KHOA HỌC- HUYỀN BÍ -KỲ THÚ - ẤN TƯỢNG

Giải mã Tây du ký: Vì sao yêu quái cũng có thể ‘phù hộ’ cho con người?

Giải mã Tây du ký: Vì sao yêu quái cũng có thể ‘phù hộ’ cho con người?

“Lục Tổ Đàn Kinh” viết: “Thánh nhân cầu tâm bất cầu Phật, ngu nhân cầu Phật bất cầu tâm”, nghĩa là: Bậc Thánh nhân cầu tâm chứ chẳng cầu Phật, còn kẻ ngu muội chỉ cầu Phật mà chẳng cầu tâm…

Đứng đầu Tứ đại danh tác, Tây du ký* viết về hành trình thỉnh chân kinh của thầy trò Đường Tăng, qua đó tái hiện sinh động cảnh giới mỹ diệu của chư Thần, Phật từ bi quảng đại, đối lập với thế giới âm ám của những loài quỷ quái yêu ma, đan xen cùng những hỉ nộ ai lạc nơi thế gian con người. Có thể nói, ai đọc hiểu Tây du ký, người ấy thực sự có thể nhìn thấu những ảo vọng và huyễn hoặc cõi hồng trần, giác ngộ rất nhiều đạo lý. Trong cuốn tiểu thuyết dài 100 hồi này, nhiều lần các đấng Giác Giả đã triển hiện Thần tích, cứu độ sinh linh trong biển khổ, ví như cố sự Quán Âm Bồ Tát hiện thân xách làn cá, thu phục yêu quái sông Thông Thiên. Tuy nhiên, một điều lạ lùng là không ít lần, yêu quái cũng “phù hộ” cho con người mưa thuận gió hoà, an cư lạc nghiệp. Vì sao chúng lại “tốt bụng” như thế?

Chuyện kể rằng, khi thầy trò Đường Tăng đi qua Xa Trì quốc, gặp sông Thông Thiên nghẽn lối nên đành nghỉ trọ một đêm ở nhà họ Trần, nhân đây mới được nghe kể về một vị “đại vương” phù hộ dân chúng. Hồi 47: “Thánh tăng đêm vướng sông Thông Thiên, Hành Giả thương tình cứu con trẻ” có viết:

“Cụ già hỏi:

– Các ngài đến bờ sông có nhìn thấy cái gì không?

Hành Giả thưa:

– Chỉ thấy một tấm bia, trên có ba chữ “sông Thông Thiên”, dưới có mười chữ “rộng hơn tám trăm dặm, từ xưa ít người qua”. Ngoài ra không thấy vật gì khác.

Cụ già nói:

– Đi quá lên phía trên một ít, cách tấm bia chừng một dặm có ngôi miếu “Linh Cảm đại vương”, ngài không thấy sao?

Hành Giả nói:

– Không thấy, xin cụ nói rõ thế nào là Linh Cảm?

Hai cụ già đều sa nước mắt, nói:

– Các ngài ơi đại vương ấy:

Cảm ứng một phương xây miếu vũ,
Uy linh nghìn dặm giúp dân tình.
Quanh năm đồng ruộng rơi mưa ngọt.
Suốt tháng thôn cư rợp ráng vàng.

Hành Giả nói:

– Mưa ngọt, ráng vàng thì tốt quá, tại sao các cụ lại còn buồn rầu phiền não?

Cụ già giậm chân vỗ ngực, hừ một tiếng, nói:

– Các ngài ơi!

Tuy đội ơn sâu thành oán nặng,
Từ tâm mà lại hóa vô nhân.
Trẻ con nộp mạng ngài ăn thịt,
Chẳng phải chiêu chương chính trực thần!

Hành Giả nói:

– Đòi ăn thịt trẻ con trai gái à?

Cụ già nói:

– Thưa vâng.

Hành Giả hỏi:

– Chắc lần này đến lượt nhà cụ?

Cụ già nói:

– Năm nay đến lượt nhà tôi. Nơi chúng tôi đây có khoảng trăm gia đình cư trú, thuộc sự cai quản của huyện Nguyên Hội, nước Xa Trì, tên gọi Trần gia trang. Vị đại vương này một năm một lần tế, phải dâng cho ngài ấy một đứa bé trai, một đứa bé gái, cả lợn, dê, rượu, ngài ấy xơi một bữa no, rồi phù hộ cho chúng tôi mưa thuận gió hòa. Nếu không tế như thế, thì gieo tai giáng họa ngay”.

“Linh Cảm đại vương” kia hoá ra là một con cá thành tinh, tác oai tác quái ở sông Thông Thiên này. Câu chuyện yêu quái ăn thịt trẻ con rồi mới phù hộ, thoạt nghe thì rùng rợn, nhưng để nói một sự thật chung: các loại tà ma cũng có thể “giúp đỡ” con người, nhưng giúp đỡ là có điều kiện và giá cả. Đôi khi, cái giá ấy có thể đắt bằng chính sinh mệnh con người.

Trong Tây du ký, nhiều lần ta bắt gặp yêu quái cũng mang đến những điều “tốt đẹp” trong con mắt của loài người. Ví như ba con hổ, hươu, dê thành tinh tại Xa Trì quốc có tài gọi gió hô mưa, luyện đá thành vàng, được quốc vương trọng vọng kết làm thân thích. Hay như ba yêu quái tê giác giả trang đức Phật ở phủ Kim Bình, hàng năm vẫn thụ hưởng dầu đèn, ban mưa hoà gió thuận. Trước khi Tôn Ngộ Không tới, không ai nhận ra chúng là đạo sĩ yêu tinh hay Phật Đà giả mạo.

Phải chăng, ngày nay cũng tồn tại nhiều yêu tinh như thế mà con người chưa nhận ra? Nhiều người làm lễ tiêu tai giải hạn, cầu phúc cầu tài, cúng “Phật”, hầu “Thánh”… chi phí lên đến hàng chục hàng trăm triệu đồng, kết quả cũng thấy linh ứng. Mọi người đều biết, Thần Phật là những bậc giác ngộ, cứu khổ cứu nạn chỉ xuất phát từ lòng từ bi, không mong cầu báo đáp điều gì. Nếu Thần Phật cũng nhận tiền rồi đáp ứng, chẳng hoá ra không hơn gì kẻ tham ô nhận hối lộ hay sao? Thế thì, mấy vị “Thánh”, “Phật” nhận lễ vật rồi phù hộ cho phát tài, sinh con trai… kia có phải là Phật thật hay không, có lẽ mọi người đều có lời giải đáp.

Vậy vì sao yêu tinh cũng có thể “phù hộ” cho con người? Là vì trong vũ trụ này tồn tại hai thế lực Thiện và Ác, yêu ma mang năng lượng đen tối cũng có thể triển hiện một số “phép màu” nhất định. Tuy nhiên, vì bản tính của chúng là tà ác, chúng giúp đỡ con người là “tiền trao cháo múc”, hoặc muốn trao đổi lấy những tinh hoa trong thân thể con người. Một số người “cầu được ước thấy” thì cảm thấy rất tốt, cho rằng dù tôi đang cầu yêu quái cũng chẳng sao, hiện tại sung sướng, nổi danh phát tài là được rồi. Nhưng họ đâu biết, chính mình đang tiêu hao phúc đức của bản thân, tội nghiệp càng ngày càng nhiều, tương lai đến lúc tội nghiệp quá sâu dày thì sẽ đi đến huỷ diệt.

Thật vậy, quốc vương nước Xa Trì cầu được ba “đạo sĩ” biết hoán vũ hô phong thì vui vẻ vô cùng, tới lúc chúng bị Tôn Ngộ Không vạch trần chân tướng thì mới đau lòng tỉnh ngộ. Tôn Hành Giả nói: “Vì khí số của bệ hạ còn vượng, nên chúng chưa dám ra tay đấy thôi. Nếu quá hai năm nữa, khí số bệ hạ suy bại, chúng hãm hại tính mạng bệ hạ ngay, lúc ấy một dải giang san của bệ hạ sẽ lọt vào tay chúng”.

Ba “đạo sĩ” biết hoán vũ hô phong thì ra là ba con yêu quái.

Một số người có thể thắc mắc, Thần Phật từ bi tại sao không trực tiếp giúp đỡ con người, tiêu tai giải nạn, chữa lành bệnh tật, thế thì chẳng phải sẽ không còn cơ hội cho lũ yêu tinh lừa gạt nhân loại hay sao? Thực ra, Thần Phật hoàn toàn có thể làm được điều đó, chỉ cần con người có một tấm lòng thành sám hối, hồi tâm hướng thiện mà thôi. Bởi vì Thiện lương chính là bản nguyên của sinh mệnh, cũng là sự bảo hộ an toàn nhất cho mỗi người. Kinh điển Đạo gia “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có viết:

“Người thiện lương thì ai ai cũng kính trọng. Trời giúp đỡ họ. Phúc lộc đi theo bên họ. Mọi tà quái tránh xa họ, Thần linh hộ vệ. Mọi việc họ làm đều thành công. Họ có thể hy vọng trở thành Thần Tiên…”

Giới tu luyện xưa nay đều nói thế gian con người là biển khổ, con người bị dục vọng chi phối, trong mê mờ mà làm nhiều việc ác, nên mới phải chịu khổ chịu nạn để hoàn trả tội nghiệp này. Thoải mái hành ác, rồi lại không phải chịu bất kỳ báo ứng nào, ấy là đi ngược lại với Pháp lý vũ trụ. Muốn khỏi bệnh, hết nạn, thì chỉ có thành kính hướng về Thần Phật, sám hối tất cả lỗi lầm đã gây ra, nguyện tu sửa bản thân hồi tâm hướng thiện. Tấm lòng thành này như vàng kim loé sáng, Thần Phật mười phương đều nhìn thấy, nên có thể giúp đỡ con người vô điều kiện.

Ở hồi 85: “Hành Giả đố kỵ lừa Bát Giới, Ma vương bày mẹo bắt Đường Tăng” cũng đoạn nhắc đến “tấm lòng thành” này như sau:

“Tam Tạng nói:

Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu,
Linh Sơn tại tâm có xa nào.
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp.
Chân tháp tu hành tốt biết bao!

– Đồ đệ ơi, ta há không biết? Nếu cứ y theo bốn câu thơ ấy thì muôn kinh nghìn điển cũng chẳng bằng tu tâm à?

Hành Giả nói:

– Đúng rồi. Tâm lắng có mình riêng chiếu, tâm còn vạn cảnh đều trong, sơ suất lỡ lầm thành biếng nhác, nghìn đời muôn kiếp chẳng thành công, chỉ cần một tấm lòng thành, Lôi Âm ở ngay trước mặt…”.

“Chỉ cần một tấm lòng thành, Lôi Âm ở ngay trước mặt…”

Thần Phật độ nhân không nói điều kiện và giá cả, chỉ duy nhất cần một tấm lòng thành  đó thôi. Người xưa nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, dù đôi mắt thịt của người thường không nhìn thấy, nhưng Thần Phật thực sự có rất nhiều, ở khắp xung quanh ta. Không cần bạn phải đi khắp đình chùa miếu mạo, trời nam đất bắc, sắm hậu lễ, cầu danh sư; chỉ cần bạn thực sự có lòng thành sám hối, hướng thiện tu tâm, thì Thần Phật có thể giúp bạn vượt qua kiếp nạn.

Quả vậy, Tây du ký có thơ rằng:

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu.
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện trời thương, 
lọ phải cầu”.

Thanh Ngọc
Ảnh minh họa: Phim Tây Du Ký 1986

*Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111