên theo việc đao cung
19- Thành liền mong tiến bệ rồng
20- Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
21- Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
22- Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
23- Giã nhà đeo bức chiến bào
24- Thét roi cầu Vị ào ào gió thu
25- Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
26- Đường bên cầu cỏ mọc còn non
27- Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
28- Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền
29- Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa
30- Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
31- Nhủ rồi tay lại trao liền
32- Bước đi một bước lại vin áo chàng
33- Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
34- Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San
35- Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
36- Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo
37- Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử
38- Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba
39- Áo chàng đỏ tựa ráng pha
40- Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
41- Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
42- Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay
43- Hà Lương chia rẽ đường này
44- Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi
45- Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu
46- Ngựa sau còn khuất nẻo Tràng Dương
47- Quân đưa chàng ruổi lên đường
48- Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
49- Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
50- Hàng cờ bay trong bóng phất phơ
51- Dấu chàng theo lớp mây đưa
52- Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà
53- Chàng thì đi cõi xưa mưa gió
54- Thiếp lại về buồng cũ gối chăn
55- Đoái trông theo đã cách ngăn
56- Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh
57- Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại
58- Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
59- Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
60- Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
61- Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
62- Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
63- Ngàn dâu xanh ngắt một màu
64- Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
65- Chàng từ đi vào nơi gió cát
66- Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?
67- Xưa nay chiến địa dường bao
68- Nội không muôn dặm xiết sao dãi dầu
69- Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn
70- Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon
71- Ôm yên, gối trống đã chồn
72- Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh
73- Nay Hán xuống Bạch Thành đóng lại
74- Mai Hồ vào Thanh Hải dòm qua
75- Hình khe thế núi gần xa
76- Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao
77- Sương đầu núi buổi chiều như gội
78- Nước lòng khe nẻo lội còn sâu
79- Não người áo giáp bấy lâu
80- Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây
81- Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ
82- Mặt chinh phu ai vẽ cho nên?
83- Tưởng chàng rong ruổi mấy niên
84- Chẳng nơi Hãn Hải thì miền Tiêu Quan
85- Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ
86- Lại lạnh lùng những chỗ sương phong
87- Lên cao trông thức mây lồng
88- Lòng nào là chẳng động lòng bi thương?
89- Chàng từ sang Đông Nam khơi nẻo
90- Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu?
91- Những người chinh chiến bấy lâu
92- Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây
93- Nức hơi mạnh, ân dày từ trước
94- Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu?
95- Non Kì quạnh quẽ trăng treo
96- Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
97- Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
98- Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
99- Chinh phu tử sĩ mấy người
100- Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?
101- Dấu binh lửa, nước non như cũ
102- Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
103- Phận trai già ruổi chiến trường
104- Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về
105- Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ
106- Ba thước gươm, một cỗ nhung yên
107- Xông pha gió bãi trăng ngàn
108- Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành
109- Áng công danh trăm đường rộn rã
110- Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi
111- Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
112- Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây
113- Trong cửa này đã đành phận thiếp
114- Ngoài mây kia há kiếp chàng vay?
115- Những mong cá nước sum vầy
116- Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời
117- Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ
118- Chàng há từng học lũ vương tôn
119- Cớ sao cách trở nước non
120- Khiến người thôi sớm thì hôm những sầu
121- Khách phong lưu đương chừng niên thiếu
122- Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên
123- Nỡ nào đôi lứa thiếu niên
124- Quan san để cách, hàn huyên bao đành
125- Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
126- Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca
127- Nay quyên đã giục, oanh già
128- Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
129- Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió
130- Hỏi ngày về, chỉ độ đào bông
131- Nay đào đã quyến gió đông
132- Phù dung lại đã bên sông bơ sờ
133- Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy
134- Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm?
135- Ngập ngừng, lá rụng cành trâm
136- Chiều hôm nghe dậy tiếng cầm lao xao
137- Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ
138- Chiều lại tìm, nào thấy tiêu hao ?
139- Ngập ngừng gió thổi chéo bào
140- Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông
141- Tin thường lại, người không thấy lại
142- Gốc hoa tàn đã trải rêu xanh
143- Rêu xanh mấy lớp chung quanh
144- Sân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ
145- Thư thường tới, người không thấy tới
146- Bức rèm thưa lần dãi bóng dương
147- Bóng dương mấy buổi xuyên ngang
148- Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai
149- Thử tính lại diễn khơi ngày ấy
150- Tiền sen này đã nẩy là ba
151- Xót người lần lữa ải xa
152- Xót người nương chốn Hoàng Hoa dặm dài
153- Tình gia thất nào ai chẳng có
154- Kìa lão thân, khuê phụ nhớ thương
155- Mẹ già phơ phất mái sương
156- Con thơ măng sữa, vả đương phù trì
157- Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
158- Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
159- Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
160- Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
161- Nay một thân nuôi già dạy trẻ
162- Nỗi quan hoài mang mể biết bao
163- Nhớ chàng trải mấy sương sao
164- Xuân từng đổi mới đông nào còn dư
165- Kể năm đã ba tư cách diễn
166- Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang
167- Ước gì gần gũi tấc gang
168- Giãi niềm cay đắng để chàng tỏ hay
169- Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá
170- Gương lầu Tần dấu đã soi chung
171- Cậy ai mà gửi tới cùng
172- Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư
173- Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía
174- Ngọc cài đầu thuở bé vui tươi
175- Cậy ai mà gửi tới nơi
176- Để chàng trân trọng dấu người tương thân?
177- Trải mấy thu, tin đi tin lại
178- Tới xuân này tin hãy vắng không
179- Thấy nhạn luống tưởng thư phong
180- Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng
181- Gió tây nổi không đường hồng tiện
182- Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa
183- Màn mưa trướng tuyết xông pha
184- Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài
185- Đề chữ gấm, phong thôi lại mở
186- Gieo bói tiền tin dở còn ngờ
187- Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ
188- Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai
189- Há như ai hồn say bóng lẫn
190- Bỗng thơ thơ thẩn thẩn hư không
191- Trâm cài xiêm giắt thẹn thùng
192- Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo
193- Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
194- Bức rèm thưa rủ thác đòi phen
195- Ngoài rèm thước chẳng mách tin
196- Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
197- Đèn có biết, dường bằng chẳng biết
198- Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
199- Buồn rầu nói chẳng nên lời
200- Hoa đèn kia với bóng người khá thương
201- Gà eo óc gáy sương năm trống
202- Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên
203- Khắc giờ đằng đẵng như niên
204- Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa
205- Hương gượng đốt hồn đà mê mải
206- Gương gượng soi lệ lại chứa chan
207- Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
208- Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng
209- Lòng này gửi gió đông có tiện
210- Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
211- Non Yên dù chẳng tới miền
212- Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
213- Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
214- Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong
215- Cảnh buồn người thiết tha lòng
216- Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun
217- Sương như búa bổ mòn gốc liễu
218- Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
219- Giọt sương phủ bụi chim gù
220- Sâu tường kêu vẳng chuông chùa nện khơi
221- Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc
222- Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên
223- Lá màn lay ngọn gió xuyên
224- Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm
225- Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
226- Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
227- Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
228- Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau
229- Đâu xiết kể muôn sầu nghìn não
230- Từ nữ công phụ xảo đều nguôi
231- Biếng cầm kim biếng đưa thoi
232- Oanh đôi thẹn dệt bướm đôi ngại thùa
233- Mặt biếng tô miệng càng biếng nói
234- Sớm lại chiều dòi dõi nương song
235- Nương song luống ngẩn ngơ lòng
236- Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?
237- Biếng trang điểm lòng người sầu tủi
238- Xót nỗi chàng, ngoài cõi Giang Lăng
239- Khác gì ả Chức chị Hằng
240- Bến Ngân sùi sụt cung trăng chốc mòng
241- Sầu ôm nặng hãy chồng làm gối
242- Buồn chứa đầy hãy thổi làm cơm
243- Mượn hoa mượn rượu giải buồn
244- Sầu làm rượu nhạt muộn làm hoa ôi
245- Gõ sênh ngọc mấy hồi không tiếng
246- Ôm đàn tranh mấy phím rời tay
247- Xót người hành dịch bấy nay
248- Dặm xa mong mỏi hết đầy lại vơi
249- Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt
250- Trống tiều khua như đốt buồng gan
251- Võ vàng đổi khác dung nhan
252- Khuê ly mới biết tân toan dường này
253- Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ
254- Chua cay này há có vì ai?
255- Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi
256- Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề
257- Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng
258- Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn
259- Duy còn hồn mộng được gần
260- Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người
261- Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ
262- Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa
263- Sum vầy mấy lúc tình cờ
264- Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân
265- Giận thiếp thân lại không bằng mộng
266- Được gần chàng bến Lũng thành Quan
267- Khi mơ những tiếc khi tàn
268- Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không
269- Duy có một tấm lòng chẳng dứt
270- Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi
271- Lòng theo song chửa thấy người
272- Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe
273- Trông bến nam bãi che mặt nước
274- Cỏ biếc um, dâu mướt ngàn xanh
275- Nhà thôn mấy xóm chông chênh
276- Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm
277- Trông đường bắc đôi chòm quán khách
278- Rườm rà cây xanh ngắt núi non
279- Lúa thành thoi thóp bên cồn
280- Nghe thôi địch ngọc véo von bên lầu
281- Non Đông thấy lá hầu chất đống
282- Trĩ xập xoè mai cũng bẻ bai
283- Khói mù nghi ngút ngàn khơi
284- Con chim bạt gió lạc loài kêu thương
285- Lũng Tây thấy nước dường uốn khúc
286- Nhạn liệng không sóng giục thuyền câu
287- Ngàn thông chen chúc khóm lau
288- Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về
289- Trông bốn bề chân trời mặt đất
290- Lên xuống lầu thấm thoát đòi phen
291- Lớp mây ngừng mắt ngại nhìn
292- Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc Quan ?
293- Dây rút đất dễ khôn học chước
294- Khăn gieo cầu nào được thấy tiên
295- Lòng này hóa đá cũng nên
296- E không lệ ngọc mà lên trông lầu
297- Lúc ngảnh lại ngắm màu dương liễu
298- Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
299- Chẳng hay muôn dặm ruổi rong
300- Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?
301- Lòng chàng ví cũng bằng như thế
302- Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa
303- Hướng dương lòng thiếp như hoa
304- Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
305- Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
306- Hoa để vàng bởi tại bóng dương
307- Hoa vàng hoa rụng quanh tường
308- Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần
309- Chồi lan nọ trước sân đã hái
310- Ngọn tần kia bên bãi đưa hương
311- Sửa xiêm dạo bước tiền đường
312- Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ
313- Bóng Ngân Hà khi mờ khi tỏ
314- Độ Khuê Triền buổi có buổi không
315- Thức mây đòi lúc nhạt hồng
316- Chuôi sao Bắc Đẩu thôi đông lại đoài
317- Mặt trăng tỏ thường soi bên gối
318- Bừng mắt trông sương gội cành khô
319- Lạnh lùng thay bấy nhiêu thu
320- Gió may hiu hắt trên đầu tường vôi
321- Một năm một nhạt mùi son phấn
322- Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi
323- Xưa sao hình ảnh chẳng rời
324- Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương?
325- Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ
326- Thiếp dạo hài lầu cũ rêu in
327- Gió Xuân ngày một vắng tin
328- Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì
329- Xảy nhớ khi cành Diêu đóa Ngụy
330- Trước gió xuân vàng tía sánh nhau
331- Nọ thì ả Chức chàng Ngâu
332- Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông
333- Thương một kẻ phòng không luống giữ
334- Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau
335- Thoi đưa ngày tháng ruổi mau
336- Người đời thấm thoát qua màu xuân xanh
337- Xuân thu để giận quanh ở dạ
338- Hợp ly đành buồn quá khi vui
339- Oán sầu nhiều nỗi tơi bời
340- Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân
341- Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước
342- E đến khi đầu bạc mà thương
343- Mặt hoa nọ gã Phan Lang
344- Sợ khi mái tóc điểm sương cũng ngừng
345- Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở
346- Tiếc quang âm lần lữa gieo qua
347- Nghĩ mệnh bạc tiếc niên hoa
348- Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ dòng
349- Gác nguyệt nọ mơ màng vẻ mặt
350- Lầu hoa kia phảng phất mùi hương
351- Trách trời sao để nhỡ nhàng
352- Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên
353- Chàng chẳng thấy chim uyên ở nội
354- Cũng dập dìu chẳng vội phân trương
355- Chẳng xem chim yến trên rường
356- Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau
357- Kìa loài sâu đôi đầu cùng cánh
358- Nọ loài chim chắp cánh cùng bay
359- Liễu sen là thức cỏ cây
360- Đôi hoa cũng sánh đôi dây cũng liền
361- Ấy loài vật tình duyên còn thế
362- Sao kiếp người nỡ để đấy đây?
363- Thiếp xin về kiếp sau này
364- Như chim liền cánh như cây liền cành
365- Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy
366- Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau
367- Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
368- Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung
369- Xin làm bóng theo cùng chàng vậy
370- Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên
371- Chàng nương vừng nhật phỉ nguyền
372- Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn tròn
373- Lòng hứa quốc tựa son ngăn ngắt
374- Sức tý dân dường sắt trơ trơ
375- Máu Thuyền Vu quắc Nhục Chi
376- Ấy thì bữa uống ấy thì bữa ăn
377- Mũi đòng vác đòi lần hăm hở
378- Đã lòng trời gìn giữ người trung
379- Hộ chàng trăm trận nên công
380- Buông tên ải bắc treo cung non đoài
381- Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải
382- Tiếng khải ca trở lại Thần Kinh
383- Non Yên tạc đá đề danh
384- Triều thiên vào trước cung đình dâng công
385- Nước Ngân Hán vác đòng rửa sạch
386- Khúc nhạc từ réo rắt lừng khen
387- Tài so Tần Hoắc vẹn tuyền
388- Tên ghi gác Khói tượng truyền đài Lân
389- Nền huân tướng đai cân rạng vẻ
390- Chữ đồng hưu bia để nghìn đông
391- Ơn trên tử ấm thê phong
392- Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời
393- Thiếp chẳng dại như người Tô Phụ
394- Chàng hẳn không như lũ Lạc Dương
395- Khi về đeo quả ấn vàng
396- Trên khung cửi dám rẫy ruồng làm cao
397- Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
398- Xin vì chàng giũ lớp phong sương
399- Vì chàng tay chuốc chén vàng
400- Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng
401- Giở khăn lệ chàng trông từng tấm
402- Đọc thơ sầu, chàng thẩm từng câu
403- Câu vui đối với câu sầu
404- Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời
405- Sẽ rót vơi lần lần từng chén
406- Sẽ ca dần ren rén từng thiên
407- Liên ngâm đối ẩm đòi phen
408- Cùng chàng lại kết mối duyên đến già
409- Cho bõ lúc sầu xa cách nhớ
410- Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình
411- Ngâm nga mong gửi chữ tình
412- Dường này âu hẳn tài lành trượng phu.
******
Chinh Phụ Ngâm kể từ lúc ra đời cho đến nay, không biết thời thôi, chớ nếu biết, nếu có từng đọc qua, đều cảm thấy xúc động. Bởi vì, như Hoài Thanh từng khen, tác giả đã cảm được cái cảm của người xưa.
Thậm chí, khi Chinh Phụ Ngâm Khúc, “vượt biên” qua bên kia đất nước Trung Hoa, tác phẩm cũng đã được nhiều danh sĩ xứ ấy quý trọng và ca ngợi.
Dù vẫn chưa ngã ngũ, bản Chinh Phụ Ngâm đang dùng ngày nay, là của bà Đoàn Thị Điểm hay của ông Phan Huy Ích, thì cá nhân tôi, tôi vẫn cho rằng, đây là một bản dịch tuyệt tác.
Chinh Phụ Ngâm không chỉ mang tới sự rung động chân thành trong lòng người đọc mà nó còn làm người đọc thấy thêm yêu thơ ca, đặc biệt là thơ ca bằng chữ Nôm.
Chinh Phụ Ngâm đem lại lòng tự hào, rằng, người Việt mình, từ xưa, không chỉ đấng nam nhi mới thông minh, hiếu học mà ngay cả các bậc nữ lưu, mà người ta hay còn gọi một cách rất phân biệt là, nữ lưu thường tình (yếu đuối, ủy mị, không nhìn xa trông rộng, bịn rịn chồng con) cũng rất tài năng, tài hoa, rất xuất sắc trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực dạy học, viết văn, làm thơ và lãnh vực nghiên cứu, dịch thuật.
******
Đầu thế kỷ hai mươi, năm một ngàn chín trăm mười chín, ở miền nam, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã cho ra đời bản Dạ Cổ Hoài Lang, khi ông bị gia đình chia uyên rẽ thúy với người vợ đã ăn ở ba năm mà chưa có con – tam niên vô tự bất thành thê.
Mỗi khi đàn tấu lên khúc nhạc thiết tha, mỗi khi tiếng ca ai oán cất giọng trầm bổng, lúc tức tưởi lúc nghẹn ngào, là mỗi lần làm cho hàng triệu triệu con tim phải thổn thức theo, xót xa thương cảm cho tình cảnh không được gần nhau, không được bên nhau của đôi mái đầu xanh.
Mới thấy, bắc nam gì cũng vậy thôi, thời đại nào cũng vậy thôi, phải xa nhau, dù với bất cứ lý do gì, cũng đều là điều làm đau đớn hai kẻ yêu nhau, xé nát tim gan của người thương và người thương:
Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Sao nỡ phụ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lợt phai í a
Là nguyện cho chàng
Hai chữ an bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a… .
Sài Gòn 15.02.2024
Phạm Hiền Mây