TÂM LÝ HỌC VỀ NIỆM PHẬT
TÂM LÝ HỌC VỀ NIỆM PHẬT
Tiếp theo, hãy cùng xem xét tại sao chúng ta có thể chứng ngộ kinh nghiệm tỉnh thức khi chúng ta niệm Phật, khi chúng ta niệm Danh hiệu của Đức Phật. Câu trả lời nằm trong cấu trúc của chính bản thân hành động niệm Phật.
Khi chúng ta tha thiết niệm Danh hiệu Đức Phật với một trái tim chân thành trong khi lắng nghe Pháp, những đời sống của chúng ta từ từ chuyển hướng về Đức Phật. Tuy nhiên, khi sự niệm Phật của chúng ta sâu sắc, cuối cùng sẽ có một sự đảo ngược hướng của việc niệm Phật ấy. Khi chúng ta niệm Phật, chúng ta hướng bản thân mình về Đức Phật vì chúng ta gọi lớn Danh hiệu của ngài và nghĩ tưởng đến ngài. Tuy nhiên, cùng lúc, chúng ta cũng biết một sự chuyển động theo hướng ngược lại. Đó là chúng ta nghe thấy tiếng của Đức Phật đang hướng về chúng ta, như tiếng ấy tự nói tên nó và gọi chúng ta. Ở đây, một kinh nghiệm tâm linh siêu việt xảy ra, chúng ta chứng ngộ cấp độ cao nhất của tâm thức.
Kinh nghiệm này xảy ra như là một kết quả tất yếu của hoạt động tâm lý và tâm linh của chúng ta như là một con người. Đối với Thân Loan (Shinran), nó cũng sinh khởi như là kết quả tất yếu của Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà. Điều đó nói rằng, cấu trúc nền tảng của kinh nghiệm tỉnh thức tất yếu là một với việc niệm Phật. Như tôi đã nói ở trên, đây là cách Thân Loan giải thích cấu trúc lý luận của việc niệm Phật: hành động niệm Phật là hành động của chính chúng ta, bao gồm cả nguyện vọng và thực hành. Đó là, chúng ta nói “Nam mô” và quy y “Đức Phật A Di Đà”. (Chúng ta có thể dịch “Nam mô A Di Đà Phật” như là “Con quay về với đời sống của Đức Phật.”) Tuy nhiên, Thân Loan cũng hiểu rằng thực hành niệm Phật là lời kêu gọi của Đức Phật, nó bao gồm nguyện vọng và thực hành, theo nghĩa rằng “Đức Phật A Di Đà” thực hiện hành động “ Nam mô” và quy y nơi chúng ta. (Chúng ta cũng có thể dịch “Nam mô A Di Đà Phật” như là “Lời yêu cầu của Đức Phật kêu gọi tôi trở về với Đức Phật.” Đây là điều nói lên ý nghĩa của việc niệm Phật.
Từ quan điểm của chúng ta, đó là từ góc nhìn tâm lý học về niệm Phật, thực hành niệm Phật giúp chúng ta “tương đối hoá” và từ chối một cách vô điều kiện tất cả những quan điểm thế gian. Mỗi chúng ta bận rộn lấy vợ, lấy chồng, sinh con hoặc tìm kiếm danh vọng, tiền tài. Tuy nhiên, khi đời sống của chúng ta đã bận bịu với việc học Pháp và niệm Phật, thì chẳng bao lâu nữa, tất cả những thứ ấy bắt đầu nhạt nhoà. Cuối cùng, tất cả sẽ bị lấy khỏi bàn tay của chúng ta. Khi chúng ta chết, chúng ta không thể mang bất kỳ điều gì theo mình, chúng ta buộc phải từ bỏ tất cả chúng lại phía sau. Do đó, chúng ta đến một chứng ngộ ngày càng sâu sắc rằng tất cả những thứ ấy đều trống không và giả tạm.
Khi trạng thái thông thường của sự hiện hữu của chúng ta được nhìn theo cách này và nó từ từ được “tương đối hoá” và từ chối, thì bản thân chúng ta trở nên trống không. Sau đó, một cách không thể tránh khỏi, là có một điều gì đó được nghe thấy. Bình thường, chúng ta luôn luôn cố gắng để nhồi nhét đầy các thứ vào mình. Chúng ta liên tục làm đầy bản thân với tự tham luyến và bản ngã, và do đó, chúng ta không thể thật sự thấy hoặc nghe bất cứ điều gì. Tuy nhiên, khi bản thân chúng ta từ từ trở nên trống không, thì những con mắt của tâm ta sẽ mở ra, và chúng ta cuối cùng sẽ có thể thấy các sự vật. Đôi tai của tâm ta sẽ trở nên rõ ràng và lần đầu tiên, chúng ta sẽ có thể lắng nghe. Và chúng ta có thể lắng nghe những âm thanh đau đớn và buồn khổ của những người khác.
Khi chúng ta đi đến chỗ biết một cách đầy đủ trạng thái thông thường của sự hiện hữu của chúng ta là giả tạm, thì chúng ta sẽ có thể lắng nghe điều mà chúng ta chưa từng nghe cho tới tận bây giờ. Chúng ta sẽ có thể thấy điều mà cho tới tận bây giờ, chúng ta chưa từng thấy. Trong cấu trúc này, cuối cùng, chúng ta trở nên có thể nghe tiếng của Đức Phật trong niệm Phật. Đó là cách niệm Phật hoạt động trong Tịnh độ Chân tông (Shin).
Một cấu trúc tương đồng có thể được tìm thấy trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca (Gautama) về tỉnh thức hay giác ngộ. Trong đó, giác ngộ được xem như là “giải thoát.” Giải thoát có nghĩa là “xoá bỏ” hoặc “buông bỏ”. Đó là, người ta xoá bỏ hoặc buông bỏ lớp da cũ của mình. Bản ngã là được diệt bỏ và từ từ trở thành trống không. Hơn thế nữa, giáo lý Phật nói về thành tựu giác ngộ như là “trở thành Phật”. Để thành tựu Phật quả là “trở thành”. Người ta chứng ngộ sự trưởng thành và trở thành một bản ngã mới. Trong Phật giáo, tỉnh thức hay giác ngộ có cấu trúc hai mặt này của “buông bỏ” và “trở thành.”
Tỉnh thức thông qua niệm Phật cũng có chính xác cùng một cấu trúc. Do những bản ngã cũ của chúng ta trở thành trống không, những bản ngã mới trở nên hoàn toàn trưởng thành. Do những bản ngã cũ của chúng ta trở nên trống không, một cái gì đó mới mẻ được nghe, được thấy. Cuối cùng, tiếng nói của Đức Phật đang gọi chúng ta được nghe thấy, được nhận thức trong những cái tai của tâm ta. Thân Loan gọi đây là “cấu trúc của sự đảo chiều” khi ngài khẳng định rằng niệm Danh hiệu Phật là lắng nghe Danh hiệu, và lắng nghe danh hiệu là niệm Danh hiệu.
Đây là một minh hoạ. Khi chúng ta còn trẻ thơ, chúng ta tha thiết gọi lớn tên của cha mẹ mình: “Cha ơi!” “Mẹ ơi!”. Chúng ta gọi lớn “Mẹ ơi!” với mẹ và mẹ trả lời “Ơi!” với chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự suy nghĩ về điều này, đấy là bởi vì chúng ta đã nhận được tình yêu thương của mẹ mà chúng ta đã gọi lớn tên mẹ. Nếu chúng ta chưa nhận được tình yêu thương của mẹ chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ làm như vậy. Khi chúng ta còn nằm nôi, chúng ta thường xuyên gọi tên lớn cha mẹ như thế nào? Bởi vì chúng ta liên tục gọi lớn tên họ mà giờ đây, chúng ta ý thức rằng tình yêu thương của cha mẹ ta đã sẵn có ở đó trước khi chúng ta gọi lớn tên họ. Chúng ta biết rằng việc gọi lớn tên cha mẹ không gì khác hơn là một sự vang vọng lại của tiếng gọi của cha mẹ chúng ta dành cho chúng ta.
Khi chúng ta tiếp tục thực hành niệm Phật như là “đang sống” trong những đời sống bình thường – niệm Phật trong khi chúng ta tiếp tục hướng những đời sống của chúng ta về Đức Phật và luôn chánh niệm về Đức Phật – một cách tất yếu, kinh nghiệm tâm linh đảo chiều này sẽ từ từ đến với chúng ta. Một kinh nghiệm thức tỉnh (“À! Nó là cái đó! Nó là như thế!”) sẽ xảy ra. Thức tỉnh nghĩa là chúng ta kinh nghiệm một sự nhớ lại sâu sắc trong tim ta và thấu hiểu chân lý về một điều gì đó đã bị lãng quên từ lâu (điều mà trong tiếng Nhật gọi là omoiataru) và rằng chúng ta hiểu một điều gì đó một cách sâu sắc đến mức chúng ta tin thực tại của nó vượt thoát mọi nghi ngờ (fu ni orichu). Như tôi đã nói trước đây, khi một người con gọi lớn “Mẹ ơi!” tới mẹ nó, trái tim người mẹ dội lại, hoặc vang lại, trong trái tim người con, và do đó mà người con gọi lớn “Mẹ ơi!”. Hoạt động này xảy ra theo cả hai chiều. Tiếng gọi lớn “Mẹ ơi!” của người con giao nhau với tình yêu thương của cha mẹ dành cho con.
Khi chúng ta tiếp tục gọi lớn Danh hiệu Phật (“Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!”), bản thân chúng ta trở nên trống không và chúng ta kinh nghiệm một cách sâu sắc chân lý của một điều gì đó đã bị lãng quên từ lâu – rằng việc niệm lớn Danh hiệu Phật, bản thân nó chính là lời gọi lớn của Đức Phật dành cho chúng ta. Khi điều này xảy ra, nó được gọi là kinh nghiệm thức tỉnh. Đây là tín tâm (shinjin), nó được chứng ngộ qua việc niệm Phật. Nó đại diện cho kinh nghiệm tâm linh tối hậu trong Tịnh độ Chân tông.
Thân Loan nói rằng hành động niệm Phật, gọi lớn Danh hiệu của Đức Phật, sẽ chắc chắn đảo ngược hướng của nó và trở thành việc lắng nghe Danh hiệu, trong đó Đức Phật gọi lớn tới chúng ta. Khi chúng ta niệm Danh hiệu, quan trọng là chúng ta kinh nghiệm sâu sắc chân lý rằng nó là tiếng Đức Phật đang gọi lớn tới chúng ta. Thân Loan nói thêm rằng nghe Danh hiệu một cách chân thật là chứng ngộ tín tâm. Do đó, ngài khẳng định rằng niệm Danh hiệu Phật và tín tâm chân thật là một.
Tuy nhiên, một cách nghiêm ngặt mà nói, Thân Loan cũng đồng thời nói rằng, mặc dù tín tâm là một với niệm Phật, có những trường hợp khi niệm Phật không thật sự là một với tín tâm. Đó là để nói rằng niệm Phật một chiều, chúng ta niệm Phật nhưng không nghe thấy tiếng Đức Phật gọi chúng ta từ chiều ngược lại, thì không phải là niệm Phật chân chính. Kiểu niệm Phật như vậy không phải là một với tín tâm. Tuy nhiên, niệm Phật chân thật bao gồm một cách cần thiết một kinh nghiệm tâm linh thật sự – một kinh nghiệm sâu xa về chân lý của một điều đã bị lãng quên từ lâu – trong đó, điều đang được trì tụng là được nghe như đến từ phía ngược lại.
Kinh nghiệm tâm linh tối hậu này là điều mà Thân Loan gọi là tín tâm. Sau đó, ngài dạy chúng ta thực hiện kinh nghiệm tỉnh thức này, kinh nghiệm tâm linh của tín tâm, khi chúng ta niệm Phật. Theo nghĩa này, thật sự niệm Phật có nghĩa là, trong và chính bản thân nó, lắng nghe Danh hiệu và tín tâm. Do đó, trong tư tưởng của Thân Loan, mối quan hệ giữa niệm Phật, nghe Danh hiệu và chứng ngộ tín tâm là một thể chung.
– trích “ Tinh tuý của Tịnh Độ Chân Tông – Một đời sống tỉnh thức” – Tác giả: Takamaro Shigaraki.