50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 5
50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 5
Ian Crofton
Trần Quang Nghĩa dịch
21 PHONG TRÀO CẢI CÁCH
Cho đến cuối thời Trung Cổ, Giáo hội Thiên chúa La Mã đã nắm một vai trò tối cao về tâm linh không ai dám thách thức trên khắp Tây Âu. Đúng ra đã có vài vụ bùng phát của những người dị giáo – chẳng hạn nhóm Cathar ở miền Nam nước Pháp trong đầu thế kỷ 13 – nhưng chúng đều bị dập tắt hiệu quả và tàn bạo. Cũng xảy ra những bất hòa với các nhà vua thế tục, khi những lợi ích của giáo hội và nhà nước xung đột nhau – như ai có quyền bổ nhiệm giám mục, hoặc nhà vua có quyền đánh thuế giáo sĩ không.
Giáo hội đã trải qua những thời kỳ buông lỏng kỷ cương và lộng hành trong hàng ngũ, nhưng thường xoay sở để sửa đổi, chẳng hạn bằng cách lập ra những dòng tu mới, chặt chẽ hơn, khi những dòng tu củ đã tích lũy của cải và đắm chìm trong dục lạc.
Nhưng tình tham lam phàm tục trong giáo hội tăng mạnh trong thế kỷ 14 dẫn đến một tâm trạng mới chống đối giáo hội, và việc giáo hội hống hách tuyên bố chỉ có mình mới có thể làm trung gian giữa Chúa Trời và con chiên càng ngày càng bị thách thức. Một hành động thách thức như thế được nhà thần học Anh John Wycliffe (?1330-84) đưa ra. Ông phê phán tín điều hóa thể (tín điều cho rằng bánh mì và rượu vang phục vụ trong Bí tích Thánh Thể sẽ biến đổi thành máu và thịt của Christ) và nhấn mạnh vai trò của việc tu tập cá nhân so với sự trung gian của giáo sĩ. Wycliffe cũng giám sát bản dịch đầu tiên ra tiếng Anh của Kinh thánh. Từ trước đến khi đó, Kinh thánh chỉ được lưu hành bằng tiếng Latinh mà chỉ có giới tăng lữ đọc được, đó đó những lời giáo huấn của nó là điều bí ẩn đối với phần đông dân chúng, và họ bắt buộc phải trông cậy vào những gì giáo sĩ dạy mình. Những tư tưởng của Wycliffe ảnh hưởng đến nhà cải cách người Bohemian (người Czech) Jan Hus. Vì nhất quyết không chịu công khai từ bỏ quan điểm của mình, Jan Hus bị trói vào cột thiêu sống vào năm 1415. Tuy nhiên, những người theo ông xem ông là vị anh hùng quốc gia và đoàn kết đánh đuổi thành công bọn thập tự quân được phái đến để đàn áp họ.
John Wycliffe
Tiếng gọi cho tự do
Vào cuối thế kỷ 15 các giáo hoàng ở La Mã đều có hành vi tàn nhẫn, thích phô trương hợm hĩnh và đua đòi vật chất như những ông hoàng Phục Hưng, ném tiền vào các dự án nghệ thuật to tát, lấy nhiều nhân tình và phong cho các con ngoại hôn của mình những chức vụ đầy quyền hành trong giáo hội. Để tài trợ cho các trò xa hoa này họ bán chức vị cao cấp trong giáo hội và khuyến khích sự buôn thần bán thánh, theo đó những ai Xưng Nhận Đức Tin có thể được Chúa Trời xóa hết tội lỗi mình phạm phải với điều kiện phải trả tiền cho giáo hội, tội càng cao giáo sĩ càng định giá cao. Tệ nạn này đặc biệt gây phẫn uất tại Đức, nơi một thầy tu tai tiếng nhất chuyên làm việc này là Johann Tetzel, theo lời một người đương thời, đã từng tuyên bố một tội đồ có thể được tha thứ thậm chí nếu y ăn nằm với mẹ của mình.
Những tội lạm dụng như thế đã bị những học giả nhân văn cực lực công kích, trong đó có Erasmus (xem Thời Phục Hưng). Vào năm 1516 Erasmus dịch Tân ước từ bản gốc Hy Lạp ra tiếng Latinh, nhờ đó phát hiện những lỗi trong bản Latinh đã được giáo hội sử dụng. Việc trở lại bản gốc của Kinh thánh cũng phát hiện những sự chênh lệch giữa tính khắc khổ của giáo hội thời khởi nguyên với thói phô trương và hủ bại của định chế này thời Erasmus. Erasmus chống lại hoạt động của giáo hội, cũng muốn dịch Kinh thánh ra ngôn ngữ bình dân, để ai cũng có thể hiểu được lời răn của Chúa.
Học thuyết Luther
Erasmus nhắm đến việc cải cách giáo hội từ bên trong, nhưng những người khác dứt khoát cho rằng việc ấy là không thể. Ở Đức, một thầy tu dòng Augustine tên là Martin Luther (1483-1546) cũng kêu gọi Kinh thánh đến được với mọi người, chứ không chỉ dành cho kẻ biết đọc tiếng Latinh – và với mục đích này ông dịch Kinh thánh ra tiếng Đức. Luther tin rằng chân lý tôn giáo chỉ nên được tìm ra trong Kinh thánh mà thôi, và việc cứu rỗi chỉ có thể thực hiện được bằng lòng tin. Vì thế ông gay gắt lên án việc buôn thần bán thánh, và đương đầu với Johann Tetzel bằng bản cáo trạng 95 luận điểm chống lại việc buôn thần bán thánh của giáo hội, và ông cho dán lên cửa nhà thờ ở Wittenberg vào ngày 31/10/1517 để ai cũng đọc được và tranh luận đúng sai. Luther cũng bác bỏ vị thế đặc biệt của tăng lữ, xác quyết rằng mỗi người đàn ông và đàn bà đứng một mình và bình đẳng trước Chúa Trời.
“Lương tri con là tù nhân của lời dạy Chúa Trời. . . Con đứng đây… Con không làm gì khác. Xin Chúa rủ lòng thương. Amen.”
Martin Luther thách thức quyền uy giáo hoàng tại Hội đồng Worms, ngày 18/4/1521
Việc Luther công kích giới tăng lữ và giáo hoàng dẫn đến việc ông bị rút phép thông công vào năm 1521, sau đó bị triệu tập trình diện trước hội đồng hoàng gia. Luther là một thần dân của Vua Charles V, người với vai trò hoàng đế La Mã Thần Thánh là một người hậu thuẫn sừng sỏ của giáo triều. Nhưng tại hội đồng Luther từ chối công khai rút lại ý kiến, và kết quả ông bị hoàng đế tuyên là tội đồ.
Phương tiện truyền thông mới là máy in giúp gieo rắc tư tưởng của Luther nhanh chóng đến quần chúng, và được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Đức, trong giới hoàng thân (Đức lúc bấy giờ hợp thành bởi nhiều bang nhỏ, về hình thức nằm dưới quyền hoàng đế) lẫn giới bình dân. Những thường dân xem việc Luther chối bỏ quyền uy của giáo hoàng và vua chúa là cái cớ để tự giải phóng mình thoát khỏi áp bức, đưa đến các Cuộc Chiến tranh Nông Dân 1524-5. Nhưng Luther khiếp đảm trước vụ nổi dậy chống quyền lực thế tục này và biết rằng mình cần đến sự hậu thuẫn của các ông hoàng đối đầu với Charles V đang toan tính đàn áp phong trào Cải Cách vừa mới nhen nhóm. Bởi thế ông khuyên “mọi người tránh xa nông dân như ông tránh xa Quỷ Dữ”, và ủng hộ việc đàn áp nổi dậy.
Martin Luther (1483-1546), cha đẻ của dòng tu mới, ly khai khỏi hệ thống Giáo hội Thiên chúa La Mã
Tại sao “học thuyết Protestantism” (Kháng Cách)
Chữ “Protestantism” rút ra từ chữ “protest” (tức phản kháng, chống đối) được một thiểu số các đại biểu đưa ra trong Hội đồng Speyer, một hội đồng do Hoàng đế Charles V, vốn là người hậu thuẫn sừng sỏ giáo triều, triệu tập vào tháng 4 1529. Từ “chống đối” có nghĩa là chống lại một nghị quyết kêu gọi chấm dứt “hoạt động đổi mới trong tôn giáo” – nói cách khác, những lời dạy của các nhà cải cách như Luther. “Những người Kháng Cách tuyên bố rằng lương tri mỗi người là tối thượng trong những vấn đề như thế.
Học thuyết Tin Lành lan truyền
Với Lễ Xưng Nhận Đức Tin Augsburg năm 1530, đúc kết những tín điều căn bản của đạo Tin Lành, việc tách rời khỏi La Mã đã trở nên chung thẩm. Một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo nổ ra sau đó ở Đức, kết thúc với văn kiện Hòa Bình Augburg vào năm 1555, theo đó mỗi ông hoàng có quyền ấn định tín ngưỡng cho thần dân mình. Lúc này Thụy Điển và Đan Mạch cũng chấp nhận Tin Lành, và Giáo hội ly khai của Anh trong đó vua là người đứng đầu, cũng áp dụng một số yếu tố Luther. Ở Anh cũng như ở nơi khác, nhà nước được lợi khi sung công tài sản của giáo hội, và quyền lực được củng cố vì có quyền bổ nhiệm các chức sắc trong giáo khu.
Học thuyết Tin Lành không chỉ là giáo phái duy nhất thuộc tôn giáo cải cách. Giáo phái tương tự có ý nghĩa nhất, giáo phái Calvin, nghe theo lời dạy của nhà thần học người Pháp Jean Calvin (1509-56). Calvin dạy rằng sự cứu rỗi thật sự đã an bày: dù ta có làm gì trong đời này, thì chỉ có những người được Chúa Trời chọn mới được cứu rỗi. Đồng thời, Calvin thúc giục các giới chức có thẩm quyền nên theo dõi sát sâu cuộc sống đạo đức của thành viên nhà thờ, tạo ra một khuynh hướng thần quyền và khắc khổ trong lời giáo huấn của mình. Các nhà thờ theo giáo phái Calvin được dựng lên ở Geneva, Pháp, các xứ Vùng Thấp và Scotland, và sau đó được thành lập ở New England. Như ở Đức, các nhà cải cách thường gặp phải sự chống đối dữ dội, đặc biệt có lần Giáo hội Thiên chúa La Mã bắt đầu một tiến trình được biết dưới tên Phản-Kháng cách (xem Phản-Kháng cách).
“Một người có Chúa Trời bên cạnh luôn luôn chiếm đa số.”
Lời của John Knox, k.1505-72, nhà cải cách người Scotland, được ghi trên Đài Tưởng niệm Phong trào Cải Cách ở Geneva
TÓM TẮT
Sự độc quyền tâm linh của Giáo hội Thiên chúa La Mã bị đập vỡ mãi mãi.
DÒNG THỜI GIAN
1377 | Việc John Wycliffe phê phán giáo điều Thiên chúa bị giáo hoàng lên án |
Thập niên 1380 | Wycliffe hoàn thành bản dịch Kinh thánh ra tiếng Anh |
1414 | Đàn áp người Lollard, những tín đồ Anh đi theo Wycliffe |
1415 | Jan Hus bị thiêu sống tại cột trói vì những công kích giáo hội của mình |
1517 | Luther phát động Cải Cách với bản 95 luận điểm chống lại việc buôn thần bán thánh |
1520 | Ulrich Zwingli bắt đầu cải cách ở Hà Lan |
1521 | Luther bị rút phép thông công rồi bị xử là tội đồ tại Hội đồng Worms |
1524-5 | Chiến tranh Nông Dân ở Đức |
1527 | Thụy Điển nhìn nhận đạo Tin Lành |
1530 | Lễ Xưng Nhận Đức Tin Augburg thành lập giáo hội Tin Lành tách biệt |
1533 | Henry VIII ly khai La Mã và trở thành người đứng đầu tối cao của giáo hội Anh, nhưng giáo điều vẫn là Thiên chúa |
1536 | Jean Calvin phác họa thần học cái cách của mình trong tác phẩm Các Định Chế |
1536-40 | Giải thể các tu viện ở Anh |
1541 | Calvin thành lập chế độ thần quyền theo Kháng Cách ở Geneva |
1541 | Phản-kháng cách được phát động tại Hội đồng Trent |
1546 | Tin Lành được nhìn nhận ở Đan Mạch |
1547 | Edward VI lên ngôi vua Anh và chọn theo học thuyết Kháng Cách |
1553-8 | Mary I phục hồi đạo Thiên chúa ở Anh |
1555 | Hòa Bình Augburg kết thúc chiến tranh tôn giáo ở Đức |
1559 | Elizabeth I đưa học thuyết Kháng Cách trở về với Anh |
1560 | Nghị viện Scotland nhìn nhận Lễ Xưng Nhận Đức Tin theo giáo phái Calvin của John Knox, do đó cắt đứt giáo hội ở Scotland với La Mã |
1562-98 | Các Cuộc Chiến Tôn giáo ở Pháp giữa người Huguenot (theo Calvin) và tín đồ Thiên chúa |
1588 | Thất bại của Hạm đội Tây Ban Nha chống lại quân Anh |
1598 | Chỉ dụ Nantes cho phép người Huguenot hành đạo của mình (những người Pháp theo Kháng Cách) |
22 PHẢN – KHÁNG CÁCH
Phong trào Kháng Cách giáng một đòn choáng váng cho Giáo hội Thiên chúa La Mã, một cú sốc khiến nó phải vội vàng cải cách và phục hồi lại sinh khi. Giờ thì bọn Chiến binh Giáo hội bắt đầu phản công, thanh tẩy mọi hành động lạm dụng, hành vi buông thả và loại ra những tăng lữ dốt nát, và phái đám binh lính, thế tục lẫn tâm linh, để giáng trả những tên dị giáo gây chia rẽ đã giương cao ngọn cờ chống lại quyền uy giáo hoàng ở La Mã.
Đây quả thật là một công việc máu me, vì cả hai bên đều tràn đầy nhiệt huyết bất dung, đồng thời càng ngày càng phức tạp thêm vì dính líu đến chính trị thế tục và quốc tế. Sự xung đột giữa Kháng Cách và Thiên chúa lên cao điểm trong trận thư hùng đổ máu khủng khiếp với Cuộc Chiến 30 Năm, phá hủy vùng trung tâm châu Âu. Vào cuối cuộc chiến, trận xung đột giữa Tin Lành và Thiên chúa không còn gay gắt bằng xung đột giữa quyền lực (Thiên chúa) đang lên của Pháp, và quyền lực (Thiên chúa) đang xuống của triều đình Habsburg, những nhà cai trị Tây Ban Nha, Áo và đế chế La Mã Thần Thánh, lúc đó bao gồm phần lớn nước Đức
Thiên chúa làm mới lại
Sự lan rộng nhanh chóng lời giáo huấn của Luther và Calvin qua khắp châu Âu đe đọa đến sự tồn vong của chính Giáo hội Thiên chúa La Mã. Trong khi vì quyền lợi của giáo hoàng hoàng đế La Mã Thần Thánh Charles V giao tranh với các ông hoàng theo Kháng Cách Đức, Giáo hội, nhận thức được rằng mình đã rời bỏ quá xa những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản, nên ra sức tự làm mới mình. Nhân tố cải cách chủ yếu được đưa ra trong Hội đồng Trent, một bộ phận họp tất cả ba kỳ giữa những năm 1541 và 1563 tại thị trấn Trent ở phía bắc nước Ý, gần sát một cách thuận lợi với biên giới ngôn ngữ giữa châu Âu nói tiếng Ý và châu Âu nói tiếng Đức. Hội đồng ban hành nhiều chỉ dụ liên quan đến giáo điều và việc tu tập, và áp dụng nhiều biện pháp để bảo đảm tất cả giáo sĩ đều được giáo dục thích đáng – không kể là họ phải độc thân. Một vòng kiểm soát thắt chặt hơn nữa được áp dụng cho những dòng tu đang tồn tại, mà sự buông thả đạo đức của họ đã là vũ khí cho những người cải cách. Một số dòng tu mới, ngoài đời cũng như tu kín, cũng được thành lập.
“Trong sự cầu nguyện các thánh, sự tôn kính thờ các thánh tích và sử dụng thiêng liêng các hình ảnh, mọi mê tín đều sẽ được dẹp sạch, mọi đòi hỏi lợi lộc dơ bẩn đều được loại bỏ, và mọi dục lạc đều phải xa lánh …
Chỉ dụ của phiên họp thứ 25 của Hội đồng Trent, 3 và 4/12/1563.
Nổi bật hơn cả trong số dòng tu mới là Dòng Jesus, mà các thành viên, gọi là Jesuit, tuyên thệ sẽ sống nghèo khó, đức hạnh và tuân phục. Bộ phận giáo hội kỷ luật cao và tạo nhiều ảnh hưởng này được thành lập vào năm 1534 bởi một cựu quân nhân Tây Ban Nha, Ignatius Loyola. Nhiệm vụ của họ, theo lời của Loyola, là “chiến đấu cho Chúa Trời dưới lá cờ thập tự” và “hiến dâng linh hồn cho đời sống và giáo lý Cơ đốc và để truyền bá đức tin bằng cầu nguyện, bằng thực hành tâm linh, bằng những công việc từ thiện và hiển nhiên bằng sự giảng dạy cho trẻ con và người dốt nát theo đúng những nguyên tắc Cơ đốc.” Dòng tu này trở thành một trong những định chế hùng mạnh nhất ở châu Âu theo đạo Thiên chúa và là bộ phận truyền đạo Thiên chúa khắp mọi miền trên thế giới.
Vào năm 1542 Tòa Thánh thành lập Văn phòng Thánh vụ – Giáo đoàn Tối cao của Tòa án Dị giáo La Mã. Văn phòng này có nhiệm vụ cưỡng chế giáo lý Cơ đốc, và có quyền lực thẩm tra mọi tín đồ Cơ đốc. Trong một vài nước một số Tòa án Dị giáo đã tồn tại, và trong những nước nào chưa có một tòa án sẽ được thành lập. Toà án Dị giáo Tây Ban Nha đã từng tích cực hoạt động chống lại những người Do Thái cải sang đạo Thiên chúa vì bị nghi ngờ là họ đã lén lút trở về đạo cũ từ năm 1478, và với phong trào Cải Cách nó hoạt động nhằm dập tắt phong trào Kháng Cách trên khắp đế chế Tây Ban Nha (lúc đó gồm cả Hà Lan). Những tòa án này xử những nghi can theo dị giáo trong giáo hội rồi giao họ cho giới thẩm quyền thế tục để trừng phạt, “không phải vì sự răn dạy và vì lợi ích cho người bị trừng trị,” theo một cẩm nang năm 1578 dành cho viên chức tòa án, “mà vì lợi ích công cộng để những người khác phải đâm ra khiếp sợ và chừa bỏ những điều ác họ có thể phạm phải.” Những ai bị kết tội dị giáo sẽ bị thiêu sống, thường công khai cho đám đông dân chúng nhìn thấy được gọi là auto-da-fé — có nghĩa “một hành động vì đức tin”. Giữa năm 1575 và 1610, chỉ nội trong một thành phố Tây Ban Nha là Toledo đã có 366 người chịu số phận này. Hơn hàng ngàn khác chia sẻ số phận của họ ở nơi khác.
Một tranh vẽ hình phạt thiêu sống của tòa án dị giáo Thiên chúa
Thư mục đen
Vào năm 1559, biết rõ hiệu quả mà việc in ấn đem lại trong việc truyền bá lời giáo huấn của những nhà cải cách trong phong trào Kháng Cách, giáo hoàng cho lập ra một “Thư mục” liệt kê các quyển sách cấm giáo dân Thiên chúa đọc, nhắc nhở dân chúng sục tìm trên giá sách những sách nào không được phép chứa. Một học giả ở La Mã mô tả việc ấy như “một thảm họa của văn chương.” Nó cũng gây tác hại đối với sự tiến bộ của khoa học: chẳng hạn, tác phẩm Về Sự Quay Tròn của các Thiên Thể của Copernicus, trong đó ông kết luận rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời chứ không phải điều ngược lại, vẫn còn nằm trong Thư mục tận đến năm 1835.
Châu Âu phân cực
Như ở những thời điểm khác, khi những xác tín tôn giáo đối kháng va chạm nhau, bạo lực sẽ nối gót. Con trai của Hoàng đế Charles V, Philip II của Tây Ban Nha, mặc dù lo lắng muốn giới hạn quyền lực trong phạm vi của mình, xuất hiện như là một chiến binh nhiệt thành nhất của châu Âu theo Thiên chúa. Nỗ lực của ông nhắm nhổ tận gốc bọn dị giáo Kháng Cách ở Hà Lan thuộc Tây Ban Nha góp phần làm bùng phát cuộc Nổi Dậy Hà Lan vào năm 1567. Sự hậu thuẫn của Anh đối với cuộc nổi dậy của người Hà Lan thúc giục Philip phái Hạm đội Tây Ban Nha tấn công Anh vào năm 1588, nhưng kết thúc trong thảm bại ô nhục. Philip cũng can thiệp trong Cuộc Chiến Tôn giáo ở Pháp (1562-98), trong đó người Huguenot ở Pháp (theo giáo phái Calvin) chiến đấu cho tự do tín ngưỡng trong khi các quí tộc Thiên chúa và Tin Lành giành giựt vương miện. Sự kiện tệ hại nhất xảy ra vào năm 1572 khi khoảng 13,000 người Tin Lành bị sát hại trong Ngày Thảm Sát ở St. Bartholomew. Cuộc chiến kết thúc vào năm 1598 với Chỉ dụ Nantes, theo đó người Huguenot được quyền tự do tôn giáo.
“Đối với tôi đó là tin vui mừng nhất và tốt lành nhất có thể xảy đến cho tôi.”
Philip II của Tây Ban Nha, tháng 8 1572 khi nghe tin về Ngày Thảm Sát các người Pháp theo Kháng Cách ở St. Bartholomew
Cuộc Chiến 30 Năm
Mặc dù lúc bấy giờ Pháp đã giải quyết sự khác biệt tôn giáo trong nội bộ nước mình, châu Âu chẳng bao lâu lại rơi vào cuộc xung đột tôn giáo rối rắm rộng lớn hơn, Cuộc Chiến 30 Năm. Đây thực sự là một mớ bòng bong phức tạp của những mối xung đột, bắt đầu bằng một vụ nổi dậy bên trong đế chế La Mã Thần Thánh của những người Bohemia theo Tin Lành chống lại ách cai trị của triều đình Habsburgs. Mặc dù cuộc nổi dậy bị dập tắt, vào năm 1620 triều đình Habsburgs Tây Ban Nha can thiệp chống lại những ông hoàng theo Tin Lành ở Đức, và được thập tự chinh Phản-Kháng Cách của Hoàng đế Ferdinand II tham gia. Báo động trước diễn tiến này, Gustavus Adolphus, vị vua hùng mạnh của Thụy Điển theo Tin Lành, can thiệp vào năm 1630 và ghi được một số thắng lợi cho đến khi ông bị tử thương tại Trận Lutzen vào năm 1632. Ba năm sau, Pháp tham gia về phía những người Tin Lành Đức. Cuộc chiến từ giờ trở đi mang tính chính trị hơn là tôn giáo: Chính Pháp là một cường quốc Thiên chúa, nhưng từng là kẻ thù của triều đình Habsburgs từ đầu thế kỷ 16, và giờ thấy rằng chỗ đứng của mình ở châu Âu tùy thuộc vào việc kiểm soát được quyền lực của Tây Ban Nha và đế chế. Trận chiến kéo dài cho mãi đến năm 1648, khi hiệp ước Hòa Bình Westphalia công nhận nền độc lập của Hà Lan, và cố định bản đồ tôn giáo châu Âu ít nhiều như ngày nay.
Giá phải trả thật là khủng khiếp: chỉ riêng ở Đức, qua chiến tranh và những tai họa đồng hành với nó như dịch bệnh và đói kém, khoảng 7 triệu người – gần hai phần ba dân số – đã mất mạng. Phải mất nhiều thế hệ Đức mới phục hồi lại hiện trạng.
TÓM TẮT
Bản đồ tôn giáo của châu Âu chỉ cố định sau một thế kỷ xung đột dữ dội
DÒNG THỜI GIAN
1521 | Martin Luther bị rút phép thông công |
1534 | Thành lập dòng Jesuit |
1541 | Lực lượng Phản-Kháng cách phản pháo ở Hội đồng Trent |
1542 | Giáo hoàng Paul III thành lập Phòng Giáo vụ mở ra những tòa án dị giáo xử những tín đồ Thiên chúa |
1553-8 | Thiên chúa giáo phục hồi ở Anh dưới triều Mary I |
1555 | Hòa Bình Augburg kết thúc làn sóng đầu tiên các cuộc chiến tranh tôn giáo ở Đức |
1559 | Giáo hoàng Pius IV công bố Thư mục sách cấm các giáo dân Thiên chúa đọc |
1562 | Bắt đầu Cuộc Chiến Tôn giáo ở Pháp giữa người Huguenot (theo Calvin) và người Thiên chúa |
1564 | Philip II ra lệnh tắt cả chỉ dụ của Hội đồng Trent đều áp dụng trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha |
1566 | Hà Lan chống lại việc áp đặt Tòa án Dị Giáo Tây Ban Nha, và đòi quyền tự do tôn giáo |
1567 | Bùng phát cuộc Nổi Dậy Hà Lan (Cuộc Chiến 80 Năm) |
1572 | Ngày Thảm Sát dân Huguenot ở St. Bartholomew |
1588 | Hạm đội Tây Ban Nha bị một hạm đội Anh và bão tố đánh đuổi tán loạn |
1598 | Sắc lệnh Nantes cho dân Huguenot được tự do tôn giáo, kết thúc Cuộc Chiến Tôn giáo ở Pháp |
1609 | Tuyên bố hưu chiến giữa Tây Ban Nha và Hà Lan |
1618 | Nổi dậy ở Bohemia đánh dấu bùng phát Cuộc Chiến 30 Năm |
1620 | Cuộc nổi dậy của Bohemia bị dập tắt tại Trận White Mountain. Quân Tây Ban Nha chiếm Rhenish Palatinate ở tây Đức. |
1621 | Thù địch tiếp diễn giữa người Tây Ban Nha và Hà Lan |
1629 | Hoàng đế Ferdinand II ra sức áp đặt những điều khoản trong hiệp ước Hòa Bình Augsburg1555 ở Ducy |
1630 | Gustavus Adolphus của Thụy Điển can thiệp về phe Tin Lành ở Đức |
1632 | Gustavus tử trận |
1635 | Pháp Thiên chúa can thiệp về phe Tin Lành Đức chống lại triều đình Habsburgs trong Cuộc Chiến 30 Năm |
1643 | Pháp thắng Tây Ban Nha trong trận quyết định tại Rocroi |
1648 | Hòa Bình Westphalia kết thúc Cuộc Chiến 30 Năm; Tây Ban Nha nhìn nhận nền độc lập của Hà Lan |
23 CÁCH MẠNG ANH
Trong thế kỷ 17 nước Anh trải qua một loạt biến động hiến pháp đôi khi dữ dội qua đó nó nhắm cởi bỏ xiềng xích của vương quyền. Nền quân chủ ra đời sau đó trở thành một kiểu mẫu tiến bộ đến nỗi nhiều nước bắt chước trong những thế kỷ tiếp sau đó.
Quyền lực của nhà vua ở Anh về lý thuyết đã bị giảm đi nhiều kể từ thời Trung Cổ bằng định chế Nghị viện – mặc dù ở giai đoạn này Nghị viện chỉ đại diện cho không hơn một nhóm nhỏ các quí tộc và địa chủ, giáo sĩ và thị dân giàu có. Vua chúa còn xử sự nhiều lúc chuyên quyền, nhưng họ không vượt qua những hạn chế của luật do Nghị viện thông qua – mặc dù theo lệnh của vương quyền. Chủ yếu hơn, nhà vua trông cậy vào Nghị viện nếu muốn tăng thuế để có tiền thực thi những hoạt động của chính quyền – từ việc tiến hành chiến tranh đến xây dựng cung điện. Nhưng Nghị viện không hợp đều đặn, chỉ họp khi triều đình triệu tập.
Nhà vua và Nghị viện
Căng thẳng giữa nhà vua và Nghị viện bắt đầu xuất hiện vào cuối thời trị vì của Elizabeth I. Tuy nhiên, là một nhà chính trị có đầu óc thực tiễn, Elizabeth không bao giờ đẩy những vấn đề hiến pháp đến mức quá căng. Người kế vị bà, James I, nung nấu niềm tin vào “thần quyền của đấng quân vương”, muốn làm gì thì làm, vì quyền cai trị của họ được Chúa Trời chuẩn nhận. Điều này khiến ông rơi vào tình trạng xung đột thẳng thừng với Nghị viện, vốn cũng muốn bảo vệ quyết liệt quyền tự do và đặc quyền của mình. Để đáp trả, James tìm cách cai trị mà không cần triệu tập Nghị viện, và thu gom tiền bạc bằng những phương tiện bất thường khác, như bán những độc quyền và chức tước.
“Vua đúng ra phải được gọi là thần linh, bởi vì họ thi triển một kiểu quyền lực giống như của thần linh trên mặt đất.”
Vua James I, phát biểu trước Nghị viện Ảnh, ngày 21/3/1610
Con của James, Charles I, được dạy dỗ phải luôn tin tưởng nhiệt thành vào quyền thần thánh của quân vương, nên thậm chí còn kém thực tế hơn vua cha. Một người kiêu hãnh, mộ đạo, hay châm chọc, Charles xem mọi lời cố vấn vô tư là phê phán cá nhân. Khi ông lên ngôi năm 1625, Nghị viện do người Puritan (người Tin Lành thuần khiết, đạm bạc) áp đảo. Họ bất mãn trước những nghi lễ tôn giáo xa xỉ (mặc dù cũng là Tin Lành trên danh nghĩa) do Charles bày vẽ, và việc chọn vợ của ông, một người Pháp theo đạo Thiên chúa. Như vua cha, ông thích cai trị một mình, nhưng khi ông không kiếm đủ tiền bằng mánh khóe của mình, ông buộc phải triệu tập Nghị viện, vốn vào năm 1628 đã ban hành kiến nghị Thỉnh Quyền, tuyên bố tính bất hợp pháp của việc tăng thuế mà không có sự phê chuẩn của Nghị viện và lên án tình trạng lạm quyền khác của triều đình. Một thời kỳ nghị viện gián đoạn khác – “Thời Độc Tài 11 Năm” – kết thúc vào năm 1640, khi việc Charles áp đặt các giám mục cho xứ Scotland theo Kháng Cách dòng Presbyteria gặp sự chống đối có vũ trang. Cần tiền để theo đuổi chiến tranh, Charles một lần nữa buộc phải triệu tập Nghị viện.
Nghị viện bắt đầu ngồi vào bàn họp vào tháng 11 năm 1640, nhận được sự tán thành miễn cưỡng của Charles cho một số yêu sách, trong đó có kiến nghị Nghị viện phải họp ít nhất mỗi ba năm một lần, và không thể giải tán nếu họ không đồng ý. Nhưng vào tháng 1 năm 1642, sau khi Nghị viện đòi nắm quyền kiểm soát quân đội, Charles xồng xộc tiến vào Viện Thứ Dân dẫn theo 400 binh sĩ và ra lệnh bắt năm đối thủ lãnh đạo. Nhưng họ đã lẩn trốn, và rồi trong vòng vài tháng cả hai phe – Hoàng triều và Nghị viên – đều công khai tuyên chiến.
Khối Thịnh Vượng Chung và Quan Hộ Quốc
Nội chiến Anh tiếp diễn thất thường cho đến năm 1651, chia rẽ đất nước và lôi kéo theo xứ Scotland và Ireland láng giềng. Năm 1646 Charles bị bắt, và vào tháng giêng 1649 bị ra toà về tội phản quốc và bị tuyên là có tội và bị chặt đầu. Trước đây đã từng có các vị vua bi lật đổ và bị sát hại, thường bởi những đối thủ tranh đoạt ngôi báu, nhưng chưa từng có ai bị xét xử và kết tội phản quốc. Sự kiện này thay lời muốn nói là nhân dân, mà Nghị viện là đại diện – nắm quyền tối cao chứ không phải là quân vương. Và đúng là Nghị viện tiến lên bãi bỏ chế độ quân chủ và tuyên bố Anh là một nước Thịnh Vượng Chung.
“Các ông đã ngồi đây quá lâu so với những điều tốt đẹp mà các ông đã làm. Giờ hãy ra đi, và để chúng tôi yên. Nhân danh Chúa, hãy đi đi.”
Oliver Cromwell, đã đánh thắng cuộc nội chiến cho Nghị viện, giờ giải tán bộ phận đó vào năm 1653
Nhưng Nghị viện không phải là quyền lực duy nhất trong xứ. Quân đội – dưới sự lãnh đạo của vị tướng thành công nhất, Oliver Cromwell, đã mang lại thắng lợi trong cuộc nội chiến – cho rằng Nghị viện mới quá bảo thủ so với khẩu vị của mình. Vào năm 1653 Cromwell dẫn theo một toán binh sĩ vào Viện Thứ Dân và tống khứ các thành viên của nó, và cuối năm đó ông trở thành “hộ quốc công”. Khi Cromwell mất vào năm 1658 con trai ông là Richard lên kế vị, giống như kiểu vua chúa. Tuy nhiên, vị hộ quốc công mới không được nhiều người hậu thuẫn như thân phụ, và kết quả là chỗ trống quyền lực để lại được con trai của Charles I vừa trở lại Anh lấp đầy vào năm 1660, lên ngôi thành Charles II.
Giao ước xã hội
Triết gia John Locke cho xuất bản quyển Hai Luận Thuyết về Chính Quyền vào năm 1690, biện minh một cách rõ ràng việc James II vừa mới bị lật đổ gần đây trong “Cuộc Cách Mạng Quang Vinh”. Locke phát biểu rằng con người được sinh ra với “các quyền tự nhiên” nào đó – tự do, bình đẳng và độc lập – và chỉ từ bỏ những quyền này “bằng cách đồng ý nhập bọn và đoàn kết với những người khác tạo thành một cộng đồng, để cuộc sống của họ được an toàn, tiện nghi, và được yên lành trong tập thể.” Do đó nhà vua cai trị không phải bởi “thần quyền” mà qua một “giao ước xã hội”, theo đó thần dân bỏ “các quyền tự nhiên” để theo “các quyền dân sự”. Nếu một nhà cai trị cố tình khước từ những quyền này, nhân dân có quyền tìm cách lật đổ y. Lập luận của Locke gây ảnh hưởng cho cả hai cuộc cách mạng Hoa Kỳ và Pháp vào cuối thế kỷ 18.
Triết gia John Locke
“Cuộc Cách Mạng Quang Vinh”
Thế là cuối cùng Nội Chiến không giải quyết được những vấn đề lập hiến mà nó đã gợi ra. Việc Phục Hồi 1660 cũng không giải quyết được gì, khi Vua Charles II là một tay khôn khéo về chính trị nên cứ tránh né việc giải quyết vấn đề trực tiếp. Nhưng khi ông ta qua đời vào năm 1685 Charles được người em James II theo đạo Thiên chúa lên kế vị, ông này lại không có tính xảo quyệt như ông anh Charles và tính cố chấp giáo điều như ông cha. Những thần dân theo đạo Tin Lành của James nơm nớp lo sợ nhà vua sẽ đưa đạo Thiên chúa trở lại Anh và cai trị theo kiểu chuyên chế như Vua Louis XIV của Pháp. Năm 1688 một nhóm quí tộc mời con rể theo Tin Lành của James, William vùng Orange, đến nước Anh. William dẫn theo 12,000 binh sĩ và tuyên bố rằng mình sẽ duy trì “những quyền tự do cho nước Anh và đạo Tin Lành.” James liền bôn tẩu đến Pháp, và vào năm 1689 ngôi vua được giao cho William và bà vợ, Mary (con gái của James theo Tin Lành), với điều kiện họ phải chấp nhận Bộ Luật Nhân Quyền, giới hạn quyền lực của quân vương, và liệt kê chi tiết quyền lợi và các quyền tự do của thần dân.
Do đó cái gọi là Cuộc Cách Mạng Quang Vinh thiết lập một nền quân chủ lập hiến cho nước Anh chỉ tốn xương máu ở mức thấp nhất. Tuy vậy, quyền lực không phải là trút cho toàn thể nhân dân, mà đúng hơn là vào tay một nhóm chóp bu các quí tộc ưu tú và địa chủ lớn. Phải mất hai thế kỷ rưỡi nữa đầy xáo động và đấu đá trước khi một nền dân chủ đại diện thực sự ra đời ở Vương quốc Anh, trong đó mỗi đàn ông, đàn bà đều có tiếng nói trong việc chọn ai là người được điều hành đất nước.
TÓM TẮT
Sự khởi đầu cho đoạn kết của các nền quân chủ chuyên chính Âu châu
DÒNG THỜI GIAN
1598 | James I của Scotland phác họa học thuyết về thần quyền của các vì vua trong Luật Thực Sự của các nền Quân Chủ Tự Do |
1603 | Sau khi Elizabeth I mất, James VI kế vị ngôi vua Anh làm James I |
1621 | James bắt hai người công kích cầm đầu trong Viện Thứ Dân |
1625 | Charles I kế vị ngôi vua |
1629 | Charles giải tán Nghị viện, và đến 11 năm sau mới họp lại |
1640 | THÁNG 4-THÁNG 5 Charles triệu tập Nghị viện ngắn hạn để quyên tiền cho cuộc chiến với Scotland, nhưng giải tán nó sau khi nó từ khước làm theo lệnh của ông.
THÁNG 10 Charles triệu tập Nghị viện và Nghị viện tuyên bố những biện pháp tăng thu nhập của ông là bất hợp pháp |
1641 | Nghị viện ban hành Thông báo Khiển Trách Quan trọng, kê chi tiết những lạm dụng quyền hành của Charles từ lúc đăng quang |
1642 | THÁNG 1 Charles cố bắt giữ năm đối thủ cầm đầu của ông trong Viện Thứ Dân.
THÁNG 8 Charles tuyên chiến với Nghị viện |
1644 | Nghị viện đạt được thắng lợi quyết định tại Marston Moor |
1646 | Charles đầu hàng người Scot, và bị giao nộp cho Nghị viện |
1647 | Charles không đồng ý với đề nghị của quân đội cải cách hiến pháp |
1648 | Thù địch tiếp diễn; lực lượng hậu thuẫn Charles bị đánh bại ở Preston |
1649 | Charles bị kết tội phản quốc và bị chặt đầu. Nghị viện bãi bỏ chế độ quân chủ và Viện Quý tộc. |
1651 | Charles II và đồng minh người Scot của ông bị đánh bại tại Worcester |
1653 | Cromwell trở thành Hộ Quốc Công |
1657 | Cromwell từ chối đề nghị của Nghị viện lên làm vua |
1658 | Cromwell mất |
1660 | Phục hồi Charles trở lại ngôi vua |
1679-81 | Charles giải tán một số nghị viện khi họ tính loại người em theo Thiên chúa của ông (Vua James II tương lai) ra khỏi danh sách kế vị |
1685 | James II lên ngôi và dẹp tan cuộc nổi dậy của Tin Lành |
1688 | William vùng Orange đổ bộ lên Anh; James bôn tẩu |
1689 | William và vợ Mary cùng nhau nhận vương miện, chấp nhận điều khoản của Bộ Luật Nhân quyền |
24 CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC
Khoa học là phương pháp theo đó chúng ta hiểu biết và dự đoán được những tác động của thế giới vật lý. Các định luật của nó là nghiêm nhặt, lý thuyết của nó có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm, và một khi định luật được thiết lập thì bất biến – trừ khi có chứng cứ mới chứng tỏ là nó sai.
Mặc dù ngày nay khoa học và tôn giáo được coi là những hoạt động riêng biệt thuộc những lãnh vực khác nhau của trải nghiệm con người, trong quá khứ hai ngành này xảy ra xung đột khi những giải thích của khoa học về thế giới vật lý đi ngược với lời dạy của Kinh thánh hoặc những mệnh lệnh tôn giáo khác đã được chấp nhận.
Ở châu Âu theo Thiên chúa vào thời Trung Cổ, những thành tựu khoa học của người Hy Lạp cổ đại phần lớn không được biết đến, và những gì được nghiên cứu trong thời gian đó ít có tính khoa học. Chỉ trong thế giới Hồi giáo những tác phẩm của người Hy Lạp mới được bảo tồn và phát triển, và chỉ từ thế kỷ 12 những bản dịch ra Latinh của Aristotle và những tác giả khác mới bắt đầu xuất hiện ở châu Âu. St.Thomas Aquinas biến triết lý của Aristotle thành thần học Cơ đốc, trong khi những lời dạy của người cổ đại liên quan đến bản chất của thế giới vật lý – từ khối cầu thiên thể đến cơ thể người – đều được coi là chân lý, không cần cật vấn.
Vũ trụ của Copernicus
Mặc dù vào thế kỷ thứ 3 TCN triết gia Hy Lạp cổ đại Aristarchos đã kết luận rằng Trái Đất quay quanh trục của nó và theo một quỹ đạo quanh Mặt Trời, giả thuyết nhật tâm (lấy Mặt Trời làm trung tâm) này đã bị che mờ vào thế kỷ thứ 2 SCN bởi Ptolemy thành Alexandria, cho rằng chính Trái Đất, chứ không phải Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ. Hệ thống Ptolemy sau này gắn kết với giáo điều Cơ đốc, trong đó Trái Đất và sự sống con người trên đó là điểm tận cùng của sự sáng tạo của Chúa Trời.
“Khẳng định Mặt Trời sự thật là ở ngay trung tâm vũ trụ. . . là một thái độ nguy hiểm. . .”
Hồng y Roberto Bellarmino của Tòa Dị Giáo La Mã, tháng 4, 1615
Phiên bản Địa tâm (coi Trái Đất là trung tâm vũ trụ) được rộng rãi chấp nhận ở châu Âu cho đến khi nhà thiên văn kiêm toán học Ba Lan Nicolas Copernicus (1473-1543) ra sức tính toán những vị trí sắp tới của các hành tinh, và nhận thấy rằng phép tính sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu giả định tất cả các hành tinh (kế cả Trái Đất) đều quay quanh Mặt Trời. Sau đó ông nhận ra rằng chính điều này là nguyên nhân khiến cho người quan sát tại một vài thời điểm nào đó thấy các hành tinh có vẻ như đổi chiều quay và đi trở lui so với Trái Đất.
Biết rằng mình sẽ bị công kích dữ dội hoặc tệ hơn từ phía giáo hội, ông đợi đến năm 1542, năm ông lìa đời, mới cho xuất bản cuốn Bàn về Sự Quay Tròn của các Thiên Thể. Tác phẩm gặp sự bất mãn từ cả người Thiên chúa lẫn Tin Lành. Nhưng sau khi ông mất lý thuyết của Copernicus được các quan sát thiên văn tỉ mỉ hậu thuẫn. Điều này dẫn đến việc Johannes Kepler (1571–1630) khám phá được rằng các hành tinh quay theo quỹ đạo đường elip quanh Mặt Trời, chứ không phải đường tròn – vốn được nhiều người coi là chân lý vì là một đường hoàn hảo về mặt toán học hơn. Chứng cứ tiếp theo càng củng cố hệ thống Copernicus hơn được Galileo Galilei (1564–1642) đưa ra. Ông sử dụng viễn vọng kính tự chế để quan sát những vết đen trên Mặt Trời (khiến Mặt Trời không phải là một thiên thể hoàn hảo mà Chúa Trời tạo ra như trước đây đã tưởng) và các mặt trăng của sao Mộc. Những người theo Copernicus bị Giáo hội Thiên chúa La Mã chính thức lên án vào năm 1616, và vào năm 1633 Galileo, đối mặt với tội dị giáo mà hình phạt là bị thiêu sống, buộc lòng phải rút lại lời tuyên bố của mình về học thuyết nhật tâm. Ông sống hết quãng đời còn lại dưới sự quản thúc tại gia.
Nicolas Copernicus
Galileo Galilei
Phương pháp khoa học
Copernicus miệt mài truy tìm chứng cứ cho giả thuyết nhật tâm mà các tác giả cổ đại đã đề xuất, và nhẹ nhõm khi tìm thấy những tham khảo cho những lý thuyết như thế trong khi đọc Cicero và Plutarch. Nhưng uy quyền của người cổ đại không còn là điều không thể bị thách thức nữa. Những chuyến đi khám phá của
người Âu Tây vào các thế kỷ 15 và 16 đã góp phần lớn nhằm thay đổi nhận thức: khi nhà khoa học Irish Robert Boyle chỉ ra trong năm 1690, thậm chí một người đi biển bình thường đồng hành với Columbus đến Tân Thế Giới “có thể trở về báo cáo cho người nghe một trăm điều mà họ chưa hề biết được từ triết lý của Aristotle hay Địa lý của Ptolemy.” Trước đó cũng trong cùng thế kỷ, triết gia và chính khách Anh Francis Bacon đã đưa ra ánh sáng những khám phá mới bác bỏ học thuyết cũ cho rằng “lãnh vực tri thức nên ở trong giới hạn của những gì người cổ đại đã biết.” Bacon tiếp tục khẳng định rằng những phát minh gần đây về thuốc súng, máy in và la bàn từ tính đã chứng tỏ rằng người hiện đại đã qua mặt người cổ đại.
Khám phá thế giới bên trong
Vào thời Trung Cổ, uy quyền tối thượng về y học và giải phẫu cơ thể người thuộc về thầy thuốc Hy Lạp cổ đại Galen. Vào thời của Galen, mổ xẻ người bị ngăn cấm và ông đưa ra những đúc kết về giải phẫu người bằng cách mổ xẻ các con thú. Khi nhà giải phẫu học Andreas Vesali (1514–64) bắt đầu mổ xẻ các thi thể tử tù vừa bị hành quyết, ông nhận ra rằng Galen thường mắc sai lầm. Phe bảo thủ phản bác rằng giải phẫu người ắt hẳn đã thay đổi từ thời Galen. Galen cũng có cách giải thích về tuần hoàn máu, cho rằng máu thấm qua các lỗ nhỏ trong vách ngăn giữa hai tâm thất của quả tim. Do đó khi thầy thuốc và nhà giải phẫu Anh William Harvey (1578-1657) phản bác Galen khi ông xuất bản công trình của mình về sự tuần hoàn máu vào năm 1628, nó làm dấy lên sự tranh cãi gay gắt. Nhưng sau khi ông mất việc mô tả chi tiết của ông, dựa trên việc mổ xẻ và thí nghiệm trên động vật, được công nhận rộng rãi.
Bacon là nhà tiên phong trong tiến trình qui nạp – tiến trình theo đó ta rút ra được những lý thuyết tổng quát từ những quan sát những gì xảy ra trong thế giới vật lý. Tiến trình này ngược với sự diễn dịch, trong đó người ta rút ra những kết luận cá biệt từ những nguyên tắc tổng quát – mà không cần tham chiếu quan sát và thực nghiệm. Diễn dịch chỉ giá trị trong khoa học nếu nó dựa trên toán học. Chính Galileo cũng đã nhận thức được điều này, và là người đầu tiên nhấn mạnh việc sử dụng giải tích toán học trong vật lý.
Phương pháp khoa học mới, dựa vào quan sát và thực nghiệm, và gắn kết với lô-gic toán học lạnh lùng, đã được minh chứng hùng hồn trong công trình của Sir Isaac Newton (1642–1727). Khám phá của Newton về ba định luật của chuyển động và trọng lực cung cấp một lý giải cơ học hoàn toàn của vũ trụ, mà những vận hành của nó có thể dự đoán được chính xác như đồng hồ. Cơ học Newton là nền tảng cho những tiến bộ kỹ thuật đâm hoa kết trái sau đó – từ máy hơi nước đến tên lửa vào không gian – và, cho dù có xuất hiện thuyết tương đối và lượng tử sau này, các định luật của ông vẫn còn giữ nguyên giá trị cho hầu hết qui mô và những mục đích thực tiễn nhất. Chính những đột phá tri thức của Newton đã đặt nền móng cho thời đại Khai Sáng trong thế kỷ 18.
Quả Táo của Newton (Theo một giai thoại, một quả táo rơi trúng đầu ông khiến ông suy nghĩ và tìm ra được định luật hấp dẫn) (tranh của John Timb 1869)
TÓM TẮT
Sự hiểu biết của chúng ta về thế giới vật lý được giải phóng khỏi quyền uy cổ đại và giáo điều Cơ đốc.
DÒNG THỜI GIAN
1543 | Xuất bản cuốn Bàn về Sự Quay Tròn của các Thiên Thể của Copernicus, và cuốn Bàn về các Hoạt Động của Cơ Thể Người của Vesalius |
1551-6 | Conrad Gesner, một nhà vật lý Thụy Sĩ, xuất bản Chuyện các Loài Động Vật, nền tảng của động vật học hiện đại |
1556 | Cuốn Bàn về Bản Chất Kim Loại của Georgius Agricola, người sáng lập ngành kim loại học người Đức (xuất bản sau khi tác giả qua đời) |
1561 | Xuất bản cuốn Các Quan Sát Giải Phẫu của nhà giải phẫu Ý Gabriel Fallopius, người khám phá ra vòi trứng trong tử cung mang tên ông |
1572 | Nhà thiên văn Đan Mạch Tycho Brahe quan sát một siêu tình vân (cái chết bùng nổ của một ngôi sao), chỉ ra rằng các thiên thể không phải là bất biến |
1584 | Thầy tu Ý Giordano Bruno qua mặt Copernicus khi đề xuất giả thuyết Mặt Trời chỉ là một trong nhiều thiên thể tương tự trong vũ trụ |
1600 | Bruno bị thiêu sống vì phạm dị giáo. Nhà vật lý Anh William Gilbert cho xuất bản các thí nghiệm của mình về từ trường |
1609-19 | Kepler xuất bản các định luật chuyển động của các hành tinh |
1610 | Galileo cho in những quan sát thiên văn của mình với viễn vọng kính tự chế |
1616 | Giáo hội Thiên chúa La Mã lên án học thuyết Copernicus là dị giáo, và cấm Galileo nghiên cứu khoa học tiếp tục |
1620 | Francis Bacon phác họa phương pháp khoa học trong tác phẩm Novum Organum |
1621 | Nhà vật lý Hà Lan Willebrod Smell khám phá định luật khúc xạ |
1628 | Harvey xuất bản Bàn về Chuyển Động của Tim và Máu trong Động Vật |
1632 | Galileo xuất bản Đối Thoại về Hai Hệ Thống Thế Giới, đưa ông ra trước Tòa Dị Giáo |
1655 | Nhà vật lý và thiên văn Hà Lan Christian Huygens bắt đầu nghiên cứu về quang học, đưa đến lý thuyết sóng ánh sáng. |
1660 | Thành lập Viện Khoa Học Hoàng Gia, học viện khoa học hàng đầu của Anh. Robert Hooke xuất bản định luật của ông về ứng xuất và biến dạng trên một vật thể đàn hồi |
1661 | Robert Boyle cho in Nhà Hóa Học Hoài Nghi, chứng tỏ rằng có hơn 4 yếu tố như người Hy Lạp cổ đại từng dạy, và phân biệt yếu tố, hợp chất và hỗn hợp |
1663 | Boyle xuất bản định luật về mối liên hệ giữa áp suất và thể tích của một chất khí |
1684 | Gottfried Leibniz cho in công trình của mình về vi tích phân, bắt đầu mối hiềm khích với Newton, người tuyên bố mình cũng đã khám phá ra nó vào năm 1666, nhưng chưa xuất bản |
1686-7 | Newton phác họa các định luật về chuyển động và trọng lực (được khám phá vào giữa thập niên 1660) trong cuốn Principia Mathematica của mình |
1992 | Galileo được một ủy ban Vatican xóa tội dị giáo |
25 THỜI KỲ ĐẾ QUỐC
Các chuyến hải hành khám phá trong thế kỷ 15 và 16 mở mắt cho người Âu châu thấy những thế giới mới, đầy dẫy động vật mới, cây cỏ mới, dân tộc mới. “Không phải là vô ích,” Francis Bacon đã viết vào năm 1607, “khi qua những chuyến đi khảo sát dài ngày đánh dấu thời đại của chúng ta, mà nhiều sự vật trong tự nhiên đã được phát hiện, có thể soi sáng triết lý về tự nhiên.”
Nhưng đối với nhiều người, sự phát hiện ra những thế giới mới không là cơ hội của tri thức mà là của thương mại. Những vùng đất mới này rất giàu khoáng sản, có thể trao đổi với hàng hóa sản xuất trong nước ở châu Âu. Chúng cũng tạo ra những cơ hội để định cư, và một số xứ Âu châu đã bắt đầu cắm cờ của mình lên những phần lãnh thổ xa lắc của quả địa cầu, thường là sau một trận đánh đấm nhau.
Chiến tranh và mậu dịch
Các cường quốc tranh giành thuộc địa là điều hiển nhiên ngay từ đầu. Khi Tây Ban đi cướp bóc tài sản vàng và bạc của những vùng mới chinh phục ở Mexico và Peru, thì người Anh chơi trò cướp biển như Francis Drake rình mồi những đội thuyền buồm lớn chở đồ ăn cướp về qua Đại Tây Dương. Người châu Mỹ và người Indies nắm giữ những loại tài nguyên khác mà ai cũng muốn đánh nhau để giành giựt: lông thú, gỗ, thuốc lá và cá từ Bắc Mỹ; cà phê, đường và thuốc lá ở Trung và Nam Mỹ và Tây Ấn (một tiểu vùng ở Bắc Mỹ bao bọc bởi Bắc Đại Tây Dương và vùng Caribbean); gia vị, lụa, bông, trà và cà phê từ vùng Đông Ấn (nam và đông nam Á). Thế kỷ 17 và 18 được đánh dấu bằng những cuộc chiến liên miên giữa Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bồ Đào Nha để tranh giành quyền buôn bán và chiếm hữu thuộc địa. Hà Lan đuổi người Bồ Đào Nha ra khỏi đế quốc nằm rải rác của họ ở Đông Ấn trong thế kỷ 17, và vào cuối Cuộc Chiến 7 Năm trong năm 1863, Anh trỗi lên như một quyền lực thống trị ở Bắc Mỹ và Ấn Độ. Người Bồ Đào Nha bám lấy Brazil và Tây Ban Nha thì đeo dính các thuộc địa ở Mexico và Trung và Nam Mỹ, trong khi vùng Tây Ấn cuối cùng như trải thảm bởi nhiều vùng định cư thuộc địa.
Đối với người bản địa. . . mọi lợi ích thương mại có thể sinh ra từ các sự kiện đó đã bị nhận chìm và đánh mất trong những nỗi bất hạnh đáng sợ mà chúng đã gây ra.
Adam Smith, Của Cải của Quốc Gia, 1776, chỉ đến “việc phát hiện ra châu Mỹ, và con đường biển đến vùng Đông Ấn quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi.
Việc trồng trọt mía đường, thuốc lá và những hoa màu khác trên các đồn điền ở châu Mỹ nhờ vào sức lao động của nô lệ. Lúc đầu bọn Tây Ban Nha bắt làm nô lệ các thổ dân bản địa của vùng Tây Ấn thuộc Bắc Mỹ, nhưng sau một thời gian vài thập niên những người này đã bị xóa sổ vì bị đối xử tàn nhẫn và nhiễm các bệnh của người Âu mà họ không có kháng thể. Do đó nhu cầu khẩn cấp các nô lệ Phi châu da đen khởi động cái gọi là mậu dịch tam giác hoặc mậu dịch Đại Tây Dương, theo đó nô lệ được lấy từ Tây Phi chở đến các đồn điền châu Mỹ, nguyên liệu thô từ châu Mỹ được vận tải đến châu Âu, và hàng hóa được sản xuất tại châu Âu được chở đến các thuộc địa ở châu Mỹ và Tây Phi để mua nhiều nô lệ hơn.
Trong thế kỷ 17 và 18, hầu hết việc thuộc địa hóa đều được thực hiện bởi những công ty mậu dịch do nhà nước ủy thác như Công ty Đông Ấn Anh, được thành lập năm 1600, và các công ty tương tự của Hà Lan và Pháp. Giấy môn bài “cho phép định cư và cấm dùi người chúng ta tại châu Mỹ” được Nữ Hoàng Elizabeth I của Anh phê chuẩn cho Sir Walter Raleigh vào năm 1584, và nhiều nỗ lực được tiến hành để thuộc địa hóa vùng bờ biển phía đông cho đến khi khu định cư vĩnh viễn đầu tiên được công ty Virginia thiết lập vào năm 1607.
Các chính quyền Âu châu trong giai đoạn này nhìn thấy ở việc xây dựng các khu định cư như thế là một phương tiện làm lợi ích cho đất mẹ. Học thuyết này, được biết dưới tên “chủ nghĩa trọng thương”, được phác họa trong Bách Khoa Toàn Thư Pháp soạn trong 1751-68, phát biểu rằng các thuộc địa được thành lập “chỉ được sử dụng cho đất mẹ,” rằng do đó chúng phải lệ thuộc lập tức vào đất mẹ và nhờ đó được đất mẹ bảo vệ,” và rằng các thuộc địa “nên buôn bán độc quyền với những người thành lập.” Điều mà những người theo chủ nghĩa trọng thương không nhận ra là chi phí bảo vệ bằng quân đội sự độc quyền của đất mẹ cho việc buôn bán đến và đi từ các thuộc địa. Phải nhờ đến Adam Smith, trong công trình kinh tế đột phá của ông là cuốn Của Cải của Quốc Gia (1776), mới nhận ra sự thật: “Dưới hệ thống quản lý hiện thời . . . Anh không lấy được gì trừ sự thua thiệt từ quyền thống trị mà Anh nắm giữ trên các thuộc địa của mình.”
Cách sử dụng mới cho các thuộc địa
Những người lập nghiệp Âu châu đầu tiên ở Úc – mà Thuyền trưởng James Cook tuyên bố là thuộc Đại Anh vào năm 1770 – là những tội phạm bị kết án. Từ đầu thế kỷ 18, vì sự vắng mặt của hệ thống nhà tù, nước Anh đã chở những phạm nhân mà họ không treo cổ đến các thuộc địa ở Bắc Mỹ để lao động trên các đồn điền. Nhưng khi Mỹ độc lập, Anh phải tìm nơi khác, và vào năm 1788 “Đội Thuyền Thứ Nhất”, chở hàng trăm tội phạm đến New South Wales để thành lập một thuộc địa khổ sai. Việc vận chuyển tiếp tục trong vài thập niên sau đó, và những tội nhân được trả tự do sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở cho nền kinh tế Úc.
Bản đồ các đế quốc Tây phương vào 1900
Sứ mạng đế chế
Vào thế kỷ 19, một tầm cao mới bắt đầu xuất hiện. Việc thuộc địa hóa không chỉ đảm nhiệm các hoạt động thương mại, mà còn gánh vác các mục tiêu đạo đức cao cả là truyền bá những lợi ích của nền văn minh Tây phương đến các dân tộc bị coi là kẻ hoang dã vô thần hoặc là những trẻ con cần kỷ luật và uốn nắn dạy dỗ. Ở Anh, thái độ cao ngạo mới này xuất phát từ việc phục sinh phúc âm vào cuối thế kỷ 18, và vào thế kỷ 19 nó đan xen với những lý thuyết giả khoa học về chủng tộc cho rằng chủng tộc da trắng là vượt trội so với những màu da khác. Vào thế kỷ 18 “những quan thái thú” của Công Ty Đông Ấn Anh, không phải chỉ vì tiền bạc và một cuộc sống xa hoa và thoải mái, đã hài lòng chấp nhận tập tục bản địa và cưới những người vợ bản địa – và thậm chí, trong vài trường hợp, còn cải sang tín ngưỡng bản địa. Ngược lại, các tên thực dân cai trị và cha sứ trong thời Victoria khoác một bộ áo phân biệt chủng tộc gay gắt giữa người cai trị và kẻ bị trị, trong khi đồng thời nỗ lực căng thẳng để xây dựng nhà thờ, trường học, nhà tù, đường sắt và những cột trụ khác của nền văn minh Tây phương. Đối với dân thuộc địa, nó là một điều gì đó không biết là phước hay họa, và bên dưới lớp sơn bóng loáng của thiện ý mộ đạo, các tên thực dân vẫn còn ở đó vì quyền lực và lợi lộc, và bất kỳ hành động bất mãn nào của kẻ yếu thế cũng được giải quyết bằng lực lượng vũ trang.
“Đó là một công việc cao quí để cắm một bàn chân nước Anh và vươn cây quyền trượng đến những bờ suối không tên, và qua những miền chưa ai biết đến . . . “
The Edinburgh Review, quyển 41, 1850
Lực lượng vũ trang vẫn còn là phương tiện để đế quốc mở rộng. Trong cuộc tranh giành đục khoét châu Phi vào cuối thế kỷ 19, người châu Âu sử dụng ưu thế kỹ thuật vượt trội của họ để đập tan mọi cuộc đối kháng của dân bản xứ, như bọn Mỹ da trắng đã làm với thổ dân Da Đỏ khi họ bành trướng về miền tây băng qua lục địa Bắc Mỹ.
Một con sốt cạnh tranh mới nổi lên giữa các cường quốc Tây phương: nhiều thuộc địa hơn nghĩa là nhiều nguyên liệu thô hơn, và nhiều thị trường tiêu thụ hàng hoá được sản xuất hơn. Nhiều người râm ran những thuật ngữ có mùi Darwin về “sự sống sót của những cá thể thích nghi nhất”. Động lực cho việc thống trị đế quốc góp phần gây ra sự nghi ngờ và thù địch lẫn nhau và cuối cùng đưa đến sự bùng nổ của Thế Chiến I.
TÓM TẮT
Từ thế kỷ 16 các cường quốc Âu châu bắt đầu xâm chiếm phần còn lại của thế giới
DÒNG THỜI GIAN
1492 | Columbus đến châu Mỹ |
1494 | Hiệp ước Tordesillas chia Tân Thế Giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha |
1497-9 | Vasco da Gama thiết lập đường biển đến Ấn Độ |
1500 | Bồ Đào Nha tuyên bố chủ quyền đối với Brazil |
1510 | Bồ Đào Nha thành lập khu định cư ở Goa, trên bờ tây Ấm Độ |
1519-21 | Tây Ban Nha chinh phục đế chế Aztec ở Mexico |
1532-5 | Tây Ban Nha chinh phục đế chế Inca ở Peru |
1600 | Thành lập Công Ty Đông Ấn Anh |
1602 | Thành lập Công Ty Đông Ấn Hà Lan |
1607 | Công Ty Virginia lập thuộc địa ở Jamestown, nơi định cư Anh vĩnh viễn đầu tiên ở Mỹ |
1652 | Hà Lan thiết lập thuộc địa ở Cape Town |
1652-74 | Cuộc chiến thương mại Anh-Hà Lan: Anh tống khứ Hà Lan khỏi Bắc Mỹ và Tây Phi |
1664 | Thành lập Công Ty Đông Ấn Pháp |
Thập niên 1740 | Anh và Pháp bắt đầu giao chiến ở Ấn Độ |
1754 | Bắt đầu cuộc chiến giữa Pháp và người Da Đỏ Bắc Mỹ |
1763 | Anh chiến thắng trong Cuộc Chiến 8 Năm, làm chủ được Canada và Ấn |
1776 | Các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ tuyên bố độc lập |
1788 | Anh thiết lập khu định cư cho tội phạm ở New South Wales |
1853 | Lực lượng hạm đội Mỹ đến Nhật, áp lực đòi giao thương |
1857 | Ấn Độ nổi dậy chống ách cai trị của Anh |
1875-1900 | “Chạy đua đến châu Phi”: lục địa được sâu xé bởi các cường quốc thực dân Âu châu |
1898 | Mỹ chiếm Philippin, Guam, và Puerto Rico từ tay Tây Ban Nha. Mỹ xáp nhập Hawaii |
1899-1902 | Anh đánh bại người Boer (dân định cư Hà Lan) ở Nam Phi và chiếm cộng hòa Boer |
1918 | Thổ Nhĩ Kỳ và Đức thất trận trong Thế Chiến I; đế quốc của họ bị phân chia cho nước chiến thắng |