HỌC THUẬT- ĐẠO GIÁO - MINH TRIẾT THẾ GIỚI

Đức Phật giảng như thế nào về ‘chia phước’?

Đức Phật giảng như thế nào về ‘chia phước’?

Phật sử ghi lại rằng: Vào thời Đức Phật Padumuttara (Thắng Liên Hoa), ở thành phố Hamsavati có một nữ nô tỳ nghèo hèn cơ cực nhưng nhan sắc diễm lệ, khả ái, đặc biệt là mái tóc đen dài, óng ánh, mượt mà thả xuống gót chân.
Đức Phật giảng như thế nào về “chia phước"?
Một ngày nọ, cô gái trông thấy trưởng lão Sujata – đại đệ tử của Đức Phật Padumuttara – với nghi dung sáng rỡ và lục căn thanh tịnh đang thong dong, tự tại trì bình khất thực nơi xóm nhà ven lộ.
Cô bèn phát khởi tâm tịnh tín, nhưng vì không có tiền, chỉ có vài xu lẻ đủ để mua một chiếc bánh ngọt, cô thành kính đặt bát cúng dường!
Tôn giả Sujata dịu dàng cất tiếng nói:
– Vật thí tuy nhỏ nhoi, nhưng tâm cô thành kính, tịnh tín nên nó đẹp lắm, quý lắm! Cô có ước nguyện gì không?
– Thân phận con bé mọn, thấp thỏi, đâu dám ước nguyện gì cao xa; chỉ mong rằng, một kiếp nào đó, trong tương lai, có cơ duyên được đời sống xuất gia nhẹ nhàng, thanh thoát như tôn giả vậy.
– Cô sẽ có cơ duyên mỹ toàn, thù thắng và rồi sẽ được như nguyện.
Được sự động viên, khích lệ như thế nên khi nào hễ có dịp là cô gái nô tỳ lại hoan hỷ đặt bát cúng dường, dù chỉ là chút ít.
Trong một cuộc cúng dường lớn lên Đức Phật và chư Tăng, không biết bao nhiêu là vua chúa, quan lại, triệu phú, doanh gia với tiền rừng, bạc bể, lương thực, thực phẩm như núi, thượng vị loại cứng, loại mềm, cô gái rất hổ thẹn vì thấy mình không có gì.
Chợt nghĩ đến tài sản quý báu là mái tóc đẹp, hiếm có; cô không ngần ngại cắt ngay mái tóc đem bán.
Người chủ tiệm biết mái tóc này là cực quý, nhưng nhìn thấy cô gái nghèo hèn nên chỉ trả cho cô hai đồng tiền vàng mà thôi!
Lại còn miệng lưỡi đãi bôi, nói là cám cảnh hoàn cảnh của cô nên đã mua với giá rất cao!
Cô gái không buồn về chuyện ấy, bèn hối hả sắm sanh lễ phẩm để chung hội thí với mọi người.

Mọi người thi nhau sắm sửa để cúng dường lên Đức Phật. (Ảnh minh họa: reftimg.pw)

Đức Phật Padumuttara với đại thần thông biết tất cả sự việc xảy ra.
Sớm hôm ấy, Đức Phật ôm bát, không dừng lại nơi phú quý của vua chúa, cũng không dừng lại chỗ cao sang của các quan đại thần; và bỏ qua thượng phẩm của tất cả triệu phú, doanh gia, các đại gia chủ để đi đến mâm vật thực nghèo nàn của cô gái.
Nước mắt rơi lã chã vì vui mừng, cô gái trân trọng đặt bát cho Đức Phật trước hàng ngàn đôi mắt ngưỡng mộ lẫn ghen tỵ của mọi người.
Để cho phước báu của cô gái càng thêm viên mãn, Đức Phật bảo thị giả xếp gấp tấm tăng-già-lê làm bốn trải lên nền đất rồi Ngài ngồi xuống, an tĩnh, thanh tịnh độ thực ngay tại chỗ.
Cô gái quỳ xuống, chắp tay hầu một bên.
Đặt bát cho chư Tăng đại chúng xong, mọi người quây quần lại xin cô gái “chia phước”. Cô vui mừng lắm, nhưng không biết chia phước ra sao.
Đức Phật mỉm cười, ân cần dạy rằng:

– Con thành kính chắp tay lên, đặt ngay chỗ trái tim của mình, và phải làm thế nào để cho ngôn ngữ, tâm hồn và ý nghĩ kết hợp làm một, rồi nói như thế này: “Tôi rất hoan hỷ, đại hoan hỷ chia phước đến cho tất thảy mọi người”. Con biết tại sao không? Phước như ngọn đèn. Con đang có một ngọn đèn sau khi cúng dường đến Như Lai. Ngọn đèn ấy, nếu con cho một trăm người thắp, ngàn người thắp thì ánh sáng đèn cứ thế mà lan tỏa ra mãi; nhưng ngọn đèn trong tay con vẫn không hao hụt, không suy suyển một chút nào. Nó vẫn nguyên vẹn!

Thế rồi, sau khi cô gái chia phước, mọi người đồng thanh hô lớn, khiến cho cả đại địa và các tầng trời cũng phải rung rinh.

Sau khi cô gái chia phước, mọi người đồng thanh hô lớn, khiến cho cả đại địa và các tầng trời cũng phải rung rinh. (Ảnh minh họa: khbuddism.com)

Vị đại vương chí tôn kinh thành Hamsavati biết chuyện cô gái thì rưng rưng cảm động, xiết bao thương quý, nên hỏi đường, tìm đến thăm tận nhà.
Ngạc nhiên thấy cô gái nhan sắc kiều diễm, lại ở trong cái chòi rách nát với một cậu em trai, đức vua trẻ thấy trái tim rung động, tỏ ý muốn rước cô về hoàng cung.
Lạ thay, khi cô gái vừa cúi đầu xuống e thẹn, ngầm ý chấp thuận thì mái tóc của cô lại dài ra như cũ.
Sau đó, cô gái được nhà vua phong làm quý phi, sống một cuộc đời yên ấm, vương giả.
Cô gái nô tỳ trong câu chuyện trên chính là tiền thân của Tỳ-kheo-ni Khema, người được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên dương là “bậc đệ nhất, tối thắng về trí tuệ trong hàng ni chúng”.
Lời bàn:
Lần đầu tiên, cô gái nô tỳ cúng dường vỏn vẹn một chiếc bánh ngọt, nhưng với tâm thuần tịnh và với tất cả số tiền ít ỏi mà cô có.
Lần thứ hai, cô cắt đi mái tóc quý giá nhất của mình, cũng chính là xả bỏ cả nhan sắc, để cúng dường Đức Phật.
Vậy nên, phước đức mà cô có được là vô lượng.
Thế mới biết, công đức bố thí cúng dường không ở chỗ nhiều ít, sang hèn; mà phụ thuộc vào tâm chí thành, chí thiện.
Phước đức có thể đổi thành giàu sang phú quý, quyền uy, nhan sắc, thọ mệnh… chốn nhân gian; nhưng suy cho cùng, tất cả đều không bền lâu.
Chỉ có cơ duyên được làm đệ tử của Phật, tu luyện đắc chính quả, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi mới là thù thắng nhất.
Người xưa có giảng, kính Phật có thể gieo mầm nhân duyên tu luyện.
Tỳ-kheo-ni Khema xưa kia cúng dường Đức Phật Thắng Liên Hoa, nên về sau mới có duyên được làm đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nếu như vậy, thì những người thiện lương đã từng bố thí cúng dường Đức Phật Thích Ca, phát nguyện từ hằng xa xưa, đến kiếp này hẳn sẽ có cơ duyên bước vào cửa tu luyện chính Pháp do Đức Phật của tương lai truyền dạy?

Thanh Ngọc

(Tham khảo: Cổ sử truyện “Con gái Đức Phật” – Hành trạng của chư Thánh ni và những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111