VĂN HÓA-ĐỜI SỐNG- KỸ NĂNG SỐNG ĐẸP

Phong vị phong tục ngày Tết cổ truyền

Phong vị phong tục ngày Tết cổ truyền

“Bọn trẻ có thể vùi một vài củ khoai, củ sắn vào bếp củi để lúc đêm khuya trông nồi bánh chưng sẽ có một thứ đồ ăn vặt thơm nức, bỏng rẫy cho vui câu chuyện bên nồi bánh và cảm nhận một không khí náo nức khi Xuân về…”
Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền (P.1)
Phỏng đoán về nguồn gốc của ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Trước hết, Tết Nguyên Đán là một kỳ lễ đón chào năm mới. Với ý nghĩa ấy thì nó không phải là phong tục của riêng người Việt.
Các dân tộc, các nước đều có phong tục chào đón năm mới tương tự, nhưng được thực hiện vào những thời điểm khác nhau, theo những lịch khác nhau.
Trong ba chữ Tết Nguyên Đán thì:

  • Chữ Tết là từ chữ Tiết (節) mà ra.
  • Nguyên (元) có nghĩa là đầu tiên.
  • Đán (旦) là buổi sớm.

Vậy Tết Nguyên Đán là ‘buổi sớm đầu tiên trong năm’.
Gọi tắt là Tết.
Theo phỏng đoán của một số học giả, Tết có lẽ bắt nguồn từ truyền thống làm nông nghiệp của các dân tộc phía Nam sông Trường Giang thuộc Trung Hoa trở xuống đến Bắc và Trung Việt (tộc Bách Việt).
Do hoạt động làm nông nghiệp của cư dân vùng này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu nên có chữ ‘Tiết’, hay ‘Tết’ là vì vậy. Khí hậu vùng này nói chung có 4 mùa 8 tiết.
Một năm chia thành 24 tiết khí theo nông lịch. 4 mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông. 8 tiết là Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí, Đông Chí, Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông.
Tết Nguyên Đán là bắt đầu của tháng đầu tiên của năm âm lịch, gọi là tháng giêng, tháng này bao giờ cũng là tháng Dần.
Đấy là lúc chuôi sao Bắc Đẩu chỉ về phương Dần.
Tết Nguyên Đán ở ta có từ bao giờ? Đây là một câu hỏi chưa thể trả lời chính xác, chỉ có thể phỏng đoán.
Theo Từ điển Từ Hải thì năm khởi điểm của lịch Trung Hoa là vào năm 3000 trước Công Nguyên.
Nhưng mãi đến đời nhà Hạ (2205 – 1808 trước Công Nguyên) thì họ mới lấy tháng Giêng làm tháng Dần.
Có lẽ đó là thời điểm bắt đầu có Tết Nguyên Đán của Trung Hoa chăng?
Còn ở ta thì Tết Nguyên Đán có từ bao giờ?
Phải chăng là từ khi những thái thú người Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên mang vào từ thế kỷ thứ I sau Công Nguyên? Thật khó để trả lời câu hỏi này.

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền (P.1)
Tết Nguyên Đán được cho là bắt nguồn từ Trung Hoa xưa. (Ảnh minh họa: ifuun.com)

Những việc sửa soạn cho cái Tết theo truyền thống dân tộc
Tết Nguyên Đán có thể nói là kỳ lễ quan trọng nhất trong năm theo truyền thống người Việt. Người Việt Nam ta từ xưa có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp sản xuất nhỏ, gọi là tiểu nông.
Cư dân vùng Bắc và Trung Bộ sản xuất nông nghiệp cũng tương đối khó khăn vì đất đai và khí hậu không thực sự thuận lợi.
Vì vậy, người Việt nghèo, quanh năm ăn uống thiếu thốn, chỉ mong đến Tết Nguyên Đán sẽ được no đủ hơn.
Dân gian có câu:

“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”.

Hay:

“No ba ngày Tết, đói ba tháng hè”.

Ngày Tết là ngày đầu năm, là một khởi đầu mới chất chứa bao niềm hy vọng cho một năm mới sung túc và thịnh vượng.
Cho nên, ngày Tết cần phải được no đủ thì cả năm mới no đủ.
Ai nghèo đến đâu cũng phải cố sắm sửa lấy cái Tết cho tươm tất, có thịt có bánh, đừng để đói.
Cũng bởi thế, ông thầy bói mù mới được dịp phán như Thánh sống những chuyện đương nhiên như là:

“Số cô chẳng giàu thì nghèo

Ngày ba mươi Tết, thịt treo trong nhà”.

(Tất nhiên, đó chỉ chuyện trào phúng, không nên lợi dụng để đánh đồng, hạ thấp khả năng của giới bói toán có thực tài.)
Đó cũng chính là áp lực cho người sống vì có khi phải vay mượn để có một cái Tết tươm tất.
Họ tưởng tượng rằng người chết sẽ mừng vì được cúng kiếng đầy đủ, nhưng còn người sống thì sao?
Lo muốn chết vì Tết sắp đến:

“Tết đến sau lưng,

Ông vải thì mừng con cháu thì lo”.

Thế nên, việc chuẩn bị cho ngày Tết được thực hiện từ trong năm và từ những điều tưởng như vụn vặt nhất.
Kiếm được thanh củi chắc, người ta cũng để dành để “nấu bánh chưng Tết”, hay kiếm được cái mo cau khô rụng, cũng dành cất đi để tước mỏng quấn lại và Tết sẽ có cái để gói giò.
Người dân nuôi con lợn con gà cũng bảo để dành đến Tết.
Có cân gạo nếp ngon cũng bảo để dành đến Tết gói bánh chưng.

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền (P.1)
Bánh Trưng là hương vị không thể thiếu trong những ngày tết. (Ảnh: vtc)

Đấy là đồ ăn.
Còn thú chơi thì sao?
Chơi hoa chẳng hạn.
Muốn có hoa đào chơi Tết thì cả năm người chơi phải chăm sóc, cắt cắt uốn uốn cho cây.
Lại phải:

“Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm…”

Trông ngóng thời tiết nắng mưa nóng lạnh để căn thời điểm tuốt lá cho đào (thường là tháng 10 âm lịch) sao cho đào ra hoa không sớm không muộn mà đúng vào dịp Tết. Ngày nay, người ta còn dùng nhiều biện pháp kỹ thuật hơn nữa.
Thật là kỳ công.
Không chỉ chăm đào là kỳ công, mà chơi các thứ hoa Tết khác như mai, hải đường, trà, quất… cũng kỳ công không kém.
Nếu muốn chơi hoa thủy tiên thì phải lo gọt củ từ đầu tháng Chạp mới có hoa nở đúng khi Tết đến Xuân về.
Với người buôn bán, Tết là dịp tốt để đẩy mạnh doanh số.
Cho nên, họ phải chuẩn bị từ trong năm cho việc gần Tết sẽ bán hàng gì, số lượng bao nhiêu?
Có khi phải chuẩn bị đặt mua hàng từ giữa năm.
Từ khoảng giữa tháng Chạp, chợ búa đã có vẻ nhộn nhịp hơn thường ngày.
Rồi mỗi ngày chợ một tưng bừng, tấp nập hơn, có nhiều hàng hóa và màu sắc hơn. Người ta nói “đông như chợ Tết”, tưởng cũng đúng.
Đi chợ Tết là hòa mình vào một không khí vừa lâng lâng rộn ràng, vừa ngây ngất trong tiết trời se lạnh.
Ta nghe thấy tiếng người rao bán râm ran, tiếng mặc cả ồn ào, tiếng gà qué kêu quang quác, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng trẻ cười giòn tan… và người ta thấy mình lọt vào cả một rừng hoa Tết đủ loại đủ màu nhưng vẫn không che lấp được vẻ mộc mạc mà tươi tắn của những bức tranh dân gian, tranh Đông Hồ, tranh thư pháp chữ Nho… như một nhà thơ đã viết:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”

Của xứ Kinh Bắc văn hiến.
Đi chợ Tết, ngoài việc mua đồ ăn, quần áo mới, cây, hoa, tranh… còn cần mua pháo Tết.
Những băng pháo màu hồng kích cỡ từ nhỏ đến to: nhỏ thì như pháo tép – bé như que đũa, to hơn là pháo đùng, cỡ đại là pháo cối.
Làng có nghề pháo nổi tiếng nhất cả nước từ thời nhà Nguyễn là làng Bình Đà, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Tây.
Nhưng kể từ khi có chỉ thị cấm đốt pháo, đã từ lâu Tết không còn nghe tiếng nổ ùng oàng vui tai của những tràng pháo nữa.

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền (P.1)
Một phiên chợ tết tại Hà Nội ở thập niên 90. (Ảnh: nghenhinvietnam)

Nhưng còn gì nữa không?
Vẫn còn nhiều việc phải làm.
Một trong những việc đó là biếu Tết.
Hầu như ai cũng cần đi biếu Tết.
Con cháu đã ra ở riêng phải lo biếu Tết cha mẹ, ông bà.
Nếu bề trên kinh tế khó khăn thì con cháu phải lo sắm sửa đầy đủ đồ ăn thức uống và các thứ vật dụng cho họ.
Còn bề trên sung túc thì ít nhất con cháu cũng phải chuẩn bị cành đào cành quất, chậu mai, chậu cúc, củ thủy tiên, băng pháo hoặc của ngon vật lạ… để biếu tặng họ.
Có một phong tục khác gọi là đi “sêu Tết”.
Không phải là phát âm của Anh ngữ (sales Tết) mà là tục lệ trong đó người con rể tặng quà nhà vợ hay bố mẹ vợ trong dịp Tết.
Xưa thì tục ấy là để dành cho người con rể tương lai khi chưa cưới mà mới có đính ước.
Nay thì không phân biệt điều ấy.
Việc người con rể biếu quà Tết cho bố mẹ vợ không phải là bắt buộc và cũng không cụ thể như việc thách cưới của nhà gái với nhà trai, nhưng đó là một nét đẹp văn hóa với ý nghĩa thắt chặt mối tình cảm cha vợ, mẹ vợ với chàng rể.
Hành động đó cũng hàm chứa sự biết ơn của người con rể với những bậc đã có công sinh thành và nuôi dạy người vợ hiền của mình.
Dân gian có câu: “Con gái là con người ta” để nói về việc trước sau cô gái cũng về nhà chồng và coi việc nhà chồng như việc nhà mình.
Khi con gái “mình” đã thành con người ta, thì “người ta” hẳn cũng nên có sự trân quý và biết ơn với “mình”.
Người Việt ta là vậy.
Học trò cũng cần đi biếu Tết thầy mình.
Đó cũng là nét đẹp của sự biết ơn, dù không ai quy định cụ thể như khi đội mâm xôi con gà đến xin bái sư.
Bệnh nhân cũng cần biếu Tết thầy thuốc đã chữa cho mình lành bệnh.
Ai đã từng gia ơn với mình thì đó cũng là đối tượng cần phải biếu Tết.
Bạn hữu bà con cũng biếu Tết lẫn nhau vì “có đi có lại mới toại lòng nhau”.
Tết là dịp để bày tỏ tình cảm và gắn kết quan hệ.
Cũng có một dạng biếu Tết khác là dân biếu Tết quan, con nợ biếu Tết chủ nợ, cấp dưới biếu Tết cấp trên.
Có lẽ lúc ban đầu thì nó cũng xuất phát từ ân nghĩa tình cảm; nhưng dần dần thì ý nghĩa của việc này không còn được như thuở ban đầu nữa.

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền (P.1)
Ngày tết mọi người thể hiện tình cảm với nhau bằng những món quà. (Ảnh minh họa: quavang)

Vẫn chưa hết những việc cần chuẩn bị.
Việc đối ngoại đã xong, giờ là lúc quay về nhà mình để sửa soạn trang hoàng.
Trong nhà
Khu vực cần lau dọn sạch sẽ đầu tiên chính là bàn thờ.
Những đồ thờ được lau chùi sạch sẽ, đồ đồng được đánh sáng choang.
Ở quê, vì đun rơm củi nên người ta thay mấy ông đầu rau mới bằng đất nặn.
Ông đầu rau chính là ba cái chân kiềng bằng đất để đun bếp.
Cây, hoa cảnh sẽ được chuyển vào nhà hoặc bày trong khu vực sân nhà. Tranh sẽ được treo ở những nơi trang trọng.
Có nhiều nhà dán câu đối đỏ ở cửa nhà hay cột nhà.
Những ngày 28, 29, 30 tháng Chạp là bận rộn nhất.
Trong những ngày ấy, nhà cửa phải được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng đẹp đẽ. Những nhà gói bánh chưng thì phải chuẩn bị lá dong, lạt, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu, mắm muối… từ trước.
Đến ngày ấy chỉ gói bánh và luộc bánh thôi.
Thường thì để có thịt lợn gói bánh chưng, gói giò thủ và các đồ ăn thức uống khác, thì trước đó phải giết mổ lợn.
Những nhà không khá giả thì mấy nhà chung nhau mổ một con lợn.
Khi nồi bánh chưng được đun sôi sùng sục bằng củi để dành từ trong năm và vỏ trấu dành lại từ vụ mùa là lúc vui và ấm cúng nhất của gia đình.
Lúc này, người lớn tuổi đi ra đi vào, ngắm hoa, uống trà, chuyện trò, gật gù hài lòng và ngắm lũ trẻ tíu tít chạy ra chạy vào.
Bọn trẻ có thể vùi một vài củ khoai, củ sắn vào bếp củi để lúc đêm khuya trông nồi bánh chưng sẽ có một thứ đồ ăn vặt thơm nức, bỏng rẫy cho vui câu chuyện bên nồi bánh và cảm nhận một không khí náo nức khi Xuân về.
Có thể nhân cái bếp còn lửa sau khi bắc nồi bánh ra, người ta đặt một nồi nước to với lá hương nhu, sả, quả mùi… để tắm tất niên cho thơm tho sạch sẽ.

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền (P.1)
Khi nồi bánh chưng được đun sôi sùng sục cũng là lúc vui và ấm cúng nhất của gia đình. (Ảnh: Hoàng Anh Hiền)

Ngoài sân và cổng ngõ
Để trừ tà cho năm mới có nhiều cách.
Hoặc người ta buộc cành đa, lá dứa ngoài cửa ngõ.
Có người lại rắc vôi bột trước sân, ngoài cổng theo hình bàn cờ, cái cung cái nỏ với hình mũi tên bắn ra.
Đấy là với những nhà không trồng cây nêu.
Việc trồng cây nêu để trừ tà thì muộn nhất phải làm xong chiều 30 Tết.
Học giả Nguyễn Văn Huyên miêu tả phong tục này vào đầu thế kỷ trước như sau:
Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây. Gần đỉnh treo một cái vòng đan bằng tre, buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng lá trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng có gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết với gia đình, cùng những người đang sống. Bằng ánh sáng và bằng gai cuả các cành cây mà nó mang lại, bằng âm thanh mà các vật đất sét phát ra lúc gió thổi, cây nêu làm sợ hãi ma quỷ, chúng tưởng mình đang đứng trước một vị Thần hay một Đức Phật. Để chống lại những hồn lang thang đáng sợ đó, người ta còn buộc vào cây nêu một tấm phên nhỏ gồm bốn nan dọc đan vào năm nan ngang, là thứ bùa nổi tiếng của các thầy phù thủy” .
Những việc quan trọng không nên để sót trước giao thừa
Một trong các việc đó là: trả nợ.
Vay ai cái gì hay mượn ai cái gì thì nên trả trước giao thừa, kẻo để đến năm mới người ta sang đòi thì gọi là “giông” cả năm.
Và từ trưa 30 Tết, người ta phải sửa soạn mâm cúng tất niên, đồng thời đón rước tổ tiên. Lúc này đèn hương thắp suốt ba ngày Tết.
Như vậy, coi như là đã xong những việc cần chuẩn bị trước Tết.
Và đây là lúc vui nhất của gia đình người Việt theo văn hóa truyền thống.
Tết Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất, cái Tết đoàn viên của người Việt.
Ai đi đâu xa mà không về kịp để sum họp với gia đình trong dịp Tết thì lòng ngậm ngùi, hiu quạnh, cảm thấy mình cô đơn khổ sở lắm.
Từ lễ cúng Giao Thừa hay lễ Trừ Tịch, mới thực sự bước vào thời gian chính của 3 ngày Tết.
Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền (P.2)
Lễ trừ tịch đêm giao thừa
Vào trước thời điểm 12 giờ đêm 30 tháng Chạp hay giờ Chính Tý, tức là giao thừa, nhà nhà bày hương án ra sân để cúng giao thừa.
Các thôn xã ở quê thì cúng giao thừa ở nơi sinh hoạt chung của cộng đồng như sân đình, điếm canh hay ở Văn chỉ – tức là nơi thờ các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của địa phương.
Đồ cúng là vàng hương, trầu rượu, hoa quả, xôi gà.
Khi ấy, pháo sẽ nổ vang trời, chiêng trống sẽ dậy đất.
Việc cúng giao thừa của một cộng đồng như vậy còn được gọi là Lễ Trừ Tịch.
Trừ là trao lại chức quan, Tịch là ban đêm.
Người xưa tin rằng mỗi năm sẽ có một vị quan Hành khiển cai quản.
Có 12 vị luân phiên nhau trong một giáp.
Các vị sẽ ban phúc hay giáng họa tùy vào tình trạng đạo đức của vua quan hay dân chúng năm đó.
Đối với các gia đình, nhiều người không có ý thức rõ ràng lắm về Lễ Trừ Tịch, chỉ đơn giản là cúng gia tiên mà thôi.
Mua nước để mong tiền vào như nước
Xưa ở phố có nhiều người gánh nước thuê.
Sau giao thừa, họ vẫn tự động gánh nước đến các nhà ở phố và chủ nhà sẽ vui vẻ mà trả công cho họ gấp 5 gấp 10 ngày thường với quan niệm: đầu năm có nước đến thì cả năm sẽ được “tiền của vào như nước”.
Những hộ buôn bán còn cẩn thận dặn dò họ gánh nước đến từ một vài hôm trước.
Đi lễ lúc giao thừa, hái lộc
Ở phố, người ta còn đi lễ ở đền chùa trong lúc giao thừa.
Họ cầu Phật, Thánh phù hộ độ trì cho cả gia đình mạnh khỏe bình an, mọi việc như ý. Có người lễ xong ra về còn mang theo mấy nén hương gọi là hương lộc.
Có người không mang hương lộc về mà lại ra sân vườn chùa bẻ một cành nhỏ có lá mang về giắt dưới mái nhà gian giữa trước bàn thờ gia tiên, gọi là tục hái lộc. Lộc cây khiến người ta liên tưởng đến lợi lộc, tài lộc.
Ở nông thôn, vì “trời tối như đêm ba mươi Tết” nên người ta không ra khỏi nhà lúc giao thừa mà đợi sáng mồng 1, sau khi làm cỗ cúng gia tiên rồi mới lên đền chùa xin lộc.

Người Việt có tục hái lộc, khi đi lễ đêm 30 Tết trở về, họ hái một cành cây, hoa (gọi là lộc). (Ảnh minh họa: zing.vn)

Xông nhà, xông đất
Người đầu tiên bước chân vào phạm vi nhà mình sau giao thừa được gọi là người xông nhà, xông đất.
Người ta tin rằng tính nết người này rất quan trọng cho vận khí của gia chủ trong năm đó. Người được chọn xông nhà cần vui vẻ xởi lởi, dễ tính, tốt nết.
Người này sẽ đốt một bánh pháo mừng và nói lớn chúc gia chủ những điều tốt lành tùy theo gia cảnh của họ.
Chủ nhà sẽ cảm ơn và chúc lại người xông nhà mọi điều hay, có khi còn biếu tặng một phong bao đựng tiền màu hồng đào, gọi là “mở hàng”.
Mừng tuổi, mở hàng
Mừng tuổi là phong tục người lớn cho tiền trẻ nhỏ khi chúc Tết.
Trước hết là người lớn mừng tuổi con cháu trong nhà.
Có thể người lớn là chủ nhà mừng cho khách nhỏ, hoặc là khách đến chơi nhà mừng tuổi con cháu của chủ nhà.
Ý nghĩa của tục mừng tuổi là mong ước trẻ nhỏ mạnh khỏe, chóng lớn, ngoan ngoãn giỏi giang.
Tiền mừng tuổi còn được gọi là ‘tiền mở hàng’.
Số tiền được mừng thường là số lẻ với hàm ý muốn tiền nong sẽ dư thừa.
Những năm gần đây, người ta hay dùng lẫn lộn từ lì xì với mừng tuổi.
Theo thiển ý của chúng tôi, từ lì xì có gốc từ “lợi thị” trong tiếng Trung, chính xác là tiếng Quảng Đông và là phương ngữ của miền Nam Việt Nam.
Người miền Bắc và Bắc Trung Bộ hay dùng từ “mừng tuổi”.
Chúc Tết
Sáng sớm mồng một Tết, người ta làm lễ cúng gia tiên.
Mâm cúng thường có cá kho, giò chả, bánh chưng, dưa hành, thịt bò thì mới ra mâm cúng gia tiên.
Mọi người theo thứ tự trên dưới trong nhà vào lễ trước bàn thờ.
Trước khi lễ, người ta đốt pháo.
Thường là lúc đó ở làng trên xóm dưới pháo sẽ nổ râm ran.
Tiếng pháo như hùng hồn đoạn tuyệt với những xui rủi của năm cũ, để “tống cựu nghinh tân”, để xua ma đuổi tà và mang lại niềm hy vọng bừng bừng cho năm mới.
Rồi con cháu quây quần bên ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ sẽ bảo ban lũ nhỏ vài lời rồi mừng tuổi cho chúng.
Sau đó, nhà nào cũng lo làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ công, Táo quân.
Những người con thứ đã ra ở riêng tập trung ở nhà người trưởng nam để cúng những tiền nhân đã khuất.
Sau khi cúng gia tiên ở nhà, con cháu trong các gia đình, các chi họ ra lễ ở nhà thờ chi, nhà thờ Tổ.
Các hào trưởng, hương lý trong làng ra đình làm lễ tế Thần, tế Tổ theo nghi thức trọng thể.
Người Việt có câu:

“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.

Sau ngày mồng một là chúc Tết họ nội, mồng hai sẽ dành để chúc Tết họ ngoại, những chỗ ân tình, thân thiết.
Con rể tương lai cũng cần đến chúc Tết nhạc gia.
Sang đến ngày mồng ba, học trò dù đã lớn tuổi hay quyền cao chức trọng, thành đạt cỡ mấy cũng phải đến lễ thầy dạy mình.
Bởi vì nói cho cùng, có ai quan trọng hơn cha mẹ và thầy, chẳng thế mà điều ấy đã đi vào ca dao:

“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.

Tết là dịp để bày tỏ lòng biết ơn của mọi người. (Ảnh: qtv.vn)

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết
Người Việt quan niệm rằng những việc xảy ra trong mấy ngày đầu năm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ trong cả năm đó.
Bởi vậy, trong ba ngày Tết, người ta kiêng kỵ những hành vi lời nói có thể đem đến sự xui rủi hay “giông cả năm”.
Ví như:
Giữ gìn để không cau có, gắt gỏng, chửi bới, giận dữ, la lối hay xô xát.
Họ cũng kiêng để trẻ con khóc.
Kiêng nói con khỉ, con hùm…
Kiêng đánh vỡ chén bát và đồ đạc.
Kiêng đánh đổ ống điếu thuốc lào.
Kiêng mặc đồ trắng, vì là điềm tang gia.
Và đặc biệt họ kiêng hót rác đổ đi.
Rác được vun vào một góc, đợi đến ngày động thổ mới được đi đổ rác.
Ngày động thổ được xem trong lịch năm mới.
Ngày động thổ là ngày được phép động mạnh đến đất như đóng cọc, đào bới đất, giã cối…
Tục kiêng đổ rác lấy từ trong truyện “Sưu Thần ký”.
Truyện kể về một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần ban cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà ít năm thì giàu có. Một hôm, vào ngày mồng một Tết, nó chui vào đống rác biến mất. Từ đó người lái buôn lại nghèo như xưa.
Có thể thấy Tết Nguyên Đán của ta chịu ảnh hưởng cả những nét văn hóa Trung Hoa rõ rệt.
Những người mà trong nhà có tang cũng không đi chúc Tết người khác để kiêng đem lại những điều không may mắn, tang tóc cho gia chủ.
Ngoại trừ những đồng môn rủ nhau đi chúc Tết thầy thì đến mồng ba Tết là ngày hoàn toàn của gia đình, không ai đi chúc Tết ngày mồng ba.
(Chúng tôi vẫn đang nói về phong tục xưa của người Việt.)
Hóa vàng
Thường người Việt hóa vàng vào ngày mồng ba, cũng có những nhà để ngày mồng bốn Tết hay ngày khác nếu mồng ba là ngày xấu đối với tuổi của chủ nhà.
Trong ngày hóa vàng, anh em dù đã ở riêng cũng vẫn mang gia đình mình tề tựu tại nhà trưởng nam để hóa vàng và ăn bữa cỗ hết Tết trong tình thân thuộc đầm ấm.
Trong cỗ hóa vàng, ngoài bánh trái còn có tiền gạo được mang lên bày trên bàn thờ để làm lễ tiễn đưa.
Gạo đựng trong thúng, tiền âm phủ để trên, được hơ qua làm phép trên đống vàng mã đang cháy, coi như đốt cho người đã khuất nhận lấy.

Trong cỗ hóa vàng, ngoài bánh trái còn có tiền gạo được mang lên bày trên bàn thờ để làm lễ tiễn đưa. (Ảnh minh họa: vtc.vn)

Xuất hành
Xuất hành là tục đi ra khỏi cổng, ra khỏi địa phương nơi mình ở.
Đầu năm, có nhiều người Việt, nhất là người buôn bán chọn ngày giờ và hướng xuất hành rất cẩn thận.
Việc đó, họ nhờ vào những ông thầy đồ biết chữ Nho.
Đa số nói chung cũng không quan tâm đến phong tục này lắm, bởi có nhiều việc không thể không đi dù không được ngày, không được hướng.
Tuy vậy, người Việt có câu: “Chớ đi mồng bảy, chớ về mồng ba”.
Người ta cho rằng đi về những ngày này là không may mắn.
Do vậy, người ta không xuất hành ngày mồng 7 Tết.
Trong ba ngày Tết, ai đi đâu thì đến chiều tối cũng phải về, kiêng việc có đi mà không có về sẽ giông cả năm cho gia đình.
Khai bút, khai ấn
Khai bút là việc cầm bút viết những chữ đầu tiên trong năm mới.
Tất nhiên việc này chỉ quan trọng với giới cầm bút, những anh học trò, những thầy đồ, những bậc khoa bảng hay giới thư lại.
Với những giới ấy thì khai bút cũng phải chọn ngày tốt.
Thông thường, để khai bút người ta sẽ viết một dòng là: “Xuân vương chính nguyệt sơ… nhật khai bút đại cát” có nghĩa là: “Tháng đầu xuân ngày mồng… khai bút tốt lành”.
Chữ được viết trên giấy hoa tiên – một loại giấy khổ nhỏ có vẽ màu đẹp dùng để viết thư từ.
Dòng khai bút được dán trên chỗ ngồi.
Có cụ lại khai bút bằng một bài thơ.
Tương tự như việc khai bút, khai ấn là việc chỉ quan trọng với nhà quan, với chính quyền.
Thưởng chỉ các quan huyện trở lên mới có ấn.
Trước khi khai ấn thì phải bỏ ấn vào hộp, gọi là hạp ấn, để đến khi chọn được ngày tốt khai ấn trong năm mới sẽ bỏ ấn ra, đóng ấn trên một tờ giấy hồng điều có dòng chữ “năm… tháng… ngày… khai ấn đại cát”.

Khai bút là việc cầm bút viết những chữ đầu tiên trong năm mới. (Ảnh: tin247.com)

Tết Nguyên Đán là truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ
Suốt cả tháng Giêng, người ta du ngoạn, lễ bái chùa nọ miếu kia, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thi hoa đăng, chỗ lại hội hè hát xướng hay bài bạc, hay chơi các trò chơi dân gian như quay đất, thò lò… thật đúng như các cụ ta hay nói: “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Âu đó cũng là xuất phát từ phong tục của một mảnh đất thuần nông khi mà người nông dân chưa thể tiếp tục canh tác trên đồng ruộng vì thời tiết chưa thuận lợi.
Tết Nguyên Đán với những phong tục như vậy nói lên rằng người Việt ta rất coi trọng truyền thống, coi trọng gia đình, gia tộc; lại thể hiện rằng chúng ta là một dân tộc sống hết sức tình cảm và ơn nghĩa.
Ngày Tết là ngày mà người ta hướng về cội nguồn, thắt chặt tình thân trong gia đình và họ mạc cũng như với cộng đồng, làng xóm.
Ngày Tết còn là thời gian người Việt chúng ta ký thác bao nhiêu hy vọng cho tương lai, tái nạp năng lượng tinh thần cho hành trình cuộc sống của mỗi cá nhân và của cả dân tộc vẫn còn nhiều gian nan vất vả.

Người Năm Cũ

(Bài viết có tham khảo cuốn “Đất lề quê thói” của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu và cuốn “Phong tục Việt Nam” của Phan Kế Bính)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111