50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 2
50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 2
Ian Crofton
Trần Quang Nghĩa dịch
06 SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA QUYỀN LỰC LA MÃ
Trong tất cả các đế chế hùng mạnh, đế chế La Mã là đế chế hùng mạnh nhất và lâu dài nhất. Người Hy Lạp đã truyền bá văn hóa xa rộng sau những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế, nhưng đã thất bại không thể thiết lập sự thống nhất về chính trị.
Ngược lại người La Mã, bằng sức mạnh quân sự, áp đặt luật lệ và mở rộng quyền công dân cho các dân tộc bị chinh phục, đã tạo được một đế quốc thuần nhất từ Anh đảo đến Ai Cập và rìa phía tây của châu Á.
Nguồn gốc La Mã đã thất lạc theo sương mù của thời gian. Theo truyền thuyết La Mã, thành phố được xây dựng vào năm 753 TCN do một người chăn cừu tên là Romulus, sau khi đã giết hại em mình Remus. Romulus là người đầu tiên trong bảy vì vua La Mã, người cuối cùng, Tarquin Kiêu Ngạo, bị công dân thành phố hạ bệ vào năm 509 TCN, kết thúc thời kỳ quân chủ.
Sự bành trướng dưới thời Cộng Hòa
Thay vì vương triều cũ, người La Mã lập nên một nước cộng hòa. Thoạt đầu nó được các trưởng lão thống trị. Đó là một tầng lớp tương đối ít các gia tộc ưu tú. Mỗi năm các trưởng lão bầu ra hai quan chấp chính tối cao để cai trị họ và điều khiển quân đội. Đến lượt các quan chấp chính lại được cố vấn bởi một hội đồng được bầu ra, Viện Nguyên Lão. Trong những tình thế khẩn cấp, một nhà độc tài được chỉ định, nhưng nhiệm kỳ không hơn 6 tháng. Sự khống chế của Viện Nguyên Lão dẫn đến sự bất mãn của quần chúng công dân, gọi là thứ dân. Cuối cùng họ cũng tranh thủ được một số quyền lợi chính trị, với hội đồng của riêng mình gồm những đại biểu được bầu ra, gọi là Tòa Thứ Dân, để bảo vệ người bình dân khỏi sự hiếp đáp của Viện Nguyên Lão.
Ngay từ đầu, La Mã chỉ là một số những thành bang nói tiếng La tinh ở trung tâm nước Ý. Dần dần, bằng cách kết hợp ngoại giao với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự, La Mã trở thành một quyền lực thống trị trong khu vực, và các dân tộc lân bang trở thành đồng minh của họ trong công cuộc chinh phục toàn bán đảo, được hoàn thành vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ 3 TCN. La Mã sau đó quay hướng chú ý qua bên kia biển. Quyền lực lớn nhất lúc bấy giờ trong miền tây Địa Trung Hải là Carthage, một thành phố Bắc Phi đã được các nhà buôn Phoenicia từ vùng Levant thành lập nên. La Mã giao tranh với Carthage ba trận, cuối cùng đẩy lùi được mũi xâm lăng nước Ý do vị tướng Hannibal của Carthage cầm đầu, và chiếm được dải
thuộc địa rộng lớn của Carthage ở Tây Ban Nha và những nơi khác. Năm 146 TCN, lúc kết thúc Trận Chiến Punic (Punicus là tiếng Latinh nghĩa là “thuộc Carthage”), quân La Mã làm cỏ thành Carthage. Cũng năm đó, Hy Lạp trở thành một tỉnh lỵ của La Mã, và Địa Trung Hải trở thành “Hồ La Mã.” Người La Mã tiếp tục thâu tóm vùng Cận Đông, Bắc Phi, Gaul (nước Pháp bây giờ) và Anh đảo vào đế quốc của mình, với sông Rhine và sông Danube là biên giới ở lục địa Âu châu.
“Dulce et decorum est pro patria mori. (Thật ngọt ngào và vinh dự khi hi sinh cho đất nước.)”
Horace, Odes, quyển III, số 2.
Câu nói nổi tiếng này đúc kết giá trị mà người La Mã đặt vào phẩm chất chiến binh và đức hi sinh nam nhi.
Các cuộc nội chiến
Việc bành trướng đế quốc kéo theo những thay đổi sâu sắc về kinh tế và xã hội. Thoạt đầu binh đoàn La Mã chỉ gồm toàn những nông dân quí mô nhỏ, phục vụ trong quân ngũ khi được yêu cầu rồi sau đó quay về với đồng ruộng. Nhưng khi quân đội mở những chiến dịch càng ngày càng xa quê hương, những nông dân này không còn có thể chăm sóc nông hộ của họ và kết quả là nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, bắt buộc phải rời bỏ đất đai và ra thị thành kiếm sống – tại đó nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp phải nương tựa vào sự bố thí của nhà nước. Trong lúc đó, bọn giàu có có thể mua hết số đất đai nhỏ bé của những hộ này và lập thành các điền trang rộng lớn, được lao dịch và chăm sóc bởi các tù binh bắt được trong các cuộc chinh phục về làm nô lệ.
“Hỡi La Mã, hay nhớ cai trị các dân tộc trên thế giới bằng sức mạnh – bởi vì đó là kỹ năng của ngươi: đem lại hòa bình và áp đặt luật lệ, tha thứ kẻ bị chinh phục, và đánh đổ bọn kiêu ngạo bằng chiến tranh.
Virgil, trong The Aeneid, quyển VI, phát biểu về sứ mạng cho vị hoàng đế đầu tiên, Augustus.
Khi người giàu thì giàu hơn, kẻ nghèo thì nghèo hơn, một số các tướng lĩnh hiển hách từ giới ưu tú thống trị tranh đoạt quyền lực, qui tụ quanh mình bọn tay sai từ những tầng lớp vô sản. Việc này dẫn đến một loạt các vụ nội chiến và ra đời các nhóm tập quyền vào thế kỷ thứ nhất TCN, liên quan đến những nhân vật như Pompey và Julius Caesar. Caesar bị nghi ngờ là muốn chiếm đoạt quyền lực tối cao, khiến kẻ thù cộng hòa của ông ra tay ám sát ông vào năm 44 TCN. Sau đó tiếp tục nhiều cuộc nội chiến nữa, và chỉ kết thúc khi Tướng Mark Antony và người tình của ông là Nữ Hoàng Cleopatra của Ai Cập, bị Octavian đánh bại vào 31 TCN.
Augustus
La Mã thời Đế Quốc
Octavian trở thành hoàng đế đầu tiên, đế hiệu Augustus. Tiếp nối ngài là một hàng dài các hoàng đế, một số là các nhà cai trị và tướng lĩnh có năng lực, một số hữu danh vô thực, một số là những tên độc tài điên điên khùng khùng, như Caligula và Commodus. Nguyên tắc cha truyền con nối không hề được thiết lập vững chắc, và thường thì việc nối ngôi lệ thuộc vào các âm mưu ám sát hoặc do một tướng lĩnh được binh đoàn của mình ngưỡng mộ và hậu thuẫn.
Mặc dù trên đỉnh cao quyền lực thường gặp bất ổn về chính trị, qua nhiều thế kỷ Pax Romana (“Nền Thái Bình La Mã”) vẫn ngự trị trên khắp đế quốc, đạt đến mức bành trướng lớn nhất vào 200 SCN. Các tỉnh lỵ phần lớn đều tự trị, do các giới ưu tú địa phương điều hành mà không chịu sự can thiệp của hoàng đế ở La Mã – miễn là họ không gây ra rắc rối. Lợi ích khi được làm công dân La Mã được ban bố cho những dân tộc bị chinh phục miễn là họ bằng lòng tuân phục luật pháp La Mã; ai mà có ý chống đối hoặc chết dưới lưỡi gươm hoặc bắt làm nô lệ. Quân đội được chiêu mộ từ những thần dân của đế chế và các cựu binh được cắt đặt trên những thuộc địa khắp đế quốc, nhiều người trong số họ kết hôn với phụ nữ bản địa. Nhiều thành phố mới xây dựng theo kiểu mẫu La Mã – phòng họp, đền thờ và hí trường – mọc lên khắp nơi trong các tỉnh lỵ, thương mại phồn thịnh, và dân chúng có thể đi lại tự do trên khắp đế quốc, có thể giao tiếp bất cứ nơi đâu họ đến bằng tiếng Latinh hoặc Hy Lạp. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài được lâu. Từ thế kỷ thứ 3 SCN đế chế bắt đầu chịu những áp lực từ ngoài vào càng ngày càng gia tăng – áp lực mà cuối cùng đưa tới thảm họa sụp đổ.
Công trình xây dựng của người La Mã
Mặc dù người La Mã không hề bắt kịp người Hy Lạp về lãnh vực tri thức, họ là những con người cực kỳ thực tế, và có công lao trong một số thành tựu xây dựng vĩ đại nhất thế giới cổ đại. Nước được dẫn qua một quãng đường dài đến các thành phố bằng ống dẫn, và nước thải được mang đi bằng cống thoát nước có nắp đậy, trong khi các dinh cơ của giới giàu có được lắp đặt hệ thống sưởi trung tâm ngầm dưới nền nhà. Những trụ sở công cộng hoành tráng làm đẹp cho mỗi thành phố, không đâu hơn ở La Mã, nơi Colosseum – vận động trường dành cho những trận giác đấu tổ chức hàng năm rất được ưa chuộng – có thể chứa đến 50,000 khán giả. Chính người La Mã là người đầu tiên sử dụng cung vòm trong nhiều công trình xây dựng, và chính người La Mã đã xây dựng những mái vòm thực sự đầu tiên, trong những công trình như điện thờ Pantheon – sử dụng một cách tân La Mã khác: bê tông. Những công trình phục vụ cho quân sự dẫn đến những thành tựu ấn tượng khác, nổi bật là mạng lưới đường xá nối liền mọi khu vực trên đế quốc, và những tường thành phòng thủ, như Tường thành Hadrian ở phía bắc nước Anh, giữ vững vùng biên giới của lãnh thổ La Mã.
TÓM TẮT
La Mã giữ vững nền thống trị trong vùng Địa Trung Hải và xa hơn nữa trong hơn nửa thiên niên kỷ.
DÒNG THỜI GIAN
753 TCN | Năm thành lập La Mã theo truyền thuyết |
509 TCN | La Mã trục xuất vị vua cuối cùng và trở thành một nước cộng hòa |
390 TCN | Thành phố bị bọn cướp bóc Celtic càn quét |
287 TCN | Thứ dân được quyền làm luật |
284-241 TCN | Trận Punic đầu tiên |
275 TCN | Người La Mã đánh bại Vua Pyrrhus kết thúc những tham vọng của Hy Lạp ở Ý. |
272 TCN | Người La Mã hoàn tất việc chinh phục hoàn toàn bán đảo Ý |
218-202 TCN | Trận Punic lần hai |
216 TCN | Tướng Hannibal của Carthage chiến thắng áp đảo quân La Mã ở Cannae |
202 TCN | Tướng La Mã Scipio đánh bại Hannibal ở Zama |
149-146 TCN | Trận Punic lần ba, kết thúc bằng việc tiêu diệt hoàn toàn Carthage của người La Mã |
146 TCN | Hy Lạp trở thành một tỉnh lỵ của La Mã |
133 TCN | Quan hộ dân Tiberius Gracchus bị ám sát sau khi thử đưa ra những cải cách ruộng đất |
88 TCN | Bắt đầu khoảng thời gian 50 năm nội chiến liên miên |
58 TCN | Julius Caesar khởi sự chinh phục Gaul (Pháp ngày nay) |
48 TCN | Caesar đánh bại Pompey và trở thành nhà độc tài suốt đời |
44 TCN | Caesar bị ám sát |
31 TCN | Octavian đánh bại Mark Anthony, kết thúc nội chiến |
27 TCN | Octavian trở thành Hoàng đế Augustus |
9 SCN | Ba binh đoàn viễn chinh La Mã bị các bộ tộc Đức tiêu diệt tại cánh rừng Teutoburger, kết liễu tham vọng của La Mã vượt quá sông Rhine. |
14 SCN | Augustus băng hà |
43 SCN | La Mã bắt đầu chinh phục Anh đảo |
101- 6 SCN | Chinh phục Dacia (Romania ngày nay) |
126 SCN | Hoàn thành việc xây dựng tường thành Hadrian |
k. 200 SCN | Đế quốc La Mã đạt đến mức bành trướng cực điểm |
07 SỰ SUY VONG CỦA LA MÃ VÀ ĐOẠN KẾT CỦA NÓ
Từ thời Phục Hưng, nếu không phải là sớm hơn, các học giả xem xét lại sự suy vong của La Mã, coi nó như một sự đứt gãy lớn lao trong tiến trình văn minh Âu châu, đánh dấu sự khải hoàn của chủ nghĩa man di và bắt đầu thời kỳ được biết dưới tên “Thời kỳ Tăm tối”. Nhưng sự sụp đổ của quyền lực La Mã xảy ra không quá đột ngột hoặc toàn bộ như vẻ bề ngoài của nó.
Đế chế La Mã phương đông, đặt căn cứ ở Constantinople (Istanbul ngày nay), tiếp tục sống thêm một ngàn năm nữa dưới hình thức đế chế Byzantine. Ở phương Tây một số lớn vương quốc kế thừa lớp vỏ của quyền lực La Mã, trong khi Giáo hội La Mã giữ lửa cho lòng tin và học thuật được sống còn.
Trong hàng thế kỷ, các tác giả luôn sử dụng sự sụp đổ của La Mã để nêu ra một điều răn hoặc tô vẽ một câu chuyện. Trong mắt một số người, người La Mã và các hoàng đế càng về sau càng độc tài, trở nên đồi bại và nhu nhược, đắm chìm trong sắc dục và xa lánh những phẩm chất chiến binh. Đối với một số người khác – nhất là sử gia Edward Gibbon trong Sự suy thoái và sụp đổ của Đế Quốc La Mã (1776-88) – mầm mống phân hủy hình thành khi người La Mã từ bỏ những giá trị được khai sáng, cổ xưa mà họ đã thừa hưởng từ người Hy Lạp cổ đại để ôm lấy sự tôn thờ phi lý, khắt khe, mê tín của đạo Cơ đốc. Nhưng ngày nay hầu hết đồng thuận rằng các nguyên nhân gây ra sự suy vong của La Mã không phải từ nội bộ, mà từ bên ngoài: như một sử gia hiện đại đã phát biểu, “Đế Quốc La Mã không sụp đổ – nó bị đẩy đi.”
Quân man di ngoài cổng thành
Đế chế mở rộng cực điểm vào năm 200 SCN. Từ giữa thế kỷ thứ 3, các biên giới nằm dọc sông Rhine và Danube chịu sức ép không ngừng gia tăng của những nhóm bộ tộc Đức như tộc người Frank, tộc người Alemanni và tộc người Goth. Những tộc này được người La Mã gọi chung là “bọn man di”, nhưng thật ra họ đã một phần được La Mã hóa, thường hay qua lại giao thương với đế chế và càng ngày có nhiều người xung vào hàng ngũ quân La Mã với vai trò lính đánh thuê. Việc họ tràn vào các tỉnh lỵ La Mã không hẳn là kết quả của tham vọng bành trướng mà đúng ra nhiều hơn là do sức ép đến từ các kỵ mã du cư hiếu chiến từ các thảo nguyên miền đông, như người Hung nô.
Khi yêu sách tài chính cần có để phòng vệ đế quốc không thể trang trải được bằng tiền nộp thuế, chính quyền buộc phải hạ giá tiền đồng bằng cách giảm tỷ lệ kim loại quí, khiến nền kinh tế đến bờ dốc sụp đổ. Việc giao thương và nông nghiệp bị gián đoạn khiến đất nước lâm vào cảnh đói kém và hỗn loạn, trong khi hoàng đế này kế vị hoàng đế khắc sau một loạt các vụ nổi dậy, nội chiến và ám sát. Ổn định một phần được phục hồi từ cuối thế kỷ thứ 3 dưới triều Hoàng đế Diocletian, và vào đầu thế kỷ 4 dưới triều Constantine. Constantine biến đạo Cơ đốc thành quốc giáo, và dời kinh đô từ La Mã đến thành phố Hy Lạp cổ Byzantium, và đổi tên thành Constantinople. Sau đó đông và tây được cai trị bởi những hoàng đế biệt lập.
“Khi nghe tin ánh sáng chói chang của toàn thế giới đều bị dập tắt. . . tôi bỗng tê dại, thấy mình bất lực và không dám hé môi nói ra một lời nào tốt đẹp.”
St. Jerome, “Lời nói đầu gởi đến Ezekiel,” nhớ lại phản ứng của mình khi nghe tin La Mã bị cướp phá vào năm 410.
Vào đầu thế kỷ thứ 5 các bộ tộc Germanic (tổ tiên người Đức ngày nay) tràn qua biên giới và xâm chiếm Gaul (nước Pháp ngày nay), Tây Ban Nha, Bắc Phi và Ý, thành lập những vương quốc và buộc hoàng đế tây phương phải công nhận họ là đồng minh. Tuy nhiên, các đồng minh mới này của hoàng đế không phút nào yên: chính thành phố La Mã – vốn không hề bị ngoại bang đụng tới trong khoảng tám thế kỷ – giờ bị tộc Visigoth cướp phá dưới triều Alaric vào năm 410, và vào năm 476 vị hoàng đế La Mã tây phương cuối cùng bị tống cổ bởi tướng Germanic là Odoacer, và ông này tự xưng là vua nước Ý.
Cơ đốc giáo: từ giáo phái Do Thái đến tôn giáo đế chế
Cơ đốc giáo chỉ là một trong vài giáo phái Do Thái tin theo một đấng tiên tri nổi lên trong thời La Mã chiếm đóng Israel, một phần như là hình thức phản kháng tâm linh trước sự áp bức của ngoại bang. Thoạt đầu, chỉ có người Do Thái mới được theo đạo Cơ đốc, cho đến khi St. Paul bắt đầu cải sang đạo Cơ đốc cho những người không phải Do Thái ở Cyprus, Tiểu Á, Hy Lạp và những nơi khác. Paul không chỉ biến những lời dạy của Jesus thành những học thuyết thần học, mà còn thành lập một giáo hội phổ quát, với một cơ cấu tổ chức tập trung và chặt chẽ.
Đạo Cơ đốc, nhằm kêu gọi những người nghèo và những người bị áp bức, truyền bá nhanh chóng khắp đế quốc La Mã, nhưng cũng gặp sự thù ghét đáng kể trong số những người xem việc các tín đồ Cơ đốc từ bỏ việc tôn thờ các thần linh La Mã “chính thức” như là hành động phản quốc. Hoàng đế Nero sử dụng cộng đồng Cơ đốc giáo như một con dê tế thần cho vụ hoả hoạn ở La Mã vào năm 64 SCN, bức tử nhiều tín đồ đến chết theo nhiều cách ghê gớm khác nhau; nhưng hầu hết những vụ bức hại đầu tiên là do những bùng phát bạo lực không kiểm soát được của đám đông quần chúng. Tuy nhiên các sức ép bắt đầu lên cao trên những vùng biên giới đế quốc suốt thế kỷ 3 dẫn đến một loạt những vụ bức hại chính thức có tính nghiêm khắc, đáng chú ý nhất là dưới thời Diocletian đầu thế kỷ 4. Những vụ bức hại này chỉ tạo ra quá nhiều những kẻ tử đạo, càng làm tăng lên số người xin cải đạo.
Chính Hoàng đế Constantine nhận ra rằng Cơ đốc giáo, với cơ cấu tổ chức theo thứ bậc và có theo dõi lòng trung kiên của tín hữu, có thể cung cấp một phương tiện hữu hiệu để nắm vững quyền bính. Thế là vào năm 313 ngài ban hành một chỉ dụ về khoan dung tôn giáo. Từ thời điểm đó trở đi Cơ đốc giáo trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc La Mã, và giáo hội là bộ phận nối dài của nhà nước.
Thời Tăm Tối tối tăm cỡ nào?
Các bộ tộc “man di” đã thành lập các vương quốc trên vùng đất trước kia thuộc đế quốc La Mã phương tây – Visigoth ở Tây Ban Nha, Vandal ở Bắc Phi, Ostrogoth ở Gaul và tây Đức – phần đông đều bỏ các thần linh cũ của mình để theo về đạo Cơ đốc, dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, vì không còn tiếp xúc với các trung tâm văn hóa lớn của vùng đông Địa Trung Hải, như Alexandria, trình độ biết chữ và tiếp thu kiến thức suy giảm, học thuật giờ đây chỉ còn hoạt động âm thầm trong các tu viện.
Ở phương tây người Frank, qua hoạt động quân sự, nổi lên thành một quyền lực thống trị, và dưới triều vua tiếng tăm nhất của mình, Charlemagne, họ đã hình thành một đế chế không chỉ gồm nước Pháp, mà còn Ý và đa phần lãnh thổ Đức. Vào ngày Giáng Sinh năm 800 Charlemagne được giáo hoàng La Mã đội vương miện tấn phong “Hoàng đế phương tây”. Kinh đô của ngài ở Aix-la-Chapelle (Aachen) trở thành trung tâm học thuật to lớn, và ngài cùng với các người kế vị ra sức gìn giữ di sản mà người Hy Lạp và La Mã để lại, về nghệ thuật, văn chương và học thuật.
“Dưới quyền năng của Chúa Trời chúng ta tiến hành chiến tranh thắng lợi, tạo dựng hòa bình trong danh dự và giữ vững sự hưng thịnh của xứ sở.”
Hoàng đế Justinian I, k.530, tuyên cáo sự phê chuẩn thần thánh cho quyền lực thế tục của mình.
Ở phương đông, đế chế Byzantine trải qua một sự phục hưng lớn lao vào thế kỷ 6 dưới thời Hoàng đế Justinian. Ngài chiếm lại Ý và nhiều khu vực ở Tây Ban Nha và Bắc Phi. Nhưng thắng lợi này non yểu, và trong những thế kỷ sau đó đế chế Byzantine dần dần bị bào mòn, trước tiên bởi người Ả Rập, rồi sau đó bởi người Thổ. Vậy mà qua bao nhiêu thế kỷ suy thoái, người Byzantine, dù nói tiếng Hy Lạp, vẫn coi mình là những người thừa kế thực sự của đế quyền La Mã.
Đế chế Byzantine qua các niên đại: Dưới triều Justinian (đường màu đỏ), năm 1020 (tô màu hồng, và năm 1360 (tô màu đỏ)
TÓM TẮT
Di sản La Mã vẫn sống sau khi nó sụp đổ.
DÒNG THỜI GIAN
235 | Bắt đầu nửa thế kỷ bất ổn chính trị và loạn lạc khi các bộ tộc tràn qua vùng biên giới phía bắc |
Thập niên 250 | Hệ thống tiền tệ La Mã sụp đổ |
260 | Quân Ba Tư vùng Sasania tràn qua Syria, bắt Hoàng đế Valerian làm tù binh |
Thập niên 270 | Tường thành được xây dựng bao quanh La Mã |
284 | Diocletian lên ngôi và tái lập trật tự |
303 | Diocletian bắt đầu bức hại các tín đồ Cơ đốc |
306 | Constantine trở thành Hoàng đế |
313 | Chỉ dụ Milan tuyên cáo sự khoan dung tôn giáo |
330 | Constantine dời kinh đô La Mã về Constantinople |
395 | Đế quốc La Mã chia ra đông và tây |
410 | La Mã bị bộ tộc Visigoth cướp phá |
451 | Lực lượng hỗn hợp giữa La Mã và Visigoth đánh bại quân Hung Nô tại Châlons-sur-Marne
|
476 | Hoàng đế tây phương cuối cùng bị truất phế |
527- 65 | Thời cai trị của Justinian, có công chiếm lại lãnh thổ ở phương tây |
Thế kỷ 7 | Đế chế để mất nhiều lãnh thổ về tay người Hồi giáo |
800 | Charlemagne, vua của người Frank, được phong làm “hoàng đế phương tây” |
843 | Đế quốc Charlemagne được những người kế vị chia làm ba |
1054 | Rạn nứt giữa giáo hội La Mã và giáo hội Constantinople |
1071 | Người Thổ bắt đầu đột kích đế quốc Byzantine và đạt thắng lợi tạo Manzikert ở đông Anatolia |
1453 | Constantinople thất thủ vào tay quân Thổ, đánh dấu sự kết thúc Byzantine. |
08 SỰ TRỖI DẬY CỦA HỒI GIÁO
Vào đầu thế kỷ 6 SCN một tôn giáo mới ra đời trong miền sa mạc Ả Rập. Đó là đạo Hồi (Islam có nghĩa là “phục tùng Allah”). Nhà tiên tri của Hồi giáo, Mohammed, bảo các tín đồ rằng lời dạy của Thượng Đế đã được mặc khải trực tiếp với ông qua thiên thần Gabriel.
Chính nhờ lời kêu gọi và sức thu hút của Mohammed mà ông đã đoàn kết được các bộ tộc Ả Rập dưới lá cờ Hồi giáo, và trong suốt 150 năm sau đó người Ả Rập đã mở rộng quyền lực của mình và tôn giáo mới từ Tây Ban Nha ở phía tây đến rìa trung Á và Ấn Độ ở phía đông.
Mohammed không tuyên bố rằng Hồi giáo là một tôn giáo mới. Ông nói đúng hơn nó là dạng hoàn hảo của những tôn giáo độc thần cũ, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, có chung cội nguồn là tổ phụ Abraham. Những mặc khải bắt đầu vào năm 610, và sau đó được viết ra thành kinh Coran (Theo lời ông, năm 610 ông được thần mã chở từ Mecca đến một nơi ở Jerusalem rồi bay lên trời để nhận lời giáo huấn của Allah rồi trở về chỉ nội trong một đêm, do đó Jerusalem trở thành một thánh địa của đạo Hồi, cũng như của đạo Cơ đốc, và cả đạo Do Thái: ND). Mohammed rao giảng chống lại việc tôn thờ tượng thánh như cư dân theo đa thần giáo ở Mecca khiến ông bị trục xuất đến Medina vào năm 622. Ông dẫn theo các tín hữu trong một cuộc di dân gọi là Hijira, đánh dấu năm đầu tiên theo lịch Hồi giáo. Tám năm sau ông trở lại Mecca bằng vũ lực và chính phục thành phố. Lúc ông mất vào năm 632, Mohammed là người cai trị toàn thể bán đảo Ả Rập.
Khoa học Hồi giáo
Trong nhiều thế kỷ sau khi La Mã thất thủ, trong khi hầu hết tài sản học thuật cổ điển đều thất lạc ở Tây phương thuộc Cơ đốc giáo, thì các học giả và bác học Hồi giáo như Ibn Sinna (Avicenna, 980–1037) và Ibn Rushd (Averroës, 1126–98) vẫn thắp sáng ngọn lửa tri thức của Hy Lạp cổ đại. Học thuật này được phục hồi từ thế kỷ 12, khi Gerard ở Cremona phiên dịch nhiều văn bản Hy Lạp viết bằng tiếng Ả Rập ra tiếng La tinh. Chính nhờ công trình này mà các tác phẩm của Aristotle và nhiều người khác mới được ra mắt trong thế giới Cơ đốc giáo, tạo ra một tác động lớn đến thần học, triết lý tự nhiên và y học. Nhưng người Ả Rập, Ba Tư và những dân tộc khác trong thế giới Hồi giáo thời trung cổ cũng có nhiều đóng góp độc đáo của riêng mình. Hệ thống chữ số mà ta sử dụng ngày nay là của người Ả Rập kể cả biểu tượng chủ chốt là số zero (xuất xứ từ Ấn Độ), khiến việc tính toán những phép tính phức tạp nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều so với hệ thống chữ số Hy Lạp hoặc La Mã cồng kềnh. Ngay trong từ “algebra” (đại số) của phương Tây là rút ra từ chữ Ả Rập “al-jabr”, được sử dụng lần đầu tiên trong ngữ cảnh toán học vào năm 820 do nhà toán học Ba Tư Al-Khwāzmī trong luận cương toán học của mình về phép giải phương trình đa thức. Tương tự, từ “alcohol” (chất cồn) rút ra từ chữ Ả Rập “al-kuhl” và chính Jabir ibn Hayyan (Geber, c.721–c.815) là người đầu tiên nhận dạng được chất cồn là chất khí dễ cháy phóng thích ra khi nung sôi rượu vang. Ông cũng biết rõ các phản ứng của các axit và chất kiềm (ông đặt tên cho chất đi sau), và được vinh danh là người đầu tiên khởi phát ngành giả kim trong bộ môn khoa học thực nghiệm – hóa học.
Cũng xuất hiện nhiều thành tựu kỹ thuật lớn. Năm 850 anh em Banu Musa thành Baghdad cho in quyển Sách về những Máy Móc Tinh Xảo của mình, chứa đựng cách thức chế tạo những công cụ cơ học như thiết bị tự động và nhạc cụ tự động. Một vài năm sau, ở tiểu vương quốc Cordoba phía nam Tây Ban Nha, nhà sáng chế người Moor Abbas Inn Firnas chế tạo một cặp cánh cho mình và có vẻ đã lướt được qua không trung một quãng trước khi rơi tòm xuống mặt đất.
Ra ngoài Ả Rập
Trước khi mất Mohammed đã thúc giục các tín đồ tiến hành một jihad (thánh chiến) chống lại tất cả những người ngoại đạo. Những người kế vị ông là những nhà cai trị các cộng đồng Hồi giáo nhận tước hiệu là kha-lip (nghĩa đen là “người kế vị”), và trong ba thập niên sau đó họ dẫn dắt người Ả Rập vào một loạt chiến dịch nổi bật, đánh chiếm Ai Cập và Syria từ tay đế chế Byzantine và Mesopotamia và Iran từ tay người Ba Tư Sassania. Quân Ả Rập tiếp tục bao vây Constantinople, kinh đô Byzantine, không chỉ có một lần, mà đến hai lần (674–8 và 717–18).
Chính sách của người chinh phục là trao cho người bị chinh phục những quyền lợi như một người Hồi giáo miễn là họ chịu cải đạo; người nào không muốn cải đạo, dù người đó là tín hữu Cơ đốc giáo hay Do Thái giáo, đều được khoan thứ miễn là họ không chống đối, nhưng phải bị mức thuế cao hơn. Cách tiếp cận đa nguyên này thật khác xa với thái độ bất dung tôn giáo của người Byzantine Chính thống Hy Lạp và người Ba Tư theo Bái Hoả giáo, và ắt hẳn đã có nhiều người chào đón những nhà chinh phục mới này.
Các binh đoàn Hồi giáo tràn qua khắp Bắc Phi, và vào năm 711 một đạo quân người Moor (người Berber theo đạo Hồi) vượt qua Eo Gibralta và tiến hành chinh phục gần trọn Bán đảo Iberia. Sardina và Sicily cũng thất thủ, và năm 846 người Ả Rập cướp phá tận La Mã. Cùng năm đó người Berber thắng đến Tây Ban Nha, một đạo quân Ả Rập tiến lên từ đông Iran và chinh phục một dãy đất rộng lớn ở thung lũng sông Ấn. Qua những thế kỷ tiếp theo, Hồi giáo lan tràn đến các dân tộc Thổ ở trung Á, và từ đó thâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ. Các nhà buôn Ả Rập cũng mang đạo Hồi đến vùng châu Phi hạ Sahara, đông nam Á và Indonesia.
“Ba Tư bị dập tắt và Byzantine bị đè bẹp, cũng như các thành phố Ấn; họ đến đâu cũng vô địch.”
Tu Yu, một quan chức Trung Hoa thế kỷ thứ 8, mô tả mức độ chinh phục của người Ả Rập, ghi chép rằng thậm chí họ phái một sứ giả đến triều đình Trung Quốc để dâng quà biếu.
Không lâu sau sự xung đột nổi lên ngay bên trong thế giới Hồi giáo. Ali, vị kha-lip thứ tư và là con rể của Mohammed, bị mưu sát vào năm 661, và những tin đồ theo ông, Shi’at ’Ali (“phe của Ali”) họp thành dòng thiểu số Shia, trong khi phe đa số, dòng Sunni, gắn kết với Sunna (“truyền thống”). Triều đại các kha-lip đầu tiên, Umayyad, đặt căn cứ ở Damascus, nhưng đến năm 750 được thay bằng triều đại Abbasid, đổi kinh đô về Baghdad. Triều đại Abbasid vươn đến đỉnh cao tráng lệ vào cuối thế kỷ thứ 8 dưới triều kha-lip Abbasid thứ 5, Harun al-Rashid. Ông từng trao đổi quà cáp với Charlemagne và có mặt trong thiên truyện Ngàn Lẻ Một Đêm. Nhưng sau đó quyền lực của triều đại Abbasid trên đế quốc Ả Rập suy giảm. Năm 929 tiểu vương vùng Cordoba nam Tây Ban Nha cũng tự xưng là kha-lip, và trong suốt một thế kỷ ông và những người kế vị dựng lên một thời hoàng kim, đánh dấu bằng sự hưng thịnh và một nền văn hóa rực rỡ, với nhiều công trình xây dựng các thánh đường tráng lệ, vườn hoa và cung điện cùng những tiến bộ về khoa học, triết lý, lịch sử và địa lý. Vào năm 969 quyền lực của vương triều Abbasid cũng bắt đầu suy yếu khi Fatimid, một vương triều dòng Shiite xưng là dòng dõi của Ali và Fatima (con gái của Mohammed), tuyên bố mình là kha-lip ở Ai Cập và Bắc Phi.
“Ngay giữa phòng là một bể lớn đựng đầy thủy ngân; ở mỗi vách phòng tám cánh cửa gắn trên những vòm cung bằng ngà và gỗ mun, trang trí bằng vàng và nhiều loại đá quý, đặt trên những cột trụ đá với vân đủ màu sắc và thủy tinh trong suốt.”
Al-Maqqari, nhà văn thế kỷ 11, mô tả một cung điện Moor trong tiểu vương quốc Cordoba ở nam Tây Ban Nha.
Ngoài những chia rẽ nội bộ, cũng có những sức ép từ bên ngoài. Vào thế kỷ 11 người Thổ Seljuk, đã cải sang đạo Hồi từ trung Á, tràn xuống khắp Trung Đông, trong khi vào cuối thế kỷ các đạo quân Cơ đốc từ tây Âu tiến hành cuộc thập tự chinh đầu tiên trong một loạt cuộc thập tự chinh nhằm chiếm lại miền Đất Thánh Jerusalem từ tay người Hồi giáo. Trong thời gian đó, các vương quốc Cơ đốc ở miền bắc Bán đảo Iberia bất đầu mở một chiến dịch kéo dài nhằm lấy lại Tây Ban Nha thuộc Hồi giáo. Vào thế kỷ 13 và 14 người Mông Cổ và người Thổ Ottoman bắt đầu tấn công dữ dội – người sau tạo dựng một đế quốc ở Trung Đông kéo dài tận thế kỷ 20.
TÓM TẮT
Sự bành trướng nhanh chóng của một tôn giáo mới và một hiện tượng chính trị.
DÒNG THỜI GIAN
k. 570 | Tiên tri Mohammed ra đời |
610 | Mohammed bắt đầu nhận được những mặc khải |
622 | Mohammed xuất hành khỏi Mecca |
630-50 | Ả Rập, Ai Cập, Syria, Mesopotamia và Ba Tư năm dưới sự cai trị của Hồi giáo |
632 | Mohammed qua đời |
661 | Kha-lip Ali, con rể của Mohammed, bị ám sát |
661-750 | Triều đại các kha-lip Umayyak, đặt kinh đô ở Damascus |
674-8 | Người Ả Rập bao vây Constantinople |
711 | Người Moor xâm chiếm Tây Ban Nha. Quân Ả Rập chinh phục tỉnh Sind ở thung lũng sông Ấn |
717-18 | Cuộc bao vây Constantinople lần thứ hai của người Ả Rập |
750-1258 | Triều đại các kha-lip Abbasid, đặt kinh đô ở Baghdad |
945 | Buyid từ phía bắc Ba Tư chiếm lấy quyền bính chính trị ở Baghdad |
969–1171 | Triều đại các kha-lip Fatimid, đặt kinh đô ở Cairo |
Thập niên 1040 | Người Thổ Seljuk càn quét qua Trung Đông |
1071 | Seljuks đánh bại Byzantine ở Manzikert |
1099 | Các thập tự quân đánh chiếm Jerusalem và thành lập các nhà nước ở Syria và Palestine |
1187 | Sultan (Vua Hồi) Saladin chiếm lại Jerusalem từ tay thập tự quân |
1206 | Thành lập vương triều Hồi Delhi ở Ấn Độ |
1219 | Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ bắt đầu tấn kích Trung Đông |
1250 | Người Mameluke (chiến binh-nô lệ Thổ) chiếm lấy quyền lực ở Ai Cập |
1258 | Mông Cổ cướp phá Baghdad, kết thúc triều đại kha-lip Abbasid |
1260 | Người Mameluke đánh bại Mông Cổ tại Ain Jalut |
k. 1300 | Thành lập nhà nước Thổ Ottoman đầu tiên |
09 Người Viking
Giữa thế kỷ 8 và 11, những làn sóng giặc cướp và di dân tràn khỏi vùng Scandinavia ở Bắc Âu và đóng dấu ấn của họ vào một thời kỳ được biết dưới tên “Thời kỳ Viking”. Từ lâu được khiếp sợ như bọn cướp bóc tàn bạo và giết người không gớm tay, người Viking cũng là dân đi biển thượng thặng, những nhà buôn đường dài và nghệ nhân tinh tế và tại nhiều vùng họ định cư trở thành những nhà nông hòa hiếu, thường dung hợp với dân cư và văn hóa bản địa. Vào cuối thế kỷ 11 gần như tất cả họ đã cải sang đạo Cơ đốc.
Từ Viking chỉ được biết đối với người Anh hiện đại từ đầu thế kỷ 19. Có lẽ nó có nguồn gốc từ wic trong tiếng Anh Cổ, chỉ chỗ đóng quân tạm thời, hoặc là từ Vik trong tiếng Norse cổ, nghĩa một con vịnh nhỏ, chỉ những địa điểm khác nhau mà tại đó những tên cướp bóc này có thể đã bị người dân bắt gặp. Đối với người đương thời, họ đơn giản chỉ là những người Norse – những người từ phương bắc.
Người từ phương bắc
Đối với nước Anh, Thời kỳ Viking bắt đầu khi tu viện trên đảo Lindisfarne, ngoài khơi bờ biển Northumbrian, bị một đội thuyền dài người Norse phá hủy vào ngày 8/6/793. Tất cả tu sĩ đều bị sát hại. Sự kiện gây chấn động khắp các vương quốc Cơ đốc vùng tây bắc châu Âu: “Trước đây chưa hề,” một học giả đương thời Alcuin vùng York ghi lại, “xảy ra một vụ tàn bạo nào như thế.” Hai năm sau, trong khi tìm kiếm một kho báu, người Viking lại đột kích một tu viện khác trên đảo nhỏ Hebridean vùng Iona, cái nôi của đạo Cơ đốc ở Scotland. Tiếp theo là nhiều vụ đột kích tương tự nữa, người Đan Mạch tấn công bờ phía đông nước Anh và tây bắc nước Pháp, trong khi người Na Uy tập trung trên quần đảo Hebrides ngoài khơi phía tây của Scotland, Đảo Man và các bờ biển của Ireland. Họ cũng chiếm đóng Orkney, Shetland và Đảo Faroe, và thiết lập những thuộc địa trên Iceland và Greenland, và thậm chí đinh cư một thời gian ngắn ở Bắc Mỹ mà họ gọi là “Vinland”, có thể trên miền Newfoundland, hoặc thậm chí ở Maine.
“Rồi lũ chó sói giết người, bất chấp biển cả,
Lặn lội qua những dòng sông lấp lánh tiến về tây,
Mang giáo khiêng lên đất liền. . . “
Trận Maldon, một bài thơ nặc danh của người Anglo-Saxon (người Anh), k. 1000, mô tả thắng lợi của người Viking đối với người Anh vào năm 991
Người Viking từ Thụy Điển quay sự chú ý của mình về phía đông băng qua Baltic đến nước Nga, giương buồm theo sông Volga đến Biển Caspian và miền Dnieper đến Biển Đen, và thậm chí tiến hành một cuộc đột kích vào Constantinople, kinh đô đế chế Byzantine. Mặc dù họ bị đánh bại, các hoàng đế rất ấn tượng trước kỹ năng chiến đấu của người Viking đến nỗi sau đó họ tuyển mộ một số lớn chiến binh Viking để lập ra đội cận vệ cho họ, được biết dưới tên Đội Cận Vệ Varangian. Ở Nga, người Thụy Điển được biết dưới tên người Rus, thành lập một lãnh địa Nga sớm sủa và quan trọng nhất, đặt thủ phủ ở Kiev.
Điều gì khiến cho người Viking bành trướng mạnh đến thế vẫn còn là một đề tài gây tranh cãi, nhưng chắc chắn là trong vùng quê quán phương bắc thời tiết quá khắc nghiệt khiến sản lượng canh tác luôn chậm bước đổi với đà tăng dân số, buộc mắt họ phải nhìn xuống vùng đất ấm áp và phì nhiêu hơn ở phương nam. Bọn cướp bóc cũng ắt hẳn biết trước những điểm yếu trong vùng lãnh thổ mục tiêu của mình: nước Anh thời đó chỉ gồm một số vương quốc Anglo-Saxon đấu đá nhau, trong khi bên kia Biển Manche đế chế người Frank do Charlemagne dựng nên bắt đầu rệu rã sau cái chết của Louis Mộ đạo vào năm 840.
Người Viking trên Anh đảo.
Lúc đầu ở tây bắc Âu châu người Viking xông đến như bọn thảo khấu, nhưng chẳng bao lâu họ bắt đầu định cư, và một số vương quốc Norse, như những vương quốc tập trung ở Dublin và York, bắt đầu xuất hiện. Vào cuối thế kỷ thứ 9 người Viking đã tràn ngập các vương quốc Anglo-Saxo vùng Northumbria, Mercia và East Anglia. Chỉ Wessex, dưới triều vua Alfred Vĩ đại, còn giữ vững, và qua suốt thế kỷ sau những vị vua kế vị ông đã phản công và cuối cùng thống nhất được nước Anh. Tuy nhiên, một vùng đất lớn ở đông nước Anh đã được người Đan Mạch định cư, và đến cuối thế kỷ 11 bộ luật và tập quán Đan Mạch còn thịnh hành trong vùng này. Ảnh hưởng Viking vẫn còn hiển hiện trong nhiều địa danh Anh: chẳng hạn, hậu tố thông thường -by, từ Norse cổ có nghĩa là “nông trại” hoặc “làng”, được tìm thấy trong các địa danh như Grimsby, Whitby và Derby.
Người Norman
Năm 896 một đạo quân Viking hùng hậu xâm chiếm vùng tây bắc nước Pháp. Năm 911, để mua lấy hoà bình, Vua Charles Giản Đơn phong Rollo, một trong số các lãnh tụ Viking, làm công tước và giao cho ông vùng lãnh thổ rộng lớn quanh cửa sông Seine đổ ra biển, một vùng đất ngày nay gọi là Normandy (“Norman” là rút gọn từ “North-man”: người phương bắc). Bù lại, Rollo chịu rửa tội, và công nhận Charles là vua mình. Các công tước Normandy tiếp tục công nhận ngôn ngữ và văn hóa Pháp, mặc dù luôn khẳng định nền độc lập chính trị của mình. Người Norman tiếp tục những phiêu lưu quân sự như tổ tiên Norse của mình, tự chiếm được những vùng lãnh thổ ở nam Ý và Sicily, trong khi Công tước William đánh bại quân Anh tại Hastings và trở thành William Nhà Chinh Phục. Tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính tại triều đình Anh trong suốt 300 năm sau.
Cuối thế kỷ 10 chứng kiến một sự cách tân lối tấn công qui mô lớn của người Viking, và vị vua Anh, Ethelred Do Dự, mua chuộc lực lượng cướp bóc bằng những số tiền kết sù. Biệt danh “Unready” (Do Dự) rút ra từ từ Anh cổ “unraed”, nghĩa là “thiếu cố vấn giỏi”, và ông xác minh điều này bằng việc ra lệnh vào năm 1002 – có lẽ trong một nỗ lực phục hồi “danh dự quốc gia” – tàn sát tất cả người Đan Mạch sống ở Anh. Trong số những người bị sát hại có em gái vua Đan Mạch, Sweyn Forkbeard. Ông này ra lệnh leo thang cuộc đột kích của Đan Mạch và đích thân đến Anh vào năm 1013. Ethelred bôn tẩu, và Sweyn tự phong là vua. Cho dù năm sau ông mất, con trai ông Cnut tiếp tục cai trị nước Anh trong hai thập niên, một thời kỳ thái binh và tương đối thịnh trị. Cnut, lúc đó cũng chính là nhân vật quyền lực nhất ở Scandinavia (Bắc Âu), được tiếp rước tại La Mã bởi giáo hoàng và hoàng đế La Mã Thần Thánh như một ông hoàng Cơ đốc giáo trong số những ông hoàng Cơ đốc giáo.
Cuộc cai trị nước Anh của Đan Mạch kết thúc sau cái chết của con trai của Cnut là Harthacnut vào năm 1042. Nhưng tham vọng của người Norse vẫn còn tập trung vào nước Anh, và vào năm 1066 cuộc xâm lăng của vua Thụy Điển Harold Hardrada bị chặn đứng khi ông tử trận ở Cầu Stamford gần York. Không lâu sau đó, Công tước William vùng Normandy, hậu duệ nói tiếng Pháp của bọn cướp bóc Viking, đổ bộ lên Sussex. Thắng lợi của ông tại Trận Hastings đã thay đổi tiến trình của lịch sử nước Anh.
“Rollo, nhún nhường quì xuống, nắm lấy bàn chân nhà vua và đưa lên môi ông ngay lúc ông đứng bật lên. Nhà vua mất thăng bằng liền ngã ngửa xuống đất trong tiếng cười khoái trá của người Norse.”
William vùng Malmesbury, k.1125, mô tả cảnh Công tước đầu tiên của Normandy hôn bàn chân của Charle Giản đơn của Pháp trong sự thần phục diễu cợt.
Bản đồ nơi định cư của người phương bắc theo thời gian: thế kỷ 8 (màu nâu đỏ), thế kỷ 9 (màu đỏ), thế kỷ 10 (màu cam), thế kỷ 11 (màu vàng đậm), màu vàng nhạt là vùng lãnh thổ người Viking hay tấn công nhưng không định cư.
Ở nơi khác trên Anh đảo, người Norse vẫn tiếp tục cai trị. Ireland, Dublin, Wexford, Waterford và Limerick hầu hết còn là những thị trấn Viking cho đến khi có cuộc xâm chiếm của người Anglo-Norman vào cuối thế kỷ 12. Ở Scotland, quần đảo Hebrides vẫn còn trong tay người Na Uy cho đến khi người Scot đánh bại vua Na Uy Haakon IV tại Largs vào năm 1263. Orkney và Shetland chỉ được chuyển về cho vương triều người Scot vào năm 1472, như của hồi môn cho cuộc hôn nhân hoàng gia, và nhân dân của những đảo này, có tổ tiên là người Norse, vẫn chưa coi mình là một bộ phận tích hợp của Scotland.
TÓM TẮT
Những người cướp bóc đã khủng bố vùng bắc Âu sau đó trở thành những người định cư hiếu hòa.
DÒNG THỜI GIAN
793 | Người Viking bắt đầu cướp phá Anh đảo |
834 | Người Viking bắt đầu cướp phá vùng tây bắc Pháp |
853 | Olaf, con trai nhà vua Na Uy, thành lập vương quốc Viking ở Ireland, kinh đô là Dublin |
856 | Viking cướp bóc Paris |
860 | Cuộc tiến đánh thất bại của Viking vào Constantinople |
865 | Cuộc xâm chiếm chính của Đan Mạch vào Đông Anglia |
866 | Viking chiếm York và thiết lập ách cai trị lên Northumbria |
871 | Alfred Đại Đế trở thành vua xứ Wessex và bắt đầu kháng cự hiệu quả với Viking |
k. 874 | Người Na Uy đến Iceland |
877 | Người Đan Mạch chiếm Mercia |
k.880 | Người Thụy Điển thành lập nhà nước Rus ở Kiev, hạt nhân của nước Nga hiện đại |
886 | Danelaw (Bộ luật Đan Mạch) được ban hành ở Anh |
896 | Alfred đánh bại cuộc xâm lăng mới của Đan Mạch vào nước Anh |
911 | Lãnh tụ Rollo của Viking trở thành công tước đầu tiên vùng Normandy |
914 | Vua Edward Lớn bắt đầu tài chính phục nước Anh thuộc Đan Mạch |
930 | Thành lập Althing, hội đồng Iceland |
965 | Cơ đốc giáo được công nhận ở Đan Mạch |
k.986 | Eric the Red đến Greenland từ Iceland, và đặt tên nó để thu hút người đến lập nghiệp (Greenland: vùng đất xanh tươi) |
995 | Thụy Điển bắt đầu cải sang đạo Cơ đốc |
k.1000 | Leif Eriksson thành lập vùng định cư Na Uy ở Bắc Mỹ, 500 năm trước khi Columbus phát hiện ra “Tân Thế Giới”. |
1013-42 | Nước Anh dưới nền cai trị của Sweyn Forkbeard của Đan Mạch và những người kế vị Cnut, Harold Harefoot và Harthacnut |
1014 | Brian Boru, vua Ireland, đánh bại Viking ở Clontarf |
1066 | THÁNG 9: Harold Hardrada của Na Uy bị giết ở Cầu Stamy. THÁNG 10: Công tước William vùng Normandy đánh bại Anh dưới triều vua Hardrold II tại Hastings. |
1169 | Cuộc xâm lăng của Anglo-Norman đánh dấu sự kết thúc các vương quốc Gaelic-Norse ở Ireland |
Thế kỷ 15 | Thuộc địa của người Norse p Greenland tàn rụi, có thể vì khí hậu lạnh lẽo |
10 Các cuộc thập tự chinh
Suốt hai thế kỷ, từ 1096 đến 1291, những ông vua Tây Âu tiến hành một loạt các chiến dịch quân sự chống lại người Hồi ở vùng Cận Đông mong lấy lại những vùng thánh địa – đặc biệt Jerusalem – về cho người Cơ đốc. Giáo hội Cơ đốc La Mã rao giảng là người nào thề nguyện làm Thập Tự quân sẽ được Chúa Trời miễn trừ tội lỗi đã phạm phải.
Không nghi ngờ gì những động lực mà nhiều người nguyện “mang thập giá” là rất lý tưởng – ít ra là trong buổi đầu. Nhưng như thường lệ, nhiệt tình tôn giáo thường mang theo nó sự tàn bạo phi nhân tính đối với người ngoại đạo. Và, cũng là điều thường tình, những cuộc chiến phát động bởi những động lực thuần khiết nhất sớm thoái hóa thành những vụ tranh giành ô nhục quyền lực và của cải.
Mặc dù những cuộc Thập Tự Chinh nổi tiếng nhất là những cuộc thập tự chinh được phái đi đến Miền Đất Thánh, nhưng có những chiến dịch cũng do động lực tôn giáo phát động chống lại những dân ngoại đạo như người Slav và Balt miền đông bắc Âu, chống lại dân dị giáo như người Cathar miền nam nước Pháp, và chống lại những người cai trị Hồi giáo ở Tây Ban Nha trong một tiến trình gọi là Reconquista (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là Tái Chinh Phục). Những chiến dịch này cũng nổi bật bởi tính quyết liệt, bất dung và dã man của nó.
The Reconquista
Chiến dịch Cơ đốc giáo nhằm chinh phục lại Bán đảo Iberia khỏi tay người Moor theo đạo Hồi kéo dài khoảng bốn thế kỷ, và, không giống các Thập Tự Chinh ở Cận Đông, thắng lợi của nó có tính vĩnh viễn. Các vương quốc Cơ đốc phía bắc Castile và Aragon bắt đầu chiếm lấy lãnh thổ của người Moor vào giữa thế kỷ 11, và sau thắng lợi quyết định tại Las Navas de Tolosa vào năm 1212, tiến trình không thể đảo ngược lại. Granada, lãnh thổ Hồi cuối cùng ở Tây Ban Nha, thất thủ vào năm 1492. Nhưng trong khi người Hồi ở Tây Ban Nha đã chủ trì một nền văn hóa đa nguyên hoàn toàn khoan dung, các nhà cai trị mới Cơ đốc giáo của xứ sở, Vua Ferdinand và Hoàng hậu Isabella, lại bức bách người Do Thái và Hồi phải cải đạo, nếu không sẽ bị tội chết hoặc trục xuất. Tiếp theo đó, thậm chí những người đã cải đạo còn chịu sự theo dõi của Tòa Dị Giáo Tây Ban Nha, và những ai bị nghi là lén lút hành đạo cũ của mình sẽ bị thiêu sống tại cột.
Thập Tự Chinh đầu tiên
Thập Tự Chinh phát xuất từ lời kêu gọi của Alexius I, nhà cai trị theo Chính thống giáo Hy Lạp của đế chế Byzantine, kêu gọi Giáo Hoàng Urban II trợ giúp kháng cự lại người Thổ Seljuk theo đạo Hồi. Theo sau Trận đánh quyết định tại Manzikert vào năm 1071, người Seljuk đã chiếm hầu hết vùng Anatolia, và Alexius kêu gọi sự hỗ trợ của các lính đánh thuê Âu châu để giải quyết mối đe doạ đối với đế quốc ông.
Giáo hội Chính thống giáo Hy Lạp ở phương đông và Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã phương tây đã từ lâu trở nên căng ngày càng xa cách, và giáo hoàng nhìn thấy tai họa của Byzantine là cơ hội cho mình xác lập được vị thế hơn hẳn của La Mã trên thế giới Cơ đốc, và để đẩy lùi sức tiến công của đạo Hồi ra khỏi những vùng đất trước đây thuộc người Cơ đốc. Năm 1095 ông đã đăng đàn một bài giảng ở Clermont bằng tiếng Pháp mẹ đẻ, kể lại những hành vi tàn bạo mà người Hồi gây ra cho những tín đồ hành hương Cơ đốc giáo trên Đất Thánh – mặc dù nói chung thì người Hồi khoan dung với khách hành hương Cơ đốc, vì nhận thức được rằng họ là nguồn lợi tức có ý nghĩa.
“Những ai từng là kẻ cướp hãy trở thành các chiến binh của Christ. . .”
Giáo hoàng Urban II giảng tại cuộc Thập Tự Chinh Đầu Tiên tại Clermont, 1095.
“Tác động của bài giảng của Urban cho thấy là như sét đánh. Tây Âu thời đó đang trải qua một thời kỳ bùng nổ dân số, kinh tế thịnh vượng và tự tin về tinh thần, và bài giảng của Urban giúp tập trung được những tham vọng của nhiều năm tước – chiến binh hung hăng – trong đó có người Norman và Pháp – những người thấy đây là cơ hội vừa tranh thủ một miếng cho mình ở phương đông vừa giúp đỡ đồng đạo và cứu vớt linh hồn mình.
Trong vòng một năm một số binh đoàn đã lên đường đi Đất Thánh. Năm 1098 họ đánh chiếm Antioch ở Syria khỏi tay người Seljuk sau một cuộc bao vây dài, và vào năm 1099 chiếm lại Jerusalem và tiến hành cuộc tắm máu các cư dân Hồi giáo và Do Thái giáo – đàn ông, đàn bà và trẻ em. “Nếu bạn có mặt ở đó,” nhà biên niên sử Cơ đốc đương thời viết, “bàn chân bạn sẽ lấm máu người bị thảm sát đến mắt cá nhân.” Các thánh đường của thành phố cũng bị tàn phá. Thập tự quân thành lập một vương quốc Jerusalem mới, bên dưới là ba bang chư hầu: các quận lỵ vùng Tripoli và Edessa và thân vương quốc Antioch.
Về cách thức tuyên truyền
Baga ad-Din, bạn thân và nhà viết tiểu sử Saladin, kể lại bằng cách nào, để vực dậy tinh thần các chiến binh Cơ đốc giáo trong cuộc Thập Tự Chinh Thứ Bà, Conrad, Hầu tước vùng Montferrat, cho vẽ một bức tranh mô tả một hiệp sĩ Hồi giáo giẫm đạp lên lăng mộ của Christ ở Jerusalem, trong khi còn ngựa của y tiểu trên thánh tích. Bức họa này được lưu hành rộng rãi, và có tác dụng hiệu quả trong việc tuyển mộ một đạo quân đông đảo.
Các Thập Tự Chinh về sau
Người ta cho rằng Thập Tự Chinh Đầu Tiên thành công vì không có các vua tham dự – do đó không có sự tranh giành ở cấp độ quốc gia. Thập Tự Chinh Thứ Hai là một vấn đề có tính vua chúa hơn, do Vua Louis VII của Pháp và Conrad III, hoàng đế Đức, lãnh đạo. Nó được xúc tiến vì người Hồi đã đánh chiếm lại Edessa vào năm 1144, nhưng không mấy thành công – việc Thập Tự quân bao vây Damascus là một thất bại, và sau đó bỏ cuộc.
Năm 1187 Saladin, vị sultan (vua Hồi) của Ai Cập và Syria, chiếm lại Jerusalem, thúc đẩy Thập Tự Chinh Thứ Ba, do hoàng đế Đức Frederick “Barbarossa” (chết trên đường đi), Vua Philip II của Pháp, và Vua Richard I (“Tim Sư Tử”) của Anh cùng cầm đầu. Sau khi chiếm được Jerusalem, Saladin đã không xâm hại gì đến người Cơ đốc và nhà thờ và điện thờ của họ phần lớn đều nguyên vẹn; ngược lại, khi Richard I chiếm lại Acre, ông đã tàn sát khoảng 3,000 tù binh. Các thập tự quân không lấy lại được Jerusalem, nhưng trước khi rời khỏi Đất Thánh Richard thỏa thuận được một hiệp ước với Saladin, theo đó những khách hành hương Cơ đốc sẽ được người Hồi cho phép đi đường bình yên.
“Jerusalem đối với chúng tôi là một tín vật phụng thờ mà chúng tôi không thể từ bỏ cho dù chỉ còn một người chúng tôi sống sót. . . “
Richard I gởi đến Saladin
“Jerusalem là của chúng tôi cũng bằng như của các người; đúng ra nó thậm chí còn thiêng liêng đối với chúng tôi hơn đối với các người. . . “
Saladin gởi đến Richard I
Thư này được nhà viết tiểu sử Saladin, Baha ad-Din ghi chép lại. Ông cũng là chứng nhân trong Thập Tự Chinh Thứ Ba.
Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Tư hóa ra là một trò hoàn toàn trục lợi. Theo yêu cầu của các nhà buôn Venice ở Ý, các thập tự quân quay mũi dùi từ Đất Thánh sang đế chế Byzantine, đối thủ cạnh tranh thương mại của Venice ở miền đông Địa Trung Hải. Năm 1204 Constantinople bị đánh chiếm và những thánh tích của nó bị làm ô uế, và một nhà nước Latinh được thiết lập ở đó kéo dài nửa thế kỷ. Điều này đánh dấu sự cắt đứt cuối cùng giữa các nhánh Cơ đốc giáo đông và tây.
Những Thập Tự Chinh về sau đến Ai Cập và Đất Thánh không gặt hái gì nhiều trong khi người Hồi đẩy mạnh không ngừng việc tái chiếm những căn cứ địa còn lại của Thập Tự quân dọc theo bờ biển Syria và Palestine. Mặc dù Jerusalem được thu hồi theo hiệp ước 1228, nó lại bị mất lần nữa vào năm 1244, và rồi vào năm 1291 Acre, căn cứ Thập Tự quân cuối cùng ở Đất Thánh lọt vào tay người Mameluke ở Ai Cập.
Thập Tự Chinh – mà triết gia Đức Friedrich Nietzsche đúc kết “không gì khác hơn là trò cướp bóc cấp cao” – để lại một di sản cay đắng lâu dài chống lại phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Tổng thống George W. Bush sử dụng từ “thập tự chinh” khi mô tả “cuộc chiến chống khủng bố” của ông sau ngày 11/9 gây sửng sốt khắp nơi bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ; và nhân đó những người Hồi giáo cực đoan cố ý dán nhãn hiệu cho các lực lượng phương Tây ở Iraq và Afghanistan là bọn “Thập Tự quân”, hiểu rất rõ là từ ấy gợi lại hành động tàn bạo tắm máu họ đã gây ra ở Jerusalem và Acre cách đây một thiên niên kỷ.
TÓM TẮT
Chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Âu châu vào thế giới Hồi giáo để lại một di sản đắng cay.
DÒNG THỜI GIAN
638 | Người Ả Rập Hồi giáo chiếm Jerusalem |
1071 | Người Thổ Seljuk đánh bại Byzantine tại Manzikert |
1095 | Giáo hoàng Urban II giảng đạo động viên Thập Tự Chinh 1 |
1096 | Thập Tự Chinh 1 lên đường đến Đất Thánh |
1098 | Thập Tự quân chiếm Antioch |
1099 | Thập Tự quân chiếm Jerusalem và lập ra những bang ở Syria và Palestine |
1144 | Người Thổ chiếm bang Thập Tự quân ở Edessa |
1146-9 | Thập Tự Chinh 2 đánh chiếm Damascus thất bại |
1187 | Saladin đánh bại Thập Tự quân ở Hattin và chiếm Jerusalem |
1189-92 | Thập Tự Chinh 3 chiếm Acre nhưng không lấy lại được Jerusalem |
1200-4 | Thập Tự Chinh 4 đánh chiếm Constantinople và thiết lập đế chế Latinh |
1209-29 | Thập Tự Chinh Albigensian chống người dị giáo Cathar miền nam nước Pháp |
1212 | Trận đánh Las Navas de Tolosa, chiến thắng quyết định của người Cơ đốc trước người Moor ở Tây Ban Nha |
1216-21 | Thập Tự Chinh 5 thất bại không lấy được Cairo |
1228 | Thập Tự Chinh 6 giữ lại được Jerusalem bằng hiệp ước |
1244 | Người Hồi giáo chiếm lại Jerusalem |
1248 | Thập Tự Chinh 7: Louis IX của Pháp bị baty khi tấn công Cairo |
1261 | Phục hồi chế độ Byzantine ở Constantinople |
1268 | Antioch thất thu về tay người Mameluke |
1270 | Thập Tự Chinh 8 đối hướng đến Tunis, tại đó Louis IX qua đời |
1271-2 | Thập Tự Chinh 9 kết thúc thảm bại |
1289 | Tripoli rơi vào tay người Mameluke |
1291 | Acre thất thủ, căn cứ Thập Tự quân cuối cùng ở Cận Đông |
1420-35 | Thập Tự Chinh chống người Hussite, người tiền Tin Lành đầu tiên ở Bohemia |
1492 | Granada thất thủ, lãnh thổ cuối cùng của người Hồi ở Tây Ban Nha |