TRANH ẢNH-VĂN THƠ NHẠC-DANH TÁC NGHỆ THUẬT

Nghệ thuật Thời Phục Hưng

Nghệ thuật Thời Phục Hưng

The20Pity2C20statue20made20by20Michelangelo

Mark Cartwright/ Ancient History

1

Thánh Jerome trong Phòng Làm Việc của Antonello da Messina

Nghệ thuật thời Phục Hưng ở châu Âu (1400-1600 SCN) bao gồm một số họa phẩm và tác phẩm điêu khắc được yêu thích nhất và dễ nhận diện nhất. Các bậc thầy thường điêu luyện trong cả hai lãnh vực hoạ và điêu khắc, và bằng cách nghiên cứu nghệ thuật thời cổ đại, bổ sung kiến thức lý thuyết về phép phối cảnh có tính toán học và kỹ thuật vẽ mới, họ đã sáng tạo ra những tác phẩm thực sự độc đáo. Tính hiện thực, hoạ tiết, kịch tính, và những tầng lớp tinh tế về ý nghĩa trở thành những đặc điểm của nghệ thuật tôn giáo và thế tục. Giờ đây, các nghệ sĩ cuối cùng đã thoát ra khỏi vị thế cũ của một thợ vẽ và đạt được một vị trí mới như là những người đóng góp trọng yếu cho văn hóa và uy tín của xã hội trong đó họ sống.

Những đặc điểm xác định của nghệ thuật Phục Hưng bao gồm:

  • quan tâm trong việc nắm bắt những yếu tố tinh túy của nghệ thuật cổ điển, đặc biệt hình thể và tỉ lệ của cơ thể người.
  • quan tâm đến lịch sử nghệ thuật đương đại và rèn đúc nên con đường liên tục của sự phát triển.
  • pha trộn cách mô tả hình tượng tôn giáo và thế tục lấy tính nhân đạo làm tiêu điểm.
  • có khuynh hướng tiến đến sự đồ sộ và những tư thế ấn tượng.
  • quan tâm đến việc tạo ra một đáp ứng tình cảm về phía người thưởng ngoạn.
  • phát triển phép phối cảnh có tính toán học chính xác.
  • quan tâm đến những thể loại chân dung, phong cảnh và cảnh vật cực thực và chi tiết.
  • quan tâm trong việc sử dụng màu sắc rực rỡ, bóng râm và nắm bắt những hiệu quả của ánh sáng.
  • phát huy việc sử dụng sơn dầu và chữ in nhỏ.
  • sử dụng những hình thể tinh tế và những vật dụng hàng ngày để làm gia tăng ý nghĩa của họa phẩm.
  • gia tăng uy thế nghệ sĩ như là một nghệ nhân biết kết hợp những tri thức với kỹ năng thực hành.

Nguồn gốc Trung Cổ

Người ta quen nghĩ rằng sự Phục Hưng nhảy vọt ra từ đâu đó biến thành một sự ra đời kỳ diệu những ý tưởng và tài năng. Nhưng những nghiên cứu gần đây của các sử gia hiện đại đã phát hiện ra rằng nhiều yếu tố trong nghệ thuật Phục Hưng đã từng được thực nghiệm trong thế kỷ 14. Những nghệ sĩ như Gotto (mất 1337) khao khát tạo ra những tác phẩm trông hiện thực hơn và vì thế họ sử dụng kỹ thuật thu ngắn những vật thể đưa ra trước mắt họa sĩ để tạo chiều sâu cho cảnh vật (chẳng hạn, cánh tay đưa ra trước về phía hoạ sĩ được vẽ ngắn lại so với cánh tay giang ngang: ND). Cách Giotto sử dụng kỹ thuật thu ngắn, ánh sáng và bóng tối, cảm xúc, và chọn lựa cảnh vật sống động có thể được minh chứng rõ nhất trong các bức tranh tường tôn giáo của ông ở Nhà Nguyện Scrovegni, Padua (k.1315). Những kỹ thuật này, và thành công của nghệ sĩ trong việc tạo hình nhân vật sống động, tạo ảnh hưởng rất lớn cho các nghệ sĩ sau này. Vì lý do này, Giotto thường được coi là “hoạ sĩ Phục Hưng đầu tiên” cho dù ông sống trước thời Phục Hưng.

2

Cái hôn của Judas, tác giả Giotto

Những nhà bảo trợ giàu có là lực đẩy đằng sau nền nghệ thuật Phục Hưng trong một thời kỳ khi đại bộ phận các công trình nghệ thuật đều được thực hiện qua việc ủy thác (đặt hàng). Nhà thờ là các mạnh thường quân quen thuộc nhất của hệ thống này trong giai đoạn đầu của thời Phục Hưng. Những tấm tranh pa-nô đặt sau bệ thờ và những tranh tường là hình thức trang trí nghệ thuật phổ biến nhất, thường mô tả cảnh sacra conversazione, đó là cảnh Đức Mẹ và Chúa Hài đồng vây quanh bởi các thánh và người chúc tụng. Những tranh ở bệ thờ đồ sộ có khi cao đến vài mét thường được đóng khung kỹ càng bắt chước sự phát triển đương đại trong kiến trúc. Bức tranh bệ thờ lừng danh nhất là bức 1432 Ghent do Jan văn Eyck (k.1390-1441) vẽ (hình dưới)

3

Những chủ đề trong thời kỳ đầu Phục Hưng rất giống với những chủ đề phổ biến trong suốt thời Trung Cổ.

SỰ TIẾN HÓA TRONG NGHỆ THUẬT TƯƠNG ĐỐI CHẬM, NHƯNG KHI MỘT SỐ NGHỆ SĨ ĐÃ TIẾNG TĂM LỪNG LẪY RỒI, HỌ CÓ THỂ PHÁT HUY NHỮNG Ý TƯỞNG MỚI MẺ, KHIẾN NGHỆ THUẬT TRỞ NÊN KHÁC BIỆT VỚI NHỮNG CÁCH ĐÃ ĐƯỢC THỂ HIỆN TRƯỚC ĐÂY.

Những nhà bảo trợ tư nhân như các giáo hoàng, Hoàng đế La Mã Thần Thánh, các nhà vua, và công tước tất cả đều thấy lợi ích trong việc làm đẹp thành phố và lâu dài của mình, nhưng họ cũng rất quan tâm muốn được tiếng tăm là người mộ đạo và người am hiểu nghệ thuật và lịch sử. Một khi nhà bảo trợ tìm được những hoạ sĩ mình ưa thích, ông ta thường thuê họ dài hạn với tư cách nghệ sĩ tại gia chính thức, đặt họ làm đủ mọi thể loại từ tranh chân dung đến tranh phong cảnh sống động. Vì là người trả tiền nên các nhà bảo trợ thường đưa ra các yêu cầu đặc biệt về chi tiết cho một tác phẩm. Hơn nữa, dù nghệ sĩ có thể sử dụng kỹ năng và sức tưởng tượng của mình, anh ta cũng phải tuân theo một số ràng buộc về qui ước theo đó các nhân vật trong tác phẩm phải nhận diện được là ai. Chẳng hạn, một bức tranh tường vẽ đời một ông thánh sẽ coi là không đạt nếu không ai nhận ra ông thánh đó là ai. Vì lý do đó, sự tiến hóa trong nghệ thuật tương đối chậm, nhưng khi một số nghệ sĩ đã tiếng tăm lừng lẫy, họ có thể phát huy những ý tưởng mới mẻ, khiến nghệ thuật trở nên khác biệt với những cách đã được thể hiện trước đây.

Sự phục sinh cổ điển

Đặc điểm nổi bật của thời Phục Hưng là mối quan tâm trở lại đối với thế giới cổ đại Hy-La. Như một đặc điểm mà bây giờ chúng ta gọi là chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng, văn chương, kiến trúc, và nghệ thuật cổ điển tất cả đều được tham khảo nhằm trích xuất ra những ý tưởng có thể được biến đổi cho thế giới đương đại. Lorenzo de Medici (1449-1492), người đứng đầu gia tộc đầy thế lực ở Florentine, là một nhà bảo trợ tiếng tăm, và bộ sưu tập những tác phẩm cổ đại của ông là điểm nghiên cứu của nhiều nghệ sĩ. Những nghệ sĩ trẻ, học tập trong các xưởng vẽ của các nghệ sĩ bậc thầy tiếng tăm, cũng có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật cổ đại ở đó hoặc ít ra là các bản sao chép.

Các nghệ sĩ bắt chước vẽ trực tiếp các tác phẩm cổ điển hoặc vẽ một phần của chúng trong tác phẩm của mình. Vào năm 1496, chẳng hạn, Michelangelo (1475-1564) điêu khắc tượng Cupid Đang Ngủ (giờ đã thất lạc) mà ông cố tình làm cho cũ đi để trông có vẻ là một tác phẩm cổ đại thật. Một chủ đề khác về thời cổ đại, lần này hoàn toàn tưởng tượng, là bức tranh tường Học Viện Athens  do Raphael (1483-1520) vẽ (hình dưới).

4

Hoàn thành vào năm 1511 và ở trong Vatican, bức tranh tường này thể hiện những nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại. Những hình ảnh thông thường rút ra từ thần thoại cổ điển cũng đặc biệt phổ biến. Những hình ảnh này một lần nữa được tưởng tượng lại và, trong một số trường hợp, chúng thậm chí còn vượt qua nghệ thuật cổ đại để chiếm lĩnh tâm trí chúng ta mỗi khi chúng ta nghĩ về một chủ đề nào đó. Sự Ra Đời của Thần Vệ Nữ (k.1484) của danh họa Sandro  Botticelli (1445-1510) là một trường hợp như thế (hình dưới).

5

Cuối cùng, việc mô tả kiến trúc và tàn tích cổ đại là một đề tài ưa chuộng đặc biệt của nhiều nghệ sĩ Phục Hưng để đem lại không khí hậu cảnh cho những tác phẩm thần thoại lẫn tôn giáo của họ.

Vị Thế Gia Tăng của Người Nghệ Sĩ

Một nét phát triển mới là mối quan tâm trong việc tái dựng lại lịch sử nghệ thuật của thế giới và phân loại ai là nghệ sĩ lớn và tại sao. Học giả tiếng tăm nhất biên tập một bộ lịch sử như thế là Giorgio Vasari (1511-1574) trong tác phẩm Cuộc Đời các Kiến Trúc Sư, Hoạ Sĩ, và Điêu Khắc Gia Ý Kiệt Xuất (xuất bản 1550, chỉnh sửa 1568). Cuốn lịch sử là một công trình biên soạn đồ sộ các nghệ sĩ thời Phục Hưng, và những giai thoại liên quan đến họ, và nhờ thế Vasari được coi là một trong những nhà tiên phong về lịch sử nghệ thuật. Các nghệ sĩ cũng được lợi vì có tiểu sử đặc biệt viết về cuộc đời và tác phẩm của mình, cho dù họ vẫn còn sống như Cuộc Đời của Michelangelo (1553) của tác giả Ascanio Condivi (1525-1574). Nghệ sĩ cũng viết những tài liệu về kỹ thuật vì lợi ích của đồng nghiệp, ra đời sớm nhất là cuốn Bình Luận của Lorenzo Ghiberti (1378-1455 CE), được viết khoảng 1450. Vì Bình Luận cũng đề cập đến những chi tiết về cuộc đời và tác phẩm của chính Ghiberti, nên đây cũng là quyển tự thuật đầu tiên của một nghệ sĩ Âu châu.

 

Mối quan tâm này đối với các nghệ sĩ Phục Hưng, cuộc sống riêng tư của họ, và cách thức họ tìm tòi sáng tác ra những tuyệt tác phản ánh vị thế đang lên cao mà giờ đây họ đang có. Trước đây nghệ sĩ thường được coi như thợ vẽ giống như thợ sửa giày và thợ mộc, và họ buộc phải gia nhập phường nghề. Việc này bắt đầu thay đổi trong thời Phục Hưng. Các nghệ sĩ tất nhiên khác với thợ thủ công mỹ nghệ vì họ có thể tạo được tiếng tăm lan rộng qua những tác phẩm của mình và tạo ra được niềm tự hào nghề nghiệp từ đồng bào của mình. Tuy nhiên, chính nhờ những nỗ lực trí tuệ của những họa sĩ như Leonardo da Vinci (1452-1519) và Albrecht Dürer (1471-1528) mà các họa sĩ cuối cùng được nâng cao tầm vóc “nghệ sĩ”, một thuật ngữ trước đây chỉ giới hạn cho những người nghiên cứu những nghệ thuật truyền thống như tiếng Latinh và tu từ học. Các nghệ sĩ say mê nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, điều gì xảy ra trong thế giới nghệ thuật ở những nơi khác, viết những luận thuyết về nghề nghiệp mình, và tiến hành các thử nghiệm về phép phối cảnh có tính toán học. Tất cả những điều này nâng nghệ thuật lên tầm khoa học.

Một đặc điểm xác định khác của các nghệ sĩ Phục Hưng, nhất là những nghệ sĩ thuộc thời kỳ Phục Hưng Hưng Thịnh (1490-1527), là khả năng vượt trội trong nhiều loại hình. Những nhân vật như Michelangelo và Leonardo là những họa sĩ bậc thầy đồng thời cũng là các điêu khắc gia thượng thặng, và cả hai, như nhiều bậc thầy khác, cũng đặt tay lên ngành kiến trúc. Những bậc thầy ưu tú như thế mở ra những xưởng lớn, làm lò đào tạo cho các thế hệ nghệ sĩ tiếp sau.

Một mức độ tự tin lớn hơn của họ trong kỹ năng, kiến thức, và sức đóng góp cho văn hóa nói chung có thể được minh chứng trong số lượng gia tăng những nghệ sĩ thực hiện những bức chân dung tự họa. Một dấu hiệu khác là họ thường ký tên mình lên tác phẩm, đôi khi ở những vị trí rất nổi bật trong bức tranh (cho dù những phụ tá hay học trò trong xưởng vẽ của ông thầy thường là người hoàn tất bức tranh).

Những Kỹ Thuật Mới

Các họa sĩ Phục Hưng đa năng và hay thử nghiệm nhưng, nói chung, trong thời Phục Hưng, họ dùng kỹ thuật fresco cho tranh tường, màu tempera cho pa-nô, và sơn dầu cho pa-nô hoặc vải toan. Kỹ thuật fresco – vẽ trên mặt tường vừa mới quét vôi còn ướt – và tempera – sử dụng bột màu trộn với lòng trắng trứng – cả hai đều là những kỹ thuật được sử dụng rất lâu trước thời Phục Hưng. Trong thời Phục Hưng, các hoạ sĩ mới bắt đầu thử nghiệm sử dụng sơn dầu (phẩm màu được trộn với dầu hạt lanh hay óc chó). Sơn dầu cho màu sắc rực rỡ hơn, có dảy sắc độ rộng hơn, và có chiều sâu hơn màu truyền thống. Sơn dầu cho phép vẽ chi tiết hơn và làm nổi bật nét cọ như một hiệu ứng thị giác. Vào cuối thế kỷ 15, hầu hết nghệ sĩ đều vẽ sơn dầu, khi làm việc tại giá vẽ, chứ không phải dùng tempera. Sự bất tiện của sơn dầu là nó hư hỏng nhanh chóng nếu vẽ trên tường không như fresco.

Có những phong cách và kỹ thuật vẽ khác nhau phụ thuộc vào từng vùng miền. Chẳng hạn, kỹ thuật colorito thịnh hành ở Venice (nơi những màu sắc tương phản được sử dụng để tạo hiệu ứng và xác định một bố cục hài hòa) trong khi kỹ thuật disegno được ưa chuộng hơn ở Florence (nơi việc vẽ nét bao quanh hình thể chiếm ưu tiên). Những kỹ thuật khác được các họa sĩ Phục Hưng hoàn thiện bao gồm chiaroscuro (sử dụng tương phản giữa ánh sáng và bóng tối) và sfumato (chuyển tiếp những màu sáng hơn đến tối hơn).

Các chủ thể của bức tranh là một cơ hội khác để thực nghiệm. Vẽ người với các tư thế ấn tượng trở thành mốt Phục Hưng, được thấy rõ nhất trong tranh tường mà Michelangelo vẽ trên trần Nhà Nguyện Sistine ở La Mã khoảng năm 1512 (hình dưới).

Một cảm xúc về chuyển động dữ dội được tạo ra khi nghệ sĩ sử dụng contrapposto (đó là sự bất đối xứng giữa bộ phận phía trên và phía dưới của nhân vật, một kỹ thuật cũng được Leonardo và nhiều người khác sử dụng.

6

Chúa Tạo Ra Mặt Trời, Mặt Trăng và các Hành Tinh

Một ý tưởng khác là tạo ra những hình thể cho từng nhóm nhân vật trong một cảnh vật, nhất là những tam giác. Mục đích cho việc này tạo ra một bố cục hài hoà và thêm chiều sâu,  như có thể nhìn thấy trong bức tranh tường Bữa Ăn Tối Cuối Cùng (k.1498) của Leonardo hoặc Galatea (k.1513) của Raphael.

7

Bữa Ăn Tối Cuối Cùng

8

Galatea

Các nghệ sĩ nỗ lực vươn tới một ý thức thậm chí lớn hơn về thực tại trong tác phẩm của mình, và điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo ra phối cảnh người ta mong đợi được nhìn thấy trong không gian ba chiều. Andrea Mantegna (k.1431-1506 ) sử dụng kỹ thuật thu ngắn phía trước tương tự như Giotto đã làm. Hãy xem hình dưới bức Nỗi Thống Khổ trong Khu Vườn (k.1460) của ông. Mantegna cũng thích hoạ những cảnh tượng như thể người ta đang nhìn chúng từ bên dưới, một mẹo khác tạo ra chiều sâu cho tác phẩm ông.

9

Đôi khi chiều sâu đạt được ở trung cảnh của bức tranh trong khi các nhân vật khống chế tiền cảnh, mang họ lại gần hơn với người xem tranh. Kỹ thuật này được Pietro Perugino (k.1450-1523) phát huy và có thể được minh họa rõ nhất trong bức Đám Cưới của Đức Mẹ (k.1504) do Raphael, từng là đệ tử của Perugino, vẽ (hình dưới).

10

Trong khi đó, các danh họa như Pietro Della Francesca (k.1420-1492) còn đi xa hơn và sử dụng những nguyên tắc toán học chính xác của phép phối cảnh, như có thể thấy rõ trong bức Christ Bị Phạt Roi (k.1455).

11

Một số nhà phê bình cảm thấy rằng một vài nghệ sĩ đi quá xa trong việc sử dụng phối cảnh khiến cho cảm xúc căn nguyên của họa phẩm bị đánh mất; Paolo Uccello (1397-1475) là một nạn nhân đặc biệt của lời phê phán này. Bức Chuyến Đi Săn (k.1460) (hình dưới) chắc chắn là một họa phẩm táo bạo với khổ tranh toàn cảnh mô tả một khu rừng đối xứng lùi ra xa vào một hậu cảnh tối đen trong khi tiền cảnh bị lấn át bởi những người đi săn và đàn chó săn, tất cả hội tụ về hướng một điểm trung tâm ở xa.

12

Một bước khác hướng về một thực tại xúc cảm hơn là bảo đảm cảnh vật được chiếu sáng bằng một nguồn sáng duy nhất, cung cấp những vùng tối ăn khớp với tất cả phần tử của bức tranh. Hãy ngắm hình trên, chẳng hạn, bức Phút Xuất Thần của Thánh Francis (1480) của Giovanni Bellini (k.1430-1516).

Các nghệ sĩ thậm chí còn bắt đầu đùa với người xem tranh như tấm gương tròn trong bức Chân Dung Lễ Cưới Arnolfini (1434) của Jan van Eyck cho thấy cả những hình phản chiếu rất nhỏ của những người khách chứng kiến đôi vợ chồng mới cưới. Tất cả các kỹ thuật này có thêm lợi thế là tạo ra những tiếng “ồ” từ những người xem tranh không quen với những cách tân như thế.

13

Chân Dung Lễ Cưới Arnolfini của Jan van Eyck

Các họa sĩ Phục Hưng muốn bổ sung một tầng ý nghĩa vào tác phẩm của mình hơn là chỉ trình ra ấn tượng thị giác đầu tiên. Những cảnh truyện thần thoại thường đầy ứ tính biểu tượng, nhằm phân biệt những người thưởng ngoạn sành điệu với người xem bình dân. Titian (k.1487-1576) thậm chí thể hiện những họa phẩm thần thoại của mình như một dạng thi ca, mà ông gọi là poesia, chẳng hạn bằng những tham chiếu cổ điển hiện diện dày đặc trong tranh. Hãy ngắm hình dưới, chẳng hạn, bức Bacchus và Ariadne (k.1523).

14

Giải thích (trích wikipedia):  Công chúa Ariadne đã bị người yêu anh hùng Theseus bỏ lại trên đảo Naxos, một mình trở về quê nhà trên con thuyền ở phía trái xa của khung hình. Nàng được tửu thần Bacchus phát hiện đang nằm ngủ trên bãi biển. Vừa nhìn mặt, chàng đã đem lòng yêu nàng ngay lập tức.  Bacchus đang đứng trên xe do hai con báo đốm kéo, dẫn đầu một nhóm bạn nhậu. Bacchus, chàng trai tuấn tú, liền phóng lên không trung để bảo vệ nàng Ariadne khỏi bị thú dữ làm hại. Theo phiên bản của Ovid, thi sĩ của câu chuyện thần thoại này mà hoạ sĩ dựa theo để sáng tác, thì Bacchus giật chiếc vương miện của công chúa Ariadne ném lên trời, biến thành chòm sao Corona Borealis (Vương miện phương Bắc) được hoạ sĩ vẽ ở góc trái trên khung hình. Bố cục được chia theo đường chéo góc thành hai tam giác, một là bầu trời màu xanh và hai nhân vật chính đang chuyển động (Ariadne ắt hẳn giật mình vì sự xuất hiện bất ngờ của đám người lạ náo nhiệt), tam giác thứ hai là đám người đi theo náo loạn và chủ yếu được tô màu xanh lá/nâu. Người đàn ông quấn rắn quanh mình ắt hẳn chỉ để làm trò vui như một số bạn nhậu thường làm và khiến bọn đàn bà hoảng sợ. Còn con chó giống spaniel sủa vang một thần dê bé con là một mô-tip quen thuộc trong tác phẩm của Titian. Có thể con báo đốm, chó spaniel là thú cưng của người bảo trợ đã yêu cầu hoạ sĩ đưa vào bức tranh, như thói quen người đặt hàng.

15

Mona Lisa

Tranh chân dung là một lãnh vực khác mà các nghệ sĩ Phục Hưng vượt trội. Ví dụ nổi tiếng nhất là bức Mona Lisa của Leonardo (k.1506), thể hiện một phụ nữ vô danh. Leonardo không chỉ vẽ giống mà còn nắm bắt tâm trạng của người mẫu. Đường viền, phối cảnh, và đánh sắc độ cho màu sắc tất cả được phối hợp để mang sức sống cho tác phẩm. Hơn nữa, tư thế tự nhiên và góc nhìn ba phần tư là một gợi ý khác của chuyển động. Tác phẩm này tạo ảnh hưởng lớn lao cho những tranh chân dung về sau. Một hướng phát triển khác là việc sử dụng những vật dụng hàng ngày trong tranh chân dung nhằm gợi lên cá tính, tín ngưỡng, và sở thích của người mẫu. Các nghệ sĩ Hà Lan là những bậc thầy đặc biệt cho những chân dung hiện thực, và ý tưởng của họ lan truyền đến Ý, nơi chúng có thể được chiêm ngưỡng trong tác phẩm của Piero della Francesca, chẳng hạn, nổi bật nhất là bức chân dung của ông vẽ Federico da Montefeltro, Công tước vùng Urbino (k.1470) (hình dưới).

16

Điêu Khắc và Phá Vỡ Khuôn Mẫu Cổ Điển

Trong khi nhiều chủ đề tôn giáo vẫn còn phổ biến trong điêu khắc như tượng Pieta – Đức Mẹ than khóc bên thi thể Jesus Christ – hình tượng qui ước sẽ sớm nhường chỗ cho những cách thể hiện cách tân hơn. Donatello (k.1386-1466), chẳng hạn, thể nghiệm với việc hi sinh kỹ thuật và sự hoàn thiện để nắm bắt cảm xúc chân thật của một nhân vật, một phong cách có thể được minh họa rõ nhất qua tượng gỗ Mary Magdalene (k. 1446).

17

Mary Magdalene by Donatello

Những nhà điêu khắc làm sống lại những nhân vật cổ đại với những phiên bản của chính mình bằng chất liệu gỗ, đá, và đồng. Nổi tiếng nhất trong tất cả là tượng David của Michelangelo (1504). Thể hiện vị vua trong kinh thánh, người khi còn trẻ đã tiếng tăm lừng lẫy vì hạ gục được gã khổng lồ Goliath, bức tượng đá lớn hơn người thật nhiều, cao khoảng 5.2 mét. Tượng nhắc ta nhớ đến những bức tượng đồ sộ Hercules từ thời cổ đại, nhưng sự căng thẳng của nhân vật và gương mặt đầy quyết tâm là nét sáng tạo thời Phục Hưng (hình dưới).

18

19

Donatello làm ra một phiên bản David khác bằng đồng (thập niên 1420 hay 1430) và tác phẩm này là một cuộc chia tay đầy ấn tượng khác với nghệ thuật điêu khắc cổ đại. Tư thế bộc lộ một con người đầy quyến rũ không khi nào là sản phẩm của thời cổ đại. Cả David  của Michelangelo và Donatello đều nhắc đến mối liên kết chặt chẽ giữa nghệ thuật và chức năng trong thời Phục Hưng. David, một sát thủ của Goliath, có mặt trên dấu ấn chính thức của thành phố Florence, là một nhắc nhở bất tận về cuộc đấu tranh của dân Florence chống lại thành phố đối thủ Milan.

21

Một thể loại có liên quan đến điêu khắc là chạm khắc. Một lần nữa Donatello có mặt ở đây, làm ra những pa-nô bằng đồng chạm chìm xuất sắc cho tu viện Sienna và các nhà thờ ở Florence. Kỹ thuật chạm một cảnh với một độ chìm nông nhưng vẫn tạo được một xúc cảm về phối cảnh được gọi là rilievo schiacciato. Một kỹ thuật rất khác là chế tác những pa-nô kim loại với hình người quá nhô cao cao đến nỗi chúng gần như là tượng điêu khắc riêng biệt. Minh họa nổi tiếng nhất của kỹ thuật này là Cổng Thiên Đường của Lorenzo Ghiberti, cửa của Tu viện San Giovanni ở Florence (hoàn thành năm 1452). Pa-nô mạ bạc ép vào khung cửa thể hiện những cảnh trong kinh thánh và thậm chí có bức bán thân của chính Ghiberti (hình dưới).

2223

Từ 1420, in mộc bản rất phổ biến, nhưng chính sự phát triển bản in khắc đồng từ những thập niên 1470 mới thực sự cho ra những bản in đậm chất nghệ thuật. Bản khắc đồng cho độ chính xác cao hơn và nhiều họa tiết hơn. Mantegna và Durer là hai tay kiệt xuất về lãnh vực này, và những bản in hình khắc của họ được thị trường săn đón. Thợ in thành công nhất là Marcantonio Raimondi (1480-1534), và các bản in mỹ thuật của ông giúp truyền bá những ý tưởng đến miền bắc Âu và ngược lại.

24

Di Sản của Nghệ Thuật Phục Hưng

Sưu tập các tác phẩm nghệ thuật trở thành sở thích của người giàu có, nhưng khi tầng lớp trung lưu trở nên khấm khá hơn, họ cũng có thể tậu được những nghệ phẩm, cho dù không thật sự xuất sắc. Các xưởng vẽ như các xưởng do Ghiberti điều hành bắt đầu không phải sản xuất hàng loạt mà ít ra sử dụng những yếu tố được tiêu chuẩn hóa lấy từ danh sách có sẵn. Tóm lại, nghệ thuật không còn giới hạn cho tầng lớp giàu có, và đối với người không đủ tiền tậu bản gốc họ luôn  có thể mua những bản in. Các bản in giúp lan truyền tiếng tăm của các nghệ sĩ đi xa. Nhờ việc mở rộng thị trường nghệ thuật, các họa sĩ bậc thầy giờ có thể tự do sáng tạo theo ý muốn, không phải thỏa mãn yêu cầu của người bảo trợ.

Nghệ thuật Phục Hưng tiếp tục tiến hóa. Trường phái Mannerism (Kiểu Cách), chẳng hạn, là một thuật ngữ mơ hồ ban đầu để chỉ phong cách nghệ thuật khác lạ đến kỳ cục ra đời sau thời Phục Hưng Hưng Thịnh. Mannerism lúc đó mang một ý nghĩa tích cực – tính phong cách, tính đa nghĩa của thông điệp, tính tương phản, và nói chung đùa cợt với những kỹ thuật và những tiêu chuẩn hóa mà trước đây các nghệ sĩ Phục Hưng đã đặt ra. Chẳng hạn, hãy xem bức họa Thánh Mark Làm Phép Giải Cứu một Nô Lệ (1548) do Tintoretto (k.1518-1594) vẽ (hình dưới). Từ Mannerism sẽ đến phong cách chủ yếu tiếp sau trong nghệ thuật Âu châu, trường phái Ba-rốc đậm chất trang trí, chuyên sử dụng màu sắc rực rỡ, hoạ tiết đẹp, và những tư thế sống động, đưa nghệ thuật Phục Hưng lên một mức độ cao tột mới của xúc cảm và tính trang trí bao trùm.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111