LÝ GIẢI BÍ ẨN VỀ DANH CỦA BÁT QUÁI
LÝ GIẢI BÍ ẨN VỀ DANH CỦA BÁT QUÁI
LÝ GIẢI BÍ ẨN VỀ DANH CỦA BÁT QUÁI
Tiền nhân đã biến thông Danh (tên) Ý (ý nghĩa) Tượng (hình) Dịch ở một số phạm vi Tình Lý Âm Dương mà người đời Thường hay Gặp, có thể Hiểu và Dùng được, minh họa Lý Đức Tính của Bát Tượng bằng cách chọn lọc những thí dụ điển hình những hiện tượng tự nhiên là tương đối phổ biến và có thường xuyên nhất như sau: (Bài này thầy Nam Thanh Dùng Âm dương đối đãi, Hai hình tượng trái ngược).
ĐỊA (Khôn): Nhu Dã (nhẹ nhàng, chìu theo), Nhu Thuận…
THIÊN (Càn, Kiền): Kiện Dã (mạnh mẽ), Cương Chính….
Tiền nhân thấy rằng Bất cứ vật, việc, hiện tượng gì Rời Rạc thì Mềm Yếu, cái gì Liền Lạc thì cứng mạnh. Mềm yếu thì uyển chuyển, khép mình, nương theo. Cứng mạnh thường đứng đầu, chống chọi, bảo bọc. Xét về hình bóng thì trên mặt đất lỗ chỗ lục cục, đứt khúc giống với hình tượng Khôn (lục đoạn), nên mượn ĐỊA (đất) tượng hình của KHÔN và neo ý: Nhu dã, Nhu Thuận (nhẹ nhàng, thuận theo).
Tiền nhân chọn Đất vì đất Gần trời Xa, chân đạp đất đầu đội trời. CON NGƯỜI gần với Đất nhất, lúc nào cũng dính liền với Đất, sống trên đất, chết về với Đất. Cúi xuống thấy rõ ngay mặt đất lồi lõm. Do đó trong phạm vi tự nhiên thì Đất được lý Rời Rạc nên Tượng KHÔN được gọi thêm tên là ĐỊA.
Đối với CON NGƯỜI gần nhất là ĐỊA thì xa nhất phải là Trời (Thiên). Khi nhìn lên thấy bầu trời như cái vòm, vòng liền lạc. Con Người và muôn vật sống giữa Trời và Đất giống như sống động biến hóa trong vòng Càn Khôn. Nếu ví ĐỊA là KHÔN thì CÀN phải là TRỜI. Nên tượng CÀN hay KIỀN còn có tên là THIÊN. Chữ THIÊN ĐỊA ở đây sử dụng theo nghĩa cụ thể là bầu trời trái đất như Thiên tôn, Địa ti (trời cao, đất thấp). Trời che như lộng, Đất chở (mọi vật đều nằm trên mặt đất), Thiên Địa Tuần Hoàn…
Theo quan niệm người xưa Đất rời nên mềm dễ lún, Trời liền nên Cứng khó thủng do đó tiền nhân mượn ý Tượng KIỀN hay THIÊN là Kiện Dã (Cứng, mạnh): Cương Chính.
Đạo dùng Cương hoặc Nhu cũng đều phải Đúng Lúc, Đúng Chỗ mới có giá trị cao.
Dù Cương hay Nhu đều LỢI TRINH cả, tùy hoàn cảnh mà vận dụng vì:
KHÔN là Nhu Thuận Lợi Trinh
KIỀN là Nguyên Hanh Lợi Trinh.
Đạo Trời là giản dị (Kiền dĩ dị tri, Khôn dĩ giản năng tức là Đạo Trời dễ biết, Đạo Đất dễ làm). Lý Đồng Nhi Dị (tức lý Âm Dương) dễ hiểu lắm mà, cớ sao người đời mãi cho là mờ mịt huyền bí?
- SƠN (Cấn): Chỉ Dã (dừng lại), Ngưng Nghỉ….
TRẠCH (Đoài): Duyệt Dã, Hiện Đẹp….
Tượng CẤN có hào Dương ở trên liền lạc ngăn chận, phủ chụp các hào Âm ở dưới, buộc chúng phải an phận dừng lại không được trèo leo (Giống như cái chén úp, cái nắp đậy).
Hào Dương ở bên trên cao nhất, bên ngoài cùng không còn chỗ để đi nữa nên phải Dừng Lại, từ đó ngó trở xuống, trở vào. Ví như người leo lên đến đỉnh núi tạm dừng lại nghỉ chân, từ đó nhìn xuống thấy chân núi xòe rộng ra như cái nơm, mái nhà, che phủ các vật bên trong ở dưới.
Địa là đất, nay trên mặt đất có hào Dương Lồi Lên, Gồ lên, nhô lên ví như là gò, đống, đồi, núi nên lấy núi là SƠN tượng hình quẻ CẤN. Về địa lý, người ta thường lấy núi làm biên cương ranh giới cho một địa phận lãnh thổ hoặc đi đến chân núi thì mỏi mệt dừng lại nghỉ ngơi.
Do đó tiếp theo tượng ĐỊA là tượng SƠN và giữ ý là Chỉ dã (dừng lại): Ngưng Nghỉ, Ngăn Che, ngăn chặn, phủ chụp, ranh giới.
Trên mặt đất có chỗ lồi thì có Chỗ Lõm. Chỗ lõm trên mặt đất là Thượng khuyết như những đường nứt, chỗ trũng, khe, lạch, suối, ao, đầm, hồ, sông, biển… giống như tượng ĐOÀI nên lấy đầm là TRẠCH tượng hình cho ĐOÀI.
ĐOÀI Thượng Khuyết có tính tự nhiên là Âm Dương cùng Hiện Rõ thật hài hòa vui đẹp ví như miệng của người thiếu nữ nói cười như hoa nở tươi đẹp biết bao. (Miệng là cái lỗ trên mặt là Thượng Khuyết. Thiếu nữ là Thiếu Âm).
Chính cái Khuyết ở trên là chấm Âm của tượng Đoài (giống như má lúm đồng tiền, nốt ruồi duyên, hay cái răng khểnh…) hơi lạ lạ, dị kỳ làm tăng thêm vẻ đẹp, làm tươi mát sự cằn cỗi của bộ mặt Dương KIỀN.
Do đó tiếp theo tượng Địa (đất), tượng Sơn (núi) là tượng TRẠCH (đầm) và neo ý là Duyệt dã: Hiện đẹp, nói năng, khuyết mẻ.
Tiền nhân thật đáo để khi khám phá chính cái khuyết mẻ làm tươi mát vui đẹp như mặt đất khuyết mẻ thành ao hồ sông biển… chứa nước mềm mại tươi mát hơn so với lòng đất sâu dầy khô cứng nóng cháy.
- THỦY (Khảm): Hãm Dã (Hào Dương Bị Kẹp giữ ở giữa), Hãm Hiểm (Cọc nằm dưới nước rất nguy hiểm cho thuyền bè trên sông).
HỎA (Ly): Lệ Dã (Lệ là sáng), Nóng Sáng, bung tỏa,..
Lý Trí của tiền nhân cứ liên tục phát triển tự nhiên từ tượng đất, núi, đầm, rồi thì thấy đầm có chứa nước nên nhớ lại quan sát bất cứ vật gì vào trong nước đều bị Nước Bao Vây. Tiền nhân liền ngụ ý tới tượng KHẢM có hào Dương ở giữa ví như vật gì ở trong nước, bị nước (các hào Âm mềm mại) bao quanh nên mượn hình tính của nước là THỦY tượng trưng cho KHẢM.
Nước lạnh mát người đời ít cảnh giác mà còn thích tắm gội trầm mình lâu dưới nước, do đó chết vì đuối nước thì nhiều, nên neo ý Thủy là Hãm Hiểm. Càng xuyên sâu vào trong nước cũng bị kềm hãm: nguy hiểm.
Tiền nhân lại liên tưởng hào Dương tượng Khảm ví như con đường dài bị khuyết hai bên, lở trên lở dưới là hai hào Âm, chỗ đó ắt đi lại gập ghềnh khó khăn trắc trở, nguy hiểm giống như đoạn đường đèo, eo hẹp co thắt lại.
Do vậy, tượng KHẢM được điển hình là THỦY và neo ý là Hãm dã, Hãm Hiểm: kềm kẹp, nguy hiểm.
Nước với lửa dường như có duyên tiền định như Âm với Dương vậy. Nói đến Nước phải nói tới Lửa hoặc ngược lại. Chẳng hạn khi xuống nước lạnh rồi thì lên tìm lửa sưởi ấm. Khi lửa cháy, ngọn lửa bùng ra, lan tỏa sức nóng và ánh sáng, Tiền nhân liền liên tưởng đến Lý Đức Tính và Hình Tượng LY Trung Hư (ở giữa không có) là Vũ: bung tỏa.
Ngọn lửa tuy có hình đó nhưng trống rỗng không thể nắm, bắt nó được. Khi cháy nó bập bùng nhảy múa bốc lên như điệu Vũ trái ngược với nước lắng đọng thường Trụ lại. Không khí bên trong ngọn lửa bị đốt cháy loang lỗ làm cho ngọn lửa nhấp nhô, vờn múa.
Do đó tượng LY được điển hình là HỎA và neo ý là Lệ dã (lệ là Sáng). Nóng Sáng, Bung tỏa, ánh sáng tỏa ra, phụ bám vào (Lửa chỉ cháy trên mặt thanh củi, không cháy ở dưới thanh củi), là trống trơn, là nồng nhiệt… Tai họa của lửa dữ dội khủng khiếp thiêu rụi tất cả những gì cháy được: nhà cửa, ruộng vườn, rừng núi… (Môn hộ bất ninh tức nhà cửa không yên khi gặp lửa là cháy hết trơn).
- PHONG (Tốn): Nhập Dã (Thâm nhập), Thuận Nhập (Thuận theo)…
LÔI (Chấn): Động Dã, Thuận Động,..
Khi lửa cháy, không khí nơi này bị đốt bay lên, thì không khí xung quanh ập vào tạo thành gió. Lửa càng cháy lớn thì gió càng mạnh và gió càng mạnh thì lửa càng to. Gió nhập vào cùng lửa cung cấp oxy nung đốt mọi vật như thổi bếp, thổi lò rèn…
Gió thường thâm nhập vào nơi nào có chỗ trống. Gió không có hình riêng mà nương theo hình của muôn vật lượn lờ để mà đi lên, đi xuống, đi tới, đi lui bất định. Gió luồn theo khe kẽ tới hang cùng ngõ hẹp.
Tiền nhân liền liên tưởng đến Lý Đức Tính và Hình Tượng TỐN là tiềm ẩn bên trong nên ví điển hình Tượng TỐN là PHONG (Gió, không khí) và neo ý là Nhập dã: Thuận Nhập. Không khí thuận nhập tiềm ẩn bao phủ bất kể trong ngoài của vật. Thường không thấy được không khí, nhờ có gió ta mới biết có không khí chuyển động. Vậy không khí là phần Tiềm Ẩn bên trong gió, giấu mình trong mọi vật.
Do đó, tượng TỐN còn có tên là PHONG làm điển hình và neo ý là Nhập dã: Thuận nhập, tiềm ẩn, có sự ẩn dấu bên trong, thông đồng ngấm ngầm…
Khi gió thổi tạo nên tiếng động, gió nhẹ thổi vi vu, gió mạnh hú rít kinh giật, gầm thét, gió lớn gọi là bão tố làm long trời lở đất, sóng dậy ba đào…
Tuy bề ngoài của gió âm nhu nhưng bên trong có năng lượng dấy động kinh hồn đầy dương tính. Không khí tuy bàng bạc nhưng kết thành một tấm đệm vô hình nâng nổi cả cánh chim sắt khổng lồ hoặc cản trở, làm giảm tốc độ những vật nặng rơi xuống. Đó là công năng của hào Âm Tượng TỐN Hạ Đoạn (Chân ghế) được che giấu ở dưới, ở trong sâu kín khó thấy biết.
Đối lại là Tượng CHẤN
Trên không trung lúc tăm tối (2 hào âm) mây che mù mịt, lúc trời chuyển mưa, đang mưa bỗng một lằn thật sáng chớp lóe lên (một hào Dương dưới, ở trong hai hào Âm), sau đó là tiếng nổ rền trời, rung đất làm kinh hãi người và vật. Đó là sấm và chớp, một hiện tượng thiên văn mà xưa nay ai cũng thấy hết.
Do đó tiền nhân dùng sấm chớp làm điển hình cho tượng CHẤN nên có thêm tên là LÔI (sấm sét) và neo ý là Động dã, Thuận động là thuận theo gió theo mưa, theo mây mà động thành sấm chớp rền vang khắp nơi. Ngày xưa gọi là Thiên lôi, ngày nay gọi là điện tích Âm Dương.
Theo Nam Thanh Phan Quốc Sử