HỌC THUẬT- ĐẠO GIÁO - MINH TRIẾT THẾ GIỚI

NGỘ TÁNH LUẬN – TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

NGỘ TÁNH LUẬN – TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Khi mắt thấy sắc, chẳng nhiễm nơi sắc, khi tai nghe tiếng chẳng nhiễm nơi tiếng thì đều là giải thoát cả. Mắt chẳng vướng sắc, mắt là cửa Thiền, tai chẳng vướng tiếng, tai là cửa Thiền. Nói tóm, thấy sắc trước mắt mà thấy tánh của sắc, bèn chẳng vướng mà thường giải thoát. Còn nếu thấy tướng của sắc thì thường bị trói buộc,chẳng bị phiền não trói buộc đó gọi là giải thoát, chớ không có giải thoát nào khác ngoài chuyện ấy. Khéo quán thấy sắc, sắc chẳng sanh tâm, tâm chẳng sanh sắc, tức là sắc và tâm đều thanh tịnh.

Khi không có vọng tưởng, một tâm là một cõi Phật, khi có vọng tưởng, một tâm là một địa ngục. Chúng sanh tạo tác vọng tưởng, dùng tâm sanh tâm nên thường ở địa ngục. Bồ tát quán sát vọng tưởng, chẳng lấy tâm sanh tâm, ắt tâm tâm nhập Không, niệm niệm về tĩnh, từ một cõi Phật đến một cõi Phật. Nếu lấy tâm sanh tâm, ắt tâm tâm chẳng tĩnh, niệm niệm về động, từ một địa ngục đến một địa ngục. Nếu một niệm tâm khởi, bèn có hai nghiệp, thiện ác, có thiên đường địa ngục. Nếu một niệm tâm chẳng khởi, tức là không có hai nghiệp thiện ác, cũng không có thiên đường địa ngục.

Thể thì chẳng phải có chẳng phải không. ở phàm là có, ở thánh là không. Thánh nhân không có tâm ấy nên thân tâm trống không, bao la như bầu trời.

Sau đây là sự chứng nhập Đại Đạo, chẳng phải là cảnh giới của phàm phu và Tiểu thừa.

Khi tâm đắc Niết bàn thì chẳng thấy có Niết bàn. Vì sao thế ? Tâm là Niết bàn. Nếu ngoài tâm mà thấy Niết bàn, đó gọi là vướng mắc tà kiến.

Tất cả phiền não là hạt giống tâm Như Lai, vì do phiền não mà đắc trí huệ. Chỉ có thể nói phiền não sanh Như Lai, không thể nói phiền não là Như Lai. Thế nên, thâm tâm là ruộng đất, phiền não là hạt giống, trí huệ là mầm chồi, Như Lai ví như lúa đậu.
Phật ở trong tâm, như hương ở trong cây. Phiền não mà hết thì Phật từ tâm xuất hiện, mục nát mà hết thì hương từ cây phát ra. Tức biết ngoài cây không có hương, ngoài tâm không có Phật. Nếu ngoài cây có hương, đó là hương khác, ngoài tâm có Phật , đó là Phật khác.

Trong tâm có ba độc, đó gọi là cõi nước dơ xấu. Trong tâm không có ba độc, đó gọi là cõi nước thanh tịnh. Kinh nói: “ Nếu làm cho cõi nước chẳng tịnh, dơ xấu đầy dẫy, chư Phật Thế Tôn ở trong đó mà xuất hiện, thì không có chuyện ấy.” Chẳng tịnh, dơ xấu là vô minh ba độc vậy. Chư Phật Thế Tôn chính là tâm thanh tịnh giác ngộ vậy.

Tất cả ngôn ngữ không có cái gì chẳng phải là Phật Pháp. Nếu có thể không có gì để nói mà suốt ngày nói thì đó là đạo. Nếu có gì để nói mà suốt ngày im lặng thì cũng chẳng phải là đạo. Thế nên Như Lai nói mà chẳng dựa vào im, im mà chẳng dựa vào nói, nói cũng chẳng lìa im. Ngộ như vậy thì nói hay im đều ở trong Tam muội. Nếu biết thời mà nói, thì nói cũng giải thoát. Nếu không biết thời mà im, thì im cũng trói buộc. Thế nên nói mà lìa tướng, thì nói cũng là giải thoát, im mà bám tướng thì im tức là trói buộc. Bản tánh văn tự vốn giải thoát, văn tự chẳng hề làm ra trói buộc, trói buộc xưa nay chưa thành ra văn tự.

Pháp vốn không cao thấp, nếu thấy cao thấp thì không có Pháp vậy. Pháp chẳng phải là bè, nhưng pháp vì người mà làm bè. Người đi bè ấy thì vượt khỏi phi pháp, đó là pháp vậy.

Theo thế tục mà nói thì có nam nữ, sang hèn. Nơi đạo mà nói thì không có nam nữ, sang hèn. Do đó khi thiên nữ ngộ đạo chẳng đổi thay hình nữ, Xa Nặc hiểu chân, không đổi cách xưng hô. Cái ấy chẳng phải nam nữ sang hèn, đều là Một Tướng vậy. Thiên nữ trong mười hai năm tìm cầu tướng nữ mà rốt ráo chẳng thể được, tức cũng biết trong mười hai năm cầu tướng nam cũng chẳng thể được. Mười hai năm tức là mười hai nhập vậy.

Lìa tâm không có Phật, lìa Phật không có tâm, cũng như lìa nước thì không có băng, lìa băng thì không có nước. Nói là lài tâm, chẳng phải là lìa bỏ tâm, chỉ bảo chớ bám mắc tướng của tâm. Kinh nói: “ Chẳng thấy tướng gọi là thấy Phật.” Tức là lìa tướng của tâm vậy.

Nói lìa tâm không có Phật là nói Phật từ tâm xuất, tâm có thể sanh Phật. Nhưng Phật từ tâm sanh, mà tâm chưa từng sanh ra Phật. cũng như cá sanh trong nước, nhưng nước chẳng sanh ra cá. Muốn thấy cá thì chưa thấy cá mà thấy nước trước. Muốn thấy Phật thì chưa thấy Phật mà thấy tâm trước. Tức biết để thấy cá phải quên nước, để thấy Phật phải quên tâm. Nếu chẳng quên tâm thì bị tâm làm cảm xúc, nếu chẳng quên nước thì bị nước làm mê.

Chúng sanh và Bồ đề (giác ngộ) cũng như băng và nước. Bị ba độc thiêu đốt thì gọi là chúng sanh, do ba giải thoát môn mà thanh tịnh, gọi là Bồ đề. Bị ba mùa Đông đông cứng gọi là băng, do ba mùa hè làm tiêu, gọi là nước. Nếu bỏ băng thì không có riêng nước, nếu bỏ chúng sanh thì không có riêng Bồ đề. Phải rõ biết tánh băng tức là tánh nước, tánh nước tức là tánh băng. Tánh chúng sanh tức là tánh Bồ đề. Chúng sanh và Bồ đề đồng một tánh, cũng như ô đầu và phụ tử cùng một rễ, chỉ có thời tiết chẳng đồng. Mê thì thấy cảnh khác nhau, nên có hai tên chúng sanh và Bồ đề. Cho nên rắn hóa rồng chẳng đổi vảy, phàm biến thành thánh, chẳng thay đổi mặt, chỉ là trí huệ tỏ rõ tâm ở bên trong, giới hạnh soi chiếu thân ở bên ngoài.

Quả thật, chúng sanh độ Phật, Phật độ chúng sanh, gọi là bình đẳng. Chúng sanh độ Phật là phiền não sanh hiểu ngộ. Phật độ chúng sanh là hiểu ngộ diệt phiền não. Thế nên biết rằng chẳng phải không có phiền não, chẳng phải không có hiểu ngộ. Thế nên biết rằng chẳng phải phiền não không có mà sanh được hiểu ngộ, chẳng phải hiểu ngộ không có mà diệt được phiền não.

Nếu khi mê thì Phật độ chúng sanh. Nếu khi ngộ thì chúng sanh độ Phật. Vì sao thế? Phật chẳng tự thành, đều do chúng sanh độ vậy. Chư Phật lấy vô minh làm cha, tham ái làm mẹ. Vô minh, tham ái đều là tên khác của chúng sanh. Chúng sanh cùng vô minh cũng như tay trái với tay phải, bèn chẳng khác vậy.

Khi mê thì ở bờ bên này, khi ngộ thì ở bờ bên kia. Nếu biết tâm là Không, chẳng thấy tướng, liền lìa mê, ngộ. Đã lìa mê ngộ, cũng không có bờ kia. Như Lai chẳng tại bờ này cũng chẳng ở bờ kia, chẳng ở giữa dòng, giữa dòng là người Tiểu thừa. Bờ này là người phàm phu. Bờ kia là Bồ đề.

Phật có ba thân: hóa thân, báo thân, pháp thân. Hóa thân cũng gọi là Ứng thân. Nếu chúng sanh khi hiện làm thiện tức là hóa thân, khi hiện ra trí huệ là báo thân, hiện giác vô vi tức là pháp thân. Thường hiện bay khắp mười phương tùy nghi cứu giúp là hóa thân Phật. Nếu đoạn mê lầm thị hiện ở Tuyết sơn thành đạo là báo thân Phật. Không lời không nói, không làm không đắc, trong lặng thường trụ là pháp thân Phật vậy. Nếu luận cho cùng thì một Phật còn không có, huống gì là ba. Ba thân này chỉ y cứ trên trí người vậy.

Người có ba hạng thượng, trung, hạ. Người hạ trí vọng tạo phước đức, vọng thấy hóa thân Phật. Người thượng trí vọng chứng Bồ đề, vọng thấy pháp thân Phật. Người thượng thượng trí nội chiếu tròn lặng, rõ tâm là Phật, không dùng tâm mà đắc trí Phật, biết ba thân cùng vạn pháp đều chẳng thể nắm, chẳng thể nói. Đây là tâm giải thoát, trọn thành đại đạo. Kinh nói: “ Phật chẳng thuyết pháp, chẳng độ chúng sanh, chẳng chứng Bồ đề.” Đây là như vậy.

Chúng sanh tạo nghiệp, nghiệp chẳng tạo chúng sanh. Đời này tạo nghiệp, đời sau lãnh nhận quả báo, không thể tránh khỏi. Chỉ có người hoàn hảo, ở nơi thân này không tạo các nghiệp nên chẳng nhận quả báo. Kinh nói: ” Các nghiệp không tạo, tự nhiên đắc đạo.” Đó là lời hư vọng sao?

Người hay tạo nghiệp, nhưng nghiệp chẳng thể tạo ra người. người nếu tạo nghiệp thì nghiệp và người cùng sanh. Người nếu không tạo nghiệp, nghiệp và người cùng diệt. Thế nên biết, nghiệp do người tạo, người do nghiệp sanh. Người nếu không tạo nghiệp, thì nghiệp không do đâu mà sanh ra người. Cũng như người có thể hoằng đạo, đạo chẳng thể hoằng người.

Ngày nay phàm phu, mỗi mỗi tạo nghiệp, vọng nói là không có quả báo. Há chút ít chẳng có khổ sao? Nếu lý luận chút ít, thì tâm trước tạo nghiệp, tâm sau chịu báo, làm sao mà thoát? Nếu tâm trước không tạo, tức tâm sau không có quả báo. Chớ có hiểu sai nghiệp báo.

Kinh nói : “ Dù tin có Phật mà nói Phật có khổ hạnh, đó là tà kiến. Dù tin có Phật mà nói Phật có quả báo xấu tốt thì tin ấy chẳng đầy đủ, gọi là nhất xiển đề.”

Hiểu thánh pháp gọi là thánh nhân, hiểu phàm pháp gọi là phàm phu. Chỉ xả bỏ pháp phàm, thành tựu pháp thánh, tức phàm phu thành thánh nhân vậy. Người ngu trong thế gian chỉ muốn cầu thánh nhân ở xa mà không tin tâm trí huệ hiểu biết này là thánh nhân. Kinh nói: “ Trong những người vô trí chớ nói kinh này.” Kinh nói: “ Tâm là pháp vậy.” Người vô trí chẳng tin tâm này, hiểu pháp là nằm nơi thánh nhân, chỉ muốn đi ngoài xa cầu học, yêu thích tượng Phật, quang minh, hương sắc… các thứ giữa hư không, đều sa vào tà kiến, mất tâm thành cuồng loạn.

Kinh nói: “ Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức là thấy Như Lai.” Tám vạn bồn ngàn pháp môn, tất cả đều do Một Tâm mà khởi. Nếu bên trong, tướng của tâm thanh tịnh như hư không, bèn ra khỏi thân tâm bên trong.

Tám vạn bốn ngàn phiền não là gốc bệnh. Phàm phu đang sống mà lo chết, đang no mà sầu đói, đều là mê lầm lớn. Thánh nhân thì chẳng mưu tính tương lai, chẳng lo quá khứ, không bám luyến nơi hiện tại, niệm niệm đều vào trong Đạo. Nếu chưa ngộ được chân lý lớn lao này, nên sớm cầu thiện tri thức của trời người, chớ để mất cả hai.

Đạt Ma đại sư Ngộ Tánh Luận. –

( Hôm trước Ban biên tập Tại đây và Bây giờ đã dịch phần đầu Ngộ Tánh Luận, đến đây là chấm dứt Luận này).

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111