Trí huệ cổ nhân: Thiên tượng biến đổi là lời cảnh tỉnh với nhân loại
Trí huệ cổ nhân: Thiên tượng biến đổi là lời cảnh tỉnh với nhân loại.
Người xưa nhận thức Thiên – Nhân là một chỉnh thể, giữa chúng có tồn tại mối liên hệ và quan hệ đối ứng. Thiên tượng thay đổi sẽ dẫn động những biến hóa xảy ra trong xã hội nhân loại.
Sử ký – Nhạc thư viết: “Trời và con người tương thông, giống như quan hệ giữa hình với ảnh và khí. Người làm việc tốt, Trời báo phúc. Người làm việc xấu, Trời giáng họa. Giống như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, là đạo lý rất tự nhiên. Do đó người xưa giảng, suy Đạo Trời để hiểu rõ chuyện con người. Bậc quân vương cần hành động giống như Trời, tâm thái chí thành của quân vương có thể cảm động đến Trời, khiến âm dương biến đổi. Nếu quân vương trái với âm dương, trái với ý Trời, thì sẽ có tai họa, dị tượng xảy ra. Đó là Trời cảnh cáo quân vương”.
Cho dù là sự thay đổi triều đại, chiến tranh, nhỏ hơn là sự hưng vong của một người, đều có quan hệ đối ứng với các vì tinh tú. Trong lịch sử cũng có những ghi chép về sự tương hợp của Thiên tượng và các sự kiện xảy ra tại nhân gian.
Gia Cát Lượng xem thiên tượng biết trước ngày qua đời
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, có một hồi miêu tả chi tiết về khả năng quan sát các vì sao của Gia Cát Lượng:
Đêm tối, Khổng Minh thân mang bệnh, vén lều ra ngoài, ngước nhìn lên trời quan sát thiên văn, xem xong ông vô cùng kinh hoàng. Ông vào lều nói với Khương Duy: “Ta nguy đến nơi mất rồi!”.
Khương Duy hỏi: “Thừa tướng cớ sao lại nói như vậy?” Khổng Minh đáp: “Ta thấy trong 3 ngôi sao, sao Khách Tinh sáng lên gấp bội, sao Chủ Tinh lại u ám, sao Tướng Phụ bóng tối lờ mờ; thiên tượng như vậy, đủ biết mệnh ta!”.
Tranh vẽ Gia Cát Lượng (ảnh: Wikimedia).
Khương Duy nói: “Cho dù thiên tượng như vậy, thừa tướng sao không dùng phép cầu an dâng sao giải hạn để vãn hồi?” Khổng Minh nói: “Ta am hiểu phép ấy, nhưng chưa biết Thiên ý ra sao”.
Mặt khác, Tư Mã Ý trong trại quân Nguỵ cũng bằng cách quan sát như thế mà phát hiện và đoán về Gia Cát Lượng: “Bỗng một đêm ngóng xem thiên văn, Tư Mã Ý mừng lắm, và nói với Hạ Hầu Bá: “Ta thấy tướng tinh đổi ngôi, Khổng Minh chắc chắn có bệnh, không lâu tất sẽ chết”.
Kết quả, bệnh của Khổng Minh bị Tư Mã Ý đoán chính xác, không lâu sau quả thật Khổng Minh qua đời ở gò Ngũ Trượng trong lúc cuộc Bắc phạt hãy còn dang dở.
Hoàng đế cải chính, dị tượng tự chấm dứt
“Hán thư” ghi chép: Thời Hán Nguyên Đế, vùng kinh thành Trường An có những thiên tai như nhật thực, địa chấn… Nguyên Đế cảm thấy kinh sợ và lo lắng, ông hỏi quần thần về những điều làm được và không được về mặt chính trị.
Khuông Hoàng, người khi ấy đảm nhiệm chức Cấp sự trung, đã chiểu theo kinh điển Nho gia trả lời: “Từ quân vương đến thứ dân, tất cả đều kính Trời sùng thiện. Quân vương cần tiếp nhận Thiên ý để thực hành nền nhân chính, làm việc thiện, cầu phúc cho bách tính. Nên giảm quy mô cung thất, tu nội và ngoại, gần gũi người trung chính, tránh xa gian nịnh. Công khanh đại phu cần tuân theo lễ, cung kính khiêm nhường, thích nhân nghĩa, thí xả, trọng nghĩa khinh lợi, làm tấm gương cho dân chúng. Sau đó thúc đẩy đạo đức giáo hóa trong bách tính, hoằng dương phong khí nhân – hòa. Trên thực hành, dưới làm theo, như thế thì quốc gia có thể hưng vượng, bách tính có thể an cư lạc nghiệp”.
Khuông Hoành nhằm vào tệ nạn đương thời mà đề ra biện pháp tốt, được Nguyên Đế, các đại thần và bách tính ủng hộ và tán thành. Sau khi thực thi, quả nhiên phong khí xã hội trở nên tốt đẹp, các dị tượng không xảy ra nữa, quốc thái dân an.
Đại sự nhà Đường không tách rời biến hóa thiên tượng
Ngày 7 tháng 1 năm đầu Diên Hòa (tức 712) triều Đường Duệ Tông, sao Thái Bạch hiển hiện ngay giữa ban ngày. Hôm đó Đường Duệ Tông Lý Đán nhường lại ngôi vị cho Lý Long Cơ (tức Đường Huyền Tông sau này) và tự xưng là Thái thượng hoàng. Đây là điềm báo thay đổi quốc chủ!
Đến tháng 8, tháng 9, sao Thái Bạch lại xuất hiện, quốc hiệu được đổi thành “Tiên Thiên” (niên hiệu của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ). Ngày 7 tháng 2 năm thứ hai Tiên Thiên (713), Thái Bình công chúa (em gái Đường Duệ Tông) cùng Trung thư lệnh Tiêu Chí Trung và nhiều quan viên như tể tướng Đậu Hoài Trinh, Sầm Hi, Thôi Thực… mưu phản, định lật đổ Đường Huyền Tông. Cuối cùng âm mưu bị bại lộ, tất cả đều bị xử tử.
Trong những năm Nghi Phượng triều Đường Cao Tông (649 – 683), trên bầu trời có trường tinh chiếm cả nửa trời, xuất hiện ở phía đông, hơn 30 ngày mới mất hẳn. Bắt đầu từ lúc đó quốc gia liền có đại hoại: Thổ Phồn nổ dậy, Hung Nô tạo phản, Từ Kính Nghiệp làm loạn, Bạch Thiết Dư phản nghịch, Bác Dự gây rối, Trung Mặc hoành hành ngang ngược, Khiết Đan vượt qua Cung Phủ, Đột Quyết; tổng cộng khiến hơn một trăm vạn người chết. Hơn 30 năm, chiến tranh vẫn chưa dừng lại.
Trên đây chỉ là đưa ra vài ví dụ xảy ra về sự biến hóa của thiên tượng vào vương triều Đường. Trong lịch sử các triều đại Tống, Nguyên Minh Thanh những sự việc như thế này có rất nhiều, đều được những nhà tinh tượng học (xem độ sáng và vị trí chòm sao mà suy đoán số mệnh) quan sát và ghi chép lại.
Thiên tượng biến đổi là lời cảnh tỉnh với nhân loại
Mao Trạch Đông, Chủ tịch đầu tiên của ĐCSTQ, từng ngông cuồng phát ngôn: “Nhân định thắng thiên” (Người phải thắng Trời), “Đấu với Trời là niềm vui vô tận”. “Trận đấu” đó đã kéo dài suốt hơn 70 năm qua, đấu đến nỗi vùng đất Trung Hoa đâu đâu cũng hoang tàn đổ nát, người dân lầm than. Hành vi ngang ngược của ĐCSTQ đã khiến cho Trời giận, người oán thán.
Mười mấy năm nay, các loại thiên tai ở Trung Quốc liên tiếp xuất hiện để cảnh tỉnh con người: bão, lốc xoáy xảy ra dày đặc; bão cát, hạn hán liên tiếp trên diện rộng; lũ lụt và mưa lớn không theo mùa; dịch bệnh nghiêm trọng… Hiện tượng thời tiết xem ra có vẻ “kỳ dị”, thực ra lại là điều tất nhiên. Những thiên tai này là sự cảnh cáo của Trời đối với con người, cũng là sự trừng phạt đối với con người.
Kỳ lạ hơn nữa, tháng 6 năm 2002, một “tàng tự thạch” (tảng đá mang chữ) đã được phát hiện tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, trên đó có 6 chữ “Trung Quốc Cộng sản đảng vong” (nghĩa là “Đảng Cộng sản Trung Quốc diệt vong”). Điều làm các nhà nghiên cứu đau đầu là tảng đá và 6 chữ này có cùng niên đại vào 270 triệu năm trước.
Tàng tự thạch với dòng chữ “Trung Quốc Cộng sản đảng vong” có niên đại 270 triệu năm (ảnh: Epoch times).
Người Trung Quốc có câu nói dân gian là: “Người không trị thì Trời trị”, “Thiện ác tất có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.” Đối chiếu trong ghi chép lịch sử thì các rất nhiều thành cổ, nền văn minh phồn vinh đã bị tiêu hủy do đạo đức bại hoại.
Có thể tránh được thiên tai hay không, mấu chốt là ở nhân tâm. Nếu như mỗi người chúng ta đều có thể thực sự hành xử theo thiên đạo, duy trì đạo đức, nhân tâm hướng thiện, thì Trời cao tự nhiên sẽ cho thời tiết mát mẻ, mưa thuận gió hòa.
Theo Minh Huệ/ Chánh Kiến
Ngọc Mai (tổng hợp)