HỘI HỌA - NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH

Vì sao nghệ thuật lại đắt đỏ?

Vì sao nghệ thuật
lại đắt đỏ?

Bài: Hoài Điệp
Nghệ thuật vượt xa những gì chúng ta cảm thụ được qua ba giác quan cơ bản là thị giác, thính giác và xúc giác. Nghệ thuật không có biên giới, quy tắc, cũng không tự xác định như thế nào mới được gọi là nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật thời nay lại là một ngành công nghiệp có giá trị lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm – đây chắc chắn là con số rất ít người có thể hình dung tới.
Vincent Van Gogh (1853-1890), danh họa Hà Lan, là một trong những gương mặt vĩ đại nhất của trường phái ấn tượng thế giới. Tranh của Van Gogh có đặc điểm là màu sắc gây cảm xúc mạnh, nét bút thô, hình ảnh có đường viền lớn, tất cả mang bên trong nỗi đau khổ của một nghệ sĩ tài hoa, cô độc và bệnh tật.

Theo báo cáo của Art Basel và Công ty Phân tích – Tư vấn tài chính UBS, thị trường nghệ thuật toàn cầu đạt mức doanh thu kỷ lục 67,4 tỷ USD vào năm 2018. Tháng 5/2019, pho tượng mang tên Rabbit (Chú thỏ) của Jeff Koons đã được đấu giá thành công ở nhà Christie’s, khi một người mua ẩn danh đã phải trả đến 91,1 triệu USD để sở hữu nó. Đây cũng là mức giá kỷ lục cho tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ đang còn sống thực hiện, trong khi đó, bức tranh Salvator Mundi của danh họa Leonardo Da Vinci cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt nhất mọi thời khi được đấu giá thành công ở mức 450 triệu USD, cũng tại nhà Christie’s.

Trở lại với câu hỏi, cũng là nhan đề của bài viết này, thì câu trả lời lại rất lưng chừng: rất khó định giá nghệ thuật. Việc đầu tiên cần làm là xem xét lại khái niệm “nghệ thuật”, thứ chúng ta có thể nói đến hằng ngày nhưng lại ít người hiểu về nó một cách tường tận. Đây là khái niệm vô cùng rộng lớn vì có quá nhiều loại hình nghệ thuật đã ra đời cùng sự tiến hóa của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, định nghĩa về nó lại khá ngắn gọn: “nghệ thuật là tác phẩm do kỹ năng sáng tạo và trí tưởng tượng của con người tạo ra”. Và bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều sở hữu trí tưởng tượng và ít nhiều năng lực sáng tạo, nên câu hỏi lại một lần nữa được đặt ra theo cách cụ thể hơn: “vì sao một số tác phẩm nghệ thuật lại đắt đỏ đến vậy?”.

Chúng ta nên nhận thức rõ một điều, giá trị của tác phẩm nghệ thuật do người cảm thụ quyết định. Một bức tranh của Picasso chẳng hạn, có thể đáng giá hàng triệu USD với người này, nhưng lại chẳng đáng đến vài đồng với người kia. Nếu chúng ta thấu hiểu được, kết nối được, đồng điệu được với tác phẩm qua cảm xúc và cả các khía cạnh “kỹ thuật” (như thủ pháp, tên tuổi của nghệ sĩ, niên đại, kích thước, ý tưởng, những chủ nhân trước đó…), chúng ta sẽ thấy nó có giá trị. Tuy nhiên, đừng bao giờ thưởng thức một tác phẩm qua giá trị kinh tế. Nghệ thuật cần được ngưỡng mộ chân thành từ đáy con tim.

Tác phẩm của Keith Haring

Keith Haring (4/5/1958 – 16/2/1990) nổi tiếng với các tác phẩm phản ánh văn hóa đường phố của thành phố New York những năm 1980

Trong các loại hình nghệ thuật, hội họa là nơi tạo ra những tác phẩm đắt giá nhất. Bởi các tác phẩm hội họa (và cả điêu khắc) có tính nguyên bản (original) cực cao. Khả năng độc đáo của các nghệ sĩ là chắt lọc những gì họ thấy trong trí tưởng tượng để biến thành vật chất mà người khác có thể nhìn thấy, có thể thưởng thức được.

Dĩ nhiên, ngoài sức sáng tạo, nó cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật khác – kết hợp giữa tài năng và khổ luyện. Mỗi bức tranh hay mỗi bức tượng đều nguyên bản và độc nhất vô nhị, không bao giờ có một bản sao hoàn toàn chính xác, cho dù đích thân tác giả đứng ra thực hiện.

Ví dụ, màu vẽ có thể không được pha trộn chính xác, nhiệt độ thay đổi hằng ngày cũng ảnh hưởng đến chất lượng màu, thậm chí thời gian khô khác nhau cũng có thể làm cho màu của bức tranh thay đổi theo. Chưa kể đến việc tái tạo các nét vẽ giống nhau là điều bất khả. Các bản in lại càng không thể hiện được sự sống động của bản gốc, chúng thuần túy chỉ là bản sao mang tính kỹ thuật chứ không phải tác phẩm nghệ thuật thực sự. Như thế, chỉ một người có thể sở hữu tác phẩm gốc. Nghệ sĩ càng nổi danh, nhu cầu sở hữu tác phẩm càng lớn. Và đấu giá là hình thức “tranh đoạt” công bằng nhất, nhưng theo đó, giá cả cũng bị đẩy lên cao, thậm chí tới mức điên rồ.

Một lý do nữa, dù tế nhị nhưng lại được giới chuyên môn cực kỳ coi trọng, nhất là trong khâu thẩm định giá. Đó là việc tác giả còn sống hay đã qua đời. Và thực tế thì đúng là quá phũ phàng khi cái chết luôn làm tăng giá trị của tác phẩm. Như Van Gogh là một trường hợp kinh điển. Ông rời bỏ cuộc sống khi mới 37 tuổi trong cảnh nghèo khó và chỉ đến lúc đó, thị trường mới nhận ra nghệ sĩ này tài hoa nhường nào, tranh của ông đẹp đẽ và hoàn hảo đến nhường nào. Ngoài Van Gogh, những họa sĩ lẫy lừng khác như Jackson Pollock, August Macke, Keith Haring đều không được tận hưởng niềm vui thành công khi còn tại thế.

Giải thích cho sự éo le này ở khía cạnh tài chính, một nhà sưu tập giấu tên cho biết, những họa sĩ đã qua đời thì không thể sáng tác thêm, dẫn đến nguồn cung hạn chế, giá cả tăng phi mã cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, các tác phẩm xuất sắc nhất của các nghệ sĩ lỗi lạc nhất hầu hết đã yên vị trong bảo tàng và không có cơ hội xuất hiện ở các nhà đấu giá, vì thế, đôi khi, những tác phẩm “xoàng xĩnh” hơn về chất lượng cũng có thể đạt tới mức giá không tưởng vì sở hữu chúng vẫn là điều may mắn và hạnh phúc với bất kỳ cá nhân nào hội tụ đủ hai yếu tố: tình yêu nghệ thuật đích thực và khả năng chi trả.

Đến đây, một câu hỏi khác sẽ được đặt ra, theo các chuyên gia, là rất cần thiết cho những người mới đặt chân vào thế giới vừa rộng lớn vừa phức tạp như rừng rậm Amazon: vậy thì, những kiệt tác có gì đặc biệt để trở thành kiệt tác? Đầu tiên, ai cũng biết, nó phải được công nhận rộng rãi, tối thiểu về các khía cạnh chuyên môn, mà chủ yếu là kỹ thuật thể hiện của nghệ sĩ. Ngoài ra, danh tiếng của họa sĩ, cộng thêm những câu chuyện bên lề sẽ giúp đưa tác phẩm lên đỉnh, mà bức Mona Lisa trứ danh của Leonardo da Vinci lại là một minh chứng rõ nét.

Vào đầu thế kỷ XX, bức tranh này đã nằm ở bảo tàng Louvre (Pháp) nhưng không được quan tâm nhiều bằng tranh của các họa sĩ Phục hưng khác như Titian hay Raphael. Tuy nhiên, sau khi nó bị đánh cắp và tìm lại được trong năm 1911 cùng phiên tòa gây tiếng vang lớn vì tên trộm người Italia đã biện luận rằng hành động của anh ta thể hiện tình yêu nước cao cả, Mona Lisa bỗng nhiên được chú ý nhiều hơn. Cứ thế, đám đông kéo tới chiêm ngưỡng nụ cười bí ẩn ngày một đông đảo hơn, chủ yếu do tò mò. Nhưng chỉ như thế là đủ để trong vòng vài chục năm ngắn ngủi, Mona Lisa trở thành bức tranh nổi tiếng nhất thế giới, và nếu nó hiện diện ở hai nhà Christie’s hay Sotheby’s, mức giá gõ búa ước chừng sẽ đạt tới 850 triệu USD.

Titian là một trong 10 cây cọ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Tài năng của ông trở thành nguồn động lực chính thúc đẩy những tuyệt đỉnh nghệ thuật của giai đoạn hậu Phục hưng. Giới sử gia gọi thế kỷ XVI trong lịch sử sáng tác nghệ thuật của nhân loại là “Thế kỷ hội họa của Titian”

Một minh chứng khác cũng mang tính điển hình không kém, là tác phẩm sắp đặt của Marcel Duchamp mang tên Fountain (tạm dịch là Suối nguồn), ra mắt năm 1917. Nhờ những đóng góp không mệt mỏi cho trào lưu avant-garde (bao gồm lập thể, Dada và nghệ thuật ý niệm), Marcel Duchamp đã nhận được sự ngưỡng mộ và tôn vinh từ các đồng nghiệp và cả giới phê bình trên toàn cầu. Cũng vì vậy, bản sao của Fountain – chỉ là một chiếc bồn tiểu bằng sứ dựng ngược – đã bán được với mức giá “không tưởng” 1,9 triệu USD vào năm 1999, và nếu bản gốc không bị thất lạc, con số này có thể tăng lên khoảng 10 lần.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác có thể tác động đến giá của một tác phẩm nghệ thuật, như thời gian sáng tác thường lâu dài, tiền mua nguyên vật liệu ngày càng cao, mức phí để tác phẩm có thể xuất hiện ở các gallery hay các buổi triển lãm – càng danh giá, càng uy tín thì nghệ sĩ càng phải chi nhiều. Nhưng khi đã được trưng bày ở những gallery nức tiếng như David Zwirner hay Hauser & Wirth, giá của tác phẩm sẽ tự động “bật” lên một mức mới – chắc chắn không dành cho nhóm khách “bình dân” hay vãng lai – bởi nó cho thấy nghệ sĩ đã đạt tới một trình độ được thừa nhận về sự điêu luyện. Ngoài ra, tranh khổ càng lớn thì giá cũng càng cao, điều này là hiển nhiên không có gì phải bàn cãi thêm.

Nhưng, thật may cho hầu hết chúng ta, là chỉ một phần nhỏ nằm ở đỉnh chóp của nghệ thuật mới đắt đỏ. Vẫn theo báo cáo của Art Basel và UBS, chỉ 0,2% nghệ sĩ có tác phẩm bán với giá từ 10 triệu USD trở lên, nhưng khoảng 32% trong doanh số 67,4 tỷ USD của năm 2018 là từ nhóm tác phẩm 10 triệu USD trở lên này. Còn những người yêu nghệ thuật bình thường vẫn có thể mua tác phẩm của các nghệ sĩ mới nổi ở các gallery nhỏ và độc lập với mức giá phải chăng. Internet cũng là một kênh bán hàng lý tưởng của nhóm nghệ sĩ này, tuy nhiên, người mua cũng cần cẩn trọng và nên có nguồn tử tế để “nhờ vả”.

Tuy nhiên, một “vấn nạn” đang âm thầm diễn ra và đã xuất hiện những lời cảnh báo nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh đại dịch đã làm đảo lộn nhiều thứ, bao gồm cả thị trường nghệ thuật. Đó là các gallery nhỏ lẻ đang phải vật lộn với nhiều khó khăn để tồn tại – khi lượng khách hàng liên tục sụt giảm trong hai năm vừa qua. Nếu bị đóng cửa với số lượng lớn (trên phạm vi toàn cầu), đây sẽ là một thảm họa thực sự cho hệ sinh thái của thế giới nghệ thuật. Các nghệ sĩ trẻ, độc lập hoặc bán chuyên mất một kênh kết nối với khách hàng, người mua đại chúng mất chỗ tin cậy để tiếp cận với các tác phẩm “đàng hoàng, tử tế và hợp túi tiền”.

Cách cứu vãn hợp lý nhất là để lợi nhuận ở tầng đỉnh chóp nhỏ giọt xuống tầng giữa và tầng cuối, bởi suy cho cùng, ngoài dạng thiên tài “trăm năm hiếm gặp”, có nghệ sĩ lẫy lừng nào không xây dựng tên tuổi của mình từ sự vô danh…

Cho đến giờ, nhiều người vẫn chưa lý giải nổi vì sao tác phẩm Rabbit trông có vẻ đơn giản này lại được bán với mức giá hơn 90 triệu USD

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111