Tri thức không bằng trí huệ, 6 cách khơi gợi trí huệ cho trẻ
Tri thức không bằng trí huệ, 6 cách khơi gợi trí huệ cho trẻ
“Biết rằng cà chua là một loại trái cây, đó là tri thức; biết không cho chúng vào món salad trái cây, đó là trí huệ.”
Câu tục ngữ này xuất phát từ nhà báo kiêm bậc thầy hài hước người Anh Miles Kington (1941~2008), trong đó khái quát một cách sinh động sự khác biệt giữa tri thức và trí huệ.
Khác với tri thức, trí huệ là một trong tứ đại mỹ đức (gồm bốn mỹ đức cơ bản của triết học Hy Lạp cổ: trí huệ, chính nghĩa, dũng cảm và tiết chế). Con người phải thông qua thực tiễn, trong thói quen sinh hoạt lâu ngày mới dần dần tích lũy trí huệ. Nếu chỉ dựa vào sách giáo khoa, hoặc lời thầy giáo giảng, thì không cách nào lĩnh ngộ được ý nghĩa đích thực của trí huệ.
Hầu hết các nhà bình luận đều nhìn nhận rằng trí huệ không thể được dạy trong lớp học như môn toán hay địa lý. Tuy nhiên, nó có thể phát triển mạnh mẽ với sự khích lệ và bồi dưỡng. Hai trong số những người thầy tâm linh vĩ đại nhất trong lịch sử, Socrates và Chúa Giêsu, đã từ tâm giáo đạo và truyền cảm hứng cho những người theo họ truy tầm trí huệ – Socrates dùng phương thức đặt câu hỏi, Chúa Giêsu thông qua những câu chuyện ngụ ngôn. Khi bước đến gần thời đại của chúng ta, các nhà văn Mỹ thế kỷ 19 cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, trong sách giáo khoa của mình, họ dùng những câu chuyện nồng đậm sắc thái giáo huấn đạo đức truyền thống.
Theo báo cáo, ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay, không thiếu những bối rối tâm lý và đau khổ tinh thần. Nếu chúng ta noi gương các bậc tiền bối nêu trên, nỗ lực bồi dưỡng năng lực phân biệt và trí huệ cho thanh thiếu niên, thì có lẽ chúng ta cũng có thể làm rất tốt.
Dưới đây là sáu cách có thể giúp người trẻ trên hành trình tìm đến trí huệ.
Văn học và lịch sử
Truyện ngụ ngôn của Aesop; Anne of Green Gables của Lucy Montgomery; tiểu sử phù hợp với lứa tuổi của những người nổi tiếng bao gồm George Washington, Amelia Earhart và Theodore Roosevelt; các vở kịch của Jane Austen và Shakespeare, những câu chuyện này và hàng nghìn câu chuyện khác đều chứa đựng những kinh nghiệm giáo huấn phong phú giúp rèn luyện năng lực phán đoán.
Những cuốn sách này giống như một phòng thí nghiệm để nghiên cứu hành vi con người. Ở đây, thanh thiếu niên có thể quan sát mỹ đức và tội ác, thiện lương và tà ác một cách tương đối an toàn. Họ có thể chưa ý thức được rằng việc đọc những tác phẩm kinh điển này có thể cho phép họ học được những kinh nghiệm quan trọng về nhân sinh và đạo đức, đồng thời làm phong phú thêm kho tàng trí huệ của chính họ.
Lời của trí giả
Hơn 60 năm qua, xã hội chúng ta đã chứng kiến sự tan vỡ của hôn nhân và gia đình, sự trỗi dậy của văn hóa giới trẻ và sự phát triển phi tốc của công nghệ, đặc biệt là trong các ngành truyền thông và truyền thông xã hội. Nhưng hậu quả là gì? Cố vấn tâm linh của giới trẻ ngày nay thường là những bạn đồng trang lứa, thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi đôi mươi.
Trước xu hướng tai hại này, chúng ta nên khuyến khích những người trẻ kết nối và tìm kiếm lời khuyên từ cha mẹ, ông bà cũng như những người cố vấn như giáo viên, huấn luyện viên và người sử dụng lao động. So với những “người bạn” trên mạng xã hội, “người chú” đã ở trong xã hội vài năm sẽ biết rõ hơn con đường nhân sinh nên bước như thế nào.
Nghệ thuật lùi lại một bước
Tiêu chí chung của trí huệ là khả năng khi gặp vấn đề, có thể lùi lại một bước, trước khi quyết định hành động cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn cũng như hậu quả của nó. Rất nhiều người lớn tuổi, từ chính khách đến hàng xóm cạnh nhà, đều có thể thiếu năng lực cân nhắc hậu quả. Tâm trí họ bị mắc kẹt ở tuổi thanh xuân, họ thường nhầm cát với vàng, hành động hấp tấp mà không quan tâm đến hậu quả.
Thông qua những lời dạy và tấm gương, chúng ta có thể dạy cho người trẻ nên suy nghĩ ba lần trước khi hành động.
Thất bại có tác dụng chỉ đạo
Không cha mẹ nào muốn thấy con mình thất bại. Một số phụ huynh sẽ nài nỉ đứa con học lớp 10 của mình cất điện thoại đi và ôn bài cho bài kiểm tra sinh học vào ngày hôm sau. Các bậc cha mẹ khác sau khi biết con mình, đang ở tuổi thanh xuân, chỉ làm việc hai ngày trong kỳ nghỉ hè rồi từ chức không làm, mà lại viện lý do của con để biểu thị thông cảm. Một số phụ huynh thậm chí còn gọi điện cho các giáo sư đại học để kháng nghị việc con họ bị điểm C trong kỳ thi.
Nếu chúng ta luôn cố gắng mở ra con đường dát vàng của cuộc đời cho con cái, chúng ta sẽ khiến các em, khi phải đối diện với những bước ngoặt và thất bại nghiêm trọng hơn trong cuộc sống khi trưởng thành, không biết xoay xở thế nào. Bởi vì sự bảo vệ của chúng ta đã tránh cho trẻ khỏi những kinh nghiệm thất bại, nên năng lực đạt được trí huệ của trẻ cũng bị suy yếu. Khi trẻ ngã, chúng ta có thể bế trẻ lên, phủi bụi cho trẻ và đưa ra lời khuyên và sự cảm thông. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, những thất bại nhỏ của tuổi thiếu niên sẽ mang lại cho các em sức mạnh, sự kiên cường và trí huệ để giúp các em vượt qua những thử thách mà các em có thể gặp phải khi trưởng thành.
Tiêu chuẩn cho một cuộc sống tốt đẹp
Việc rèn luyện từ sớm những đức tính như thành thực, lương thiện, kiên trì, dũng khí và những mỹ đức khác sẽ nuôi dưỡng trí huệ. Con đường dẫn đến trí huệ thập phần gian nan, bằng cách truyền thụ cho trẻ những ưu thế phẩm cách và thực hành nó ngay trong thực tiễn cuộc sống của trẻ, chúng ta có thể giúp trẻ tiến xa hơn trên con đường leo núi đó. Ví dụ, lương thiện dạy chúng ta cách hiểu và thông cảm với người khác. Đối mặt với khó khăn một cách dũng cảm thay vì trốn chạy, một ngày nào đó những phẩm chất này sẽ khiến họ trở thành điển phạm của bậc trí giả trong hôn nhân hoặc công việc.
Tinh thần khiêm tốn
Lời cầu nguyện thanh thản gói gọn sự khiêm nhường đi kèm với trí huệ: “Thượng Đế, xin hãy ban cho con sự thanh thản, để con chấp nhận những việc mà con không thể nào thay đổi. Xin hãy ban cho con dũng khí, để con cải biến những việc mà con có thể cải biến. Xin hãy ban cho con trí huệ, để khiến con biết phân biệt giữa hai loại việc này.”
Nhận thức của bản thân về tính cục hạn là tiêu chí của bậc trí giả, nó có thể cho phép chúng ta hưởng thụ sự thanh thản được đề cập trong lời cầu nguyện trên, cũng là một công cụ khác để thực tiễn lực phán đoán tốt.
Liên quan đến những câu chuyện về những Thánh nhân ngự trên đỉnh núi, không chỉ có truyền thuyết, mà có cả những truyện cười. Những ngọn núi lớn đó tượng trưng cho những cuộc leo núi vô vàn khó khăn và nguy hiểm, còn những bậc thánh hiền chính là đại biểu cho trí huệ.
Việc khuyến khích người trẻ theo đuổi trí huệ ngay từ khi còn nhỏ có thể giúp họ tiến về phía trước trên con đường leo lên đỉnh núi.
6 Ways to Encourage Wisdom in Our Children, Tác giả: Jeff Minick
Hương Thảo biên dịch