Nghệ thuật tạo hình trong nhiếp ảnh
Nghệ thuật tạo hình trong nhiếp ảnh
Trong nghệ thuật nhiếp ảnh người nghệ sĩ nhiếp ảnh phải làm việc theo quy trình ngược lại. Đứng trước một phong cảnh thiên nhiên lãng mạn hoặc hùng vĩ, ít có người nghệ sĩ nào cầm máy và bấm máy ngay được liền. Mà trước đó đã có sự cân nhắc vị trí chủ thể, sắp xếp chủ đề rồi mới bấm máy.
Nguyên tắc bố cục không phải là giáo điều cứng nhắc mà nó là những thủ pháp giúp nghệ sĩ đặt chủ đề đúng vào những vị trí xứng đáng và thích hợp trên khung ảnh. Hoặc cũng thể là những thủ pháp bố cục tạo hình theo những quy luật mỹ học.
Bố cục tạo hình theo nguyên tắc vần luật (bố cục theo mô thức)
Vần luật là nghệ thuật tạo hình theo quy luật sắp xếp các hoạ tiết, mảng màu, đường nét, hình khối hoặc những hình tượng biểu thị cảm xúc theo nguyên tắc lặp đi lặp lại có nhịp điệu hoặc biến tấu. Có 4 thể loại vần luật là vần luật liên tục, vần luật tiệm biến, vần luật biến tấu và vần luật giao thoa. Một khi chủ đề được sắp xếp theo đúng thủ pháp vần luật, bức ảnh sẽ tạo ra được một cảm xúc hợp nhãn, ưa nhìn. Cung bậc của vần luật sẽ dẫn dắt người xem, nhờ đó tác phẩm tạo được sự lôi cuốn.
Vần luật liên tục hoặc còn gọi tiết điệu là nguyên tắc bố cục các hoạ tiết lặp đi lặp lại thay đổi có nhịp điệu. Ảnh: belu gheorghe
Vần luật tiệm biến là nguyên tắc bố cục các hoạ tiết lặp đi lặp lại có thay đổi theo quy luật (tăng dần, giảm dần hoặc biến thể theo một dạng hình học, màu sắc). Ảnh: Therese Aldgard
Vần luật biến tấu là nguyên tắc bố cục các hoạ tiết lặp đi lặp lại có biến tấu (có thay đổi đột biến). Ảnh: Zahra Delavari
Vần luật giao thoa hoặc còn gọi là vần luật đan xen là thủ pháp hoà trộn, đan xen các hệ vần luật. Ảnh: Allard One
Bố cục chủ đề trên “đường mạnh – điểm mạnh”
Trên các thể thức ảnh theo tỉ lệ 1:1 (ảnh vuông) hoặc 3:2 hoặc 4:3 (ảnh hình chữ nhật) luôn tồn tại 5 điểm ảnh có sức hút mãnh liệt với tâm lý thị giác của người xem. Một điểm nằm ở trọng tâm bức ảnh và bốn điểm còn lại là giao điểm của các trục tỉ lệ vàng với khung ảnh. Năm điểm này được gọi là 5 điểm mạnh (điểm nhấn). Các trục tỉ lệ vàng với khung ảnh được gọi là đường mạnh.
Bằng cách dùng option “rule of thirds” khi crop ảnh, Photoshop CS5 hỗ trợ hiển thị điểm trọng tâm và 2 cặp đường mạnh. Ảnh: Phan Hồ
Bố cục đối xứng
Là kiểu bố cục kinh điển đặt chủ thể trên đường trung trực của ảnh, chia không gian ảnh ra thành hai phần đối xứng nhau. Áp dụng thể loại bố cục này “dễ mà khó” vì khi không gian ảnh chia làm đôi, ảnh đánh mất sự linh hoạt, hai phần ảnh chia đều nhau nên không có mảng chính phụ, khó tạo sức thu hút thẩm mỹ cho bức ảnh. Sự lôi cuốn tạo được cô đọng trong nội dung, ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của chủ đề. Sự thu hút thị giác ở thủ pháp này thường thoả hiệp với nghệ thuật bố cục.
Bố cục đối xứng. Ảnh: Therese Aldgar
Bố cục đối xứng. Ảnh: Eugkyr
Nguyên tắc cân đối hai phần ba.
Cân đối không phải là đối xứng, tâm lý thị giác có thể phán đoán được “trọng lượng thị giác“. Một bức ảnh được gọi là cân đối khi phần “sắc nặng” và phần “sắc nhẹ” hoặc các thành phần trong chủ đề tỉ lệ vàng với nhau.
Hai thành phần trong chủ đề (2 đứa bé) có chiều cao tỉ lệ vàng với nhau. Ảnh: Ario Wibisono
Nguyên tắc bố cục này cơ bản dựa vào quy luật tạo hình từ “tỉ lệ vàng”. Từ trước công nguyên, các hoạ sĩ cổ đại đã khám phá ra rằng mọi kiến tạo tự nhiên cho là “cân đối” hoặc có tỉ lệ “đẹp” đều gắn liền với tỷ số 2/3. Trên cơ thể con người (vật tạo hoá đẹp nhất trong vũ trụ), mọi bộ phận đều tỉ lệ 2/3. Trục mắt nằm ở vị trí 2/3 so với khuôn mặt, chiều dài bàn tay tỉ lệ 2/3 so chiều dài từ khuỷu tay đến bàn tay, từ vai đến khuỷu tay tỉ lệ 2/3 so toàn bộ cánh tay, rốn (trọng tâm của cơ thể) nằm ở vị trí 2/3 so với chiều cao cơ thể… Chính vì quy luật tự nhiên như vậy mà “tỉ lệ vàng” đã gắn liền với “tâm lý thị giác thẩm mỹ” tự nhiên của con người.�
Các mảng màu liên tục tỉ lệ vàng với nhau tạo nên sự hài hoà cân đối. Ảnh: Batikart
Bố cục xiên (bố cục chéo góc).
Không phải để máy ảnh nghiêng gọi là bố cục theo đường xiên mà nó là nghệ thuật sắp xếp các thành tố hoạ tiết theo hướng từ “góc ảnh tới góc ảnh” theo quy luật đường xoáy phát triển Fibonacci. Theo đó, trọng tâm của bức ảnh sẽ ở một góc ảnh này và phát triển theo đường xiên tới góc ảnh kia. Đường chéo luôn là đường dài nhất, nhờ vậy nếu các hoạ tiết bố trí theo đường xiên thì nội dung và số lượng hoạ tiết sẽ được gia tăng.
Bố cục xiên. Ảnh: Hardibudi
Bố cục tạo hình trong khung
Thủ pháp này nhằm cô đọng nội dung chụp, hạn chế được sự trống trải, dư thừa, nhờ đó hấp dẫn được tâm lý thị giác vào chủ đề. Ngoài ra, khung hình còn mang giá trị ngữ cảnh, người xem có thể hình dung được bối cảnh hoặc địa điểm chụp, nhờ đó mà bức ảnh mang thêm thông tin.
Bố cục chủ đề trong khung. Ảnh: Chris
Bố cục chủ đề trong khung. Ảnh: Phan Hồ
Bố cục tạo hình trên đường dẫn, đường tựa.
Liên kết chủ thể với đường chuyển động hoặc tựa chủ thể vào đường dẫn không chỉ làm cho bố cục chặt chẽ hơn mà còn giúp chủ thể bật ra khỏi quy luật hai chiều của bức ảnh, nhờ đó mà bức ảnh sinh động, cuốn hút.
Dùng đường tựa để nhấn mạnh cho chủ đề. Ảnh: Piotr Krol
Liên kết chủ đề với đường dẫn. Ảnh: Phan Hồ
Phá bố cục
“Cân đối là đẹp, nhưng hy sinh thế cân đối sẽ tìm được cái đẹp hơn”. Phá bố cục không phải là không có bố cục, mà có bố cục rồi phá vỡ nó đi để tìm được cái đẹp hơn. “Nguyên tắc” này không phải là sự vô ý thức trong sắp xếp hoạ tiết mà nó là bản lĩnh của người nghệ sĩ phá vỡ thế cân đối hoặc các thể thức bố cục nhằm tạo thêm ấn tượng cho chủ thể.
Phá thế vần luật luật liên tục. Ảnh: Vincent Chung
Phá vỡ tỉ lệ cân đối cũng như điểm đặt chủ thể. Ảnh: Karina Marandjian
Bố cục không phải là giáo điều mà nó là nghệ thuật. Nghệ thuật bố cục tạo hình có từ rất lâu được xem như một thủ pháp căn bản của mỹ học nhằm lôi cuốn thị giác thẩm mỹ. Trong mọi tình huống, nhiếp ảnh luôn tồn tại một hoặc nhiều dạng bố cục, vận dụng thủ pháp bố cục sẽ giúp cho tác phẩm hoàn chỉnh và lôi cuốn người xem.
Theo nhiepanh