Chế độ nô lệ thời hiện đại
Chế độ nô lệ thời hiện đại
I. Dẫn nhập
Kiến thức trước giờ ta được học ở trường phổ thông và cả trong Triết học Mác – Lênin ở bậc đại học đã chỉ ra loài người đã trải qua 5 chế độ xã hội theo mức phát triển tăng dần, lần lượt là: công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Theo ý niệm mà nhiều người dạy lẫn người học nắm được, thì theo dòng chảy của thời gian, loài người ngày càng tiến bộ, văn minh, hạnh phúc, dần tiến tới một trạng thái xã hội lí tưởng. Theo phát ngôn của các chính trị gia tại Việt Nam thì nền kinh tế ở nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và Việt Nam đang trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không bàn sâu về các chế độ xã hội đã nêu. Thay vào đó, tôi sẽ nêu ra quan điểm, lí giải rằng xã hội ta đang sinh sống chính là một chế độ nô lệ kiểu mới, một chế độ nô lệ thời hiện đại.
II. Chúng ta đang nhìn nhận tiền quá phiến diện
Tiền, ban đầu được tạo nên để phục vụ cho việc trao đổi các loại hàng hóa khác nhau một cách thuận tiện hơn.
Theo Karl Max, tiền có 5 chức năng cơ bản: thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán và chức năng tiền tệ thế giới.
Tiền rất hữu ích, điều đó không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong lòng xã hội tại một số các quốc gia , việc tôn thờ tiền dường như đã, đang và sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa mới. Không ít người cho rằng “có tiền là có tất cả”, hay “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Tiền, ban đầu chỉ là một công cụ, giờ đây nó đã là thần linh, Thượng đế mới của loài người.
Bằng việc tôn thờ việc kiếm ra nhiều tiền, nhà nước và các bộ phận của guồng máy tư bản dần thao túng được suy nghĩ của người dân; rằng phải có tiền thì mới sống được, có tiền thì mới có ăn có mặc, có tiền đổ xăng, cho con đi học,…
Vậy không có tiền thì có sống được không? Câu trả lời là có. Các nhu cầu sinh lí cơ bản nhất của chúng ta là hít thở, ăn, uống, ngủ, đi vệ sinh, làm tình. Rõ ràng tiền không thể thay thế được không khí chúng ta hít, thức ăn chúng ta đưa vào miệng, nước chúng ta uống, thời gian ta dành cho việc ngủ. Vậy tại sao hiện giờ lại xảy ra tình trạng “không có tiền là chết?”. Khởi nguồn bằng việc chiếm lấy đất của những người bản địa, làm họ mất khả năng tự cung tự cấp, bắt họ phục dịch cho những lí tưởng và tham vọng mà các nhà thám hiểm mang trên mình chức danh “nhà khai minh”; cho đến việc tạo ra nền kinh tế thị trường, tước đoạt những nơi ở của người dân địa phương để bê tông hóa và tàn phá điều kiện sống tự nhiên dưới danh nghĩa là “phát triển” của bộ máy nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; rất nhiều người và nhóm xã hội từ lâu đã mất đi khả năng tự cung tự cấp và buộc phải tham gia vào nền kinh tế để kiếm sống và tồn tại.
Có lẽ khi loài người ngày càng “phát triển”, con người lại càng dần mất đi khả năng tự đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho bản thân. Chẳng có loài nào trong thế giới động vật lại mất tầm 30 năm để có căn nhà của riêng mình để ở cả (kiếm tiền, mua đất, thuê thợ xây nhà). Nhiều người trong chúng ta cũng chưa từng hoặc đến hiện tại không còn am hiểu về các công việc cốt lõi nhất của sự sống như gieo hạt, thu hoạch, tìm nguồn nước, tự tạo nhu yếu phẩm, quần áo,… Cái mà xã hội này muốn, đó là tiền, và nhiều tiền hơn nữa. Ai có nhiều tiền thì sẽ được đáp ứng các nhu cầu. Chúng ta có tiền, thì sẽ có thức ăn. Jon Jandai, một nông dân ở Thái Lan, có một câu mình khá tâm đắc, đại loại là: “Tiền là sự chuyển đổi từ các tài nguyên sẵn có thành một tờ giấy”. Chúng ta dường như ngày càng lãng phí, thậm chí triệt tiêu, phá hoại những thứ tạo ra các tài nguyên cho sự sống của loài người, chỉ để có nhiều tiền hơn; trong khi mục đích quan trọng nhất của tiền chỉ là làm cho việc trao đổi, lưu thông một số hàng hóa trở nên thuận tiên, dễ dàng hơn. Tiền không sai, cái sai là sự tôn thờ tiền đến mức mù quáng.
III. Chế độ nô lệ thời hiện đại
Kinh tế gia người Anh John Maynard Keynes đã dự đoán cách đây khoảng một thế kỉ trước, rằng thời đại mà chúng ta đang sống sẽ tốt lành tới mức không ai còn phải lo chuyện kiếm tiền. Và, gần 100 năm sau, cái tương lai đấy vẫn chỉ là ảo ảnh. Tôi còn tự hỏi, phải chăng một số người còn cực khổ hơn trước đây? “Những thước đo của cải toàn cầu cho thấy sự tăng trưởng trong vài thập niên qua, ít nhất là ở châu Âu và Mỹ, nhưng hầu hết của cải thặng dư rơi vào túi những người ít cần nó nhất, khiến phần còn lại tụt xa hơn bao giờ hết” [2]. Vì vậy có thể dự đoán, nếu xã hội vẫn vận hành như này, thì chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, chứ chẳng có sự “tiến bộ” thật sự nào cả.
Người giàu thì chẳng phải lo gì, cái khó nhất với họ là phân vân không biết nên hưởng thụ cái gì trước và sau. Còn người nghèo thì tích cóp từng đồng một để duy trì sự sống của bản thân và người thân của họ. Vậy nên những nô lệ thời hiện đại mà tôi chủ yếu đề cập ở đây, là một bộ phận của tầng lớp trung lưu, những người có tiền – không đủ nhiều để sống xa hoa, nhưng cũng không đến mức thiếu thốn.
Những người này luôn phải cố gắng “hi sinh bản thân” để phục vụ cho một doanh nghiệp, một tổ chức nào đấy. Chắc chắn là có không ít người hài lòng với công việc của mình, nhưng được bao nhiêu? Như Erich Fromm từng nói, “Con người hiện đại xa lạ với chính mình, với đồng loại và thiên nhiên“. [3] Có một số người thật sự chấp nhận đánh đổi những gì “bản chất” nhất của bản thân để có một công việc – nhằm có tiền để sống.
Tôi không biết một số công việc thật sự ngoài tiền, đã đem lại gì cho một số người. Vì khi rời khỏi công việc là họ cảm thấy nhẹ nhõm, như trút bỏ gánh nặng và được sống thật với bản thân hơn một chút. Để rồi khi trở về trọ, về nhà, họ lại bấm điện thoại, lướt mạng xã hội, săn đồ trên shopee; hoặc là đi nhậu để kể xấu về tổ chức hoặc vài người nào đó. Con người là loài sinh vật có khả năng tự huyễn hoặc bản thân rất giỏi. Và theo dòng thời gian, dường như ngày càng có nhiều hình thức giúp con người tự đánh lừa bản thân tốt hơn so với trước đây. Có lẽ tôi sẽ có một bài viết riêng về các hình thức tự huyễn hoặc của con người đương thời. Tôi nghĩ nó cũng góp phần củng cố và duy trì chế độ nô lệ thời hiện đại – chế độ nô lệ của công việc.
Cách mà truyền thông tuyên truyền về một thời kì ta đang sinh sống là tốt nhất từ trước đến nay cũng góp phần khiến cho nhiều người mắc kẹt mãi trong những vòng lặp tha hóa và mục ruỗng dần về mặt tâm trí. Nếu mọi thứ quá đỗi tuyệt vời, tại sao quá nhiều người chúng ta lại bất hạnh đến thế? Chúng ta đang làm việc vì ai, vì điều gì vậy?
Nhiều người sẽ cho rằng chúng ta ngày càng tự do hơn. Nhưng, sự tự do mà một số người lầm tưởng mình đang có, thực ra có thể là một diễn ngôn mang tính xoa dịu của xã hội đương thời. Sự tự do mà bạn đang sở hữu, cũng nằm trong tính toán của chủ nghĩa tư bản rồi. Hãy nhìn vào tòa tháp đôi ở Mỹ. “Nó tượng trưng cho một sự đối lập ngụy biện, một sự đối lập chỉ biện minh cho cái duy nhất là tư bản. Nếu với các tòa nhà trước đây là sự thi nhau mọc lên xem ai cao hơn, thì tòa tháp đôi như chính nó là sự đồng nhất của đối thủ. Rằng “tao sẽ cho mày cao bằng tao, nhưng trong giới hạn và khuôn khổ của tao” ” [4].
Khi xã hội ngày càng “phát triển“, dường như con người ngày càng khó có khả năng dành thời gian để tự nhìn nhận bản thân, để tự đối thoại với chính mình. Luôn có những kích thích, nhất là dạng hình ảnh và âm thanh, cực kì sống động, luôn sẵn có và dường như bất tận – chỉ chờ ta tham gia vào. Nhưng đáng buồn thay, khi ta không dành đủ thời gian cho tiếng nói bên trong, thì dường như những suy nghĩ, ý tưởng và mong muốn của ta chỉ là những hình ảnh phản chiếu, đôi khi là những ảo ảnh xuất phát từ nhu cầu và mong muốn của người khác, chứ chẳng phải của ta. Chúng ta ngày càng suy nghĩ giống nhau hơn, mua những món đồ giống nhau, nói những câu giống nhau. Dĩ nhiên điều này có mặt tốt của nó, tôi không phủ nhận. Nhưng khi con người ngày càng giống nhau đến thế, thì phải chăng chúng ta cũng là những cái máy được lập trình sẵn? Và đúng thế, khi chúng ta ngày càng giống nhau và có những hành vi “tự động hóa”, ta đích thị là một nô lệ, là một mắt xích trong cái bánh xe mang tên chủ nghĩa nô lệ thời hiện đại.
Vì sao nhiều trường học lại dạy nhiều điều chẳng giúp ích gì cho sự sinh tồn trực tiếp của ta, như là tìm và chế biến thức ăn từ tự nhiên, tự xây nhà, tự tìm cách chữa bệnh? Vì hầu hết các trường học, dưới sự ảnh hưởng của xã hội đương thời, cần nhiều nô lệ hơn, dưới vỏ bọc là đào tạo lao động. Phẩm chất cần thiết nhất mà một người sở hữu muốn có ở nô lệ của mình không gì khác ngoài sự dễ bảo. Có thể vì lẽ đó, các hình thức dạy học, cả ở trường học lẫn trong đời sống đương thời, đa phần mang màu sắc thao túng hơn là tin tưởng và gợi mở tiềm năng nơi người học.
Giáo dục đồng nghĩa với việc giúp đứa trẻ thực hiện các tiềm năng của mình. Trái ngược với giáo dục là thao túng, trên cơ sở không tin tưởng các tiềm năng sẽ phát triển, mà tin chắc rằng đứa trẻ sẽ đi đúng hướng nếu người lớn áp vào nó những điều đáng mong đợi”
IV. Kết luận
Thật sự tôi cũng chẳng có phương cách gì cho thực trạng này. Và tôi nghĩ chắc nhiều người cũng không còn khả năng trăn trở về những chuyện kiểu thế này. Chỉ cần sống thôi, nghĩ nhiều làm gì? (nhỉ?)
[…] mục tiêu của lý thuyết không chỉ là nói lên nó là thế này, mà phải vượt trên cả những sự cố định của thế giới, để thế giới trở nên hỗn loạn hơn nữa, khó kiểm soát hơn nữa. Chỉ khi nó trở nên khó kiểm soát được thì may ra chúng ta mới sống được ở thế giới đã vốn khó kiểm soát lắm rồi này” – Jean Baudrillard (Tài liệu tham khảo [5])
Tôi không biết mình đồng ý hay phản đối quan điểm của Baudrillard. Nhưng theo tôi, hãy giữ nguyên chế độ nô lệ hiện đại này. Ai là nô lệ hãy cứ làm nô lệ. Hãy phụng sự cho doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia. Nếu mọi thứ chưa tốt, bạn vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống của mình? Thế thì hãy làm việc nhiều hơn nữa, kiếm nhiều tiền hơn nữa. Bạn không khỏe, hãy bỏ tiền mua thuốc mà uống. Bạn cảm thấy bản thân chưa đủ giỏi, hãy bỏ tiền tham gia các khóa học. Bạn cảm thấy chán nản, hãy bỏ tiền ra để trải nghiệm các dịch vụ. Đừng thay đổi gì cả, vì khéo mọi thứ sẽ tệ hơn đấy (?).
* Tài liệu tham khảo
[1]. Nhiều tác giả (2021), Giáo trình Triết học Mác – Lênin, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
[2]. Christopher Ryan (2023), Chết bởi văn minh, NXB Phụ nữ Việt Nam. tr.19
[3]. Erich Fromm (2020), Nghệ thuật yêu, NXB Thế giới, tr.147
[4]. Ngoaoooo. (2022, February 11). Về Baudrillard – Kẻ cô đơn ở nơi tận cùng thế giới – Phần 2: Triết gia của sự quyến dụ. Spiderum. https://spiderum.com/bai-dang/Ve-Baudrillard-Ke-co-don-o-noi-tan-cung-the-gioi-Phan-2-Triet-gia-cua-su-quyen-du-KRAXxbAgLSXL
[5]. Ngoaoooo. (2022, February 14). Về Baudrillard – Kẻ cô đơn ở nơi tận cùng thế giới – Phần 3: Triết học khủng bố và lời tiên tri về Covid-19. Spiderum. https://spiderum.com/bai-dang/Ve-Baudrillard-Ke-co-don-o-noi-tan-cung-the-gioi-Phan-ba-Triet-hoc-khung-bo-va-loi-tien-tri-ve-Covid-19-qNQLhzQgCTUa