Những lưu ý khi dùng phương pháp cạo gió của Đông y để trị liệu
Những lưu ý khi dùng phương pháp cạo gió của Đông y để trị liệu.
Với rất nhiều người, khi bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc những lúc mệt mỏi, chỉ cần cạo gió là cảm thấy đỡ mệt mỏi. Nhưng cần lưu ý những gì khi thực hiện để không gặp phải những rủi ro đáng tiếc.
Cạo gió, đánh cảm là một trong 6 phương pháp điều trị cổ xưa của Đông y hay còn gọi là “biếm pháp”. 6 phương pháp điều trị của Đông y cổ xưa đó là: biếm, châm, cứu, thuốc, xoa bóp và dưỡng sinh. Trong đó, “biếm pháp” là phương pháp thường được sử dụng rộng rãi nhất trong dân gian và được phân chia ra thành các phương pháp như: cạo gió, đánh cảm, bầu giác, chích lễ. Vậy khi thực hiện liệu pháp này cần chú ý điều gì?
Cạo gió trong y học cổ truyền chính thống
Thông thường, vị trí chính để cạo gió là hai bên đường dọc cột sống. Đó là hai bên của đường đi kinh Bàng quang, trên đoạn dọc cột sống thắt lưng là vị trí của các huyệt: Phế du, Tâm du, Cách du, Tỳ du, Vị du, Thận du, Đại trường du, Khí hải du, Tiểu trường du, Phách hộ, Cao hoang, Thần đường, Cách quan… Khi tác động lên hai dãy cơ đó, chính là kích thích lên hàng loạt các hoạt động của hệ thống lục phủ ngũ tạng của cơ thể, giúp cơ thể điều hòa lại sự mất quân bình khí huyết âm dương trong cơ thể, nâng cao chính khí, trục đuổi tà khí đang manh nha xâm nhập vào cơ thể.
Theo y học cổ truyền, bàng quang kinh chủ trị các chứng sốt lạnh, nghẹt mũi, đau đầu, cứng cổ, đau thắt lưng, và các huyệt tương ứng với từng tạng phủ, có tác dụng lý khí điều huyết. Do đó khi cạo gió dọc theo hệ thống kinh bàng quang, cũng là tác động một phần lên toàn hệ thống cơ thể, có tác dụng bổ chính khí, khu trục tà khí, nhằm tăng cường các hoạt động chức năng của cơ thể.
Cạo gió vận dụng lý luận về da, học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền, qua thời gian thâm nhập vào dân gian, cách vận dụng được giản lược để các tầng lớp trong xã hội đều có thể thực hiện.
Hệ thống kinh lạc bao gồm các kinh lạc nổi, kinh lạc chìm và hệ thống kinh cân. Phương pháp đánh gió tác động chủ yếu lên phần kinh lạc nổi và hệ kinh cân mà biểu hiện trực quan thông qua phần da, các mô dưới da và cơ. Khác với châm cứu tập trung điều chỉnh lên các huyệt cần sự chính xác gần như tuyệt đối, đối tượng đánh gió tác động là vùng cơ thể.
Bệnh theo y học cổ truyền được biện chứng theo bát cương, trị bệnh theo bát pháp (gồm: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ), cạo gió là phương pháp thuộc nhóm trị nhiệt bệnh chủ yếu do ngoại tà xâm nhập; bài xuất nhiệt độc trong cơ thể.
Thông qua thăm khám và chẩn đoán y học cổ truyền, đánh gió cũng là một phương pháp điều chỉnh cơ thể, tạng phủ thông qua kinh lạc của tạng phủ đi qua vùng trị liệu. Mặt khác, biểu hiện sau khi đánh gió sẽ cung cấp thêm thông tin để củng cố lý luận biện chứng của chẩn đoán. Cụ thể, tổn thương tạng phủ có thể được biểu hiện trong da, vùng đánh gió có những thay đổi màu sắc phản ánh tình trạng bệnh được đề cập trong Hoàng đế nội kinh tố vấn – bì bộ luận, viết: “Vùng da xanh biểu hiện của đau, vùng da đen biểu hiện của tê liệt, vàng hoặc đỏ biểu hiện của nóng, da sắc trắng trong khi đánh gió tức có hàn; do đó cần quan sát tỉ mỉ sự thay đổi màu sắc của da để chẩn đoán bệnh”.
Tác dụng của liệu pháp
1. Thúc đẩy quá trình trao đổi chất và thải độc tố
Mỗi ngày, cơ thể liên tục thực hiện các hoạt động trao đổi chất, và chất thải được tạo ra trong quá trình này cần được bài tiết ra ngoài. Liệu pháp này có thể kịp thời loại bỏ “rác” được chuyển hóa ra bề mặt cơ thể, lắng vào lỗ chân lông dưới da, giúp máu được lưu thông thuận lợi, hồi phục sức sống và trao đổi chất .
2. Thư cân thông lạc
Ngày càng có nhiều người bị thoái hóa đốt sống cổ, viêm vai và đau thắt lưng. Điều này là do mô mềm của cơ thể bị tổn thương, làm các cơ ở trạng thái căng, co thắt hoặc thậm chí tê liệt, và gây đau. Xơ hóa hoặc sẹo, làm nặng thêm tình trạng này. Cạo gió có thể làm giảm các thư giãn gân cốt, thông kinh lạc loại bỏ các triệu chứng đau, giảm căng cơ và có lợi cho sự phục hồi các tổn thương.
3. Điều chỉnh âm dương
Y học cổ truyền nhấn mạnh sự cân bằng giữa âm và dương của cơ thể. Cạo gió có tác dụng giúp hỗ trợ điều chỉnh chức năng hoạt động hai chiều, cải thiện và điều chỉnh chức năng của các tạng phủ.
4. Chăm sóc sức khỏe
Trong những năm gần đây, liệu pháp cũng đã nhận được sự chú ý, phạm vi áp dụng liệu pháp cũng dần dần được mở rộng như sốt, nhức đầu, ho, nôn mửa, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, đau vai, phong hàn thấp tý, di chứng tai biến mạch máu não, bong gân cấp tính, đau thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống thắt lưng, suy dinh dưỡng, khó tiêu, mất cảm giác ngon miệng, thậm chí được dùng trong thẩm mỹ, giảm cân.
Những lưu ý khi cạo gió
1. Xác định chính xác người bệnh bị nhiễm loại cảm nào: Cảm nóng, cảm lạnh, cảm nắng, cảm gió… để tìm cách đánh cảm, cạo gió phù hợp. Cạo gió nếu không đúng cách và sai trường hợp sẽ gây nguy hại khôn lường, nguy hiểm nhất là khi đang bị cảm phong nhiệt. Cơ thể của ta khi này có nhiệt độ rất cao, muốn trị bệnh phải tìm đến các phương pháp lạnh để hạ nhiệt. Nhiều người không biết, không hiểu kỹ lại dùng dầu gió, dầu nóng, rượu gừng để cạo gió đánh cảm. Việc này không những không giảm bệnh, không làm mát cơ thể mà còn làm cho khí nóng tích tụ thêm vào cơ thể khi cạo gió, sức nóng vốn tích tụ trong cơ thể vẫn bị tích lại làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn. Thậm chí, cạo gió lúc này còn làm cho huyết áp tăng cao dẫn đến các tai biến như nguy cơ bị xuất huyết não. Nếu nhầm lẫn, cạo gió có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ liệt mặt, méo mồm, xuất huyết não,…
2. Thao tác cần thực hiện từ trên xuống dưới: Đỉnh đầu, mặt, ngực, bụng, lưng, mông, chân tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Tuyệt đối không đánh cảm theo chiều ngược lại. Chỉ đánh cảm theo 2 bên cột sống lưng, tuyệt đối không đánh cảm thẳng vào cột sống lưng.
3. Không lạm dụng thực hiện liên tục, vì sẽ dễ gây tổn hại các cấu trúc mô da, không chỉ không giúp giảm mệt mỏi mà còn làm tăng gánh nặng bệnh trên cơ thể. Đánh gió gây tình trạng sung huyết tùy mức độ, nhìn chung mất thẩm mỹ.
4. Những đối tượng không nên cạo gió: Da quá mỏng hoặc da mất độ đàn hồi. Da nổi mẩn đỏ, sưng, nóng, đau như viêm da herpes, mụn, nhọt… hoặc nguy cơ tổn thương cấu trúc da như vết trầy xước, lở loét, nhiễm trùng da.
5. Người giãn tĩnh mạch của chi dưới nên hạn chế, hoặc phải thận trọng trong thao tác chú ý lực nhẹ hơn.
6. Người bệnh kéo dài, suy kiệt, huyết áp thấp, hạ đường huyết, suy nhược quá mức và căng thẳng sợ đau. Suy tim, suy thận, xơ gan, phù nề nghiêm trọng. Bệnh nhân hemophilia, giảm tiểu cầu không dùng phương pháp này.
7. Người bị gãy xương hoặc trong quá trình liền xương không dùng. Sẹo phẫu thuật cũng chi nên được đánh gió sau hai tháng đã hồi phục.
8. Người bệnh tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió cũng là những đối tượng tuyệt đối không cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào.
9. Mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3 – 5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím. Nhiều nhất cũng không nên cạo quá 10 phút.
10. Tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh. Phải khử trùng vật cạo trước và sau khi cạo. Không cạo chỗ có vết lở loét, da có độ mẫn cảm quá cao. Sau thực hiện liệu pháp nên giữ ấm cơ thể, tốt nhất ăn thêm một bát cháo hành giải cảm. Tuyệt đối không được ăn đồ lạnh sau khi cạo gió nếu không muốn nguy hại tới sức khỏe.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: fyeh.com