TÂM: MÊ VÀ NGỘ – NGỘ TÁNH LUẬN (BỒ ĐỀ ĐẠT MA)
TÂM: MÊ VÀ NGỘ – NGỘ TÁNH LUẬN (BỒ ĐỀ ĐẠT MA)
Đạo thì lấy tịch diệt làm thể, tu thì lấy lìa tướng làm tông. Thế nên Kinh nói: “Tịch diệt là Bồ đề (Giác ngộ), vì diệt các tướng vậy”. Phật là giác vậy. Người có tâm giác, đắc đạo giác ngộ, nên gọi là Phật. Kinh nói: “Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật”. Thế nên hãy biết rằng có tướng là tướng của vô tướng, chẳng có thể lấy mắt mà thấy, chỉ có thể dùng trí mà biết. Nếu nghe Pháp này mà sanh một niệm tín tâm, người này đã phát Đại thừa, siêu vượt ba cõi.
Ba cõi là tham sân si. Ngược lại với tham sân si là giới định huệ, gọi là siêu vượt ba cõi. Nhưng tham sân si cũng không có thật tánh, chỉ nương nơi chúng sanh mà nói. Nếu có thể chiếu soi trở lại thì thấy rõ ràng tánh của tham sân si chính là Phật tánh. Ngoài tham sân si thì không có Phật tánh riêng khác. Kinh nói “Chư Phật từ xưa nay, thường ở nơi ba độc trưởng dưỡng pháp trắng sạch mà thành Thế Tôn”. Ba độc là tham sân si vậy.
Nói Đại thừa là Tối thượng thừa, đều là chỗ hành của Bồ tát. Không có chỗ nào chẳng thừa, cũng không có chỗ nào thừa. Suốt ngày thừa mà chưa từng thừa. Đó là Phật thừa. Kinh nói “Không có thừa là Phật thừa”.
Nếu có người biết sáu căn chẳng thật, năm uẩn là giả danh, thế thì ở khắp nhưng tìm cầu thì không có chỗ cố định, nên biết người ấy hiểu được lời Phật. Kinh nói: “Hang động năm uẩn gọi là thiền viện, soi chiếu vào trong mà mở tỏ tức là cửa Đại thừa”. Há chẳng rõ ràng sao?
Chẳng nhớ nghĩ tất cả pháp thì gọi là thiền định. Biết tâm là Không gọi là thấy Phật. Vì sao thế? Mười phương chư Phật đều là vô tâm. Không thấy có tâm gọi là thấy Phật.
Bỏ thân không tiếc gọi là đại bố thí. Lìa các động tịnh gọi là đại tọa thiền. Vì sao thế? Phàm phu một mực hướng động, Tiểu thừa một mực hướng định. Tọa thiền vượt khỏi phàm phu và Tiểu thừa gọi là đại tọa thiền. Nếu hiểu được chuyện này, tất cả các tướng chẳng cầu mà tự giải thoát, tất cả các bệnh chẳng trị mà lành. Đây đều là lực đại thiền định.
Hể đem tâm cầu pháp là mê, chẳng đem cầu pháp là ngộ, không vướng chữ nghĩa gọi giải thoát, không nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp (bảo vệ, giữ gìn Pháp), ra khỏi sanh tử gọi là xuất gia, chẳng chịu đời sau gọi là đắc đạo, vọng tưởng chẳng sanh gọi là Niết bàn, chẳng chứa vô minh là đại trí huệ, không có chỗ cho phiền não gọi là Bát Niết bàn, không cso chỗ cho tâm và tướng gọi là bờ bên kia.
Mê thì có bờ bên này, ngộ thì không có bờ bên này. Vì sao thế? Vì phàm phu cứ một mực trụ ở bên này. Nếu giác tối thượng thừa, tâm chẳng trụ bên này cũng chẳng trụ bên kia, cho nên có thể lìa bờ này bờ kia. Nếu thấy bờ này khác với bờ kia, tâm người ấy chưa được không thiền định.
Phiền não gọi là chúng sanh, ngộ gọi là Bồ đề, cũng chẳng một chẳng khác, chỉ do mê ngộ mà cách nhau. Mê thì có thế gian để ra khỏi, ngộ thì không có thế gian nào để ra khỏi.
Trong pháp bình đẳng chẳng thấp phàm phu khác với thánh nhân. Kinh nói: “Pháp bình đẳng thì phàm phu chẳng thể nhập, thánh nhân chẳng thể hành”. Pháp bình đẳng duy chỉ Đại Bồ tát cùng chư Phật hành. Nếu thấy sanh khác với tử, động khác với tịnh, đều gọi là chẳng bình đẳng. Chẳng thấy phiền não khác với Niết bàn gọi là bình đẳng. Vì sao thế? Phiền não và Niết bàn cùng một tánh Không vậy.
Bậc Tiểu thừa do vọng đoạn phiền não, vọng nhập Niết bàn, bèn bị Niết bàn làm ngưng đọng. Bồ tát biết phiền não vốn tánh Không, tức chẳng lìa Không nên thường ở Niết bàn. Niết bàn này, Niết là chẳng sanh, Bàn là chẳng tử. Ra khỏi sanh tử, ngoài Bát Niết bàn, tâm không đến đi tức là nhập Niết bàn. Thế nên biết Niết bàn tức là tâm không. Chư Phật nhập Niết bàn là ở chỗ không có vọng tưởng. Bồ tát nhập đạo tràng, đó là chỗ không có phiền não.
Chỗ trống rỗng rảnh rang tức là không có tham sân si vậy. Tham là cõi dục, sân là cõi sắc, si là cõi vô sắc. Nếu một niệm tâm sanh tức vào ba cõi, một niệm tâm diệt tức ra ba cõi. Thế mới biết ba cõi sanh diệt, muôn pháp có không, đều do một niệm. Nói “pháp” tức là gồm cả những vật vô tình như gạch ngói, đá, cỏ cây.
Nếu biết tâm là giả danh, không có thật thể, tức biết tự tâm mình cũng chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không. Vì sao thế? Phàm phu một bề sanh tâm, đó gọi là có. Tiểu thừa một bề diệt tâm, đó gọi là không. Bồ tát và Phật chưa từng sanh tâm, chưa từng diệt tâm, gọi là tâm chẳng phải có chẳng phải không. Tâm chẳng phải có chẳng phải không, đó gọi là Trung đạo. Thế nên biết lấy tâm để học pháp thì tâm, pháp đều mê. Không lấy tâm để học pháp thì tâm, pháp đều ngộ. Phàm mê là mê trong cái ngộ, ngộ là ngộ nơi cái mê. Người chánh kiến thì biết tâm không một vật, liền siêu vượt mê ngộ. Không có mê ngộ mới gọi là hiểu chân chánh.
Cái thấy chân chánh là sắc chẳng tự là sắc, do tâm nên có sắc; tâm chẳng tự là tâm, do sắc nên có tâm. Thế nên biết hai tướng tâm và sắc đều sanh diệt. Có là có đối với không, không là không đối với có. Đó là thật thấy. Phàm cái thấy chân thật thì không có cái gì chẳng thấy, mà cũng chẳng không thấy cái gì, thấy đầy khắp mười phương mà chưa từng thấy. Vì sao thế? Vì không có chỗ thấy, thấy không chỗ thấy, thấy mà chẳng thấy vậy. Chỗ thấy của phàm phu, đều là vọng tưởng. Nếu tịch diệt không có cái thấy, đó mới gọi là cái thấy chân thật.
Tâm cảnh đối nhau, cái thấy sanh ra ở giữa. Nếu trong không khởi tâm, thì ngoài không sanh cảnh; cảnh và tâm đều tịnh, gọi là cái thấy chân thật. Khi hiểu như vậy, thì gọi là hiểu biết chân chánh.
Chẳng thấy tất cả pháp bèn gọi là đắc đạo. Chẳng hiểu tất cả pháp bèn gọi là hiểu pháp. Vì sao thế? Thấy cùng chẳng thấy đều là không thấy. Hiểu cùng chẳng hiểu đều là không hiểu. Cái thấy của không thấy bèn gọi là thấy chân thật. Cái hiểu của không hiểu mới gọi là hiểu lớn.
Phàm chánh kiến thì chẳng phải thấy ngay nơi cái thấy, mà là thấy nơi chẳng thấy. Hiểu chân thật thì chẳng phải hiểu ở nơi cái hiểu, mà là hiểu nơi không có cái hiểu. Có chỗ để hiểu đều là chẳng hiểu. Không có chỗ hiểu mới gọi là hiểu chân chánh. Hiểu và chẳng hiểu đều là chẳng phải hiểu. Kinh nói: “Không bỏ trí huệ gọi là ngu si”. Vì tâm là Không, nên hiểu và chẳng hiểu đều là chân. Nếu tâm là có, thì hiểu và chẳng hiểu đều là vọng.
Khi hiểu thì pháp chạy theo người, khi không hiểu thì người chạy theo pháp. Nếu pháp theo người ắt phi pháp cũng thành pháp. Nếu người theo pháp ắt pháp cũng thành phi pháp. Nếu người theo pháp ắt pháp đều vọng. Nếu pháp theo người thì pháp đều chân. Thế nên thánh nhân không đem tâm cầu pháp, cũng chẳng đem pháp cầu tâm, cũng chẳng đem pháp cầu pháp. Do đó tâm chẳng sanh pháp, pháp chẳng sanh tâm, tâm và pháp cả hai đều tịch diệt, thế nên thường ở trong định.
Tâm chúng sanh mà sanh, ắt Phật pháp diệt. Tâm chúng sanh diệt ắt Phật pháp sanh. Tâm hể sanh thì chân pháp diệt, tâm diệt thì chân pháp sanh. Đã biết tất cả các pháp mỗi mỗi đều chẳng dính mắc nhau, đó gọi là người đắc đạo. Biết tâm chẳng dính mắc tất cả pháp, người này thường ở trong đạo tràng.
Mê thì có tội, hiểu thì vô tội! Vì sao thế? Tánh của tội vốn không vậy. Nếu mê thì không có tội mà thấy ra tội; nếu hiểu thì nơi tội mà chẳng phải tội. Vì sao thế? Tội không có xứ sở vậy. Kinh nói: “Các pháp không có tánh”. Hãy dùng ngay cái tánh Không này, chớ có nghi. Nghi tức thành tội. Vì sao thế? Tội do nghi ngờ mà sanh. Nếu hiểu như vậy, tội nghiệp đời trước liền bị tiêu diệt.
Mê thì sáu thức năm uẩn đều là pháp sanh tử phiền não, ngộ thì sáu thức năm uẩn đều là pháp Niết bàn không sanh tử.
Người tu đạo không cầu đạo ở ngoài. Vì sao thế? Vì biết tâm là đạo. Nếu đắc tâm bèn không có tâm để đắc. Nếu đắc đạo bèn không có đạo để đắc. Nếu nói đem tâm cầu đạo mà đắc, đều gọi là tà kiến. Mê thì có Phật, có Pháp; ngộ thì không Phật không pháp. Vì sao thế? Ngộ tức là Phật pháp.
Phàm tu đạo thì thân diệt đạo thành, như vỏ cây bóc khỏi thân cây. Thân do nghiệp báo này, niệm niệm vô thường, không có pháp nhất định. Chỉ theo niệm mà tu, cũng chẳng được ghét sanh tử, cũng chẳng được yêu sanh tử. Chỉ trong mỗi niệm mỗi niệm chẳng có vọng tưởng thì khi sống chứng Niết bàn Hữu dư, chết nhập Vô sanh pháp nhẫn.
Ban Biên Tập Tại Đây Và Bây Giờ dịch
(Ảnh: Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma làm bằng tóc phật tử tại Tây Tạng Tự – Bình Dương ,Pho tượng đã được công nhận là kỷ lục Việt Nam và đang được đề xuất kỷ lục Châu Á.)