BỐ CỤC KHÔNG GIAN
BỐ CỤC KHÔNG GIAN
Bố cục không gian
1. Bố cục không gian là gì?
– Bố cục không gian là sự hoạch định của chủ thể sáng tạo (họa sỹ, nhà thiết kế, nhà trang trí, kiến trúc sư) về việc phân bố không gian vật lý (trên mặt phẳng hai chiều, trên hình khối ba chiều, trong không gian môi trường sống) dựa trên sự cân nhắc, tính toán trên tổng không gian (vật lý) dùng để thể hiện tác phẩm, sản phẩm (mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp) làm sao cho sự tương quan về diện tích phẳng, về hình khối, về không gian sống của công trình ở mức độ hợp lý hoặc tối ưu, bảo đảm cho mối quan hệ về công năng và thẩm mỹ được thể hiện một cách tốt nhất.
– Bố cục không gian là sự hoạch định mối liên hệ, sự tương quan hợp lý giữa “khoảng trống” và “khoảng có hình”; giữa “khoảng đặc” và “khoảng rỗng”; giữa “khoảng âm” (lõm) và “khoảng dương” (lồi) dựa trên không gian vật lý tổng thể của tác phẩm, sản phẩm, công trình và yêu cầu về thẩm mỹ tạo hình.
– Bố cục không gian là sự dự kiến các phương cách diễn tả không gian: “không gian tả thực” hay “không gian ước lệ” hoặc “không gian do thủ pháp gợi” tạo ra.
Tất cả các dự kiến này phải dựa vào đặc điểm của khuynh hướng nghệ thuật (hiện thực, ấn tượng, tượng trưng hay lập thể) đồng thời dựa theo nội dung, phong cách chung của tác phẩm.
– Bố cục không gian còn là sự dự kiến phân bố sự phối hợp giữa “không gian tĩnh”, “không gian động”, “không gian buồn”, “không gian vui tươi” ngay trong tác phẩm. Muốn làm điều này nghệ sỹ phải hiểu rõ tinh thần chủ đạo của tác phẩm là gì (buồn hay vui, tĩnh lặng hay xôn xao, u tối hay rạng rỡ…).
– Bố cục không gian còn là sự tính toán về không gian ảo (ảo giác về không gian) được tạo ra do hiệu quả diễn tả của nghệ sỹ và sự áp dụng luật viễn cận.
Mặc dù là không gian ảo nhưng cũng cần có sự dự kiến và điều chỉnh ngay trong quá trình diễn tả hoặc thể hiện.
– Trong kiến trúc thì những loại không gian đệm cũng được dự tính chu đáo. Chúng ta cũng hình dung không gian ảo hiển thị trên bản vẽ phối cảnh, bản vẽ 3D so với không gian thật khi xây dựng xong. Nhiều khi trên bản vẽ thấy đẹp nhưng trên thực tế không phải như thế (chưa kể có một số người dùng bản vẽ 3D hay phối cảnh để “lòe” người khác).
– Trong nghệ thuật điêu khắc thì sự hoạch định những khoảng chìm (khoảng âm), những khoảng bị khoét rỗng một cách thật hợp lý theo yêu cầu của nội dung, của tâm sinh lý về cảm thụ thị giác (diễn biến tâm lý khi nhìn ngắm, rối rắm, gây cảm giác khó chịu có chỗ nghĩ mắt…) và thẩm mỹ tạo hình.
2. Khái niệm không gian trong mỹ thuật:
Để hiểu rõ, biết phân biệt, biết hướng tư duy và giải pháp thực hành về bố cục không gian, chúng ta nhắc lại khái niệm nghệ thuật không gian và sự phân chia của nó. Từ sự phân chia này giúp chúng ta để hình dung được những đặc điểm không gian trong mỹ thuật để từ đó sẽ hiểu thế nào là bố cục không gian.
a. Cách phân chia mỹ thuật theo tưng đặc điểm của không gian: Trong lĩnh vực mỹ thuật người ta có nhiều cách phân chia để dựa vào đó mà phân tích, phân biệt đặc trưng ngôn ngữ và cách tư duy, thực hành bố cục của mỗi loại.
* Cách thứ nhất là chia theo hình thái không gian. Từ đó người ta đã phân chia mỹ thuật ra làm 3 dạng như sau:
– Mỹ thuật hai chiều: Là loại hình nghệ thuật trình bày trên không gian phẳng như: tranh sơn dầu, sơn mài, lụa, đồ họa, poster, logo, lịch, tem, bìa sách báo…
– Mỹ thuật ba chiều: Là loại hình mỹ thuật mà tác phẩm là dạng không gian hình khối ba chiều như điêu khắc, tạo dáng sản phẩm do lĩnh vực thiết kế công nghiệp tạo ra…
– Mỹ thuật môi trường: Là tên gọi của tất cả các lĩnh vực thiết kế, sáng tạo để xây dựng, thay đổi, cải tạo nhằm mục đích tạo nên môi trường không gian sống của con người từ dân dụng cho đến không gian cộng đồng: vườn cảnh, nhà cửa, trang trí nội ngoại thất, cửa hàng, gian hàng, hội chợ, quảng trường, công viên…
Cách chia này chi phối tất cả các hình thái, chủng loại mỹ thuật từ mỹ thuật tạo hình cho đến mỹ thuật ứng dụng.
* Cách chia thứ hai là dựa vào mối quan hệ giữa thẩm mỹ và sự tiện ích. Đây là cách phân chia có tính chất truyền thống và dựa vào đó để hình thành nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, tổ chức các loại trường lớp. Ở cách này người ta chia mỹ thuật ra làm hai lĩnh vực cực kỳ rộng lớn:
– Mỹ thuật tạo hình bao gồm: hội họa, đồ họa tạo hình, nghệ thuật hoành tráng, điêu khắc tạo hình (không phải là điêu khắc trang trí hay mỹ nghệ).
– Mỹ thuật ứng dụng bao gồm ba lĩnh vực cực lớn như nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thủ công và nghệ thuật thiết kế.
Như vậy khi nói tới bố cục không gian trong mỹ thuật thì chúng ta phải xác định là chúng ta đang thực hiện loại tác phẩm nào trong từng loại hình mỹ thuật hai chiều, ba chiều hay môi trường. Bởi lẽ tính chất, hình thái không gian trong tác phẩm của từng loại hình cụ thể không giống nhau. Thí dụ cùng là tác phẩm thiết kế đồ họa nhưng không gian trong lĩnh vực logo, biểu tượng không giống với không gian trong poster hay lịch treo tường hoặc tem bưu chính. Không gian trong tranh lụa không giống với tranh khắc gỗ; không gian trong tranh sơn mài không giống không gian trong tranh sơn dầu; không gian trong điêu khắc không giống không gian của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt; không gian trong nghệ thuật trình điễn không giống không gian trong nghệ thuật thân thể.
Trong mỹ thuật hai chiều thì bố cục không gian là sự tính toán, phân bố diện tích mặt phẳng cho các khoảng trống và khoảng có hình; cho các cụm nhóm hình tượng qua đó có thể tạo hay gợi không gian ảo là chiều sâu hay khoảng trống.
Trong mỹ thuật ba chiều thì chúng ta phân bố không gian hình khối, sự tương quan tỷ lệ về độ lớn, tương quan về kích thước; so sánh quy mô, khối lượng, hình thái, kiểu dáng, chiều hướng của các khối, cạnh nét trong tác phẩm dựa theo đặc điểm của từng loại sản phẩm, tùy theo các yêu cầu công năng và thẩm mỹ.
Trong mỹ thuật môi trường, tức là mỹ thuật gắn với không gian sống, sinh hoạt như không gian kiến trúc, trang trí nội ngoại thất, thiết kế cảnh quan, thiết kế sân khấu, thiết kế điện ảnh.
Ở lĩnh vực này, khi đề cập đến việc tư duy, thực hành bố cục, chúng ta cũng dựa vào các yếu tố như: không gian mang tính chất tiền đề (môi trường khu vực, không gian lân cận), quy mô không gian hiện có (kích thước vật lý, các hướng nhìn, góc nhìn, cao độ cụ thể), khí hậu, đặc điểm của loại công trình (dân dụng, công cộng), phong cách của các không gian (kiến trúc cổ điển hay hiện đại, không gian hoang dã hay phố thị…), công trình lân cận (quy mô, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu), yêu cầu sử dụng cụ thể, các tiêu chí quy phạm, thông số kỹ thuật; sự an toàn khi sử dụng…
Như vậy, nhìn chung, mỗi hình thái nghệ thuật từ hai chiều, ba chiều, môi trường, mỹ thuật tạo hình hay mỹ thuật ứng dụng mà chúng ta sẽ có sự nghiên cứu, tư duy cụ thể thông qua từng loại hình với các đặc điểm riêng biệt; các dự án đã và đang có để tiến hành các bước thể nghiệm, thực hiện các giải pháp về phác thảo… thậm chí cả phản biện về mặt khoa học về yếu tố sử dụng, về môi trường, kinh tế, kỹ thuật và thẩm mỹ.
Nhưng điều chắc chắn rằng các cách thức tư duy, thực hành bố cục không gian trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình không giống với mỹ thuật ứng dụng các loại hình từ trang trí, thiết kế cho đến kiến trúc). Riêng trong mỹ thuật tạo hình thì tư duy bố cục không gian trong tranh sơn dầu không giống với tranh in khắc gỗ, trong poster phim không giống với poster chính trí, trong tranh hoành tráng khác với tranh lụa.
b. Một số khái niệm không gian trong các loại nghệ thuật có liên quan đến mỹ thuật:
* Không gian trong kiến trúc là không gian thật, không gian mà con người có thể sống, sinh hoạt trong đó được thể hiện qua các thể loại, công năng, kích thước, quy mô vật lý. Còn không gian trong tác phẩm mỹ thuật tạo hình (sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, đồ họa, tranh kỹ thuật số) có khi là không gian tâm lý hay không gian ảo (được tạo ra do cảm xúc, do các thủ pháp kỹ thuật, màu sắc, đường nét, luật viễn cận…
Trên thực tế thì một nhà kiến trúc hay trang trí nội ngoại thất có tài năng thì vẫn có thể tạo được “ảo giác về không gian” do cách tạo hiệu quả từ các cách bố trí không gian vật lý, phân bố ánh sáng, sự sử dụng màu sắc, chất liệu (thủy tinh) cũng như hiệu quả của việc tạo nét trên hình khối và chất liệu.
Tuy nhiên ảo giác này không giống như trong tranh ở dạng phẳng hay các tác phẩm có sự tham gia của nghệ thuật kỹ thuật số (tranh phẳng, phim hoạt hình, điện ảnh…).
Khi đánh giá một tác phẩm kiến trúc ở bước đầu, không nên quá tin vào hình ảnh thiết kế 3D trên computer. Bởi lẽ khi nhìn trên máy chúng ta dễ bị lừa không nhận thức đúng không gian thật ngoài thực tế. Do vậy, cách bố cục để tạo nên tác phẩm hai chiều, ba chiều (điêu khắc) hay môi trường trong nghệ thuật kiến trúc không giống nhau (mà yêu cầu là làm sao cho người ta sống, làm việc, sinh hoạt thật thoải mái, an toàn trong đó). Đối với lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc là sự vận dụng tất cả các yếu tố khoa học, sự phân bố không gian (kể cả không gian bên trong công trình liên kết với không gian ngoại vi như sân vườn, vườn cảnh, không gian thiên nhiên, không gian đệm…) tùy theo cách tiêu chuẩn quy phạm, giải pháp kỹ thuật…
Còn đối với lĩnh vực mỹ thuật thuần tùy thì không gian là hiệu quả của các cách bố cục, các giải pháp diễn tả màu sắc, ánh sáng, đường nét, hình khối mà trong đó cảm xúc và cái riêng của tác giả được thể hiện trọn vẹn.
* Không gian trong sân khấu ca kịch, hát bội thường là không gian ước lệ, loại không gian mang tính khêu gợi do các bố trí các đạo cụ mang tính tượng trưng cùng với cách sử dụng ánh sáng màu thay đổi theo từng chương cảnh, thời điểm của vở diễn trên cơ sở nghiên cứu kỹ về không gian vật lý. Vì vậy các cách bố cục, dàn dựng, thiết kế sân khấu ca kịch, hát bội phải am hiểu đặc trưng và ngôn ngữ của nó. Không gian trong hát bội không giống với không gian của cải lương, vũ kịch, kịch nói hay ca nhạc…
* Không gian trong lĩnh vực nghệ thuật hậu hiện đại thì tư duy bố cục không gian trong nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn đòi hỏi nghệ sỹ phải am hiểu đặc điểm, ngôn ngữ của từng loại hình nghệ thuật này (trình bày và diễn ngoài trời hay trong nhà…). Không gian trong tác phẩm của lĩnh vực này trước hết là không gian vật lý. Thí dụ: đối với loại nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thân thể tức là không gian để diễn hay trình bày, còn trong video art thì lại là loại không gian tổng hợp.
* Điều cần quan tâm trong bố cục không gian:
– Đặc điểm, loại hình nghệ thuật, thể loại, khuynh hướng diễn tả, kỹ thuật thể hiện tác phẩm.
– Quy mô, hình thể của không gian (cho dù hai chiều, ba chiều hay môi trường).
– Hình khối quy ước (gọi tên được) hay bất quy ước (không gọi tên được)…
– Công năng, ý nghĩa, đặc điểm không gian của công trình (diện tích hay khoảng cách).
– Tinh thần, tính chất, cái hồn của không gian: tĩnh lặng hay xôn xao, vui tươi hay trầm lắng, trang nghiêm hay sôi động, lạnh lẽo hay nồng ấm; không gian tiền sử hay hiện đại…
Khi bố cục không gian thì chúng ta nên tránh các vấn đề sau:
– Không chia đều không gian (mặt phẳng, khối ba chiều, không gian sống…)
– Không xác định rõ không gian chính hay phụ, không gian trọng tâm.
– Không tạo được liên kết, mạch lạc giữa các không gian.
– Không bố trí các cụm hình thức vượt ra phạm vi không gian tập trung, làm cho thị giác người xem bị dẫn ra ngoài không gian của tác phẩm. Tình huống này tạo nên sự lệch trọng tâm, gây sự phân tán thị giác cho người xem…
– Trong diện tích phẳng của tổng không gian bức tranh thì vùng ngoài bìa bức tranh (ở bốn cạnh) là khu vực không nên bố trí các phần quan trọng về hình thức. Còn không gian từ đó vào trong tâm điểm bức tranh được coi là khu vực không gian tập trung. Nơi có thể bố trí các nhóm hình thức quan trọng.
Trong thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất chúng ta có các loại không gian như sau: không gian ngủ, không gian làm việc, không gian ăn uống, không gian đi lại, không gian vui chơi… và chúng ta phải phân bố các loại không gian này trong từng công trình cụ thể.
Hát bội
Các tác phẩm (mỹ thuật hai chiều) thứ tự từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: họa sỹ Nguyễn Siên (H1), họa sỹ Boticelli (H2), họa sỹ Tạ Tỵ (H3), họa sỹ Uyên Huy (H4, H5) và họa sỹ Hứa Thanh Bình (H6).