Nguyễn Gia Trí: “Tôi sáng tác bằng tâm linh” – Lời tâm sự từ cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam
Nguyễn Gia Trí: “Tôi sáng tác bằng tâm linh” – Lời tâm sự từ cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam
Chân dung họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) quê ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (từ năm 2008 thuộc về Hà Nội mở rộng). Năm 1936, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nguyễn Gia Trí là người dẫn đầu thời kì cực thịnh của sơn mài những năm 1938 – 1944. Tác phẩm của ông vừa thực, vừa lung linh huyền ảo, ẩn hiện giữa các lớp sơn. Ông thường vẽ phụ nữ và phong cảnh, đồng thời có phong cách xây dựng bố cục tranh theo hình thức bình phong, bố trí các hình tượng trên nhiều tấm rời nhau rồi ghép lại. Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Gia Trí trong năm 1940 bao gồm Bên hồ Hoàn Kiếm, Vườn xuân. Đó là những đỉnh cao của nghệ thuật tranh sơn mài, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng vào thời kì này, tác phẩm Lưu Nguyễn nhập thiên thai khổ lớn của ông được người Pháp mua, bày tại dinh Toàn quyền của người Pháp ở Hà Nội – nay là Phủ Chủ tịch của ta; bức tranh hiện vẫn được treo ở đó.
Ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là “người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”. Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc. Những tác phẩm của ông có thể tìm thấy trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm Cảnh nông thôn, sơn mài, 80x56cm, 1939
Cuối những năm 30 trong giới mỹ thuật Việt Nam phổ biến câu có tính xếp đặt: Nhất Trí, nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn). “Nhất Trí” cái tên quá quen thuộc sáng chói nhất mà từ lúc sinh thời đã nhuốm màu huyền thoại, một tài năng bền bỉ nghị lực trong giao thoa tiếp xúc văn hóa Đông Tây không thể ai thay thế, không thể ai phủ định. Vào thập niên 40 thế kỉ 20, khi chuyển sang sáng tác chuyên về chất liệu sơn mài, đã tạo ra được một phong cách riêng. Chủ đề quen thuộc là những thiếu nữ duyên dáng, nhàn tản trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Với chất son, sơn than, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kĩ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ này trong nền mĩ thuật Việt Nam. Những năm 1960 – 1970, nghệ thuật của ông có xu hướng thiên sang trừu tượng. Tuy vậy, cuối đời ông lại trở về với thế giới lãng mạn đầy mộng mơ của những năm 40.
Tác phẩm Bức tranh Thiếu nữ bên Hồ Gươm
Sau 1954, ông dời vào miền Nam. Cần mẫn sáng tạo vẫn theo khuynh hướng truyền thống, nhưng dần dần ông điêu luyện hơn trong kỹ thuật, bớt dần sự bay bướm, huyền ảo duyên dáng. Nếu thời cận đại, Nguyễn Gia Trí để lại vẻ đẹp thiếu nữ thanh tân Hà Nội cổ kính và tươi trẻ hồn nhiên thì giờ đây không còn thướt tha đài các như xưa nữa. Từng nhóm cô gái ngồi, nằm yên lặng, trầm tư, đăm chiêu. Thời gian này, tranh ông đa sắc hơn, ông thể nghiệm một chút tượng trưng, biểu hiện, lại thử sức cả trừu tượng vào sơn mài. Ông vẫn tràn đầy cảm xúc nhưng được chế ngự của ý thức và trí tuệ.
Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc 1970 – 1990, sơn mài (trích đoạn), Bảo tàng Mĩ thuật Tp.Hồ Chí Minh
Tô Ngọc Vân nhận định về tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí như sau: Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc – thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí.
Trong sự nghiệp mĩ thuật của Nguyễn Gia Trí còn phải kể đến những bức tranh minh hoạ, tranh châm biếm và phụ bản vẽ trước năm 1945 cho các báo “Ngày nay”, “Phong hóa” (báo của nhóm Tự lực văn đoàn). Ông còn minh hoạ cho nhiều tập “Sách Hoa Hồng” (Livre Rose) – loại sách thiếu nhi. Từ năm 1954, Nguyễn Gia Trí sống ẩn dật, là một nghệ sĩ hiền hoà, có tư duy về nghệ thuật theo hướng Thiền. Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Nguyễn Gia Trí vẽ rất nhiều tranh sơn mài, nhưng phân tán ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam có bức Lùm tre. Tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh có bức Vườn xuân Trung Nam Bắc. Đây là tác phẩm khổ lớn ông vẽ vào lúc cuối đời, tranh được làm bằng 9 tấm sơn mài ghép liền (200×540 cm). Ngoài ra, trong các sưu tập cá nhân có bức Bên đầm sen, Thiếu niên hoa phù dung, Thiếu nữ bên Hồ Gươm… ông còn vẽ tranh sơn mài trừu tượng, hiện còn lưu tại Thư viện Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Gia Trí đã đưa kĩ thuật sơn mài lên đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Ông đã tạo ra những bức tranh kì diệu với vẻ đẹp lộng lẫy và huyền ảo, trang nhã và thâm trầm.
Nguyễn Gia Trí còn là một nhà biếm hoạ sắc sảo, bút danh Raitơ (Right) với những tranh châm biếm chính quyền thực dân Pháp và đám quan lại phong kiến tay sai trên báo Phong hoá, báo Ngày nay. Ông là nhà đồ hoạ nổi tiếng với những tranh khắc gỗ màu mang đậm màu sắc dân gian và những minh hoạ sách báo phóng khoáng đầy chất hiện thực.
Nguyễn Gia Trí – Ứng tấu, 1954, sơn dầu. Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Họa sĩ lúc sinh thời đã có nguyện vọng giữ lại ba bức tranh: “Để cho thế hệ mai sau nghiên cứu”. Đó là 3 bức tranh sơn mài khổ lớn lưu tại Thư viện quốc gia TP Hồ Chí Minh mà Trần Lệ Xuân mua định tặng Nhật Hoàng, nhưng ông yêu cầu phải để lại trong nước. Những năm 70 của thế kỷ 20, tài chính của Nguyễn Gia Trí tới hàng nghìn cây vàng. Nhưng đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ngoài vài tấm tranh, tài sản của ông chẳng có gì đáng kể, tất cả đã được họa sĩ dành cho nghệ thuật. Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được chỉ định là Quốc bảo. Vì thế, những tác phẩm của ông không được phép rời khỏi Việt Nam.
Tấm bình phong Phong cảnh rất nổi tiếng của Nguyễn Gia Trí thường gọi là Dọc mùng, sơn mài, 160x400cm, 1939
Nguyễn Gia Trí từ trần lúc 22 giờ 30 phút ngày 20 tháng 6 năm 1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, ông được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, ghi nhận những đóng góp của ông đối với lĩnh vực nghệ thuật này. Ngày nay, xem lại toàn bộ sáng tác của Nguyễn Gia Trí, ta thấy ông là người luôn tìm kiếm hướng mới cho sơn mài. Những tính từ mỹ miều chỉ tính cách nghệ thuật sơn mài đã thôi thúc ông tìm tòi, không dừng ở tả thực, ông muốn trừu tượng hóa hình hài vật thể. Những cuộc tìm kiếm đó, nhiều người cho là ông đã chế ngự được sơn mài, nhưng ông đã khẳng định: “Mình có làm chủ được đâu, phải hiểu biết tính chất của nó như tính tình của một người bạn, đôi lúc cũng phải theo khả năng của nó chứ” (Theo Thái Tuấn: Họa sĩ Nguyễn Gia Trí).