Y HỌC-SỨC KHỎE - DƯỠNG SINH-VÕ THUẬT NỘI CÔNG

Giải mã huyền thoại về khí công trong võ thuật

Giải mã huyền thoại về khí công trong võ thuật

Từ xưa, nhiều môn phái Võ thuật và các trường phái Đông y đều nhấn mạnh việc luyện Khí công là phương pháp chủ yếu để gìn giữ và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có những truyền thuyết về các khả năng gần như siêu việt của Khí công được nhiều người nói tới. Chẳng hạn như trong đoạn trích dẫn sau đây :

“…Chỉ thấy cụ Lưu Văn Khanh cất bàn tay trái lên, một luồn hào quang màu hồng như tia sáng mặt trời từ tay cụ phóng ra. Đó chính là công phu nổi tiếng “Võ Đang long môn thất ất kim thích chưởng”. Tiếp đó, cụ lại biểu diễn “Hắc phong chưởng”: Một luồng khí sắc đen lại từ huyệt Lao Cung của bàn tay trái phóng ra tựa như một luồng khói đen, khiến mọi người chứng kiến sửng sốt kinh ngạc và thán phục. “Mai hoa chưởng” của cụ lại càng tinh diệu hơn nữa. Một luồng khí sắc trắng như khói từ tay cụ phóng ra kèm theo âm thanh “vù vù”, khiến hơn 200 con người hâm mộ đứng xem lặng người kinh ngạc và sau đó hoan hô vang dậy…Cụ Lưu cười ha hả nói : “Các vị vất vả quá và đã có vẻ mệt nhọc lắm rồi, để tôi giúp các vị bổ khí một chút”. Nói rồi cụ cất bàn tay lên lần lượt hướng tới mồm của ba người phóng ba lần “Dược vương chưởng”. Ba người điều cảm thấy một luồng khí có khí vị rất đậm của Trung dược từ khoang miệng lan tỏa khắp thân thể. Sau đó liền cảm thấy toàn thân thư giãn nhẹ nhàng, tinh thần thư thái sảng khoái vô cùng…”(Khí công-các kỳ nhân đương đại, Thiên Tùng biên dịch, Nhà xuất bản Thể dục thể thao, Hà Nội, 1990, trang 6-7) là một trong nhiều câu chuyện kể về khả năng siêu việt của khí công gần như là huyền thoại ! Bởi trong thực tế vẫn chưa có những luận cứ khoa học nào giải thích một cách minh bạch và tường tận về các khả năng sử dụng Khí công như vậy. Thái độ của những con người đang chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ XXI không nên vội phê phán về các huyền thoại khí công như vừa kể, mà hãy gác nó qua một bên, chờ đợi kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.

Thực chất về công năng của Khí công trong việc giữ gìn và tăng cường sức khỏe đã được khoa học chứng minh. Thật vậy, ngày nay, khoa học cho ta biết rõ cơ thể, và đặc biệt là các bắp thịt, trong lúc hoạt động rất cần khí Oxy và tiêu khử khí Carbonic. Oxy tiềm tàng trong không khí được hít vào phổi, rồi hòa tan vào huyết để được tải khắp cơ thể. Huyết cũng tải về phổi khí thán do các bộ phận khác tiết ra, để được thải ra ngoài lúc thở ra. Như vậy khí và huyết là hai yếu tố gắn bó mật thiết với nhau, do đó hai quá trình vận khí và vận huyết cũng gắn chặt với nhau. Lưu thông khí huyết là điều kiện cơ bản trong việc bảo vệ sức khỏe và rèn luyện cơ thể.

Tùy theo ý muốn, chúng ta có thể vận dụng bộ máy hô hấp, vận dụng các bắp thịt để thở. Bắp thịt thở chủ yếu là hoành cách mạc. Vận động của nó bảo đảm 2/5 dung tích không khí ra vào. Hoành cách mạc nằm thành một cái vòm giữa ngực và bụng, phía trên là phổi và tim phía dưới là gan, dạ dày và ruột. Lúc hoành cách mạc co thắt để hạ xuống 2 đến 3cm, nếu tập nhiều có thể hạ xuống đến 10 hay 15cm. Lúc ấy, lồng ngực và phổi dãn ra, bụng phình lên vì gan, ruột bị đẩy xuống, không khí được hít vào. Hoành cách mạc trở về chỗ cũ, phổi bị ép lại, không khí được đẩy ra ngoài, lúc ấy ruột gan bị kéo lên và bụng thót lại. Như vậy, lúc hít vào thì bụng phình lên, và lúc thở ra, bụng thót lại. Bắp thịt bụng cũng giúp vào việc thở, đặt biệt là lúc thở ra, khi ấy hoành cách mạc đi lên, cơ bụng thắt lại, đẩy gan ruột lên, do đó thở ra được sâu hơn. Tóm lại, cần nhớ nguyên tắc : thót bụng thở ra, phình bụng hít vào.

Ngoài hoành cách và cơ bụng, giữa các xương sườn cũng có những cơ nối liền hai xương với nhau, phía trong và phía ngoài. Lúc các cơ liên sườn bên ngoài co thắt lại, xương sườn bị kéo ra, lồng ngực phồng lên, giúp cho không khí vào, và ngược lại, khi các cơ liên sườn bên trong kéo sườn vào thì lồng ngực thắt lại, không khí bị đẩy ra. Vì phía dưới của phổi rộng hơn phía chóp phổi, do các xương sườn trên rất cứng, gồm toàn xương từ trước ra sau, không như các xương sườn phía dưới, gồm một phần sụn ở phía trước, nên lồng nhực phía trên không co giãn được bao nhiêu. Những bắp thịt níu vào các xương sườn phía trên và xương đòn gánh, đóng góp vào việc đưa không khí ra vào không đáng kể. Thông thường khá nhiều người cứ lầm tưởng bắp thịt ngực, tức bắp thịt kéo từ cánh tay đến giữa ngực, là bắp thịt để thở, nên lúc tập thường đưa vai lên, kéo căn phần trên của ngực, trái với sinh lý tự nhiên.

Thở bụng, tức là vận dụng hoành cách mạc, cơ bụng, cơ liên sườn phía dưới, là cách thở có hiệu quả cao nhất. Rèn luyện các bắp thịt ấy cho thật nhuần nhuyễn, trong lúc thở nắm cho được mình đang vận dụng bắp thịt nào là công tác cơ bản của khí công. Nói một cách tổng quát, cần nắm vững những động tác sau đây :

Lúc thở ra, hoành cách mạc đưa lên, bụng thót lại, cơ liên sườn và các cơ bụng kéo sườn vào.

Lúc hít vào, hoành cách mạc hạ xuống, bụng phình lên cơ liên sườn kéo sườn ra.

Thở ra dài hơn hít vào và càng sâu càng tốt. Lúc hít vào xong, có thể giữ hơi lại một chút. Sách xưa thường nói rằng lúc hít vào, khí xuống đan điền, tức bụng dưới, thực ra vì hoành cách mạc đẩy ruột xuống nên bụng phình ra.

Bình thường lúc ngồi yên hay làm việc nhẹ, dung tích không khí ra vào chừng 0,5 lít, và người ta thở chừng 12 đến 16 lần trong một phút. Khi vận động, nhất là vận động nhanh như chạy đua, đấu võ, lưu lượng không khí ra vào có thể gấp 15 hay 20 lần. Lúc ấy dung tích không khí ra vào có thể lên tới từ 4 lít đến 6 lít, tần số thở cũng tăng lên gấp đôi hoặc hơn. Muốn tăng lưu lượng phải tăng chủ yếu khả năng hoạt động của hoành cách mạc lên, xuống thật nhiều và nhanh, nếu cần có thể cho không khí ra vào qua miệng, vì con đường này rộng hơn và ít khúc khủy hơn con đường qua mũi. Nhưng nếu ta không vận động nhiều, không cần lưu lượng không khí ra vào, thì cũng không nên đưa quá nhiều Oxy vào cơ thể, khử quá nhiều khí thán ra ngoài, vì như thế sẽ bị choáng váng. Lúc ngồi yên điều hòa nhịp thở cho thật đều đặn, nhẹ nhàng, dài và sâu, chủ yếu để điều hòa hoạt động của nội tạng và làm cho thần khinh thoải mái. Nhịp thở lúc ấy là một cho đến bốn lần trong một phút.

Tóm lại, có hai phương pháp luyện khí công :

Lúc vận động nhiều, thở sâu và nhanh, có thể cho không khí qua miệng để tăng cường lưu lượng không khí ra vào, cung cấp nhiều oxy và khử nhiều khí carbonic

Lúc vận động ít và không vận động, thì thở nhẹ, dài, sâu, rất chậm và toàn thể con người yên tĩnh điều hòa lại. Nếu hoàn cảnh cho phép, nhắm mắt lại tập trung ý nghĩ vào từng nhịp thở.

Có thể tập khí công trong tư thế nằm cũng được, đứng, nằm hay ngồi, miễn sao vận dụng được hoành cách mạc một cách dễ dàng. Kết hợp với động tác chân tay trong khi tập khí công cũng được. Khi rèn luyện xong rồi thì lúc vận động, nhịp thở và động tác chân tay sẽ tự nhiên phối hợp nhịp nhàng với nhau. Kỹ thuật của khí công đơn giản, tập vài lần sẽ quen, chủ yếu là đừng đưa vai lên xuống lúc thở, đừng cho vận động của lồng ngực tréo với vận động của hoành cách mạc, vì có khi ta cho lồng ngực căng lên để hút không khí vào, đồng thời lại thót bụng lại đẩy hoành cách mạc lên, tức đẩy không khí ra. Động tác của hoành cách mạc, cơ bụng và cơ liên sườn cần được phối hợp chặc chẽ. Trong lúc tập khí công điều hòa, cần chú ý làm chủ nhịp thở : thở thật đều là chủ yếu, không để nhịp thở rối loạn.

 

Nói một cách tổng quát, tập luyện khí công cần dựa vào những thành tựu khoa học thực tế để việc tập luyện phù hợp với vận động sinh lý tự nhiên của cơ thể, hầu tránh được những tật bệnh có thể phát sinh, đồng thời tạo điều kiện tốt cho khí oxy vào cơ thể giúp các tế bào hoạt động tốt hơn cũng như đưa khí carbonic ra khỏi cơ thể tạo môi trường tốt đẹp cho toàn cơ thể. Được như vậy, sức khỏe chắc chắn tăng tiến, từ đó khả năng dụng võ cũng tiến bộ là lẽ đương nhiên, đúng như Hải Thượng Lãn Ông đã từng viết :

Tập cho khí huyết lưu thông
Tay chân lanh lợi, tinh thần thảnh thơi

Võ sư Hồ Tường

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111