50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 4
50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 4
Ian Crofton
Trần Quang Nghĩa dịch
16 NGƯỜI INCA VÀ AZTEC
Dân chúng Âu châu trung cổ nghĩ rằng ngoài nền văn hóa của mình cũng tồn tại nhiều nền văn hóa và các nhà cai trị rực rỡ khác – các vua Hồi và kha-lip của thế giới Hồi giáo, các Đại Hãn trên thảo nguyên, hoàng đế Trung Hoa xa xôi. Nhưng họ không ngờ rằng về hướng tây bên kia Đại Tây Dương, nơi mặt trời lặn, nằm ở đấy một lục địa mênh mông nơi nảy nở nhiều nền văn minh với mức phồn thịnh và rực rỡ chưa từng được tưởng tượng.
Điều mỉa mai là, khi họ chạm trán với nền văn minh này – nền văn minh Inca và Aztec – thì một đám người mạo hiểm làm thuê Âu châu chỉ trong một vài năm ngắn ngủi đã hủy diệt hoàn toàn nền văn minh ấy.
Những người đầu tiên đến lục địa Bắc Mỹ từ đông Á vào một thời điểm nào đó trong Kỷ Băng Hà cuối cùng, khi hai lục địa còn nổi liền nhau bằng một cầu đất. Đợt di cư này có thể xảy ra khoảng sớm nhất là 25,000 năm cách đây, và muộn nhất là 80,000 năm cách đây, khi mực nước biển dâng lên nhấn chìm cầu đất băng qua eo biển Bering. Sau đó, người di cư tràn xuống khắp châu Mỹ. Có thể dò tìm được vết tích của hoạt động canh tác ngược đến thiên niên kỷ thứ 7 TCN trong miền núi non Andes ở Nam Mỹ, trải dài từ đó đến những phần khác của lục địa.
Những nền văn minh khởi thủy
Khi tình trạng dư thừa nông sản khiến xã hội có thể trở nên phức tạp hơn, các trung tâm nghi lễ vĩ đại đầu tiên xuất hiện ở cả Trung Mỹ lẫn vùng Andes. Một số đền đài nổi bật nhất – gồm các quảng trường, tòa tháp và đầu đá khổng lồ – đã được xây dựng khoảng 1200 TCN trên bờ biển Caribbean ở Trung Mỹ bởi dân tộc Olmec. Các trung tâm nghi lễ phát triển thành các thành phố – đền được bố trí kiểu hình học dựa vào nguyên tắc thiên văn, như Tiahuanaco ở vùng Andes và Teotihuacán ở thung lũng Mexico. Vào thiên niên kỷ 1 SCN Teotihuacán có dân số khoảng 200,000 người, lớn hơn bất cứ thành phố Âu châu nào thời đó, ngoài La Mã trước khi sụp đổ. Nhưng vào cuối thiên niên kỷ Teotihuacán, cùng với những thành bang lớn của dân tộc Maya ở bán đảo Yucatán, đã bị bỏ hoang – vì những nguyên nhân chưa được biết rõ.
Đầu đá khổng lồ của nền văn minh Olmec
Nhiều đặc tính lâu bền của nền văn hóa Trung Mỹ có nguồn gốc trong những xã hội khởi đầu này. Tại trung tâm các thành phố và trung tâm nghi lễ đứng sừng sững những tòa tháp bậc thang cao chót vót. Họ cũng quan tâm đặc biệt đến thiên văn và bộ lịch, còn người Maya đặc biệt phát triển một hệ thống toán học tinh tế, như ký hiệu giá trị một chữ số dựa trên vị trí của chúng, cũng như một hệ thống chữ viết còn được sử dụng ở Trung Mỹ tại thời điểm người Tây Ban Nha đến phá đám.
Cuối cùng, họ có tập tục hiến tế người sống để dâng cúng các vị thần khát máu ban cho mưa thuận gió hòa. “Khi họ hiến tế một thổ dân khốn khổ,” một nhân chứng Âu châu ở thế kỷ 16 viết, “họ mổ banh ngực nạn nhân bằng con dao đá rồi nhanh nhẹn móc ra một quả tim còn đập, đầy máu. . . ” Hiến tế người cũng là một đặc điểm ở một số nền văn hóa Andes.
Những đường Nazca
Sa mạc Nazca ở Peru rải rác hàng trăm hình vẽ tạo bởi những đường nét khổng lồ. Một số là những hình dạng hình học đơn giản trong khi những hình vẽ khác mô tả những con vật như khỉ, cá voi sát thủ, bò sát và chim ruồi. Những hình bí ẩn này được tạo ra trong một thời kỳ gần một ngàn năm, từ khoảng 200 TCN đến 700 SCN, và được tạo ra bằng cách loại bỏ những phần đá đen trên nền sa mạc để hiển hiện phần đất màu nhạt hơn bên dưới. Chúng lớn đến nỗi đường bao của hình chỉ có thể nhận diện được từ không trung, vì thế những người làm ra chúng ắt hẳn không thể nhìn thấy chúng một cách toàn bộ. Tuy nhiên, phương pháp làm nên những hình như thế không quá phức tạp, và chắc chắn chúng được sử dụng cho những nghi thức khác nhau thuộc shaman giáo, trong đó người thờ cúng sẽ đi hành lễ dọc theo con đường đã vẽ trước khi dâng lễ vật hiến tế đến thần linh.
Một hình vẽ ở Nazca, Peru
Những đế chế cuối cùng
Khi những người Âu đầu tiên đến lục địa châu Mỹ vào đầu thế kỷ 16, hai đế chế lớn còn đang trị vì trên vùng đất rộng lớn. Bộ phận lớn Trung Mỹ dưới quyền thống trị của dân Aztec, trong khi vùng Andes, từ Ecuador đến bắc Chile, được dân Inca ở Peru cai trị. Aztec là nhà nước cuối cùng trong số các nhà nước hiếu chiến thống trị vùng Trung Mỹ vào thời kỳ tiền Columbus (tức trước khi Columbus khám phá ra châu Mỹ). Từ kinh đô Tenochtitlan tráng lệ của họ (trên địa điểm ngày nay là Mexico City) họ bắt các dân tộc láng giềng phải nộp cống và nạn nhân hiến tế trên qui mô lớn.
Nhà nước Inca có vẻ ít khát máu hơn (mặc dù tập tục hiến tế người sống không phải là không có) và thống nhất hơn. Nhiệm vụ của chính quyền trung ương được hoàn thành thuận tiện hơn nhờ mạng lưới đường xá xây dựng tốt, chạy dài hàng ngàn dặm băng ngang dọc đế quốc. Tuy nhiên, không ở đâu trên châu Mỹ có việc sử dụng bánh xe; việc vận chuyển đều bằng đi bộ hoặc – trong vùng Andes – trên lưng con vật chở nặng chủ yếu là lạc đà không bướu. Để hỗ trợ sự giao tiếp người Inca sử dụng hệ thống những đoạn giây thắt nút gọi là quipu, dùng trong việc tính toán hoặc kiểm kê, mặc dù, không giống như ký tự Maya, nó có vẻ không phát triển thành một hệ thống chữ viết linh hoạt hơn.
“Nhiều chúa tể đã bước đi trước Moctezuma vĩ đại, quét mặt đất và trải thảm trên đoạn đường ngài sẽ bước chân lên, để ngài không giẫm chân trên đất.”
Bernal Díaz del Castillo, Cuộc Chinh Phục Tân Tây Ban Nha, thập niên 1560, mô tả cách đi đứng của hoàng đế Aztec.
Bản đồ các đế chế cuối cùng
Cuộc chinh phạt của Tây Ban Nha
Khi các tay conquistadore (bọn Tây Ban Nha cướp phá Trung và Nam Mỹ) lần đầu tiên chạm trán với các nền văn minh này, họ kinh ngạc trước sự hoành tráng của chúng, và hồ hởi khai thác chiếm đoạt bằng mưu mẹo và sự vượt trội về kỹ thuật. Thổ dân không chỉ thiếu bánh xe, mà công cụ và vũ khí của họ còn làm bằng đá. Vì thế khi đương đầu với binh lính Tây Ban Nha với mũ thép và áo giáp sắt, gươm thép, súng và ngựa, họ hoàn toàn bị áp đảo.
“Một số binh lính chúng tôi thậm chí không tin vào mắt mình, tưởng đang nằm mơ.”
Bernal Díaz del Castillo, một conquistador đồng hành với Cortes, mô tả phản ứng của binh lính Tây Ban Nha trước những kỳ quan của kinh đô Tenochtitlan của người Aztec
Thành phố Tenochtitlan của người Aztec
Ở Mexico, tên chỉ huy bọn conquistador Hernan Cortes nhận thấy rằng người láng giềng của dân Aztec quá đỗi sung sướng được gia nhập hàng ngũ Tây Ban Nha để tấn công kẻ cai trị họ, mà sự đòi hỏi không thỏa thuê những nạn nhân hiến tế đã khiến họ căm thù từ lâu. Trong chỉ hơn một năm, vào 1519-20, Cortes và một vài trăm binh lính Tây Ban Nha đã đánh bại lực lượng đông đảo người Aztec, một phần vì chúa tể Moctezuma của họ tin rằng Cortes chính là hiện thân của thần Quetzalcoatl (Thần Rắn Có Lông Vũ), và vì vậy không dám kháng cự.
Ở Peru tình tiết cũng tương tự, khi Francisco Pizarro, một tên phiêu lưu kiếm chác dã man Tây Ban Nha khác, đang xục xạo tìm vàng và quyền lực, dẫn theo không đến 200 lính tấn công người Inca. Năm 1532 y lừa vua Inca, Atahualpa, vào bẫy, tàn sát đoàn hộ tống hàng ngàn chiến binh của ông, và bắt ông làm tù binh. Atahualpa chịu nộp cho Pizarro một căn phòng đầy vàng để được phóng thích, nhưng khi đã nhận vàng Pizarro nuốt lời và ra lệnh thiêu sống Atahualpa tại cột. Khi, đối diện với tử thần, nhà vua chịu cải sang đạo Cơ đốc, Pizarro thả ông và sau đó cho người xiết cổ ông. Cuộc chinh phục Tây Ban Nha hoàn tất vào năm 1535 sau khi chiếm được Cuzco, kinh đô người Inca. Cả ở đây lẫn ở Mexico quyền lực thuộc địa mới bắt đầu tiến hành cuộc nô lệ hóa và cưỡng bách cải đạo thổ dân, và hủy diệt tất cả những gì còn lại trong nền văn hóa của họ.
Thành lũy Machu Picchu của người Inca
TÓM TẮT
Những nền văn minh hàng ngàn năm bị quét sạch chỉ trong vài năm
DÒNG THỜI GIAN
8000 TCN | Mực nước biển dâng cao nhấn chìm cầu đất nối châu Á và Bắc Mỹ |
6500 TCN | Đậu, bí và tiêu được trồng ở vùng Andes Peru |
4700 TCN | Bắp trồng ở Trung Mỹ |
1500 TCN | Các trung tâm nghi lễ lớn bắt đầu ra đời ở Trung Mỹ và vùng Andes |
1200 TCN | Xuất hiện nền văn minh Olmec ở Trung Mỹ và nền văn minh Chavin ở Andes |
400 TCN | Bắt đầu nền văn minh Zapotec tập trung quanh thành phố Monte Alban ở Trung Mỹ |
200 TCN | Thành lập thành phố Teotihuacan ở thung lũng Mexico |
100 SCN | Bắt đầu nền văn minh Moche ở bắc Peru |
300 | Bắt đầu nền văn minh Maya và hệ thống chữ viết ở Yucatan |
Đầu thế kỷ 7 | Mái bằng, ống dẫn nước sinh hoạt và kênh thoát nước được xây dựng bởi các nền văn hóa Nazca, Huari và Tiwanaku ở vùng Andes |
Giữa thế kỷ 7 | Teotihuacan suy thoái |
Khoảng 900 | Sụp đổ các thành bang Maya; trỗi dậy văn minh Toltec, đặt kinh thành tại Tula ở thung lũng Mexico |
Thế kỷ 12 | Đế chế Toltec sụp đổ |
k. 1200 | Thành lập triều đại Inca |
1345 | Người Aztec thành lập Tenochtitlán |
Thế kỷ 14-15 | Đế chế Chimu ở Peru |
Thế kỷ 15 | Đế chế Inca mở rộng đến cực điểm |
1519-21 | Tây Ban Nha chinh phục đế chế Aztec |
1532-5 | Tây Ban Nha chinh phục đế chế Inca |
17 CÁC ĐẾ CHẾ VÀ VƯƠNG QUỐC PHI CHÂU
Khi các nhà thám hiểm Âu châu lần đầu tiên nghiên cứu những tàn tích của Zimbabwe Vĩ đại vào cuối thế kỷ 19, họ tin rằng phức hợp cung điện hoàng gia rộng lớn này, với tường đá và tháp canh cao vút, không thể nào người Phi bản địa có khả năng xây dựng được. Họ khẳng định, những tàn tích ắt hẳn phải là công trình của người Phoenicia hoặc Ả Rập, và các câu chuyện được dựng lên kết nối địa điểm với truyền thuyết về hầm châu báu của Vua Solomon và Hoàng hậu vùng Sheba.
Nó đơn giản là không phù hợp với dự án thuộc địa hóa của châu Âu nếu xem người Phi da đen có khả năng phát triển một xã hội có mức độ phồn thịnh và phức tạp cần thiết để tạo ra được sự tráng lệ như thế.
Cũng có sự ngờ vực tương tự khi những người Âu đầu tiên đối mặt với những tượng đầu bằng đồng gây choáng ngợp ở Ife trong vùng đất ngày nay ở tây nam Nigeria. Cả về phương diện thẩm mỹ lẫn kỹ thuật những tượng này, có niên đại từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16, ngang bằng hoặc vượt hơn bất kỳ thứ gì được sản xuất ở châu Âu vào thời điểm đó. Nhưng khi các chứng tích khảo cổ tích lũy, cả ở Ife lẫn ở Zimbabwe Vĩ đại, chứng minh rõ ràng là trong cả hai nơi này những vương quốc bản địa hùng mạnh và thịnh vượng đã nảy nở trong thời Trung Cổ của châu Âu. Và đây chỉ là hai trong số nhiều vương quốc và đế quốc giàu có nổi lên ở vùng Phi châu Hạ Sahara trong thời kỳ tiền thuộc địa.
Cái nôi của nhân loại
Chính ở châu Phi mà tổ tiên chủng người sớm nhất của chúng ta đã đầu tiên tiến hóa, khoảng 4 triệu năm cách đây. Khoảng 2 triệu năm sau đó, Homo erectus (Người đứng thẳng), một chủng người sớm sủa, bắt đầu di tản ra khỏi châu Phi, đi đến tận châu Âu và đông Á. Người hiện đại, Homo sapiens, cũng đầu tiên tiến hóa ở châu Phi, cách nay khoảng 200,000 năm. Cách đây khoảng 100,000 năm một số người hiện đại này bắt đầu rời bỏ châu Phi để di cư đến châu Âu và châu Á, và từ đó đến Úc, Oceania (các khu vực đảo ở Thái Bình Dương) và châu Mỹ.
Chính châu Phi cũng trải qua trận biến đổi khí hậu sau 5000 TCN, mà kết quả là việc hình thành Sa mạc Sahara. Sa mạc biến thành một rào cản tự nhiên giữa những dân tộc sống ở hai bên nó. Những người sống ở phía bắc sa mạc nằm trong phạm vi của Địa Trung Hải và khu vực Cận Đông. Lịch sử của họ trộn lẫn với lịch sử Ai Cập cổ đại, của Carthage, của những đế chế Alexander Đại Đế, La Mã, Ả Rập và dân Thổ Ottoman Hồi giáo.
Phía nam sa mạc, quá trình phát triển xảy ra phần lớn theo một cách độc lập. Khoảng 4000 TCN các cộng đồng canh tác đã được hình thành ở những vùng cỏ Sahel, khu vực phía nam Sahay, nấu luyện sắt xuất hiện ở Tây Phi vào thiên niên kỷ 1 TCN, và một số vùng định cư trù phú hình thành, hoạt động mậu dịch phát đạt với các dân du mục sa mạc ở phía bắc và các dân tộc sống trong rừng ở phía nam.
Giữa khoảng 2,000 và 1,500 năm cách đây các cộng đồng canh tác Thời Đồ Sắt bắt đầu lan rộng về phía đông nam từ Tây Phi, giờ được biết dưới tên cuộc di dân Bantu. Những người săn bắn-hái lượm bản địa ở phương nam bị cô lập hóa và yếu thế: những người lùn ở trung Phi tìm nơi trú ẩn trong vùng rừng mưa nhiệt đới dày đặc, trong khi người San (thổ dân) nam Phi bị co cụm trong Sa mạc Kalahari.
Các dân tộc phía nam Phi châu
“Giữa những mỏ vàng của đồng bằng nội địa. . . có một thành lũy xây bằng đá có kích cỡ đáng kinh ngạc. . . “
Vicente Pegado, đại úy của lực lượng đồn trú Bồ Đào Nha ở Sofala trên bờ biển Mozambique, mô tả về Zimbabwe Vĩ đại, 1531.
Những mối tiếp xúc văn hóa
Có nơi tiếp xúc xảy ra giữa châu Phi Hạ Sahara và những dân tộc phía bắc. Sông Nile cung cấp mối dây kết nối giữa Ai Cập của các pha-ra-ông và những dân tộc đã đậm màu hơn ở phía nam, ở Nubia (bắc Sudan). Nubia bị người Ai Cập chinh phục rất sớm, từ thiên niên kỷ 2 TCN, và một số pha-ra-ông sau này thực sự có nguồn gốc Nubia. Chính người Nubia, khoảng 100 SCN, đã thành lập vương quốc Axum dọc theo bờ biển Hồng Hải. Ban đầu Axum cũng cai trị một phần Ả Rập, nhưng sau đó các nhà cai trị tiến sâu hơn vào nội địa để thành lập vương quốc Abyssinia ngày nay là Ethiopia. Abyssinia theo đạo Cơ đốc vào thế kỷ 4 SCN, và thành công trong việc bảo vệ cá tính và sự độc lập trước ảnh hưởng người Hồi-Ả Rập và cuộc xâm lăng Âu châu cho đến khi người Ý đến chiếm đóng vào 1935-41.
Ở nơi khác trong châu Phi, người Hồi bắt đầu thống trị. Đã nhanh chóng lan khắp phía bắc lục địa vào thế kỷ 7, sau đó nó bắt đầu thấm dần xuống phía nam qua những con đường mậu dịch xuyên Sahara vào thế kỷ 11. Người đi biển Ả Rập cũng truyền bá tôn giáo và văn hóa của họ xuống bờ biển phía đông châu Phi, tại đó họ thiết lập một số trạm buôn bán như Mombasa.
“Ở đây qui tụ nhiều thầy thuốc, luật sư, giáo sĩ và những người có học vấn, sống sung túc dưới sự đãi ngộ ưu ái của nhà vua.”
Leo Africanus, Lịch sử và Con người Phi Châu, 1550, mô tả về Timbuktu, kinh đô đế chế Mali.
Vàng, ngà voi và nô lệ
Chính việc buôn bán vàng với người Ả Rập trên bờ biển Đông Phi đã đem đến sự giàu có để xây dựng nên Zimbabwe Vĩ đại vào thế kỷ 14 và 15. Xuất khẩu vàng, ngà voi và nô lệ qua các con đường mậu dịch xuyên Sahara đã tạo ra nền tảng cho sự hưng thịnh và quyền lực của một số đế chế và vương quốc thay phiên nhau thống trị những bộ phận của Tây Phi và Sahel. Từ thế kỷ 8 đến 11, đế chế Ghana mở rộng qua những lãnh thổ ngày nay là Mauritania và Mali, và người ta cho rằng các nhà cai trị của nó có thể tập hợp một quân đội đông đến 200,000 người. Vào thế kỷ 13-15, đế chế Mali cai trị những phần đất xa phía trên Sông Niger, và về phía tây đến bờ biển Đại Tây Dương. Những đế chế khác tiếp bước theo sau: Songhai vào thế kỷ 15 và 16, thậm chí còn rộng lớn hơn cả Mali; và Bornu, tập trung quanh Hồ Chad, lên đến cực thịnh vào thế kỷ 17.
Sự hào phóng của Mansa Musa
Đế chế Mali giàu có đến nỗi khi nhà cai trị mộ đạo của nó, Mansa Musa, đi hành hương đến Mecca vào năm 1324 ông dẫn theo hàng vạn tín đồ – binh sĩ, nô lệ, các viên chức và vợ – cùng với 100 lạc đà, mỗi con chở 45 kí vàng. Khi ông đến Cairo (Ai Cập), ông tiêu quá nhiều vàng, “nhận chìm thành phố bằng sự hào phóng của mình,” đến nỗi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng vọt, và tiền tệ địa phương phải mất vài năm mới trở lại giá trị cũ.
Việc buôn bán nô lệ tăng lên ngất ngưởng khi từ thế kỷ 15 người Bồ Đào Nha thiết lập các trạm buôn bán dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi. Người Bồ Đào Nha được nối gót theo bởi người Hà Lan, Pháp và Anh, và một số vương quốc Phi châu ở nội địa- Benin, Oyo và Ashanti – làm ăn phát đạt một phần vì nhu cầu nô lệ dường như vô hạn. Việc buôn bán nô lệ – theo đó hàng triệu người Phi châu da đen được chở tàu băng qua Đại Tây Dương để lao động khổ sai trong các đồn điền ở Tân Thế Giới – có hiệu quả hủy diệt khủng khiếp đối với xã hội Phí châu truyền thống. “Địa ngục Phi châu” này, như tên thường gọi, biến lục địa đen thành mồi ngon cho các cường quốc Âu châu mặc tình xâm chiếm làm thuộc địa trong cuối thế kỷ 19. Chỉ một ít vương quốc Phi châu – như Ashanti ở Tây Phi và Zulu ở nam Phi – có thể tiến hành cuộc kháng chiến khá hiệu quả, cho dù cuối cùng họ cũng bị đè bẹp.
TÓM TẮT
Các đế chế giàu có và hùng mạnh đã có lần nảy nở trong vùng mà người châu Âu gọi là “lục địa tăm tối”.
DÒNG THỜI GIAN
4000 TCN | Canh tác có mặt ở Sahel |
Thế kỷ 8-7 TCN | Vương triều Nubia cai trị Ai Cập |
500 TCN | Luyện sắt được văn hóa Nok ở Tây Phi phát triển |
1-500 SCN | Cuộc di dân Bantu |
100 SCN | Thành lập vương quốc Axum |
Thế kỷ 4 | Abyssinia công nhận đạo Cơ đốc |
Thế kỷ 7 | Hồi giáo lan truyền khắp Bắc Phi |
Thế kỷ 8-11 | Đế chế Ghana |
Thế kỷ 11 | Hồi giáo thiết lập ở Sahel |
Thế kỷ 12-16 | Vương quốc Ife |
Thế kỷ 13-15 | Đế chế Mali |
Thế kỷ 14-15 | Xây dựng Zimbabwe Vĩ đại |
Thế kỷ 15 | Bồ Đào Nha thiết lập trạm buôn bán trên bờ biển phía tây của châu Phi |
Thế kỷ 16-16 | Đế chế Songhai |
Thế kỷ 16-19 | Buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương |
1652 | Hà Lan thành lập thuộc địa ở Cape Town |
Thế kỷ 17 | Đế chế Bornu và vương quốc Benin cực thịnh |
Thế kỷ 17-18 | Đế chế Oyo phát triển rực rỡ |
Thập niên 1820 | Người Shaka lập nên một đế chế Zulu hùng mạnh ở nam Phi |
1824-1901 | Vương quốc Ashanti chống lại quân Anh |
1875-1900 | “Chạy đua đến châu Phi”: lục địa bị các cường quốc thuộc địa chia năm xẻ bảy |
1879 | Zulu đánh bại quân Anh ở Isandlwana |
1896 | Người Ethiopia đánh bại cuộc xâm lược của Ý |
18 THỜI PHỤC HƯNG
Chỉ đến thế kỷ 19 các sử gia văn hóa mới dùng đến thuật ngữ thời Phục Hưng – một từ Pháp có nghĩa là Sự Sống Lại – để chỉ sự phục sinh những khuôn mẫu cổ điển trong nghệ thuật và văn chương xảy ra ở châu Âu từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16. Cùng với sự phục sinh này họ cổ vũ một trào lưu ly khai quan điểm lấy Chúa Trời làm trung tâm mà hướng về thế tục trong đó con người là trung tâm sân khấu.
Trong thời kỳ Victoria, các sử gia thường xem lịch sử như một câu chuyện về sự tiến bộ, trong đó nhân loại liên tục tự cải thiện qua thời gian, từ tình trạng man di và mê tín sang lý trí, khai sáng và cung cách mực thước, tử tế. Theo cốt chuyện này, thì văn minh Tây phương đã vấp phải một sự thoái trào khi La Mã sụp đổ, và bước vào “Thời kỳ Tăm tối” lâu dài, chỉ tiến đến ánh sáng một lần nữa sau khi phát hiện lại những giá trị cổ điển – những giá trị của Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Nghệ thuật thị giác
Khái niêm cho rằng nhân loại đã thành tựu một điều mới mẻ và nổi bật trong thời kỳ mà giờ đây chúng ta gọi là thời Phục Hưng có trước thế kỷ 19, và nhờ nhiều đến nghệ sĩ và nhà viết tiểu sử người Ý Giorgio Vasari (1511–74). Trong tác phẩm Cuộc Đời các Họa Sĩ (1550), Vasari mô tả bằng cách nào ngay từ cuối thế kỷ 13 các họa sĩ vùng Tuscany như Giotto đã phản ứng chống lại nghệ thuật Gô-tích của thời Trung Cổ và bắt đầu “thanh lọc mình khỏi phong cách thô thiển này.” “Những người đến sau,” Vasari tiếp tục, “có thể phân biệt đâu là tốt, đâu là xấu, và bỏ rơi phong cách cũ rồi bắt đầu sao chép theo người cổ đại với tất cả nhiệt huyết và cần mẫn.” Phiên bản về lịch sử nghệ thuật của Vasari lên đến cực điểm bằng sự hoàn hảo đạt được, như ông quả quyết, bởi bạn ông, hoạ sĩ và điêu khắc gia Michelangelo (1475-1564). “Ông vượt qua không chỉ những người đã vượt qua Tự Nhiên,” Vasari tán tụng, “mà còn vượt qua nghệ sĩ cổ đại nữa, những người không nghi ngờ gì đã vượt qua Tự Nhiên. Ông đã đi từ chính phục này đến chinh phục khác, không bao giờ bắt gặp một trở lực nào mà mình không vượt qua được bằng sức mạnh của thiên tài thần thánh của mình . . . ” Đó là một sản phẩm xuất sắc về quan hệ công chúng, một sản phẩm đặt ra lịch trình không chỉ cho lịch sử nghệ thuật, mà còn về lịch sử văn hóa nói chung cho vài thế kỷ. Tiêu điểm chuyển từ những nỗ lực tập thể, thường là nặc danh, của những nghệ sĩ trung cổ, như là những người xây dựng các thánh đường lớn, đến những thiên tài cá biệt, những người mà trong huyết quản của họ luôn cháy bùng ngọn lửa sáng tạo thần thánh.
“Thời Phục Hưng . . . đại diện cho tuổi trẻ, và chỉ mình tuổi trẻ – cho sự khao khát và năng lực trí tuệ nắm bắt toàn bộ cuộc sống. . .”
Bernhard Berenson, Những Hoạ Sĩ Thành Venise, 1984
Đúng là trong lãnh vực nghệ thuật thị giác Thời Phục Hưng có một số cách tân và phát triển nổi bật, lan truyền từ Ý đến những vùng khác ở châu Âu. Trong lãnh vực kiến trúc, phong cách Gô-tích bị loại bỏ để thay bằng những khuôn mẫu Hy Lạp và La Mã được làm sống lại và thích ứng hóa. (Từ “Gothic” được đặt ra vào cuối Thời Phục Hưng hàm ý rằng phong cách của Thời Trung Cổ Giữa cũng có tính lạc hậu như người Goth đã cướp phá La Mã.) Trong hội họa, có một khám phá mới – luật phối cảnh, tạo ra hiệu ứng ba chiều. Trong cả hội họa và điêu khắc chủ nghĩa thế tục lớn mạnh dần. Đề tài của nghệ thuật thời trung cổ khống chế bởi nội dung tôn giáo, và chủ yếu được nhà thờ đặt hàng. Mặc dù đề tài tôn giáo vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong Thời Phục Hưng, nhưng nhiều nhà bảo trợ bên ngoài muốn phô trương sự giàu có của mình bằng cách tô điểm các bức tường trong lâu đài mình bằng những câu chuyện rút ra từ thần thoại Hy Lạp – ít ra không phải chỉ vì những câu chuyện như thế cho hoạ sĩ nhiều cơ hội được mô tả thân thể không mặc quần áo của phái đẹp. Nơi giáo hội dạy về giáo điều của tội lỗi nguyên thủy và xem sự khoả thân là điều hỗ thẹn, thì người nghệ sĩ thời Phục Hưng lại bán rao nét gợi cảm có tính toàn mỹ của con người – nhất là ở khía cạnh hình thể.
Một họa phẩm của Giotto, cha đẻ của thời Phục Hưng
Chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng
Ý tưởng về khả năng hoàn mỹ hóa của con người là quan trọng trong phong trào được biết dưới tên “chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng”. Phong trào này ra đời ở Ý trong thế kỷ 14 khi thi sĩ Petrarch (1304 – 74) – người đầu tiên đặt ra từ “Thời đại Tăm Tối” – cổ vũ mối quan tâm mới vào những tác phẩm của các tác giả Hy Lạp và La Mã cổ đại. Nhiều tác phẩm này đã được phát hiện lại trong hơn hai thế kỷ vừa qua – nhiều văn bản Hy Lạp đã được các học giả Ả Rập bảo quản, và sau đó được người châu Âu phiên dịch ra tiếng Latinh (được nhiều người biết hơn là tiếng Hy Lạp). Từ “chủ nghĩa nhân văn” là rút ra từ chữ Latinh studia humanitatis, là cái tên được đặt cho đề cương giáo dục mới do những đệ tử của Petrarch đề xuất. Đề cương này, dựa vào văn chương cổ điển, bao gồm năm chủ đề cốt lõi: tu từ học, thi ca, văn phạm, lịch sử và triết lý đạo đức.
“Con Người Phục Hưng”
Ý tưởng về khả năng hoàn hảo hóa con người được thể hiện trong khái niệm về “con người Phục Hưng” toàn diện, được phát biểu mạch lạc và hùng hồn bởi
Baldassare Castiglione trong tác phẩm Triều Thần (1528) của ông. “Quan triều của chúng ta nên xuất thân là người quý tộc,” ông viết, ” được ban cho không chỉ tài năng và vẻ đẹp ngoại hình, mà còn có tính duyên dáng.” Ông ta phải là một chiến binh xuất sắc, một kỵ mã oai phong, có thể nói giỏi và viết hay, và minh chứng năng lực của mình trong âm nhạc, hội họa. Quyển sách rất được phổ biến, có lẽ bởi vì nó tạo ra mẫu người lý tưởng “parfit, gentil knight” (một hiệp sĩ lịch lãm, hoàn hảo” vốn là trung tâm của quan niệm đấng nam nhi mã thượng thời trung cổ trong nhiều thế kỷ.
The Italian umanisti (nhà nhân văn Ý), danh hiệu được gán cho các học giả cổ điển, nhắm đến không chỉ là bắt chước phong cách của các tác giả cổ đại, mà còn công nhận thái độ truy vấn tri thức, tháo bỏ mọi xiềng xích mà giáo điều Cơ đốc trói buộc (mặc dù họ không dám đi quá xa đến độ chối bỏ lời dạy của giáo hội). Khảo cứu điều gì tạo nên đức hạnh có tầm đặc biệt quan trọng – cách thức người đức hạnh xử sự trong phạm vi chính trị, trên trận địa, và vân vân. Dù vậy phong cách cũng quan trọng: bằng cách chấp nhận phép tu từ của những nhân vật như nhà hùng biện La Mã Cicero, các nhà nhân văn tin rằng họ có thể gieo trồng đức hạnh nơi người khác và toàn thể nhà nước.
In ấn
Kỹ thuật in bằng cách xếp chữ vào khuôn đã được người Hoa sử dụng từ thế kỷ 11, nhưng châu Âu không được biết tới cho đến khi kỹ thuật này được sáng chế một cách độc lập bởi thợ in Đức Johannes Gutenberg khoảng năm 1450. Trước đây, các văn bản gốc chỉ được sao chép một cách công phu bằng tay, giới hạn ngặt nghèo số lượng và giá sách lưu hành, và do đó giới hạn số kiến thức và phản biện được lan truyền. Việc in bằng con chữ rời cho phép xuất bản với số lượng lớn không chỉ sách, mà còn truyền đơn, bài hát, cẩm nang. Việc này cho phép truyền bá đến độc giả toàn thế giới về các tác phẩm không chỉ của các nhà nhân văn Phục Hưng mà còn của các nhà cải cách tôn giáo, đóng góp có ý nghĩa sự truyền bá của Phong trào Kháng Cách (Tin Lành).
Tình thần truy vấn công khai mà những nhà nhân văn tán thành chẳng bao lâu lan truyền đến bắc châu Âu, nơi học giả Hà Lan
Desiderius Erasmus (1466–1536) trở thành người phê phán cực lực đối với Giáo hội Thiên chúa La Mã. Nhưng ông không hề ủng hộ chủ trương tách rời khỏi La Mã như Martin Luther đề xướng, và mức độ mà tinh thần Phục Hưng ảnh hưởng đến các nhà cải cách Tin Lành còn phải bàn cãi. Cũng cần bàn cãi tương tự là mức độ mà tinh thần này tác động đến sự ra đời của cuộc Cách Mạng Khoa Học vào thế kỷ 16 và 17, biết rằng những nhà thiên văn và giải phẫu học vĩ đại vào thời đó đã bác bỏ những lời giảng dạy của các tác giả cổ điển – và của nhà thờ – mà họ chứng minh là sai bằng những dữ liệu quan sát được. Và chính nhờ Cách Mạng Khoa Học này, chứ không phải chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng, đã thúc đẩy cuộc cách mạng tiến xa hơn nữa về tri thức, đạo đức và triết lý của thời đại Khai Sáng vào thế kỷ 18, trong đó nhiều giá trị Tây phương hiện đại của chúng ta đã bắt rễ.
TÓM TẮT
Một bước đi ra khỏi con đường hướng Chúa thời Trung Cổ nhưng chưa phải là cuộc cách mạng.
DÒNG THỜI GIAN
Thế kỷ 11 | Thành lập đại học đầu tiên ở châu Âu, tại Bologna |
Thế kỷ 12 | Thành lập đại học Paris và Oxford |
Thế kỷ 13 | St. Thomas Aquinas tìm cách kết hợp triết lý của Aristotle với thần học Cơ đốc |
k.1305 | Tranh tường của Giotto tại Nhà nguyện Arena, Padua, những bức tranh vĩ đại đầu tiên của thời Phục Hưng |
k.1321 | Dante hoàn thành tuyệt tác The Divine Comedy (Thần Khúc ) |
1341 | Petrarch, “cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn”, được trao giải khôi nguyên La Mã |
1408 | Donatello sáng tác tượng David |
k.1410-15 | Kiến trúc sư Ý Filippo Brunelleschi phát hiện lại luật toán học về phép phối cảnh mà người cổ đại đã biết |
1420-36 | Brunelleschi xây dựng mái vòm cho Thánh đường Florence |
k.1426 | Masaccio bắt đầu vận dụng phép phối cảnh vào hội họa |
k.1450 | Gutenberg bắt đầu in bằng kỹ thuật sắp chữ |
1471 | Albracht Durer, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thời Phục Hưng |
1474 | William Caxton in quyển sách đầu tiên bằng tiếng Anh |
1486 | Botticelli sáng tác bức họa Sự Ra Đời của thần Vệ Nữ |
k.1503 | Leonardo da Vinci sáng tác bức Mona Lisa |
1508-12 | Michelangelo vẽ trên trần Nhà nguyện Sistine |
1509 | Erasmus, Tán Tụng Trò Điên Rồ, một cuộc phê phán đầy châm biến về những trò lộng hành bên trong Giáo hội Thiên chúa La Mã |
1509-11 | Raphael sáng tác Học Viện Athens |
1513 | Niccolo Machiavelli sáng tác Ông Hoàng, một luận thuyết xác quyết rằng để duy trì quyền lực và ổn định chính trị, thì cứu cánh biện minh cho phương tiện |
1516 | Erasmus xuất bản phiên bản Tân ước bằng tiếng Hy Lạp với bản dịch ra tiếng Latinh |
1516 | Nhà nhân văn Anh Sir Thomas More xuất bản Utopia, phác họa một xã hội lý tưởng |
1528 | Castiglione mô tả mẫu “người Phục Hưng” toàn diện trong Triều Thần |
1550 | Vassari ca ngợi nghệ thuật Phục Hưng trong Cuộc Đời các Họa Sĩ |
19 ĐỂ CHẾ OTTOMAN
Theo một bài viết của người Anh vào năm 1603, người Thổ Ottoman là “nổi khủng bố hãi hùng nhất nhất của thế giới.” Đó là một quan điểm được nhiều người Cơ đốc Âu châu chia sẻ.
Hơn hai thế kỷ trước người Ottoman đã dập tắt những vết tích cuối cùng đế chế La Mã ở phương đông, chinh phục hoàn toàn bán đảo Balkan, và ngấp nghé trước cổng thành Vienna, hăm dọa đặt toàn bộ trung tâm châu Âu dưới ách thống trị của Hồi giáo. Quyền lực của họ trải dài từ Hồng Hải và Vịnh Ba Tư đến Hungary và Bờ biển Barbary ở Bắc Phi, và họ tiến sát đến việc khống chế toàn bộ vùng Địa Trung Hải.
Đế chế Ottoman lấy tên mình từ người thành lập,Osman hoặc Othman I, một lãnh tụ du mục của một nhà nước nhỏ ở Anatolia vào cuối thế kỷ 13 tuyên bố độc lập đối với người Thổ Seljuk, lúc đó là thế lực thống trị trong khu vực. Người ta kể rằng Osman, trong thời gian ở tại nhà của một hiền nhân, nằm mơ thấy mặt trăng thoát ra khỏi ngực của hiền nhân và chui vào ngực mình. “Thế rồi sau đó,” câu chuyện tiếp tục, ” một thân cây mọc ra từ rốn ông và tán lá của nó che rợp toàn thế giới.” Hiền nhân này bảo với Osman giấc mơ này dự báo ông và dòng dõi sẽ lên làm vua.
“Che phủ toàn thế giới”
Osman và những người kế vị tiến hành biến giấc mơ thành hiện thực, dập tắt sự tồn tại của Byzantine ở Tiểu Á và bành trướng vào vùng Balkan, tại đó giới nông dân theo đạo Cơ đốc thấy mình được chế độ Ottoman đối xử tử tế hơn nhiều so với thời sống dưới ách các ông chủ Cơ đốc trước đây. Người Byzantine – những kẻ kế thừa đế chế La Mã phương đông – chỉ còn co cụm trong kinh đô Constantinople, cho đến khi kinh đô này cũng bị thất thủ sau một cuộc vây hãm rầm rộ vào năm 1453, đánh dấu đoạn kết của lịch sử La Mã kéo dài hai thiên niên kỷ và châm ngòi cho một cơn địa chấn rung lắc khắp châu Âu. Người Ottoman chọn Constantinople làm kinh đô của mình, đặt tên lại là Istanbul, tức “thành phố.”
Vua Hồi đánh chiếm Constantinople, Mehmet II, cũng hoàn tất việc chinh phục Hy Lạp và thiết lập bàn đạp băng qua Biển Đen ở vùng Crimea. Những người kế nghiệp ông Bajezid II và Selim I, chinh phục Syria, Levant, Ai Cập và một phần Arabia, kể cả các thành phố thiêng Medina và Mecca của người Hồi.
Quyền lực triều đại Ottoman lên đến tột đỉnh dưới thời còn trai của Selim, Suleiman I (cai trị 1520-66), được biết dưới danh hiệu the Magnificent (Cự Phách). Suleiman đánh chiếm Mesopotamia khỏi tay người Ba Tư, chinh phục Hungary và Transylvania, và vào năm 1529 vây hãm thành Vienna, và chỉ rút quân khi mùa đông đến. Suleiman cũng xây dựng một hải quân hùng mạnh, và sử dụng để đánh chiếm đảo Rhodes khỏi tay các Hiệp sĩ của St John, trong khi quyền lực Ottoman mở rộng vào tận phía tây Địa Trung Hải nhờ tay bọn cướp biển trên bờ biển Barbary, sau này trở thành chư hầu của vua Hồi.
Suleiman I The Magnificent
Đế chế Ottoman trong từng thời kỳ
Đối với người Cơ đốc Tây phương, “bọn Thổ” biểu trưng cho mối đe dọa đến sự tồn vong của họ, và nhiều giai thoại về sự tàn bạo của họ được thêu dệt và lan truyền. Tuy nhiên, về đại thể, các vua Hồi Ottoman cho thấy tỏ ra độ lượng đối với các thần dân theo đạo Cơ đốc hoặc những tin ngưỡng khác không phải là Hồi giáo của họ – tương phản một cách trần trụi với những bức hại tôn giáo mà các ông hoàng Cơ đốc giáo ở châu Âu tiến hành trước khi, trong khi và sau khi có Vụ Cải Cách.
Vua Hồi (Sultan) và Kha-lip
Trong thế giới Hồi giáo, tước hiệu “kha-lip” – có nghĩa “người kế vị” – được trao cho những người lãnh đạo toàn cộng đồng Hồi giáo tiếp sau Mohammed, và trong nhiều thế kỷ sau Mohammed tước hiệu được một số triều đại Ả Rập nắm giữ. Tước hiệu “sultan” được trao cho những người nắm quyền lực phía sau ngai vàng của kha-lip, và được nhìn nhận bởi người Ottoman trong thế kỷ 14. Quyền lãnh đạo bộ phận kha-lip lại chính do các sultan Ottoman nắm giữ trong thế kỷ 16 sau cuộc chính phục Ai Cập và cái chết của vị kha-lip Abbasid cuối cùng. Bộ phận kha-lip cuối cùng bị bãi bỏ vào năm 1924 bởi nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thế tục mới ra đời.
“Con bệnh của châu Âu”
Những tham vọng của Ottoman trong khu vực tây Địa Trung Hải cuối cùng bị đè bẹp vào năm 1571, khi hạm đội Thổ bị lực lượng phối hợp Tây Ban Nha và Venise đánh bại tại Lepanto, ngoài khơi bờ biển Hy Lạp. Sau đó câu chuyện của Ottoman là câu chuyện về sự suy thoái dần dần. Nhìn lại theo quan điểm cuối thế kỷ 19, một sử gia Thổ ví sự thăng trầm của nhà nước Ottoman sau thời Suleiman the Magnificent như một sự dao động giữa “nét tàn úa và buồn thảm của mùa thu” và “sự phục hồi và tươi trẻ lại của mùa xuân.” Nhưng khuynh hướng chung là theo chiều: tiến dần đến tàn tạ. Thổ Nhĩ Kỳ, từng là tai họa của người Cơ đốc, giờ được dán cho nhãn hiệu “con bệnh của châu Âu.”
“Ta, sultan của các sultan, quốc vương của các quốc vương, hình bóng của Thượng đế trên mặt đất. . . “
Suleiman the Magnificent gởi cho Charles V, hoàng đế La Mã Thần Thánh, tháng 6 1547.
Có nhiều nguyên do khác nhau cho sự suy thoái này. Chính các sultan phải gánh lấy một phần trách nhiệm, đắm chìm trong dục lạc trong cung điện xa hoa, bỏ bê việc trị nước, bao quanh bởi cung tần mỹ nữ và bọn nịnh thần. Đồng thời, bộ máy cai trị trung ương tập quyền do Suleiman thiết lập tan rã do các quan tổng trấn địa phương – các pasha – thi nhau chiếm lấy quyền hành lớn hơn. Tính hiệu quả của chính quyền trung ương cũng yếu đi bởi việc đãi ngộ càng ngày càng dựa vào họ hàng thân thuộc hơn là tài năng. Một nhân tố khác là tính bảo thủ tăng lên bên trong thế giới Hồi giáo, vốn trước đây là vườn ươm của những cách tân tri thức và kỹ thuật. Do đó đế chế Ottoman phần lớn không hề tiếp thu hai trào lưu phát triển sống còn đã góp phần biến đổi châu Âu và châu Mỹ trong thế kỷ 18 và 19: sự Khai Sáng và cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ.
Khi khí lực của người Otttoman đã suy kiệt, các cường quốc láng giềng bắt đầu gậm nhấm những vùng lãnh thổ ngoài rìa đế chế của họ. Sau một cuộc vây hãm Vienna khác vẫn không thành công vào năm 1683 của quân Ottoman, người Áo bắt đầu tiến lên, tấn công và chinh phục Hungary, trong khi vào cuối thế kỷ 18 người Nga chiếm lại hầu hết bờ biển bắc của Biển Đen. Trong thế kỷ 19, các thần dân Ottoman theo đạo Cơ đốc đông nam châu Âu bắt đầu rục rịch nổi loạn, và người Ottoman đáp trả bằng hành động dã man – trước sự khủng khiếp của công luận Tây phương. Tuy nhiên, các cường quốc Tây phương cũng cảnh giác trước các tham vọng của người Nga khi quyền lực Ottoman đã suy thoái ở vùng Balkan và đông Địa Trung Hải, sợ cán cân quyền lực sẽ bị phá vỡ. Đặc biệt người Anh tin rằng Nga đe đọa con đường tiến đến Ấn Độ, một tài sản đế quốc quan trọng nhất. Một loạt các cuộc chiến và khủng hoảng ngoại giao nổ ra sau đó, khi Áo và Nga tranh giành quyền thống trị trong vùng Balkan đang tan rã. Cuộc tranh giành này đi tới cực điểm bằng việc bùng phát Thế Chiến I, trong đó Thổ về phe với Áo và Đức chống lại Nga, Anh và Pháp. Sự thất bại tối hậu của Thổ trong cuộc chiến đó đưa đến sự tan rã đế chế Ottoman.
Bọn cướp biển Barbary
Từ thế kỷ 16, bọn cướp biển từ Bờ biển Barbary – Tunisia, Algeria và Morocco ngày nay – chuyên cướp bóc suốt quanh vùng tây Địa Trung Hải và xa đến tận phía nam nước Anh và Ireland, bắt hàng trăm ngàn người Cơ đốc và bán họ như nô lệ. Chỉ đến đầu thế kỷ 19 bọn cướp biển này mới bị các cường quốc Âu châu và Mỹ đánh dẹp. Và tiếp theo sau là tiến trình châu Âu thuộc địa hóa các vùng đất quê hương của họ.
TÓM TẮT
Sự tan rã của đế chế Ottoman ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở châu Âu
DÒNG THỜI GIAN
1299 | Osman I, người khai sinh triều đại Ottoman, tuyên bố độc lập với người Thổ Seljuk |
1389 | Serbia bị Ottoman chinh phục sau chiến thắng tại Kosovo |
1396 | Chinh phục Bulgaria |
1453 | Constantinople thất thủ sau khi bị Ottoman vây hãm |
1460 | Người Ottoman chiếm nam Hy Lạp |
1514 | Sultan Selim I đánh bại Ba Tư tại Chaldiran |
1514-16 | Selim chinh phục Armenia |
1517 | Selim lấy Ai Cập, Syria và tây Arabia |
1522 | Người Ottoman chiếm Rhodes |
1526 | Suleiman the Magnificent chinh phục Hungary sau thắng lợi tại Mohacs |
1529 | Cuộc vây hãm Vienna thất bại của quân Ottoman |
1565 | Các Hiệp sĩ St. John kháng cự cuộc vây hãm Malta của quân Ottoman |
1571 | Quân Ottoman đánh chiếm Cyprus, nhưng bị đánh bại tại Lepanto |
1669 | Create bị chiếm từ tay Venice |
1768-92 | Chiến tranh với Nga dẫn đến việc đánh mất các lãnh thổ quanh Biển Đen |
1804-13 | Cuộc khởi nghĩa thắng lợi của Serbia chống lại ách cai trị của người Thổ |
1829 | Hy Lạp, được Anh, Pháp và Nga hậu thuẫn, giành được độc lập từ Thổ |
1853 | Nga chiếm đóng các tỉnh Moldavia và Walachia (hai tỉnh này sau đó thống nhất thành Romania) |
1853-6 | Thổ, Anh, Pháp và Piedmon đánh nhau với Nga trong Chiến tranh Crimea không ngả ngủ |
1876 | Thổ đàn áp dã man cuộc nổi dậy của Bulgaria |
1878 | Hội nghị Berlin: Romania, Serbia và Montenegro được Thổ trao trả độc lập; Bulgaria được quyền tự trị |
1891 | Phong trào thanh niên Thổ được thành lập để vận động cải cách |
1912-13 | Thổ dính vào các Cuộc Chiến Balkan Lần 1 và 2 |
1918 | Thổ bị bại trận trong Thế Chiến I |
1920 | Lãnh thổ của Ottoman trước đây ở Trung Đông được chia cho Anh và Pháp |
1921-2 | Thổ kháng cự thành công cuộc xâm lăng của Hy Lạp |
1923 | Kemal Ataturk tuyên bố thành lập Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu công cuộc Tây phương hóa |
20 NHỮNG HẢI TRÌNH KHÁM PHÁ
“Khám phá” là một từ chỉ đúng đối với người Âu và rất ư là tương đối trong ngữ cảnh của lịch sử thám hiểm. Những vùng đất mà những người như Vasco da Gama, Columbus và Cabot “khám phá” đã có người ở từ lâu – chỉ có người Âu là chưa từng ở đó. Dù sao thì những “khám phá” này cũng có những kết quả sâu xa cho người khám phá lẫn người được khám phá, và cho thế giới nói chung.
Những chuyến thám hiểm lớn mà người đi biển châu Âu tiến hành từ giữa thế kỷ 15 không phải là không có tiền lệ. Trong hàng ngàn năm những người đi biển Polynesia dạn dày này đã đi hàng ngàn dặm băng qua Thái Bình Dương trong những xuồng chèo, định hướng bằng những vì sao để thuộc địa hóa những hòn đảo xa xôi. Khoảng cuối thế kỷ 9 SCN, người Viking đã thành lập một thuộc địa ở Greenland, và vào năm 1000 Leif Eriksson dựng một khu định cư ngắn hạn gọi là Vinland đâu đó ở đông bắc Bắc Mỹ – có thể trên Newfoundland, hoặc Maine. Cũng khoảng thời gian đó, những nhà buôn Ả Rập đã lập những trạm buôn bán phía dưới bờ biển phía đông châu Phi, và vào đầu thế kỷ 15 đô đốc Trung Hoa Trịnh Hòa cũng đã đến được Đông Phi, và cũng Arabia, Ấn Độ và Đông Ấn. Nhưng không có chuyến đi khám phá nào trong số này hoàn toàn có tác động lâu dài như “khám phá” châu Mỹ của người Âu châu và mở ra các tuyến đường biển mới đến châu Á và xa hơn nữa.
Quanh Mũi Hảo Vọng
Không phải vì mục tiêu mở rộng kiến thức khoa học mà những chuyến đi khám phá đầu tiên của người Âu được tiến hành. Động lực chính là thương mại – đặc biệt, để chia chác lợi tức trong việc buôn bán đồ gia vị cực kỳ quí giá. Gia vị xuất phát từ Ấn Độ (khi miền nam Á và đông nam Á được biết đến), và đến châu Âu bằng những tuyến đường dài và hiểm trở trên đất liền băng qua trung tâm châu Á và Trung Đông. Sự tan rã của đế quốc Mông Cổ và sự bành trướng của người Otttoman trong thế kỷ 14 khiến những tuyến đường này càng thêm nguy hiểm. Cộng hòa Venice gần biển nhỏ bé nhưng hùng mạnh kiểm soát việc mậu dịch từ Cận Đông băng qua Địa Trung Hải đến châu Âu, và điều này tạo nên động lực cho việc canh tranh thương mại bằng cách tìm kiếm một lộ trình thay thế.
Vương quốc Bồ Đào Nha, toạ lạc bên Đại Tây Dương, dẫn đầu, phần lớn nhờ sự cổ vũ của Henry Nhà Hàng hải (1394-1460), con trai thứ của Vua John I. Hoàng tử Henry thành lập một học viện hàng hải, khuyến khích việc thuộc địa hóa Madeira và Azores, và tài trợ một loạt chuyến thám hiểm xuống bờ tây châu Phí, nơi đó một số trạm buôn bán được thành lập. Tất cả việc này có thể thực hiện được nhờ sự phát triển ngành đóng tàu buồm thích hợp với đại dương hơn là các loại thuyền Địa Trung Hải dùng sức chèo, và kết hợp với việc sử dụng nhiều công cụ hàng hải mới như la bàn từ tính (được người Trung Hoa sử dụng lần đầu tiên, và rồi sau đó người Ả Rập), thước quadrant và thước trắc tinh.
Việc bảo trợ các nhà thám hiểm của Hoàng tử Henry vẫn được tiếp tục bởi Vua John II của Bồ Đào Nha sau khi ông qua đời. Nhờ đó, vào năm 1488 Bartolomeu Dias đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở chóp phía nam của châu Phi, chứng tỏ một lộ trình mới qua phía Đông đang rộng mở. Năm 1498 một nhà hàng hải Bồ Đào Nha khác, Vasco da Gama giương buồm quanh Mũi, rồi tiếp tục lên bờ biển phía đông của châu Phi và băng qua đại dương rộng mở đến Calicut, ở tây nam Ấn Độ. Ông quay về với một số lượng nhỏ gia vị.
“Ngài . . . sẽ sớm cải sang đạo thiêng liêng của chúng ta cho một số đông người, chiếm được những lãnh thổ rộng lớn và tài nguyên dồi dào cho Tây Ban Nha. Vì không nghi ngờ gì nữa trong vùng đất ấy có rất nhiều vàng.”
Christopher Columbus, thư cho người bảo trợ, Vua Ferdinand của Tây Ban Nha, 10/1492
Những người khác đi theo bước chân ông, đến xa tận những Đảo Gia vị (Molucca) ở Đông Ấn (Indonesia). Những bản đồ mà họ vẽ ra về những tuyến hải trình phức tạp qua những vùng biển nguy hiểm của quần đảo Malay trở nên có giá trị hơn cả vàng ròng.
Đến Tân Thế Giới
Christopher Columbus không hề biết có sự tồn tại của châu Mỹ khi ông lên đường về phía tây vào năm 1492. Từ lâu người ta đã biết thế giới là mặt cầu, nhưng Columbus, nghĩ rằng Trái Đất nhỏ hơn nhiều so với thực tế, tin rằng nếu đi về hướng tây ông sẽ đến được Ấn Độ nhanh hơn nhiều so với đi vòng qua châu Phi. Theo ghi chép, ông phải mất 33 ngày để dẫn ba thuyền buồm đến được đất liền ở Bahamas, và ông tưởng rằng mình đã đến được Ấn Độ, cho nên ông gọi thổ dân ở đó là Indios (người Ấn – tiếng Anh là Indian để chỉ dân da đỏ, đồng thời cũng có nghĩa là người Ấn, nước Ấn là India: ND).
Columbus là người Ý, nhưng người bảo trợ ông lại là Ferdinand và Isabella, vua và hoàng hậu của một nước Tây Ban Nha vừa được thống nhất. Ferdinand và Isabella là hai người Thiên chúa giáo thuần thành, và Columbus báo cáo rằng “Tân Thế Giới” này đầy những người ngoại đạo sẵn sàng cải sang tín ngưỡng chân thật – và cũng đầy vàng. Việc triều đình Tây Ban Nha tuyên bố vùng đất mới ở phía tây là của mình gặp thách thức từ Bồ Đào Nha, và theo Hiệp ước Tordesillas ký năm 1494, do giáo hoàng bảo lãnh, châu Mỹ được chia cho hai xứ, với Bồ Đào Nha lấy Brazil còn Tây Ban Nha lấy hết phần còn lại. Người Anh cũng chiếm một phần lợi ích ở Tân Thế Giới, khi vào năm 1496 Vua Henry VII bảo trợ cho một nhà hàng hải người Ý, John Cabot, đi đến vùng đông bắc của Bắc Mỹ vào năm sau.
Những hải trình khám phá
Đặt tên là châu Mỹ
Do một trò đùa của số phận, châu Mỹ (America) không được đặt theo tên Christopher Columbus, mà theo tên một nhà buôn thích mạo hiểm thành Florentine, Amerigo Vespucci, người trong năm 1499 đã giương buồm đọc theo bờ biển đông bắc của Nam Mỹ và khám phá ra cửa sông Amazon. Columbus đành phải bằng lòng với việc tên mình được đặt cho một nước cộng hòa vùng Nam Mỹ, một con sông ở Bắc Mỹ, một số thành phố của Hoa Kỳ, một quận liên bang và một tỉnh ở Canada.
Thuộc địa hóa và thống trị
Thêm 90 năm nữa trước khi người Anh tính đến việc thiết lập những vùng định cư ở Bắc Mỹ, nhưng xa hơn về phía Nam người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhanh chân lợi dụng sự vượt trội về kỹ thuật và vũ khí để áp bức những thổ dân. Những đế chế hùng mạnh của người Aztec và Inca chẳng bao lâu bị lật đổ, vàng bạc châu báu của họ bị cướp sạch, và dân bản địa bị bắt làm nô lệ và cưỡng bách sang đạo Cơ đốc. “Đối với những người này,” một giáo sĩ dòng Jesuit vào năm 1563 đã viết, “không có cách giảng đạo nào tốt hơn là bằng lưỡi gươm và và gậy sắt.” Hàng triệu dân bản xứ chết vì bệnh của người Âu do họ không có hệ thống miễn nhiễm với các bệnh ấy.
Công cuộc thống trị thế giới của người Âu đã bắt đầu. Nhưng không phải là không có hậu quả. Khi các cường quốc Âu Tây đối diện với Đại Tây Dương – Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, rồi sau đó Hà Lan, Anh và Pháp – thịnh vượng lên nhờ vào tài sản của những vùng đất mới tìm thấy, vùng Địa Trung Hải trở thành lạc hậu, và những thành phố thương mại lớn của Ý như Venice và Genoa bước vào suy thoái. Tuy nhiên, không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu đều hữu ích. Những số lượng lớn bạc chở về Tây Ban Nha góp phần làm nên nạn lạm phát kinh tế tràn lan khắp châu Âu vào thế kỷ 16. Những món nhập khẩu khác, như thuốc lá và bệnh giang mai, có tác hại tồi tệ hơn đến sức khỏe dân chúng Âu Tây, gây ra cái chết cho hàng triệu người không đếm xuể qua nhiều thế kỷ sau đó.
TÓM TẮT
Các chuyến đi khám phá tạo điều kiện cho châu Âu thuộc địa hóa và thống trị thế giới
DÒNG THỜI GIAN
1402 | Tây Ban Nha bắt đầu chinh phục đảo Canary |
1420 | Thủy thủ Bồ Đào Nha được Hoàng tử Henry bảo trợ khám phá ra Madeira |
1430 | Khu định cư Bồ Đào Nha ở Azores |
1434 | Bồ Đào Nha đi vòng quanh Mũi Bojador trên bờ biển tây bắc châu Phi |
1444 | Bồ Đào Nha đến Sông Senegal, thiết lập hải trình chở nô lệ và hàng hóa và qua mặt tuyến đường xuyên Sahara do người Hồi kiểm soát |
k.1460 | Các nhà hàng hải Ý và Bồ Đào Nha khám phá Mũi đảo Verde |
1488 | Bartolomeu Dias đi vòng quanh Mũi Bão Tố, sau đó được đặt lại tên Mũi Hảo Vọng |
1492 | Christopher Columbus đến đảo San Salvador ở Bahamas, và viếng thăm Hispaniola |
1493-6 | Chuyến đi thứ 2 của Columbus: thăm Guadeloupe, Puerto Rico và Jamaica, và thành lập khu định cư ở Hispaniola |
1494 | Hiệp ước Tordwsillas chia Tân Thế Giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha |
1497-9 | Vasco da Gama giương buồm đến Ấn và trở về qua Mũi Hảo Vọng |
1498-1500 | Chuyến đi thứ 3 của Columbus: đến Trinidad và lục địa Nam Mỹ |
1500 | Pedro Alvarez Cabral đổ bộ ở Brazil và tuyên bố nó thuộc chủ quyền của Bồ Đào Nha |
1502-4 | Chuyến đi thứ 4 của Columbus: thám hiểm bờ biển Caribbean ở Trung Mỹ |
1510 | Bồ Đào Nha thành lập khu định cư thường trực tại Goa, trên bờ biển phía tây Ấn Độ |
1519-21 | Tây Ban Nha chinh phục đế chế Aztec ở Mexico |
1519-22 | Ferdinand Magellan, một nhà hàng hải Bồ Đào Nha phục vụ cho triều đình Tây Ban Nha, dẫn đầu chuyến đi đầu tiên vòng quanh trái đất, lập ra một hải trình mới đến châu Á quanh mũi Nam Phi và băng qua Thái Bình Dương. Magellan bị sát hại năm 1521, và chỉ có một trong đội tàu 5 chiếc trở về Tây Ban Nha |
1532-5 | Tây Ban Nha tàn hoại đế chế Inca ở Peru |
1597 | William Barents, một nhà hàng hải Hà Lan, chết trên đường trở về trong chuyến đi thứ 3 định tìm Con Đường Đông Bắc đến Ấn dọc theo bờ biển bắc nước Nga |
1611 | Henry Hudson, một nhà hàng hải Anh, bị ném xuống biển cho trôi giạt bởi thủy thủ đoàn nổi loạn sau khi thực hiện chuyến đầu tiên trong nhiều chuyến thất bại khi tìm Con Đường Tây Bắc đến châu Á qua vùng Cực Canada |