Y HỌC-SỨC KHỎE - DƯỠNG SINH-VÕ THUẬT NỘI CÔNG

Dạy võ & Học võ xưa và nay

Dạy võ & Học võ xưa và nay

Từ thuở ban sơ, khi đời sống con người còn rất hoang dã thì người ta đã biết sử dụng đến võ thuật để đấu tranh sinh tồn trước các loài thú dữ và cả với những đồng loại của mình.

Theo định nghĩa khái quát thì võ là hành động dùng một hay nhiều bộ vị trên cơ thể của mình đấu chọi với đối phương. Sau, dần dần con người biết dùng tới các vật cứng, sắc, nhọn gọi là vũ khí để hỗ trợ thêm khi cần thiết phải đối phó với số đông, hay trong các cuộc hỗn chiến. Thuật là phương pháp, là cách thức hợp lý làm tăng thêm tính hiệu quả khi sử dụng các bộ vị hay các loại công cụ ấy trong chiến đấu. Sau nâng dần lên khéo léo hơn gọi là kỹ thuật, đẹp mắt hơn gọi là nghệ thuật. Từ cái võ đến cái thuật là cả một quá trình nghiên cứu, truyền đạt, lưu giữ và cải tiến cho càng ngày càng hoàn chỉnh, hiệu quả, phong phú hơn.

Cái gạch nối đó nhờ vào công sức của một số người không nhiều, có khả năng thiên phú, lòng đam mê và chịu khó khổ luyện.

Rồi xã hội con người cũng dần phát triển, từ cuộc sống hoang dã đơn lẻ, mang tính cá thể đến hình thành các bộ tộc, bộ lạc…mang tính tập thể, thì việc đấu tranh giành sự sống ngày càng quyết liệt hơn, các cuộc hỗn chiến ngày càng xảy ra nhiều hơn giữa các bộ tộc, bộ lạc với nhau, và con người bắt đầu thấy võ thuật đóng một vai trò rất quan trọng vì sự sống còn của một con người sự tồn vong của một đất nước, một dân tộc. Người ta bắt đầu luyện tập võ nghệ để tự vệ, để bảo vệ thành quả lao động và nhất là bảo vệ một dân tộc. Từ đó hình thành một vị trí rất được trân trọng trong xã hội cho cái gạch nối ấy , đó là thầy dạy võ.

Đối với nhiều dân tộc trên thế giới thì võ thuật là chất liệu quan trọng kiến tạo nên lịch sử, các anh hùng một thời đánh đông dẹp bắc hầu hết đều là các bậc võ tướng. Võ thuật quan trọng là thế. Cho nên vị trí của những người dạy võ thời xưa cũng rất được trọng vọng. Tuy nhiên việc truyền đạt võ thuật cũng không kém phần phức tạp. Vì vậy những võ sư đều đặt ra các quy định rất nghiêm khắc nhằm chế ngự, ràng buộc những học trò của mình, hoặc lấy đó để định hướng cho các môn đệ, bởi võ thuật là con dao 2 lưỡi !

Người học võ hầu hết phải trải qua phần xem xét về khả năng tư duy, đạo đức và cả năng khiếu, đồng thời trải qua một thời gian thử thách nhất định. Sau khi thành tài, người võ sỹ có thể sử dụng sở học của mình trong nhiều lĩnh vực cần đến võ thuật, trong đó có cả vai trò của một hiệp sỹ hiện diện tận hang cùng ngõ hẻm để “thế Thiên hành đạo, trừ gian diệt ác”. Bởi thời xưa không như bây giờ, luật pháp chưa thể hiện diện khắp mọi lúc, mọi nơi được.

Các trận đấu võ ngày xưa dù dưới hình thức nào, các võ sỹ đều lừa thế vào đòn hết sức kỹ thuật theo một đấu pháp rất linh hoạt uyển chuyển, ra vào, tránh né, tấn công, phòng thủ đều theo một nguyên tắc mang tính nghệ thuật cao. Một trận đấu có khi kéo dài cả vài giờ đồng hồ thậm chí cả ngày trời! Do vậy người võ sỹ phải biết cách phân bố sức lực và không bao giờ vào đòn tới tấp mà thiếu hiệu quả.

Thầy dạy võ ngày xưa không chỉ tinh thông võ thuật mà còn am tường y thuật, lý số, có thể xử lý các tình huống gây tổn thương, bệnh tật bằng các phương pháp ngoại khoa cổ truyền nhưng không kém phần hiệu quả.

Thế nên võ thuật đã một thời đươc xem như một phần quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì vậy công sức và vai trò của người thầy dạy võ được tôn vinh và đánh giá rất cao theo nhiều nghĩa, bao gồm vật chất lẫn tinh thần.

Người trong xã hội trước đây đã có câu nói “giàu học võ, khó học văn” để nói lên sự quan trọng đó. Bởi vì các nho sinh nghèo dưới thời phong kiến đều có thể tự học ở bất kỳ đâu, nhưng học võ thì không! Không có trường dạy võ mà chỉ có thể mời thầy dạy võ về nhà, nếu như gia đình đó nhiều tiền bạc. Học trò học võ phải cơm bưng, rượu rót cho thầy hoặc đến ở hẳn nhà thầy, để ngoài giờ học thì giúp việc cho gia đình thầy, nhưng có khi cả năm trời cũng chỉ dược thầy dạy cho một đòn!

Ngày nay theo xu hướng phát triển của thời đại. Luật pháp được hình thành và can thiệp hầu hết các tình huống ở khắp mọi nơi, đó là nguyên do lớn nhất làm giảm dần các cuộc đọ sức nhằm giải quyết những mâu thuẫn lẫn nhau giữa cá nhân với cá nhân hay một tập thể với một tập thể. Bên cạnh đó các loại vũ khí phục vụ chiến tranh ngày càng hiện đại, khiến người ta thấy rằng võ thuật không còn hữu hiệu là mấy trong các cuộc chiến đấu bảo vệ bờ cõi, bảo vệ giang sơn Tổ quốc nữa. Võ thuật chuyển dần từ tính chiến đấu cao qua tính thể thao, phục vụ sức khoẻ con người. Các tổ chức võ thuật dần dần được ra đời với nhiều hình thức: Câu lạc bộ, các hiệp hội, các trung tâm huấn luyện… Tất cả các hình thức này đều có chung một điểm, đó là dạy võ mang tính đại trà và phục vụ cho mục đích thể thao. Từ tính chất đó, các đòn đánh hiểm hóc có thể gây chết người chỉ còn được truyền đạt mang tính lý thuyết chứ không được đem ra áp dụng trong các cuộc thi đấu nữa! Mặt khác, chương trình huấn luyện được tinh giảm dần cho phù hợp với mục đích, phù hợp với mọi lứa tuổi… Và quan trọng hơn nữa là tình trạng thương mại hoá trong một số tổ chức võ thuật đã góp phần làm mờ nhạt hình ảnh cao đẹp của tinh thần võ thuật và võ đạo.

 

Một số người dạy võ chân chính thì lui về phía sau mai danh ẩn tích, vì bởi họ không phù hợp với quan điểm mới mẽ này. Với họ, võ thuật không đơn thuần là một môn thể thao tự chọn, võ thuật không chỉ rèn luyện cho thể chất con người mạnh mẽ, cường tráng, nhanh nhẹn, dẽo dai. Mà võ thuật còn tạo cho con người lòng dũng cảm, sự can đảm, tính trung thực, luôn lấy đạo đức, luôn lấy lẽ phải làm phương châm trong cuộc sống.

Một số người dạy võ khác thì rất thức thời, nhạy cảm với từng thời kỳ của xã hội và biết vận dụng khả năng võ thuật của mình để làm cho đời sống vật chất phong phú hơn. Việc dùng môn quy để chế ngự hoặc ràng buộc môn đệ gần như không còn được mang ra áp dụng nữa, miễn sao người tham gia học võ càng đông càng tốt để thấy đó là sự phát triển mạnh của võ phái. Võ thuật trở thành một phong trào thể thao có lợi cho cả đôi bên.

Cũng chính từ hình thức phong trào đó mà người học võ cũng không lấy gì làm mặn mà với võ thuật! Quan hệ giữa người dạy võ và người học võ cũng không còn như xưa. Nghĩa là giới hạn giữa thầy và trò, một ranh giới rất được trân trọng kia, tưởng chừng như không gì có thể phá vỡ được, đã bị tính phong trào, tính thương mại xoá mờ! Điều này thể hiện khá rõ qua các giải đấu. Người ta không nghĩ đến việc cọ xát để trưởng thành nữa, mà chỉ còn nghĩ đến một cách rất tầm thường đó là danh vị. Từ đó không ít những cuộc cãi vả xảy ra, tình cảm mất đi thay vào đó là sự hiềm khích hận thù !

Các võ sỹ thời nay khi tham gia vào các trận đấu dù dưới hình thức nào đều mang được rất ít nghệ thuật vào trận, đòn ra đều không theo được những gì đã học, đôi khi còn có những động thái đi ngược với tinh thần thượng võ. Đồng thời ngoại trừ một số trận đấu quyền Anh chuyên nghiệp, còn lại các trận đấu khác đều được giới hạn trong một thời gian rất ngắn. Nhưng điều đáng nói là các võ sỹ vẫn không giữ được phong độ cho tới giây phút cuối cùng của trận đấu, bởi vì họ đã rất phí sức khi liên tục tung ra những đòn kém hiệu quả, khiến không ít người khi xem phải thốt lên “đấu như thế này thì đâu cần phải tốn thời gian học võ !”.

Bên cạnh đó, các cuộc biểu diễn ngoạn mục thường diễn ra song hành với các cuộc đối kháng, đôi khi lại vô tình phô bày một lổ hổng quá lớn về kỹ thuật khiến người xem tỏ ra ngao ngán. Bởi lẽ chỉ trước đó ít phút võ sỹ này trong một pha biểu diễn đã hết sức xuất sắc tả xung hữu đột một chống 3, chống 4. Các đòn đánh đều mang đậm chất nghệ thuật trong võ. Thế nhưng sau đó cũng chính võ sỹ này trong một trận đối kháng lại không đưa được một đòn mang tính kỹ thuật nào vào trận, dù chỉ chọi với một người! Việc phô diễn tréo ngoe này hoá ra phản tác dụng!

Xã hội phát triển kéo theo sự trợ giúp đắc lực của khoa học, của y học hiện đại. Do vậy mà hình ảnh cao đẹp của người thầy dạy võ tự tay chữa thương cho học trò cũng dần dần lùi sâu vào dĩ vãng! Cũng chẳng còn ai nghĩ đến chuyện học võ phải kèm theo học y thuật, lý số nữa rồi. Tất cả đều mai một. Tiếc thay !

Nguồn: vothuat.com

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111