Trí tuệ ‘Binh pháp Tôn Tử’: Thay đổi góc nhìn sẽ hiểu được đạo lớn trong thiên hạ
Trí tuệ ‘Binh pháp Tôn Tử’: Thay đổi góc nhìn sẽ hiểu được đạo lớn trong thiên hạ.
Khi thấy “lợi” thì phải nghĩ đến “hại”, khi thấy “hại” thì phải nghĩ đến “lợi”, đây là ý nghĩ đầu tiên mà Tôn Tử dạy chúng ta cách tránh sai lầm. Bình thường chúng ta không có thói quen suy nghĩ như vậy là bởi vì chúng ta chỉ muốn nhìn những gì bản thân yêu thích mà bỏ qua những thứ không muốn xem. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt, nếu không xem xét sự việc từ hai phía thì đương nhiên sẽ nhìn lầm…
Sinh thời, danh nhân Tô Đông Pha từng viết trong thi phẩm “Đề Tây Lâm bích” – Đề thơ trên tường chùa Tây Lâm rằng:
“Hoành khan thành lĩnh trắc thành phong,
Viễn cận cao đê các bất đồng.
Bất thức Lư Sơn chân diện mục,
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung”.
Tạm dịch:
Nhìn ngang thành dãy, nghiêng thành đỉnh
Cao thấp gần xa thấy khác nhau
Chẳng rõ Lư Sơn hình dáng thật
Bởi thân đứng tại núi non này.
[Bản dịch từ Vô danh cư sỹ – Nguồn: thivien.net].
Khi thân đang ở trong Lư Sơn, chúng ta không thể thấy được hình dáng thật của ngọn núi. Chỉ khi nhảy ra khỏi Lư Sơn mới có thể nhìn được rõ.
Tôn Tử, một thiên tài dùng binh của Trung Hoa thời cổ đại, trước khi lâm trận, thường xem xét trước sau để biết làm thế nào mới có thể giành được phần thắng. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã sẵn sàng – thậm chí biết rõ mình sẽ thắng – ông cũng không vội vàng cho quân của mình xông vào trận chiến. Lúc này, Tôn Tử mới hết sức bình tĩnh suy nghĩ lại, đưa bản thân ra khỏi hoàn cảnh chiến trận để nhìn ở các góc độ khác nhau với hy vọng không để lọt cho dù chỉ là một chút nhầm lẫn sơ hở nào.
Trong “Binh pháp Tôn Tử”, ông viết: “Cố bất tẫn tri dụng binh chi hại giả, tắc bất năng tẫn tri dụng binh chi lợi dã”. Ý là, nếu không thể biết rõ tác hại của chiến tranh thì sẽ không thể biết chính xác cuộc chiến có thể mang lại điều gì tốt. Bởi vì, chiến thắng không nhất định là có lợi, nên cần phải suy nghĩ lại xem có nên đánh hay không, nếu thấy thật sự có lợi thì lúc đó tác chiến cũng chưa muộn.
Lời này của Tôn Tử có hai điểm quan trọng, một là nhìn từ hai phía, hai là nhìn thấu đáo. Cách nhìn từ hai phía có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm. Nhìn thấu đáo để biết chuyện gì đang xảy ra mới là căn nguyên của mọi vấn đề.
Vậy suy nghĩ chính diện và suy nghĩ phản diện trong Binh pháp Tôn Tử được thể hiện như thế nào?
Dưới tảng băng còn che giấu điều gì? Suy nghĩ phản diện giúp chúng ta nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ khác nhau và suy nghĩ thấu đáo hơn
Nhìn xét vấn đề từ hai phía…
Vậy nhìn nhận vấn đề từ hai phía như thế nào? Tôn Tử không đặt cái lợi và hại cùng một chỗ để xem xét. Trong Binh pháp Tôn Tử cũng không có câu nào nói về mặt tốt của chiến tranh nhưng lại dùng cả quyển sách để đàm luận về tác hại của nó. Có lẽ, ông muốn dùng toàn bộ những lời này để nói cho con người thế gian biết được cái hại của chiến tranh, để hiểu rằng chiến tranh hoàn toàn không có lợi.
Có lẽ, trong lòng của Tôn Tử cơ bản là không ủng hộ chiến tranh, bởi nó có trăm điều hại mà không có một điều lợi nào. Chiến tranh là việc bất đắc dĩ. Vì muốn con người hiểu được đầy đủ cái hại của nó mà ông đã dùng hết tâm huyết viết ra những điều đáng sợ do chiến tranh mang đến. Tôn Tử cũng luôn nhìn cuộc chiến từ hai mặt để có thể “trăm trận trăm thắng”.
Bàn về cái hại của chiến tranh
Vậy Tôn Tử nói như thế nào về tác hại của chiến tranh? Ông nói: “Phàm dụng binh chi pháp, trì xa thiên tứ, cách xa thiên thừa, đái giáp thập vạn, thiên lý quỹ lương, tắc nội ngoại chi phí, tân khách chi dụng, giao tất chi tài, xa giáp chi phụng, nhật phí thiên kim, nhiên hậu thập vạn chi sư cử hĩ“. Ý tứ là: Khi phát động chiến tranh, cần chiêu mộ đến 100 ngàn binh lính, chuẩn bị ngàn cỗ chiến xa, ngàn chiếc xe vận chuyển, binh sĩ mặc áo giáp cần khoảng 100 nghìn người, hơn nữa còn phải vận chuyển lương thực đi xa đến nghìn dặm, ngoài ra còn có chi phí trong nước và trên chiến trường, chi phí ngoại giao, sơn xe, ngựa, trâu, lương thảo, thức ăn cho binh lính, v.v… những thứ này đều là nhu yếu phẩm. Chỉ cần chiến tranh phát động một ngày, chi phí lên đến ngàn lượng mới đủ dùng. Đây là một cái hại bày ra trước mắt.
Riêng tác hại này đã đủ thấy rằng không nên có chiến tranh. Tuy nhiên, liệu bạn đã thấy rõ cái hại của chiến tranh nếu nhìn theo cách này? Có lẽ là chưa đủ. Tôn Tử lại nói tiếp: “Kỳ dụng chiến dã thắng, cửu tắc độn binh tỏa duệ, công thành tắc lực khuất, cửu bạo sư tắc quốc dụng bất túc. Phu độn binh tỏa duệ, khuất lực đàn hóa, tắc chư hầu thừa kỳ tệ nhi khởi, tuy hữu trí giả, bất năng thiện kỳ hậu hĩ“. Đoạn trên ông nói về tác hại nhìn thấy trước mắt, còn đoạn này lại nói về tác hại lâu dài và những cái hại khác. Khi đã có chiến loạn thì không phải nghĩ dừng đánh là dừng được. Thời gian càng kéo dài sẽ khiến binh khí bị bào mòn, sĩ khí xuống thấp, đất nước hoang tàn, binh sĩ sinh bệnh, họ đều cần phải ăn nên khiến quân lương quốc gia không còn gì. Điều khiến người ta lo lắng nhất chính là: “Ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”. Những quốc gia khác sẽ lợi dụng tình thế này mà tiến đánh sau lưng đoạt lấy đất nước. Đây là tác hại do bên thứ 3 mang đến. Về lâu dài thì tác hại này sẽ mang đến tổn thất rất khó lường.
Vậy phải làm sao? Tôn Tử đưa ra tư tưởng giảm thiểu rủi ro, chuyển hóa rủi ro. Ông nói: “Vì kéo dài lâu ngày sẽ mang lại nhiều tổn thất như vậy, thế thì đương nhiên cần ‘tốc chiến tốc thắng’ rồi. Như thế sẽ không cần tính kế lương thực, bởi lương thực có thể chiếm đoạt của quân địch, đánh ở đâu lấy lương thực ở đó, lấy trong chiến tranh nuôi chiến tranh”.
Tôn Tử nhìn thiệt hại của chiến tranh từ ba khía cạnh: Thiệt hại trước mắt, thiệt hại lâu dài và các thiệt hại khác. Tác hại trước mắt là đem sự vật đặt ở quá trình tương hỗ giữa phúc và họa. Đây là nhìn từ tư duy lợi hại, nếu tác hại xảy ra trong thời gian lâu, tức là chạy theo lối tư duy động. Nếu có không gian suy tính tác hại gọi là tư duy tổng thể. Suy nghĩ từ 3 góc độ này thì người đó sẽ có tư duy biện chứng đầy đủ, khác hẳn với tư duy theo góc độ đơn lẻ, tư duy tuyến tính và tư duy lôgic sẽ cung cấp cho chúng ta những góc nhìn khác nhau và rất có tính gợi ý.
Tư duy lợi và hại
Tôn Tử nói: “Cho nên, người không hiểu rõ tác hại của chiến tranh sẽ không biết phải dùng binh như thế nào’. Theo tư duy lợi và hại, trong Chu Dịch có viết: “Nên cũng gọi là một âm một dương”. Lão Tử cũng có cùng quan điểm này: “Vạn vật đều mang trong mình hai mặt âm dương”. Cả Lão Tử và Chu Dịch đều nhìn nhận rằng vũ trụ và vạn vật đều là sự kết hợp của âm và dương, vạn sự vạn vật đều có hai mặt nên phải nhìn chúng từ hai phía mới thấy được, mới nhìn được bức tranh tổng thể của sự vật hiện tượng.
Ví dụ như khi đầu tư vào cổ phiếu, nếu bạn chỉ nhìn vào 10% lợi nhuận mà quyết tâm đầu tư bất chấp rủi ro, vậy thì bạn không chỉ không được 10% mà còn mất luôn cả vốn đầu tư. Ngược lại, nếu chỉ vì sợ mất tiền vốn mà không dám đầu tư, vậy thì cũng không có thêm 10% lợi nhuận. Đây cũng là một sai lầm.
Trong “Chu Dịch”, phần: “Kiền – Văn ngôn” viết: ‘Kháng chi vi ngôn dã, tri tiến nhi bất tri thối, tri tồn nhi bất tri vong, tri đắc nhi bất tri tang. Kỳ duy thánh nhân hồ! Tri tiến thối tồn vong nhi bất thất kỳ chính giả, kỳ duy thánh nhân hồ’. ‘Kháng’ có ý nói đến người chỉ biết tiến mà không biết lùi, chỉ biết tồn tại mà không biết diệt vong, chỉ biết được mà không biết mất. Chỉ có Thánh nhân hiểu rõ sự tình nên mới biết tiến lùi tồn vong, hai mặt của được và mất. Trong câu này cũng nhắc đến hai lần câu ‘Kỳ duy thánh nhân hồ’, điều này muốn nhấn mạnh rằng: chỉ có Thánh nhân mới thấu tỏ đạo lý này, còn người thường hiếm thấy ai làm được.
Nếu bạn quen nhìn mọi thứ từ một mặt thì sẽ không thấy được toàn bộ sự thật và dễ dàng đưa ra những quyết định sai lầm.
Cuối năm 2008 có phát sinh một vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử, cựu chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, Bernard Madoff, bị buộc tội lừa đảo 50 tỷ đô la Mỹ. Trò lừa đảo này đã kéo dài hai mươi năm. Trong số những người bị lừa có rất nhiều nhân vật là người nổi tiếng trong giới chính trị, kinh doanh và chuyên gia đầu ngành. Rất nhiều người đều cảm thấy không thể tin nổi, một nhân vật có lai lịch bối cảnh là nhà từ thiện, không thích phô trương, mong muốn có thể mang đến lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư, sao lại có thể lừa gạt mọi người. Nhưng sự thật đã chứng minh, ông ta lại là một kẻ không đáng tin cậy.
Kỳ thực, những nhà đầu tư cho Madoff chỉ cần bình tĩnh lại và tự đặt câu hỏi, thương vụ đầu tư chứng khoán hấp dẫn này liệu có ảo không, thì tổn thất của họ đã không xảy ra. Bởi lúc đó họ sẽ nhìn thấy những sai sót và tránh được mất mát lớn.
Khi thấy “lợi” thì phải nghĩ đến “hại”, khi thấy “hại” thì phải nghĩ đến “lợi”, đây là ý nghĩ đầu tiên mà Tôn Tử dạy chúng ta cách tránh sai lầm. Bình thường chúng ta không có thói quen suy nghĩ như vậy là bởi vì chúng ta chỉ muốn nhìn những gì bản thân yêu thích mà bỏ qua những thứ không muốn xem. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt, nếu không xem xét sự việc từ hai phía thì đương nhiên sẽ nhìn lầm.
Người có thói quen tư duy lợi và hại, lúc gặp thất bại hoặc khủng hoảng đều sẽ rất nhanh thay đổi tâm trạng và không bị mắc kẹt trong vấn đề đó.
Vương Duy viết trong bài thơ “Chung Nam biệt nghiệp” như thế này: “Hành đáo thủy cùng xử, tọa khán vân khởi thì“. Tạm dịch: “Đi đến tận chỗ cùng cực, ngồi xem mây vờn bay”. Đi một đường dọc theo dòng sông để thưởng thức cảnh đẹp, đột nhiên gặp sơn cùng thủy tận, nhiều người sẽ cảm thấy buồn man mác nhưng Vương Duy lại lập tức nghĩ, không có phong cảnh của sông núi để xem thì ngồi trên mặt đất ngước mắt lên trời nhìn mây bay, nó cũng mang đến niềm vui thưởng ngoạn.
Một hôm Tô Đông Pha trở về nhà trong tình trạng say khướt, người nhà đều đã đi ngủ, ông gõ cửa thế nào cũng không thấy trả lời. Trước tình cảnh này, ông cũng không mở miệng gọi lớn mà lẳng lặng quay người chống gậy nghe âm thanh của nước chảy, điều này lại khiến lòng ông yên tĩnh, ngẫm lại cuộc đời nóng vội mưu mưu cầu cầu, vì thế gian tục sự mà bôn ba, chưa bao giờ được sống là chính mình. Vì vậy, ông quyết định phải rời xa vòng thế tục này: “Thuyền nhỏ từ nay theo dòng nước, gửi quãng đời còn lại là ngao du”…
Tư Mã Thiên ca ngợi Quản Trọng là một người có thể chuyển họa thành phúc. Trong “Sử ký – Quản yến liệt truyện” có viết như sau: “Nước Tề và nước Lỗ chiến tranh, nước Lỗ thất bại, Lỗ Trang Công tại đất Kha cầu hòa và khởi đầu một liên minh mới. Thích khách Tào Muội của nước Lỗ dùng dao găm ép Tề Hoàn Công trả lại vùng đất của nước Lỗ. Trong tình thế nguy cấp, Tề Hoàn Công không có cách nào khác buộc phải nhận lời. Tuy nhiên, khi được giải cứu, ông liền muốn đổi ý. Quản Trọng thấy vậy liền ngăn lại: ‘Không thể làm như thế, tham món lợi nhỏ mà thất tín với chư hầu, vô cùng không có lợi’”. Quản Trọng mượn cơ hội này mà gây dựng chữ tín cho Tề Hoàn Công nổi danh khắp thiên hạ. Tư Mã Thiên nói: “Biết chờ đợi để đạt được là kho báu của chính trị”. Trong sự việc này, ‘chìa khóa’ mà Quản Trọng dùng để chuyển họa thành phúc chính là ông hiểu được cho đi chính là đạt được.
Nhờ hiểu được sự vật đều có hai mặt nên không gì có thể làm khó được Vương Duy, Tô Đông Pha, Quản Trọng. Ngược lại, cũng nhờ hiểu được điều này mà tên tuổi của họ đã vang danh sử sách.
Tư duy năng động
Thời gian sẽ làm thay đổi mọi thứ và khiến chúng chuyển dần về hướng đối lập. Lão Tử nói: “Con người dần dần rời xa đạo”. Phản tức là vận động ngược. Ví dụ như “Trời quá trưa sẽ ngả về chiều, trăng tròn rồi lại khuyết”. Trong ‘Luận ngữ – Tử hãn’, Khổng Tử nói: “Hậu sinh khả úy, làm sao biết người đời sau không bằng người đời nay?”, là muốn nhìn ra tiềm năng tương lai của người trẻ. Bài thơ ‘Hí đáp chư thiểu niên’ của Bạch Cư Dị có viết: “Chu nhan kim nhật tuy khi ngã, Bạch phát tha thì bất phóng quân”. Tạm dịch: “Hiện tại những người dung nhan tươi trẻ dù lấn lướt ta, Nhưng thời điểm tóc trắng không bỏ qua một ai”. Ông viết câu này để nhắc nhở những người trẻ rằng tuổi già không bỏ qua một ai trên đời này.
Nhìn vào mặt phản diện để chúng ta biết rằng không nên sợ hãi những khó khăn trước mắt, bởi vì chúng ta biết rõ: “Thống khổ nào rồi cũng sẽ qua đi, vẻ đẹp sẽ còn lưu lại mãi”, “Mùa đông đến, chẳng lẽ mùa xuân không đến sao?”. Mặt phản đảo cho chúng ta biết: Gây dựng sự nghiệp rất khó khăn, giữ vững nó càng khó hơn, để xây tòa bạch ốc mất rất nhiều thời gian nhưng phá hủy thì chỉ trong chớp mắt. Đây cũng là lý do chính khiến Tôn Tử dành nhiều thời gian suy nghĩ về tác hại của chiến tranh. Những chuyện xảy ra trong cuộc sống có như thế không? Trong ‘Thái căn đàm’ có viết: “Khi hiểu được có thịnh thì ắt có suy, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra, như thế mới có được nội tâm thản đãng”.
Mọi sự thay đổi thường sẽ không lập tức phát sinh nhưng sẽ có một điểm tới hạn, đây gọi là “Vật cực tất phản”, “cực” chính là mốc giới hạn.
‘Mốc thời gian’, đây hiển nhiên là quy luật tự nhiên cần được tôn trọng, cho nên dù vạn sự vạn vật có biến hóa xấu đi thì cũng không thể gấp gáp, chúng ta cần học được chờ đợi, dục tốc bất đạt, không làm việc vô bổ, ép trái cây chín non thì quả không thể ngọt. Tôn Tử nói: “Người thiện chiến xưa, mang theo tâm thái không thể thắng trong trận chiến thì mới có thể thắng”. Lực lượng của địch hùng mạnh thì cần phải chờ đợi thời cơ, không thể tấn công bằng sức mạnh. Phạm Lãi nói với Việt Vương Câu Tiễn: “10 năm chờ đợi, 10 năm học hỏi kinh nghiệm”, là chờ đợi lúc nước Ngô đối diện với bước ngoặt thịnh suy. Tào Quế luận chiến, đợi quân địch tấn công 3 lần mới xuất binh đánh lại, đây chính là ông đã nhìn thấy bước ngoặt tâm lý của binh sĩ: “Lần đầu nhuệ khí rất cao, lần hai nhuệ khí đã suy giảm, lần thứ 3 thì nó đã kiệt”.
Đôi khi, thời gian ngắn thì có lợi mà kéo dài sẽ có hại, cũng có lúc thì ngắn hại và dài lại có lợi. Nếu chỉ nhìn một chiều để biết lợi hại, không nhìn ở các góc độ khác nữa thì sẽ nhìn sai, đây gọi là “người không biết nhìn xa tất có lo gần”. Đối với việc quản lý cuộc đời của chúng ta, điều này rất quan trọng. Đối với việc đầu tư cũng vậy, có ngắn hạn và dài hạn, có lúc đầu tư ngắn hạn nhiều mà dài hạn ít, cũng có lúc dài hạn nhiều mà ngắn hạn lại ít, nếu không hiểu rõ nhân tố này thì không thể định hướng phát triển và khó để kinh doanh có lãi.
Tử Sản là một nhà cải cách nổi tiếng của nước Trịnh, ông đã thể hiện đầy đủ lối tư duy năng động này. Trong ‘Tả truyện – Tương công tam thập nhất niên’ có viết: ‘Hãn Hổ nước Trịnh muốn phong ấp cho Doãn Hà. Tử Sản nói: ‘Doãn Hà tuổi còn rất trẻ, chỉ sợ không thể gánh vác”. Hãn Hổ nói: “Người này cẩn thận lương thiện, ta thích người này, anh ta sẽ không phản bội ta. Chỉ cần để người này học tập một chút, sau này anh ta sẽ biết nên làm việc này như thế nào”. Tử Sản nói: “Không được! Yêu quý một người thì ắt sẽ muốn làm những điều tốt cho người đó. Hiện tại chúa công vì yêu thích một người mà đem việc quan trọng giao cho người đó, việc này giống như một người không biết cầm dao, nếu để người này cầm dao cắt đồ vật sẽ khiến anh ta tự làm tổn thương mình. Chúa Công yêu mến anh ta, lại nguyện lòng làm anh ta tổn thương, sau này ai dám để ngài yêu mến nữa? Giống như ngài có một khúc lụa tuyệt đẹp, ngài có dám để cho người mới học may cắt không? Phong quan phong ấp là tấm bia bảo hộ ngài, ngài lại để một học sinh mới tốt nghiệp tới đảm nhiệm, sự việc này so với việc hỏng khúc lụa còn quan trọng hơn. Sau khi học tập cẩn thận mới ra làm chính trị chứ chưa từng thấy ai làm chính trị rồi mới đi học. Nếu ngài thật sự quyết định như vậy, nhất định sẽ mang đến tổn thất. Giống như người đi săn mong muốn bắn được con mồi, tuy nhiên, nếu người chưa từng có kinh nghiệm ngồi xe đi săn, như vậy khi ngồi trên chiếc xe này sẽ chỉ cảm thấy lo lắng sợ rằng sẽ văng ra khỏi xe, đâu còn tâm trí để bắn con mồi?”
Hãn Hổ nói: “Khanh nói thật hay! Ta thực sự không đủ thông minh. Ta nghe nói bậc quân tử có con mắt nhìn xa trông rộng, kẻ tiểu nhân chỉ nhìn thấy những việc nhỏ bé trước mắt. Ta thật đúng là một kẻ tiểu nhân rồi. Quần áo mặc trên người, ta biết rõ cần gìn giữ cẩn thận, chức quan lớn cùng phong ấp đều dùng để bảo vệ mình. Vậy mà ta lại xem nhẹ và coi thường tầm quan trọng của nó. Nếu như khanh không mở lời, ta sợ rằng bản thân đã có quyết định sai lầm lớn rồi”.
Tử Sản biết nhìn xa trông rộng nên mới có thể thấy được những điểm mà Hãn Hổ không nhìn thấy, tránh cho Hãn Hổ đưa ra những quyết định sai lầm, tiêu trừ mối họa có thể xảy đến. Đây gọi là hiểu được lợi hại lâu dài của bậc trí huệ.
Tư duy toàn diện
Tư duy toàn diện là nhìn mọi thứ giống như bức tranh tổng thể, “Người không suy xét được toàn cục thì không thể biết hoạch định từng việc nhỏ”. Muốn thực hiện được các chiến lược thì cần hiểu được chiến lược ấy là gì. Giống như một trận bóng, suy nghĩ của từng cá nhân phải phù hợp với lợi ích của đội bóng. Quan điểm của Tôn Tử về chiến tranh là một khuôn mẫu đã được đúc kết cho thế hệ sau này. Nó không chỉ giới hạn trong tầm nhìn hạn hẹp giữa hai nước, điều này cũng nhắc nhở chúng ta cách nhìn mỗi sự việc.
Trang Tử từng giảng qua câu chuyện về bọ ngựa bắt ve. Một lần ông nhìn thấy một con chim màu vàng đang mở to mắt bay ngang qua đầu, hơn nữa nó còn đụng vào đầu ông. Ông cảm thấy kỳ lạ quá, đôi mắt của con chim to thế, sao không nhìn thấy ông đang đứng ở đó. Thế là ông cầm cung tên chuẩn bị bắn con chim nhưng nó lại không hề cảnh giác chút nào. Thì ra con chim này đang chăm chú nhìn con bọ ngựa trên cây. Con bọ ngựa này cũng không phát hiện ra có con chim đang lao về phía mình, bởi vì nó đang thèm thuồng muốn ăn con ve ở trước mặt. Màn giết chóc hàng loạt này khiến Trang Tử cảm thấy lạnh sống lưng. Mỗi con vật nhỏ bé này đều chỉ chăm chú nhìn vào món lợi trước mắt mà bỏ qua điều nguy hiểm tiến đến từ phía sau. Thật đáng sợ. Nghĩ tới đây, Trang Tử quay người lại thì người làm vườn xuất hiện, người này cho rằng Trang Tử vào vườn trộm đồ nên đã dùng gậy đánh ông. Trang Tử vội vã chạy về nhà đóng cửa ba tháng không ra ngoài để suy nghĩ về việc này. Khi chúng ta cười nhạo người khác thiếu hiểu biết thì cũng chính là lúc chúng ta đang tỏ ra ngu muội. Nếu vẫn không thấy được bản thân ngu muội thì lại càng lộ rõ sự ngu muội hơn.
Trong bài thơ ‘Biện chi lâm’ có đoạn viết: “Em đứng trên cầu ngắm cảnh, Người ngắm cảnh trên cầu lại ngắm em, Ánh trăng điểm tô cửa sổ phòng em, Giấc mộng ai kia lại được em tô điểm”. Quan hệ giữa người với người rất phức tạp, các vấn đề trên chiến trường cũng phức tạp giống như thế.
Tư duy toàn diện phải có bố cục lớn. Trong ‘Lục quốc luận’ của Tô Triệt có phân tích như sau: Đất ở 6 nước lớn hơn lãnh thổ của nước tần 5 lần, số người cũng lớn hơn 10 lần, nhưng cuối cùng lại bị nước Tần tiêu diệt. Ông nói lời cảm khái khi thấy những nước này không biết mưu tính sâu xa rằng: “Khi tính toán không kỹ, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thấy xu thế của thời đại”. Tầm nhìn hạn hẹp chỉ thấy được cái lợi thiển cận mà không nhìn ra xu hướng của thời thế. Nguyên nhân nằm ở chỗ nước Hàn và nước Ngụy là nước bảo hộ tuyến đầu ngăn cản nước Tần xâm chiếm, tuy nhiên, Tề, Sở, Yến, Triệu lại không muốn trợ giúp để bảo vệ tuyến phòng thủ này. Ngược lại, từng nước lâm trận, ham món lợi nhỏ nên tự giết lẫn nhau, cuối cùng đi đến diệt vong. Đúng là không còn lời gì để nói nữa. Ta nhớ đến Trang Tử, ông lấy niềm vui làm mục tiêu cho cuộc sống của mình, tuy nhiên, làm sao có thể đạt được điều này? Trang Tử nói rằng phải có tâm đủ lớn, do đó ông đặt trên bìa trang sách “Tiêu diêu du” là hình ảnh đối lập chim sẻ và chim đại bàng, để làm nổi bật hình ảnh ngao du chín vạn dặm trên không trung khác với nhảy nhót giữa các lùm cây”. Người có tư tưởng lớn có thể tiêu dao, “Đại” cũng trở thành tiêu chí của bộ sách. Nhà tư tưởng thời nhà Minh, Trần Bạch Sa nói: “Nếu không có tấm lòng rộng mở như bầu trời, sao có thể trở thành bậc Thánh”. Muốn trở thành Thánh hiền cần phải có ý chí bao la rộng lớn như vũ trụ, tầm nhìn rộng, có thể nhìn thấy những quy luật khác nhau của tự nhiên.
Theo Epoch Times
San San biên dịch