Làm sao để trở thành nhà sưu tầm nghệ thuật?
Làm sao để trở thành
nhà sưu tầm nghệ thuật?
Chúng tôi không hề có tham vọng hướng dẫn bạn làm cách nào để trở thành một nhà sưu tầm nghệ thuật. Phần nào trong năng lực hữu hạn của mình, chúng tôi chỉ muốn giúp bạn nhận ra con đường trước mặt cũng không đến mức quá chông gai và gian khó – để bạn thấy rằng, thế giới nghệ thuật thực sự xứng đáng cho bạn bỏ công sức khám phá, nhất là khi bạn sở hữu tâm hồn cởi mở và một chút tò mò.
Trước tiên, một số định kiến về sưu tầm nghệ thuật cần phải được gạt bỏ – cần nhớ rằng, niềm vui/công việc/hình thức đầu tư này không chỉ dành cho người giàu có và nổi tiếng. Có nhiều cách để xây dựng một bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng mà không bị phá sản, đồng thời, thu lượm thêm được những trải nghiệm phong phú, bổ ích. Rất, rất nhiều cái tên lẫy lừng trong giới sưu tầm đều bắt đầu với khoản ngân sách nhỏ khi họ bước chân vào thế giới này, mà cặp vợ chồng Herbert & Dorothy Vogel là một ví dụ điển hình. Từng được báo giới và dân trong nghề gọi là “cặp đôi sưu tầm nghệ thuật vô sản”, nhưng cặp đôi này đã tích lũy được tới 4.782 tác phẩm trong thời gian còn làm công chức ở thành phố New York, mà hầu hết là theo trào lưu tối giản và khái niệm, sau này được đánh giá là một trong những bộ sưu tầm nghệ thuật quan trọng nhất sau thập niên 1960 ở Mỹ.
Sự khác biệt của cặp đôi này nằm ở chỗ, họ chỉ mua theo sở thích và gu thẩm mỹ cá nhân, những thứ có thể tự tay xách về trên taxi, trên tàu điện ngầm, có thể để tạm trong căn hộ một phòng ngủ nhỏ bé mà không phải quá quan tâm đến vấn đề bảo quản hay bảo vệ. Ở đây, có một nguyên tắc cơ bản cần nhớ, là phải biết rõ, phải xác định rõ những gì bạn thích, những gì làm cho bạn thấy hứng thú. Khi không thực sự bỏ tiền ra, dường như nói tôi thấy bức tranh này thật đẹp, tôi quá thích bức tranh kia là rất dễ dàng, nhưng khi ngiêm túc tìm mua một tác phẩm nghệ thuật, điều đó bỗng trở nên khó khăn hơn nhiều.


Cho nên, lời khuyên hữu ích của các chuyên gia cho các nhà sưu tầm mới vẫn là hãy mua những gì khơi gợi cảm xúc cho bạn, khiến bạn cảm thấy muốn sở hữu nó. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, không nên lãng phí thời gian và tiền bạc vào thứ bạn nghĩ người khác sẽ thích thú, sẽ trầm trồ thán phục hoặc sẽ tạo ra lợi nhuận sau này. Ngay cả những nhà sưu tầm nghệ thuật từng trải nhất và giàu kinh nghiệm nhất cũng không thể lúc nào cũng đoán đúng tác phẩm nào sẽ khiến người mua có lãi khi quyết định “xuống tiền”. Cho nên, kể cả khi coi đó là một món đầu tư, thì hãy cố thưởng thức chúng, tìm kiếm những cảm xúc tích cực khi chúng được treo trên tường nhà bạn.
Thật may mắn, việc nghiêm túc học hành, trau dồi kiến thức về nghệ thuật luôn là phần hay ho và đáng giá nhất trên chặng đường trở thành một nhà sưu tầm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tự mình xem xét, kiểm tra, đánh giá rất nhiều tác phẩm. Tốt nhất vẫn là thấy chúng hiện hữu ngay trước mắt, chứ không phải qua ảnh chụp hay màn hình máy tính. Các bảo tàng được quản lý tốt luôn đính kèm những thông tin hữu ích về tác phẩm, về những xu hướng, trào lưu phù hợp với sở thích của bạn. Hãy tìm kiếm những thứ bạn cần ở các gallery uy tín, nơi những người điều hành thường không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn nhà sưu tập mới trong việc quyết định mua tác phẩm. Hãy tìm cách kết thân với một vài chuyên gia bạn cảm thấy tin cậy được. Và đừng quên giao lưu với những người chung sở thích với mình, cả ngoài đời cũng như trên internet. Mạng lưới càng rộng, bạn càng dễ dàng tìm kiếm được những thứ phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Dĩ nhiên, bạn cũng cần đọc kha khá sách chuyên môn, để từ đó, nắm bắt được sự khác biệt giữa các kỹ thuật, phương tiện và phong cách của các nghệ sĩ khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là rèn luyện (sự kiên định của) tâm trí và đôi mắt để xác định đâu là loại hình nghệ thuật bạn yêu thích nhất, xứng đáng tập trung theo đuổi nhất. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung về những loại tác phẩm sẽ xuất hiện trong bộ sưu tập của mình – có thể là tranh lập thể, tranh trừu tượng, nghệ thuật điêu khắc châu Phi, tranh in hay những bức ảnh đen trắng…
Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, internet đã trở thành khu chợ buôn bán nghệ thuật lớn nhất thế giới. Ưu thế của nó chính là giá cả minh bạch, dễ tiếp cận với nhiều loại tác phẩm nghệ thuật, thoải mái so sánh các nghệ sĩ, phòng trưng bày và giá cả. Đây chính là lựa chọn hiệu quả và tiết kiệm cho những nhà sưu tầm nghệ thuật mới. Nhưng, có một điều quan trọng cần nhớ, là hãy tìm kiếm món hàng ở những địa chỉ uy tín – như website theartling.com chẳng hạn. Họ phân loại tác phẩm theo thể loại, kích thước, xu hướng, màu sắc, giá tiền, thời điểm sáng tác, khu vực địa lý, luôn kèm theo mọi thông tin rõ ràng và đội ngũ nhân viên hỗ trợ nhiệt trình, giúp việc khoanh vùng, tìm kiếm, lựa chọn và ra quyết định mua trở nên đơn giản, nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Trong các loại hình nghệ thuật, hội họa vẫn phổ biến nhất và tranh vẫn được tìm mua nhiều nhất. Nếu tài chính không thành vấn đề với bạn, vậy thì quá đơn giản, chỉ việc tham dự các cuộc đấu giá, đặt mua những bức tranh quan trọng nhất, được đánh giá cao nhất của các họa sĩ nổi tiếng. Nhưng khi ngân sách có hạn, thì việc đầu tư vào nhóm tác phẩm nhỏ hơn, ít được quan tâm cũng là một cách để sở hữu “bản chất” của nghệ sĩ với mức giá hợp lý hơn.
Một cách nữa là mua tranh của các họa sĩ mới nổi, còn ít tên tuổi, đang trong giai đoạn định hình phong cách, khẳng định bản thân. Đây cũng là một dạng đầu tư – bạn trở thành người hỗ trợ họ lúc khởi đầu sự nghiệp. Nếu họ thành danh, những bức tranh thời kỳ đầu hẳn sẽ cực kỳ được giá. Ngoài ra, bạn lại có tranh gốc treo trên tường và câu chuyện về việc đã hào phóng giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ ra sao trong những lúc trà dư tửu hậu.