LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 6

71eue55txvl

Ian Crofton

Trần Quang Nghĩa dịch

26 THỜI ĐẠI KHAI SÁNG

Thời đại Khai Sáng là tên được đặt cho thời đại sôi nổi phê phán và truyền bá tri thức khơi mào ở châu Âu và Mỹ vào cuối thế kỷ 17 và tiếp tục qua suốt thế kỷ tiếp theo. Trong thời kỳ này một loạt đa dạng các nhà tư tưởng – được biết dưới tên philosophe (tiếng Pháp: triết gia) ở Pháp – hướng đến việc thay thế những tín điều được chấp nhận một cách mù quáng của quá khứ bằng tư duy lý trí và hành động hợp lý – trong mọi lãnh vực từ kinh tế chính trị đến việc đối xử với tội phạm hình sự.

Những nhà tư tưởng của thời Khai Sáng không theo một cương lĩnh gì mạch lạc, và thậm chí họ còn bất đồng ý kiến với nhau, nhưng tất cả đều hướng đến việc thách thức những giả định  về truyền thống và thành kiến mà trước đây chưa có ai dám truy vấn, và khát khao dẫn dắt nhân loại ra khỏi sự tối tăm của mê tín và bước vào ánh sáng của lý trí. Quan điểm của họ rất phóng khoáng và có tính nhân đạo, và nói chung họ công kích tính áp bức và giáo điều của Giáo hội Thiên chúa La Mã, và lên án những ông vua không ngó ngàng gì đến nỗi khổ của thần dân mình.

Sự ưu việt của lý trí

Những nhà tư tưởng của thời Khai Sáng nhìn trở lại cuộc Cách Mạng Khoa Học của thế kỷ 16 và 17 với niềm cảm kích. Copernicus, Kepler, Galileo và nhiều người khác đã chứng minh tính ngụy lý trong lời giảng dạy của giáo hội rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, và Newton đã, bằng cách suy diễn từ những quan sát, tìm ra được cách lý giải hoàn hảo của chuyển động, từ chuyển động của một viên đạn đại bác bay qua không trung đến chuyển động của một hành tinh quay quanh Mặt Trời theo một quỹ đạo. Tiến bộ này và những tiến bộ khác trong khoa học thực nghiệm vào cuối thế kỷ 17 – vừa có sức mạnh giải thích vừa có sức mạnh dự đoán – đưa đến thắng lợi của chủ nghĩa kinh nghiệm đối với chủ nghĩa Cartesian, hệ thống do triết gia Pháp Rene Descartes (1596–1650) đề xướng. Descartes cho rằng mọi kiến thức thụ đắc được qua giác quan đều không đáng tin cậy, và tất cả những gì mà chúng ta có thể biết chắc chắn phải được suy diễn từ tiền đề cơ bản bất khả phủ nhận, “Tôi tư duy nên tôi tồn tại.” Những nguyên tắc của chủ nghĩa kinh nghiệm, vốn xung khắc với chủ nghĩa Cartesian, được phát biểu bởi triết gia Anh John Locke trong Luận Thuyết Liên Quan đến Sự Hiểu Biết của Con Người (1690). Trong tác phẩm này, Locke lập luận rằng con người vốn không có những ý tưởng bẩm sinh, mà tiếp thu mọi kiến thức thông qua trải nghiệm, qua “cảm nhận” và “suy nghĩ”. Đây là điều đã cấu tạo nên lý trí, ông lập luận, “khác biệt tương phản với niềm tin tôn giáo.”

Ít có nhà tư tưởng nào của thời Khai Sáng là người vô thần hoàn toàn, nhưng nhiều người gắn bó với thuyết thần giáo tự nhiên. Những người theo thần giáo tự nhiên bác bỏ những mặc khải thần thánh và các phép lạ của đạo Cơ đốc, đề xuất một Chúa Trời mà sự tồn tại của ngài có thế được xác lập bằng lý trí, hơn là chỉ ức đoán bằng niềm tin. Do đó Chúa Trời là cần thiết như là “nguyên nhân tiên khởi” mang lại sự tồn tại cho vũ trụ, và chính Chúa Trời là chủ thể đã thiết kế nên các vì sao và các hành tinh chuyển động chính xác như đồng hồ theo cách được Newton mô tả. Vị Chúa Trời này đã ban cho con người lý trí và ý chí tự do, nhưng mặt khác, sau khi xong việc, ngài rút lui lại khỏi những gì mình đã tạo ra.

Écrasez l’infâme—[hãy xóa đi những vu khống]”

Voltaire, thư gởi M. d’Alembert, ngày 28/11/1762

Ảnh hưởng của thời Khai Sáng

Những tư tưởng của thời Khai Sáng được truyền bá trong tầng lớp ưu tú châu Âu và Mỹ qua các tác phẩm như Những Bức Thư Triết Lý về Người Anh (1734)  của Voltaire, thảo luận về những tư tưởng của Newton và Locke và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những tư tưởng cấp tiến của người Anh – trái với sự độc đoán của chế độ cổ hủ trong nước Pháp quê hương ông. Tuy nhiên tàng thư quan trọng nhất của tư tưởng Khai Sáng là Bộ Bách Khoa Toàn Thư Pháp 28 cuốn, được biên soạn dưới sự chỉ đạo của Denis Diderot giữa những năm 1751 và 1772, chứa đựng tất cả những tiến triển triết lý và khoa học mới nhất. 

Một số gương mặt hàng đầu của thời Khai Sáng

*  John Locke (1632–1704), triết gia Anh: phổ biến ý tưởng về “khế ước xã hội” giữa chính quyền và người bị trị, và đấu tranh cho chủ nghĩa kinh nghiệm – niềm tin rằng kiến thức rốt ráo được thụ đắc qua các giác quan.

1

*  Voltaire (François-Marie Arouet, 1694–1778), tác giả và triết gia Pháp: phổ biến nhưng tư tưởng của Locke và Newton; chiến sĩ của tự do và sự khoan dung; đặc biệt được biết đến nhờ truyện vừa châm  biếm Candide.

2

* Denis Diderot (1713–84), triết gia Pháp: chủ biên và người đóng vai chính cho Bách Khoa Toàn Thư (1751–72); đối thủ của giáo điều Cơ đốc và người hậu thuẫn cho chủ nghĩa duy vật.

3

* Montesquieu (1689–1755), triết gia và tác giả Pháp: cuốn

Esprit des lois (Tinh Lý của Luật Pháp, 1748) cho thấy cách thức các hệ thống luật pháp và chính quyền thay đổi từ xã hội này qua xã hội khác, đưa đến quan niệm về thuyết tương đối về văn hóa.

4

* Cesare Beccaria (1738–94), lý thuyết gia về pháp luật người Ý: cuốn Tội Ác và Hình Phạt (1764) của ông trình bày những nguyên tắc đằng sau hình luật, kêu gọi bãi bỏ tra tấn và án tử hình, và gây cảm hứng cho nhiều quốc gia cải cách bộ hình luật của họ.

*  David Hume (1711–76), triết gia và sử gia Scotland: tiếp tục theo truyền thống của phái kinh nghiệm, ông bác bỏ sự tồn tại của của những ý tưởng bẩm sinh, nghiên cứu cơ sở tâm lý của bản chất con người, và áp dụng chủ nghĩa hoài nghi tuyệt đối đến mọi thứ đến từ những phép lạ được rao truyền đến những quan niệm về nhân và quả, mà ông coi như là một “liên kết bất biến” hơn là một điều không tránh khỏi hợp với lô-gic.

* Adam Smith (1723–90), triết gia và nhà kinh tế học Scotland: Trong cuốn Của Cải của Quốc Gia (1786) của ông ông chủ trương tự do mậu dịch chống lại sự độc quyền và điều chỉnh, hậu thuẫn vai trò của lợi ích cá nhân trong việc tạo ra một xã hội giàu có hơn, và chứng minh những thuận lợi kinh tế trong việc phân chia lao động

5

* Jean-Jacques Rousseau (1712–78), triết gia và tác giả Pháp: ông cho rằng bản chất con người bẩm sinh là tốt, nhưng đã hư hỏng đi vì sự băng hoại của xã hội. Ông không ngừng chống đối chủ nghĩa duy lý, đấu tranh cho sự vượt trội của cảm xúc cá nhân.

6

Trong số những người tiếp thu tư tưởng hợp thời của các triết gia có một số vua chúa Âu châu, trong đó có Catherine Đại Đế của Nga, Frederick Đại Đế của Phổ và Joseph II của Áo. Tất cả những “nhà chuyên chế được khai sáng” này bắt đầu áp dụng những cải cách “hợp lý” trong xứ sở mình. Tuy nhiên, mức độ khai sáng của họ cũng bị hạn chế. Frederick có thể đã cấp tiến hóa bộ luật của Phổ và đưa vào những cải cách kinh tế và xã hội, nhưng ông cũng phát động những cuộc chiến chinh phục không khoan nhượng. Catherine tiến hành các cuộc chiến bành trướng lãnh thổ, và phải từ bỏ đề xuất giải phóng giới nông nô nước Nga vì gặp phải sự chống đối thẳng thừng của các chủ nông nô. Joseph đúng là thành công trong việc giải phóng cho nông nô bên trong đế chế La Mã Thần Thánh, nhưng rồi bắt họ phải đóng thuế. Ông cũng áp dụng các qui định khoan dung tôn giáo và những cải cách trong giáo dục, hệ thống luật pháp và điều hành nhà nước – trong đó một số ông phải rút lại vì gặp phải chống đối ngay mặt của một vài nhóm thấy chúng đe doạ đến những đặc quyền của mình.

Có hậu quả chính trị lâu dài hơn là sức tác động mà ngôn ngữ và ý tưởng của những nhà tư tưởng Khai Sáng tạo ra cho một số văn kiện chủ chốt của cả Cách Mạng Mỹ và Pháp, Tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ và Bộ Luật Nhân Quyền. Những văn kiện này chứa những ý tưởng tiếp tục thống trị diễn đàn chính trị trong các nền dân chủ cấp tiến Tây phương: bình đẳng, quyền con người, tư tưởng cho rằng chính quyền chỉ trị vì với sự đồng ý của người bị trị, khoan dung tôn giáo và thực thi pháp luật trong khuôn khổ.

TÓM TẮT

Khai sáng giúp thiết lập những giá trị của nền dân chủ hiện đại

DÒNG THỜI GIAN 

1637 Descartes phác họa hệ thống hoài nghi có phương pháp của ông trong Luận về Phương Pháp
1686-7 Newton trình bày các định luật về chuyển động và trọng lực của ông trong Nguyên Tắc Toán Học
1688-9 Nền quân chủ lập hiến được thiết lập ở Anh
1690 Locke trình bày về chủ nghĩa kinh nghiệm trong Luận Thuyết Liên Quan đến sự Hiểu Biết của Con Người, và trong Hai Luận Thuyết về Chính Quyền ông bảo vệ việc nhân dân có quyền lật đổ bất kỳ tên cai trị nào vi phạm quyền lợi của họ
1734 Voltaire tán thành những giá trị và tư tưởng của người Anh trong Những Lá Thư Triết Lý
1740 Hume phát triển triết lý của chủ nghĩa kinh nghiệm trong Luận Thuyết về Bản Chất Con Người
1740-86 Thời trị vì của Frederick Đại Đế ở Phổ
1748 Montesquieu xuất bản Tinh Lý của Pháp Luật
1751-72 Bộ Bách Khoa 28 cuốn ra đời
1759 Voltaire xuất bản Candide, một ngụ ngôn châm biếm
1762 Trong Khế Ước Xã Hội, Rousseau phát biểu rằng quyền tối cao ngự trị trong nhân dân như một thể thống nhất, trong khi trong Emile, cuốn tiểu thuyết của ông về giáo dục, ông trình bày ý tưởng rằng chỉ xã hội mới làm băng hoại tính bản thiện của con người
1762-96 Thời trị vì của Catherine Đại Đế ở Nga
1764 Xuất bản Tự Điển Triết Học của Voltaire và Tội Ác và Hình Phạt của Beccaria
1769 Giải thể hàng trăm tu viện ở Áo
1773 Cấm dòng Jesuit hoạt động
1775-83 Cuộc đấu tranh cách mạng Mỹ
1776 Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ. Adam  Smith chủ trương thị trường tự do trong Của Cải của Quốc Gia
1780-90 Thời trị vì của Joseph II ở Áo
1788 Phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ
1789 Khởi đầu Cách Mạng Pháp và soạn thảo Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân
1791 Phê chuẩn Bộ Luật Nhân Quyền Hoa Kỳ (10 Tu chính Án đầu tiên của Hiến pháp)

27 CÁCH MẠNG MỸ

Cách Mạng Mỹ không chỉ là một cuộc chiến giành độc lập mà người Mỹ ở thuộc địa chiến đấu chống lại sự cai trị của đất mẹ Anh giữa những năm 1775 và 1783. Khởi đầu là sự bất mãn về thuế má và những hạn chế do người Anh áp đặt lên dân thuộc địa, và tiếp tục đến cuộc xung đột sau các cuộc tranh luận hậu chiến theo đó nước Hoa Kỳ độc lập quyết định mình sẽ chọn kiểu quốc gia nào.

Sự hiềm khích lẫn nhau phát sinh giữa người ở thuộc địa và kẻ cai trị ở London có nguồn gốc ở hai quan điểm rất khác nhau về mục tiêu của sự thuộc địa hóa. Đối với chính quyền Anh, các thuộc địa tồn tại hoàn toàn vì lợi ích của đất mẹ, và có bổn phận phải đóng góp tài chính cho công tác bảo vệ người dân thuộc địa. Đối với người dân thuộc địa, vốn không có tiếng nói ở Nghị viện Westminster, điều này là không công bằng theo lẽ tự nhiên. Vua George III và các bộ trưởng Anh lại không muốn thỏa hiệp khiến xung đột là không thể tránh khỏi.

Những xầm xì bất mãn

Trong Cuộc Chiến giữa Pháp và người Da Đỏ (thành phần Bắc Mỹ trong Cuộc Chiến 7 Năm; xem Thời kỳ Đế Quốc), đại đa số dân thuộc địa Mỹ đều coi mình là thần dân trung thành của vương quốc Anh, và nhiều người – kể cả Geore Washington – chiến đấu cho người Anh chống lại quân Pháp. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc vào năm 1763 với thắng lợi về phía Anh, nhưng nó tốn kém kinh khủng, và Nghị viện quyết định là dân thuộc địa từ đây sẽ phải trả tiền để được bảo vệ qua hình thức đóng thuế. Nghị viện đưa ra một số biện pháp cho mục tiêu này, và cũng ngăn cấm dân thuộc địa không được định cư về phía tây dãy núi Applachians, để tránh phải xung đột với các thổ dân Da Đỏ mà kinh phí bảo vệ an toàn rất tốn kém. Lệnh ngăn cấm này và Đạo Luật Tem 1765 – bắt đóng thuế tem trên những văn kiện pháp lý và những giao dịch thương vụ khác – làm dấy lên cơn thịnh nộ trong dân thuộc địa, vốn đã quen với các biện pháp tự trị thông qua các hội đồng thuộc địa. Họ lập luận rằng, vì họ không được đại diện trong Nghị viện Anh, nên chỉ có các hội đồng của riêng họ mới có quyền tăng thuế – từ đó họ đưa ra khẩu hiệu, “Không đóng thuế nếu không có đại diện.” Đối mặt trước cơn náo động lan tràn, Nghị viện bãi bỏ Đạo luật Tem, nhưng vẫn tuyên bố mình có quyền bắt các thần dân Mỹ đóng thiếu, và tiến hành đánh thuế lên một số hàng hóa nhập cảng vào thuộc địa.

“Cách Mạng ở trong tâm trí của nhân dân. . . trước khi một giọt máu đổ xuống Lexington.”

Nguyên Tổng thống John Adams, thư cho Thomas Jefferson, ngày 24/8/1813

 Khi nhiệt độ chính trị lên cao, nhiều người Mỹ bắt đầu nhìn nhận một ý thức hệ mới cấp tiến trong đó họ tuyên bố rằng tự do của họ như “người Anh tự do từ lúc mới sinh”  đang bị đe doạ bởi một nền độc tài băng hoại. Vào năm 1770 Nghị viện rút lại tất cả sắc thuế nhập khẩu trừ sắc thuế đánh vào trà, và rồi vào năm 1773, để giúp Công ty Đông Ấn đang suy sụp, chở ào ạt một số lượng lớn trà – với sắc thuế vẫn còn đang gây tranh cãi – vào thị trường Mỹ. Hành động này làm bùng phát sự kiện Tiệc Trà Boston lừng danh, trong đó một nhóm “người yêu nước”, như họ giờ tự xưng, cải trang thành thổ dân Mỹ, leo lên thuyền chở trà và ném những kiện trà xuống cảng Boston.

Chiến tranh Cách Mạng

Khi người Anh áp đặt các biện pháp áp bức chống lại Massachussets (khu vực nơi Tiệc Trà xảy ra), các đoàn đại biểu từ  các vùng thuộc địa tụ tập đến dự  Đại hội  Lục địa Thứ nhất và biểu quyết cấm nhập cảng mọi hàng hóa từ Anh. Đối đầu biến sang xung đột vũ trang vào ngày 19/4/1775 khi binh lính Anh, trong khi đi tìm một nơi cất giữ vũ khí, chạm trán  với một nhóm trại chủ  vũ trang tại Lexington gần Boston, và đụng độ xảy ra.

Đối với Vua George và chính quyền của ông, dân thuộc địa giờ đã là bọn phản bội, và một lực lượng lớn binh lính Anh và các lính đánh thuê được chở đến vượt Đại Tây Dương để thanh toán bọn nổi loạn. Khi cuộc chiến công khai bùng phát, một Đại hội Lục địa Lần hai nhóm họp vào tháng 9 1775. Mùa hè sau đó đã đến lúc phải đưa ra một quyết định trọng đại, và vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 (sau này trở thành ngày Quốc khánh Hoa Kỳ) Đại hội ra Tuyên ngôn Độc Lập.

Tuyên bố độc lập là một việc còn đạt được nó là một chuyện khác. Người Anh có trong tay mình một lực lượng tinh nhuệ trang bị tốt, có kỷ luật, và một số lớn người Mỹ vẫn còn trung thành với vương quốc. Tuy nhiên, đám dân quân ái quốc tuy ô hợp nhưng có được lợi thế là am hiểu địa hình, và được tôi luyện thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả nhờ vị tổng tư lệnh của họ, George Washington. Họ cũng được tiếp tế tại chỗ, trong khi quân Anh lệ thuộc vào những đường dây tiếp tế xa xôi hơn. Thắng lợi quyết định của Mỹ tại Saratoga vào 1777 cổ vũ người Pháp tham gia để chống lại kẻ cựu thù của họ, quân Anh. Năm 1781 một lực lượng lớn Anh bị quân của Washington và một đội chiến thuyền Pháp ở Yorktown bao vây, buộc phải đầu hàng. Hai năm sau, Anh công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ tại Hiệp ước Paris, chính thức kết thúc chiến tranh.

7

“Cây tự do đôi khi phải được tưới bằng máu của những người ái quốc và bọn độc tài. Đó là thứ phân bón tự nhiên nhất.”

Thomas Jefferson, thư gởi W. S. Smith, ngày 13/11/1787

 Xây dựng quốc gia

Đã giành được độc lập, 13 khu vực thuộc địa trước đây của Anh giờ đối mặt với vấn đề họ sẽ theo một kiểu quốc gia như thế nào. Lúc đầu không có chính quyền trung ương, các bang chần chừ không muốn thay một sự độc tài này bằng một sự độc tài khác. Đại hội Lục địa Lần hai đã phác thảo những Điều khoản của Liên minh tạo một sự hợp nhất giữa các bang, nhưng việc này chỉ được công nhận vào năm 1781, khi Quốc hội Liên minh hình thành. Các bang vẫn không sẵn lòng giao lại quyền lực của mình cho chính quyền trung ương, và Quốc hội Liên minh không có quyền tăng thuế. Hai phe chống đối nhau xuất hiện: phe theo chủ nghĩa liên bang, vốn nhận ra nhu cầu của một chính quyền trung ương vững mạnh để giải quyết mối đe doạ từ bên ngoài và bất ổn nội bộ, còn phe chống-liên bang, lại cho rằng một chính quyền trung ương mạnh sẽ đe doạ các quyền lợi của bang va quyền tự do của các công dân.

Đế giải quyết khó khăn này một Hội đồng Lập Hiến được triệu tập ở Philadelphia vào năm 1787 để cho ra đời một hiến pháp liên bang mới.

Tuyên Ngôn Độc Lập

Việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc Lập được Quốc Hội giao phó cho một chủ đồn điền trẻ tuổi  ở Virginia tên Thomas Jefferson, người sau này sẽ trở thành tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Những tình cảm mà Tuyên ngôn gợi ra, biện minh cho cuộc khởi nghĩa chống độc tài, còn vang vọng suốt bao thế kỷ: “Chúng tôi khẳng định những chân lý sau đây là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Cuối cùng một liên bang ra đời với một chính quyền trung ương mạnh hơn, với các quyền hành được tách riêng giữa hành pháp (tổng thống), lập pháp (Quốc hội) và tư pháp, và cân bằng hóa và kiểm soát bằng các quyền hành của tiểu bang và của nhân dân. Hiến pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn vào năm 1788, và để xoa dịu những người chống liên bang Bộ luật Nhân Quyền, bao gồm 10 điều khoản sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp, được công nhận. Trong đó có điều luật bảo đảm quyền tự do tôn giáo, ngôn luận và báo chí, hậu thuẫn tiến trình thi hành pháp luật đúng cách, và giao cho các bang mọi quyền trừ những quyền được đặc biệt giao cho chính quyền liên bang. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng như Bộ Luật Nhân Quyền không thể giải quyết được vấn đề sẽ chia cắt đất nước trong những thập niên tiếp theo – vấn đề là ở nơi nào của Liên Minh chế độ  nô lệ cho phép  được tiếp tục.

TÓM TẮT

Một thực nghiệm mới trong việc xây dựng quốc gia.

 DÒNG THỜI GIAN 

1754-63 Chiến tranh Pháp và Da Đỏ
1763 Anh cấm dân thuộc địa định cư quá  Applachians
1764 Anh cấm dân thuộc địa phát hành giấy bạc riêng
1765 Đạo luật Đóng Quân yêu cầu một số thuộc địa phải tiếp tế cho quân đồn trú Anh. Đạo luật Tem bắt trả thuế tem trên mọi văn kiện pháp lý.
1766 Nghị viện bác bỏ Luật Tem, nhưng thông qua Đạo luật về Quyền Thu Thuế, theo đó Anh có quyền đánh thuế dân thuộc địa.
1767 Đạo luật Thu Ngân sách Townshend áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu vào thuộc địa
1770 Nghị viện bãi bỏ tất cả sắc thuế Townshend trừ thuế trà. Vụ Tàn sát Boston: một số công dân bị bắn trong khi biểu tình bên ngoài  trụ sở thuế vụ.
1773 Chở ồ ạt trà Ấn vào thị trường Mỹ châm ngòi cho Tiệc Trà Boston
1774 MôĐạo luật Bất Khoan Dung đưa ra những biện pháp áp bức chống lại Massachusets. Đại hội Lục địa Lần 1 bắt đầu nhóm họp.
1775 Xung đột bùng nổ ở Lexington và Concord. George Washington trở thành tư lệnh Quân đội Lục địa. Người Mỹ tuyên bố chiến thắng tại Bunker Hill. Đại hội Lục địa Lần 2 bắt đầu nhóm họp.
1776 Tập sách Lương Trị Thông Thường chống quân chủ chuyên chế một cách cấp tiến của Thomas Paine trở thành sách bán chạy nhất. Đại hội công nhận Tuyên ngôn Độc Lập.
1777 Quân Mỹ thắng trận quyết định tại Saratoga
1780 Pennsylvania bãi bỏ chế độ nô lệ, theo sau là vài bang khác ở miền Bắc.
1781 Anh đầu hàng tại Yorktown. Các điều khoản Liên minh lập ra một chính quyền trung ương yếu do Quốc hội Liên minh điều hành.
1783 Hiệp ước Paris kết thúc chiến tranh; Anh nhìn nhận nền độc lập của Hoa Kỳ.
1786 Cuộc nổi dậy của Shay ở Massachusetts chống thuế cao và quyền tịch thu tài sản để thanh lý nợ.
1787 Hội đồng Lập Hiến bắt đầu nhóm họp
1787-8 James Madison, Alexander Hamilton và John Jay hậu thuẫn liên bang trong Luận cương Liên bang
1788 Hiến pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn
1789 George Washington trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ
1791 Bộ luật Nhân Quyền được phê chuẩn

28 CÁCH MẠNG PHÁP

Những tiếng súng nổ ra ở Lexington và Concord làm bùng lên Cách Mạng Mỹ vào năm 1775 có thể – theo lời của Ralph Waldo Emerson – đã được nghe trên khắp thế giới,” nhưng chính việc thất thủ , Ngục Bastille ở Paris vào năm 1789, và những xáo trộn tiếp sau, mới khiến châu Âu bốc cháy. Cách Mạng Pháp không chỉ lật đổ nền quân chủ chuyên chế của nó, mà còn đe doạ mọi nền quân chủ cổ xưa khác ở châu Âu và dẫn đến nhiều thập niên chiến tranh khi các thế lực phản động rắp tâm hạ sát điều mà chúng coi là con quái vật bên trong đất nước chúng.

Nguồn gốc Cách Mạng Pháp đi ngược về thời gian trị vì lâu dài của Louis XIV, từ 1643 đến 1715. Trong thời Louis còn vị thành niên, nước Pháp khổ sở vì những cuộc nội chiến giữa các phe phái quý tộc khác nhau, cho nên khi Louis lên ngôi vào năm 1661 ông quyết tâm chấm dứt sự lộng quyền của tầng lớp quý tộc và tập trung quyền lực vào tay mình. Ông đã từng tuyên bố một câu nổi tiếng “L’Etat c’est moi” – “Nhà nước chính là ta”. Bọn quý tộc bị buộc phải ở lại hầu hết thời gian trong triều đình cùng với ông, cư ngụ trong tòa cung điện mới xây rất tráng lệ tại Versailles ở ngoại ô Paris. Ở đây, cách xa các căn cứ quyền lực ở tỉnh lỵ của họ, họ không thể nào phát động cuộc nổi dậy chống nhà vua. Tuy nhiên, sống phè phỡn trong xa hoa lãng phí, hoàng gia và giới quý tộc càng ngày càng xa cách với quần chúng nhân dân đang kêu ca ta thán.

Quản lý kinh tế yếu kém và bất mãn gia tăng xã hội. Để  xóa dịu sự bất đồng của giới quý tộc Louis XIV miễn thuế cho họ, và kết quả là gánh nặng thuế má đè nặng lên vai tầng lớp nông dân và tư sản. Gánh nặng này tiếp tục gia tăng trong suốt thế kỷ 18 khi Pháp thi triển gân cốt trên đấu trường thế giới, tiến hành một số cuộc chiến để giữ vững vị thế của mình ở châu Âu và để mở rộng  và phòng vệ đế chế của mình ở nước ngoài. Trong tham vọng cuối cùng này họ phần nhiều không thành công, để mất Canada và Ấn Độ trước Anh trong Cuộc Chiến 7 Năm, kết thúc vào năm 1763. Nền kinh tế cũng yếu đi vì bộ máy cai trị  phình to, bắt đầu từ hoàng gia, về sự bảo trợ và các độc quyền, khiến mậu dịch và kỹ nghệ bị bóp nghẹt.

Kế vị Louis XIV, Louis XV, cho thấy mình là một nhà cai trị nhu nhược,  thiếu cương quyết, bị các nhân tình nắm thóp; và tình trạng bè phái, âm mưu và băng hoại như cơn lốc xoáy cuốn quanh triều đình và hậu quả là mang lại tai tiếng tăng dần cho vương triều. Tình hình chỉ càng tồi tệ hơn dưới triều vua Louis XVI bất lực và mờ nhạt khi ông nối ngôi vào năm 1774. Quyết định của Louis hậu thuẫn quân sự cho người Mỹ trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay người Anh, mặc dù thành công trong mục đích này, lại đưa nước Pháp đến bờ phá sản. Những nỗ lực của các bộ trưởng tài chính nhằm cải cách kinh tế đều bị ngăn cản bởi phe chống đối từ giới quý tộc và bà vợ của Louis, Marie-Antoinette.

Vợ của Louis XVI, công chúa Áo Marie Antoinette, bị phe chống đối vương quyền công kích rộng khắp vì thói tiêu xài hoang phí và thờ ơ trước cảnh nghèo khó của thần dân (mặc dù không chắc là bà đã từng phát biểu “Thì cho họ ăn bánh ngọt đi” khi được tin là dân chúng không có bánh mì để ăn). Những lời đồn đại thô tục lan truyền khắp đất nước, nhất là về thói ham mê tình dục không chê chán của bà.

Những sự kiện của năm 1789

Tình hình lên cực điểm khi vào tháng 5 1789, để giải quyết khủng hoảng kinh tế, Louis đồng ý triệu tập – lần đầu tiên kể từ 1614 – Estates-General, hội đồng đại diện ba đẳng cấp: tăng lữ, quý tộc và tư sản. Đẳng cấp thứ hai, quý tộc, tỏ ra không muốn có sự thay đổi nào, trao quyền đề xướng cho đẳng cấp thứ ba, giới tư sản, các tầng lớp trung lưu, mà những tham vọng thương mại của họ đã bị ngăn trở bởi các sắc thuế bất công, những hạn chế về mậu dịch và sự quản lý thấp kém. Đẳng cấp thứ ba tự xưng mình là Hội đồng Quốc gia, và khi nhà vua phái binh lính đến Paris, hình như trong một động thái nhằm chống lại bộ phận mới nổi dậy này, dân chúng nổi dậy tràn vào Ngục Bastille (một thành trì đang nhốt một số tù chính trị) để đoạt vũ khí của đội bảo vệ. Cuộc Cách Mạng Pháp đã bắt đầu.

“Cội nguồn nền tảng của mọi quyền tối cao nằm trong quốc gia. . . Luật pháp là thể hiện ý chí toàn dân.”

Tuyên ngôn các Quyền Con Người và Quyền Công Dân, tháng 8 năm 1789.

Những người cách mạng ở Paris và ở nơi khác thành lập Lực lượng Bảo vệ Quốc gia để phòng vệ Hội đồng Quốc gia. Trong khi đó, quân đội chia rẽ, và không làm gì cả. Hội đồng Quốc gia tiến hành bãi bỏ các đặc quyền của giới quý tộc, và vào tháng 8 ban hành Tuyên ngôn các Quyền Con Người và Quyền Công Dân, xác nhận mọi người đều tự do và bình đẳng. Vào tháng 10, Louis và gia đình ông buộc phải bỏ Versailles và đến cư ngụ ở Paris, nơi đó họ sẽ ở gần nhân dân, những người mà giờ đây sẽ hỏi tội họ.

Cuộc tắm máu

Sau một mưu toan đào tẩu khỏi xứ bị thất bại vào năm 1791, Louis được giải trở về Paris và buộc phải bằng lòng với hiến pháp mới, qua đó quyền lực của ông bị hạn chế nghiêm nhặt. Những diễn biến này không qua mắt các nước khác ở châu Âu, vốn hầu hết là các nước quân chủ chuyên chế. Vào tháng 8 1791 Leopold II của Áo và vua Phổ cùng nhau tuyên bố rằng họ không loại bỏ khả năng sẽ can thiệp quân sự nhằm hậu thuẫn cho nhà vua Pháp. Vào tháng 12 chính Louis bí mật nhắn tin cho một số các nguyên thủ vua chúa đề xuất hành động quân sự phối hợp “là cách tốt nhất để chận đứng sự cấu bè  kết đảng ở đây.”

Vào tháng 8 1792 quân Áo và Phổ xâm lược, với ý định rõ ràng là phục hồi quyền lực của Louis. Bọn xâm lăng bị đẩy lùi ở Balmy, và lực lượng cách mạng sau đó quay sang đồng bào Pháp của mình, thẳng tay tàn sát hàng trăm người bị nghi là phản cách mạng. Vào tháng 11, Pháp tuyên bố nền cộng hòa, và năm sau Louis và hoàng hậu của ông bị kết tội phản quốc và bị đưa lên đoạn đầu đài.

8

Louis XVI trên đoạn đầu đài. Máy chém là công cụ bận rộn nhất trong Cách Mạng Pháp

“Khi tên vua cuối cùng bị treo cổ bằng ruột của tên giáo sĩ cuối cùng, nhân loại mới có thể hi vọng được hạnh phúc.”

La Bouche de fer (Mồm Thép), một tờ báo cách mạng, 11/7/1791

 Đây chỉ là bước đầu. Đối diện với những mối đe doạ sắp đến của ngoại bang và những cuộc nổi dậy nội bộ, phe Jacobin – phe cực đoan – lấn át phe Girondin ôn hòa và thiết lập nền độc tài dưới quyền của Ủy ban An ninh Toàn Quốc, do

Maximilien Robespierre nắm giữ. Trong “Thời Trị vì Khủng bố”, hàng vạn người bị tình nghi phản cách mạng bị đưa lên máy chém. Cuộc tắm máu này chỉ kết thúc khi chính Robespierre bị lật đổ sau một vụ đảo chính vào tháng 7 1794 và bị hành hình.

Tình trạng khủng bố lên cao khiến chính quyền trong các xứ sở châu Âu, chẳng hạn nước Anh, khẩn trương đến nỗi bất kỳ lời kêu gọi cải cách xã hội hay chính trị nào ở trong nước đều được coi là nguy hiểm và mang tính phản quốc, và bị dập tắt thô bạo. Tinh thần tiến bộ của thời Khai Sáng, vốn đã giúp đốt lên những cuộc cách mạng ở cả Pháp lẫn Mỹ, giờ bị dập tắt bởi một tâm trạng khiếp sợ và phản động. Chính ở Pháp, tình hình rối loạn chính trị tiếp tục suốt thập niên 1790, cho đến khi một chính quyền ổn định được phục hồi bởi một sĩ quan quân đội trẻ tuổi hừng hực lửa tham vọng có tên là Napoleon Bonaparte.

TÓM TẮT

Các nguyên tắc tự do, bình đẳng và huynh đệ được thực thi, nhưng với cái giá quá nhiều máu đổ.

DÒNG THỜI GIAN 

1776 Anne-Robert-Jacques Turgot, bộ trưởng tài chính của Louis XVI, bị sa thải sau khi dự tính đưa ra những cải cách.
1777 Pháp theo phe với dân thuộc địa Mỹ đánh lại quân Anh
1781 Jacques Necker, người thế Turgot làm bộ trưởng tài chính, từ chức sau khi những đề nghị cải cách của ông bị bác bỏ
1788 Khủng hoảng kinh tế buộc phải gọi Necker trở lại nhậm chức
1789 THÁNG 5 Necker thuyết phục Louis triệu tập Estates-General. THÁNG 6 Đẳng cấp thứ ba tự xưng là Hội đồng Quốc gia. THÁNG 7 Quần chúng phá ngục Bastille. THANG 8 Hội đồng Quốc gia ban hành Tuyên ngôn Quyền Con Người.
1791 THÁNG 6 Louis và gia đình toan tính trốn khỏi Pháp. THÁNG 8 Phổ và Áo hâm dọa can thiệp hậu thuẫn Louis. THÁNG 9 Louis công nhận hiến pháp mới. THÁNG 10 Hội đồng Quốc gia được thay bằng Hội đồng Lập pháp, thúc giục chiến tranh với Áo.
1792 THÁNG 9 Cuộc xâm lăng Áo-Phổ bị đánh bại tại Valmy. Hội đồng Quốc gia mới tuyên bố Pháp là một nước cộng hòa. THÁNG 10 Phe Jacobin quá khích do Dalton cầm đầu tống khứ chính quyền Girondin ôn hòa. THÁNG 12 Louis bị đưa ra xét xử.
1793 THÁNG 1 Louis bị hành quyết. THÁNG 2 Pháp xáp nhập Hà Lan thuộc Áo. Anh, Áo, Phổ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Sardinia thành lập liên minh chống Pháp. THÁNG 3  Bùng nổ cuộc nổi dậy phản cách mạng ở vùng  Vendee. THÁNG 7 Bắt đầu thời Trị vì Khủng bố. THÁNG 10 Marie Antoinette lên máy chém. THÁNG 12 Cuộc nổi dậy Vendee bị dập tắt
1794 THÁNG 4 Danton bị hành hình. THÁNG 7 Robespierre bị lật đổ và bị hành hình, kết thúc Thời Trị vì Khủng bố.
1795 Cộng hòa Batavia được phe cấp tiến bản địa ở Hà Lan thành lập với sự hỗ trợ của Cách Mạng Pháp. Hội đồng Quốc gia được thay thế bằng Hội đồng Đốc Chính 5 Người
1796-7 Napoleon Bonaparte đánh bại Áo tại Ý. Pháp thiết lập các cộng hòa “em” ở bắc Ý.
1798 Thiết lập các cộng hòa ở La Mã và Thụy Sĩ
1799 Bonaparte nắm quyền ở Pháp với vai trò “Tổng Tài Thứ Nhất”

29 THỜI ĐẠI NAPOLEON

 “Lịch sử sẽ nói gì?” Napoleon có lần hỏi. “Hậu thế sẽ nghĩ gì?” Cả những người đương thời và những người sống sau ông đều không thống nhất trong cách xét đoán đối với Napoleon Bonaparte, người sĩ quan pháo binh trẻ tuổi quê đảo Corse trở thành Napoleon I, Hoàng đế nước Pháp, và cai trị một đế chế rộng lớn nhất châu Âu kể từ thời La Mã.

Chính ở nước Pháp Napoleon vẫn còn được nhiều người tôn kính, và nơi an táng của ông tại Điện Les Invalides ở Paris đã trở thành điện thờ cho điều được coi là thiêng liêng nhất của tình cảm người Pháp, La Gloire (Vinh quang). Bên kia biên giới nước Pháp, nhiều người – đặc biệt vào thế kỷ 19 – tung hô ông như một tượng đài khổng lồ, một nguyên mẫu của “vĩ nhân”, người mà chỉ bằng năng lực và sức mạnh ý chí đã hiên ngang đứng giạng chân trên mặt địa cầu. Kẻ khác coi khinh ông chỉ là một kẻ độc tài huênh hoang, nhân danh tự do để bắt toàn thế giới thành nô lệ phủ phục dưới chân mình.

Từ thiếu tướng đến hoàng đế

Hai rưỡi thập niên châu Âu xung đột được biết dưới tên các Cuộc Chiến Cách Mạng và Thời Napoleon bất đầu vào tháng 8 1792, khi Áo và Phổ tấn công Cách Mạng Pháp. Anh và các đồng minh Âu châu khác tham chiến vào năm sau, và chính vào tháng 12 1793 mà Napoleon nổi tiếng toàn quốc, khi đóng vai trò quyết định trong trận tái chiếm hải cảng Toulon từ tay quân Anh. Bonaparte được thăng lên chức thiếu tướng – trong khi chỉ mới 24 tuổi.

9

Tiếp theo đó Bonaparte can thiệp vào những bất ổn nội bộ, dập tắt một đám đông bảo hoàng nổi dậy ở Paris vào tháng 10 1795 với “luồng đạn chùm” nổi tiếng của ông. Ông tiếp tục chỉ huy một chiến dịch xuất sắc chống quân Áo ở Ý vào 1796-7, buộc Áo phải giao nộp vùng Hà Lan thuộc Áo (ngày nay là Bỉ) cho Pháp. Mặc dù chiến dịch ở Ai Cập vào năm 1798 cuối cùng thất bại vào tay người Anh, vận mệnh của ông ở Pháp vẫn lên cao, và trong tháng 11 1799 ông lên nắm quyền trong vai trò Tổng Tài Thứ Nhất, với đầy đủ quyền lực của kẻ độc tài. Sau một giai đoạn hòa bình ngắn ngủi 1802-3, chiến tranh lại tiếp diễn, và vào năm 1804 Bonaparte gây khiếp đảm cho những người cộng hòa ngưỡng mộ ông trên toàn thế giới khi ông tự xưng là Hoàng đế Napoleon I. Ông đã tính toán chính xác là những chiến tích lẫy lừng của mình chống lại kẻ thù của Pháp đã mang lại cho ông đủ uy tín ở trong nước, và không kém trong quân đội, để có thể ra quyết định táo bạo như thế.

Mặc dù ý định xâm chiếm Anh của ông bị hạm đội Nelson đánh bại ở Trafalgar vào năm 1805, Napoleon vẫn thắng lợi trên lục địa Âu châu, đánh bại hết trận này đến trận khác với quân Áo, Nga và Phổ. Vào năm 1809 tất cả họ đã giảng hòa với Pháp, để mặc Anh đương đầu một mình. Đại bộ phận phía tây, nam và trung tâm châu Âu giờ dưới quyền kiểm soát của Napoleon – như một bộ phận của đế chế Pháp, hoặc như một vương quốc do một người trong gia đình ông cai trị (như ở Tây Ban Nha và Naples), hoặc như một nhà nước lệ thuộc – như Liên minh sông Rhine, được Napoleon thành lập ở Đức thay thế đế chế La Mã Thần Thánh.

“Ông ta cũng chỉ là một con người bình thường. Giờ thì ông ta cũng sẽ giẩm đạp lên mọi quyền con người dưới chân, và chỉ cuốn theo tham vọng của riêng mình; ông ta sẽ tự đặt mình cao hơn mọi người khác và trở thành kẻ độc tài.’

Ludwig van Beethoven, khi nghe tin người hùng và người bảo vệ nền Cộng Hòa Pháp đã tự xưng hoàng đế, tháng 5 1804. Beethoven liền xé bỏ trang ghi tựa đề “Giao hưởng Bonaparte”của bản giao hưởng số 3 mà ông soạn để dâng tặng Napoleon và định sẽ trình diễn trong chuyến lưu diễn ở Pháp sắp đến.   Ông đặt tên lại là Eroica.

 Điên cuồng vì tham vọng  vinh quang

Việc Napoleon cử anh ông Joseph làm vua Tây Ban Nha vào năm 1808 chứng tỏ là một sai lầm đắt giá, khiến một quân số lớn lính Pháp bị sa lầy trong cuộc chiến tàn bạo chống lực lượng du kích Tây Ban Nha. Napoleon cũng phán đoán sai lầm hơn vào năm 1812, khi ông quyết định xâm lược nước Nga. Đại Quân Pháp, cho dù đánh bại người Nga ở Borodino, bỗng thấy mình thiếu trang bị trầm trọng để đương đầu với mùa đông Nga rét cóng, và thấy mình không thể sống nhờ vào lương thực của vùng đất đang chiếm đóng như thường lệ, vì người Nga sử dụng chiến thuật vườn không nhà trống trước khi rút quân về hướng Moscow. Trong số gần nửa triệu binh lính Pháp tham gia chiến dịch không có đến một phần mười trở về nhà.

Napoleon như một tư lệnh

Tính hiệu quả của Napoleon như một vị tướng nằm ở sự phối hợp của nhiều nhân tố. Trong đó có khả năng để địch đoán biết được ý định của mình, rồi sau đó xuất kỳ bất ý giáng một đòn tập trung bất ngờ vào điểm yếu nhất của đối phương. Những chiến thuật như thế đòi hỏi tài làm chủ cách điều binh và dàn đội hình nhanh chóng, phối hợp với công tác hậu cần mềm dẻo. Pháp đã đáp ứng với sự bùng phát của các Cuộc Chiến Cách Mạng bằng cách gọi nhập ngũ một quân đội công dân đông đảo, và một lượng dự bị khổng lồ tân binh để ông mặc tình sử dụng. Napoleon có thể thoải mái dụng quân: “Ông không thể dừng tôi được,” ông có lần khoe khoang với ngoại trưởng Áo, Bá tước Metternich, “Tôi tiêu tốn mỗi tháng 30,000 quân.” Cho dù có sự nhẫn tâm như thế, binh lính của ông vẫn tôn kính vị Hoàng đế của mình, ít nhất cũng bởi vì ông hào phóng ghi công các tài năng tại chiến trường hơn là đặc quyền do lý lịch, và đề bạt nhiều người từ trong hàng ngũ, nổi tiếng nhất là Thống chế Ney (Xuất thân thường dân, con người thợ đóng thùng, đã lên đến chức Thống chế Đế chế, được Napoleon đặt biệt hiệu “Người Dũng cảm của những Người Dũng cảm”: ND)

Thảm bại ở Nga cổ vũ Phổ và Áo lập đồng minh trở lại cùng với Anh tấn công Napoleon. Họ ghi được một thắng lợi quan trọng tại Leipzig vào năm 1813, và năm sau Quận công Wellington, người đã đánh nhau với Pháp nhiều năm trên Bán đảo Iberia, dẫn lực lượng Anh vượt biên giới vào nước Pháp. Với Paris nằm trong tầm tay các đồng minh, Napoleon đành phải  thoái vị và bị đày ra đảo Elba ngoài khơi nước Ý. Quân chủ Pháp được tái lập nhưng không được lòng dân. Và Napoleon trốn khỏi nơi lưu đày và trở về  thử thời vận một lần nữa. Quân đội Pháp lại quay về tụ họp quanh người tư lệnh kính yêu của mình, và vào tháng 6 1815 đương đầu với quân Anh và Phổ tại Waterloo. Theo lời của Wellington, “Đó là một trận đánh ngang ngửa”, nhưng Napoleon thất trận, bị bắt và bị đưa đi đày trên hòn đảo xa xôi St.Helena ở Nam Đại Tây Dương. Ông không bao giờ trở lại.

Trích Wikipedia: Sau khi Napoleon bị lưu đày lần thứ nhất, Thống chế Ney vẫn được vương triều mới phục hồi sử dụng nhưng không được trọng vọng vì xuất thân hèn kém của mình. Khi Napoleon trốn thoát và trở về Paris, chính Thống chế Ney được cử đi bắt ông. Nhưng chỉ một câu nói của vị tổng tư lệnh cũ của mình, Ney dẫn binh lính quay về với Napoleon. Sau khi bị bắt lần thứ hai, Thống chế Ney bị ra toà án binh và bị hành quyết. Trước khi bị hành quyết, vị thống chế nổi tiếng dũng cảm đã từ chối khăn bịt mắt và đề nghị được ra lệnh cho chính đội hành quyết mình:

“Các anh lính, khi ta ra lệnh bắn, hãy bắn trúng vào tim ta. Hãy đợi lệnh ta, đó sẽ là mệnh lệnh cuối cùng mà thống chế ra cho các anh. Ta phản đối mọi phán quyết của toà, ta đã chiến đấu một trăm trận đánh cho nước Pháp và chưa bao giờ tham gia trận đánh nào chống lại Người… Binh lính, bắn!”

Tác động của Napoleon

Maximilien Robespierre, trước khi vận hành bộ máy Đại Khủng bố, đã cảnh báo đồng bào mình hãy chống lại một trong các tướng lĩnh vẻ vang của họ đang thiết lập một “nền chuyên chính hợp pháp”. Đây chính xác là điều mà Napoleon đã làm vào năm 1799, mặc dù tại thời điểm nắm quyền ông tuyên bố rằng “Cách Mạng được thiết lập trên những nguyên tắc ban đầu của nó: nó thật hoàn hảo.” Mặc dù việc cai trị của Napoleon còn xa với tự do – chẳng hạn, ông tin tưởng rằng tự do báo chí khiến công việc điều hành của chính quyền là không thể, và đối phó thô bạo với những đối thủ chính trị trong nước – đúng là ông gìn giữ một vài giá trị của Cách Mạng, mà ông sợ sẽ biến tướng thành hỗn loạn. Di sản trường tồn nhất của ông là Bộ Luật Napoleon, một hệ thống dân luật áp dụng cho toàn đế chế và các nhà nước và đồng minh lệ thuộc của ông. Bộ luật này hiện thân nhiều giá trị của Cách Mạng và Khai Sáng, bao gồm sự bình đẳng (mặc dù chưa cho phụ nữ), quyền tự do cá nhân, tách nhà thờ ra khỏi nhà nước, và sự khoan dung tôn giáo. Cho đến ngày nay, Bộ Luật Napoleon còn là khuôn mẫu cho nhiều bộ dân luật ở châu Âu và trên toàn thế giới.

 “Chinh phục đã biến tôi thành người như tôi hiện giờ; và chỉ chinh phục mới có thể duy trì tôi.”

Napoleon Bonaparte, 30/12/1802.

 Tiếp theo sự thảm bại của Napoleon, các đồng minh chiến thắng lao vào tháo gỡ cách sắp xếp mới, phục hồi các vương triều và đế chế chuyên chính cũ cắt ngang qua đường biên giới sắc tộc. Sau năm 1815, các lực lượng phản động nắm quyền trên khắp châu Âu làm tất cả những gì có thể làm được nhằm dập tắt những khát vọng quốc gia và cấp tiến đã được Cách Mạng Pháp nhen nhúm. Nhưng sau những thập niên bị áp bức, những khát vọng này sẽ bùng phát thành ngọn lửa vào năm 1848.

TÓM TẮT

Dù kẻ độc tài hay người giải phóng, Napoleon đã làm thay đổi diện mạo châu Âu.

DÒNG THỜI GIAN 

1792 Áo Phổ xâm lăng nước Pháp Cách Mạng bị đẩy lùi tại Valmy.
1793 Pháp xáp nhập Hà Lan thuộc Áo (Bỉ ngày nay). Anh bị đánh bại ở Toulon.
1796 Bonaparte đánh bại Áo tại Ý. Savoy và Nice nhượng cho Pháp. Pháp thiết lập Cộng Hòa Lombard ở miền bắc Ý.
1797 Bonaparte ghi thêm những thắng lợi nữa ở Ý, và tuyên cáo Cộng Hòa Cisalpine và Cộng Hòa Liguria
1798 Thiết lập các cộng hòa “em” ở La Mã và Thụy Sĩ (Cộng Hòa Helvetia). Hạm đội Pháp bị hạm đội Anh dưới quyền chỉ huy của Horatio Nelson đánh bại tại Trận Sông Nile.
1799 Bonaparte nắm quyền ở Pháp với chức Tổng Tài Thứ Nhất
1800 Bonaparte đánh bại Áo tại Marengo, thiết lập sự thống trị của Pháp ở Ý
1802 Pháp giảng hòa với Anh và các đồng minh.
1803 Thù địch ở châu Âu tiếp diễn
1804 Bonaparte trở thành Hoàng đế Napoleon I
1805 Napoleon đánh bại Áo tại Ulm và chiếm Vienna. Nelson đánh bại Pháp và hạm đội Tây Ban Nha tại Trafalga. Napoleon đánh bại Áo và Nga tại Austerlitz.
1806  Thành lập Liên minh Sông Rhine do Pháp thống trị. Pháp đánh bại Phố tại Jena và Auerstad. Napoleon phong anh minh Joseph làm vua xứ Naples và người anh khác Louis làm vua Hà Lan.
1807 Nga và Phổ giảng hòa với Napoleon. Pháp xâm lược Bồ Đào Nha.
1808 Pháp xâm lược Tây Ban Nha; anh Napoleon Joseph lên làm vua. Dưới sự chỉ huy của Wellington nước Anh can thiệp, bắt đầu Cuộc Chiến Bán đảo.
1809 Napoleon đánh bại Áo tại Wagram. Pháp xáp nhập các Thành bang thuộc Giáo Hoàng. Wellington đánh bại Pháp tại Tallavera.
1812 Napoleon thảm bại trong chiến dịch Nga. Bùng phát Chiến tranh 1812 giữa Anh và Mỹ về việc Anh cấm Mỹ buôn bán với Pháp
1813 Anh đánh bại Pháp tại Vitoria. Napoleon bị đánh bại tại “Trận các Quốc Gia” tại Leipzig. Anh tiến vào đất Pháp. Lực lượng Mỹ đánh bại Anh tại Trận Thames ở Ontario.
1814 Đồng minh chiếm đóng Pháp; Napoleon bị đày đến Elba. Hội nghị Vienna nhóm họp tìm điều khoản cho hòa bình. Anh đốt phá Washington DC.
1815 Lực lượng Mỹ đánh bại Anh tại New Orleans, không hay hòa bình đã được thỏa thuận. Napoleon trở lại Pháp, nhưng bị đánh bại ở Waterloo.

30 Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ

Trong một rưỡi thế kỷ sau 1750, những nền kinh tế và xã hội của nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ đã hoàn toàn lột xác. Trong khi trước đây tài sản chủ yếu rút ra từ đất đai, giờ nó chảy ra càng ngày nhiều từ kỹ nghệ, hoặc là khai thác mỏ hoặc chế tạo, cả hai đều được cách mạng hóa bằng những công nghệ mới.

Thị trấn và thành phố tăng trưởng hàng loạt, khi dân chúng từ thôn quê chạy ra thành phố làm việc trong các hãng xưởng mới. Trong số đó, nhiều người đổi cảnh nghèo khó ở thôn quê để lấy sự xuống cấp và khốn cùng nơi đô hội – một hiện tượng còn có thể được chứng kiến hiện nay trong nhiều nước mới vừa được kỹ nghệ hóa trên khắp thế giới. Nhưng làn sóng  thay đổi cũng tạo ra một tầng lớp trung lưu mới tháo vát và giỏi quản lý, càng ngày càng có quyền lực chính trị thay thế lớp quý tộc địa chủ già nua.

Cách Mạng Kỹ Nghệ bắt đầu ở Anh rồi lan qua những vùng khác ở châu Âu và Mỹ. Có những nhân tố khác nhau góp phần tạo cho nước Anh trở thành quốc gia đầu tiên khơi mào cho cuộc kỹ nghệ hóa rầm rộ. Nhân tố đầu tiên trên hết là có sự tập trung vốn cho đầu tư trong những ngành nghề mới. Việc này thoát thai từ những địa chủ giàu có vốn đã cải thiện điền trang của mình và nhờ đó gia tăng lợi tức, đồng thời nhờ sự thống trị tăng lên của Anh trên nền thương mại thế giới – đặc biệt mậu dịch Đại Tây Dương, nơi của cải do nô lệ, đường, thuốc lá và những mặt hàng khác làm ra. Vào giữa thế kỷ 18 Anh đã có được một đế chế thương mại hải ngoại rộng lớn, không chỉ cung cấp nguyên liệu thô, mà còn một thị trường đang lớn mạnh cho hàng hóa được chế tạo. Cũng quan trọng trong sự tăng trưởng kỹ nghệ của Anh là địa lý của nó, bao quanh là bờ biển với nhiều cảng tự nhiên  dễ dàng xâm nhập thị trường hải ngoại, nhiều con sông giao thông thuận tiện và dự trữ quặng mỏ than và sắt ở kế bên.

Cách Mạng Nông Nghiệp

Một cuộc cách mạng khác tiến lên song song với Cách Mạng Kỹ Nghệ. Trong thế kỷ 18 toàn bộ cách thức lương thực được sản xuất bắt đầu được xem xét một cách hợp lý hơn – một phần dưới ảnh hưởng của tư tưởng Khai Sáng. Tuy nhiên, việc cải tiến nông nghiệp có  tổn thất về con người. Ở Anh những khu vực lớn đất công bị các địa chủ giàu có “rào kín”, họ được phép làm thế vì nhờ cậy các bạn bè trong Nghị viện. Nông dân đã canh tác trên mảnh đất công này bị đuổi đi, đưa đến tình cảnh khốn khổ tại những nơi như Cao nguyên Scotland, tại đó con người bị đuổi khỏi đất đai để nhường chỗ cho con vật sinh lợi nhiều hơn – trừu. Diễn biến tương tự xảy ra ở nơi khác khắp châu Âu.

Nhưng giờ đây với ruộng đất bao la dưới tay mình, các địa chủ giàu có có thể áp dụng những cải tiến khoa học, như trồng luân phiên xoay vòng bốn mùa vụ, tuyển chọn giống (nhất là cho gia súc) và sử dụng những vụ mới như củ cải để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông, thay vì giết lấy thịt vào cuối thu. Công nghệ, đặc biệt trong lãnh vực cơ khí hóa, cũng đóng một vai trò chủ chốt: những cách tân nổi bật từ máy gieo hạt của Jethro Tull vào năm 1730 đến lưỡi cày thép của John Deere vào năm 1837, khiến việc canh tác trên vùng đất cứng ở Trung tây Hoa Kỳ lần đầu tiên có thể khả thi. Nhờ những cải tiến này sản lượng lương thực tăng vọt, có thể nuôi sống dân số đang tăng lên, cả ở châu Âu lẫn Bắc Mỹ, đang làm việc trong các hãng xưởng thay vì trên ruộng đồng.

Cơ khí hóa và hệ thống nhà xưởng

Cơ khí hóa là chìa khóa mở ra cho cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ. Trong thời kỳ tiền-kỹ nghệ, việc chế tạo chỉ do một cá nhân tự làm chủ thực hiện tại nhà, hoặc trong xưởng nhỏ gia đình trong đó một thợ cả giám sát công việc của vài người thợ cùng với thợ tập sự. Thông thường, một người sẽ đảm nhiệm mọi khâu để làm nên một sản phẩm, từ đầu đến khi hoàn thiện. Tuy nhiên, trong Của Cải của Quốc Gia (1776) nhà kinh tế tiên phong Adam Smith đã chỉ ra sự kém hiệu quả của lối tiếp cận dựa trên tay nghề. Lấy ví dụ trong một xưởng chế tạo đinh ghim, Smith cho rằng một người làm việc một mình giỏi lắm chỉ làm hoàn thiện một đinh ghim mỗi ngày, trong khi nếu chia công việc ra làm 10 công đoạn, mỗi người đảm nhận một công đoạn, xưởng cơ thể sản xuất ra 48,000 đinh ghim mỗi ngày. Sự phân công lao động như thế, Smith lập luận, cũng khuyến khích sự phát triển của máy móc mới.

Ở Anh kỹ nghệ dệt (dựa trên len ở nhà làm hoặc bông vải nhập từ Mỹ) chứng kiến hàng loạt sự cách tân về cơ khí hóa việc quay tơ và dệt sợi. Giờ đây những người dệt vải trên khung cưởi ở nhà không thể cạnh tranh nổi với các xưởng dệt mới xuất hiện, buộc phải bỏ lối làm việc độc lập và đi vào làm công trong nhà máy và nhận đồng lương chết đói. Trong vài khu vực những thợ dệt tay bất mãn hè nhau đập phá máy dệt. Khi bị bắt, những người cầm đầu bạo động bị hành hình hoặc chở đi đày sang Úc.

Chủng tộc mà sống chui rúc trong những túp lều tồi tàn. . . hoặc dưới những căn hầm ẩm thấp, tối tăm, giữa sự bẩn thỉu và mùi tanh tưởi không thể nói hết được . . . chủng tộc này ắt hẳn đã đến mức thấp kém nhất của nhân loại.”

Friedrich Engels, trong  Tình Cảnh của Giai Cấp Lao động ở Anh, 1845, mô tả cuộc sống dân làm thuê ở Manchester, một trong những thành phố kỹ nghệ lớn của Anh.

 Thời đại máy hơi nước

Thoạt đầu, máy mới được vận hành bằng cối xay nước, nhưng với những cải thiện trong động cơ hơi nước, than trở thành nguồn năng lượng chính. Than (dưới dạng than cốc) cũng cung cấp hơi nóng cần thiết để nung chảy quặng sắt, và nhu cầu chớm nở của than đưa đến việc khai thác các vỉa than ngày càng sâu dưới lòng đất.

11

Máy hơi nước của Watt

Một trong những tác động lớn nhất của than và hơi nước là lên ngành vận tải. Trong nhiều thế kỷ, khối lượng hàng hóa phần lớn chuyên chở bằng thuyền đi lại trên sông và ven bờ biển hơn là bằng đường bộ, vì đường bộ thường kém bảo quản và nhất là vào mùa đông gần như không thể lưu thông được. Thế kỷ 18 chứng kiến sự bành trướng những phương tiện giao thông thủy, dưới dạng những mạng lưới mới các kênh rạch liên kết với sông ngòi tự nhiên có sẵn. Mặc dù cùng thời gian đó cũng có chương trình chủ yếu cải tạo đường xá, nhưng cuộc cách mạng có ý nghĩa nhất là sự ra đời của đường sắt, đi đầu là sự khai trương tuyến đường sắt Stockton và Darlington vào năm 1825. Chẳng bao lâu các mạng lưới đường sắt sinh sôi khắp châu Âu, Bắc Mỹ và nơi khác. Đường sắt khiến chi phí chuyển chở hàng hóa rẻ hơn và nhanh hơn mà còn chuyên cho hành khách, khiến việc đi làm thuận tiện, nhất là khi thành phố ngày càng mở rộng, và khiến dân chúng có thể đi du lịch đây đó để mở rộng tầm mắt. Một tác động tương tự được trải nghiệm khi năng lượng hơi nước được ứng dụng cho tàu thuyền, khiến việc đi vượt đại dương gần như là việc hàng ngày.

12

Một trong những tàu hỏa đầu tiên

“Chúng ta dời non, và biến biển thành xa lộ mượt mà; không có gì có thể ngăn trở chúng ta.”

Thomas Carlyle nói về tiến bộ kỹ thuật trong Những Dấu Ấn của Thời Đại, 1829

 Đến lượt mình, năng lượng hơi nước bắt đầu bị điện khí và động cơ đốt trong qua mặt. Vào cuối thế kỷ 19, đối thủ kinh tế của Anh, Đức và Hoa Kỳ, năng nổ hơn khi nhìn nhận những công nghệ mới này, cho phép họ tiến băng tới trước. Đến đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc kỹ nghệ hàng đầu của thế giới.

TÓM TẮT

Cách mạng Kỹ Nghệ tạo ra  sự thịnh vượng mới, nhưng với giá của cuộc sống con người.

 DÒNG THỜI GIAN 

1709 Abraham Darby xây dựng lò đốt bằng than cốc để sản xuất  sắt đúc
1712 Thomas Newcome sáng chế động cơ hơi nước đầu tiên
1730 Jethro Tull chế tạo máy gieo hạt, một thiết bị để gieo hạt hiệu quả. Cũng thời gian này Townshend “Củ Cải” áp dụng luân canh bốn vụ.
1760 Bắt đầu bùng phát việc đào kênh ở Anh
1768 Richard Arkwright  được cấp giấy phép cho “khung cửi nước”, máy quay tơ chạy bằng sức nước
1769 James Watt cải tiến động cơ hơi nước của Newcomer, tạo sức đẩy chủ yếu cho Cách Mạng Kỹ Nghệ
1776 Adam Smith phác họa chủ nghĩa tư bản thị trường tự do trong Của Cải Quốc Gia
1779 Samuel Crompton sáng chế máy kéo sợi, máy kéo tiêu chuẩn trong hơn một thế kỷ. Cầu sắt đúc được xây dựng bắc qua Sông Severn.
1781 Watt thêm chuyển động quay tròn vào máy hơi nước
1785 Edmund Cartwright xin cấp quyền sáng chế máy dệt. Sức hơi nước đầu tiên được sử dụng trong nhà máy bông vải.
1793 Eli Whitney cải tiến máy tỉa hột bông vải, để tách hột ra khỏi sợi bông.
1804 Richard Trevithick xây dựng đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên hoạt động được.
1811-12 Bùng phát việc phá hoại máy móc ở Anh.
1812 Henry Bell xây dựng Comet, tàu hơi nước chạy bằng guồng quay đầu tiên.
1821 Michael Faraday trình diễn động cơ điện.
1823 Chính quyền Anh chấp nhận kỹ thuật làm đường cải tiến do John McAdam cách tân.
1825 Đường dẫn hơi nước nóng công cộng đầu tiên mở ra giữa Stockton và Darlington. Thomas Telford hoàn tất cầu treo qua Eo Menai.
1829 Tàu hỏa Rocket của Robert Stephenson đạt tốc độ 58 km/h, khuyến khích việc lắp đặt đường sắt phát triển ra khắp nơi.
1839 Charles Goodyear chế tạo qui trình lưu hóa cao su.
Thập niên 1840 Ngành đường sắt bùng phát khắp châu Âu
1843 Isambard Kingdom Brunel đóng Great Britain, con tàu lớn đầu tiên chạy bằng cánh quạt.
1844 Samuel Morse truyền đi thông điệp đầu tiên qua máy điện tín.
1857 Qui trình Bessemer cho phép sản xuất thép các bon giá rẻ.
1869 Thành lập Liên hiệp Hoả xa Thái Bình Dương, liên kết đường tàu xuyên lục địa trên khắp Hoa Kỳ.
1908 Henry Ford bắt đầu sản xuất ô tô hàng loạt mẫu T.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111