Bài học Tây Du Ký: Người thông minh đừng khoe khoang 4 điều này
Bài học Tây Du Ký: Người thông minh đừng khoe khoang 4 điều này.
Cuốn U Mộng Ảnh của Trương Triều đời nhà Thanh có nói rằng bộ truyện Tây Du Ký là một bộ “Ngộ Sách”. Nhìn bề mặt bộ sách dường như chỉ mô tả lại hành trình Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh nhưng thực tế nội hàm của câu chuyện diễn giải giá trị nhân sinh vô cùng sâu sắc. Mỗi nhân vật, mỗi kiếp nạn đều ẩn chứa trong nó cách đối nhân xử thế trí tuệ.
Sau khi đọc Tây Du Ký nhiều người mới nhận ra rằng bậc cao nhân không bao giờ khoe khoang 4 điều này.
Đừng khoe khoang sự giàu có
Khi đi ngang qua thiền viện Quan Âm, thầy trò Đường Tăng đã được Kim Trì trưởng lão tiếp đón nhiệt tình. Ông nhìn thấy tướng mạo phi phàm của hòa thượng đến từ Đông Thổ Đại Đường thì nghĩ rằng hẳn là trên người Đường Tăng có mang theo bảo vật quý hiếm. Đường Tăng là người xuất gia thì không có bảo vật, cho dù có đi chăng nữa ông cũng không mang ra khoe khoang. Nhưng Tôn Ngộ Không lại hành động ngược lại. Con khỉ này không chỉ thích thể hiện mà còn thích gây chuyện. Khi gặp Kim Trì trưởng lão tính khí tự cao tự đại thì trong lòng Hành Giả cảm thấy tức giận. Hắn đã thúc Đường Tăng lấy ra chiếc áo gấm cà sa mà Phật Tổ ban cho.
Đường Tăng nghe xong vội vàng lắc đầu nói: “Đồ đệ, đừng khoe giàu với người ta. Chúng ta chỉ có hai người đơn độc, lỡ xảy ra việc gì thì sao?”. Dù Sư phụ đã nói vậy nhưng Ngô Không vẫn không cho là đúng, chỉ một mực muốn lấy áo cà sa ra khoe khoang trước mặt trưởng lão. Kết quả là khiến lòng tham của Kim Trì trưởng lão nổi lên, ông ta đã nghĩ cách hại người đoạt lấy bảo vật, thậm chí còn dẫn yêu quái gấu ra ngoài gây ra rất nhiều rắc rối không cần thiết.
“Tăng Quảng Hiền văn” có câu: “Đồ không rời người khách trọ, tiền bạc không để người nhìn thấy”. Khoe khoang sự giàu có không có lợi gì ngoài việc khơi gợi lòng đố kỵ và ghen ghét từ người khác. Nên nhớ rằng, người giàu có thật sự không bao giờ phải phô trương của cải thì người khác mới biết.
Tranh vẽ Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây du ký (nguồn: Wikimedia).
Một câu chuyện như vậy được ghi lại trong “Thế huyền tân ngữ”.
Vào thời Tây Tấn, Thạch Sùng là một công tử thích ăn chơi, từ nhỏ tới lớn điều cậu thích làm nhất là khoe của. Một lần, Thạch Sùng cùng quốc cữu Vương Khải tranh giành sự giàu có. Vương Khải lấy nước chè rửa chén bát, Thạch Sùng liền lấy nến thay củi thổi cơm. Vương Khải dùng son đá đỏ bôi tường, còn Thạch Sùng lại dùng hoa tiêu trân quý bôi tường…
Thạch Sùng có tiềm lực tài chính nên luôn lấn át Vương Khải. Tuy nhiên, dù có thắng trong cuộc thi khoe của này, cậu cũng bị kẻ khác nhòm ngó. Về sau, Triệu Vương Tư Mã Luân nắm giữ quyền hành trong triều có một thuộc hạ thân tín tên là Thanh Tú. Người này rất thèm muốn sự giàu có của Thạch Sùng, hắn liền vu oan cho Thạch Sùng tội mưu phản. Cuối cùng người trong nhà của Thạch Sùng bị bắt sạch còn gia tài thì bị Thanh Tú chiếm mất, bản thân nhận lấy kết quả bi thảm.
Có người từng nói: “Sự ngu dốt đi cùng với giàu có thì sẽ đón lấy kết cục càng thảm hại”. Khoe khoang giàu có không lấy được sự tôn trọng từ trong tâm mà chỉ để lộ ra tâm nhãn nhỏ hẹp của một người.
Đừng khoe khoang tài năng
Tôn Ngộ Không rất chăm chỉ học các phép biến hóa từ sau khi bái lạy tổ sư Bồ Đề làm sư phụ. Chẳng bao lâu, Ngộ Không đã học thành 72 phép biến hóa và thuật Cân đẩu vân. Một lần, khi đang luyện tập, bạn đồng môn nhìn thấy và thúc giục Ngộ Không thi triển phép biến hóa. Vốn nghĩ đây là việc tốt nên khi được xúi giục, Ngộ Không liền thực hiện phép Cân đẩu vân, biến hóa không ngừng.
Sau khi Tổ sư Bồ Đề biết chuyện đã khiển trách Tôn Ngộ Không: “Ngộ Không, lại đây! Ta hỏi ngươi sử dụng tinh thần thế nào? Biến thế nào ra cây tùng? Công phu ấy có thể đùa cợt trước mặt mọi người sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi”.
Trước sự quở trách của Sư phụ, Ngộ Không mặc dù liên tục nói lời xin lỗi nhưng vẫn không nhớ lỗi lầm đã mắc. Sau này khi đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không lại khoe khoang bản sự của mình trước mặt Phật tổ Như Lai. Thật đúng là cao nhân ắt có cao nhân trị, cuối cùng Ngộ Không đã bị Phật Tổ nhốt dưới núi ngũ hành suốt 500 năm.
Tranh vẽ Tây Du Ký hồi 27, ba lần đánh bạch cốt tinh, Ngộ Không bị Đường Tăng đuổi đi (nguồn ảnh: Wikimedia).
“Thái Căn Đàm” có viết: “Đại bàng đứng giống như ngủ, hổ đi giống như bị bệnh, chính là chúng đang cố che giấu bản sự. Vì vậy, người hiền phải biết giấu diếm, không bộc lộ tài năng thì mới có thể làm được việc lớn”.
Người có tài năng thật sự không bao giờ khoe khoang mà chỉ lặng yên lắng nghe học hỏi. Một người dù có tài giỏi đến đâu đi nữa thì cũng cần biết xem xét thời thế, ít khi thể hiện bản thân.
Vào thời Chiến Quốc, vua nước Tần, Tần Vũ Vương là người vô cùng dũng cảm và đầy tham vọng, văn võ toàn tài. Dưới sự cai trị của ông, nước Tần đã đánh bại nước Sở, phạt nước Hàn, bình nước Thục, mở mang bờ cõi. Nhưng một vị quân chủ tài ba lại bởi khoe khoang năng lực mà chết.
Một lần nọ, Tần Vũ Vương muốn thi đấu trò “cử đỉnh” trong cung nhà Chu ở Lạc Dương cùng vệ sĩ của mình. Mỗi chiếc đỉnh như vậy nặng cả ngàn cân. Vì muốn khoe khoang bản lĩnh, Tần Vũ Vương không nghe khuyên can, xem thường sức chịu đựng của bản thân, hậu quả là hai mắt bị thương đến chảy máu, xương chân bị bẻ gãy, đến tối liền không thở được mà chết. Năm đó Tần Vũ Vương mới 23 tuổi, độ tuổi đẹp nhất để thực hiện hoài bão của mình.
“Chu Dịch” có viết: “Người quân tử che giấu tài nghệ trong thân, chờ đợi thời cơ mới hành động”. Tài năng là điều đáng trân quý, nhưng nếu bạn thể hiện một cách thiếu hiểu biết thì nó sẽ dẫn đến những tai họa không đáng có. Đừng bao giờ cùng người khác nói hết khuyết điểm của bản thân cũng như tài năng của mình. Bởi vì ngay lúc khoe tài năng cũng là lúc bạn bị đánh giá thấp trong mắt người khác.
Đừng tỏ ra thông minh
Trên hành trình đi thỉnh kinh, người được cho là thông minh nhất lại chính là Sa Ngộ Tĩnh. Sa Tăng để lại ấn tượng cho mọi người bởi sự chất phác và trung thực. Trên thực tế thì trong lòng Ngộ Tĩnh vô cùng tỏ tường, rất hiểu đạo lý đối nhân xử thế. Chỉ có điều, Ngộ Tĩnh biết che giấu rất tốt, không khoe khoang bản thân thông minh. Suốt dọc đường, chỉ vào những thời khắc quan trọng, Sa Ngọ Tĩnh mới nói ra ý kiến của mình.
Trong hồi truyện kể về ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, lúc Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không đi, Sa Ngộ Tĩnh không cầu xin Sư phụ một lời nào, cũng không nói một câu nào để giữ sư huynh lại. Trong toàn bộ hành trình, những thứ không liên quan đến bản thân, anh luôn giữ thái độ không can thiệp.
Sau đó, thầy trò gặp phải yêu quái Hoàng Bào, Sa Ngộ Tĩnh bị bắt, Trư Bát Giới rơi vào đường cùng, đành phải chấp nhận chịu sỉ nhục đi mời Tôn Ngộ Không trợ giúp. Khi Tôn Ngộ Không hỏi Sa Ngộ Tĩnh rằng: “Tại sao lúc trước không cầu xin Sư phụ cho ta?”. Sa Ngộ Tĩnh không bao biện mà chỉ nói một câu: “Quân tử không nhắc chuyện cũ”.
Chỉ một câu ngắn ngủi, Sa Ngộ Tĩnh không chỉ nâng Tôn Ngộ Không lên cao mà bản thân còn tỏ ra áy náy. Điều này khiến mâu thuẫn giữa hai người đã được giải quyết nhanh chóng. Chính vì Sa Ngộ Tĩnh biết cách nói chuyện lại không thích khoe khoang nên rất được Đường Tăng tin tưởng, quý mến.
“Thái Căn Đàm” có viết: “Khôn khéo ẩn trong sự vụng về, dùng ngốc nghếch mà lại là thông minh, ngoài đục mà trong sáng, cong mà lại thành thẳng”. Người càng thông minh thì càng hiểu được nội hàm của sự che giấu. Nếu một người để lộ ra sự thông minh thì thường không làm nên trò trống gì. Bởi vì người ta thường nói kẻ có trí tuệ tuyệt vời thường giả ngốc, lù khù vác cái lu mà chạy, tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Những người thông minh thực sự thường rất biết giả hồ đồ.
Đừng khoe công lao
Lúc Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, mười vạn thiên binh cũng không bắt được. Sau đó, Quan Âm Bồ Tát đã tiến cử Nhị Lang Thần với Ngọc Hoàng đi bắt Ngộ Không.
Quả thật, Nhị Lang Thần không phụ sự mong đợi của mọi người. Được Thái Thượng Lão Quân giúp đỡ, cuối cùng Nhị Lang Thần cũng bắt được Tôn Ngộ Không. Cũng nhờ thế mà Nhị Lang Thần rất được Ngọc Hoàng yêu mến. Khi Ngọc Đế hạ chiếu khen thưởng công lao, Nhị Lang Thần biểu hiện rất tỉnh táo. Nhị Lang không nhận bất cứ công lao nào về mình. Ngược lại, toàn bộ thành quả đạt được đều nhờ công của Quan Âm Bồ Tát và Thái Thượng Lão Quân. Những gì Nhị Lang nhận được đều đem chia đều cho thuộc hạ của mình. Sau khi dự lễ nhận thưởng, Nhị Lang lại quay về Quán Giang Khẩu sống ẩn cư.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Gặp nạn mình nên cố gắng làm trước, công lao nên để người hưởng, đấy là nền tảng của sự nghiệp”. Khi nhận được công lao cần học cách chia sẻ. Khi gặp khó khăn bản thân cần đi trước để giải quyết.
Người có suy nghĩ nông cạn thường chấp vào lợi ích trước mắt của mình. Còn bậc đại trí thường sẵn sàng cho đi và chia sẻ với người khác. Thực tế là cuối cùng họ nhận về phần thưởng còn lớn hơn.
Lão Tử từng nói: “Sống mà không có, thành công mà không lưu luyến”. Làm việc chăm chỉ mà không khoe khoang, có công mà không cao ngạo, đó là những phẩm chất mà một người cần phải có.
Công lao lớn đến mấy cũng không bù được một chữ kiêu căng, trí tuệ thông minh đến mấy cũng không nằm ngoài chữ “Ẩn”. Thành công không kiêu căng, có công lao sẵn sàng đem chia sẻ, người như vậy nhất định sẽ có tương lai rộng mở.
Quỷ Cốc Tử nói: “Đạo của Thánh nhân, tại ẩn và che giấu”. Bồ Đề tổ sư cũng cảnh báo Ngộ Không rằng: “Thành danh bởi biết sống nghèo khổ mỗi ngày, thất bại bởi vì luôn đắc ý”.
Ở đời, hư vinh là cái ác rõ ràng, biết cúi mình chính là lòng thiện ẩn.
Khoe khoang không là gì ngoài một biểu hiện của sự trống rỗng. Chỉ khi biết che giấu mới có thể sống thật dài thật lâu.
Theo Secretchina
San San biên dịch