Những ông tổ của môn địa lý – phong thủy
Những ông tổ của môn địa lý – phong thủy
Nước ta là một quốc gia ở khu vực nhiệt đới gió mùa.
Thiên nhiên có nhiều phần ưu đãi, nhưng thời tiết thường diễn biến một cách bất thường “sớm ngăn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”.
Hay như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: “Những trưa tháng sáu Nước như ai nấu Chết cả cá cờ Cua ngoi lên bờ Mẹ em xuống cấy…”
Đứng trước những thực trạng đầy cam go, khắc nhiệt của tự nhiên, con người có yêu cầu bức thiết về nơi ở, an toàn, đảm bảo về sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, để quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, học tập nghiên cứu, đạt hiệu quả cao nhất.
Và môn khoa học phong thủy đã ra đời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đó .
Phong thủy là gì?
Theo nghĩa chiết tự thì “phong” có nghĩa là gió, là những luồng không khí chuyển động trong không gian, có tác động ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người. “Thủy” là chế độ nước, bao gồm cả mạch nước ngầm, và hệ thống nước lộ, như sông, suối, ao, hồ.
Như vậy bộ môn này không có gì cao siêu thần bí, ngược lại nó rất gần gũi và có giá trị thực tiễn lớn lao trong cuộc sống con người, xã hội.
Định nghĩa một cách đầy đủ thì phong thủy là toàn bộ hệ thống lý luận về đặc điểm địa hình, các nhân tố môi trường (hướng gió, chế độ nước, núi non,…)và quá trình tác động qua lại giữa chúng và cuộc sống con người (sức khỏe, cát – hung, thịnh – suy của người sống trên đó ), phong thủy còn phương pháp lựa chọn, thiết kế xây dựng nhà ở và âm phần.
Phong thủy âm trạch luận đoán về vấn đề âm phần, mộ của người đã khuất đối với các thành viên khác trong gia đình.
Phong thủy dương trạch bao gồm các công trình kiến trúc nhà ở, biệt thự, văn phòng, thị trấn, thị tứ, trung tâm thương mại…
Phong thủy ra đời từ rất lâu rồi, với đặc điểm của nền văn minh nông nghiệp “dĩ nông vi bản”, thì việc lựa chọn nơi ở tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất đã có từ rất lâu.
Ở Trung Quốc từ thời kỳ cổ đại Hạ – Thương – Tây Chu, phong thủy đã manh nha, mầm mống.
Bộ môn này được các bậc học giả, hệ thống hóa, khái quát hóa, thành hệ thống lý luận cơ bản, và các thế hệ về sau nghiên cứu phát triển thêm học thuyết này.
Ở Trung Hoa người đầu tiên có công trong bộ môn khoa học này là Quản Lộ, ông sống vào thời kỳ Tam quốc (184 – 280 sau CN).
Quản Lộ tự là Công Minh, là người Bình Nguyên, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, ông là người dung mạo thô xấu, gọi là dị tướng, tính khí lông bông, ham rượu.
Quản Lộ xuất thân trong một gia đình trí thức nhỏ thời bấy giờ.
Khi còn nhỏ, ông là người ham tìm hiểu khám phá về thiên văn, địa lý phong thủy. Lúc trưởng thành ông tinh thông Dịch lý huyền cơ, nổi tiếng dự đoán, ứng nghiệm như thần.
Có lần, Quản Lộ còn đoán số cho Tào Tháo.
Về phong thủy – địa lý, ông giỏi cả về âm trạch lẫn dương trạch.
Tác phẩm của ông về môn khoa học này là “Quản Thị địa lý chỉ mông”, gồm 10 cuốn, 100 thiên, nội dung rất sâu sắc, huyền bí.
Quách Phác đời Tấn tự là Cảnh Đôn, sinh ra tại Hà Đông nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Ông sống vào thời Tấn (276 – 324).
Sách Thái Bình quảng ký viết về ông: “Quách Phác hiểu biết bao la, biết thiên văn, địa lý, quy thủ long đồ, hào tượng sấm vĩ, bói dịch bằng mai rùa, cỏ thi, lời sấm ngữ, đặt mộ,chọn đất ở… không gì là không tinh thông”.
Ông để lại hai cuốn tài liệu “Táng thư” (âm trạch), “Tướng địa thuật” (Dương trạch)
Dương Quân Tùng đời Đường : tên húy của ông là Ích, tự Thúc Mậu, Quân Tùng là biệt hiệu.
Ông sống vào thời nhà Đường (617 – 907), sinh tại Quảng Châu.
Dương Quân Tùng từng giữ chức quan trông coi việc xem thiên văn, dự đoán vận mệnh quốc gia, phong thủy địa lý, tế lễ quan trọng trong triều đình.
Trước khi Hoàng Sào khởi nghĩa lật đổ triều Đường, ông tiên liệu được việc này và về quê ở ẩn.
Dương Quân Tùng, soạn sách “Chính long tử kinh”, mở đầu cho học thuyết phong thủy Loan đầu*
Trải qua mấy thế kỷ loạn lạc, đến đời Tống, Lại Văn Tuấn kế thừa sự nghiệp của các danh sư trước đó.
Lại Văn Tuấn tự là Thái Tố, làm quan tại Phúc Kiến.
Là một danh gia địa lý – phong thủy Trần Đoàn đời Tống, tự là Đồ Nam, hiệu là Hy Di, người An Huy.
Ông từng có cơ duyên gặp Vua Tống Thái Tổ, khi còn nhỏ, được mẹ đưa đi chạy loạn.
Sinh thời được chứng kiến Vua Tống gây dựng cơ nghiệp thái bình.
Ông tinh thông dịch lý, âm dương ngũ hành, tò tường vạn sự, là tổ sư môn Tử vi đẩu số, Hà lạc bát tự, về phong thủy, ông cũng có đóng góp lớn lao, học thuyết của ông ứng dụng nhuần nhuyễn Kinh dịch vào phong thủy, từ khí suy ra lý .
Lưu Cơ đời Minh tự là Bá Ôn. Ông là người Triết Giang.
Lưu Cơ là quân sư xuất sắc giúp vua Thái Tổ Chu Nguyên Chương khởi nghĩa nông dân, đánh đuổi, đạp tan ách đô hộ của nhà Nguyên, dựng nên triều Minh (1368 – 1644).
Về học thuật, ông soạn sách “Kham dư mạn hứng” nội dung của sách là những điều ông tâm đắc và bí kíp về địa lý phong thủy.
Hiện nay tài liệu này vẫn còn được lưu truyền, biên soạn và học tập
Ở nước ta, phong thủy bắt đầu từ thời Hùng vương dựng nước, Vua Hùng định đô ở Phú Thọ, chọn thế đất có 99 ngọn núi quy tụ,như 99 con voi cùng triều về, vượng khí chói chang, dựng nên cơ nghiệp đế vương truyền tới 18 đời vua.
Đến Vua Thái Tổ Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư – Ninh Bình về Đại La năm 1010, mà nay là thủ đô Hà Nội cũng là một quyết định sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược về phong thủy…
Trong chiếu dời đô Vua viết: “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Chu Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại; ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, nhà Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?” (Trích Chiếu dời đô – Lý Thái Tổ) .
Tả Ao tiên sinh, một người Việt Nam là học trò chân truyền của môn địa lý, phong thủy, là người đặt nền móng và đưa phong thủy nước ta lên một tầm cao mới.
Cụ Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyên, quê tại làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ sống vào thời Vua Lê – Chúa Trịnh, không rõ năm sinh, năm mất. Sinh thời, cụ xuất thân trong một gia đình nghèo khó, thân mẫu bị bệnh, cụ theo một thầy thuốc Tàu sang Trung Hoa học về y thuật và xin thuốc để trị bệnh cho mẹ.
Trong quá trình học tập, cụ chữa khỏi mắt cho một thầy địa lý người Hoa.
Thầy địa lý thấy cụ là người chí hiếu, chí tình, tận tâm, trung hậu, đĩnh ngộ hơn người, nên đã đem toàn bộ bí kíp về địa lý – phong thủy truyền lại cho cụ, chỉ sau một năm cụ nhuần nhuyễn, tinh thông môn khoa học này.
Sau này về nước cụ vừa dùng y thuật chữa bệnh, khi nào cần thiết thì cụ mới dùng tới môn địa lý phong thủy, tuy nhiên, về phong thủy danh tiếng của cụ lẫy lừng trong nước.
Di sản để lại của cụ gồm có sách “Địa đạo diễn ca” và “Dã đàm Tả Ao”, được coi là tài liệu quý hiếm về chuyên ngành địa lý, phong thủy.
Ngày nay, sách của cụ vẫn được in ấn, xuất bản, lưu hành, nghiên cứu.
Cụ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, cụ sống vào thời Tây Sơn, từng giúp vua Quang Trung trù liệu kế hoạch đuổi quân Thanh xâm lược, lo công việc nội trị, đổi mới về kinh tế, sản xuất, và văn hóa giáo dục.
Theo sách Tử vi nghiệm lý của cụ Thiên Lương, thì Phu tử mệnh lập tại Tỵ, đắc Thiên cơ thế vượng, văn tinh hội hợp rất mạnh, nên cụ nổi tiếng thông minh quán chúng, văn chương nổi tiếng.
Không những thế, Thiên cơ còn là một sao học thuật, cụ nổi tiếng về nhâm độn và địa lý, phong thủy.
Tiếc rằng, các thế hệ sau như chúng ta không được học tập di sản của cụ.
Cụ Nguyễn Sinh Khiêm – anh trai Hồ Chủ tịch cũng là một nhà phong thủy nổi tiếng.
Theo “Búp sen xanh” của Sơn Tùng, “Những người thân trong gia đình Bác Hồ”, thì cụ Nguyễn Sinh Khiêm là một trí thức yêu nước chân chính, xuất thân từ Nho học, cụ được kế thừa và truyền dạy về thuật phong thủy, sinh thời cụ tư vấn, hướng dẫn người khác thiết kế nhà ở, bằng một phương pháp độc đáo và sáng tạo của riêng cụ.
Cụ cũng là người có công lao đối với nền phong thủy của dân tộc.
Giáo sư Vũ Khiêu có viết về thời dựng nước của dân tộc ta: “Cuộc mưu sinh vất vả khôn cùng Đường lập nghiệp gian nan xiết kể Nào rừng rậm, đầm lầy, núi thẳm, sông sâu há quản xông pha Nào hổ báo, kình nghê, bão giông, bệnh tật, lấy gì bảo vệ…?”
Ngày nay, chúng ta sống trong một xã hội thái bình, không còn chiến tranh, nghèo đói đe dọa nữa.
Đã xa rồi cái thời kỳ con người không thể làm chủ tự nhiên, luôn luôn bị chi phối, lệ thuộc, và nơm nớp lo sợ.
Cuộc sống của chúng ta càng văn minh, nhân ái và hạnh phúc, thì vấn đề xây dựng, thiết kế, các công trình nhà ở, dân sinh, dân sự càng phải khoa học, hợp lý.
Và vì lẽ đó, giá trị của phong thủy lại càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.