HỌC THUẬT- ĐẠO GIÁO - MINH TRIẾT THẾ GIỚI

Yếu mềm mà vẫn bất bại: Tư tưởng của Lão Tử về nước

Yếu mềm mà vẫn bất bại: Tư tưởng của Lão Tử về nước

Tư tưởng của Lão Tử là thuận theo tự nhiên, sử dụng cái nhu hòa khéo léo để xử thế, cũng giống như nước vậy, luôn yếu mềm mà vẫn có thể làm mòn đá núi.
Vào thời kì thoái trào của lễ giáo cuối thời Xuân Thu, để giữ cho tâm hồn tĩnh lặng, Lão Tử đã rời xa thế tục, gửi gắm tâm tình nơi núi non, cảm nhận cái tinh khiết và mênh mông bát ngát của thiên thiên, trải nghiệm ý nghĩa thực sự của đời người. Dòng chảy lưu động, biến hóa không ngừng của nước đã khơi dậy cảm hứng tâm linh của nhà hiền triết, trở thành nơi để ông gửi gắm tâm tư và sự tỉnh thức của mình.
Trí tuệ và tư tưởng triết học của Lão Tử có sự liên hệ rất lớn với nước trong tự nhiên, chúng ta còn có thể gọi nó là sự thức tỉnh của “thủy tính”.

Yếu mềm mà vẫn bất bại: Tư tưởng của Lão Tử về nước
(Ảnh minh họa: panoramio.com)

Sự thức tỉnh của “thủy tính”

Khổng Tử nói: “Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn”. Kẻ thông đạt đạo lý thì yêu thích cái lưu động không ngừng của nước.
Người nhân an nhiên thi hành đạo lý nên yêu thích cái vững vàng bất dịch của núi. Lão Tử yêu thích nước, vì nước gần với đạo.
Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình.
Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục.
Vì thế Lão Tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.”
Từ đó, ông cũng cho rằng mềm dẻo là phương cách tồn tại nên có của con người: “mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng đều biết rõ.”
Sự mềm dẻo của Lão Tử chính là nói về quan niệm xử thế rộng rãi lạc quan, xem thường cái mạnh.

Yếu mềm mà vẫn bất bại: Tư tưởng của Lão Tử về nước
(Ảnh minh họa: pcwallart.com)

Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành.
Vì không tranh giành nên cũng không thất bại.
Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vất, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích.
Con người cũng vậy, cần khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc tranh giành, đừng mang tâm lý thắng thua.
Đó chính là “thượng thiện nhược thủy”.
Lão Tử chủ trương: “Người thiện, thì ta thiện; người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”.
Trong mọi việc con người đều lưu giữ thiện tâm, lấy thiện đãi người, dù có chịu thiệt thòi trước mắt thì cũng không mất đi tín niệm trong lòng, như vậy sẽ được người yêu mến, được trời đất phù trợ, chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Lão Tử đã đúc kết khái quát nguyên tắc xử thế của ông như sau: “Ta cầm giữ ba bảo vật; một là từ ái, hai là tiết kiệm, ba là không tranh với thiên hạ.”
Theo ông, con đường đời của chúng ta gian nan gập ghềnh, thế sự khó mà dự liệu, nhưng một người chỉ cần giữ được “thủy tính” thì sẽ có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng, hiểu được cái đẹp và lạc quan trong cuộc sống.

Nước chảy chỗ thấp

Dù đã rời xa triều đình nhưng Lão Tử vẫn luôn suy tư về triều đình và xã hội.
Nhờ bản tính hài hòa của nước, Lão Tử đã nhìn ra được cái tai hại của việc cai trị chính trị nói chung.
Bản tính của nước là tìm đến sự phẳng lặng, đây chính là lẽ trời tự nhiên.
Lão Tử cho rằng lẽ trời giống như cây cung vậy, “đầu trên hướng xưống dưới, đầu dưới hướng lên trên”, tức là “chỗ bị thiếu dù chỗ khác có thừa cũng không bù lại được”, xã hội lúc bấy rõ ràng là thừa mứa mà lại thiếu cân bằng.
Vì lẽ này, Lão Tử chủ trương để người ở trên phải dùng tâm thế rộng lượng và bao dung để thực hiện công bằng.
Tuân theo tính chất của nước, đi tìm sự điều chỉnh thì tự nhiên sẽ có được hiệu quả xã hội tốt.

Yếu mềm mà vẫn bất bại: Tư tưởng của Lão Tử về nước
(Ảnh minh họa: volcano.oregonstate.edu)

Tỉ như sông và biển đều hình thành từ nước, thế nhưng tại sao sông lại chảy ra biển, biển đón lấy nước sông?
Lão Tử cho rằng đó là bởi vì biển nằm ở phía dưới các con sông, “vì ở chỗ thấp, nên làm vua trăm thung lũng”.
Từ điều này Lão Tử cho rằng người cầm quyền muốn quy phục lòng dân, thì nhất định phải chịu hạ mình, trước mặt người dân thì lời nói phải khiêm tốn, suy nghĩ trước sau, hay còn gọi là “chịu ở nơi thấp”“chịu lánh phía sau”, từ đó mà khiến cho “thiên hạ vui vẻ mà không phiền lòng”, tạo thành cục diện bình ổn trăm sông ra biển, vạn dân nghe theo.
Lão Tử nói, “hạ mình để cho vừa lòng dân”, lý lẽ này về bản chất là giống với phong thái của ông.

Nước làm lợi cho vạn vật

Nước thúc đẩy vạn vật sinh trưởng, nhưng đối với vạn vật thì nước “sinh ra mà không sở hữu, làm mà không kể công, giúp phát triển mà không đòi làm chủ” đây mới là đức tính cao nhất.
Theo cách nhìn của Lão Tử, người ở nơi cao phải trị quốc hiểu dân giống như nước làm lợi cho vạn vật vậy.
Đối với người dân, phải tạo ra cái lợi nhưng không sở hữu, ủng hộ sự phát triển mà không được cố ý trở thành người làm chủ.
Người dân có được lợi ích mà lại không biết đến sự tồn tại của người cho mình lợi ích đó.
Ông cho rằng đây mới là cảnh giới cao nhất của người ở trên.
Hay còn gọi là “Thái thượng, bất tri hữu chi; Kì thứ, thân chi dự chi”, người làm vua giỏi là dân không biết là có vua; thấp hơn thì dân quý dân tin.
Dùng cách công bằng ngay thẳng và thái độ khiêm nhường hòa nhã để trị quốc hiểu dân chính là đi theo quy luật tự nhiên của nước.
Lão Tử cho rằng, người cầm quyền mà tuân theo lẽ trời này, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, kiên trì giữ vững cái đẹp của những đức tính rộng lượng, bao dung, công bằng, khiêm tốn thì ắt sẽ trở thành “bách dung vương” như biển lớn đón lấy trăm sông.

Yếu mềm mà vẫn bất bại: Tư tưởng của Lão Tử về nước
(Ảnh minh họa: weknowyourdreams.com)

Lão Tử có cách tư duy hiểu biết về đặc tính sâu xa của nước, phần lớn đã ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng sau này.
Như “Binh pháp Tôn Tử” có chỉ ra “Binh hình tượng thủy”; Tuân Tử lại nhận định vua và dân thường là “Thuyền thủy chi dụ”, ý chỉ người dân có thể giúp vua lập nên triều chính, cũng có thể đứng lên lật đổ triều đình.
Người trước xem trọng quy luật và linh hoạt trong sự vận động của nước, người sau lại xem trọng sức mạnh không thể xem thường của nước.
Cả hai nhà tư tưởng đều tìm ra được lý lẽ sâu sắc từ tính chất tự nhiên của nước, phát huy sự độc đáo đối với triết lý về tính chất của nước của Lão Tử.
Lão Tử quan sát tính tất yếu của tự nhiên bằng tâm tình bình lặng, ông tìm ra được phương thức xử thế nhẹ nhàng và không tranh giành từ tính chất của nước, biết được đạo trị quốc công bằng và khiêm nhường, phỏng đoán sự sinh trưởng của vạn vật.
Lão Tử dùng nước để bồi dưỡng thêm tinh thần chân chính của con người, để nước có được hàm nghĩa văn hóa sâu sắc, đồng thời hình thành nên trí tuệ rộng lớn bao la.

Thanh Trúc

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111