ĐẠO HỌC-GIÁO DỤC-TRÍ TUỆ

Tín tâm và chính ngữ trong thời đại nhiễu loạn thông tin

Tín tâm và chính ngữ trong thời đại nhiễu loạn thông tin

Một buổi sáng thức dậy, bạn mở điện thoại lên, sẽ có nhiều thông tin hiện ra trên một màn hình phẳng, đập vào mắt chúng ta sẽ là những dòng tin tức nóng hổi ở nhiều lĩnh vực, thể loại khác nhau, thông tin như một sa bàn, chằng chịt, đa dạng và dường như tiếp nối bất tận, có những thông tin thuộc về chính thống, có những thông tin trái chiều như cách người ta thường gọi và chia ra.

Dường như chúng ta đang bị trôi trong dòng thông tin đa chiều phức tạp ấy, đôi lúc hỗn loạn và mù mịt, mù mịt không phải vì thiếu thông tin mà mù mịt vì quá nhiều thông tin đổ dồn về một lúc, khiến người ta khó có thể phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả.

Con người cũng chia ra làm nhiều thái cực để tranh luận, phản biện, nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, mỗi nhóm tư duy sẽ bảo vệ lý lẽ, luận điểm cho mình và dường như khó tìm được một điểm chung đồng thuận. Như một quy luật tự nhiên, khi mặt đất bên dưới lớp nước bị dịch chuyển lên xuống đột ngột sẽ gây ra những đợt sóng thần.

Làn sóng thông tin cũng vậy, khi có những vấn đề gì đó xảy ra theo hướng bất thường sẽ phá vỡ đi sự ổn định trong đời sống xã hội, nếu không có giải pháp, biện pháp xử lý kịp thời thì làn sóng này sẽ chia ra làm nhiều nhánh, lây lan và ngày càng trở nên phức tạp, có thể từ tích cực trở thành tiêu cực, từ bình thường trở thành bất thường.

Tiêu cực từ làn sóng nhiễu loạn không phải xuất phát từ nguyên nhân ban đầu mà tự sự biến dạng, bị tác động ngoại vi khiến mọi thứ dần trở nên mất kiểm soát, con người bắt đầu bị cuốn trôi, ảnh hưởng bởi những thông tin, nhánh rẽ đa chiều mà ai cũng cho là mình đúng, với những dẫn chứng, lập luận sắc bén nhằm khẳng định giá trị tin tưởng giữa một mê trận niềm tin.

Chính làn sóng này đã làm cho tín tâm và chính ngữ con người trở nên chao đảo, dù nhiều dù ít cũng bị ảnh hưởng bởi một nhánh rẽ nào đó, nhất là khi mọi thứ trở nên mâu thuẫn, chồng chéo nhưng được bảo vệ trong một hệ nhóm lớn mạnh như nhau.

Ai cũng muốn kéo người khác về phía mình, bằng những lập luận nghe có lý, bằng những minh chứng sinh động, và để một người có thể bước ra khỏi vòng xoáy của cơn lốc truyền thông ngày nay, phân biệt được đúng sai, đòi hỏi phải có sự tỉnh táo, khả năng phân tích, tư duy sâu sắc, lập trường vững chắc để không bị trôi theo con sóng đa chiều nhiễu loạn thời đại công nghệ số.

Tín tâm giữa mê trận chính – tà

Vì vậy, để giữ được tín tâm giữa đời sống thông tin rối ren phức tạp, người học Phật phải rèn luyện cho mình có được niềm tin đúng đắn, trí huệ và sự chân chính nhiếp tâm, từ đó sẽ phân biệt được giữa tà và chính, tức cái đúng và cái sai,

Trong đạo Phật còn gọi là tà kiến và chính kiến để không bị dẫn dắt, lôi kéo theo sự mê tín sai lầm, không bị dụ dỗ, thao túng bởi những lời lẽ mang tính thần quyền, dọa dẫm, không để niềm tin tín ngưỡng trở thành nỗi sợ hãi khiến người mộ đạo trở thành kẻ phục tùng, chịu đựng và mất đi vai trò làm chủ bản thân, lệ thuộc vào đấng thần linh, đấng giáo chủ ban phước giáng họa.

Người đã quy y cần phải nhất tâm và giữ mình không phạm vào 5 giới cấm, càng giữ tâm mình kiên cố càng tạo quả bồ đề. Hộ trì Tam Bảo, tìm cầu học đạo, dù tại gia cũng vẫn nuôi dưỡng ham muốn học tập, tìm hiểu về Phật pháp để mở rộng nhận thức, hiểu về chính pháp, tự thực hành giới luật, coi trọng và đề cao trí tuệ, xem trí tuệ là nền tảng, là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Càng ham thích học Phật, nỗ lực tiến tu sẽ giúp người phật tử trở nên khai minh, tinh tấn, ít rơi vào tà kiến, ngược lại luôn có những góc nhìn, tư duy rộng mở, sáng tỏ, thấu đáo mọi chân lý hiện tiền.

Tín tâm còn có nghĩa là giữ tâm thanh tịnh, xả bỏ tất cả chấp trước, buông bỏ thị phi nhân ngã, là dùng tâm bình đẳng trước mọi chúng sinh, không phân biệt cao thấp, sang hèn, không phân chia phe phái, không ỷ mạnh hiếp yếu. Người giữ được tín tâm luôn có sự bác ái chân thành, rời xa mộng tưởng điên đảo thế gian, đến được con đường an lạc và hạnh phúc.

Muốn giữ được tín tâm, người học Phật cần đứng ở góc độ độc lập bởi mọi sự bè phái, hội nhóm thường làm cho con người trở nên bị lệ thuộc, mất đi sự tự do trong giải quyết vấn đề, tư tưởng bị co hẹp hoặc giới hạn trong một phạm vi tập thể, chịu sự lôi kéo, tác động từ phe phái, người thủ lĩnh, từ đó không khai phóng được tư duy và tầm nhìn rộng mở, không có phản ánh đa chiều, không khai thác được những giá trị sâu xa trong việc phân tích, chắt lọc giữa tình và lý.

Người học Phật cần tách mình ra khỏi ảnh hưởng từ những trào lưu hay đám đông nào đó, tách mình ra khỏi những lợi ích cá nhân để cảm thụ và nhìn nhận rõ những diễn biến hữu hình, từ nhiều phương diện và góc độ, khi có những góc nhìn khách quan sẽ giúp người học Phật nhận ra được chân lý, khi đó tín tâm càng sâu dày, niềm tin vào Tam Bảo càng tăng trưởng và kiên cố.

Để giữ được tín tâm trong thời đại ngày nay, khi sự giao thoa giữa giá trị đạo Pháp đứng giữa sự phát triển hiện đại của khoa học công nghệ, người học Phật cần phải nuôi dưỡng được tâm lương thiện bởi lương thiện là cội rễ lành cho tâm từ bi được gieo trồng và phát triển.

Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn song hành với kiến thức Phật pháp sẽ là nền tảng để người học Phật có tri kiến, nhận thức đúng đắn, trọn vẹn giữa khoa học và tâm linh. Trong thời đại bùng nổ thông tin, chúng ta phải thừa nhận rằng đây là thách thức và cũng là thuận lợi đối với vai trò của Phật giáo bởi phải dung hòa được yếu tố kinh điển trong giáo lý, không đi sai lệch, không đi chệch hướng nhưng vẫn phải đáp ứng được sự tiến bộ và thay đổi của nhân loại.

Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão thì để mỗi người phật tử giữ được tín tâm với Phật pháp là cả một quá trình đòi hỏi sự cố gắng, tiến tu của bản thân và sự giữ gìn đạo Pháp của tập thể tổ chức Phật giáo quốc gia vô cùng kiên cố.

Chính ngữ trong thời đại thông tin nhiễu loạn

Trong thời đại nhiễu loạn thông tin thì chính ngữ cũng là một vấn đề được đặt ra trong xã hội, việc giữ gìn chính ngữ trong biểu đạt cảm xúc, trong cách giao tiếp hoặc trao đổi thông tin được xem là vấn đề vô cùng quan trọng, đó vừa là ái ngữ tránh gieo khẩu nghiệp, vừa là giới luật trong pháp tu thứ ba của Bát chính đạo.

Ngày nay, con người thường tranh đua nhau trong nhiều mặt trận đời sống, trong đó tâm linh tín ngưỡng cũng vô tình trở thành “mặt trận” với không ít những thành phần vẫn còn hiếu thắng, chưa xả bỏ ly dục, vẫn còn xem chốn này như cõi để tranh nhau. Khi những lời lẽ không đủ để tạo nên sự đồng thuận, khi thân tâm không còn chỗ cho sự từ bi thấu cảm thì con người bắt đầu dùng khẩu ngữ để nhục mạ, chà đạp, công kích lẫn nhau cho thỏa mãn sự oán ghét, cơ hiềm.

Con người cảm thấy hả hê khi đối phương bị sát thương từ những mũi tên khẩu ngôn độc địa. Khi đó, lời ái ngữ bỗng trở nên xa xỉ trong lòng người, và giữa làn sóng thông tin nhiễu loạn, không ít người xem đó là cơ hội để thản nhiên bộc lộ sự hiếu chiến bằng những ngôn từ cay nghiệt, chỉ cần hạ bệ, đả phá được người khác, chỉ cần nhìn thấy người khác gục ngã là đủ để họ hả hê.

Vòng xoáy đàm tiếu như một chiếc phễu cuốn trôi và nhấn chìm con người trong mớ ngổn ngang oán thù, hiềm tỵ, càng ngày càng tạo thành hố sâu đau khổ, sa đọa không thể thoát ra. Chính ngữ trong thời đại ngày nay không chỉ tùy thuộc tâm tính của mỗi người mà còn là sự học, học để đứng trước cơn bão thông tin đa chiều, mỗi người phải biết cách ứng xử sao cho hợp lý.

Người ta có câu, một người mất ba năm để học nói nhưng mất một đời để học im lặng, và học nói cho đúng nơi đúng chỗ cũng là một cách thể hiện văn hóa, tầm hiểu biết của bản thân, bởi có không ít người trong phút chốc đã đánh mất đi giá trị của bản thân mình chỉ vì một lời ngông cuồng, ác ngữ.

Giữ được chính ngữ là cách định hình và kiểm soát những thông điệp, tin tức mà mỗi người chúng ta tiếp nhận, giúp mỗi người hạn chế những tổn thương gây ra cho người khác. Người nói lời chính ngữ chưa hẳn là người từ bi rộng lượng nhưng người từ bi rộng lượng chắc chắn sẽ là người biết nói những lời chính ngữ.

Để mỗi người đừng biến mình thành nạn nhân giữa sa bàn thông tin hỗn tạp thì cần phải ý thức được lời nói của mình trong xã hội ngày nay, bởi mỗi lời nói ra, chúng ta đều nhận lại hệ quả cho mình, có thể ít, có thể nhiều. Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất mà đức Phật luôn dạy mỗi chúng sinh cần ý thức, khi nhặt một nắm cát ném vào người khác, bụi sẽ bay ngược vào mắt mình, quẳng một thứ bẩn nhơ vào người khác, tay chúng ta vấy bẩn trước tiên. Khi không kiểm soát được chính ngữ, con người sẽ trở nên xấu đi trong mắt nhiều người khác.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, yếu tố nhân văn, tử tế trong cách hành xử, lời nói càng được xem trọng, vì thế những lời lẽ nông cạn, mang ngôn thù ghét gây xung đột, chia rẽ sẽ đi trái lại với văn minh nhân loại, sẽ bị phản ứng, lên án, loại bỏ, và hệ lụy đằng sau đó cho người gây ra ác ngữ là vô cùng lớn.

Con người không thể sống tách biệt hoàn toàn với xã hội cũng như không thể tồn tại mà không có những mối quan hệ với thế giới xung quanh, vì vậy văn hóa ứng xử được hình thành, phát triển và chi phối đến từng suy nghĩ, hành vi của con người trong xã hội. Lời nói, hành vi sẽ phản ánh về văn hóa, trình độ nhận thức và đạo đức cá nhân từng người thông qua cách con người giao tiếp với nhau; cách con người thể hiện thái độ, hành vi; cách thích ứng của con người trong xã hội…

Trước làn sóng thông tin đa chiều và nhiễu loạn hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới, khi có những sự việc, hiện tượng được đẩy lên đến mức cao trào từ một cá nhân, thành phần nào đó, tạo ra những xung đột, mâu thuẫn, gây ra những hệ lụy tiềm ẩn nhiều nguy hại cho cộng đồng, tác động trực tiếp đến một lĩnh vực nào đó, trong đó bao gồm cả những vấn đề về tôn giáo.

Đôi khi chúng ta thờ ơ, chủ quan không nghĩ đến hoặc không hình dung ra những hậu quả xấu từ những vết nứt âm ỉ, những tác hại khôn lường cho đến khi sự việc nào đó diễn ra, và khi nó bị đùn đẩy, tách nứt tạo thành những “cơn sóng thần” khiến cho lòng tin con người chao đảo, đời sống xã hội rơi vào sự biến động, nhiễu loạn cao trào, khi đó việc xử lý hậu quả đã trở nên phức tạp, thậm chí không thể kiểm soát, có thể gây ra cảnh bạo động, bạo lực.

Trong thế giới phẳng ngày nay, những hành vi của con người truyền tải đến nhau chỉ bằng những cú click chuột, bằng những bài viết, hình ảnh, ngôn từ. Mọi ngôn ngữ sẽ phác họa ra một thế giới thu nhỏ nhưng lại mênh mông vô tận với tốc độ lan nhanh vô cực, thế nên song hành với sự phát triển của nền công nghệ cũng là những tiêu cực và hệ quả xấu từ những thông tin hỗn loạn trên các nền tảng mạng xã hội, từ mọi ngóc ngách mà chúng ta đang hòa mình vào đó hằng ngày.

Để có thể điều tiết, kiểm soát được hành vi, lời nói, để đừng trôi lăn vào mớ hỗn độn sân si, đừng biến mình thành nạn nhân trong vòng xoáy thông tin nhiễu loạn thì mỗi người chúng ta, đặc biệt là người học Phật phải rèn luyện được tín tâm, giữ được chính ngữ cho mình, có như vậy, chúng ta mới bình tâm, an lạc đi qua những rối rắm, ô trược của cuộc đời mà không bị bủa vây vào những thông tin mê trận.

Võ Đào Phương Trâm

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111