Tâm lớn một tấc đường lớn một trượng, đường lớn không bằng tâm lớn, mệnh tốt không bằng tâm tốt
Tâm lớn một tấc đường lớn một trượng, đường lớn không bằng tâm lớn, mệnh tốt không bằng tâm tốt
Đời người không thể luôn thuận buồm xuôi gió. Có lúc sướng lúc khổ, có khi được khi mất, đó chính là cuộc sống.
Lòng người như một con đường, càng so đo tính toán thì càng hẹp, càng bình hòa nhân ái thì lại càng rộng mở thênh thang.
“Tâm lớn một tấc đường lớn một trượng”, hãy như Khổng Tử luôn biết đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, để làm việc và để làm người.
1. Coi trọng đại nghĩa, xem nhẹ đúng sai
Trong Luận Ngữ có câu chuyện kể rằng:
Một ngày nọ Nhan Hồi thấy hai người mua bán vải đang cãi nhau.
Người mua vải nói: “Ba tám hai ba, sao ông lại lấy của tôi 24 đồng?”.
Nhan Hồi bước tới khuyên can rằng: “Ông tính nhầm rồi, ba tám là 24, vậy xin hai vị đừng cãi nhau nữa”.
Người mua vải không phục, chỉ vào Nhan Hồi rồi nói: “Ông là ai mà xen vào chuyện của tôi? Tôi chỉ nghe Khổng Tử thôi, chúng ta hãy đến nhờ ngài ấy phân xử”.
Nhan Hồi nghiêm trang nói: “Nếu ông sai thì sao?”.
Người mua vải nói: “Thì tôi sẽ đem cái đầu này của tôi cho ông. Vậy nếu ông sai thì sao?”.
Nhan Hồi đáp: “Tôi sẽ đưa ông chiếc mũ này”.
Hai người tìm đến Khổng Tử, Khổng Tử hỏi rõ sự tình rồi nói với Nhan Hồi: “Ba tám chính là 23.
Nhan Hồi, con thua rồi, hãy đưa mũ cho người ta đi”.
Nhan Hồi trong lòng nghi hoặc, không biết làm thế nào đành đưa mũ cho người mua vải.
Thấy người mua vải cầm chiếc mũ, dương dương đắc ý mà ra về, Khổng Tử mới nói với Nhan Hồi: “Con thua rồi, chỉ là mất một chiếc mũ. Anh ta thua thì phải mất mạng. Con nói xem, mũ quan trọng hay mạng người quan trọng?”.
Nhan Hồi bừng tỉnh ngộ: “Thầy coi trọng đại nghĩa mà coi nhẹ đúng sai, học trò vô cùng xấu hổ”.
Câu chuyện trên chỉ là một sự việc nhỏ nhưng đã cho thấy tấm lòng từ bi rộng lớn của Khổng Tử.
Khổng Tử xuất phát từ nhân nghĩa mà suy xét cho người, chấp nhận cái sai của kẻ khác, vừa bảo toàn được tính mạng người mua vải lại vừa dạy dỗ đệ tử Nhan Hồi. Nhất cử lưỡng tiện, đó có thể coi là mẫu mực trong giao tiếp xã hội lúc bấy giờ.
2. Đường lớn không bằng tâm lớn, mệnh tốt không bằng tâm tốt
Trong cuộc sống, có những người am hiểu nhân tình thế thái, biết đối nhân xử thế một cách viên dung chu đáo, trong tâm trầm tĩnh ổn định, gặp bất kỳ sự việc gì cũng không hoảng loạn, luôn luôn giải quyết vấn đề chu toàn ổn thỏa.
Những người như vậy quả thực khiến chúng ta muôn phần mến phục.
Bạn đối đãi với người khác như thế nào thì người ta sẽ đối đãi với bạn như thế ấy, đây chính là định luật vàng.
Đó cũng chính là điều gọi là: Bỏ được thì mới có được, buông bỏ mới hết phiền toái, quên đi tâm mới yên, khoan dung mới được lòng người.
Có câu chuyện kể rằng trong doanh nghiệp nọ có vị sếp nổi tiếng là người nghiêm khắc.
Tất cả nhân viên trong công ty đều sợ làm mất lòng sếp, ai ai cũng căng thẳng mỗi khi ông xuất hiện.
Người trợ lý thân cận bên sếp cũng thường xuyên bị sếp phê bình không nang nể. Để tránh làm sếp tức giận, anh ta làm bất kỳ việc gì cũng vô cùng cẩn trọng tỉ mỉ. Nhưng một lần, chỉ vì một phút bất cẩn mà anh đã gây ra sơ sót lớn khiến công ty bị tổn thất nặng nề.
Anh biết rõ sau sự việc này anh nhất định sẽ bị đuổi việc.
Vậy là sau một đêm vật lộn tâm lý, anh quyết định nộp đơn nghỉ việc.
Nhưng trái với suy nghĩ của anh, sếp chỉ lặng lẽ trả lại đơn nghỉ việc mà không hề trách móc nửa lời.
Ông chỉ dặn dò viên trợ lý ‘hãy làm cho tốt’, thậm chí còn giao việc thêm một dự án lớn khác.
Nhiều năm sau, khi người trợ lý đã trở thành viên tướng đắc lực trong doanh nghiệp, họ mới có dịp ngồi hàn huyên về chuyện xưa.
Vị sếp nghiêm khắc của anh lúc ấy mới giải thích rằng:
“Sở dĩ tôi khắt khe với cậu chính là vì sợ cậu sẽ lơ là, một khi đã thành thói quen thì chỉ vì sơ ý bất cẩn mà thất bại. Nhưng khi thấy cậu đã ý thức rằng mình mắc lỗi, tôi biết cậu nhất định sẽ ghi nhớ kỹ bài học này. Hơn nữa, cậu còn phải gánh vác gánh nặng gia đình, trên có cha mẹ già, dưới có con nhỏ, để tìm một công việc mới quả thật cũng không dễ dàng. Thế nên, tôi mới làm như vậy”.
“Tặng gai cho người tay ta sẽ chảy máu, tặng hoa hồng cho người tay sẽ lưu lại dư hương”.
Một người nếu có thể đối đãi khoan dung bình hòa thì người đó sẽ được mọi người yêu mến.
Bởi vì trong cuộc đời, đường lớn không bằng tâm lớn, mệnh tốt không bằng tâm tốt.
3. Điều mình không muốn thì chớ làm cho người
Trong Luận ngữ – Vệ Linh Công có đoạn:
Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng: “Thưa thầy, có chữ nào mà có thể cả đời thực hành không?”.
Khổng Tử nói: “Là chữ ‘Thứ’ (khoan thứ) đó. Điều mình không muốn thì chớ làm cho người”.
Để trở thành người khoan thứ, chỉ cần làm được hai điểm sau:
Thứ nhất: Khoan dung bình hòa
Đối diện với sai lầm và khuyết điểm của người khác, cần phải luôn luôn giữ được khoan dung bình hòa, nghiêm khắc với mình mà khoan dung đối đãi với người.
Đừng vì mình có được lý lẽ, lẽ phải mà không tha cho người, làm việc gì cũng phải cẩn trọng xem xét kỹ.
Bỏ qua cho người ta một cách thích hợp, đó cũng chính là bỏ qua cho chính mình.
Thứ hai: Đặt mình vào vị trí người mà suy nghĩ
Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là điều mình không muốn thì chớ làm cho người.
Trước khi làm việc, trước tiên hãy đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, tìm ra điểm cân bằng lợi ích hai bên, dùng biện pháp thích hợp nhất để cả hai cùng có lợi, khiến mọi người đều thoải mái.
Làm được việc này thì có thể giúp bản thân tránh rơi vào tình cảnh khó xử tiến thoái lưỡng nan, trong quan hệ giao tiếp cũng sẽ luôn gặp thuận lợi, dẫu gặp bất trắc mà không kinh sợ, giữ được hình ảnh nho nhã ôn hòa.
Trong gia đình, công việc hay trong cuộc sống, những người như thế luôn biết cách xử lý mâu thuẫn một cách thỏa đáng, hợp lý hợp tình.
Bất kể lúc nào, ở đâu họ cũng được mọi người trông ngóng như đón làn gió xuân ấm áp.
4. Tâm lớn một tấc, đường lớn một trượng
Có câu cổ ngữ rằng: “Tâm lớn một tấc, đường lớn một trượng”.
Hễ làm việc gì mà tâm rộng lớn bao dung thì đều có thể tha thứ được những việc vốn không cách gì tha thứ, vì thế nội tâm cũng tránh khỏi sự giằng xé bởi phải chịu đựng ấm ức oan trái.
Đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, để làm việc và để làm người.
Không có ai có thể luôn thuận buồm xuôi gió trên đường đời, thế nên khi chúng ta không cách nào thay đổi được hiện thực, thì hãy thử điều chỉnh tâm thái mình.
Một người có tu dưỡng chân chính thì có thể dùng tâm từ bi và lòng bao dung để thành tựu người khác, kỳ thực đó cũng là thành tựu chính bản thân mình.
Nếu trong tâm lúc nào cũng so đo tính toán, thì đi đâu hãy ở đâu cũng nói lời oán hận.
Nếu tấm lòng rộng mở thì lúc nào cuộc đời cũng phơi phới gió xuân.
Nếu mình giản đơn thì thế giới khó mà phức tạp.
Nếu mình như ánh triều dương sưởi ấm muôn nơi thì người khác khó lòng làm tổn thương mình.
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch