LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

Phan Đình Phùng

Phan Đình Phùng

 

Ngày 28-12-1895: Ngày mất của Phan Đình Phùng

Phan Đình Phùng (1847 – 1895)

Ngày 28-12-1895: Ngày mất của Phan Đình Phùng

Học lịch sử, văn hóa, xã hội là dịp để “ôn cố tri tân – ôn lại cái cũ, cái đã qua giúp hiểu thêm, biết thêm về cái mới, cái hiện tại”. Lần từng trang lịch sử, nhìn lại thấy vô số tinh thần bất khuất của các võ tướng, binh gia, dùng võ thuật, quân sự cứu nước, hy sinh cả mạng sống của mình. Phan Đình Phùng (1847 – 1895) người làng Đông Thái, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; thi đỗ Cử nhân khoa Bính Tí (1876) năm 39 tuổi, đỗ Tiến sĩ (1877), làm quan dưới triều vua Tự Đức, là điển hình một tấm gương sáng cho thế hệ mai sau, không những là người tài hoa văn chương mà còn tinh thông võ lược; tính tình cương trực, hưởng ứng phong trào Cần Vương, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân ròng rã 10 năm (1886 – 1895) ở Nghệ Tĩnh, nêu cao lòng trung dũng, kiên cường, bất khuất, một lòng vì nước vì dân.

Năm 1885, Phan Đình Phùng khởi nghĩa ở Đông Thái, đặt bản doanh tại Vụ Quang, một vùng rừng núi quanh co hiểm trở, có lợi thế cho việc dụng binh (thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Vùng hoạt động của nghĩa quân là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tổ chức nghĩa quân được chia thành 15 quân thứ, mỗi thứ từ 100 đến 500 quân theo cơ ngũ, mang binh phục và võ trang giống nhau, luyện tập theo phương pháp Âu – Tây; đặc biệt chiến khu của ông có một xưởng chế tạo vũ khí đặt dưới quyền của Cao Thắng, một thuộc tướng tài năng mưu trí.

Nghĩa quân của Phan Đình Phùng gây cho giặc nhiều tổn thất. Nhà cầm quyền thực dân, có sự tiếp sức của tay sai bản địa, tìm mọi biện pháp đàn áp bằng cách khai quật mộ tổ tiên, bắt giam thân tộc họ Phan ở Đông Thái, mua chuộc Đinh Như Quang và Hoàng Cao Khải gửi thư chiêu dụ nhưng không phá vỡ được tinh thần bất khuất của Phan Đình Phùng.

Năm 1895 thực dân quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân. Núi Vụ Quang bị bao vây, Phan Đình Phùng phải bỏ căn cứ lui binh về núi Đại Hàm. Chẳng bao lâu Đại Hàm bị tấn công, nghĩa quân và chủ tướng rút sang đóng quân trên một trái núi thuộc thung lũng Vụ Quang dùng thuỷ kế ngăn sông xả nước đánh tan quân giặc một trận vẻ vang. Đây là trận thắng cuối cùng. Về sau với sự tiếp tay cho thực dân của Khâm sai Tiết chế Quân vụ Nguyễn Thân cầm đầu, đem 3.000 quân vây hãm, ngày càng xiết chặt vòng vây, cắt đường tiếp tế, Trong một trận giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng, quyết tử không chịu đầu hàng, rồi hy sinh vào ngày 13 tháng 11 năm 1895 (có sách ghi mất ngày 28 tháng 12 vì mang trọng bệnh), hưởng dương 49 tuổi.

Mười hai ngày sau khi thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được núi Vụ Quang và núi Quạt. Sau đó, Nguyễn Thân, tay sai của thực dân Pháp, cho quật mồ Phan Đình Phùng ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La.

Tương truyền trước khi mất Phan Đình Phùng làm bài thơ Lâm chung thời tác cảm khái như sau:

Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,

Võ lược y nhiên vị tấu công.

Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,

Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.

Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,

Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung.

Trách vọng dũ long ưu dũ đại,

Tướng môn thâm tự quý anh hùng.

Dịch Nôm:

Nhung trường vâng mạng đã mười năm;

Việc võ lôi thôi vẫn chẳng xong;

Dân đói kêu trời vang ổ nhạn;

Quân gian dậy đất rộn đàn ong;

Chín trùng lận đận miền quan ải;

Trăm họ phôi pha đám lửa hồng;

Trách vọng càng to càng mệt nhọc;

Tướng môn riêng hổ tiếng anh hùng.

Văn thân Nghệ Tĩnh đau đớn theo sự hy sinh của Phan Đình Phùng đã làm bài truy điệu với lời lẽ thống thiết, tưởng niệm vị anh hùng dân tộc, biểu tượng cho tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc trong phong trào chống thực dân xâm lược thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ XIX:

“Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chi quân tử thuỷ chung.

Châu chi anh Mạc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng.

Khả hận giả, thuỳ diên đại hạ, nhất mộc nan chi!

Cung lãnh yên tiêu, thuỳ nhân bất tác thâm sơn oán.

Huống dương nhật long phi vân ám cộng.

Ta nhân sự vô thường khả lân La Việt bách niên văn hiến phiên cung mã.

Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thuỷ nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu vũ trụ.

Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bách tùng điêu.

Vị hà tai, hội quyết đồi ba, trung lưu đề trụ!

Tinh di vật hoán hà nhân bất khởi cố viên tình?

Cập thử thời nhạn tán phong xuy, khan thám thiên tâm mạc trợ.

Độc thử Tuỳ Mai khí tiết, nhất tử tinh thần quán đầu ngưu”.

Dịch nghĩa:

Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau.

Mặc châu đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách.

Ngao ngán nhẽ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng.

Phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối.

Vả bây giờ rồng bay mây ám, xót xa việc thế khôn lường, những thương La Việt giang sơn văn hiến trăm năm thành trận mạc.

Trời đất xưa nay thế mãi. Đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phường tuấn kiệt.

Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha.

Đau đớn thay, đê vỡ sóng vồ, giữa dòng trụ đứng, sao dời vật đổi, ngoảnh đầu người cũ phải bôn chôn.

Đương lúc này gió thổi nhạn lìa, căm giận lòng trời cay nghiệt; riêng cảm Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao.

(Bản dịch của Đào Trinh Nhất)

TVB – Đà Lạt 7/2012

Tài liệu tham khảo:

– Trần Trọng Kim (1882 – 1953), Việt Nam sử lược, biên soạn năm 1919, xuất bản lần thứ nhất năm 1921 (Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu, Saigon).

– Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam danh nhân từ điển, NXB Hội Văn hoá bình dân, Saigon 1960.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111