LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

Trương Vĩnh Ký – người tiên phong trong công cuộc khai dân trí

Trương Vĩnh Ký – người tiên phong trong công cuộc khai dân trí

PGs. Ts. Trần Thanh Ái

 Việc nghiên cứu Trương Vĩnh Ký không thể tách rời việc tìm hiểu bối cảnh mà ông đã học tập và làm việc, trong đó môi trường học thuật ở phương Tây có vai trò đặc biệt quan trọng, vì ông là người ham học hỏi, lại có trí thông minh thiên bẩm. Bài viết này nhằm mục đích chỉ ra những dấu ấn của trào lưu Khai sáng châu Âu trong các hoạt động học thuật của ông, góp phần làm sáng tỏ hành trạng của ông mà một số người vẫn còn nghi hoặc.

Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Thanh Lãng đã có một nhận định tổng quát về những việc mà Trương Vĩnh Ký đã làm trong sự nghiệp của ông:

“Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên đem cái chương trình cải cách của Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) ra thi hành. Lịch sử chưa cho chúng ta biết gì về sự liên lạc giữa hai học giả họ Nguyễn và họ Trương […]. Chương trình cải cách văn hóa của Nguyễn Trường Tộ là phiên âm các sách cổ ra chữ viết mới, dịch các sách ngoại quốc ra tiếng nói hàng ngày, làm tự điển để thống nhất ngôn ngữ, làm ngữ pháp để định qui luật cho người viết văn. Trương Vĩnh Ký đã làm tất cả việc đấy với một thiên tài” (Thanh Lãng 1967, tr. 27).

Vậy động lực nào đã khiến Trương Vĩnh Ký chọn con đường hoàn toàn mới lạ dưới mắt các nhà nho thời bấy giờ, để thực hiện những ý tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm lại một số đặc điểm văn hóa – xã hội của châu Âu vào giữa thế kỷ XIX mà ông đã tiếp xúc, cũng như trình độ dân trí của nước nhà thời bấy giờ, là những yếu tố đã khiến ông dấn thân vào con đường cải cách văn hóa – mà thực chất là khai dân trí – như là một giải pháp thích hợp cho việc đóng góp cho dân cho nước, và đặc biệt là giải pháp ấy rất phù hợp với năng lực của ông.

  1. Tiếp xúc với thành tựu của trào lưu Khai sáng(1) châu Âu

Ngay cả khi không có mối liên lạc nào giữa Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ chăng nữa, thì sự “gặp nhau” của họ cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì họ là hai trong số không nhiều nhà trí thức Việt tiếp xúc sớm nhất với nền học vấn phương Tây. Thật vậy, vào thời ấy bất cứ người nào có dịp tiếp xúc với thế giới bên ngoài hay qua sách vở bằng các ngôn ngữ phương Tây, thậm chí qua trung gian chữ hán, thì ít nhiều gì cũng đều cảm nhận được một làn sóng mới mẻ trên nhiều phương diện đang thổi đến từ phương Tây. Chắc chắn rằng những gì mà Trương Vĩnh Ký đã đọc được, đã chứng kiến và đã chiêm nghiệm trong thời gian ông học ở Pulo Pinang, và nhất là khi tháp tùng phái đoàn của Phan Thanh Giản đến Paris, có vai trò quan trọng trong quyết định liên quan đến hành trạng của ông. Theo Khổng Xuân Thu, trong hồ sơ lưu trữ ở Tổng Thư viện Pháp(2) về các cuộc đàm đạo với Léon Gautier (1832-1897), Trương Vĩnh Ký đã thổ lộ suy nghĩ của mình như sau: “công việc khai hóa dân tộc cũng phải nhắm vào việc nâng cao dân trí” (Khổng Xuân Thu, 1958, tr. 142). Và như chúng ta có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình ông luôn hành động theo hướng suy nghĩ này.

Vậy ông đã đọc được và phát hiện ra những gì đằng sau xã hội đang trên đường công nghiệp hóa mạnh mẽ của các nước châu Âu mà ông đã đi thăm vào năm 1863? Vì không có nhiều tư liệu giải đáp cho câu hỏi đó, nên chúng ta chỉ còn có thể tìm kiếm trong các hoạt động học thuật của ông những vết tích của trào lưu tư tưởng Khai sáng mà ông đã tiếp xúc qua các nhà khoa học Pháp thế kỷ XIX.

1.1. Tiền đề của trào lưu Khai sáng

Nếu những ưu việt về khoa học – kỹ thuật của phương Tây so với phần còn lại của thế giới được mọi người ở khắp nơi dễ dàng “mục sở thị” từ lâu, nhưng những tiến bộ về văn hóa – xã hội của họ thì chỉ có một số ít người có trình độ nhận thức, và có điều kiện tiếp xúc trực tiếp hoặc qua sách vở của họ mới có thể nhận ra được. Thật vậy, ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI, các nước Đông Nam Á rồi Đông Bắc Á lần lượt chứng kiến sức mạnh hàng hải của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan được thể hiện qua khả năng vượt nhiều đại dương xa lạ trong nhiều tháng trời để đặt chân lên những miền đất mới mà họ chỉ biết rất mơ hồ trước khi lên đường. Thế nhưng chẳng mấy ai thấy được phía sau sức mạnh vật chất ấy là cả một sự phát triển rực rỡ trên nhiều mặt của xã hội phương Tây thời bấy giờ, từ khoa học, giáo dục đến văn học, nghệ thuật, triết học; từ toán học, thiên văn học đến giao thương hàng hải… Có thể nói không ngoa rằng các nước phương Tây sẽ không thể có sức mạnh vật chất như thế nếu không có sự phát triển về mặt tinh thần này. Chính sự phát triển gần như toàn diện ấy đã tạo nên sự bùng nổ của làn sóng khám phá thế giới vật chất và thế giới tinh thần, kể cả việc tìm hiểu những định chế xã hội của con người, và các kết quả của những cuộc khám phá đó tạo nên sự cộng hưởng với nhau. Ngay cả sự nở rộ của văn học cũng đã góp phần không nhỏ vào việc kích thích sự khám phá: những trang chép tay từ quyển du ký Những kỳ quan thế giới của Marco Polo vào đầu thế kỷ XIV đã không ngừng được sao chép lại bằng nhiều ngôn ngữ, và được truyền tay khắp châu Âu. Chính nó đã kích thích óc khám phá, nuôi dưỡng ý chí chinh phục thiên nhiên và góp phần thúc đẩy các dân tộc châu Âu tích lũy kiến thức địa lý, thiên văn, hàng hải, kỹ thuật, để chế tạo những phương tiện cần thiết cho những chuyến vượt biển đi về phương Đông. Và cũng từ đó mà các ngôn ngữ dân tộc châu Âu bắt đầu trở nên thông dụng hơn, nhờ sự gia tăng số lượng người đọc trong giới bình dân, khiến tiếng La-tinh dần dần trở thành tử ngữ. Đó là một sự chuyển mình quan trọng để kiến tạo nên nền tảng chính trị – xã hội châu Âu ngày nay: kỹ thuật in ấn bằng con chữ rời ra đời năm 1439 nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội, đồng thời nó lại kích thích các hoạt động tinh thần phát triển, góp phần to lớn vào việc nâng cao dân trí của các quốc gia trong khu vực. Thật vậy, trước khi phát minh ra kỹ thuật in ấn, cả châu Âu chỉ có vài ngàn quyển sách chép tay, nhưng vào khoảng năm 1500, chỉ sau 50 năm phát triển ngành in đã có hơn 20 triệu quyển sách được in ra (Reque B. Radner, 1987, tr. 227), điều mà bốn trăm năm sau các nước Á Đông cũng chưa thực hiện được.

Đó chính là tiền đề cho thời đại bùng nổ trên nhiều lãnh vực, nhất là trong lãnh vực tư tưởng, mà người ta gọi là thế kỷ Khai sáng, hay thời đại Khai sáng, kéo dài từ đầu thế kỷ XVIII cho đến giữa thế kỷ XIX tùy theo quốc gia (Auroux S. 2013, tr. vii). Vậy Khai sáng là gì? Trong một bài viết trở thành kinh điển của triết gia người Đức I. Kant (1724-1804), “Trả lời cho câu hỏi Khai sáng là gì” (1784), ông cho đó là:

“sự thoát khỏi tình trạng chưa trưởng thành(3) mà chính con người đã tự tạo ra. Chưa trưởng thành là sự không có được khả năng sử dụng trí tuệ của mình mà không cần sự dẫn dắt của người khác. Đó là lỗi của con người khi tình trạng này không bắt nguồn từ sự yếu kém về trí tuệ, mà từ sự thiếu quả quyết và thiếu can đảm để sử dụng trí tuệ mà không cần sự dẫn dắt của người khác. Sapere aude! Hãy can đảm dùng trí tuệ của chính mình. Đó là phương châm của Khai sáng” (Kant I. 2006, tr. 17).

Và phương châm này đã được con người nồng nhiệt đón nhận để tạo ra một nền tảng tư tưởng đồ sộ, khiến cho bộ mặt văn hóa – xã hội trở nên khởi sắc và phong phú hơn, năng động hơn, qua tinh thần khát khao học hỏi, khám phá những điều mới lạ và truyền bá kiến thức mới cho mọi người. Điểm nhấn của tinh thần ấy là bộ từ điển bách khoa Encyclopédie, ou Dictionnaire raisonné des sciences, des arts et des métiers do Diderot và d’Alembert chủ biên gồm 28 quyển, nó có tham vọng tập hợp nguồn tri thức của nhân loại trong tất cả các lĩnh vực nhằm giúp con người “hiểu biết nhiều hơn”, “đức hạnh hơn” và “hạnh phúc hơn” (Diderot D. & d’Alembert J. Le Rond, 1755, tr. 635).

1.2. Di sản của thời Khai sáng trong văn hóa – xã hội phương Tây

Vấn đề giáo dục là một trong những chủ đề chính của các nhà triết học Khai sáng. Trong các công trình triết học, các khái niệm cơ bản về giáo dục đều được diễn giải rõ ràng, với chữ “giáo dục” gồm cả hai nghĩa giáo dục đạo đức và trang bị kiến thức, hay việc thụ đắc kiến thức trừu tượng (Hager F.-P., 2013, tr. 418). Nói cách khác, lý tưởng giải phóng con người bằng giáo dục và truyền bá kiến thức khoa học là chủ đề xuyên suốt trong tất cả các hoạt động tinh thần trong thời Khai sáng. Con người như được chắp cánh bay đi tìm kiếm những điều mới mẻ ngay trong thế giới loài người, để đáp ứng những cơn thèm khát tri thức được thể hiện qua các câu hỏi Tại saoNhư thế nào, v.v. Riêng đối với nước Pháp, C. Cohen ghi nhận vai trò vô cùng quan trọng của kiến thức khoa học trong đời sống văn hóa và tinh thần của nước Pháp, thể hiện qua các ấn phẩm dành cho các đề tài khoa học, việc phát hành rộng rãi các báo cáo của Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia, và nhiều tờ báo công bố nhiều bài viết khoa học (Cohen C. 2013, tr. 1192-1195).

Thật ra vai trò của kiến thức khoa học không đóng khung trong thế kỷ XVIII hay XIX, và cũng không riêng gì ở nước Pháp, tinh thần ấy vẫn tiếp tục phát triển trong các thế kỷ tiếp nối sau đó ở khắp phương Tây, nhờ vậy mà các quốc gia này nhanh chóng chiếm lấy đỉnh cao trong các lĩnh vực khoa học của loài người. Vì chương trình cải cách văn hóa của Nguyễn Trường Tộ và các hoạt động học thuật của Trương Vĩnh Ký đều nhằm cải thiện đời sống tinh thần của quảng đại quần chúng và phổ biến kiến thức khoa học thường thức phương Tây, một ý tưởng hoàn toàn xa lạ với nền tảng tư tưởng Á Đông, nên chắc hẳn không thể nói gì khác hơn là nó đã đi theo quỹ đạo của trào lưu Khai sáng châu Âu. Thật vậy, trong một lần đàm đạo với L. Gautier, Trương Vĩnh Ký tỏ ra rất quan tâm đến các công trình “tiến bộ và đáng  nêu gương sáng” của các nhà Khai sáng Pháp như Montesquieu, Rousseau, Diderot, Voltaire, Diderot (Khổng Xuân Thu, 1958, tr. 141-142).

Qua tiếp xúc với đất nước và con người ở một số nước châu Âu, qua sách báo, và qua các tác giả mà ông đã có quan hệ ít nhiều mật thiết, Trương Vĩnh Ký không thể không nhận ra rằng đó là môi trường mà con người đang được giải thoát khỏi u mê tăm tối, để được sự tự chủ trong nhận thức và hoạt động xã hội, trong việc tìm kiếm tri thức mới và phổ biến nó cho cộng đồng như hoài bảo của các nhà Khai sáng châu Âu.

  1. Thực trạng giáo dục và dân trí nước ta vào thế kỷ XIX

Sau khi đã chứng kiến những điều mới lạ đầy triển vọng, khi trở về nước Trương Vĩnh Ký phải đối diện với thực trạng nghèo nàn và lạc hậu của giáo dục và dân trí nước nhà, khiến người có lòng với vận mệnh của dân tộc không ai có thể khoanh tay đúng nhìn.

2.1. Giáo dục thời nhà Nguyễn như thế nào?

Sau khi đã thống nhất đất nước, năm 1807 vua Gia Long ban chiếu về việc tổ chức thi Hương và thi Hội để chọn người ra làm quan, “kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa, kỳ đệ nhị thi chiếu, chế biểu; kỳ đệ tam thi thơ, phú; kỳ đệ tứ thi văn sách. […] Bọn học trò các ngươi nên dùi mài việc học, để đáp lại cái ơn tôn chuộng nghề văn” (Quốc sử Quán 2002, tr. 691).

Để có thể dự các cuộc thi ấy, người học đã phải “dùi mài việc học” như thế nào? Trần Trọng Kim đã nói về cách thức tổ chức đào tạo đội ngũ quan chức các cấp thời nhà Nguyễn: “học cho nhớ những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng những lời thể chú của tiền nho trong những sách ấy và học thêm mấy bộ sử nước Tàu. […] Tập cho thạo thuộc kinh nghĩa, tứ lục, thi phú, văn sách. Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân” (Trần Trọng Kim 1971, tr. 250).

Điều đó cho thấy sự lệch pha nghiêm trọng giữa chuẩn đầu ra (hư văn) và kỹ năng mà công việc đòi hỏi phải có (thực dụng), và cách đào tạo ấy sẽ có thể gây ra nhiều hậu quả đến từng tế bào trong xã hội. Ấy thế mà đó lại là con đường tiến thân duy nhất của những người có nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống, vì xã hội không có ngành nghề nào phát triển để thần dân có thể phát huy năng lực cá nhân của mình (Trần Trọng Kim 1943a, tr. 16).

Cách dạy và học đó được các đại thần nhà Nguyễn vay mượn hoàn toàn từ Trung Hoa, vậy mà theo học giả Hồ Thích của nước này, trong ngàn năm Khổng giáo chỉ đào tạo ra được những thư sinh vô dụng (Đào Duy Anh 1938, tr. 13). Và mặc dù đã bắt đầu tiếp xúc thường xuyên với người phương Tây hơn 200 năm nhưng vua quan triều Nguyễn vẫn không thay đổi gì trong hệ thống giáo dục lạc hậu và lệch lạc ấy. Lê Thành Khôi nói rõ ra rằng các môn khoa học cơ bản đã thông dụng ở phương Tây không hề có mặt trong nền giáo dục nước Đại Nam (Lê Thành Khôi 1955, tr. 362).

Đó chính là lối học từ chương, thụ động như ngày nay ta thường gọi, và động lực thúc đẩy việc học tập không phải là để khám phá ra chân trời mới như ở phương Tây, mà “hoàn toàn là mưu cầu lợi ích” cá nhân, như nhận xét chua chát của nhà nghiên cứu Y. Tsuboi về tính chuyên cần trong học tập của người Việt (Tsuboi Y. 1999, tr. 242).

2.2. Hậu quả của nền giáo dục nhà Nguyễn

Trần Trọng Kim cho biết trước hết là nó đã tạo ra sự tự huyễn hoặc về năng lực thực sự của người đỗ đạt, từ đó mà sinh ra tánh tự phụ: vì sự học ấy “dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân” nên “ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước” (Trần Trọng Kim, 1971, tr. 250-251).

Vừa mơ hồ về thực lực của chính mình, vừa hoàn toàn không hiểu được tiềm năng của đối phương, nên các quan triều đình thường không có ứng xử thích hợp với người phương Tây, làm tình hình bang giao quốc tế ngày càng xấu đi. Trong quyển du ký của mình, C. E. Bouillevaux có ghi lại câu nói huênh hoang và mang tính khiêu khích của một quan triều đình Huế với viên đại sứ đặc mệnh toàn quyền de Montigny người Pháp khi ông đến Đại Nam năm 1857 để xin đặt văn phòng lãnh sự: “Một người An Nam dư sức chống lại ba người Pháp, và nếu các ông muốn chiến tranh, chúng ta sẽ có chiến tranh” (Bouillevaux C.E. 1858, tr. 189-190).

Vì sự học mang nặng mục đích vinh thân (học để làm quan), nên việc học mang tính đối phó với các kỳ thi, và hậu quả là kiến thức thì nông cạn, không thể làm bệ phóng cho một nền học thuật đúng nghĩa. Vì thế chẳng những mù mờ về khoa học phương Tây, các nhà nho cũng chẳng tỏ tường mấy về hoạt động học thuật Trung Hoa mặc dù họ tự xem mình là người của cửa Khổng sân Trình: không biết về những học phái thời nhà Minh nhà Thanh đã đành, mà họ còn không biết đến học thuyết của Vương Dương Minh đã nổi danh khắp Trung Hoa và Nhật Bản (Trần Trọng Kim, 1943b, tr. 282).

Tình trạng ấy không thể nói gì khác hơn đó chính là sự xơ cứng về mặt tinh thần; vì phải đối phó với các kỳ thi như đã nói bên trên, nên các nhà nho đều không thể suy nghĩ độc lập, cũng không có sự khát khao tìm hiểu sâu hơn những gì đã được dạy. Trên Đông Dương tạp chí năm 1913 Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho là không có mấy nhà nho “vào bực giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh”, đa số chỉ thuộc “bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người ta học cũng học” (Vương Trí Nhàn & Trần Văn Chánh, 2018, tr. 91).

Là hậu quả trực tiếp của cơ chế dạy, học và tuyển dụng quan chức, tình trạng trên đây còn xuất phát từ cách vận hành của cấu trúc quyền lực của xã hội. Một mặt, chính thể chuyên chế của nhà Nguyễn khiến nhà nho mất dần ý thức về vận mệnh đất nước, theo kiểu “việc nước là việc của vua, của quan, dân chúng không dự biết đến” (Phan Khoang 1959, tr. 21). Mặt khác, đường lối không hoan nghênh người phương Tây lại khiến họ càng thu mình sâu hơn vào trong các giáo điều Khổng Mạnh, và làm cho não trạng của giới tinh hoa càng thêm u tối, không đủ khả năng nhận thức những vấn đề của thời đại, nên vẫn xem Trung Hoa là trung tâm văn hiến, và người phương Tây là man di.

Thật ra đó không phải chỉ là hạn chế của riêng Việt Nam, mà là của cả một nền giáo dục rập khuôn theo mô hình Trung Hoa thời ấy: vào nửa đầu thế kỷ XIX, kiến thức phổ thông ở Trung Quốc và Việt Nam hãy còn “hết sức hạn chế và tạp nhạp”, báo chí Quảng Đông còn giải thích “Bồ Đào Nha ở cạnh Malacca, mà Pháp và Bồ Đào Nha chỉ là một, hay nói một cách khác, Pháp nằm kế cận eo biển Malacca!” (Vĩnh Sính, 2018, tr. 100) Hoặc như khi giải thích cách ghi ngày tháng theo Tây lịch, Phan Huy Chú nghĩ là cách ấy xuất phát từ Hà Lan và Hồng Mao, “có lẽ tính từ năm người Hoà Lan lập quốc” do đó các nước khác sử dụng theo người Hà Lan (Phan Huy Chú 1833, tr. 153).

Đúng như Lê Thành Khôi đã nhận xét, vì được nuôi dưỡng từ nhiều thế kỷ nay trong tư tưởng Khổng giáo, nên các nhà nho đã không thể nào hình dung ra được một nền văn minh khác với nền văn minh Trung Hoa, “họ đã nhắm mắt trước thế giới bên ngoài và trước những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực khoa học mà phương Tây đã thực hiện được” (Lê Thành Khôi 1955, tr. 362). Chính vì thế mà kiến thức của họ chỉ quanh quẩn trong các sách “thánh hiền”, còn những kiến thức sơ đẳng về thế giới thì lại kém cỏi. Nhận xét sau đây về trình độ nhà nho An Nam của nhà truyền giáo C. E. Bouillevaux tuy rất phiến diện, nhưng nếu xét về mặt bằng kiến thức phổ thông, thì không phải là không có cơ sở: “Một nhà nho đã thành danh ở An Nam có kiến thức chẳng hơn trẻ con 10-12 tuổi ở châu Âu là mấy. […] Thật vậy, việc học văn chương chỉ giới hạn trong việc học đọc những nét tượng hình dùng làm ký tự trong những ngôn ngữ sơ khai” (Bouillevaux C.E. 1858, tr.133-134). Điều này có nghĩa là sau gần 300 năm tiếp xúc với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan, Pháp… giới trí thức Việt Nam vẫn chưa học được gì nhiều về khoa học thường thức, cũng không quan tâm đến “tân thư” để biên soạn tài liệu phổ biến cho học trò trong nước. Vì thế, những kiến thức căn bản của họ về đất nước và con người phương Tây thì rất mơ hồ, thậm chí lệch lạc. Mặc dù các chúa Nguyễn cũng đã từng cho vời nhiều người phương Tây vào triều giúp việc, thậm chí có người ở đến 25 năm như nhà nghiên cứu tự nhiên nổi tiếng J. de Loureiro (từ 1752 đến 1777), nhưng dường như việc học tập phương Tây chẳng có kết quả là bao nhiêu. Điều này có thể được lý giải bằng nhiều nguyên nhân: việc học tập phương Tây không được thể chế hóa nên nó mang tính chất tự phát được chăng hay chớ, các triều thần nhà Nguyễn không có tinh thần cầu tiến để học hỏi những điều mới lạ, lại thêm đầu óc “vĩ cuồng”, xem nền văn hóa Trung Hoa là ưu việt, và khinh thường kho tàng tri thức phương Tây…

Đó là trình độ của giới quan lại, còn trình độ của nhân dân thì chắc chắn còn bi đát hơn nữa. Trên tờ Đại Nam Đăng cổ Tùng báo, Nguyễn Văn Vĩnh với bút danh Tân Nam Tử đã phải thốt lên là “nước Nam ta bây giờ chẳng phải nói dấu (sic!) gì nhau, dốt tệ lắm […] nói rút lại thì bao nhiêu cái khổ sở, nhục nhằn nước Nam ta cũng vì một cái dốt mà ra cả.” (Tân Nam tử, 1907, tr. 210)

Trước thực trạng ấy, Minh Mạng cũng đã nhận ra vấn đề, nhưng khi bàn đến giải pháp để chấn chỉnh thì lại tỏ ý bất lực, không biết phải bắt đầu từ đâu, nên chỉ chờ thời gian thay đổi dần dần: “Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại” (Trần Trọng Kim 1971, tr. 195). Sau này, một số đại thần như Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ đã đề nghị nhiều biện pháp cải tổ, như “cử thần dân đi học ở các nước văn minh…”, cải tổ giáo dục theo hướng thực học, mở rộng giao thương với nước ngoài, v.v. nhưng Tự Đức không hề để ý tới (Tsuboi Y. 1999, tr. 226).

Dù cố sức chứng minh rằng các vua nhà Nguyễn không giam mình trong trạng thái “cô lập huy hoàng”(4) như Lê Thành Khôi đã nói, nhưng Y. Tsuboi vẫn không thể không nhìn nhận sự kém hiệu quả của guồng máy quản lý, và nhất là sự bảo thủ của các quan lại dẫn đến sự bất lực trong phát hiện và giải quyết vấn đề: “họ không có khả năng nắm bắt được thực chất của vấn đề và cũng không đem lại được giải pháp thích ứng. Họ còn bị hạn chế bởi cái cơ cấu chính trị ngăn trở không cho họ đem thi hành những dự án đó” (Tsuboi Y. 1999, tr. 304).

  1. Trương Vĩnh Ký làm gì để khai sáng dân trí

Khi nói đến khai dân trí, người ta nghĩ ngay đến những hoạt động nhằm phá vỡ tình trạng trì trệ trong đời sống tinh thần của quảng đại quần chúng xã hội. Thế nhưng sự trì trệ ấy không dễ phát hiện ngay, nhất là đối với những xã hội khép kín, không cho phép tiếp nhận thông tin về sự tiến bộ của các dân tộc khác trên thế giới để mà so sánh. Vì thế, tình trạng trì trệ ấy cũng xảy ra trong giới được xem là tinh hoa của dân tộc, trừ một số người có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài: chính họ là những người đầu tiên nhận ra sự trì trệ đó, và mỗi người có cách ứng xử riêng. Và do đó không có gì lạ khi những đề nghị canh tân thường vấp phải những phản đối của những quan chức chưa nhận ra những trì trệ ấy. Nói về các biện pháp khai sáng, trong cùng bài viết năm 1784 đã nói bên trên, I. Kant cũng phân tích thêm về điều lợi và hại của các biện pháp:

“Quần chúng chỉ có thể từ từ tiếp cận với tri thức. Một cuộc cách mạng có thể sẽ dẫn đến sự đẩy lùi chế độ độc tài cá nhân và sự đàn áp tham lam và chuyên chế, nhưng không bao giờ đưa đến một sự thay đổi thật sự về cách suy nghĩ. Ngược lại, nhiều định kiến mới sẽ xuất hiện, sẽ chế ngự quảng đại quần chúng cũng giống như những định kiến cũ đã từng chế ngự” (Kant I. 2006, tr. 18).

Những dòng tiên liệu này được Kant viết trước khi Cách mạng Pháp 1789 nổ ra, nhưng những gì xảy ra sau cuộc cách mạng ấy, kể cả sau các cuộc cách mạng trong thế kỷ XIX, thì hoàn toàn chính xác với những gì ông đã tiên liệu. Không rõ Trương Vĩnh Ký có đọc những dòng chữ này không, nhưng nhận xét đó đã được phổ biến rộng rãi ở châu Âu thời ấy, vì nó trở thành bài học đắt giá cho nhân loại. Chắc chắn rằng các định hướng hoạt động của Trương Vĩnh Ký sau này đã được hình thành từ những bài học lịch sử ấy, mà ông đã đọc được khi còn đi học ở Pulo Pinang hoặc lúc sang Pháp năm 1863. Năm 1864, trong một bức thư trả lời R. Cortambert, một nhà nghiên cứu địa lý và là người bạn gắn bó với ông trong mấy tháng ở Paris, Trương Vĩnh Ký đã viết những dòng hiếm hoi về sự bất tiện của việc dùng chữ tượng hình trong việc truyền bá kiến thức khoa học, qua đó hé lộ cho ta thấy ông đã nung nấu ý tưởng về một công cụ ngôn ngữ tiện lợi để phát triển đội ngũ các nhà khoa học nước nhà, tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao dân trí:

“Làm thế nào có thể phổ biến kiến thức với thứ chữ tượng hình được kết hợp từ vô vàn những ký hiệu rất khó? Tôi không phủ nhận rằng người ta có thể dấn thân vào khoa học với những chữ như thế. Nhưng có biết bao là bất tiện, biết bao là khó khăn! Để có thể đọc và hiểu những gì các chữ ấy diễn đạt, một người cần phải mất ít nhất là cả tuổi thanh xuân, anh ta sẽ không còn đủ thời gian để làm khoa học.” (Cortambert R. 1864, tr. 203-204)

Và cuối cùng ông đi đến nhận định là cần thay thế chữ Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ vô cùng tiện lợi. Chính vì thế mà ông đã không ngừng cổ xúy cho việc phổ biến chữ quốc ngữ trong nhân dân, bằng nhiều hình thức, từ biên soạn tài liệu giáo khoa cho công chúng học tập, đến việc phiên chuyển các văn bản Hán Nôm ra chữ quốc ngữ để dễ dàng truyền bá sâu rộng trong xã hội. Trong lời nói đầu của quyển sách giáo khoa Manuel des écoles primaires (1876-1877), ông đã thể hiện tư tưởng giải phóng dân tộc ra khỏi dốt nát, u mê, bằng cách nêu cao vai trò của chữ quốc ngữ để đánh thức tiềm năng của toàn dân phục vụ cho việc phát triển đất nước: “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Cần phải thế để đem lại điều tốt lành và tiến bộ. Vì vậy chúng ta phải tìm cách phổ biến lối chữ viết này bằng mọi phương tiện, và không gì hay hơn là bắt chước Hội Truyền giáo với nhà in hoạt động có thể nói là không biết mệt mỏi, mỗi ngày cung cấp nhiều sản phẩm mới” (tr. 1). Và trong suốt cuộc đời mình ông đã dùng chữ quốc ngữ để phổ biến ra công chúng rộng rãi, từ kiến thức phổ thông đến lịch sử dân tộc, văn học dân gian, kho tàng hán nôm…, bằng mọi cách có thể, kể cả phải lâm vào cảnh nợ nần.

Về hoạt động báo chí, có thể là Trương Vĩnh Ký không đọc được tổng kết của Condorcet về những tiến bộ của loài người, nhưng chắc hẳn rằng qua sách báo phong phú ở Pháp, và nhất là qua kinh nghiệm của bản thân, ông đã nhận ra được vai trò của sách báo trong thời đại của ông, nhất là khi ông đã trải qua 6 năm học tập ở Pulo Pinang: kỹ thuật in ấn đã giải phóng nhân dân khỏi mọi xiềng xích chính trị, tư tưởng, tôn giáo, hủ tục. Ngành in ấn còn có thể tỏa ra một nguồn sáng trong lành, khiến cho người dân có thể tự khai hóa bằng sách vở mà việc in ấn ngày càng dễ dàng (Condorcet N. de 1794, tr. 190-191).

Vậy thì viết báo, soạn sách cũng là một phương tiện khai hóa cho nhân dân, để có thể giải phóng họ khỏi tình trạng dốt nát, hoặc giúp họ loại bỏ những kiến thức sai lầm trong xã hội. Và kể từ năm 1869, khi ông bắt đầu đảm nhận trách nhiệm chủ bút thì những ý tưởng đó đã được hiện thực hóa trong tờ Gia Định báo và những tài liệu mà ông đã bên soạn, với mục đích là “cổ động cho một lối học mới, phát triển chữ quốc ngữ, khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ”. Vũ Ngọc Phan (1960) đã đánh giá cao công lao của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, trong việc “dùng chữ quốc ngữ để truyền bá học thuật và tư tưởng Âu Tây và soạn tự điển Việt Pháp để người Nam có thể dùng mà học tiếng Pháp”.

Và có thể sẽ không ngoa khi nói rằng trong suốt cuộc đời của ông, dù khi dạy học hay biên soạn tài liệu phổ biến kiến thức, thậm chí khi cộng tác với Paul Bert, tất cả đều toát lên ý hướng cùng với đồng bào thoát khỏi cảnh u mê tăm tối mà chế độ phong kiến của vua quan nhà Nguyễn đã tạo ra. Chỉ khi nào dân trí được nâng cao thì dân tộc mới thực sự có được cơ hội ngẩng cao đầu cùng với thế giới: đó chính là nét độc đáo của Trương Vĩnh Ký so với nhiều nhà nho thời bấy giờ. Và có lẽ cũng chính vì suốt đời đi theo con đường đó mà ông vừa được nhiều thế hệ ca ngợi, lại vừa bị nhiều người nghi ngờ, dè bỉu, thậm chí bị nhục mạ vì đã không chịu yêu nước bằng cái cách của họ!

Cũng nên nhắc lại rằng ý tưởng dùng tiếng mẹ đẻ trong sáng tác thơ văn bắt nguồn từ thời Phục Hưng châu Âu, mà người tiên phong là nhà thơ Dante người Ý. Ý tưởng này đã trở thành một sáng kiến vĩ đại vì nó giúp cho các dân tộc châu Âu thoát khỏi sự ngự trị của tiếng La-tinh, tạo điều kiện cho các nền văn học nghệ thuật thăng hoa cho đến ngày nay.

Ngoài ra, những nỗ lực về việc hệ thống hóa ngữ pháp tiếng Việt, hay nghiên cứu đối sánh các ngôn ngữ mà Trương Vĩnh Ký đã thực hiện hoàn chỉnh hay còn dang dở, đều nằm trong tinh thần của trào lưu Khai sáng châu Âu từ thế kỷ XVIII. S. Auroux đã nói:

“Thời đại Khai Sáng đánh dấu một bước ngoặc cơ bản trong lịch sử nhận thức về ngôn ngữ và lý thuyết ngôn ngữ. Phong trào biên soạn những sách ngữ pháp có hệ thống cho các ngôn ngữ bản xứ, bắt nguồn từ thời Phục Hưng […]. Phong trào này lan rộng sang các ngôn ngữ khác trên thế giới, trong đó có các ngôn ngữ ở châu Á” (Auroux S. 2003, tr. 755).

Điều đó có nghĩa là chính Trương Vĩnh Ký là cây cầu kết nối nước ta với trào lưu Khai sáng châu Âu. Thật vậy, khi giới thiệu các tài liệu về ngôn ngữ học do Trương Vĩnh Ký biên soạn, Nguyễn Văn Tố nhận xét rằng “qua các tài liệu của ông người ta nhận ra một nhà bác học chuyên sâu và tinh thông đã suy nghĩ về những vấn đề của ngôn ngữ học, và luôn chính xác về những ý kiến tổng quát”, và không quên lưu ý rằng thế kỷ XIX châu Âu đã cho ra đời ngành cổ ngữ học và ngành ngữ pháp so sánh mà Trương Vĩnh Ký đã áp dụng trong các nghiên cứu của ông (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 38-39).

Kết luận

Một số người phê bình Trương Vĩnh Ký là ảo tưởng. Không sai: xét cho cùng, đã là con người thì ai cũng đã từng ảo tưởng, dù nhiều hay ít, dù là quan chức hay thứ dân, danh nhân hay người thường. Trương Vĩnh Ký là người, vì vậy Trương Vĩnh Ký cũng đã từng ảo tưởng. Thời trai trẻ, trước khi đặt chân lên đất Pháp, Trương Vĩnh Ký đã từng ảo tưởng về sự thông dụng của tiếng La-tinh lúc bấy giờ, và về sự thịnh hành của thần học ở Pháp nên đã chuẩn bị hàng ngàn trang bản thảo về thần học bằng tiếng La-tinh để đưa đi in ở Pháp (Cortambert R. 1864, tr. 183). Và có thể Trương Vĩnh Ký cũng đã có nhiều ảo tưởng khác mà chúng tôi sẽ tìm hiểu trong những bài khác. Nhưng Trương Vĩnh Ký cũng đã từng thoát khỏi ảo tưởng, khi nhận ra những góc khuất của cuộc sống: sau khi ông về nước, dự án in quyển sách thần học mà ông đã chuẩn bị công phu trước khi lên đường đi Pháp đã bị xếp lại. Ông đã ngộ ra rằng tiếng La-tinh và thần học chẳng còn vị trí trong xã hội Pháp như ông đã nghĩ, và nhất là nó chẳng giúp ích gì cho việc khai sáng dân tộc. Tuy nhiên, có thể nói chắc chắn rằng Trương Vĩnh Ký không hề ảo tưởng khi đã dốc hết sức mình cho việc phát triển chữ quốc ngữ, cho công cuộc khơi dậy tinh thần dân tộc qua việc giới thiệu lịch sử Việt Nam và kho tàng văn học cổ của đất nước, cũng như cho việc phổ biến kiến thức ra công chúng, như lý tưởng của trào lưu Khai sáng châu Âu đã xác định.

Báo Việt Nam Độc lập số đầu tiên ngày 1 tháng 8 năm 1941 trong bài Xã luận của Nguyễn Ái Quốc ở trang 1 có đoạn: “Tây cốt làm cho dân ta ngu, làm cho dân ta hèn. Ngu thì phải hèn. Ta ngu hèn thì nó dễ trị, dễ ăn hiếp, dễ bóc lột”. Vậy thì làm cho dân ta khôn lên chẳng phải là cách giúp dân thoát khỏi sự hèn yếu và bị bóc lột đó sao?

(Bài đã đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Họ Trương trong lịch sử Nam bộ thế kỷ XVIII-XIX)


Tài liệu tham khảo

Auroux S. 2013. Language. Trong Delon M. (Ed.): Encyclopedia of the Enlightenment.  London and New York: Routledge.

Bouillevaux C.E. 1858. Voyage dans Indo-Chine 1848-1856. Paris: Victor Palmé.

Cohen C. 2013. Science Dissemination and Popularization. Trong Delon M. (Ed.): Encyclopedia of the Enlightenment.  London and New York: Routledge.

Condorcet N. de 1794. Esquisse d’un tableau historique des progress de l’esprit humain. Paris: Chez Agasse.

Cortambert R. 1864. Impressions d’un japonais en France, suivies des Impressions des annamites en Europe. Paris: Achille Faure, Libraire-Editeur.

Đào Duy Anh 1938. Khổng giáo Phê bình Tiểu luận. Huế: Quan-hai Tùng-thư.

Delon M. 2013 (Ed.): Encyclopedia of the Enlightenment.  London and New York: Routledge.

Diderot D. & d’Alembert J. Le Rond (Ed.) 1755. Encyclopédie ou dictionnaire raisonné des sciences, des arts et des métiers, Tome 5. Paris: Chez Briasson etc.

Hager F.-P., 2013. Education, Instruction, and Pedagogy. Trong Delon M. (Ed.): Encyclopedia of the Enlightenment.  London and New York: Routledge.

Kant I. 2006. Toward Perpetual Peace and Other Writings on Politics, Peace, and History. New Haven and London: Yale University Press.

Khổng Xuân Thu 1958. Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Sài Gòn: Nhà xuất bản Tân Việt.

Lê Thành Khôi 1955. Le Viet-Nam Histoire et Civilisation. Paris: Editions Minuit.

Nguyễn Văn Tố 1937. Petrus Ky (1837 – 1898). Tạp chí Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin, Quyển XVII, số 1-2 Janvier – Juin 1937.

Phạm Quỳnh 1943. Thượng chi văn tập, Tập 1. Hà Nội: Nxb: Alexandre de Rhodes.

Phan Huy Chú 1833. Hải trình chí lược (Phan Huy Lê, Cl. Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch). Paris: Association Archipel.

Phan Khoang 1959. Những người Việt Nam có tinh thần cải cách duy tân khi nước nhà mới tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tạp chí Bách Khoa, số 71 (15/12/1959).

Quốc sử Quán, 2002. Đại Nam Thực lục, Tập 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.

Reque B. Radner, 1987. The World Past to Present. Lexington, Massachusetts Toronto: D.C. Heath and Company.

Tân Nam Tử 1907. Phán, Ký. Trong Đại Nam Đăng cổ Tùng báo, số 806 (27/6/1907)

Thanh Lãng 1967. Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Q. hạ. Sài Gòn: Nxb Trình Bầy.

Trần Trọng Kim 1943a. Nho giáo, Quyển 1. Hà Nội: Editions Lê Thăng.

Trần Trọng Kim 1943b. Nho giáo, Quyển 4. Hà Nội: Editions Lê Thăng.

Trần Trọng Kim 1971. Việt Nam Sử lược, Quyển 2. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu.

Tsuboi Y. 1999. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa. TP. HCM: Nxb Trẻ.

Vĩnh Sính 2018. Giao điểm giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội & dtbooks.

Vương Trí Nhàn & Trần Văn Chánh, 2018. Người xưa cảnh tỉnh. Nxb Tổng hợp TP. HCM.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp là Siècle des Lumières. Một số người dịch là Thế kỷ Ánh sáng, trong khi chữ lumières (số nhiều) có nghĩa là connaissances (từ điển Larousse), tức kiến thức. Tiếng Anh thì gọi là Age of Enlightenment.

(2) Tên đầy đủ của nhân vật này là Émile Théodore Léon Gautier. Khổng Xuân Thu không cho biết tên tiếng Pháp của Tổng Thư viện này là gì, nên khó cho việc kiểm chứng: phải chăng đó là Bibliothèque Nationale de France? Ngoài ra, L. Gautier không phải là bác sĩ như Khổng Xuân Thu đã viết, mà là giáo sư cổ ngữ và văn học.

(3) Nguyên văn tiếng Đức là “Unmündigkeit”, được dịch là “Immaturity”, “nonage”, “tutelage”… (tiếng Anh), “minorité”, “l’état de tutelle”… (tiếng Pháp), v.v. Trong tiếng Việt thì có người dịch là “vị thành niên” (Thái Kim Lan), “không trưởng thành” (Phạm Toàn), “tình trạng lệ thuộc” (Phạm Minh Ngọc). Thái Kim Lan dịch là “vị thành niên”, nhưng giải thích cặn kẽ đó là về hành vi, về ứng xử, nghĩa là vị thành niên về mặt tinh thần chứ không phải về thể xác.

(4) Nguyên văn tiếng Pháp trong Lê Thành Khôi (1955) là splendide isolement (tr. 362), tương ứng với thuật ngữ tiếng Anh splendid isolation được chính trị gia người Canada George Eulas Foster dùng lần đầu ngày 22 tháng 1 năm 1896 để chỉ chính sách của Anh vào cuối thế kỷ XIX không ký kết hiệp ước liên minh trong thời bình để tránh dây dưa vào các cuộc xung đột của nước liên minh, cũng như không can thiệp vào việc nội bộ của các nước khác. Chắc chắn là không thể hiểu thuật ngữ này dưới ngòi bút của Lê Thành Khôi theo nghĩa ban đầu, mà phải hiểu theo nghĩa châm biếm thường thấy trên báo chí, vì vị thế của nước Anh và Đại Nam thời ấy hoàn toàn trái ngược nhau: một đàng không muốn can thiệp vào nước ngoài để tránh rủi ro, và một đàng thì không muốn giao du với thế giới bên ngoài để cố duy trì guồng máy rệu rã. Có lẽ Tsuboi hiểu theo nghĩa chân phương của thuật ngữ nên đã phản đối nhận xét của Lê Thành Khôi.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111