Y HỌC-SỨC KHỎE - DƯỠNG SINH-VÕ THUẬT NỘI CÔNG

Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, một ‘Thánh Y’ của nền y học Việt

Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, một ‘Thánh Y’ của nền y học Việt

Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 – khoảng 1400), là người đặt nền móng cho nền y dược cổ truyền Việt nam.

Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh là người đặt nền móng cho nền y dược cổ truyền Việt nam.

Thông tin về cuộc đời của Thiền sư Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh – 1330-?) không có nhiều, nhưng đủ để người đời sau tôn vinh ông là một đại danh y, một ông Thánh thuốc Nam, ông tổ của ngành y dược Việt Nam.

Tuệ Tĩnh quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông có tên hiệu là Tráng Tử Vô Dật. Mồ côi mẹ lúc 6 tuổi Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều (Hải Dương) và chùa Giao Thủy (Nam Định) nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi ông đậu Thái học sinh (đệ nhị giáp tiến sĩ) dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là thời gian ông học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Ông gây dựng nên phong trào trồng thuốc ở mọi nhà, khắp vườn chùa, từ cỏ cây, hoa lá, củ quả của Việt Nam, từ những bài thuốc đơn giản mà công dụng đã cứu được nhiều người bệnh nghèo khổ, dập được những trận dịch bệnh lớn trong nhân dân. Sự nghiệp y học của ông đã thúc đẩy việc trồng dược liệu ở Việt Nam phát triển. Ông còn truyền dậy cho người dân cách tìm loại cây chữa các bệnh thông thường, trồng trong vườn nhà, chùa làng để sử dụng khi cần thiết. Ông cũng hướng dẫn mọi người cách phòng tránh bệnh để có sức khỏe tốt.

Các công trình nghiên cứu của ông được soạn thành sách tiêu biểu như các tác phẩm “Dược tính nam chỉ” và “Thập tam phương gia giảm” (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn nguyên vẹn do nhiều nguyên nhân. Những tác phẩm còn lại cho đến ngày nay là đều do người đời sau thu thập tài liệu còn sót lại trong nhân dân để biên tập lại. Đó là bộ “Nam dược thần hiệu” do Hòa thượng Bản Lai ở chùa Hồng Phúc, Trung Đô (nay thuộc Hòe Nhai, Hàng Than, Hà Nội) biên tập, bổ sung vào năm Tân Tỵ (1761). Trong đó giới thiệu 580 vị thuốc Nam và 3.873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh.

Cuốn “Nam dược chính bản” do triều vua Lê Dụ Tông biên tập sau đổi thành “Hồng nghĩa giác tư y thư” được in vào năm Đinh Dậu (1717) gồm quyển Thượng và quyển Hạ. Trong đó quyển Thượng “Nam dược quốc ngữ phú” (Trực giải chỉ Nam dược tính phú) dùng chỉ dẫn tính năng các bài thuốc gồm 590 vị thuốc nam và “Trực giải chỉ nam dược tính phú” gồm 220 vị thuốc nam và một thiên y luận về lý luận cơ bản, âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch. Thiên này xuất hiện ở bản in lại năm 1723.

Cuốn “Thập tam phương gia giảm” có 242 vị, gồm 13 cách sử dụng gia giảm khi dùng thuốc (hay 13 bài thuốc nam). Trong mỗi phương thuốc đều ghi rõ công thức và cách dùng gia giảm như thế nào cho phù hợp,…

Những tác phẩm này của Tuệ Tĩnh đã để lại cho đời sau một tầm nhìn sâu rộng về y học của nước nhà. Vấn đề lý luận và thực tiễn vẫn luôn được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Đặc biệt là cuốn “Nam dược thần hiệu” được coi là kim chỉ nam cho nhiều thầy thuốc.

Tuệ Tĩnh là người nắm vững y lý Đông y và là người có công đầu trong việc sưu tầm, nghiên cứu dược tính và chẩn đoán bằng thuốc Nam, phổ biến cho người dân những bài thuốc thông thường để có thể tự kiếm và điều trị. Triết lý chữa bệnh của Tuệ Tĩnh là dùng Nam dược trị Nam nhân. Tuệ Tĩnh luôn nhắc nhở mọi người chú ý đến nguyên nhân gây bệnh và khuyến khích mọi người tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng của việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Phương pháp dưỡng sinh được Ông tóm tắt trong 14 chữ:

“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” .

Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người tin vào bùa chú mà không tin dùng thuốc. Ông khuyên mọi người nên sống bình thản, tránh những suy nghĩ lo âu, phiền muộn từ đó phòng tránh bệnh tật cho bản thân.

Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Tuệ Tĩnh còn được coi là một nhà văn, với rất nhiều tác phẩm được viết bằng chữ Nôm. Ở thế kỷ 14 chữ Hán đang rất thịnh hành, chữ Nôm nhiều khi bị xem là “nôm na mách qué”, thế mà các bản thảo của Tuệ Tĩnh như bộ “Hồng nghĩa giác tư y thư” được biên soạn bằng quốc âm, trong đó 500 vị thuốc Nam được viết bằng thơ Nôm hoặc Đường. Rồi bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng bằng thơ Nôm.

Ví dụ:

* Thang Đại hoàng gia vị:

Chủ táo phiền thấu thủy bất an
Thượng tiêu ứ huyết gian nan
Nuốt nước không xuống, xảy nên vậy là

* Thang Sài hồ bách hợp:

Chủ bệnh mới khỏi hay trầm hôn
Thất tình nói sảng bồn chồn
Bách hợp lao phục lẹ khôn dùng làm

* Thang Xung hòa khương hoạt:

Chữa xuân hè thu tiết phát đau
Ba đông xung đột bấy lâu
Khí nhiều sức mạnh chẳng âu việc vàn
Sang xuân phát bệnh chẳng an
Bởi xưa mao thuở đông hàn thiên phong
Nhức đầu rét dữ thiên ban
Mồ hôi không có hợp tan mà dùng, v.v.

Đây là những hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu khi dùng một vài thang thuốc như đại hoàng, sài hồ hoặc gừng với một số chứng bệnh cụ thể.

Còn rất nhiều câu thơ Nôm diễn giải các cách chữa các bệnh khác. Ông đã dùng văn để diễn đạt một cách giản dị, đi sâu vào lòng người, và Tuệ Tĩnh đúng là một nhà văn thuần Việt.

Năm 55 tuổi (1385) danh tiếng Tuệ Tĩnh được nhà Minh biết đến vì thế ông bị đi cống ở Trung Quốc, dưới triều vua Trần Dụ Tông. Thời này nhà Trần đã sa sút đánh mất hào khí Đông A. Sang Trung Quốc, ông đã chữa khỏi bệnh cho vợ vua Minh và với tài năng ấy, ông bị buộc phải ở lại. Vua nhà Minh phong cho ông là Đại Y Thiền Sư, được mời vào Thái y viện, giữ chức Y tư cửu phẩm.

Tuệ Tĩnh ôm một nỗi nhớ quê cô đơn và không biết ông đã chết vào năm nào, tháng nào! Chỉ biết, trước khi chết, ông có nhắn lại một câu “Ngày sau có ai người nước Nam qua đây xin đưa hài cốt tôi về với!”.

Gần 300 năm sau, ông Nguyễn Danh Nho (Sầm Hiên 1638-1699) người xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng – cùng quê với Tuệ Tĩnh, trong đoàn sứ giả Việt Nam sang thời nhà Thanh, đã ghé thăm mộ Tuệ Tĩnh và cho in dập bia mộ ông đem về Việt Nam lập đền thờ. Đó là Đền Bia ở Văn Thai với câu đối:

Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa
Thánh sư diệu dược trấn Nam bang

(Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng Trung Quốc
Chữa bệnh thần diệu tài quán Nam Bang)

Đền Bia, (thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn) – nơi lưu giữ tấm bia có ghi tạc lời di nguyện của ông.

Ông đã được thờ ở ngôi vị cao nhất trong Y miếu Thăng Long, được dựng tượng, và được đặt tên cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Hải Dương, Huế, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, v.v. Nhưng thiết nghĩ, cốt cách của ông, ảnh hưởng của ông, những giá trị y dược mà ông để lại cho hậu thế cần phải được phát huy, cần phải được lan tỏa trong một không gian rộng hơn nữa.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111