GÓC NHÌN KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO VỀ “LINH HỒN” VÀ LUÂN HỒI
rong đời mỗi chúng sinh, đặc biệt là con người, sinh tử vẫn là điều làm cho chúng ta bất an, lo sợ nhất, dẫu biết rằng không ai thoát khỏi quy luật này, không ai có thể tồn tại mãi mãi mà không hề chết, thế nhưng chúng ta vẫn cảm giác như cái chết là điều gì đó rất xa xôi, xa xôi bởi không ai đoán biết được nó sẽ đến lúc nào, ai cũng nghĩ sự sống mình là kéo dài, chính vì vậy mà con người ít khi nhìn lại những lỗi lầm, những việc ác để né tránh, dường như chúng ta hiếm khi nhận ra mình đang làm một điều gì đó sai mà thường chúng ta nghĩ việc làm của mình là đúng, là thuận theo lẽ tự nhiên và con người cứ thực hiện nó như một quán tính “sinh tồn”, chính vì vậy mà người ác không nhận ra nghiệp ác, người sai không nhận thấy mình sai.
Người sát sanh không nhận ra sự đau đớn của loài vật, không cảm động trước sự sợ hãi của chúng nên mới thản nhiên giết hại chúng một cách dã man. Người trộm cướp, lừa đảo không quan tâm đến sự khổ sở của người bị mất đi của cải mà chỉ biết ra tay trộm cướp, lừa đảo để tước đoạt tài sản người khác. Người tham nhũng không ý thức đến sự thất thoát tiền bạc sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho cơ quan, tổ chức, thiệt hại cho xã hội. Người làm hàng gian hàng giả bất chấp sinh mạng con người để trục lợi cho bản thân, người bè phái nói xấu, hãm hại người khác lại lấy đó làm vui, nhằm thỏa mãn sự đố kỵ thù hằn và còn hàng trăm nghìn những việc làm sai trái, gieo rắc mầm mống tội ác đang diễn ra hằng ngày từ chính lòng tham, sự vô cảm, tàn ác của một bộ phận con người và họ thản nhiên với chính lỗi lầm, tội ác đó, họ cho rằng nó bình thường, có thể họ biết hoặc không biết đến nhân quả nhưng vẫn bỏ qua, có thể họ cho rằng cuộc sống còn dài nên chưa cần nghĩ đến ngày phải sám hối, và có lẽ họ không nghĩ đến việc làm ác của họ, sau khi chết đi sẽ gây ra nghiệp báo nào và con người thường nghĩ rằng chỉ cần vun bồi, tham đắm cho lúc sống bởi sau khi chết đi là hết, là không còn điều gì liên đới nữa. Sở dĩ con người không sợ việc làm ác bởi lẽ ít ai tin vào địa ngục, tin vào thuyết luân hồi, xét ra điều này cũng có lý do của nó, bởi khi còn sống thì đâu ai biết được khi chết sẽ gặp điều gì và người đã chết cũng đâu ai có thể sống lại để kể cho người sống nghe những điều họ đã gặp, trừ một vài trường hợp hy hữu được cho là “sống lại sau khi chết” và câu chuyện về họ, dường như cũng ít người được nghe, được biết, thậm chí có nghe, cũng ít người muốn tin.
Chính vì con người thường né tránh khi nghĩ đến những điều “xui rủi” và người ta cũng miễn cưỡng khi nghĩ đến nhân quả, nghĩ đến tái sinh nên thường có những việc làm rơi vào đường ác. Bài viết này không nhằm mục đích khẳng định những khám phá về linh hồn, về thuyết luân hồi sau khi chết đi là có thật hay không và cũng không phủ định cũng như tuyệt đối hóa những dẫn dụ xung quanh các tình huống nêu ra, bài viết với mục đích cung cấp những thông tin để mỗi người chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về thế giới đầy bí ẩn mà chúng ta đang sống và sau khi mất đi, để từ đó, mỗi người chúng ta có những ý thức sống tích cực, biết cân nhắc, nhìn lại việc làm hằng ngày của mình để thay đổi và sửa chữa bởi không ai dám khẳng định rằng “chết là hết” như những gì chúng ta vẫn nghĩ.
1. Linh hồn con người có tồn tại không?
1.1. Dưới góc nhìn khoa học
Theo Giáo sư Bruce Greyson, trưởng khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) thuộc Đại học Hệ thống Y tế Virginia (Mỹ), trải nghiệm cận tử xảy ra ở 10% bệnh nhân bị ngừng tim. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể mô tả chính xác mọi hoạt động xung quanh khi họ bất tỉnh. Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử, điện não đồ và các bằng chứng y khoa khác cho thấy, não bệnh nhân không còn dấu hiệu hoạt động khi hiện tượng này diễn ra.
Nghiên cứu của Giáo sư Peter Fenwick, Viện Tâm thần học thuộc Đại học Kings (Anh), cho biết: “Nếu có thể chứng minh rằng con người vẫn tiếp nhận thông tin khi họ bất tỉnh và thoát xác thì đó là bằng chứng không thể tranh cãi về việc ý thức tồn tại tách rời bộ não”.
Quan điểm truyền thống cho rằng, ý thức của chúng ta được hình thành từ mạng lưới hàng tỷ nơron. Nhưng hai Giáo sư Stuart Hameroff (Đại học Arizona, Mỹ) và Roger Penrose (Đại học Oxford, Anh) đã xây dựng một lý thuyết khác, theo đó ý thức còn là sản phẩm của quá trình tính toán lượng tử diễn ra ở vi ống, một dạng cấu trúc siêu nhỏ của tế bào não.
Một công trình của Anirban Bandyopadhyay (Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản) còn hé mở khả năng các bít thông tin lượng tử có thể gắn kết trong môi trường nhiệt độ cao của các vi ống đơn lẻ ở tế bào. Trạng thái gắn kết giữa các vi ống được tạo ra nhờ năng lượng sinh học.
Khi quá trình cung cấp máu và oxy ngừng lại, sự gắn kết không còn, nhưng thông tin lượng tử không mất đi. Nó có thể phát tán vào vũ trụ, tồn tại và tiếp tục hoạt động dưới một hình thức nào đó. Nếu bệnh nhân được cứu sống, thông tin sẽ được não tiếp nhận trở lại. Nếu như giả thuyết này là đúng, thì câu hỏi đặt ra là: Quá trình lượng tử tạo thành ý thức xuất hiện từ đâu? Theo Giáo sư Penrose và một số nhà khoa học, quá trình này là từ vụ nổ lớn Big Bang. Theo quan điểm này, mọi dạng ý thức đều được tạo ra cùng thời điểm với vũ trụ. Và nếu linh hồn có tồn tại thì nó cũng gắn với khởi nguồn của vũ trụ.
Ý tưởng của Giáo sư Penrose ám chỉ đến một cơ chế để ý thức tiếp tục tồn tại sau khi thân thể con người đã chết. Nhưng nó sẽ đi về đâu? Theo Giáo sư Hameroff: “Nếu người bệnh không được cứu sống, ý thức sẽ đi vào vũ trụ và biết đâu có thể một ngày nào đó sẽ được một cơ thể khác tiếp nhận trở lại”.
DOPS hiện đang lưu giữ khoảng 1.400 hồ sơ về các trường hợp được cho là thuộc dạng này. Phần lớn đó đều là những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Các em có thể kể vanh vách trước đây mình là ai, sống ở đâu, làm gì, trông như thế nào và nhiều chi tiết khác.
Theo nghiên cứu của nhà khoa học Catherine, sau khi con người qua đời, linh hồn sẽ sang một không gian khác. Không gian mà linh hồn sẽ đến sau khi con người chết mà nhà khoa học Catherine nhắc đến nằm ở giữa các trường điện từ, tức là trường lượng tử.
Từ năm 1996, Tiến sĩ Stuart Hameroff, nhà vật lý – Giáo sư danh dự của khoa gây mê và tâm lý học và Ngài Roger Penrose, một nhà vật lý toán học của đại học Oxford, cùng nghiên cứu về thuyết lượng tử trong nhận thức đã tuyên bố là linh hồn vẫn tồn tại trong những vi ống nhỏ (micro-tubules) của các tế bào não.
Nhiều nhà tư tưởng Tôn giáo từ thời cổ đại tin rằng mỗi người đều có một linh hồn. Quan điểm này được nhà triết học Plato (424 – 348 trước Công nguyên) và René Descartes ở thế kỷ 17 ủng hộ.
Dưới góc nhìn của Thạc sĩ Vũ Đức Huynh, tác giả của nhiều cuốn sách về tâm linh và cổ học phương Đông khẳng định, vòng hào quang không phải linh hồn mà là vòng trường sinh ai cũng có, độ rộng hay hẹp là do năng lượng tích lũy của từng người. Vầng hào quang là trường sinh học mang điện tích âm, do sức hút, sức ràng buộc của vòng vía. Vía mang điện tích cả âm và dương. Trong vía có thần thức mang điện tích dương và trong thần thức là phách. Phần hồn bao gồm: Vía + Thần thức + Phách.
Sau khi chết 49 ngày, phần hồn chuyển dạng sang thành vong hồn với cấu trúc tầng nấc là: Thần thức ở trên mang thuộc tính dương; Vía ở phần giữa có cả hai phần mang thuộc tính âm và dương; Phách ở tầng dưới vì độ đậm đặc nhất mang thuộc tính âm. Cấu tố thần thức loãng và nhẹ, song lại là cấu tố chủ đạo của vong hồn. Ba cấu tố này liên kết với nhau bằng mối liên kết lỏng. Liên kết lỏng nhất là giữa phách với vía và thần thức. Phách dễ dàng tách ra khi gặp điều kiện thuận lợi. Nghĩa là lúc đó vong hồn có thể tách làm hai: một gồm vía và thần thức, một chỉ có phách.
Ngoài trải nghiệm cận tử, “Vũ trụ toàn ảnh” cũng ghi nhận một số trường hợp hồn lìa khỏi xác, giới chuyên môn gọi là trải nghiệm ngoài cơ thể (Out of Body Experience, OBE). Linh hồn một số người có thể rời thân thể, đến một nơi cách xa hàng ngàn dặm, thậm chí tiến nhập vào một không gian, thời gian khác. Hiện tượng này (giới tu luyện gọi là “Nguyên thần ly thể”) đều được ghi chép trong các trường phái tu luyện Phật gia và Đạo gia ở Trung Quốc.
Trên thực tế, hiện tượng “Nguyên thần ly thể” chỉ là một phần rất nhỏ trong một bức tranh rộng lớn hơn. Đó là bức tranh của sự luân hồi. Trong những năm gần đây, giới y học phương Tây đã làm rất nhiều nghiên cứu để kiểm chứng hiện tượng này. Phương pháp phổ biến nhất là khiến con người rơi vào trạng thái thôi miên, mê mê tỉnh tỉnh như trong phương pháp thiền định của Đạo gia hoặc Phật gia, để họ có thể nhìn thấy từng đời từng kiếp trước của mình, thậm chí cả quá trình trung gian trước khi luân hồi chuyển thế. Đây được gọi là phương pháp thôi miên hồi quy tiền kiếp.
Một nghiên cứu đi sâu vào vấn đề này đã được một bác sĩ người Mỹ tên Duncan MacDougall tiến hành vào năm 1907. Kết quả thu được, đăng trên các tạp chí y khoa đương đại, cho thấy các bệnh nhân hấp hối đã mất trung bình 21 gram vào đúng thời điểm tử vong. Dựa vào đó, bác sĩ MacDougall kết luận sự sai biệt này bằng đúng khối lượng của linh hồn, một thực tế thú vị đã được nhắc lại trong bộ phim đầy kịch tính “21 Grams” vào năm 2003.
1.2. Linh hồn người chết trong quan điểm Phật giáo
Theo Phật pháp, con người sau khi chết linh hồn sẽ bắt đầu rời khỏi thể xác. Tuy nhiên, lúc này thần thức vẫn còn quanh quẩn ở nhà và bị rơi vào trạng thái tối tăm mù mịt. Đây được gọi là giai đoạn “Thân Trung Ấm”.
Hồn là điểm linh quang, lương tri, trọn lành, Phật tánh hay Thiên tánh, có trách nhiệm nhắc nhở cho Trí biết điều hay lẽ phải, hướng thiện.
Trí chính là bản ngã thực sự sẽ chịu trách nhiệm với các nhân duyên nghiệp quả của mình. Trải qua nhiều đời nhiều kiếp, Trí càng được học hỏi, trau dồi ngày thêm tinh tấn, hướng tới tận thiện tận mỹ.
Xác là tinh Cha huyết Mẹ cấu thành, được nuôi sống bởi vật chất nên khi hết thọ mạng thì nó trở về với cát bụi do nó là các chất giả hợp tạo nên hình hài.
Trí và Hồn luôn song hành với nhau, gọi chung là linh hồn hay chân hồn.
Phật giáo nhìn nhận rằng thế giới phàm của chúng sinh, bao gồm có 6 cõi đó là: Thiên, Người, Atula, Bàng sanh (như bò, ngựa, kiến, muỗi và các động vật khác), Ngạ quỷ và Địa ngục, trong 6 cõi này thì chúng sinh cứ được sinh ra rồi lại chết đi, chết đi rồi lại sinh ra, được gọi là Lục đạo luân hồi, vì vậy mà sau khi người ta chết đi thì sẽ có 1/6 khả năng có thể sẽ trở thành ma quỷ. Phật giáo có thể khiến con người giải thoát và siêu xuất khỏi vòng sinh tử của luân hồi, đó cũng chính là điều người ta gọi là siêu độ.
Theo giáo lý Phật giáo, con người có năng lực vi diệu được chuyển từ kiếp này qua kiếp khác, năng lực ấy được gọi là Yid Kyi Mawpar Shespa, một danh từ rất đặc biệt phức tạp mà thông thường được hiểu như cái gọi là Linh hồn. Đó chỉ là danh từ tạm dùng để hiểu thuyết luân hồi theo luật Karma (nghiệp). Đặc biệt là môn học Vi diệu pháp thì không có một linh hồn nào trong con người. Con người gồm 2 phần Sắc uẩn (các bộ phận cơ thể) và Danh uẩn (các trạng thái tâm lý). Vi diệu pháp quan niệm đời sống con người là tiến trình phối hợp giữa các trạng thái vật lý (của Sắc uẩn) và trạng thái tâm lý (của Danh uẩn) biến đổi theo nhân duyên (tùy thuộc điều kiện). Danh uẩn gồm Thọ uẩn (các trạng thái cảm giác), Tưởng uẩn (các trạng thái tưởng tượng), Hành uẩn (các trạng thái tâm hoạt động), Thức uẩn (ý thức chủ) cùng sinh, cùng diệt tùy theo điều kiện phát sinh trong cuộc sống. Đa số những lầm tưởng về một linh hồn, cái ngã mà con người tưởng tượng ra là do Tưởng uẩn hoạt động. Có 2 vấn đề chi phối đời sống tâm lý con người là Nghiệp và “Sự tùy thuộc phát sanh của Thức”.
Tuy nhiên, quan niệm Phật giáo cho rằng cái chết của con người không phải là sự kết thúc, mà là sự bắt đầu của một sự sống mới. Sau khi chết, con người sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi tùy thuộc vào Nhân đã tạo trong đời hiện tại. Nếu con người có Nhân tốt, họ sẽ tái sinh vào cõi Trời.
1.3. Lý do khiến cho người chết không được siêu thoát
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều những quan niệm về linh hồn người đã chết không được siêu thoát, theo góc nhìn tâm linh, những nguyên nhân đó là do người chết không theo quy luật sinh tử tự nhiên mà tự tìm đến cái chết trong sự đau khổ, bực dọc, những người chết oan, chết đột ngột do tai nạn, bị sát hại…vì những lý do đó mà linh hồn người đã khuất không thể siêu thoát, họ vẫn lởn vởn quanh nơi họ đã từng sống, lang thang ngay tại nơi họ mất, từ đó xuất hiện nhiều những hiện tượng lạ mà người ta cho rằng đó là oan hồn người đã khuất, là “hồn ma”. Hoặc cũng có trường hợp, khi còn sống, người đó gây ra nhiều nghiệp ác, bản chất hung dữ nên khi chết cũng trở thành những vong linh thường hay quấy nhiễu người sống, vì vậy mà trong Phật giáo có Lễ cầu siêu, nhằm thể hiện tinh thần từ bi, siêu độ, giúp vong linh người đã khuất được vãng sanh, siêu thoát, không còn lưu luyến, đau buồn, giận dữ bám chấp nơi cõi phàm trần.
2. Những câu chuyện về sự luân hồi
Xuyên suốt lịch sử nhân loại đã có vô số trường hợp những người nhớ được các kiếp sống trước của họ, một số nền văn hóa thậm chí còn coi luân hồi là một thực tế không phải bàn cãi. Chính vì sự bí ẩn vô tận đó nên Giáo sư Ian Stevenson và người học trò là Tiến sĩ Jim Tucker từ Đại học Virginina đã dành hàng thập kỷ nghiên cứu chủ đề luân hồi, ông đã đi khảo sát và kiểm chứng hơn 3.000 trường hợp luân hồi được tuyên bố ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp, hầu hết các đứa trẻ có thể nhớ lại chính xác đến kinh ngạc các chi tiết về cuộc đời trước đây của chúng.
Vậy thì luân hồi đã xảy ra như thế nào và có thật hay không, bài viết này xin chia sẻ một số câu chuyện sau đây:
2.1. Câu chuyện về Giáo sư bác sỹ George G. Ritchie (25/9/1923 – 29/10/2007)
Ông từng là chủ tịch của Học viện Trị liệu đa khoa Richmond, từng là Trưởng khoa Tâm thần học của Bệnh viện Towers, người sáng lập và và chủ tịch Liên Đoàn Thanh niên Thế giới (Universal Youth Corps, inc) trong gần 20 năm. Vào tháng 12 năm 1943, George Ritchie đã chết trong một bệnh viện quân đội ở tuổi 20 vì bệnh viêm phổi và đã được đưa vào nhà xác. Nhưng kỳ diệu thay, 9 phút sau ông sống trở lại, và kể về những điều đáng kinh ngạc mà ông đã chứng kiến khi trong trạng thái ở bên ngoài thân xác. Ritchie đã viết về Trải nghiệm cận tử (NDE) của ông trong cuốn sách “Trở lại từ ngày mai”, đồng tác giả với Elizabeth Sherrill, xuất bản lần đầu năm 1978. Cuốn sách đã được dịch sang 9 thứ tiếng khác nhau.
Bác sĩ George Ritchie đã kể lại rất chi tiết những gì mà mình đã trải qua trong suốt khoảng thời gian ông chết.
2.2. Câu chuyện về Katsugoro.
Vào cuối thời kỳ Edo đầu thế kỷ 19, ở Nhật Bản có một câu chuyện luân hồi chuyển sinh không chỉ gây chấn động trong các tầng lớp người dân Nhật Bản mà còn truyền rộng trong tầng lớp Vương thất, đến cuối thế kỷ 19 câu chuyện này đã được lan truyền ra nước ngoài, đó là câu chuyện chuyển sinh của cậu bé Katsugoro. Katsugoro là người đã biết về tiền kiếp của mình khi cậu bé nói rằng: “Biết chứ, em là Fujikura sinh ra ở thôn Hodokubo, 6 tuổi bị bệnh đậu mùa mà chết.” Katsugoro đã thuật lại tỉ mỉ về quá khứ và nơi sống của mình trong kiếp trước, quá trình tái sinh từ cậu bé Fujikura trở thành Katsugoro của kiếp sau.
Năm Minh Trị 23 (1890), tác giả Koizumi Yakumo đến Hoa Kỳ và xuất bản tuyển tập “Phật điền đích lạc tuệ,” trong đó có câu chuyện “Katsugoro chuyển sinh,” nhờ đó câu chuyện Katsugoro chuyển sinh từ Nhật Bản được lan truyền ra các nước khác.
2.3. Cậu bé Tang Jiangshan, người sống hai đời ở Hải Nam
Cậu bé tên là Tang Jiangshan, sống tại thành phố Đông Phương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Theo lời kể của cha mẹ Tang Jiangshan và những già làng, khi Tang Jiangshan mới vừa 3 tuổi (năm 1979), một ngày nọ cậu đột nhiên bảo cha mẹ rằng: “Con không phải là con của hai người. Đời trước con tên là Chen Mingdao, cha con tên là Sandie. Nhà con ở Đam Châu, gần biển”. Nơi cậu bé nhắc đến cách thành phố Đông Phương chừng hơn 160 km. Cậu bé kể rằng cậu đã bị giết bằng kiếm và súng trong thời Cách mạng Văn hóa. Điều lạ là cậu có thể nói giọng Đam Châu rất rành rọt. Tiếng địa phương Đam Châu khác hẳn giọng nói trong vùng cậu đang sống. Bên phía bụng trái của cậu cũng có vài vết thẹo bị chém bằng kiếm để lại từ đời trước.
Các nhà xuất bản làm việc với tạp chí Phụ Nữ Phương Đông lúc đầu không tin câu chuyện của Tang Jiangshan. Nhưng sau khi điều tra cẩn thận, họ đã xác minh những việc Tang trải qua là thật.
2.4. Câu chuyện về Ray Bryant
Theo đó thì Ray Bryant là nhà báo người Anh, năm 44 tuổi tự nhiên ông nhớ lại tiền kiếp của mình rất rõ. Theo Ray Bryant thì khoảng năm 1855, anh ta là một trung sĩ tên là Reuben Stafford và đã tham dự nhiều trận đánh kinh hồn trong đó có trận Crimeé vô cùng khủng khiếp. Đó là trận chiến dữ dội nhất giữa quân Nga và quân Anh, Pháp, Thổ. Trong trận này quân Anh bị quân Nga tiêu diệt 700 người. Trường hợp nhà báo Anh Ray Bryant nhớ lại tiền kiếp đã một thời làm xôn xao dư luận nước Anh.
Lúc bấy giờ, chính Bộ Quốc Phòng Anh phải nhờ đến Đại tá John Bird đích thân tìm hiểu sự thật. Đại Tá này đã cùng với một số sử gia lục lọi các tư liệu trong nha Văn Khố, Quốc Phòng Bảo Tàng Viện Chiến Tranh, các thư Viện Quốc Gia, các tài liệu xưa và đã đi đến kết luận là câu chuyện không phải bịa đặt vì họ đã tìm thấy tên của một trung sĩ tên là Reuben Stafford.
2.5. Bí ẩn về cậu bé Carl Edon.
Câu chuyện luân hồi được cho là kỳ lạ nhất là câu chuyện của Carl Edon, sinh ra tại Anh. Cậu không chỉ nhớ được kiếp trước của mình, mà còn biết được thời điểm mình sẽ “ra đi” trong kiếp này.
Cậu bé nhớ về tiền kiếp của mình là một phi công và đã qua đời trong một vụ rơi máy bay, cậu bé đã vẽ lại phù điêu của Đức quốc xã và buồng lái máy bay một cách chi tiết, tỉ mỉ, cậu đã kể lại quá trình chiếc máy bay gặp nạn, sự ra đi của mình ở kiếp trước và cậu đã tiên đoán về sự ra đi của mình trước năm 25 tuổi ở kiếp này.
Vào mùa hè năm sau, Edon 22 tuổi, cậu cãi nhau với một đồng nghiệp tại nơi làm việc và bị đâm 37 nhát cho đến chết.
Tất cả những sự trùng hợp đáng kinh ngạc đã khiến câu chuyện của Edon một lần nữa trở thành tiêu đề nổi bật của các tờ báo và được gọi là câu chuyện luân hồi kỳ lạ nhất.
3. Câu chuyện luân hồi và những giá trị nhân sinh.
Trở lại câu chuyện về Tiến sĩ Ian Pretyman Stevenson – một bác sĩ tâm thần người Canada, ông được biết đến với nghiên cứu về các trường hợp mà ông coi là bằng chứng về sự luân hồi, với ý tưởng rằng cảm xúc, ký ức và thậm chí cả các đặc điểm cơ thể có thể được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác.
Trong khoảng thời gian 40 năm nghiên cứu thực địa quốc tế, Tiến sĩ Stevenson đã tìm hiểu và xác minh gần 3.000 trường hợp trẻ em có ký ức về những trải nghiệm ở kiếp trước. “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp” (tựa gốc: “Children who remember previous lives”) là cuốn sách tóm tắt công trình nghiên cứu nổi tiếng này của ông. Việc nghiên cứu các dấu hiệu chứng tỏ ký ức của một người vẫn tồn tại sau khi chết.
Bên cạnh những nghiên cứu của các nhà khoa học thì những câu chuyện “người thật việc thật” như câu chuyện của bà Trần Thị Sương sinh năm 1924, sống ở Tây Ninh. Bà là người đã sống lại sau khi hồn đã lìa khỏi xác cũng và bà đã kể lại hành trình của mình khi đi qua cửa tử. Trải qua giai đoạn đi vào cõi âm, bà Sương đã thay đổi hẳn suy nghĩ và cách sống. Trước khi chưa chết, bà không tin có linh hồn, không tin có Thần Phật, nhưng khi trở về từ cõi chết, bà quyết sống một đời sống khác, bà trở nên có tín ngưỡng vào Thần Phật, sẵn sàng làm giúp đỡ người khác, bà cũng bắt đầu ăn chay, bà hiểu rằng dương mệnh ở đây mà kết thúc thì không phải là hết. Con người là phải đi theo quy luật luân hồi chuyển kiếp.
Trên thực tế vào khoảng 3.000 năm trước, Phật giáo đã nghiên cứu đối với thực nghiệm cận với cái chết. Kinh “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh” có một đoạn miêu tả thể nghiệm cận cái chết: “Người làm thiện ở cõi Diêm Phù Đề đến lúc lâm chung lại có trăm ngàn ác đạo quỷ thần hoặc biến ra hình Cha Mẹ, thậm chí thành người thân thuộc tiếp đón người chết dẫn vào đường ác, huống hồ là những người làm ác”.
Từ những câu chuyện trên, chúng ta nhận ra rằng khái niệm “chết là hết” không phải là lập luận mang tính xác thực tuyệt đối, dù có nhiều công trình nghiên cứu nhưng đến nay, khoa học vẫn chưa thể khẳng định chính xác về điều này. Vì vậy những câu chuyện tâm linh đã trở thành chủ đề “thực hư” vượt ra khỏi ngưỡng giới hạn của khoa học và cả Tôn giáo. Phật giáo được xem là một đạo giáo có cách lý giải về hiện tượng vong linh và luân hồi như một sự tiếp diễn liên tục, luân hồi tạo nên từ “Nghiệp” và chấm dứt khi đã tận diệt mọi hữu lậu. “Chân thật vĩnh hằng mới là đời sống tâm linh của chúng ta” nên Tôn giáo mang tính phi khoa học (non-science) chứ không phải phản khoa học (anti-science) và linh hồn, có hay không sau khi con người rời bỏ thân xác, vẫn là điều bí ẩn, tuy nhiên ở góc độ siêu linh thì vong linh và sự luân hồi đã được lý giải dựa trên hành trình sinh tử của con người, trong đó đạo Phật đã dẫn dắt con người khám phá thế giới tái sinh luân hồi dưới sự tiếp biến của khoa học văn minh và tâm linh mầu nhiệm. Chính vì tin vào tiền kiếp, có nhân quả, có sự tái sinh mà con người sẽ biết nhìn lại những hành vi, lối sống của mình để tạo điều lành, tránh điều ác để sau khi lìa bỏ thân xác tạm bợ này thì không bị những nghiệp lực đeo mang, làm cho thần thức bị mù mịt, không thể siêu thoát, hoặc bị đọa lạc luân hồi vào con đường đau khổ. Tuy nhiên cũng chính vì yếu tố kỳ bí và chưa thể lý giải một cách tuyệt đối nên câu chuyện về những vong linh và thuyết luân hồi đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ đánh vào lòng tin của nhiều người để trục lợi bằng nhiều hình thức tà giáo, mê tín dị đoan, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, vì vậy mỗi người chúng ta cần có những hiểu biết đúng đắn trên tinh thần bi mẫn về khái niệm luân hồi sinh tử để bài trừ những niềm tin mù quáng, phản khoa học, trái với tín ngưỡng Tôn giáo, giúp chúng ta xây dựng được một đời sống tâm linh hướng thiện.
Võ Đào Phương Trâm (Tổng hợp)