HỌC THUẬT- ĐẠO GIÁO - MINH TRIẾT THẾ GIỚI

ĐỐI ĐẦU VÀ GIẢI PHÁP

ĐỐI ĐẦU VÀ GIẢI PHÁP

MÊ TÍN
Khi gặp khó khăn, nhiều người trong chúng ta tìm đến người khác để nghe lời khuyên của họ.
Họ có thể khuyên chúng ta đi cầu nguyện với một số thần thánh ở một ngôi chùa hay một chỗ thờ tự nào đó hay tụng một vài câu chú hay thực thi một số nghi thức và nghi lễ.
Nhưng lời khuyên của Đức Phật lại khác hẳn.
Ngài chẳng bao giờ khuyên ai làm điều gì mà không điều tra và phân tách các khó khăn để khám phá ra nguyên nhân chính của khó khăn đó là gì.
Cái lo lắng của chúng ta là khi chúng ta gặp khó khăn, do ngu si chúng ta đau khổ vì sợ hãi, và chính chúng ta tạo ra nỗi sợ hãi vô cớ, tưởng tượng và nghi ngờ.
Sau đó chúng ta tìm lời khuyên ở người khác để xóa bỏ những tư tưởng ấy đi.
Chẳng hạn, khi người ta thất bại trong thương trường, họ lại cố gắng sử dụng ma thuật để đạt may mắn và thắng lợi trong công việc làm ăn.
Họ không cố gắng tìm ra sơ sót hay yếu điểm gì dẫn đến thất bại và không nhận thức được những việc cầu xin như thế chỉ căn cứ vào niềm tin dị đoan.
Một số được gọi là ‘thầy bói’ hay chiêm tinh gia lợi dụng cái ngu dốt của các người nhẹ dạ làm cho họ tin tưởng là những sức mạnh tai họa đứng đằng sau sự không may của họ.
Đức Phật khuyên chúng ta phát triển sự kiên nhẫn và hiểu biết, không tin vào niềm tin dị đoan, và tu tập lối sống duy lý, không phí phạm thì giờ và tiền bạc vào những sự thực hành vô nghĩa và chính mình cố gắng để vượt qua những điều đó một cách có suy nghĩ.
Thông thường chúng ta không thể hiểu nguyên nhân gây khó khăn cho chúng ta vì lối suy nghĩ của chúng ta không sáng suốt do bị che mờ bởi nghi ngờ và ảo tưởng.
Do sự thiếu hiểu biết chánh đáng mà mà không hiểu đúng nguyên nhân của vấn đề, do đó có cách giải quyết sai lầm.
Chúng ta cầu nguyện, dâng lễ vật, và phát nguyện vì nghĩ rằng sự khổ cực của chúng ta là do sự chi phối của một lực lượng bên ngoài.
Thực ra hầu hết các khó khăn và lo lắng của chúng ta là do chính chúng ta tạo nên.
Chúng ta không cố gắng phát triển một đường lối sống đứng đắn qua luân lý và mở mang tinh thần.
Chúng ta nghĩ rằng tôn giáo chỉ để cho chúng ta cầu nguyện và thi hành một số nghi thức để quét sạch những khó khăn của chúng ta.
Nếu chúng ta duy trì niềm tin như vậy, sao ta có thể tập trung để tăng trưởng kiến thức và hiểu biết sự việc đúng như bạn chất của nó?
Hầu hết chúng ta không ý thức được rằng giá trị luân lý là gốc rễ của cây văn minh.
Không có những rễ ấy, lá sẽ phải rụng và bỏ lại cái cây chỉ còn lại gốc cây chết.
Ngày nay, chúng ta phát triển đời sống theo một phương thức đến nỗi chúng ta không có thì giờ để dành cho kỷ luật tự giác hay trau dồi nội tâm.
Mặc dù chúng ta thừa thãi để thỏa mãn nhu cầu vật chất như thực phẩm, nhà cửa và quần áo, tất cả chúng ta lại nghĩ làm sao làm ra nhiều tiền và làm sao hưởng thụ lạc thú cho dù phạm đến quyền lợi của người khác.
Khi chúng ta gặp phải một số khó khăn, chúng ta bắt đầu càu nhàu, tỏ nóng giận và tạo nhiều xáo trộn hơn nữa mà không hiểu là không thể vượt qua được khó khăn bằng thái độ như thế.
LO ÂU
Người ta đã tập trung nhiều vào dục lạc hơn là vào an lạc và sức khỏe.
Một số người lo lắng cho tương lai mặc dù có dư thừa trong hiện tại.
Họ lo lắng về bệnh tật, tuổi già, chết, tang lễ và cả đến thiên đường hay địa ngục trong kiếp tới.
Ngày ngày họ chứng kiến cái bất trắc của đời họ.
Họ chạy đi tìm kiếm thuốc chữa để chấm dứt những khó khăn của họ.
Họ lo lắng khi ho trở thành già cả.
Họ lo lắng không đạt được điều mong muốn.
Họ lo lắng khi mất của cải hay người mà họ thương yêu.
Sau đó họ khủng hoảng, rầu buồn, tinh thần đau đớn, và đau khổ vì xáo trộn tinh thần và cuối cùng những thứ đó biến thành cái đau thể chất.
Qua suốt cuộc đời, họ tiếp tục tìm an lạc và hạnh phúc cho đến khi chết cũng vẫn chưa tìm ra được giải pháp thực sự.
Vì không hiểu bản chất thực sự của đời sống, chúng ta cố gắng duy trì cuộc sống sao cho không phải trải qua thất vọng và thay đổi.
Nhưng bản chất của đời sống là thay đổi.
Đời sống là một tập hợp các yếu tố và năng lực lúc nào cũng thay đổi và chúng ta không bao giờ được thỏa mãn.
Đôi khi chúng ta cảm thấy đời sống không thuận với chúng ta.
Khi những yếu tố và năng lực không quân bình, chúng ta thấy khó chịu, bệnh, đau đớn và nhiều khó khăn khác.
Khi năng lượng tinh thần bị xáo trộn, chúng ta thấy khó khăn tinh thần.
Sau đó những cơ quan và các tuyến cũng thay đổi chức năng của chúng, ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của máu, hóc-môn (hormones), tim và các tế bào óc.
 
Chúng ta có thể tránh các khó khăn ấy nếu chúng ta hiểu sự mâu thuẫn trong cơ thể và sống một cuộc đời thuận theo lực tự nhiên tạo thành cuộc sống vật chất của chúng ta.
ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỰC TẠI
Ngày nay nhiều người sống một cuộc đời trái tự nhiên mà không biết đến sự nguy hiểm của nó.
Những khó khăn mà chúng ta tạo nên là do thái độ điên dại gây nên bởi lòng bị cám dỗ.
Bình dị làm cuộc sống êm trôi.
Nhiều người trong chúng ta nhân thức và chứng nghiệm như vậy chỉ khi đã về già.
Thí dụ, chúng ta có một cái hố sâu 100 feet (mỗi foot + 30 cm 48 ) và chúng ta để than đốt ở dưới đáy.
Chúng ta lấy một cái thang và yêu cầu từng người xuống hố.
Những người xuống đầu tiên không phàn nàn chi cả cho đến khi họ xuống sâu chừng 30 đến 40 feet.
Qua 50 đến 50 feet, họ cảm thấy sức nóng, họ càng xuống sâu hơn đến từ 70 đến 80 feet, gần đến than cháy, họ có cảm giác bị phỏng.
Cũng giống như vậy, người trẻ không thấy khổ não măc dù Đức Phật dạy đời là khổ.
Nó cũng giống như khi giải thích nếu chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn rõ sụ thật về khổ đau hơn.
Ý nghĩa thực sự của khổ đau là chứng nghiệm tính chất bất toại nguyện trong mọi sự vật.
TÌNH HÀNG XÓM
Chúng ta hãy xét đến gia đình chúng ta.
Có bao nhiêu gia đình sống trong sự hiểu biết và tinh thần tương ái?
Nơi đây chúng ta nghĩ đến không những gia đình của chúng ta mà những gia đình sống chung quanh chúng ta.
Chúng ta có thể mời cả thế giới vào phòng chúng ta qua truyền hình nhưng chúng ta không muốn mời người láng giềng bên cạnh chúng ta vào nhà để nói chuyện thân ái với họ.
Chúng ta không có thì giờ để nhìn tận mặt những người thân trong gia đình nhưng chúng ta đã bỏ ra nhiều giờ để nhìn những người xa lạ trên màn ảnh truyền hình.
Ngay trong phạm vi gia đình chúng ta không có thì giờ để nhìn tận mặt những người thân với nụ cười tuy chúng ta cùng sống dưới một mái nhà.
Làm sao ta có thể đoàn kết và có hạnh phúc trong những gia đình như vậy?
Sự kiện đáng buồn này là thái độ cư xử lạ lùng rất thường thấy trong xã hội hiện đại.
Một số người sao lãng người thân trong gia đình sau ngày cưới.
Đó không phải là cuộc sống thực sự.
Chúng ta nên duy trì một cộng đồng sống bằng cách giúp đỡ lẫn nhau và bằng cách hỗ trợ tinh thần cho những ai cần đến sự giúp đỡ.
Mặc dù con vật không giúp đỡ lẫn nhau như con người, nhưng con vật sống chung, đôi khi bảo vệ nhóm chúng hay những con vật nhỏ chống kẻ thù và những con vật còn non bao giờ cũng theo những con vật già.
 
Dường như ngày nay chúng ta sống không phải thực sự là con người.
Chúng ta đã đi trệch hướng rất xa đường lối tự nhiên của đời sống.
Do đó tại sao chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn và chúng ta cảm thấy cô đơn.
Chúng ta phải hiểu rằng có những khó khăn do tự nhiên và không có cách chi có thể thoát khỏi được.
Cũng có nhiều khó khăn khác do tâm tạo, kết quả của ảo tưởng, vô minh và vị kỷ của con người.
CHÚNG TA CHỊU TRÁCH NHIỆM
Cả đến những người có học cũng không sử dụng một các thông thái kiến thức của mình khi họ thực hành dị đoan dưới danh nghĩa tôn giáo.
Hãy cố gắng quét sạch tinh thần yếu đuối đó bằng cách củng cố tâm trí và phát triển lòng tự tin.
 Rồi chúng ta có thể vượt qua nhiều trong những khó khăn và trong hầu hết các trường hợp, những khó khăn tưởng tượng sẽ dễ dàng biến đi.
Theo một số niềm tin tôn giáo, có một thượng đế chịu trách nhiệm tất cả những việc tốt lành xẩy ra cho chúng ta, và nếu có điều gì sai trái là do quỷ thần làm ra.
Đối với chúng ta, đó không phải là một niềm tin có sức thuyết phục.
Hầu hết chúng ta không cố gắng hiểu tại sao chúng ta không hạnh phúc, và sao chúng ta không thỏa mãn với đời sống, và ai là người chịu trách nhiệm tình trạng đó.
Đức Phật dạy rằng chúng ta chịu trách nhiệm chính về mỗi hành động của chúng ta dẫn đến toại nguyện hay bất toại nguyện.
Ngoài tất cả những khó khăn mà ta chịu trách nhiệm, trực tiếp chịu ảnh hưởng, chúng ta còn tạo ra những khó khăn chia rẽ nhân loại, tạo ra những vấn đề như kỳ thị chủng tộc, tôn giáo quá khích, kỳ thị văn hóa và truyền thống, ngôn ngữ, màu da, độc tôn và tự tôn tự ti bởi nghĩ rằng người theo tôn giáo khác là kẻ thù, và bị coi là phạm tội khi ủng hộ hoạt động của tôn giáo khác.
Họ không bao giờ nghĩ rằng những tín đồ của bất cứ tôn giáo nào cũng đều cố gắng phục vụ nhân loại và không làm hại người khác.
Những khó khăn như trên đậy đã gián tiếp góp phần vào cảm nghĩ bất toại nguyện của chúng ta.
MỤC ĐÍCH CỦA TÔN GIÁO
Mục đích của tôn giáo là hướng dẫn nhân loại, phát triển đoàn kết, một cuộc sống hòa hợp, trau dồi đức tính và tinh thần thanh tịnh .
Thế mà, tôn giáo lại dùng để gây xáo trộn các tôn giáo khác, phát triển ganh ghét hay thù địch.
Ngày nay người ta không dùng tôn giáo để bảo vệ hòa bình mà để xáo trộn và thù hận người khác.
Sự cao ngạo không lành mạnh này cùng với sự cạnh tranh tôn giáo đã tạo ra bạo động và đổ máu ở nhiều nơi trên thế giới này.
Đồng thời trong khi trân trọng tưởng tượng và quan niệm của mình như niềm tin thực sự như là một phần của văn hóa và truyền thống, một số nhà tôn giáo lại chế diễu văn hóa và truyền thống tôn giáo khác.
Trong niềm tin và phương pháp tu tập mà họ giới thiệu thực sự là tôn giáo, họ quảng bá tư tưởng ích kỷ mong cầu lợi dưỡng vật chất, quyền hành chính trị và tự tôn vinh.
CÁCH XỬ THẾ VÀ TẬP TỤC
Cách xử thế có thể định nghĩa là cách đối xử thích đáng để sống tốt đẹp trong xã hội.
Vì nhiều lý do xác đáng, một số truyền thống được truyền thừa, và chỉ một số người không đầu óc mới coi là vô giá trị việc tuân theo những luật lệ hướng dẫn các quan hệ xã hội của chúng ta.
Goethe khôn ngoan nói:’ Một người thực sự sống chỉ khi người ấy tìm thấy nguồn vui trong thiện chí của người khác’
Câu phương ngôn cổ xưa ‘Cách xử thế tạo nên con người’ vẫn còn đúng ngay cả đến ngày nay.
Những tiêu chuẩn mà chúng ta coi như cách xử thế tốt đẹp khác biệt ở từng dân tộc và từng cộng đồng.
Chúng ta khám phá thấy những tính chất đặc biệt về cách xử thế và tập tục thịnh hành tại các xã hội khác khi chúng ta ra nước ngoài.
Chúng ta không nên vội vàng có thành kiến về cách xử thế và tập tục của người khác mà quyết định cái đó thích hợp hay không thích hợp.
Cách xử thế chính nó chẳng tốt mà cũng chẳng xấu, nhưng khi chúng gây cảm nghĩ xấu cho người khác, thì có thể coi như cách xử thế xấu.
Chúng ta sống trong một thế giới luôn thay đổi.
Chúng ta không nên mù quáng bám níu vào các truyền thống, tập tục, cách xử thế, nghi thức và nghi lễ mà cha ông thực hành hay đã áp dụng theo niềm tin và điều kiện thịnh hành trong thời đại đó.
Một số tập tục và truyền thống truyền thừa từ tổ tiên của chúng ta có thể tốt, trong khi cũng có một số không hẳn là hữu ích.
Chúng ta hãy xét một cách vô tư xem chúng có thích hợp và xác đáng cho thế giới hiện đại hay không?
Trong cộng đồng Trung Hoa, họ nhấn mạnh đến việc kế tục truyền thống gia đình và tôn trọng trí tuệ của người cao tuổi.
Thờ cúng tổ tiên có từ rất lâu đời (có từ hai nghìn năm trước Công Nguyên).
Đời sống cần thiết là việc gia đình, bao gồm tụng niệm và dâng lễ vật trước bàn thờ nhỏ và trong am miếu thờ tổ tiên, với một hệ thống soạn thảo tỉ mỉ về chôn cất và tang chế, lễ nghi, thăm viếng mộ phần như dấu hiệu lòng tôn kính sâu xa.
Theo đạo đức, đức hạnh trước nhất là hiếu thảo- một bổn phận phải phục vụ và kính trọng cha mẹ và các bậc tiền bối không vì sợ hãi hay lợi lạc.
Tôn kính như vậy đưa đến kết quả đoàn kết mạnh mẽ trong gia đình.
Đức Khổng Tử rất quan tâm với việc tôn kính trí tuệ của người cao tuổi.
Kính trọng người cao tuổi là một truyền thống cổ xưa ở Ấn Độ và một số quốc gia.
Mặt khác hạnh kiểm tốt như tử tế, kiên nhẫn, độ lượng, thành thật và khoan dung cũng không thể diệt trừ được một số khó khăn vì người xảo quyệt có thể lợi dụng đức tính tốt của người khác.
Cho nên những đức tính tốt phải được thực hành một cách khôn ngoan.
Những nhân viên phúc lợi xã hội đang cố gắng quét sạch những khó khăn nhân loại.
Nhưng sự đóng góp của họ chỉ giảm thiểu được một số khó khăn của nhân loại.
Một số người khác cố gắng giải quyết những khó khăn của nhân loại bằng cách phân phát của cải và lợi tức của quốc gia đồng đều cho dân chúng trong xã hội gọi là xã hội chủ nghĩa.
Dường như phương pháp của họ cũng chẳng mấy hữu hiệu trong việc giải quyết khó khăn của nhân loại, và đã thất bại ở một số quốc gia, vì vị kỷ, xảo trá, biếng nhác và nhiều nhược điểm khác có thể làm xáo trộn tình hình.
Giáo dục khoa học hiện đại thực ra đã tạo nhiều khó khăn hơn là vận động cho hòa bình, hạnh phúc, và an ninh.
Chính phủ cố gắng duy trì hòa bình và trật tự bằng cách trừng phạt những ai không tuân theo luật pháp.
Nhưng trên khắp thế giới, hành động tội lỗi và vô luân lan tràn nhanh chóng.
Những người kém hiểu biết tìm đến bùa ngải, ma thuật, thần thông siêu nhiên và bùa chú để vượt qua các khó khăn.
Nhưng không một ai biết họ đã có thể đạt được gì qua niềm tin và thực hành như vậy.
 
Một số dùng phương pháp bạo lực để giải quyết các khó khăn.
Một số khác lại giải quyết khó khăn bằng cách cải thiện đời sống qua viện trợ tài chính.
Một số các nhà chức trách tôn giáo, mặt khác cố gắng giải quyết các khó khăn bằng cách minh họa quan niệm thiên đường để cám dỗ, và làm cho sợ hãi bằng cách dọa họ về lửa địa ngục.
Dù sử dụng phương pháp nào đi nữa để tránh các khó khăn, họ vẫn càng phải đối đầu với nhiều khó khăn mới trong đời sống hàng ngày.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm trí không được huấn luyện, và tham dục vị kỷ hay những điều kiện bất trắc của thế giới.
Khi chúng ta nghiên cứu đời sống người nguyên thủy, chúng ta có thể thấy người nguyên thủy, đối đầu tương đối ít khó khăn.
Những khó khăn này hầu hết chỉ là nhu cầu sống.
Nhưng ngày này trong xã hội gọi là văn minh hiện đại, nhiều khó khăn không phải là chỉ do lòng ham muốn để được tiếp tục sống mà vì chúng ta đi tìm nhiều dục lạc.
Nhiều người cho rằng mục đích của đời họ chỉ để thụ hưởng.
LÀM SAO TA ĐỐI ĐẦU VỚI CÁC KHÓ KHĂN?
Chúng ta thường tạo các khó khăn mới trong khi đang giải quyết các khó khăn hiện tại.
Nếu những khó khăn mới không đáng kể, chúng ta cố gắng chịu đựng và làm điều chúng ta có thể nhẹ bớt buồn đau.
Chẳng hạn khi chúng ta bị bệnh loét dạ dày, chúng ta bị đau, chúng ta đi bác sĩ khám bệnh.
Nếu Bác Sĩ nói ta cần phải được giải phẫu, chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự việc nếu chúng ta muốn lành bệnh.
Vì chúng ta biết không có một giải pháp khác nữa, chúng ta quyết định đối đầu với khó khăn mới là sự giải phẫu để trừ cái đau hiện tại.
Rồi chúng ta sẵn sàng chịu đựng cái đau và cái khó chịu trong cuộc giải phẫu nghĩ rằng cuối cùng không còn đau nữa.
Cũng giống như vậy, chúng ta muốn chấp nhận một số khó khăn hay đau đớn để vượt qua khó khăn to lớn hiện tại.
Do đó, đôi khi chúng ta phải đối đầu với khó khăn với nét mặt vui tươi.
Chúng ta không thể vượt qua các khó khăn hiện hữu mà không phải đối đầu với các khó khăn mới hay không phải hy sinh môt thứ gì.
Nhưng có môt điều rõ ràng là không thể giải quyết tất cả những khó khăn của chúng ta vì khó khăn như những làn sóng.
Khi làn sóng này tan đi, nó tạo thành một lực cho làn sóng khác nhô lên.
Đôi khi sự có đi có lại cũng giúp giải quyết khó khăn.
Đức Phật đã chủ trương một phương pháp có ý nghĩa và thực tiễn trong việc giải quyết các khó khăn.
Ngài không cho ta môt giải pháp vá víu chỗ này chỗ kia đơn giản để thỏa mãn chúng ta vào lúc ấy.
Ngài dạy chúng ta phuơng cách phải đi sâu vào gốc rễ vấn đề và tìm ra nguyên nhân chính của nó.
Phương pháp của Ngài không phải chỉ để giảm thiểu triệu chứng của khó khăn giống như một số thuốc men chỉ để loại bỏ triệu chứng bệnh mà không chữa lành bệnh.
Nếu một thứ thuốc hay loại giảm đau công hiệu trong một lúc nào đó, nó bao giờ cũng kèm theo một hay nhiều tác dụng phụ có hại.
Khi chúng ta bị đau bụng hay nhức đầu nặng, chúng ta uống thuốc giảm đau.
Chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn một lúc, rồi cơn đau trở lại.
Thí dụ chúng ta có một vết thương hết súc đau đớn trên cơ thể.
Sau khi thoa đủ mọi thứ thuốc, vết thương lành .
Khi một bác sĩ hay một người nào đó hỏi ‘ bây giờ bạn cảm thấy thế nào?’, chúng ta trả lời: ‘chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn nhiều’.
Nhưng chúng ta có thể định nghĩa từ ngữ ‘dễ chịu hơn’ không?
Ta có thể chứng minh cảm nghĩ dễ chịu hơn như thế nào không?
Đây có nghĩa là không còn đau nữa.
Về bất cứ điều gì trên thế giới này, khi chúng ta nói cảm thấy dễ chịu, hay khá hơn là chỉ nói cho người khác biết không còn khó khăn vào thời điểm đó.
Khi chúng ta nói chúng ta cảm thấy dễ chịu, chúng ta phải hiểu cảm giác dễ chịu đó không lâu dài vì khi những hiệu quả của thuốc giảm đau không còn tác dụng nữa thì chúng ta lại bị đau trở lại.
Đó là bản chất của đời sống.
Phương pháp của Đức Phật để đạt hạnh phúc vĩnh viễn là nhổ tận gốc rễ khó khăn chứ không phải chỉ tạm thời kìm nén chúng.
Đương nhiên, một số người nói rằng thật khó khăn thực hành lời Phật dạy, vì nó không làm cho giảm đau ngay.
Đức Phật dạy nguyên nhân khổ đau mọc rễ thâm sâu cho nên chúng ta phải có các biện pháp mạnh mẽ mới nhổ vĩnh viễn dược chúng để chúng không bao giờ có thể trở lại được nữa.
Về câu hỏi làm sao có thể tận diệt hết được các khó khăn, Đức Phật trả lời:’ Khi môt người khôn ngoan, gìn giữ luân lý (giới), mở mang tâm trí và chánh kiến, một người hăng hái và khôn ngoan như vậy tự gỡ được rối rắm‘.
Một người chuyên cần và hiểu biết, bởi nhận thức được bản chất thực sự của cuộc sống, phát triển đạo đức và hạnh tự kỷ.
Giới có nghĩa là kỷ luật trong ý, lời nói và hành động theo giới luật.
Một người chuyên cần và khôn ngoan, biết cách phải đối đầu với các khó khăn như thế nào và làm sao để vượt qua chúng.
Nơi đây Đức Phật khuyên chúng ta phải lương thiện, chuyên cần và hành động khôn ngoan nếu chúng ta muốn giải quyết những khó khăn.
Không có một phương pháp nào khác có thể đem đến giải pháp cuối cùng cho những khó khăn của chúng ta.
THAM DỤC ÍCH KỶ TẠO NHIỀU THÊM KHÓ KHĂN
Hệ thống giáo dục hướng nghiệp hiện đại đào tạo các học sinh trang bị được nhiều kiến thức học thuật hơn nhưng cũng phát triển lòng vị kỷ.
Hệ thống đó tạo ra người tài giỏi mà không phát triển tinh thần đạo đức cho họ.
Những người như vậy không quan tâm đến người khác hay đến thế giới miễn là họ được mức lợi lạc vật chất.
Qua xảo quyệt và áp dụng phương pháp khoa học để đạt ham muốn vị kỷ, chính họ càng ngày càng lo âu.
Con người ích kỷ tham đắm lạc thú hơn tất cả chúng sinh khác.
Họ vui sống cuộc đời trần tục và lạc thú nhục dục không nghĩ đến phúc lợi của người khác hay sự sống còn của các loài khác.
Họ muốn sống lâu để hưởng khoái lạc.
Họ phát triển lòng tham tài sản mà họ tích lũy và sợ chết vì không muốn ra đi bỏ lại các tài sản này trong khi các chúng sanh khác không có các tư tưởng ích kỷ như vậy.
Những chúng sanh này chỉ sử dụng ý thức của họ để sinh tồn và sống một cuộc đời thiên nhiên không làm hại người khác .
Có câu nói rằng chỉ con người mới tích lũy nhiều hơn số lượng thực phẩm mà họ có thể ăn được.
Tất cả những con vật khác chỉ lấy cho đủ để được sống mà thôi.
Cái gì chúng không cần thì chúng không lấy và để cho kẻ khác.
Ngày nay, chúng ta không quan tâm cả đến sự nghỉ ngơi mà say mê đến mức độ chúng ta trở thành nô lệ cho lòng ham muốn được tự mãn.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111