VĂN HÓA-ĐỜI SỐNG- KỸ NĂNG SỐNG ĐẸP

Vì sao bạn sợ nghèo? Nghèo có phụ gì người đời đâu…

Vì sao bạn sợ nghèo? Nghèo có phụ gì người đời đâu…

Chúng ta đã trách nhầm cái nghèo rồi!
Ngay cả con ma trong bài Trách ma nghèo của cụ Ngô Thì Sĩ cũng phải thanh minh rằng: “Nghèo có phụ gì người đời đâu”.
Bởi theo lời ma nghèo nói, thì: “Nghèo há chẳng lại rèn luyện ta nên người đó sao?”.
Nghèo có cái đức của nghèo
Con người đến thế gian, mấy ai được sinh ra trong danh gia vọng tộc, sống cả đời quyền quý cao sang?
Bởi không thể chọn hoàn cảnh, nên người ta mới liều mình phấn đấu một phen, suốt đời tích cóp, có được rồi lại muốn có nhiều hơn.
Thậm chí có người ngồi trên núi vàng mà vẫn không thỏa mãn, nhiều bao nhiêu vẫn là chưa đủ.
Khi tìm kiếm trong bất lực họ lại nhìn vào những kẻ thiếu thốn hơn mình mà thấy được an ủi phần nào.
Giữa biển người bon chen này, có mấy ai tự tại, mấy ai không so kè mà thấy đủ, thấy yên bình trong tâm?
Nếu ngày xưa cha mẹ sống là để ‘đức’ cho con, thì ngày nay cha mẹ phải chắt chiu dành dụm, để ‘tiền’ để ‘của’ cho con cái được dư dả sau này.
Nhưng nào ngờ, cái sự thừa thãi, ‘chỉ sẵn hưởng mà không phải bỏ công sức ra’ ấy lại chính là thứ độc dược làm hại thế hệ trẻ ngày nay.
Trong câu chuyện Trách ma nghèo, con ma nghèo đã nói với cụ Ngô Thì Sĩ rằng:
“Giàu vốn làm cho đời sống người ta phong phú, nhưng nghèo há chẳng lại rèn luyện ta nên người đó sao? Tôi nghe nói: lợi nhiều thì trí mờ ám, tiền dễ thì thêm mắc lỗi”.
Lời ma nghèo nói quả không sai.
Ngày nay không ít những cậu ấm cô chiêu làm hại cha mẹ, làm hại bản thân và hại cả người khác chỉ vì họ không thể học được cách nỗ lực, khiêm cung và cảm ân.
Tất cả cũng bởi “cái bọc điều bằng vải nhung” đã cho họ quen hưởng thụ từ khi mới lọt lòng.
Cái sự nghèo khó thủa hàn vi, xem ra lại là cơ hội tốt để tôi rèn ý chí và phẩm chất kiên cường.
Đó cũng là lý lẽ mà ma nghèo biện luận:
Tiên sinh lầm rồi! Cứ xem từ thời Hạ, Thương, Chu trở xuống, ở các nơi danh hương hiền phố, các vị khanh tướng có danh tiếng trong thiên hạ, hết thảy đều qua tay tôi điểm hóa trước, sau đó mới luyện đức tốt, thêm trí lực, rồi mới lập nên sự nghiệp phi thường. Thí dụ như Y Doãn trước nấu bếp, Thái Công Vọng làm nghề mổ gia súc, Nịnh Tử chăn trâu, Tô Quý Tử mặc áo cầu rách, đó đều là những tấm gương rõ ràng ở đời trước.
Có mười mẫu ruộng chỉ làm được ông lão nông; có nghìn vàng ở chợ chỉ được khen là anh lái buôn giàu. Nhưng một chàng áo vải thường làm nên khanh tướng, thế thì cái nghèo có phụ gì người đời đâu!”.

Suy đi nghĩ lại thì chẳng phải cái nghèo lại là cơ hội để tôi rèn ý chí và phẩm chất kiên cường đó sao. (Ảnh: mxpress.vn/)

Trái lại, giàu có lại là cạm bẫy khiến người ta dễ đánh mất bản thân.
Bởi càng giàu thì càng có điều kiện hưởng thụ, càng hưởng thụ thì lại càng mong muốn nhiều hơn, mong muốn càng thỏa mãn thì lại càng thêm tham lam vô độ.
Cứ tiếp tục mãi như thế, cuối cùng con người sẽ trở thành nô lệ của dục vọng.
Trong tập Trai nước Nam làm gì?, cụ Hoàng Đạo Thúy đã răn dạy con trai mình:
Bắt đầu chỉ là một chén trà thơm, rồi cùng đến một chén rượu ngon và ngọt. Ngồi trên xe kéo thấy dễ chịu mà rồi phải có cỗ xe máy hơi.
Đã cho trà thơm là ngon, đã biết ngồi xe là sướng, con đường cứ sâu mãi mãi.
Rồi không chén nước nào ngon đủ nữa, rồi không cỗ xe nào sang đủ nữa.
Vì lòng dục thả rông rồi.
Mà ‘nhân dục vô nhai’ (lòng dục của con người không có bờ bến – người viết).
Đến nỗi thấy rằng rượu ngon không có là đời không có vị, đến nỗi không nhảy múa là đời không đủ say mê, không xem chớp bóng là đời nhiều chỗ rỗng, thì hỏng dễ lắm; thiếu một thứ không chịu nổi nữa.
Đời đã là của đời của lòng dục rồi. Nước lã có một vị, rượu thì vô số mùi, đi chân chỉ có một lối mà xe bao nhiêu hạng…”
Ngẫm lại thì nghèo đúng là con đường dẫn ta vượt qua mọi cám dỗ để sống ung dung tự tại, hạnh phúc từ trong tâm:
Bởi nghèo nên chỉ uống thứ nước thanh đạm, nào biết đến cái say của rượu, nên sẽ chẳng sợ rượu hại ta đến bệnh tật giày vò, đau đớn khắp thân.
Bởi nghèo nên phải đi bằng chính đôi chân của mình, nào cần đến siêu xe hào nhoáng, nào cần sự diêm dúa màu mè?
Ta sẽ chọn lối đi thẳng nhất, chân chính nhất, bỏ qua ong lơi bướm lả, bỏ qua mọi cám dỗ bên đường.
Bởi nghèo nên mới phải tự thân vận động, nỗ lực không ngừng, và ta lại càng có động lực để tu dưỡng và hoàn thiện bản thân.
“… dù trong sạch mà đói khổ, cũng chỉ thiệt đói các xác ta thôi. Tâm hồn ta vẫn thảnh thơi, vẫn sung sướng được là tâm hồn trong sạch” – (Trích Trai nước Nam làm gì?).
Thế mới biết: nghèo cũng có cái đức của nghèo.
Ta nghèo về thể xác nhưng lại giàu về tâm hồn; ta thiếu thốn về vật chất nhưng lại đủ đầy về đức tính: chăm chỉ, đơn thuần, chân thật, giản dị, không câu nệ hình thức…
Do đó, người kết giao với ta là vì cái tấm chân tình chứ không phải vì tên tuổi, địa vị hay tiền tài.
Nghèo còn cho ta tự do, bởi không bị tiền bạc dẫn dắt nên ta mới có thể ung dung tự tại.
Khổng Tử từng nói: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu yên ổn), bởi không bị vật chất sai khiến nên ta mới giữ được cái liêm sỉ, cái chí khí của mình.

Cái nghèo còn cho ta tự do, bởi không bị tiền bạc dẫn dắt… (Ảnh: ivsky.com)

Giàu chẳng phải cái tội
Nhưng không phải nói rằng giàu là tội lỗi, nghèo là thanh cao.
Bản thân giàu nghèo không phải là đúng hay sai, cũng chẳng phải là cái nào tốt hơn cái nào.
Mà chỉ là ở hoàn cảnh của bản thân, con người đối đãi ra sao với những thứ mình có và không thể có.
Giàu đâu có gì sai nếu ta không bon chen, giành giật, chiếm đoạt thứ của người bằng những thủ đoạn xấu xa.
Mà ngược lại, càng giàu thì ta càng có điều kiện để giúp đỡ người khác, giúp đỡ cộng đồng.
Đó cũng là cách để tri ân tới những gì mà số phận đã ưu ái dành cho ta.
Quẻ Khiêm trong Chu Dịch có viết:
“Đạo trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiết hụt. Quy luật của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì được đắp bồi. Luật quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn. Đạo làm người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương”.
Vậy nên giàu có mà chỉ bo bo giữ cho riêng mình thì không khác gì ‘chỗ thừa chẳng bị rút bớt mà còn chất cho đầy, chỗ cao chẳng bị xói mòn mà còn bồi thêm cao’.
Cũng là nói, giàu có mà chỉ lo hưởng thụ cho sướng cái thân, cho thỏa cái dục vọng phù phiếm của mình thì chẳng phải cũng là vi phạm đạo cân bằng của Đất Trời đó sao?
Giữ nhiều quá thì sẽ lo bị mất, nắm đầy quá thì sẽ lo bị đổ – như thế thì sao mà hạnh phúc cho được?
Có câu chuyện kể rằng, một lần Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, có cách gì giữ cho đầy mà khỏi đổ chăng?”.
Khổng Tử đáp: “Thông minh thánh trí thì giữ bằng ngu độn; công lớn tiếng to thì giữ bằng nhường nhịn; sức khỏe dũng đảm thì giữ bằng nhút nhát; giàu có hiển vinh thì giữ bằng nhún mình. Đó là cách bỏ bớt đi cho khỏi đổ”.
Giàu hay nghèo, hóa ra đều là cơ hội để tu luyện con người.
Nghèo thì để ta vượt qua nghịch cảnh, nuôi dưỡng ý chí và gìn giữ phong vị thanh tao, tiết tháo của mình.
Giàu thì để ta buông bỏ dục vọng, gìn giữ sự khiêm cung, lễ nghĩa.
Thế nên giàu nghèo đều chẳng phải là tội, có chăng là tội ở con người.
Thế thì trách đời làm mình nghèo mà chi, đổ lỗi tại mình giàu làm gì.
Con người sống trong hoàn cảnh nào cũng cần phải tu bỏ dục vọng, nếu không sẽ chỉ thấy đời khổ ải mà thôi.
Hạnh phúc, bình yên không nằm ở hoàn cảnh, không nằm ở tấm thân, mà nằm ở nội tâm tự do tự tại của mỗi người.

Thuần Dương

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111