Bí mật hội họa khiến bạn thay đổi cách nhìn về nghệ thuật
Bí mật hội họa khiến bạn thay đổi cách nhìn về nghệ thuật
Đằng sau những siêu phẩm hội họa là những bí mật nhỏ, được họa sĩ gài cắm để dành tặng riêng cho những ai quan sát tỉ mỉ, tìm hiểu sâu kỹ. Biết bí mật rồi, bạn sẽ phải thay đổi cách nhìn về nghệ thuật.
Mới đây, cuốn sách phân tích những chi tiết đặc biệt thú vị nằm ẩn mình trong các tác phẩm hội họa đã vừa được ra mắt, đó là cuốn “A New Way of Seeing: The History of Art in 57 Works” (Một cách nhìn mới: Lịch sử hội họa qua 57 tác phẩm) được thực hiện bởi tác giả – chuyên gia văn hóa người Mỹ – Kelly Grovier. Tác phẩm khá thu hút sự quan tâm của người yêu hội họa.
Cuốn sách phân tích những bí mật ẩn giấu trong những siêu phẩm hội họa. Những chi tiết “nhỏ xíu” này có thể bị bỏ qua một cách dễ dàng nhưng khi thực hiện, hẳn họa sĩ đã đưa vào tranh với một ý nghĩa nội dung chuyển tải nào đó, muốn gửi gắm tới người xem.
Tác giả Kelly chia sẻ: “Tôi thực hiện cuốn sách này bởi tôi muốn hiểu điều gì khiến nghệ thuật trở nên vĩ đại. Tôi cảm nhận thấy những bí mật ẩn giấu, những tầng sâu ý nghĩa kỳ lạ trong những bức tranh, bức tượng mà chúng ta những tưởng đã quá quen thuộc.
“Tôi muốn giúp độc giả kết nối với những siêu phẩm nghệ thuật có khả năng làm giàu cho trải nghiệm của chúng ta về thế giới”.
Bức “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (1482-1485) – Danh họa người Ý Sandro Botticelli (1445-1510)
Trong bức tranh nổi tiếng của danh họa Botticelli, thần Vệ Nữ lướt sóng về phía bờ biển trên một chiếc vỏ sò khổng lồ. Nàng tạo dáng đầy nữ tính, nhẹ nhàng nghiêng đầu về phía có lọn tóc vàng xoăn tạo thành hình xoắn ốc hoàn hảo gợi nhắc tới biểu tượng đường xoắn ốc tỉ lệ vàng thẩm mỹ.
Lọn tóc nằm trên vai phải của thần Vệ Nữ quá cầu kỳ, tỉ mỉ để có thể tưởng lầm rằng đó là một nét cọ “vô tư” của họa sĩ. Lọn tóc xoắn ốc tỉ lệ vàng như đang thầm thì những điều bí mật vào tai nữ thần và nàng chăm chú lắng nghe điều mà vẻ đẹp vĩnh hằng rỉ vào tai mình.
Theo tác giả Kelly, từ thời cổ xưa, người Hy Lạp cổ đại đã nghiên cứu về những hình xoắn ốc tỉ lệ vàng thẩm mỹ, như một đường cong bí ẩn chứa đựng vẻ đẹp của thiên nhiên vĩnh hằng. Những đường xoắn ốc tuyệt đẹp có thể tìm thấy trong những bông hoa bình dị hay trong dải ngân hà vĩ đại.
Bức “Mưa, hơi nước và tốc độ – Đường xe lửa Great Western” (1844) – Họa sĩ người Anh J. M. W. Turner (175-1851)
Họa sĩ Turner vốn nổi tiếng với những khắc họa lớn lao kỳ vĩ, ông thích bầu trời cao rộng, những cơn bão đầy đe dọa, những con tàu đồ sộ… Ngay cả cọ vẽ, ông cũng thích những cây cọ lớn, nhưng đôi khi, Turner cũng thích những gì nhỏ bé, tinh tế.
Bức tranh này của ông lần đầu được đem trưng bày triển lãm hồi năm 1844, trước đó hai năm rưỡi, có một tai nạn tàu hỏa xảy ra tại Anh hồi cuối năm 1841, sự việc đó vẫn còn ám ảnh tâm trí những người xem tranh và ngay cả họa sĩ khi nghĩ về một đoàn tàu hỏa.
Thực tế, khi dùng kính hiển vi để quan sát bức tranh, người ta sẽ thấy một vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra, nhưng họa sĩ khắc họa cảnh tượng mờ nhạt và nhỏ xíu, nên rất nhiều người xem tranh có thể sẽ không phát hiện ra chi tiết này bằng mắt thường. Dưới chân cầu có hình ảnh lờ mờ của một đoàn tàu trật bánh, những hành khách xấu số nằm thảm thương trên nền đất.
Những đường cọ này bé nhỏ và mờ nhạt cho thấy tâm tưởng của họa sĩ khi khắc họa quang cảnh có một đoàn tàu, ông nhớ về vụ tai nạn gây bàng hoàng dư luận cách đó hơn hai năm và thể hiện sự tưởng nhớ âm thầm của mình dành cho những nạn nhân.
Ngoài ra, những nét cọ mơ hồ ở đầu tàu hỏa đang chạy trên đường ray phía trên cầu khiến người ta tưởng như đó là một con thỏ trắng – một biểu tượng cổ xưa của sự tái sinh và niềm hy vọng.
Những chi tiết này có thể dễ dàng bị bỏ qua trong toàn cảnh bức tranh – một bức tranh tưởng như chỉ đơn thuần khắc họa quang cảnh, nhưng tầng sâu ẩn chứa những thông tin nhiều xúc cảm hơn thế.
Bức “Một quán bar ở Folies-Bergère” (1882) – Danh họa người Pháp Édouard Manet
Bức tranh khắc họa một hộp đêm ở Paris (Pháp). Đóa hoa cài trước ngực người phụ nữ phục vụ quầy bar trùng với màu nhãn cái chai đặt trên bàn, ngoài ra, hình dáng đóa hoa cũng như hình dáng nhãn chai đều là tam giác, tương tự nhau… Cô gái phục vụ nơi quầy bar thể hiện rằng mình đang “rảnh”, sẵn sàng nhận những lời mời của khách tới quán.
Chi tiết này hé lộ thân phận và đời sống của người phụ nữ trong tranh. Hình ảnh phản chiếu một người đàn ông trong tấm gương treo ở phía sau lưng người phụ nữ, cho thấy người đàn ông đang lại gần tiếp cận cô. Họa sĩ đã đặt góc nhìn của người xem tranh đối với cô gái ở chính góc nhìn của người đàn ông.
Bức “Nụ hôn” (1907) – Danh họa người Áo Gustav Klimt (1862-1918)
Bức “Nụ hôn” là một trong những tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp hội họa của Gustav Klimt, hãy nhìn ngắm kỹ bộ phục trang rực rỡ của người phụ nữ… Bức tranh khắc họa chân dung sự đắm say, chân dung một nụ hôn.
Bộ phục trang của người phụ nữ có những hình tròn giống như đĩa Petri vốn rất phổ biến trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học và trong đó có những hình như thể tế bào.
Ở thời điểm năm 1907, khi họa sĩ Gustav Klimt thực hiện bức tranh này, cũng là thời kỳ thành Vienna (Áo) đang rất sôi động với những phát hiện mới về huyết tương, tiểu huyết cầu, hồng cầu, bạch cầu…
Trường Đại học Vienna khi đó cũng đã đặt hàng Klimt thực hiện một số bức tranh lấy cảm hứng từ những phát hiện y khoa thời đó. Những khoang tròn Klimt khắc họa trên tấm áo của người phụ nữ, với những tiểu huyết cầu “rực rỡ”, những tế bào máu đa sắc, chúng như thể đang được soi xét dưới kính hiển vi.
Đó như một hàm ý rằng từng tế bào, từng mạch máu của người phụ nữ đã bị xâm chiếm bởi tình yêu, ở đây, Klimt khắc họa một tình yêu qua góc nhìn… sinh thiết tế bào học – một lĩnh vực nóng hổi của đời sống khoa học thời bấy giờ.
Bức “Khu vườn lạc thú trần tục” (1505-1510) – Danh họa người Hà Lan Hieronymus Bosch (1450-1516)
Bộ tranh kinh điển này chứa đựng rất nhiều chi tiết thú vị. Bức tranh nhỏ bên trái khắc họa Adam và Eve ở Vườn Địa Đàng. Sau đó, bước sang gia đoạn tiếp theo của loài người, lúc này, hai “thủy tổ” đã nếm trái cấm, bắt đầu một khu vườn lạc thú trần tục bày ra, chính là bức tranh chính giữa.
Cuối cùng, bức tranh bên phải khắc họa Địa ngục, nơi con người bắt đầu trả giá cho những sai lầm thế tục từng phạm phải lúc sinh thời.
Trong bức tranh nằm ở giữa, và ở chính giữa bức tranh này, có khắc họa một hình trái trứng. Trái trứng được nhấc bổng lên trên đầu của những kẻ du hành, tưởng mong manh những vẫn không hề rạn vỡ, nó nhìn vào người xem tranh như thể một con mắt sắc lạnh không tròng.
Đó là hình ảnh biểu trưng cho hành trình của tâm hồn khi đi qua thế giới này. Và rồi khi sang bức tranh bên phải, Bosch khép lại bằng cảnh Địa ngục với vỏ trứng nay đã vỡ toang, như tạo thành hình thân người bị hành hạ, đền tội.
Bức “Tiếng thét” (1893) của danh họa người Na Uy Edvard Munch (1863-1944)
Bức tranh khắc họa một hình người như thể đang hú hét, trước nay, đây vẫn luôn là một nguyên mẫu biểu tượng khắc họa cho nỗi hoảng hốt trước sự tồn tại, luôn khiến các nhà phân tích hội họa mải mê bình luận. Gương mặt của hình người ấy trông giống như một… bóng đèn đang cháy sáng.
Munch là một người rất quan tâm hứng thú tới những phát minh khoa học của thời đại bấy giờ, đó là những phát minh, cải tiến công nghệ giúp đưa điện vào trong cuộc sống. Khi ấy, hình ảnh chiếc bóng đèn cháy sáng là một biểu tượng. Munch từng chia sẻ trong cuốn nhật ký của mình rằng ông bị ám ảnh bởi những phát minh công nghệ của thời đại mình đang sống.
Hình ảnh những chiếc bóng đèn cháy sáng xuất hiện ngày càng nhiều ở Châu Âu thời bấy giờ hẳn đã in sâu vào tâm trí của Munch và giúp ông tạo nên siêu phẩm “Tiếng thét”.