LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 3

50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 3

71eue55txvl

Ian Crofton

Trần Quang Nghĩa dịch

11 TỬ THẦN ĐEN

dai-dich-300320

Vào giữa thế kỷ thứ 14, một đại hoạ thuộc loại chưa hề biết trước đây ghé thăm châu Âu, với một tử suất thậm chí còn cao hơn trong hai thế chiến vào thế kỷ trước. Người ta ước tính trên toàn lục địa, khoảng một phần ba dân số đã chết trong thời gian ba năm.

 Nguyên nhân là một trận đại dịch, sau này gọi là Tử Thần Đen. Hơn một nhà biên niên sử đã thốt lên rằng “người còn sống không đủ sức chôn người chết.”

 Hậu quả của Tử Thần Đen vượt qua sự chết chóc cao ngất trời. Nó là cú đấm choáng váng vào tâm linh tập thể của châu Âu trung cổ. Đã đi rồi niềm tin và sự lạc quan của thời đầu Trung Cổ. Dường như Chúa Trời đã giáng một đòn trừng phạt đáng sợ xuống con cái Người, chưa từng có từ thời Cựu Ước. Ắt hẳn có điều gì đó thối rữa trong trái tim nhân loại khiến Chúa Trời thịnh nộ, và điều gì đó đặc biệt thối rữa trong thánh đường của Chúa, vốn không thể làm gì để ngăn chặn cơn sóng thần chết chóc của đại dịch. Đối với nhiều người, dường như Ngày Tận Thể đã đến, thời khắc khổ não cho nhân loại trước khi Christ xuất hiện lần thứ hai.

Bản chất của quái thú

Vào thời Trung Cổ, người ta chưa biết đến nguyên nhân gây bệnh, và do đó thấy mình bất lực không thể ngăn cản sự lan rộng hoặc điều trị. Chỉ đến cuối thế kỷ thứ 19 các nhà khoa học mới nhận diện được con vi trùng, Yersinia pestis, tác nhân gây ra đại dịch, và biết rằng bệnh được truyền qua vết cắn của rận mang bởi loài chuột đen. 

Chứng thông thường nhất của bệnh trong Tử Thần Đen chắc chắn là bệnh dịch hạch – gọi như thế vì những hạch đen cứng, có kích cỡ quả trứng hoặc thậm chí quả táo, xuất hiện ở háng và nách. Những ai bị nhiễm bệnh sẽ lên cơn sốt và mê sảng, đau nhức dữ dội ở ngực và nôn ra máu. Nhiều người chết chỉ sau khi phát bệnh ba hoặc bốn ngày, có khi chỉ trong vài giờ. Vào mùa đông, dạng viêm phổi của bệnh, truyền đi qua đường hô hấp khi ho, càng phổ biến hơn, trong khi một dạng thứ ba, nhiễm độc máu, giết chết bệnh nhân trước khi có bất cứ triệu chứng nào xuất hiện. Một số nhà khoa học ngày nay tin rằng bệnh dịch thật ra có thể có nguồn gốc vi-rút.

“Nhiều người chết mỗi ngày hoặc mỗi đêm trên đường phố. . . ; chỗ nào cũng là nhà mồ.”

Giovanni Boccaccio, trong The Decameron, 1350–3, mô tả đại dịch ở Florence.

 Bên ngoài Á châu

Tử Thần Đen chắc chắn có nguồn gốc ở vùng thảo nguyên trung Á, và truyền qua con đường buôn bán đến châu Âu. Theo một ghi chép,  người Tartar bao vây cảng Kaffa ở Biển Đen (Theodosia ngày nay) vùng Crimea vào năm 1346 buộc phải bỏ rơi chiến dịch vì bệnh dịch. Nhưng trước khi bỏ đi, họ bắn thi hài người bệnh chết qua tường thành kẻ địch, hi vọng sẽ làm dân chúng trong thành bị lây nhiễm. Năm sau các nhà buôn Geneva của Ý – hoặc lũ chuột trên tàu họ – mang mầm bệnh từ Kaffa đến Messina ở Sicily, và vào năm 1348 nó càn quét khắp vùng Địa Trung Hải và đến nước Anh.

 Khoảng năm 1349-50 bệnh dịch đã tàn phá nước Pháp, Anh, Scandinavia, Đức và trung Âu. “Nó vượt qua nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác,” nhà biên niên sử Anh Robert vùng Avesbury ghi lại, “giết chết nhanh chóng vào giữa ngày những người buổi sáng còn thấy khỏe mạnh. . . Một ngày có 20, 40, 60 và nhiều hơn các xác chết được tống chung một huyệt.” Ở cảng Bristol của Anh, cỏ mọc um tùm trên đường phố lặng ngắt như tờ. Một vài nơi, tử suất cao hơn 60 phần trăm, và trên khắp châu Âu, ước tính thấp nhất là có khoảng 25 triệu người chết.

 Sợ hãi và ghê tởm

Đối diện với nỗi khủng khiếp không tưởng tượng được của Tử Thần Đen, dân chúng quay sang sử dụng mọi loại chữa trị tuyệt vọng. Căn bệnh được cho là do không khí ô uế, vì thế cửa cái và cửa sổ đều đóng kín mít, các thứ hương được đốt lên, và ai liều lĩnh đi ra ngoài phải mang theo miếng xốp hút dấm . Một số đổ lỗi cho nước sinh hoạt, theo họ đã bị nhiễm độc bởi nhện, cóc nhái và các loại bò sát – những hiện thân của đất cát, chất dơ và Quỷ Dữ – và thậm chí bởi xương thịt của  thần xà, loại rắn thần thoại có thể giết người chỉ bằng một cái liếc mắt. Những con dê tế thần được dân chúng đi tìm khắp mọi nơi – người hủi, người giàu, kẻ nghèo, giáo sĩ và phổ biến nhất, người Do Thái, nạn nhân đáng thương của những trận hành hung lan rộng.

 Tránh xa lối sống ô uế và thanh tẩy tội lỗi giấu giếm trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên, và những vụ tự hành hạ mình bằng roi bùng phát hàng loạt và  lan truyền khắp nước Đức, các Xứ Vùng Thấp (như Hà Lan, Bỉ. . .) và Pháp. Đoàn người tự phạt roi, tẩy chai đàn bà, xưng tên Người mang thập giá, Hội huynh đệ tự phạt roi và Hội huynh đệ Thập giá, và trong những buổi lễ đầy tính nghi thức và máu me, họ nhắm đến việc không những tự thanh tẩy tội lỗi của mình, mà còn gánh vác những tội lỗi của thế gian, hi vọng nhờ thế đại dịch sẽ bỏ đi và nhân loại được cứu rỗi. Do đó những người tự phạt roi được sự ủng hộ của dân chúng, và thoạt đầu họ được cho phép và thậm chí được các cấp thẩm quyền trong giáo hội và chính quyền khuyến khích. Tuy nhiên, đến khi các người tự phạt bắt đầu đe doạ đến trật tự xã hội, họ bị lên án, và vào tháng 10 1349 Giáo Hoàng Clement VI ban hành sắc lệnh bãi bỏ việc làm này.

 Thách độ đối với trật tự cũ

Nhân loại đã bị xô ra khỏi ân sủng của Chúa Trời, và trên khắp châu Âu một tâm trạng bi quan ngự trị. Văn chương và nghệ thuật thời kỳ này mang đầy hình ảnh chết chóc và đọa đày – những cảnh tượng Địa ngục và Quỷ Dữ, Vũ điệu của Tử Thần, Thần Chết Nham Hiểm, Bốn Kỵ Sĩ của Khải Huyền (4 nhân vật trong Tân Ước và Cựu Ước, tượng trưng bốn tai họa dẫn đến Ngày Tận Thế là chinh phục, chiến tranh, đói kém và bệnh dịch: ND).

Việc thức tỉnh trước hệ lụy của tội lỗi đưa đến sự tăng trưởng lòng mộ đạo, và cùng với nó là sự phê phán lối sống buông thả và đắm chìm trong dục lạc của giới tăng lữ. Những phong trào phản kháng khác nhau, như của dân Lollard ở Anh và Hussite ở Bohemia, và tẩy chai quyền lực của giáo hoàng khơi mào cho phong trào Cải cách Tin Lành vào thế kỷ 16.

“Và không còn tiếng chuông báo tử và không ai khóc cho dù mất mát đến đâu vì hầu như mọi người chờ đợi cái chết. . . và dân chúng đều nói một cách tin tưởng, ‘Đây là ngày tận thế.’”

Agnolo di Tura, một viên thu thuế ở Sienna, vào năm 1348. Ông đã tự tay chôn năm đứa con của mình.

 Không chỉ có quyền bính của giáo hội bị thách thức. Một khi đại dịch đã đi qua, những người làm nông còn sống sót bỗng thấy công việc mình được săn đón, đưa đến việc họ đòi tăng tiền công lao động. Yêu sách này bị tầng lớp chủ nông chống đối; ở Anh, chẳng hạn, Luật Nhân Công năm 1351 ra sức đóng băng tiền công lao động ở mức như trước đại dịch. Kết quả là sự bất mãn của cả nông dân lẫn thị dân, và điều này càng tăng lên khi thuế suất cao, dẫn đến những vụ nổi dậy khắp nơi, điển hình là vụ Jacquerie năm 1358 xảy ra ở Pháp và Cuộc Nổi Dậy Nông Dân ở Anh năm 1381. Trong các thành phố ở miền Flanders và Ý cũng xảy ra náo loạn. Mặc dù tất cả những vụ nổi dậy đó đều bị dập tắt, vào cuối thế kỷ sự thiếu hụt lao động đã dẫn đến việc bãi bỏ chế độ nông nô trong nhiều vùng ở châu Âu, và đồng lương thực sự của đại đa số quần chúng đã tăng lên đến mức chưa từng có trước đây. Đối với nhiều người, Tử Thần Đen đã thúc đẩy một thời hoàng kim tương đối sung túc. 

TÓM TẮT

Trận đại dịch đã đưa đến một truy vấn mới về quyền hành

 DÒNG THỜI GIAN 

Thế kỷ 6 SCN Đại dịch lớn đầu tiên lan từ Ai Cập đến Constantinople và băng qua Địa Trung Hải
Thập niên 1330 Đại dịch thứ hai bùng phát trên thảo nguyên trung Á
1346 Dịch lan đến cảng Kaffa trên Biển Đen
1347 Dịch lan đến Sicily, Constantinople, Naples, Genoa và Marseille
1348 Dịch lan qua Địa Trung Hải và Tây Âu, đến tận miền nam nước Anh. Giáo hoàng Clement VI ra sắc dụ tuyên bố người Do Thái vô tội gây ra bệnh dịch
1349 Giáo hoàng ra sắc lệnh lên án việc tự phạt roi mình
1349-50 Đại dịch hoành hành khắp bắc và trung Âu
1351 Luật Nhân Công ở Anh
1358 Jacquerie nổi dậy ở Pháp (đặt theo tên thường gọi của nông dân Pháp). Cuộc nổi dậy ở Bruges.
Thập niên 1370 Hỗn loạn xảy ra trong vài thành phố Ý
1381 Cuộc Nổi Dậy Nông Dân
1382-4  Một số cuộc nổi dậy ở các thị trấn vùng Flemish
1414 Đàn áp cuộc nổi dậy Lollard ở Anh
1420-34 Cuộc chiến của người Hussite ở Bohemia
1664-6 Cuộc bùng phát đại dịch cuối cùng ở London giết chết 70,000 người
1666-70 Dịch ở tây Đức và Hà Lan
1679-84 Dịch ở trung Âu
1720 Bùng phát dịch lần cuối ở Marseille
Cuối thế kỷ 19 Đại dịch lần ba khắp Trung Hoa và Ấn Độ

  

12 ẤN ĐỘ THỜI TIỀN THUỘC ĐỊA

Những nền văn hóa hiện giờ đang nảy nở ở Ai Cập và Trung Đông giống rất ít với những nền văn hóa đã từng nảy nở tại đó trong thời cổ đại. Những cuộc chinh phục của người Hy Lạp, La Mã và Ả Rập tạo ra sự dịch chuyển khỏi nguồn cội quá khứ xa xôi. Trái lại, văn hóa Ấn ngày nay vẫn còn biểu thị cho sự tiếp nối với nền văn minh có nguồn gốc hơn ba thiên niên kỷ rưỡi trước.

Lịch sử Ấn Độ tất nhiên còn lâu đời hơn. Khoảng 5,000 TCN hoạt động canh tác đã được thành hình ở thung lũng sông Ấn, tại đó khoảng 2600 TCN một trong những nền văn minh đô thị đầu tiên xuất hiện, tập trung quanh những thành phố được qui hoạch kỹ lưỡng như Harappa và Mohenjo Daro.

 Sự xuất hiện của văn hóa Ấn

Sau 1700 TCN, các thành phố ở thung lũng sông Ấn bắt đầu suy thoái, có thể do làn sóng người du mục từ phương tây tràn về, người Aryan, nói thứ tiếng Ấn-Âu khởi thủy (được biết dưới tên Sanskrit trong dạng chữ viết). Những tác phẩm cổ nhất, tuyển tập các bài hát Sanskrit, bùa chú, kinh cầu và nghi thức được biết dưới tên Kinh Vệ Đà, có niên đại khoảng 1500 TCN, đánh dấu sự ra đời của Ấn giáo. Tôn giáo đa thần này phát triển một hệ thứ bậc đầy màu sắc gồm các vị thần và nữ thần, nhiều trong số đó vẫn còn được thờ phụng khắp Ấn Độ đến tận ngày nay. 

Các vương quốc Ấn giáo khởi thủy được người Aryan thành lập ở lưu vực sông Hằng cũng theo thứ bậc chặt chẽ, với nhà vua nắm vị thế thần linh có quyền sinh sát. Bên dưới ngài là lớp lớp các cấp được xác định chặt chẽ – tăng lữ (Bà La môn), quan nhân và quý tộc, trại chủ và thợ thủ công, và, ở tận đáy, là những người lao động bị ràng buộc vì nợ nần. Qua thiên niên kỷ cấu trúc qui định bởi tôn giáo càng ngày càng khắt khe, và hình thành nền tảng hệ thống giai cấp có tính kế thừa vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Ấn hiện đại, dù cho có những nỗ lực của những nhà cái cách nhằm bãi bỏ nó.

 “Miệng của Người trở thành  Bà La Môn; cánh tay Người tạo ra Chiến Binh, đùi Người là Dân chúng, và từ bàn chân Tôi Tớ được sinh ra.”

“Bài ca Nhân loại” rút từ Rig Veda, k.1500), một phác họa khởi thủy của hệ thống giai cấp

 Khoảng 500 TCN một số giáo phái mới ra đời, nổi bật nhất là Kỳ Na giáo (Jainism) và Phật giáo. Những tôn giáo này không chấp nhận các thần linh màu mè của Ấn giáo, nhưng chia sẻ nhiều quan niệm cốt lõi của Ấn giáo, như vòng luân hồi sinh tử (samsara), ý tưởng cho rằng cá nhân hứng chịu cái quả của việc mình làm (karma: nghiệp), và khái niệm về dharma (pháp), được gán cho nhiều nghĩa như “phép tắc”, “đường lối”, “bổn phận” hoặc “sự vật”.

 Sự thăng trầm quyền lực

Dần dần, Ấn Độ cổ đại hợp thành những vương quốc nhỏ như những mảnh khảm trên vùng đất bao la, nhưng cũng có thời một nhà cai trị hoặc triều đại nổi lên thống trị những vương quốc khác. Trong số đó có Chandragupta Maurya (cai trị 331-297 TCN), lập ra vương triều Maurya, đặt kinh đô ở vương quốc Magadha ở tây Bengal. Chandragupta chinh phục nhiều vùng đất ở phía bắc tiểu lục địa, từ Afghanistan ở phía tây đến Assam phía đông, và xa tận cao nguyên Deccan ở phía nam. Cháu nội Chandragupta là Ashoka (cai trị 272-232 TCN) biến những chinh phục của ông mình thành một đế chế trung ương tập quyền, cai trị theo các lời giáo huấn của Đức Phật: Ashoka đặc biệt ý thức được nghĩa vụ phải làm điều đúng đắn mà một nhà cai trị phải gánh vác.

1

Ashoka thường cho dựng nhiều cột đá, cao từ 12 đến 15 mét tại những nơi Đức Phật lui tới để giảng đạo, cũng như nơi ngài sinh ra, đắc đạo, ra đi… Trên cột thường ghi những chỉ dụ của vua và lời dạy của Đức Phật

2

Bán đồ đế chế Maurya (màu hồng) thời Ashoka. Dấu ngôi sao đỏ là kinh đô, đầu tam giác đó là thánh tích Đức Phật

Sau Ashoka, quyền lực Mauryan dần dần bị bào mòn. Nhưng chỉ đến thế kỷ thứ 4 SCN một triều đại khác, triều đại Gupta, xây dựng nên một đế chế có thể sánh được với Ashoka. Triều đại Gupta đưa tới một thời hoàng kim trong nghệ thuật và khoa học, nhưng đế chế Gupta tan rã vào giữa thế kỷ thứ 6. Những bộ phận của đế chế được thống nhất lại một cách ngắn ngủi vào đầu thế kỷ thứ 7 bởi một nhà cai trị theo đạo Phật tên là Harsha. Sau thời trị vì của ngài ảnh hưởng của đạo Phật ở Ấn Độ cũng sa sút, mặc dù nó bắt rễ vững chắc ở đông nam Á, Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản.

 Thời hoàng kim của đế chế Gupta

Thời kỳ đế chế Gupta, từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 6 SCN, được coi như là một thời hoàng kim ở Ấn Độ. Về văn chương, thiên anh hùng ca Mahabharata của Ấn giáo viết bằng  tiếng Sanskrit cổ đã đến giai đoạn hoàn thiện, trong khi đại thi hào Kalidasa – được tôn vinh như là Shakespeare của tiếng Sanskrit – sáng tạo ra những thiên hùng ca mới, cùng với thi ca đầy nhạc điệu và bi kịch. Về kiến trúc, một trong những đền kỷ niệm Gupta vĩ đại nhất là Bồ Đề Đạo Tràng ở Bodh Gaya, nơi Đức Phật giác ngộ, trong khi một Cột Sắt bí ẩn cao 7 mét  được dựng ở Delhi – cho đến ngày nay không có dấu hiệu bị rỉ sét – minh chứng trình độ luyện kim đáng nể của thời đó.

3

Bồ Đề Đạo Tràng

Trong khoa học, nhà thiên văn Aryabhatta chứng tỏ – trong số những điều khác – rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời và tự quay quanh trục của nó, trong khi luận đề về toán học và thiên văn học được biết dưới tên Surya Siddhanta chứa một định nghĩa về hàm số sin được sử dụng trong lượng giác. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất là hệ thống số thập phân và việc sử dụng số zero, những cách tân sau này được người Ả Rập tiếp thu và sau đó truyền bá đến phương Tây.

 Ấn Độ theo đạo Hồi

Lần đầu tiên Ấn Độ tiếp xúc với đạo Hồi là vào năm 711, khi quân Ả Rập xâm nhập từ Iran và đánh chiếm Sind, vùng chung quanh cửa sông Ấn. Những cuộc xâm lược Hồi giáo tiếp theo đến từ hướng khác, từ Afghanistan ở phía tây bắc, và được cầm đầu bởi một số nhà cai trị có gốc Thổ. Việc cướp phá bắt đầu vào đầu thế kỷ 11, nhưng chỉ đến năm 1206 vương triều Hồi giáo ở Delhi mới được thiết lập. Đây là vương quốc đầu tiên và hùng mạnh nhất trong số những nhà nước Hồi giáo được hình thành khắp phía bắc Ấn Độ trong những thế kỷ sau đó, thời kỳ mà có một thiểu số có ý nghĩa người Ấn cải sang đạo Hồi. Tuy nhiên, Ấn giáo vẫn duy trì được sức mạnh ở phương nam, nơi đế chế  Vijayanagar vẫn giữ vững trong khoảng 200 năm cho đến khi cuối cùng sụp đổ vào năm 1565.

Kẻ xâm lược Thổ-Afghan tạo ra tác động lâu bền nhất là Babur vùng Kabul, người trong năm 1526 đã lật đổ vương triều ở Delhi và thành lập một triều đại tiến lên chinh phục tất cả tiểu lục địa, trừ mũi phía nam. Họ là người Mogul – xưng tên như thế vì họ cho rằng mình là hậu duệ của người Mông gốc Thổ ở trung Á. Người Mogul chủ trì một nền văn hóa triều đình hoành tráng, nổi bật là thi ca chịu ảnh hưởng Ba Tư và những tiểu họa tinh tế. Họ cũng là tác giả của một số công trình xây dựng lộng lẫy nhất của  Ấn Độ, từ Thành Lũy Đỏ của Delhi tới Đền Taj Mahal ở Agra. Dưới thời của cháu nội Babur là Akbar Đại Đế (trị vì 1556-1605), Ấn đạt được sự thống nhất dưới mức độ chưa từng có trước đây, một phần nhờ chính sách khuyến khích những người có tài đa đột thuộc Ấn giáo tham gia triều chính của ngài.

4

Thành Lũy Đỏ ở Delhi

Dưới triều Hoàng đế Aurangzeb (trị vì 1658-1707), tuy nhiên, việc khoan dung tôn giáo bị bãi bỏ, gây tác hại cho sự thống nhất chính trị và hiệu năng trị nước. Quyền lực trên khắp tiểu lục địa không ngừng bị cục bộ hóa và những vụ đấu đá nội bộ khiến đất nước Ấn Độ suy yếu, trở thành miếng mồi ngon cho thực dân Âu châu, lúc này đã tìm được con đường biển đến châu Á, đang nhắm đến việc khai thác kho tài nguyên rộng lớn của lục địa này làm của riêng. 

TÓM TẮT

Môt trong những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới. 

DÒNG THỜI GIAN 

5000-2000 TCN Canh tác lan khắp Ấn Độ
2600-k.1700 TCN Văn minh thung lũng sông Ấn
800 TCN Một số nhà nước Ấn giáo đã được thành lập ở lưu vực sông Hằng
k.500 TCN Phật giáo ra đời
326 TCN Alexander Đại Đế đến sông Ấn
321-297 TCN Đại bộ phận bắc Ấn Độ thống nhất dưới triều vua Chandragupta Maurya

 

272-232 TCN Thời trị vì của Ashoka, vị vua vĩ đại nhất của triều đại Maurya
Thế kỷ thứ 2 TCN Văn minh Hy Lap-Ấn Độ ở thung lũng sông Ấn
Thế kỷ thứ 1 SCN Người Kushan từ trung Á đến định cư ở thung lũng sông Ấn
k.320-540 Đế chế Gupta ở bắc Ấn
606-47 Harsha trị vì một đế chế theo Phật giáo ở bắc Ấn
711 Quân Ả Rập chinh phục Sind
Đầu thế kỷ 11 Mahmud vùng  Ghazninhà cai trị Thổ-Afghan cướp phá tây bắc Ấn
Cuối thế kỷ 12 Muhammad vùng Ghur, một nhà cai trị Thổ-Afghan khác chinh phục đại bộ phận trung bắc Ấn
1206 Nền móng của vương triều Hồi giáo ở Delhi
1336-1565 Đế chế Ấn giáo Vijayanagar ở nam Ấn
1398 Delhi bị bọn Timur (Tamerlane) tự xưng là hậu duệ Thành Cát Tư Hãn, cướp phá
1497-9 Vasco da Gama thiết lập hải trình từ châu Âu đến Ấn
1526 Babur vùng Kabul lật đổ vương triều Delhi và thiết lập đế chế Mogul
1556-1605 Thời trị vì của Akbar Đại Đế
1658-1707

 

Đế chế Mogul bất đầu suy thoái dưới triều vua Aurangzeb
1757 Anh đánh thắng Trận Plassey và chiếm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Ấn

  

13 TRUNG HOA THỜI PHONG KIẾN

Những nhà cai trị khởi đầu của Trung Hoa, nhà Thương, xuất hiện cách đây khoảng 3,500 năm – triều đại đầu tiên trong những triều đại  cai trị nước Trung Hoa đến tận thế kỷ thứ 20. Chính dưới triều nhà Thương đã ra đời những yếu tố định hình nên một nền văn hóa Trung Hoa, đầu tiên là chữ viết ghi ý thuộc dạng đến ngày nay còn được sử dụng, và tiếp theo là những đồ mỹ nghệ – đồ đồng, đồ gốm, lụa và ngọc bích. 

Trung Quốc quá rộng lớn, dân số quá đông và tài nguyên quá giàu đến nỗi trong hàng thiên niên kỷ người Hoa không thấy cần phải nhìn qua đường biên giới xa xăm của xứ sở mình, xứ sở mà họ gọi là Vương Quốc Ở Trung Tâm (tức Trung Quốc). Phía bên kia xứ sở họ không có gì trừ những kẻ man di lạc hậu, trong khi Trung Hoa thì thịnh vượng về kinh tế, nghệ thuật và kỹ thuật. Trước Cách Mạng Khoa Học ở phương Tây vào thế kỷ 16, Trung Hoa đã tiến rất xa so với châu Âu về khoa học và kỹ thuật. Chúng ta mang ơn người Hoa bốn sáng chế chủ yếu: la bàn, thuốc súng, làm giấy và kỹ thuật  in.

 Những triều đại đầu tiên

Trung Hoa được khống chế bởi hai con sông lớn, Hoàng Hà ở phía bắc và Dương Tử ở phía nam. Chính trên cánh đồng nhiều phù sa màu mỡ sau những đợt lũ của Hoàng Hà mà nền nông nghiệp đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, khoảng 4000 TCN, mở rộng từ đó đến lưu vực Dương Tử. Khi xã hội Trung Hoa trở nên phức tạp hơn, những trung tâm nghi lễ quan trọng khác nhau ra đời, và vào thời nhà Thương, những trung tâm này đã tiến hóa thành những thành phố có qui hoạch, được phân bổ trên một mạng lưới định hướng theo những điểm trên la bàn. Nhà Thương, xưng mình nhận thiên mệnh, đã cai trị đại bộ phận phía bắc Trung Quốc từ căn cứ quyền lực của mình ở thung lũng Sông Hoàng Hà. Như ở Ai Cập cổ đại, các lăng mộ hoàng gia nhà Thương đều chứa đầy vật dụng để người quá cố sống tốt ở kiếp sau. Nhưng nhà Thương còn đi xa hơn khi chôn sống các tôi tớ, cung phí và trẻ con cùng với nhà vua quá vãng để hầu hạ họ ở kiếp sau.

 Nhà Thương bị nhà Chu Vũ ở phương tây lật đổ khoảng 1000 TCN. Nhà Chu cũng tuyên bố họ thừa hưởng thiên mệnh và thiết lập triều đại nhà Chu, kéo dài đến đầu thế kỷ thứ 5 TCN, khi Trung Quốc bước vào thời Chiến Quốc.

  Đạo Khổng và nhà nước

Khoảng 500 TCN một quan chức kiêm học giả có tên Khổng Phu tử dạy rằng, để thuận ý trời, con người phải tôn kính vua như tôn kính bậc trưởng thượng trong gia đình. Khổng Tử đề cao tôn ti trật tự trong gia đình cũng như trong xã hội – hoàn thiện những giá trị của đạo Khổng như trí, nghĩa, trung, hiếu và nhân – đã phát huy ảnh hưởng lâu dài đối với xã hội Trung Hoa đến tận ngày nay.

Hoàng đế đầu tiên

Thời Chiến Quốc kết thúc vào 221 TCN khi Tần vương Chính, vua nhà Tần, một nước nhỏ phía tây, gồm thâu lục quốc, thống nhất Trung Hoa. Ông xưng là Tần Thủy Hoàng (Hoàng đế đầu tiên), hoàung đế của toàn bộ Trung Hoa, và mở rộng biên cương đến trung Á và biển Nam hải. 

“Giang sơn mà Hoàng đế thành lập rộng lớn nhất trước đây chưa từng có.”

Bia được lệnh Tần Thủy Hoàng cho khắc để đánh dấu thời khắc ngài lên ngôi hoàng đế vào 221 TCN.

 Tần Thủy Hoàng tập trung quyền hành, cho định chuẩn các đơn vị đo lường và xây dựng đường sá và kênh đào. Nhưng ngài gặp sự căm thù của nhân dân vì chính sách khắt khe, đàn áp, tàn bạo đối với những kẻ chống đối và cưỡng bách hàng trăm ngàn thanh niên lao dịch khổ sai để xây dựng Vạn Lý Trường Thành ở tận phương bắc lạnh lẽo. Những nhà cai trị trước đây cũng đã xây dựng rải rác những tường thành phòng thủ khác nhau chống quân du mục phương bắc, nhưng Tần Thủy Hoàng quyết tâm kết nối và củng cố các tường thành có sẵn. Kết quả là có hàng vạn người bỏ mình.

5

Một đoạn Vạn Lý Trường Thành

Sự thăng trầm của các triều đại

Sau khi Tần Thủy Hoàng chết vào năm 210 TCN ngài được an táng cùng với “quân đoàn đất nung” nổi tiếng gồm hàng ngàn tượng bình sĩ lớn bằng người thật với các gương mặt đều khác nhau, và trong một ngôi mộ được truyền thuyết được cho là vô cùng hoành tráng và kỳ bí, hiện đang được thăm dò từng bước thận trọng và trong vòng bí mật.

6

Quân đoàn đất nung của Tần Thủy Hoàng

Không lâu sau đó một triều đại mới, nhà Hán, lên thay nhà Tần. Nhà Hán cai trị Trung Hoa 400 năm, cải cách hành chính bằng cách tổ chức kỳ thi chọn người làm quan chức nhà nước và bổ nhiệm họ xa nhà để tránh cấu kết tham nhũng. Triều Hán cũng đẩy mạnh nông nghiệp và mở rộng đế quốc, và kiểm soát Con đường Tơ Lụa đến tận trung Á. Chính nhờ Con đường Tơ Lụa – hệ thống các tuyến đường trên đất liền được đặt tên món hàng xuất khẩu được ưa chuộng nhất của Trung Hoa – mà các đường dây mậu dịch được hình thành vươn đến các dân tộc rất xa về phía tây kể cả đế quốc La Mã, mà biên giới của nó là đầu cuối của Con đường.

 Tiếp theo nhà Hán là một loạt những triều đại, mà kinh đô được qui hoạch nghiêm chỉnh, và dân số ước tính gần đến 1 triệu người, là những thành phố lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian giữa thời điểm La Mã suy vong và sự lớn mạnh vượt bậc của London vào thế kỷ 18. Những triều đại mới có khuynh hướng khởi đầu hưng thịnh, với một chính sách trung ương tập quyền hiệu quả, công bằng, nhưng rồi theo thời gian quyền lực trung ương yếu dần trước  những tranh giành quyền lực từ các địa phương, những vụ nổi dậy của nông dân do sưu cao thuế nặng, và bởi hoạ xâm lăng từ các sắc dân du mục trên lưng ngựa từ phương bắc xuống. Hai cuộc xâm lăng như thế dẫn đến sự ra đời của những triều đại mới: vào thập niên 1270 người Mông Cổ dưới quyền lãnh đạo của Hốt Tất Liệt hoàn tất cuộc chinh phục Trung Hoa, lập ra nhà Nguyên, và năm 1644 một tộc người ở Mãn Châu tràn qua diệt nhà Minh, triều đại đã đánh đuổi người Mông Cổ ra khỏi xứ sở Trung Hoa, để lập ra nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.

 Đối nội và đối ngoại

Người Hoa đã phát triển kỹ năng tuyệt vời trong ngành đóng tàu, đi biển – chính họ là người đã phát minh ra la bàn – và trong đầu thế kỷ 15 triều đình đã cử một đội thuyền buồm hùng hậu dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Trịnh Hòa tiến hành một loạt những chuyến buôn bán đường dài đến Đông Ấn (Malaysia và Indonesia), Ấn Độ, Ả Rập và Đông Phi. Những chính sách mở rộng chân trời này của Trung Quốc, nếu tiếp tục có thể biến nó trở thành một đế chế giao thương đường biển, đột ngột bị bãi bỏ vào đầu thập niên 1430. Ắt hẳn hoàng đế cho rằng Trung Hoa đã sở hữu tất cả tài nguyên cần có, nên việc cấp bách là tập trung lo phòng thủ biên cương phía bắc.

“Các nông dân nổi dậy hàng hàng lớp lớp. . . Họ mài xẻng thành gươm, và tự xưng danh hiệu ‘Bình Vương’, tuyên bố mình đang cào bằng sự khác biệt giàu nghèo.”

Một học giả đương đại mô tả cuộc nổi dậy bùng phát của dân chúng vào năm 1645 (đây ắt hẳn là cuộc nổi dậy nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo thành công vào năm 1645: ND), chỉ là một trong nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân chấm phá trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa phong kiến.

 Trung Hoa thu mình lại đúng lúc người Âu châu bắt đầu nhìn qua bên kia bờ biển của họ – và chuẩn bị xâm chiếm Trung Hoa bằng sự tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vào giữa thế kỷ 16 người Bồ Đào Nha thiết lập một trạm giao thương trên bờ biển Trung Hoa, và vào đầu thế kỷ 19 các cường quốc Tây phương như Anh thúc ép người Hoa phải mở cửa buôn bán với họ, đặc biệt cho nhập cảng nha phiến từ Ấn Độ thuộc Anh. Kết quả là các ‘Cuộc Chiến tranh Nha phiến’ đưa tới việc các cường quốc Tây phương nắm được quyền kiểm soát một số  cảng ở Trung Hoa. Suy yếu vì nội loạn và sức ép từ bên ngoài, triều đình phong kiến phản động quay lưng lại với mọi tư tưởng canh tân và hiện đại hóa, trong khi quân đội Âu châu đánh chiếm cả Bắc Kinh. Nhân dân Trung Hoa đã chịu đủ, và trong năm 1911 hoàng đế cuối cùng bị lật đổ trong cuộc cách mạng dân tộc. Và thế là ba ngàn ruỡi năm chế độ quân chủ đã cáo chung. 

TÓM TẮT

Trung Hoa phong kiến chỉ lo chuyện nội bộ đã đi tới sụp đổ. 

DÒNG THỜI GIAN 

4000 TCN Canh tác bắt đầu xuất hiện ở thung lũng sông Hoàng Hà
k.1500 TCN Triều đại lịch sử đầu tiên, nhà Thương
k.1000 TCN Nhà Chu thay thế nhà Thương
500-300 TCN Ra đời Đạo giáo và Khổng giáo, hai đạo lớn nhất Trung Hoa
481-221 TCN Thời Chiến Quốc
221 TCN Tần Thủy Hoàng trở thành hoàng đế đầu tiên, thiết lập triều đại nhà Tần ngắn ngủi và xây dựng Vạn Lý Trường Thành
210 TCN Tần Thủy Hoàng băng hà
202 TCN Nhà Hán mở mang đế chế và cải cách bộ máy hành chính
k.100 SCN Đạo Phật truyền đến Trung Quốc
265-316 SCN Nhà Tấn, cuối cùng bị rợ phương bắc xâm chiếm
386-533 Triều đại Bắc Ngụy cai trị bắc Trung Hoa
589-618 Nhà Tùy thống nhất nam bắc Trung Hoa
619-907 Nhà Đường: nền văn hóa Trung Hoa trải qua thời cổ điển của mình
960-1270 Nhà Tống: bành trướng hoạt động thương mại
1127 Cuộc xâm lăng của nước Kim khiến lãnh thổ nhà Tống chỉ còn ở phương nam Trung Hoa
1215 Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đánh bại quân Kim ở miền bắc Trung Hoa
1271-1368 Nhà Nguyên (Mông Cổ) do Hốt Tất Liệt thành lập
Thập niên 1270 Hốt Tất Liệt tiêu diệt Nam Tống
1368-1644 Nhà Minh: Trung Quốc rút lui khỏi những chuyến hải trình ngoại thương và xây dựng Cấm Thành ở Bắc Kinh
1644-1911 Nhà Thanh (Mãn Châu): Trung Quốc ở đỉnh cao quyền lực và thịnh vượng cho đến khi suy thoái nẩy mầm
1839-42 Anh đánh bại Trung Hoa trong Chiến tranh Nha phiến Đầu Tiên và được thuộc địa Hồng Kông, ngoài ra còn được mở năm cảng do hiệp ước
1851-64 Hàng triệu người chết trong Loạn Thái Bình Thiên Quốc
1856-60 Chiến tranh Nha phiến Lần Hai: quân Anh và Pháp chiếm Cấm Thành
1894-5 Nhật đánh nhau với Trung Quốc, chiếm Triều Tiên và Đài Loan
1900-1 Loạn Nghĩa Hòa Đoàn: tấn công người ngoại kiều dưới sự cổ vũ của triều đình; bị các thế lực Tây phương dập tắt
1911 Cách mạng dân tộc lật đổ hoàng để cuối cùng

 

 14 NGƯỜI MÔNG CỔ

4e76b3df6ed13f3agreat

Vào thế kỷ 13 một dân tộc du cư vô danh từ các thảo nguyên đông bắc Á lập ra một đế quốc liền lạc lớn nhất mà thế giới từng biết, trải dài từ Hungary ở phía tây đến Triều Tiên ở phía đông, và chiếm gần như toàn bộ châu Á trừ Ấn Độ và vùng đông nam của lục địa (trong đó có Việt Nam: ND).

7

Đế quốc Mông Cổ thời cực thịnh

Dân tộc này là người Mông Cổ, và dưới tài lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn và các con cháu trai họ xông ra khỏi quê nhà ở Mông Cổ và gieo tang tóc trên khắp thế giới được biết đến. Trong quá trình đó, họ chịu trách nhiệm cho một trận đại tàn sát trên qui mô không tưởng tượng được cho đến thời kỳ của Hitler và Stalin.

 Người Mông Cổ tà giáo cả người Cơ đốc và Hồi giáo đều khiếp sợ và căm ghét – vậy mà họ lại tỏ ra tôn trọng và khoan dung đối với các tôn giáo của người khác, miễn là họ chịu thần phục quyền lực Mông Cổ. Và trong khi ở phương Tây cái tên Thành Cát Tư Hãn đồng nghĩa với sự tàn bạo không thương xót, thì ở quê hương Mông Cổ và trong số các dân tộc Thổ khác, ông được chào đón như một người anh hùng vĩ đại – tận ngày nay, nhiều đứa bé ở Thổ Nhĩ Kỳ được đặt tên là Genghis (Thành Cát). Các sử gia hiện đại có cái nhìn rất thoáng về Thành Cát, chỉ ra rằng, qua việc tạo ra đế quốc Eurasia rộng lớn của mình, ông đã khiến việc tiếp xúc giữa châu Âu và nền văn minh Trung Hoa tiến bộ hơn về kỹ thuật, mang lại lợi ích to lớn cho châu Âu.

 Người ngựa trên thảo nguyên

Trong hàng ngàn năm, các dân tộc làm nông ru rú một chỗ ở châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc đã từng chịu đựng làn sóng xâm lăng của các dân tộc du mục từ những đồng cỏ xa xôi ở trung tâm châu Á. Vào thời cổ đại, người Hy Lạp từng biết về người Scythia và Sarmatia sinh sống ở phía bắc Biển Đen, trong khi vào thế kỷ thứ 4 và 5 SCN rợ Hung Nô càn quét khắp châu Âu, đẩy các bộ lộc Germanic qua biên giới của đế quốc La Mã. Cùng lúc đó, một dân tộc có liên quan, mà người Trung Hoa gọi là Bắc Ngụy, chiếm quyền kiểm soát vùng lưu vực sông Hoàng Hà màu mỡ. Một nhóm người du mục khác, người Magyar – tổ tiên người Hungary ngày nay – chỉ bị chặn đứng khi định càn quét xuống châu Âu bởi Hoàng đế Đức, Otto I trong thắng lợi quyết định trước họ tại Lechfeld vào năm 950. 

“Họ bắt toàn thế giới phải thần phục mình.”

John vùng Plano Carpini, đặc phái viên của giáo hoàng được cử đến triều đình Mông Cổ vào những năm 1240.

 Những dân tộc này, và những Mông Cổ theo chân họ, đều là những kỵ mã điêu luyện. Những chiến thuật quân sự cực kỳ cơ động: họ tránh giao tranh với những trận đánh kiểu truyền thống có bày binh bố trận, thay vào đó họ quấy rối kẻ địch bằng những trận đột kích chớp nhoáng bất ngờ, rồi biến mất vào thảo nguyên mênh mông, “dụ đối thủ đuổi theo vào bẫy phục kích đế tiêu diệt. Vũ khí truyền thống của họ là cung tên, sau đó bổ sung giáo thương, và được nâng cấp hiệu năng lên gấp đôi với sự ra đời của bàn đạp lên ngựa vào thế kỷ thứ 5 SCN.

8

 “Niềm khoái lạc lớn nhất là chinh phục kẻ thù của mình, là truy đuổi chúng, là tước đoạt hết của cải chúng, khiến gia đình chúng tan nát, là cởi lên ngựa của chúng, làm tình với vợ và con gái của chúng.”

Lời phát biểu được cho là của Thành Cát Tư Hãn

Những mô tả đương thời về đạo quân Mông trên mình ngựa trong đó cả nam và nữ đều có thể chịu đựng những quãng đường dài trên mình ngựa dưới cái lạnh rét buốt hay cái nóng thiêu đốt. Họ mang theo yurt (lều tròn bằng nỉ phớt) trên xe ngựa, và gần như chỉ ăn thịt và uống sữa. Theo đặc phái viên của giáo hoàng thế kỷ 13, John vùng Plano Carpini, “Họ đối xử cực kỳ tôn trọng lẫn nhau, và sống chung thân thiết, vui vẻ chia sẻ lương thực dù không có bao nhiêu. Họ cũng có sức chịu đựng phi thường. . . “

Hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn

Vào năm 2003 một nhóm các nhà di truyền học cho công bố  một kết quả nghiên cứu kéo dài 10 năm về nhóm dân số sống trong vùng trước đây trên đế quốc Mông Cổ, kéo dài từ Thái Bình Dương đến Biển Caspian. Họ phát hiện rằng 8 phần trăm đàn ông sống trong vùng này – khoảng 16 triệu người, lên tới 0.5 phần trăm dân số người nam trên toàn thế giới – chia sẻ những nhiễm sắc thể Y gần như giống hệt nhau. Điều này chỉ ra rằng tất cả đều là hậu duệ của cùng một tổ tiên sống cách đây khoảng 1000 năm – và tổ tiên duy nhất này là một tổ tiên của Thành Cát Tư Hãn và những nam thân nhân gần của ông. Trong quá trình chinh phục của người Mông, các tướng cầm đầu luôn có ưu tiên chọn trước những phụ nữ xinh đẹp nhất để làm vợ hay thê thiếp. Đã được ghi lại vào thời gian này là con trưởng của Thành Cát, Truật Xích, có 40 con trai trong khi cháu nội của ông, Hốt Tất Liệt, có 22 con trai hợp pháp và mỗi năm họ bổ sung thêm 30 trinh nữ mới vào hậu cung.

Thành Cát Tư Hãn và người kế nghiệp

Vào thập niên đầu thế kỷ 13, một tộc trưởng Mông Cổ tên là Thiết Mộc Chân đoàn kết tất cả bộ tộc của Mông Cổ dưới quyền lãnh đạo của mình. Tại một đại hội tổ chức vào năm 1206 ông nhận danh hiệu mới là Thành Cát Tư Hãn, có nghĩa là “Chúa Tể Mặt Đất.” Thế rồi ông lên đường để thực thi hoá tước hiệu mình,và đến năm 1215 ông đã chinh phục hầu hết miền bắc Trung Hoa. Bốn năm sau ông quay về phía tây và càn quét Afghanistan và Iran. ” Vì chỉ có một bầu trời,” ông tuyên bố, “nên chỉ có một đế quốc trên mặt đất.”

9

Tượng Thành Cát Tư Hãn

Thành Cát chết vào năm 1227, nhưng con trai và cháu nội ông tiếp tục mở mang sự nghiệp ông, vượt qua Sông Volga vào năm 1238 và thọc sâu vào phía tây nước Nga, thu phục người Thổ ở Anatolia, và vào năm 1258 phá hủy vương triều Hồi Abbasid có kinh đô ở Baghdad. Người Cơ đốc đã hi vọng là kẻ xâm lược sẽ hợp tác với mình trong chiến dịch đánh đuổi bọn Hồi. Nhưng khi giáo hoàng gởi một đặc sứ đến triều đình Mông Cổ, y trở lại mang phúc đáp là điều kiện cho việc đó là tất cả ông hoàng ở châu Âu phải chịu thần phục Đại Hãn.

Sự bành trướng vào vùng Cận Đông của quân Mông đột ngột bị chận đứng vào năm 1260, khi họ bị người Mameluke ở Ai Cập đánh bại một trận quyết định tại Ain Jalut. Kẻ chiến thắng chặt đầu viên chỉ huy Mông Cổ và dùng nó trong trò chơi polo. Nhưng về phía đông việc bành trướng vẫn tiếp tục, tại đó vào thập niên 1270 cháu nội của Thành Cát là Hốt Tất Liệt lật đổ triều đình Nam Tống Trung Hoa và thiết lập triều đại mới của mình, nhà Nguyên.

Vụ cướp phá Baghdad

Năm 1258 cháu nội Húc Liệt Ngột của Thành Cát Tư Hãn chiếm được Baghdad, kinh đô của vua Hồi Abbasid, và lấy mạng hàng ngàn người dân vô tội. Chính kha-lip bị cuộn tròn trong tấm thảm và bị ngựa giẩm đạp đến chết, vì người Mông Cổ cho rằng nếu làm đổ máu hoàng gia sẽ thất kinh với mặt đất. Đại Thư viện bị phá hủy và sách vở tài liệu bị ném xuống sông Tigris nhiều đến nỗi theo lời kể người ta có thể cỡi ngựa băng qua sông được – và theo lời của một sử gia Ả Rập, “nước sông chảy đen với mực của các học giả và nhuộm đỏ máu của kẻ tử đạo.”

Khoảng năm 1300 đế chế Mông Cổ phân tách thành nhiều vương quốc các đại hãn, rồi qua vài thế kỷ sau đó dần dần tàn rụi. Có một thời kỳ như hồi sinh vào cuối thế kỷ 14 dưới sự lãnh đạo của Timur hay Tamerlane, tự xưng là dòng dõi của Thành Cát Tư Hãn. Ông tiến hành những chiến dịch dài hủy diệt qua khắp Trung Đông, trung Á và vào tận Ấn Độ, nhưng chưa hề củng cố lãnh thổ chinh phục của mình thành đế chế. Vào năm 1526 một dòng dõi của Timur, Babur vùng Kabul, xâm lăng Ấn Độ và thiết lập một triều đại Hồi giáo cai trị tiểu lục địa trong nhiều thế kỷ, sáng tạo một nền văn hóa hoành tráng đánh dấu bằng những công trình kiến trúc lộng lẫy như Taj Mahal. Họ xưng mình là người “Mogul”, để cho biết tổ tiên mình là người Mông Cổ (xem Ấn Độ thời tiền thuộc địa).

TÓM TẮT

Người Mông Cổ lập ra một đế quốc ngắn ngủi trải rộng từ đông Âu đến Thái Bình Dương.

 DÒNG THỜI GIAN 

Thế kỷ 4 SCN Hung Nô từ các thảo nguyên Á châu di cư vào châu Âu
454 Hung Nô dưới quyền Attila đánh bại Châlons-sur-Marne
Thế kỷ 6 Người Avar, một dân tộc trên thảo nguyên khác, lập nghiệp ở đông Âu
796 Avar bị Charlemagne đánh bại và nhập vào đế chế người Frank (Pháp)
1071 Người Thổ Seljuk đánh bại Byzantine tại Manzikert và chiếm phần lớn vùng Anatolia
1162 Thành Cát Tư Hãn ra đời
1206 Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ tộc Mông Cổ
1215 Mông Cổ hoàn tất cuộc chinh phục bắc Trung Quốc
1219 Mông Cổ bắt đầu mở chiến dịch chinh phục Trung Đông
1227 Thành Cát Tư Hãn mất và con trai Oa Khoát Đài kế vị
1238 Mông Cổ vượt sông Volga và bắt đầu chinh phục Nga phía châu Âu
1258 Cháu nội Húc Liệt Ngột của Thành Cát Tư Hãn phá hủy vương quốc Hồi Abbasid đặt kinh đô ở Baghdad
1260 Mông Cổ bị Mameluke đánh bại tại Ain Jalut ở Palestine
1271 Anh của Húc Liệt Ngột, Hốt Tất Liệt, tự xưng là

Nguyên Thế tổ của triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc

Giữa thế kỷ 14 Sụp đổ vương triều Ilkhnate của Mông Cổ ở Trung Đông
1368 Nhà Nguyên Mông bị Chu Nguyên Chương lật đổ, lập ra nhà Minh
1369-1405 Thời cai trị của Timur (Tamerlane)
Cuối thế kỷ 15 Mông triều trên thảo nguyên Nga bị sụp đổ
1526 Babur vùng Kabul thiết lập triều đại Mogul ở Ấn Độ
1678 Mông triều Jagatai ở Turkestan cuối cùng tắt lịm

  

15 NHẬT BẢN, ĐẢO ĐẾ CHẾ

10

Một samourai

 Người ta thường nói tất cả xứ sở đều khác biệt nhau, nhưng Nhật Bản là một xứ sở “khác biệt một các rất khác”. Có lẽ vì vị trí địa lý cô lập của một quần đảo nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của châu Á, đa phần lịch sử của Nhật tách biệt hẳn với phần còn lại của thế giới.

Thậm chí sự hiện đại hóa và kỹ nghệ hóa cấp tốc vào cuối thế kỷ 19 chỉ chạm đến bề mặt của lối sống Nhật Bản, và không làm thay đổi sự gắn bó mạnh mẽ của đất nước đối với những tập tục, giá trị và thế giới quan truyền thống của họ.

Những hòn đảo Nhật đầu tiên được con người đến định cư khoảng 40,000 năm trước trong Thời kỳ Băng Hà cuối cùng, khi mặt biển hạ thấp đến nỗi tạo ra một cầu đất nối Nhật với lục địa Á châu. Những người Nhật thời Đồ Đá này sống bằng săn bắn-hái lượm, và từ khoảng 10,000 TCN bắt đầu biết cách làm đồ gốm – một trong những nền văn hóa đầu tiên trên thế giới biết cách làm thế. Tuy nhiên, chỉ khoảng 400 TCN mà một làn sóng di cư khác – có thể từ Trung Quốc hoặc Triều Tiên – mang đến kỹ thuật canh tác và đúc kim loại. Chắc chắn có mối tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa phát triển hơn về phía tây, và đến thế kỷ 1 SCN, Trung Quốc yêu sách nhiều bộ tộc Nhật phải nộp triều cống. Nhờ có Trung Hoa mà người Nhật cải biến để có chữ viết của mình và tiếp thu được đạo Khổng và đạo Phật, hai đạo này hòa nhập với Thần đạo của bản địa, vốn tôn thờ tổ tiên và tôn trọng truyền thống và đất tổ. Mặc dù có mối liên kết này, ngôn ngữ Nhật không dính líu gì đến tiếng Tàu, và có thể không với bất kỳ ngôn ngữ nào khác.

 “Sự hài hòa được đánh giá cao, và thái quá cũng như bất cập đều bị xa lánh. . . “

Hoàng thân Shotoku, người trở thành nhiếp chính vào 593 SCN, thiết lập bộ luật dành cho  đế chế trong Hiến pháp gồm 17 mục vào năm 604.

 Hoàng đế và các shogun (tướng quân)

Từ thế kỷ thứ 3 Nhật Bản hợp thành bởi nhiều lãnh địa cát cứ, nhưng khoảng năm 400 một trong các lãnh chúa, Yamoto, bắt đầu thống trị những lãnh chúa khác, và tất cả những hoàng đế Nhật sau đó đều xưng mình là dòng dõi của vương triều Yamoto. Vào năm 607 “Hoàng đế của Miền Đất Mặt Trời Mọc” viết cho “Hoàng đế Miền Đất Mặt Trời Lặn” (tức Trung Quốc) như một người ngang hàng về quyền lực và sự vĩ đại. Vào thế kỷ 8 người Nhật đã hình thành một kinh đô theo kiểu Trung Hoa tại Nara, và bắt đầu đi theo hình mẫu của Trung Quốc về một chính quyền trung ương tập quyền mạnh mẽ. Một huyền thoại mới về nguồn cội được phát triển, theo đó các hoàng đế được cho là dòng dõi của vị hoàng đế đầu tiên, Jimmy, theo huyền thoại, là người khai sinh đất nước Nhật vào năm 660 TCN và chính là hậu duệ của Thái dương Thần nữ Thần đạo, Amaterasu. Việc tuyên bố các hoàng đế Nhật có nguồn gốc thần thánh chỉ được bãi bỏ sau Thế Chiến II.

 Năm 794 kinh đô dời về Kyoto. Sau đó, những giao hảo với Trung Quốc sụt giảm dần, và quyền lực của các hoàng đế đã bị lu mờ trước quyền lực đang dâng cao của gia tộc Fujiwara quyền quí, đóng vai trò nhiếp chính. Vào thế kỷ thứ 12 nhà Fujiwara cũng bị thách thức bởi những gia tộc quyền thế khác. Kết quả là Nhật rơi vào nội chiến, và một xã hội phong kiến phi tập trung xuất hiện, với quyền lực bị phân chia cho một số các lãnh chúa vùng miền. Các lãnh chúa nuôi những nhóm chiến binh samurai, một tầng lớp quân nhân ưu tú được coi có thứ bậc xã hội cao hơn nhà buôn, thợ thủ công và nông dân. Vào năm 1159 một tướng lãnh có tên Yoritomo, thuộc gia tộc Minamoto, chiếm toàn quyền , và từ 1185 cai trị từ Kamakura (gần Tokyo) với vai trò shogun (tướng quân, nhà độc tài quân sự), trong khi hoàng đế, ẩn cư ở Kyoto, chỉ còn đóng vai bù nhin.

Kamikaze

Chính sự cô lập của họ trong thời Trung Cổ khiến người Nhật không quen đối phó với những mối đe doạ từ biển. Vì thế một cú sốc khủng khiếp giáng xuống khi vào năm 1274 và lần nữa vào năm 1281 quân Mông Cổ – đã chinh phục toàn Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Hốt Tất Liệt – mở cuộc xâm lược đại qui mô nước Nhật Bản từ phía biển. Nhưng cả hai trường hop, hạm đội Mông Cổ đều bị cuồng phong đánh tan tác – người Nhật sau đó gọi là kamikaze, nghĩa là “thần phong.” Huyền thoại này lại nổi lên vào cuối Thế Chiến II, khi, trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng nhằm ngăn chặn sức tiến công vũ bão của Đồng Minh vào nội địa Nhật Bản, các phi công Nhật đón nhận danh hiệu kamikaze khi họ liều chết  lao phi cơ chất đầy bom xuống tàu địch.

 Các tướng quân từ những gia tộc khác nhau vẫn nắm quyền cai trị tuyệt đối nước Nhật trong nhiều thế kỷ, bị gián đoạn trong thế kỷ 16 bởi một loạt các cuộc nội chiến. Vào 1600 Nhật lại tái thống nhất, và một nhà quí tộc từ gia tộc Tokugawa tên là Ieyasu thiết lập quyền tướng quân mới, đóng tại Edo (Tokyo), trong khi hoàng đế vẫn ở lại Kyoto không chút quyền hành. 

Các shogun Tokugawa nắm quyền kiểm soát chặt chẽ các lãnh chúa, cưỡng bách họ phải lưu lại Edo phần lớn thời gian, và ở xa cứ địa quyền lực của họ (tương tự như Louis XIV thành công trong việc chặn đứng bọn quý tộc gây rối vào cuối thế kỷ 17 bằng cách yêu cầu họ sống cùng ông trong lâu đài nguy Nga Versaille của mình). Các shogun Tokugawa cũng quay lưng với phương Tây. Các nhà buôn và giáo sĩ Cơ đốc cũng đã bắt đầu mon men đến Nhật vào thế kỷ 16, và nhiều nông dân Nhật cũng đã cải đạo. Các shogun sợ rằng việc này sẽ báo trước  sự xâm chiếm của người Âu, nên từ 1635 họ áp đặt chính sách bế môn toả cảng, cấm tuyệt mọi tiếp xúc với ngoại bang. Chỉ trừ một thương lượng nhỏ cho phép người Hà Lan buôn bán trên một hòn đảo nhỏ ở cảng Nagasaki. 

“Nếu bất kỳ người Nhật nào toan tính trốn ra nước ngoài, y sẽ bị xử tử. . . Nếu bất kỳ người Nhật nào từ nước ngoài trở về sau khi đã cư trú ở đó, y cũng phạm tội chết.”

Tướng quân Tokugawa Iemitsu ban hành một sắc luật vào năm 1635 đóng cửa nước Nhật trước mọi tiếp xúc với ngoại bang.

11

Tướng quân Tokugawa Iemitsu

 Ra khỏi cô lập

Tình trạng cô lập này bị buộc phải kết thúc khi vào ngày 8/7/1853 bốn chiến hạm Mỹ dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Hải quân Matthew Perry giương buồm vào vịnh Edo. Đã thị uy bằng hoả lực hùng hậu của các tàu chiến, Perry yêu cầu người Nhật mở cửa giao thương với nước ngoài. Nhật Bản sau đó bị ép buộc phải ký một số hiệp ước với các cường quốc phương Tây, ban cho họ quyền mậu dịch, và chính sự kiện này đã làm thay đổi triệt để cục diện vương quyền Nhật.

 Những thay đổi cưỡng chế này đánh dấu sự kết thúc thời Trung Cổ kéo dài của Nhật Bản. Sau cú đảo chính hòa bình của những nhà cách tân vào năm 1868, Tướng quân đồng ý thoái vị và vào năm 1869 hoàng đế được phục hồi các quyền lực ở Edo, đổi tên là Tokyo. Ngài lên ngôi với đế hiệu Meiji, nghĩa là “Minh Trị”. Sau đó là một thời kỳ trọng đại trong đó Nhật Bản chỉ mất ba thập niên để hoàn thành tiến trình kỹ nghệ hóa trong khi châu Âu mất gần hai thế kỷ. Không chỉ có chế tạo và sản xuất được cách tân: giáo dục, quân sự, kinh tế và hệ thống chính trị tất tất đều được hiện đại hóa theo đường hướng Tây phương.

 Khi sức mạnh của Nhật tăng lên, những hiệp ước “bất bình đẳng” trước đây bị dẹp qua một bên. Nhằm trở thành một cường quốc khống chế trong khu vực, Nhật tiến hành chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1894-5 và lấy được Triều Tiên và Đài Loan. Rồi sang 1904-5 Nhật tấn công Nga để xem ai là người làm chủ Mãn Châu. Nhật ghi được một thắng lợi hải chiến vang dội trước quân Nga tại Tsushima – thắng lợi đầu tiên trong thời hiện đại của một quốc gia Á châu trước một cường quốc Âu châu.

Khi Thế Chiến I bùng nổ, Nhật được đối xử như một cường quốc bình đẳng, đã trở thành một đồng minh của Vương quốc Anh. Trong cuộc chiến, Nhật đã tấn công các căn cứ quân sự của Đức ở Trung Quốc và đánh chiếm một số đảo của Đức ở Thái Bình Dương. Sau chiến tranh phái đoàn Nhật tham dự Hội nghị Hòa Bình Paris, và Nhật được Hội Quốc Liên ủy thác quản lý các thuộc địa trước đây của Đức ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương phía trên xích đạo. Nhật đã hâm nóng gân cốt để chuẩn bị tiến thêm bước nữa (xem Thế Chiến II: châu Á và Thái Bình Dương).

 TÓM TẮT

Một chuyển biến ngoạn mục từ trung cổ sang hiện đại. 

DÒNG THỜI GIAN

10,000 TCN Văn hóa Jomon bắt đầu chế tạo đồ gốm
400 TCN Bắt đầu trồng trọt và luyện kim
Thế kỷ 1 TCN Triều cống Trung Quốc
k.400 SCN Nhật Bản thống nhất dưới triều đại Yamoto
Thế kỷ 6  Đạo Phật du nhập
604 “Hiển pháp 17 mục” phác họa nghĩa vụ và đức độ yêu cầu đối với quan lại dưới quyền một hoàng đế toàn năng
710-84 Lập kinh đô ở Nara
794 Dời kinh đô về Kyoto
Thế kỷ 10 Quyền lực chuyển dời từ hoàng đế sang dòng họ Fujiwara
Đầu thế kỷ 12 Các cuộc nội chiến
1159 Minamoto Yoritomo nắm quyền và trở thành vị shogun đầu tiên
1185 Phủ Tướng quân dời về Kamakura, gần Tokyo
1274, 1281 Cuộc xâm lăng bất thành của quân Mông
1333 Thời kỳ Kamakura kết thúc với sự xuất hiện của tướng quân Ashikaga
Thế kỷ 15-16 Nội chiến và bạo loạn giữa các lãnh chúa
1549 Nhà truyền giáo Cơ đốc đầu tiên đến: Francis Xavier dòng Jesuit
1585 Thống nhất Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi trở thành nhiếp chính
1600 Tokugawa Ieyasu thiết lập Tướng phủ ở Edo (Tokyo)
1635  Sắc lệnh cấm tuyệt mọi tiếp xúc với ngoại bang
1853 Chiến thuyền Mỹ chấm dứt sự cô lập của Nhật Bản
1868-9 Lật đổ vị shogun cuối cùng; quyền lực thu về hoàng đế Meiji
1894-5 Chiến tranh Trung-Nhật lần 1
1902 Nhật kết đồng minh với Vương quốc Anh
1904-5 Chiến tranh Nga-Nhật
1914 Nhật tuyên chiến với Đức
1919 Nhật được quyền ủy thác đối với các thuộc địa Đức trước đây: các đảo Mariana, Caroline và Marshall

  


(còn tiếp)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111