Binh pháp Hồ Chí Minh về kết hợp đánh với đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Binh pháp Hồ Chí Minh về kết hợp đánh với đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Mưu lược của Người về kết hợp đánh với đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đạt tới trình độ nghệ thuật và có thể gọi là “binh pháp”.
Tầm nhìn trong lựa chọn và bố trí cán bộ chiến lược
Với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: “Đối với Mỹ, ta có cách chủ động để đi tới cho nó rút ra, vì rất phức tạp. Một tay đánh, một tay mở cho nó ra, trước cửa cần có rèm chống”. Sau khi có quyết sách chiến lược, để kết hợp đánh với đàm, Bác Hồ đã cùng Bộ Chính trị đi trước một bước trong lựa chọn và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở chiến trường và mặt trận ngoại giao sau này.
Một là, 3 tháng sau khi có Nghị quyết Trung ương 15 khóa II, ngày 31-8-1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964), ngày 25 và 26-9-1964, Bác Hồ đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam và chỉ đạo: “Miền Nam phải… xây dựng chủ lực thành quả đấm mạnh, gọn, nhanh. Hai năm qua chưa tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị cho miền Nam, nay tình hình cấp bách không đi không được”. Tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Vào chiến trường lần này còn có một số cán bộ cao cấp Quân đội có quyết tâm chiến lược và kinh nghiệm chỉ huy là các đồng chí: Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm, Trần Văn Phác… Đoàn cán bộ chiến lược đã kịp thời tới chiến trường trước khi Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965.
Hai là, năm 1962, đồng chí Nguyễn Thị Bình được điều trở lại miền Nam giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia các hoạt động đối ngoại và tới năm 1969 là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Hội nghị Paris. Tháng 4-1963, đồng chí Xuân Thủy được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (tới tháng 3-1965) và từ năm 1968 là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại cuộc đàm phán ở Paris. Đồng chí Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh Bộ tư lệnh Phòng không năm 1962 và Tư lệnh đầu tiên của Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân (PK-KQ) mới được thành lập năm 1963.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung đoàn 921 ngày 9-11-1964. Ảnh: TTXVN |
Ba là, ngày 1-4-1965, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đã được cử kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và từ năm 1968 là Thường trực của “Tiểu ban Việt Nam-CP.50” do Bộ Chính trị quyết định thành lập và trực tiếp lãnh đạo. CP.50 làm công tác nghiên cứu các phương án đấu tranh giúp Bộ Chính trị chỉ đạo đàm phán.
Bốn là, tháng 8-1965, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Lê Đức Thọ đã được cử dẫn đầu đoàn đại biểu sang thăm Pháp. Trong đoàn có các đồng chí: Lưu Văn Lợi và Mai Văn Bộ sau này tham gia hai đoàn đàm phán của ta ở Paris. Mục đích chuyến thăm của đoàn là vận động dư luận Pháp và dư luận quốc tế lên án Mỹ xâm lược và ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước. Một sự trùng hợp, đồng chí Lê Đức Thọ và hai đồng chí Lưu Văn Lợi, Mai Văn Bộ đã được tới Paris “tiền trạm” trước khi ta mở mặt trận ngoại giao. Đối ngoại Đảng đã đi trước một bước. Tháng 2-1968, đồng chí Lê Đức Thọ được cử vào làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam (đồng chí đã làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ 1952-1954). Tháng 5-1968, Bác Hồ đã viết thư đề nghị Bộ Chính trị điều đồng chí Lê Đức Thọ ra Hà Nội và cuối tháng 6 sang Paris làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đồng chí Lê Đức Thọ “là đại diện toàn quyền của lãnh đạo Việt Nam đối với tất cả các cơ quan và các phái đoàn chính thức của ta, cũng như các tổ chức thuộc lực lượng kháng chiến hai miền Nam-Bắc Việt Nam tham gia đấu tranh ngoại giao tại Paris”.
Mở đầu cài thế chiến lược đánh và đàm
“Lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy bắt đầu từ đó”. Nhìn lại các dấu mốc thời gian lịch sử kháng chiến, có thể nhận diện được thiết kế chiến lược-“Binh pháp Hồ Chí Minh” mở các mặt trận liên hoàn trong triển khai chiến lược kết hợp đánh và đàm của một nước nhỏ tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống lại một đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất thế giới trong cục diện Chiến tranh Lạnh đối đầu Mỹ-Xô và từ năm 1972 xuất hiện tam giác chiến lược Mỹ-Xô-Trung.
Thứ nhất, “mở mặt trận trên không” trước ở miền Bắc.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964, ngày 9-11-1964, Bác Hồ tới thăm Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 mới được thành lập. Người căn dặn: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài đã trực tiếp cùng Đảng ủy Quân chủng, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 921 khẩn trương nghiên cứu các phương án tác chiến và cách đánh để hoàn thành trách nhiệm lịch sử mà Bác Hồ đã giao phó. Trong trận chiến đầu tiên ngày 3-4-1965, Không quân ta đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F-8 của Hải quân Mỹ. Ngày 4-4-1965, Không quân ta tiếp tục bắn rơi tại chỗ 2 “Thần sấm” F-105 Mỹ.
Ngày 19-7-1965, trong chuyến thăm đơn vị súng máy tự hành thuộc Trung đoàn Pháo Phòng không 234 tại sân bay Bạch Mai, trước ngày đơn vị lên đường chiến đấu bảo vệ các đơn vị tên lửa phòng không lần đầu xuất trận, Bác Hồ khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Như vậy, theo chỉ đạo của Bác Hồ, “mặt trận trên không” đã được triển khai trước ở miền Bắc và giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược ngay sau khi Mỹ đưa quân vào miền Nam (3-1965).
Thứ hai, mở mặt trận đánh Mỹ ở miền Nam- “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Trước khi Mỹ đưa quân vào miền Nam (3-1965), Hội nghị lần thứ ba Trung ương Cục miền Nam tháng 1-1965 dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Chí Thanh đã dự báo đúng tình hình, khẳng định lập trường tư tưởng và xác định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược mà Bác Hồ đã căn dặn: “Cần chuẩn bị tư tưởng thật vững vàng trong tình thế quyết thắng giặc Mỹ. Chống các loại tư tưởng ngán Mỹ, sợ Mỹ và sợ lâu dài ác liệt, ảo tưởng hòa bình”.
Thứ ba, “Hội nghị Diên Hồng” quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Những chiến thắng giặc Mỹ xâm lược ở “mặt trận trên không” tại miền Bắc và ở chiến trường miền Nam trong năm 1965 là cơ sở thực tiễn quyết định để Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 12 khóa III từ ngày 21 đến 27-12-1965 thông qua chủ trương, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong phiên họp bế mạc hội nghị, Bác Hồ đã khẳng định: “…Qua những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu ở hội nghị, thấy nổi bật hai điểm quan trọng: Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Ta nhất định thắng”.
Thứ tư, mở mặt trận ngoại giao
Những thắng lợi to lớn tiếp theo ở chiến trường miền Nam và trên “mặt trận trên không” ở miền Bắc trong năm 1966 là căn cứ thực tiễn xác thực để Hội nghị Trung ương 13 tháng 1-1967 ra Nghị quyết “Về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Nhưng để mở mặt trận ngoại giao thì cần phải có thực lực đủ mạnh. Đáp lại thông điệp thương lượng “kẻ cả” của Mỹ, trong “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Johnson” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 22-3-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”.
Thứ năm, ngoại giao thực lực-“Chiêng có to, tiếng mới lớn”.
Để tạo thực lực cho ngoại giao, Người cùng Bộ Chính trị xúc tiến kế hoạch mở một cuộc tiến công chiến lược ở chiến trường miền Nam nhằm “giáng cho chúng những đòn tiến công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh”. Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị đã họp ra Nghị quyết về “Tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam”, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong cuộc họp lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho chỉ huy các chiến trường: “Kế hoạch phải thật tỉ mỉ; hợp đồng phải thật ăn khớp; bí mật phải thật tuyệt đối; hành động phải thật kiên quyết; cán bộ phải thật gương mẫu”. Nghị quyết này của Bộ Chính trị sau đó được Hội nghị Trung ương 14 thông qua thành nghị quyết của hội nghị.
Thứ sáu, đánh để buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán vô điều kiện
Thắng lợi to lớn của đợt 1 Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đã đánh nhụt ý chí xâm lược của Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của chúng trên chiến trường. Đêm 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã buộc phải đơn phương tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt vai trò chiến đấu trực tiếp của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam, trao trách nhiệm cho quân ngụy, ngừng mọi hành động không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và sẵn sàng cử đại diện đàm phán với phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đợt 2 được bắt đầu vào đêm 4 rạng sáng 5-5-1968 và 8 ngày sau, ngày 13-5-1968, phiên họp công khai đầu tiên giữa đoàn Mỹ với đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được khai mạc tại Hội trường Kléber, Paris.
Trong thư “Gửi chú Ba Duẩn” ngày 10-3-1968 từ Bắc Kinh, Bác Hồ đã đề nghị tổ chức chuyến thăm miền Nam: “Thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em…”. Như vậy “màn thứ ba” đã được Người dự liệu từ trước và đợt 3 của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân mở màn ngày 17-8-1968. Bốn ngày sau khi ta mở “màn thứ ba”-ngày 21-8-1968, tại Paris phía Mỹ đã ngỏ ý tiếp xúc cấp cao. Ta chấp nhận. Tới thời điểm này, hai bên đã có 18 phiên họp công khai và 4 cuộc tiếp xúc riêng cấp phó đoàn. Từ đây, đàm phán ở Paris bước vào giai đoạn mới.
Trong thiết kế chiến lược về kết hợp đánh với đàm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chủ động mở mặt trận đánh và đàm theo một trình tự logic mà còn dự liệu từ trước lộ trình chiến lược kết thúc đàm và đánh.
Một là, ngoại giao là mặt trận có ý nghĩa chiến lược.
Thành công đầu tiên của đoàn đàm phán ở Paris là đã chủ động kiến nghị Bộ Chính trị điều chỉnh yêu cầu đối với đối phương, nhờ vậy đã tranh thủ thời gian để kịp đi tới thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện vào ngày 31-10-1968 và sau đó tiến hành họp 4 bên vào ngày 25-1-1969. Thắng lợi này có tác động hỗ trợ lớn cho chiến trường miền Nam khi đó đang gặp khó khăn sau “màn 3” của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đồng thời, “ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”, được khẳng định trong Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 4-1969. Sau khi Bác Hồ mất, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gánh vác trách nhiệm lãnh đạo kết hợp đánh với đàm.
Tiểu ban Việt Nam-CP.50 tinh hoa đã làm việc không kể thời gian. Ở Paris, “binh chủng” ngoại giao và đối ngoại đã đoàn kết keo sơn gắn bó, phát huy tối đa trí tuệ tập thể và vai trò cá nhân phụ trách. “Bộ ba” Lê Đức Thọ-Xuân Thủy-Nguyễn Thị Bình và “bộ ba” Lê Đức Thọ-Xuân Thủy-Nguyễn Cơ Thạch đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Hai đoàn của ta “tuy hai mà một, tuy một mà hai”.
Hai là, “Mỹ phải ra, quân ta ở lại”.
Trong gần 3 năm đàm phán, phía Mỹ khăng khăng đòi hai bên phải cùng rút quân. Quán triệt lời dạy của Bác Hồ “dĩ bất biến ứng vạn biến”, ta luôn giữ vững nguyên tắc, nhưng sáng tạo và có sách lược mềm dẻo. Ngay từ ngày 8-5-1969, đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đưa ra “Giải pháp toàn bộ 10 điểm”, trong đó điểm 3 nêu rõ: “Vấn đề các LLVT Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”. Sau đó, ta luôn kiên trì sách lược này trong đấu tranh với Mỹ và Mỹ không có lý nào để bác lại (nội dung này đã được ghi ở Điều 13 của Hiệp định). Tới ngày 11-10-1971, trong đề nghị chuyển cho đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ mới không còn nêu vấn đề quân miền Bắc. Trong giai đoạn này, để hậu thuẫn cho đấu tranh ngoại giao, ta đã đẩy mạnh tiến công quân sự, làm thất bại cuộc tấn công của địch ở Mỏ Vẹt, Campuchia (tháng 4-1970) và làm phá sản cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang Đường 9-Nam Lào (tháng 2-1971).
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với nụ cười thắng lợi tại Hội nghị Paris. Ảnh tư liệu |
Ba là, độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế
Tinh thần và bản lĩnh độc lập tự chủ của tổ tiên được kế thừa, hun đúc trong tư tưởng Hồ Chí Minh “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào” luôn được các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình cùng tập thể đoàn đàm phán quán triệt và thực hiện một cách khéo léo, triệt để trong suốt quá trình đàm phán ở Paris.
Sau thất bại quân sự ở Campuchia và Lào, Mỹ bắt đầu giở trò “đi đêm” với Trung Quốc và Liên Xô để ép ta. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào tháng 2-1972, ngày 22-3-1972, Mỹ đã tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô điều kiện với hy vọng dùng tác động bên ngoài để ép ta.
Để hỗ trợ và thúc đẩy đàm phán tới lúc có thể ngả bài, theo chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 30-3-1972, Quân Giải phóng miền Nam mở Chiến dịch Xuân-Hè tấn công địch từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngày 6-4-1972, Mỹ ném bom lại miền Bắc Việt Nam.
Tháng 5-1972, Tổng thống Nixon thăm Moscow. Hai lần Mỹ gợi ý Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ có thể tới Bắc Kinh và Moscow để “thảo luận nghiêm chỉnh” với Henry Kissinger tháp tùng các chuyến thăm của tổng thống, ta đều nhã nhặn từ chối và buộc Mỹ phải tiếp tục đàm phán trực tiếp với ta ở Paris. Khi gặp riêng được nối lại ngày 28-6-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói thẳng với Cố vấn Kissinger: “Trong một ván cờ, quyết định thắng-bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi”.
Những lần qua Liên Xô và Trung Quốc, đồng chí Lê Đức Thọ đã gặp và thông báo cho lãnh đạo hai nước về tiến trình đàm phán ở Paris nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cả hai nước. Trong quá trình đàm phán ở Paris, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã cùng chủ động và phối hợp chặt chẽ nhằm kết hợp tối ưu sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng được “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”.
Sau khi ta đã giải phóng được Quảng Trị và Lộc Ninh, Bộ Chính trị quyết định đã tới thời cơ đi vào giải pháp trong đàm phán Paris trước bầu cử ở Mỹ. Ngày 8-10-1972, trong cuộc gặp riêng, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã trao cho Kissinger bản “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Trong thông điệp ngày 20-10-1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Nixon đã xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31-10-1972 tại Paris.
Bốn là, “Mỹ chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
“Hòa bình trong tầm tay” đã cuốn theo chiều gió khi Mỹ lật lọng và tiến hành Chiến dịch Linebacker II không kích Hà Nội bằng B-52 từ tối 18-12 đến 30-12-1972 nhằm ép ta ký Hiệp định theo sửa đổi của Mỹ. Nhưng Mỹ đã thất bại vì từ 10 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu và chỉ đạo chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược này khi Mỹ chưa đánh phá miền Bắc và chưa đưa quân vào miền Nam. Năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Người căn dặn: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”.
Ngày 24-3-1966, Bác Hồ tới thăm Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), xem xác máy bay không người lái tầng cao BQM-34A bị máy bay MiG-21 của ta bắn rơi ở độ cao 18km và căn dặn: Mỹ đã đưa máy bay B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Tên lửa của ta có thể bắn tới máy bay B-52, nhưng đánh thế nào để thắng thì cần nghiên cứu. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú PK-KQ. Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Ngay từ bây giờ, các chú phải chuẩn bị đối phó vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc…
Tháng 6-1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Bác Hồ đã thống nhất chủ trương: Sớm đưa tên lửa phòng không vào Nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52. Người đã chỉ thị cho Bộ đội PK-KQ: Muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp phải vào tận hang. Tháng 8-1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bác, Quân chủng PK-KQ bí mật đưa lực lượng tên lửa và radar vào chiến trường Vĩnh Linh, trực tiếp tìm hiểu tính năng kỹ-chiến thuật, nghiên cứu quy luật hoạt động, cách đánh phá của B-52, từ đó tìm ra cách đánh B-52 thích hợp. Trên tuyến đầu Vĩnh Linh, ngày 17-9-1967, ta bắn hạ 2 máy bay B-52 của Mỹ. Đây là chiến công lớn có ý nghĩa chiến lược, khẳng định tên lửa của ta có thể quật ngã “siêu pháo đài bay”.
Cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó tổng Tham mưu trưởng), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng; ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Nhờ dự báo tài tình cùng sự chỉ đạo sát sao của Bác Hồ, ta đã chuẩn bị chu đáo từ trước với sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô và cuối cùng đã làm nên kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử không chiến thế giới. “Mặt trận trên không” đã được mở đầu và kết thúc đúng như dự liệu thiên tài của Bác. Sau thảm bại trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc và quay lại bàn đàm phán. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23-1-1973 và được ký chính thức ngày 27-1-1973, với nội dung cơ bản như dự thảo của ta đưa ra hồi tháng 10-1972. Với thắng lợi ngoại giao này, thiết kế chiến lược của Bác Hồ về “đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện.
Năm là, “đánh cho ngụy nhào”.
Sau khi ký Hiệp định Paris, quán triệt sâu sắc thiết kế chiến lược của Bác Hồ trong Thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969, ta đã chủ động chuẩn bị các phương án có thể diễn ra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 ngày 13-10-1973 nêu rõ: “Ta phải rất cảnh giác, kiên quyết, bền bỉ, khôn khéo, nắm vững phương hướng chung là ta phải mạnh trên cả 3 mặt trận (chính trị, quân sự, ngoại giao) để thắng địch, buộc địch thi hành Hiệp định, đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn”.
Do ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ hỗ trợ phá hoại Hiệp định Paris, tiến hành các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” nhằm bình định, lấn chiếm vùng giải phóng, ta không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường bạo lực cách mạng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Ôn cố nhi tri tân”, tiếp tục nghiên cứu thiết kế chiến lược-“binh pháp Hồ Chí Minh” về kết hợp đánh với đàm ở tầm cao của thời đại trong thế kỷ 20 sẽ giúp ta rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích, thiết thực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ 21. Đó là dự báo chiến lược đúng đắn đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí đúng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ngang tầm trọng trách; thiết kế chiến lược và triển khai thế trận kết hợp chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao và văn hóa linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm và ngang tầm thời đại; kết hợp tối ưu sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế nhằm tạo lực và thế mạnh hơn như Bác Hồ đã dạy kế sách tạo “thế thắng lực”: “Quả cân chỉ một ki-lô-gam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm ki-lô-gam. Đó là thế thắng lực”… Có như vậy mới có thể giữ nước từ sớm, từ xa và đạt được mục tiêu chiến lược của dân tộc trong từng bối cảnh thế giới và khu vực cụ thể luôn thay đổi.
TS NGUYỄN ĐÌNH LUÂN, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học, Bộ Ngoại giao
Nguồn:báo QĐND